Du kích (một chức quan võ) Mỗ có nhiều thê thiếp, rất thích kiêng tên của họ. Như nói Niên là Tuế, Sinh là Ngạnh, Mã là Đại lư. Lại kiêng kỵ, bắt nói Bại là Thắng, An là Phóng. Thư từ công văn gởi đi các nơi vì vậy rất phiền nhiễu, nhưng người nhà nói tới là nổi giận. Một hôm viên lại coi văn thư bẩm việc, lỡ miệng phạm húy, Mỗ cả giận vớ cái nghiên đánh, viên lại chết ngay tại chỗ. Ba ngày sau Mỗ say rượu nằm nghỉ, thấy viên lại cầm tấm thiếp đi vào, hỏi có chuyện gì, viên lại đáp "Mã Tử An tới thăm" (Mã Tử An lai bái). Mỗ chợt biết là ma, vội vùng dậy tuốt đao vung lên, viên lại cười khẽ ném tấm thiếp xuống bàn rồi biến mất. Mỗ cầm tấm thiếp xem, thấy viết "Sui gia là con lừa lớn bướng bỉnh đánh rắm" (Tuế gia quyến ngạnh đại lư tử phóng thắng)*. Hung dữ giết người như thế, để tới nỗi bị ma quỷ mỉa mai, thật là đáng cười.
*Tuế gia quyến ngạnh đại lư tử phóng thắng: tức "Niên gia quyến sinh Mã Tử An bái" (Họ hàng bên vợ là Mã Tử An tới thăm). Tục lệ Trung Quốc xưa, người của hai nhà kết thông gia với nhau, ngang hàng thì gọi nhau là quyến đệ, với người bậc trên tự xưng là vãn sinh, với người bậc dưới tự xưng là quyến sinh. Theo văn cảnh thì Mã Tử An ở đây là hàng chú bác của vợ Mỗ tới thăm, nhưng viết danh thiếp theo lối kiêng húy của Mỗ nên thành ra một câu như vậy (chữ “bái" gần âm với chữ "bại", đổi thành chữ “thắng" gần âm với chữ "thí" “phóng thí" là đánh rắm).
Ở núi Ngưu Thủ có một nhà sư, lấy tên là Thiết Hán (Người đàn ông sắt), lại lấy tên là Thiết Thỉ (Cứt sắt), có bốn mươi bài thơ, ai đọc thấy cũng khâm phục. Tự khắc hai dấu ấn, một đề “Hỗn trướng hàng tử” (Vô lại khốn nạn), một đề "Lão thực phát bì" (Thành thật mặt dày). Tú tài Vương Tư Trực in thơ ấy, lấy tên là "Ngưu Sơn tứ thập thí” (Bốn mươi cái rắm Ngưu Sơn), hàng lạc khoản đề “Hỗn trướng hàng tử, Lão thực phát bì. Phóng bất tất độc kỳ thi, Tiêu danh dĩ túc giải ky" (Vô lại khốn nạn, Thành thật mặt dày. Thơ rắm không cần phải đọc, Nêu tên đã đủ để cười).