Thôn ở phía bắc huyện Truy (tỉnh Sơn Đông) có cái giếng cạn, người trong thôn là Giáp và Ất dòng dây leo xuống vét. Đào được hơn thước thì đụng một cái đầu lâu, vô tình cuốc vỡ, thấy trong miệng có ngậm vàng, mừng rỡ giắt vào lưng. Lại đào tiếp, gặp sáu bảy cái đầu lâu khác, muốn tìm vàng nên đập vỡ hết nhưng chẳng thấy gì. Bên cạnh lại có hai cái vò đất nung, một cái bình cổ bằng đồng. Cái bình lớn một ôm, nặng mấy mươi cân, hai bên có quai, không biết dùng làm gì, chỉ thấy hoa văn rất đẹp. Hai cái vò cũng rất cổ, không phải là vật thời gần đây
Đến khi lên khỏi giếng, Giáp và Ất cùng chết, lát sau Ất tỉnh dậy nói "Ta là người thời Hán, gặp loạn Vương Mãng cả nhà đều bị ném xuống giếng, có chút ít vàng nên ngậm trong miệng để giấu nào phải là vật tẫn liệm, ai cũng có đâu. Tại sao lại đập nát hết đầu lâu, thật đáng giận?"
Mọi người thắp hương khấn vái xin sẽ chôn cất lại chu tất, Ất mới sống được, còn Giáp thì chết luôn. Tôn sinh Nhan Trấn nghe chuyện lạ, mua cái bình đồng mang về, hai cái vò đất thì một về tay Hiếu liêm họ Tuyên, có thể nhìn vào mà nghiệm được mưa nắng. Cứ thấy có một đốm sáng trên thân vò, bắt đầu nhỏ như hạt gạo, dần dần loang rộng ra thì không bao lâu trời sẽ mưa, đốm sáng thu nhỏ lại thì trời sẽ tạnh. Một cái thì về tay Tú tài họ Trương, dùng để xem lịch, ngày mùng một thì có một đốm đen như hạt đậu, ngày càng lớn dần, đến ngày rằm thì choán hết cả thân vò, sau đó thì nhỏ dần lại, đến ngày ba mươi thì trở lại như ban đầu. Vì chôn lâu dưới đất nên trên miệng bình có một hòn đá nhỏ chèn vào không đựng được gì cả, muốn gõ lấy ra, hòn đá rơi xuống làm miệng vò bị mẻ một miếng nhỏ, cũng là một việc đáng tiếc. Cắm hoa vào, hoa rụng thì kết quả, không khác gì với quả trên cây.