Liêu Trai Chí Dị

Chương 74: Ma học đàn



Hoạn Nương

Ông như Xuân, con nhà dòng dõi đất Thiểm Tây, mê say đàn cầm từ nhỏ, ngày nào cũng luyện tập, dù đi đâu cũng không sao nhãng.

Có lần chàng đi chơi Sơn Tây,qua một ngôi chùa cổ, buộc ngựa ngoài cổng rẽ vào nghỉ cho đỡ mệt.Trên hành lang có một đạo sĩ mặc áo vải ngồi xổm ở đó, gậy trúc tựa vách, cây đàn đựng trong túi vải thêu bông. Xuân thấy đàn hợp ý bèn cất tiếng hỏi làm quen:

- Đạo sị cũng sành nghề chơi này?

Đáp:

- Cũng chẳng sành. Chỉ mong gặp được bậc nào giỏi để học thêm.

Vừa nói ông vừa mở túi lấy đàn đưa cho Xuân xem. Chàng thấy cây đàn có vân tuyệt đẹp, thử dạo một vài tiếng thấy trong ấm lạ thường, liền nổi hứng gãy luôn một khúc ngăn ngắn. Đạo sĩ nhếch mép có ý cho đó là chưa được. Xuân trổ tài luông một khúc khác nữa. Đạo sĩ khen gượng:

- Cũng khá! Cũng khá! Nhưng chưa thể làm thầy ta được.

Xuân nghe nói có vẻ khoe khoang, muốn xem tài thực, liền xin cho được nghe ông thử đàn. Đạo sĩ tiếp lấy đàn đặc trên đầu gối, vừa mới gãy vào dây tơ đã nghe như có gió mát thoảng đến. Khúc đàn rung lên thì có cả trăm thứ chim lượn tới, đậu kín trên cây trước sân chùa. Xuân sửng sốt kính phục, vội vàng sụp lạy xin được dạy bảo cho.

Đạo sĩ đàn luôn ba lượt, chàng chăm chú nghe dần dần hiểu được khúc điệu. Đạo sĩ biểu chàng gảy lại chỗ nào sai thì uốn nắn cho. Cuối cùng ông nói:

- Như thế là trần gian không ai sánh bằng anh rôì!

Từ đó trở đi Xuân ra sức nghiền ngẫm tập dượt, tài đàn trở thành tuyệt giỏi.

Sau đó chàng trở về quê, còn cách nhà mấy chục dặm thì trời tối bỗng mưa to, không biết nghỉ chân vào đâu. Nhìn quanh quất bên đường thấy có một xóm nhỏ liền rảo bước tới, không kịp hỏi han chọn lựa, chỉ thấy có một cái cửa ngỏ là bước luôn vào, đến tận nhà giữa vẫn thấy vắng tanh.

Lát sau có một thiếu nữ độ mười bảy đến mười tám tuổi ở trong nhà đi ra, đẹp như tiên sa. Chợt thấy khách lạ, cô ta ù té chạy quay vào. Còn là trai tân, vừa nhìn thấy cô nàng, Xuân đã không kìm được lòng.

Rồi một bà lão ra tiếp khách. Chàng xưng tên họ, xin ngủ trọ một đêm. Bà lão cho biết, trọ lại cũng được, chỉ hiềm nhà không có giường chõng gì cho khách, chỉ có thể trải một thứ gì xuống đất nghỉ tạm. Nói xong, bà lão thắp đèn bưng ra ôm cỏ khô rãi xuống đất. Thấy thái độ ân cần, niềm nở của bà, chàng liền hỏi họ tên để làm quen. Bà trả lời:

- Già họ Tiêu.

- Còn cô em lúc nãy là ai?

- Đó là con gái nuôi của già, tên là Hoạn Nương.

Xuân đánh bạo tán luôn:

- Nếu cụ không chê tôi nghèo, tôi nhờ mối đến hỏi cô em có được không?

Bà cụ lắc đầu:

- Điều đó thì già không chìu lòng được.

Xuân căn dặn vì sao? Bà chỉ đáp: Khó nói!

Câu chuyện giữa chủ và khách đến đó chấm dứt. Bà lão vào nhà trong để khách đi nghỉ. Nhưng xem đến cỏ trải ổ thì ướt và mục không thể nào nằm được. Xuân đành ngồi gảy đàn cho qua đêm dài. Mưa tạnh, chàng từ giã chủ nhà ra về.

*

Trong làng có quan Lang trung họ Cát về hưu. Ông xưa nay vẫn quý những người có tài văn nghệ. Nhân đó Xuân tìm đến chơi. Ông Cát biết tài Xuân bảo gảy đàn cho nghe. Khi tiến đàn rung lên, thấp thoáng trong mành có bóng đàn bà con gái rình nghe. Một cơn gió thổi mạnh lay động bức mành. Xuân vội liếc mắt nhìn, thấy một thiếu nữ nhan sắc tuyệt trần. Đó chính là con gái chủ nhân tên là Lương Công, vừa giỏi văn chương từ phú lại nổi tiếng là bậc tiên nữ trong vùng.

Chàng xiêu lòng, về thưa với mẹ cậy người đến hỏi, nhưng ông Cát chê nhà Xuân sa sút không chịu gả.

Từ khi Lương Công được nghe Xuân trổ ngón đàn, lòng đã hâm mộ lắm, chỉ ước được nghe nữa. Song vì chuyện dạm hỏi không thành,Xuân phẫn chí không muốn lui tới nữa. Một hôm nàng ra vườn chơi, ngẫu nhiên nhặt được một tờ hoa tiên không còn mới lắm, trong có viết bài từ “Tiếc xuân thừa”. Nàng thích văn hay, ngâm ngợi ba bốn lần rồi đem vào buồng riêng, lấy vải hoa nền gấm chép cẩn thận thành một bản khác để trên án. Nhưng lạ quá, chỉ lát sau tờ giấy có bài từ ấy đã biến đâu mất. Nàng cứ ngỡ là gió thổi bay đi. Không ngờ ông Cát đi qua phòng ấy, nhặt được, tin là con gái làm ra. Thấy lời lẽ lẳng lơ, ông ghét lắm đem đốt đi mà không nói ra om sòm, chỉ mong mau chóng gả chồng cho con, khỏi ngại.

Vừa lúc ấy quan Lưu Phương Bá ở làng bên đến dạm hỏi cho con. Ông Cát lấy làm ưng, song muốn đợi xem mặt chàng rể mới quyết. Hôm ấy Lưu công tử ăn vận cực kỳ sang trọng đến ra mắt. Ông Cát thấy công tử đẹp trai, ưng ngay, bày tiệc khoản đãi rất hậu hĩ. Khi công tử đứng dậy ra về, trên chỗ ngồi rớt lại một chiếc giày con gái. Ông Cát thấy vậy, phát ghét anh chàng này là kẻ bờm xơm, đàng điếm, liền nói bà mối đến nói rõ lý do không gả con gái cho nữa. Công tử ra sức biện bạch rằng oan, nhưng ông Cát nhất định bỏ ngoài tai.

Họ Cát có giống hoa cúc xanh, không truyền cho ai. Lương Công đem trồng một chậu cúc quý ấy trong buồng riêng. Và lạ thay vườn cúc nhà Xuân bỗng nhiên cũng nảy ra hai giò màu xanh. Mọi người nghe thấy đua nhau đến ngắm xem. Xuân coi như được của báu. Sáng hôm sau ra vườn hoa sớm, chàng nhặt được bên luống hoa một tờ giấy viết bài “Tiếc xuân thừa”. Không biết nó từ đâu tới chỉ thấy trong bài có chữ Xuân là tên mình, đọc đi đọc lại, suy ngẫm càng thấy làm lạ. Chàng liền đem về bàn, ra công tô điểm, bình luận, lời lẽ có phần thô lỗ.

Nghe nói cúc nhà họ Ông biến ra màu xanh, ông Cát ngạc nhiên thân hành đến nhà học của Xuân để xem thực hư. Ngẫu nhiên trông thấy bài từ, ông cầm lấy toan đọc. Xuân chợt nhớ lời bình của mình trót lỡ sổ sàng không muốn cho ông xem, sợ mang tiếng, vội giàng vò nát. Ông Cát chỉ kịp lướt một hai câu thì đúng là bài từ ông đã nhặt được ở buồng con gái. Ông lấy làm nghi ngờ lắm. Lại cả giống cúc xanh, ông cũng nghĩ là con gái ông tặng cho Xuân không thì anh đào đâu ra?

Về nhà ông nói chuyện với vợ, gọi Lương Công ra tra hỏi. Nàng khóc lóc kêu oan, xin chết để tỏ lòng thực. Mà nghĩ cho cùng việc chẳng có chứng cứ gì đích thực xác, tất cả chỉ là nghi hoặc, không rõ thực hư thế nào? Bà vợ sợ tai tiếng vỡ lở, bàn với chồng gả quách con gái cho Xuân là xong chuyện. Ông Cát đến lúc ấy cũng cho là phải, bèn nhắn tin cho chàng hay.

Xuân bất ngờ mừng quá đỗi, ngay ngày hôm ấy mời bạn bè tới dự tiệc cúc xanh rồi đốt hương thơm gảy đàn cho tới khuya. Chàng về phòng ngủ rồi, đứa tiểu đồng trông coi nhà học nghe đàn cứ tự nhiên thánh thói kêu hoài. Ban đầu nó nghi hay là bọn tôi tớ trong nhà đùa giỡn. Sau thấy không phải, nó chạy vội đi báo với chủ.

Chàng liền đến nhà học, quả thấy sự là đàn kêu, nghe kỹ thì tiếng đàn như cố bắt chước khúc mình chơi, nhưng âm điệu còn chưa chuẩn, chưa nhuyễn. Chàng lập tức cầm đèn xộc vào buồng học thì vẫn thấy vắng tanh không có ai, đem đàn đi, từ đấy mới im. Bấy giờ anh chàng mới nghi là hồ tinh, chắc là nó muốn học đàn. Từ đấy mỗi tối chàng gảy đàn một khúc rồi để đàn lại cho hồ tập, làm y như một thầy dạy đàn vậy.

Hàng đêm chàng lại rình nghe qua sáu bảy đêm tiếng đàn đã réo ráo xuôi tai.

*

Sau khi thành hôn, hai vợ chồng Xuân đọc lại bài từ bỏ rơi hôm trước mới biết cuộc hôn nhân được tác thành đầu mối từ đó. Song còn tại sao nó lại bay tới nhà Xuân thì không rõ. Về sau tiếng đàn tự nhiên kêu, Lương Công cũng rình nghe. Nàng đoán:

- Không phải là hồ ly đâu. Nghe âm điệu não nùng ai oán lắm như có ma ở trong. Vậy chắc là ma.

Xuân không tin. Lương Công khoe ở nhà mình có cái gương cổ có thể soi rõ ma quỷ. Một hôm, nàng sai người về lấy, rình một lúc tiếng đàn nổi lên, lập tức ập vào trong đưa gương chiếu rồi thắp đèn lên. Quả có người con gái đang luống cuống ở góc nhà, không trốn đi đâu được. Xuân nhìn thì chính là Hoạn Nương mà chàng đã gặp ở nhà trọ hồi nào. Chàng cả kinh gặng hỏi tại sao nàng lại ẩn náo nơi đây. Nàng rớt nước mắt đáp lại:

- Thiếp làm mai mối cho chàng và tiểu thư nên duyên nên lứa, đâu phải không có chút công lao. Nay sao nỡ bức bách nhau quá vậy?

Xuân bảo vợ đem cất gương nhưng giao hẹn Hoạn Nương đừng có vội biến đi. Hoạn Nương ưng thuận, ngồi xuống hơi xa mà kể:

- Thiếp là con quan thái thú, sớm thiệt phận đã trăm năm nay. Còn nhỏ rất thích đàn cầm, đàn tranh. Về đàn tranh thì đã tập được ít nhiều, chỉ còn đàn cầm thì chưa được học cho nên dù đã xuống suối vàng vẫn ấm ức mãi. Khi chàng tránh mưa, ghé vào trọ, trộm nghe được điệu đàn, lòng đã hâm mộ, say mê lắm. Chỉ thiệt phận mình là ma, không thể theo đòi nâng khăn sửa túi cho chàng được. Bởi vậy đã ngầm tính cách dun dủi cho chàng gá gá duyên được với nàng tài cao sắc đẹp, đặng báo đền chút tình đoái thương của chàng. Chiếc giày công tử họ Lưu để rơi và bài từ “Tiếc xuân thừa” bay đến, đều là do thiếp tạo ra. Việc báo ơn thấy học đến thế không phải là mệt trí tốn công!

Vợ chồng Xuân nghe xong, rưng rưng cảm động, vội vàng vái tạ. Hoạn Nương tiếp:

- Ngón đàn của chàng thiếp đã luyện được quá nửa rồi, chỉ còn chưa lột được hết tinh thần. Vậy phiền chàng gảy cho tập một lần nữa.

Xuân nhận lời và vừa gảy mẫu vừa chỉ bảo cách thức, Hoạn Nương mừng lắm.

Thiếp nhận được hết chỗ hay rồi. Nói đoạn định đứng dậy từ biệt.

Lương Công vốn giỏi đàng tranh, nghe Hoạn Nương cũng sở trường, bèn xin nàng gảy cho nghe. Hoạn Nương vâng ngay, tiếng đàn vừa rung lên, âm điệu thật tiêu tao réo rắt, cõi trần khó ai sánh kịp. Lương Công trầm trồ khen ngợi, xin Hoạn Nương truyền bảo lại cho. Nàng lấy bút ghi lại bản đàn thành mười tám chương, xong rồi đứng dậy cáo biệt.

Cả hai vợ chồng Xuân cùng cố giữ lại. Giọng Hoạn Nương buồn thảm:

- Chàng và tiểu thư nên duyên cầm sắt tức là bạn tri âm của nhau. Thiếp là kẻ bạc phận có đâu được hưởng phúc ấy. Nếu có duyên trời gặp gỡ thì họa may sum họp kiếp sau.

Nói xong lấy ra một cuốn giấy đưa cho Xuân và nói:

- Đây là bức hình của thiếp. Nếu như không quên bà mối thì xin đem treo ở buồng nằm. Khi nào khoái ý, đốt nén hương thơm, gảy một khúc đàn, tức là thiếp được hưởng vậy.

Nói dứt, bước ra khỏi cửa biến mất.

NGUYỄN VĂN HUYỀN dịch

TruyenFull.com đổi tên miền thành TruyenFull.tv