Giám sinh Lý Nguyệt Sinh là con thứ của ông Lý. Ông rất giàu, dùng vò để đựng vàng, người làng gọi là Bát hàng (Tám vò). Lúc ông bệnh nặng gọi con tới chia gia tài, con trưởng được tám phần, con thứ được hai phần, Nguyệt Sinh không giấu được vẻ thất vọng. Ông nói “Ta không phải là thương đứa này ghét đứa khác đâu, còn có vàng chôn chỗ khác, chờ lúc nào không có nhiều người sẽ nói cho con biết, đừng nóng ruột”. Qua vài hôm, ông chỉ còn thoi thóp, Nguyệt Sinh sợ ông qua đời lúc nào không biết, bèn chờ lúc vắng người tới cạnh giường hỏi khẽ. Ông đáp “Đời người ta sung sướng hay khổ cực đều có số cả rồi, ngươi có phúc có được vợ hiền, thì không nên cho thêm nhiều vàng, chỉ thêm hoạn nạn thôi". Đại khái Nguyệt Sinh có vợ họ Xa, rất hiền thục, có đức độ như Hoàn Thiếu quân, Mạnh Quang* nên ông mới nói thế. Nguyệt Sinh cứ nài nỉ hỏi mãi, ông tức giận nói "Ngươi còn phải vất vả hai mươi năm nữa, dù có cho ngàn vàng cũng sẽ hết sạch, nếu chưa đến lúc cùng đường thì đừng trông mong ta sẽ cho thêm”. Nguyệt Sinh là người hiếu đễ thuần hậu nên cũng không dám nói gì nữa, chỉ mong cho cha khỏe lại thì có lúc sẽ nói ra.
*Hoàn Thiếu quân, Mạnh Quang: Hoàn Thiếu quân là vợ Bào Tuyên, Mạnh Quang là vợ Lương Hồng, cùng là người thời Hán, đều nổi tiếng là vợ hiền.
Không bao lâu, ông Lý bệnh càng nặng, kế chết. May là người anh hiền, nên việc chôn cất không hề so đo với Nguyệt Sinh. Nhưng Nguyệt Sinh tính tình phóng khoáng, không tính toán lặt vặt, lại hiếu khách hay rượu. Có ngày bắt vợ làm cơm dọn rượu ba bốn lần đãi khách, lại không biết coi sóc người nhà làm ăn. Bọn vô lại trong làng thấy hiền lành nhu nhược cứ xúm vào bòn rút, được vài năm dần dần sa sút, song những lúc ngặt nghèo lại sang nhờ vả anh nên cũng không tới nỗi cùng khốn. Không bao lâu người anh già bệnh chết, không còn ai để nương tựa, tới nỗi trong nhà hết cả thóc ăn, cứ mùa xuân vay mùa thu trả, gặt xong trả nợ là hết sạch, từ đó cứ bán ruộng ăn dần. Được vài năm thì con trai lớn và vợ nối nhau chết, lại càng cực khổ. Kế tục huyền vói vợ người buôn dê họ Từ nên được nhờ vả đôi chút, song tính Từ cứng rắn nóng nảy, hàng ngày vẫn xỉa xói làm nhục, Nguyệt Sinh vì vậy thậm chí không dám đi lại thăm hỏi với bè bạn.
Chợt một đêm nằm mơ thấy cha về nói "Nay thì ngươi đã đến lúc có thể nói là cùng đường rồi, trước ta có nói sẽ cho ngươi số vàng còn chôn, bây giờ thì được rồi”. Nguyệt Sinh hỏi chỗ, ông Lý đáp "Sáng mai ta chỉ cho". Nguyệt Sinh tỉnh dậy lấy làm lạ, còn nghĩ rằng vì mình nghèo mong muốn có tiền nên sinh ra mộng mị hão huyền. Hôm sau giẫy cỏ ở chân tường, cuốc được hủ vàng lớn, mới sực hiểu ra rằng trước kia ông Lý nói chờ lúc không có nhiều người, là ý nói chờ lúc người thân đã chết một nửa vậy.
Dị Sử thị nói: Nguyệt Sinh là bạn nghèo với ta, tính tình thành thực chất phác không có chút nào là giả trá, anh em ta giao du với ông rất thân, chuyện vui buồn đều có nhau. Mấy năm nay chỉ ở cách nhau hơn mười dặm mà không được tin sống chết ra sao, mỗi lần ta đi ngang cũng không dám ghé thăm, thì đủ biết Nguyệt Sinh rơi vào hoàn cảnh khổ cực tới mức nào rồi. Chợt nghe ông bất ngờ có được ngàn vàng, bất giác vỗ tay reo mừng cho ông. Than ôi! ông Lý lúc lâm chung nói mệnh, trước đây vẫn được nghe kể, nhưng vẫn không nghĩ rằng đó là lời sấm báo trước, hay ông là thần chăng?