Trời vừa hay mới hửng sáng mà con gà trống trong vườn đã gáy loạn cả lên, mấy con gà nhà hàng xóm thấy thế cũng thi nhau gáy ầm ĩ. Đám gà gáy mãi như thể đang muốn nhắc nhở cô bé dậy làm việc, nói đúng hơn cho chúng ăn.
Tụ nó cứ gáy mãi làm cô bé chẳng còn ngủ được nữa, đành phủi đống rơm trên người đi rồi dậy chặt chuối cho tụ nó ăn.
Thân chuối đã to thì thôi mà dao chặt lại mòn, cố lắm mới cắt nổi một lát. Băm được một chậu cho gà ăn thì mặt trời đã chiếu đến mông.
Nhưng nhìn tụ nó ăn ngon lành làm cô bé phần nào đói theo tụ nó, bèn chạy ra chum nước uống cho tới căng bụng. Vậy là có sức để làm việc.
Nhân lúc trời còn chưa nắng gắt, cô bé xách đống quần áo trong giỏ đi giặt. Sáng sớm ai cũng tranh thủ đi giặt nên mới đến sông đã thấy các cô các bác ngồi giặt cùng nhau.
Có bác gái lớn tuổi đang giặt thì đột nhiên thấy cô bé, bác cuống cuồng giũ cái quần rồi bỏ đi. Các cô thấy cô bé đến cũng liền vội vàng bỏ đống quần áo vào giỏ, chưa xong thì cũng vứt vô chậu để xách đi luôn. Ai nấy đều thận trọng rời đi, chẳng ai màng liếc cô bé lấy một lần.
Hai ven sông vừa mới tràn ngập tiếng cười đùa mà giây sau đã vắng lặng, không còn bóng người. Cô bé chẳng muốn nghĩ gì, lẳng lặng ngồi cạnh ven sông giặt giỏ quần áo.
Đôi tay trơ xương gồng hết sức để chà ống quần vào vách đá, chà lên chà xuống như thế nào cũng không làm vết bùn trên ống quần biến mất. Có chà mãi thì cái quần vẫn vậy, ở đó dính vẫn một vết nhơ. Cô bé chỉ đành xách cái quần bẩn với giỏ mới giặt xong về nhà.
Đống quần áo được cô vắt lên hàng rào để phơi khô. Mùa hè nắng nóng thường đến rất sớm, hiện giờ trời cũng đã bắt đầu oi bức rồi. Cô bé nhanh tay tranh thủ phơi trước khi trời nắng gắt hơn.
"Con ranh kia. Lên đây!" Từ trên nhà có giọng gắt gỏng của người đàn ông vọng xuống, cô bé vội bỏ dở đống quần áo trong giỏ để chạy lên lầu.
"Bố gọi con ạ-" Người đàn ông không nói gì, thẳng thừng ném chai nhựa vào đầu cô bé. Bản thân thì vẫn nằm trên chiếc giường cũ nát, lười biếng sai bảo:
"Đi mua rượu, cấm lòng và lòng vòng. Hiểu chưa?"
Cô bé lủi thủi nhặt cái chai lên, vâng lời ra ngoài mua rượu.
Cô bé không muốn đi, đường xa thì cô không ngại. Ngại ở chỗ nhà bà bán rượu chẳng mấy ưa gì cô. Mỗi lần đến bà lúc nào cũng bĩu môi, luôn miệng mấy lời kháy châm chọc, toàn để con chó sủa vào mặt cô không cho vào nhà.
Nhưng ông ấy đã bảo thì sao dám cãi lại được. Huống hồ những đòn roi hôm qua chưa lành, nếu nhận thêm chắc cô bé khó lòng chịu được.
Cô bé đi hơn hai cây số mới đến xóm bên, trên đường đi thì trời đã nắng gắt gao, làm cả sau lưng cô bé ướt đẫm mồ hôi. Đến được nhà bà Hoa thì đã mệt rã rời.
Cô dùng vạt áo bẩn lau mồ hôi ướt đẫm trên trán đi mới có sức gân cổ lên cố gọi tên bà Hoa.
Giọng nói của cô bé vọng tới tận trong nhà nhưng không có ai trả lời, chỉ có tiếng chó sủa là hồi đáp duy nhất cô bé nhận lại. Cô bé vẫn kiên trì, tiếp tục gọi tên bà Hoa.
"Bà ơi! Bà Hoa ơi! Bà-"
"Gọi lắm gọi mãi không chán hả?!" Một người phụ nữ trung niên từ trong nhà bước ra, trên tay vẫn cầm tẩu thuốc phiện nghi ngút khói, sắc mặt bà khó chịu nhìn cô bé trước cửa.
"Bố cháu bảo sang mua-"
"Mua mua mua, mua cái đầu nhà mày! Nhà mày nợ tao tiền rượu đã 1 tháng rồi còn bảo mua." Bà hậm hực quát thẳng vào mặt cô bé, hút một hơi dài điếu thuốc trên tay mới trông bình tĩnh lại.
"Về bảo thằng bố mày trả tiền cho tao trước, rồi mày mua cả cái nhà này tao cũng bán!"
Bà Hoa vừa dứt lời liền đóng sầm cửa, bỏ mặc cô ở bên ngoài ngơ ngác. Không được! Cô bé không thể về tay trắng. Cô lau mồ hôi trên mặt đi và lấy sức gọi bà Hoa lần nữa. Nhưng lần này cho dù cô có gọi đến rát họng thì cánh cửa vẫn đóng chặt.
Chẳng làm gì hơn được, cô chỉ đành ngậm ngùi ra về. Cô chọn đi đường về khác thay vì đường ban đầu, đơn giản vì cô chưa muốn về nhà, thêm nữa nay là chợ phiên, cô muốn xem người ta họp chợ.
Cứ 5 ngày là người ta họp chợ một lần ở cạnh sông, phiên chợ nào cũng đặc biệt náo nhiệt vô cùng. Tiếng chào hàng của người bán cùng tiếng cười nói của mọi người từ bên kia sông vang vọng đến tận bên này, mấy dan hàng người ta bày thì toàn của hay vật lạ. Còn có mùi hương của bánh mới rán thơm từ bên kia sông qua làm cô thèm chảy nước miếng.
Đã lâu rồi cô bé chưa ăn bánh rán, nay thậm chí còn chưa có gì bỏ bụng. Cô muốn chạy qua đó ăn thử, rất muốn nhưng trên người lại chẳng có một đồng. Đành cắn lưỡi nhịn, tiếp tục con đường về nhà.
Về đến xóm ấy thế mà bắt gặp cái Thoa đang chơi với mấy đứa em nhỏ, nhìn tụ nó cười đùa chơi ô ăn quan làm cô cũng muốn nhập cuộc. Tính nhảy vào xin chơi cùng mà chưa tiến gần được bao nhiêu thì bị Thoa thấy. Mặt nó tái mét, bỏ vội đống đá trên tay xuống rồi kéo lũ bạn chạy đi.
Thoa vừa kéo tụ bạn đi vừa xầm xì to nhỏ với chúng nó, bảo một câu rõ to: "Con ông Tuấn mang xúi quẩy nặng lắm!"
Cô bé nghe thấy rồi, nhưng chẳng nói gì, cũng chẳng muốn nghĩ nhiều. Tiếp tục đi về nhà.
Đi, đi mãi trên con đường dài, điểm cuối cùng của cô bé vẫn là ngôi nhà gỗ hoang tàn.
Bố của cô bé nằm đợi sẵn trên ghế. Mắt ông ta thờ thẫn nhìn lên trần nhà, biết cô đã về thì liền ra lệnh cô đem chai rượu đến. Đôi chân bé nhỏ bước đi nặng trĩu dần tiến tới chỗ của người đàn ông. Thận trọng đặt chai nước vào tay ông ta.
Tưởng chừng mọi chuyện đã ổn. Đột nhiên, ông ta ngồi dậy thẳng tắp, cau có nhìn cô, hỏi:
"Sao chai trống?" Cô bé mím chặt môi, không dám lên tiếng. "Tao hỏi sao chai lại trống rỗng như này? Mày nghe không?"
Đôi tay run rẩy nắm chặt lấy mảnh vải trên người, ấp a ấp úng trả lời:
"Bà H- Hoa nói nhà m- mình phải trả tiền-" Cả người cô bé run rẩy trước người đàn ông, một từ cũng không thể thốt ra hoàn chỉnh.
"Tiền đâu, sao không đưa cho mụ?" Cô bé còn chưa kịp mở miệng thì người đàn ông đã liền chặn họng cô.
"Tao đưa tiền cho mày để làm gì? Hả!?" Một đồng cô bé cũng không được cầm, mà chưa kịp nói thì người đàn ông đã một mực khẳng định cô giấu tiền đi. Đôi mắt lờ đờ bộc lộ rõ cơn giận trong lòng đang chờ bộc phát.
"Con nhãi ranh vô dụng!"
Một cú tát giáng trực tiếp vào má cô bé khiến cả người ngã nhào lên thành ghế. Từ sau truyền đến cơn đau nhức nhối vô cùng, những vết thương từ hôm qua mới dịu lại trở về khiến toàn thân cô bé đau đớn không nhúc nhích nổi.
Chưa đủ, ông ta cầm cây roi tre bên ghế liên tiếp đánh vào người cô. Cô bé không thể phản kháng, chỉ có thể lẳng lặng hứng chịu những gì đến.
Ông ta đánh tới khi cây roi mây gãy mới dừng, cô bé còn chưa kịp thở ra hơi thì ông ta đã bắt cánh tay gầy gò của cô bé lôi ra sân sau. Ông nhét cô bé vào cái lồng gà lớn, đội những cục đá lớn ngay phía trên. Những cục đá nặng phía trên làm cái lồng biến dạng, không biết cái lồng sẽ chống cự bao lâu trước khi nó mấy cục đá lớn đó đè nát lồng, và cả cô.
"Để tao xem sau này mày còn dám bướng. Tí tuổi đầu dám cãi bố mẹ" Nói xong ông ta liền bỏ vào trong nhà, để cô bé lại bên ngoài trong tiết trời gắt gao, miệng vẫn còn lẩm bẩm lời chửi rủa.
Cô bé gượng dậy trong tư thế ngồi, đầu nặng trĩu gục lên lồng tre nứa. Lồng gà này vốn rất nhỏ, chỉ đủ chứa 2 con gà trống nên cô bé chỉ có thể ngồi im một chỗ nhìn hàng xóm xung quanh trở về sau chợ.
Cô bắt gặp mẹ cái Thoa vừa dắt đứa con nhỏ đi về, bé một tay nắm lấy mẹ, tay kia cầm bánh rán ăn ngon lành. Mẹ Thoa bắt gặp cô đang nhìn, cô bồng đứa con lên ôm chặt rồi gượng mỉm cười với cô bé.
Mẹ Thoa dường như còn muốn bắt chuyện, nhưng rồi lại thôi. Cổ lẳng lặng quay người đưa con nhỏ vào trong nhà, chắc mẹ cái Thoa thấy cô mang vía nặng nên sợ.
Cũng đúng, ai mà không ngại xúi quẩy.