Ông Triệu ở huyện Vũ Lăng tỉnh Hồ Quảng làm quan tới chức Cung chiêm thì trí sĩ về nhà, chợt có một thiếu niên tới cổng xin giúp việc giấy tờ. Ông cho gọi vào, thấy nho nhã như học trò, hỏi họ tên thì nói là Lục áp Quan, không cần tiền công, ông bèn giữ lại. Lục thông tuệ hơn đám tôi tớ bình thường, thư từ của ông gởi đi đều cho y tùy ý mà viết, lá nào cũng văn hoa. Lại những lúc chủ nhân chơi cờ với khách, Lục liếc qua rồi chỉ nước là thắng, Triệu vì thế càng yêu mến. Bọn tôi tớ thấy y được chủ nhân coi trọng, hùa nhau trêu chọc, đòi phải mời tiệc. Áp Quan ưng thuận, nhân hỏi tất cả có bao nhiêu người, vừa lúc tá điền các nơi về tính sổ, khoảng hơn ba mươi người, họ tính luôn cả vào để làm khó. Áp Quan nói "Bấy nhiêu thì rất dễ, nhưng khách đông, lúc bất ngờ không lo liệu kịp, xin mời ra quán rượu”. Rồi mời tất cả ra quán rượu ngoài phố.
Ngồi yên xong, rượn vừa bày ra, có người cầm bầu đứng lên nói "Các anh khoan hãy rót. Xin hỏi hôm nay ai đứng ra mời? Nên đưa tiền ra làm tin trước mới có thể yên tâm nhậu nhẹt, nếu không uống một hồi vài ngàn chén rồi tan về thì lấy đâu mà trả?". Mọi người đều nhìn Áp Quan, Áp Quan cười nói "Các vị nói ta không có tiền chắc? Ta có đủ đây!”, rồi đứng lên vói vào mâm nắm lấy một vắt mì ướt bằng nắm tay, ngắt ra ném lên bàn, đều biến thành chuột nhắt chạy rối rít đầy bàn. Áp Quan chụp bừa một con xé làm đôi, kêu chóe một tiếng thì bụng toác ra, lấy được một thỏi vàng nhỏ. Bắt tiếp con nào cũng thế, phút chốc hết chuột thì vàng vụn chất đầy trước mặt, rồi nói “Bấy nhiêu mà không đủ cho bọn mình uống rượu à!”, mọi người đều kinh lạ, kế cùng nhau uống thả sức.
Tan tiệc, tính ra hơn ba lượng vàng, mọi người đem cân mớ vàng vụn thì vừa đủ số. Có kẻ định bẩm lại chuyện lạ cho chủ nhân biết nên xin một mẩu nhỏ bỏ túi, về tới nhà kể lại cho Triệu nghe, Triệu bảo đưa mẩu vàng cho xem, tìm lại thì đã mất. Quay lại hỏi chủ quán thì vàng đều hóa ra gai góc, về bẩm với Triệu. Triệu căn vặn, Áp Quan nói “Anh em bạn đòi ta phải đãi tiệc, nhưng thật tình túi rỗng không tiền, lúc nhỏ học được trò mua vui, nên làm thử thôi”. Mọi người lại bắt trả tiền rượu, Áp Quan nói "Ta không phải là kẻ ăn quịt đâu ở thôn Mỗ có mớ rơm đem ra đập lại có thể được hai thạch lúa mì, thừa sức trả tiền rượu”, rồi mượn một người đi theo. Sẵn dịp người tá điền thôn ấy về, bèn đi cùng. Tới nơi thấy lúa mì đã giê sạch, đổ đống trên sân tới mấy hộc, mọi người vì vậy càng lấy làm lạ lùng. Một hôm Triệu tới nhà bạn dự tiệc, thấy giữa phòng có chậu lan rất tươi tốt thích lắm, về nhà cứ khen ngợi mãi. Áp Quan nói "Nếu quả thật ông thích thứ lan ấy thì cũng không khó!".
Triệu còn chưa tin, sáng sớm vào phòng sách chọt ngửi thấy mùi hương lạ thơm phức, nhìn lại thì có một chậu lan, cành lá chỗ thưa chỗ dày đều giống hệt như chậu lan mình đã thấy, nghi là y ăn cắp về bèn căn vặn. Áp Quan nói "Hoa cỏ nhà ta gom trồng có hàng trăm hàng ngàn loại, cần gì phải ăn cắp!", Triệu cho là y nói dối, vừa gặp lúc người bạn kia tới chơi, nhìn thấy chậu lan, giật mình nói "Sao mà giống hệt chậu lan nhà ta!". Triệu nói "Ta vừa mua được, nhưng cũng không biết vì sao họ có mà bán, mà lúc ra khỏi nhà, ông còn nhìn thấy chậu lan không?". Người bạn đáp "Ta không vào phòng sách nên không biết là còn hay mất, nhưng làm sao mà nó tới đây được!" Triệu nhìn Áp Quan, Áp Quan nói "Chuyện này không có gì khó, cái chậu nhà ông bị vỡ, có vá một chỗ, còn cái chậu này thì lành", kế xem lại mới tin là đúng.
Tối đến Áp Quan nói với chủ rằng “Trước nay ta nói ở nhà ta có nhiều hoa cỏ ai cũng ngờ là dối trá, nay phiền ông dời gót ngọc, nhân lúc sáng trăng tới xem một chuyến, nhưng mọi người đều không ai theo được, duy A Áp thì không sao”. Áp vốn là tiểu đồng của Triệu, ông bèn theo lời. Ra khỏi nhà đã có bốn người khiêng kiệu chờ bên đường, Triệu bước lên thấy đi nhanh hơn ngựa phi, phút chốc vào tới núi sâu, chỉ ngửi thấy mùi hương lạ thấm vào tận xương tủy. Không bao lâu tới một tòa động phủ, thấy nhà cửa cao ráo sáng sủa khác hẳn nhân gian, nơi nào cũng đặt đá trồng hoa, chậu bồn xinh xắn ngời sáng tỏa hương, loại lan nào cũng có vài mươi chậu, thảy đều tươi tốt đẹp đẽ, Triệu xem xong Áp Quan lại sai kiệu đưa về. Áp Quan theo Triệu hơn mười năm, sau Triệu không bệnh mà chết, Áp Quan bèn dắt A Áp ra cửa không biết là đi đâu.