Kiều sinh ở huyện Bình Nguyên (tỉnh Sơn Đông) có người con gái đen đúa xấu xí, sút mũi thọt chân, hăm lăm hăm sáu tuổi chưa ai dạm hỏi. Ở huyện có Mục sinh hơn bốn mươi tuổi, góa vợ mà nghèo quá không cưới được ai mới hỏi cưới nàng. Sau ba năm nàng sinh một trai, không bao lâu Mục sinh chết, nhà càng nghèo túng, khốn quẫn quá thì về xin mẹ cho ăn. Mẹ không lo nổi, nàng cũng tức giận không về nữa, dệt thuê sinh sống qua ngày. Có Mạnh sinh vợ chết để lại con trai là Ô Đầu mới đầy năm, không có người chăm sóc con nên nóng lòng muốn cưới vợ khác, nhưng người mối chỉ cho mấy đám vẫn chưa vừa ý. Chợt gặp Kiều thị mừng lắm, nhờ người đánh tiếng. Nàng từ chối, nói "Đói rét thế này, nếu theo quan nhân sẽ được ấm no, lẽ nào không muốn. Nhưng tật nguyền xấu xí không được như người ta, chỉ còn tự tin ở chỗ có đức thôi, nếu thờ hai chồng thì quan nhân còn yêu thương chỗ nào?". Mạnh càng cho là hiền, lại thêm mến mộ, nhờ người mối đem tiền bạc vải lụa tới nói với bà mẹ. Bà mừng rỡ tới nhà con gái cố khuyên nhủ, nhưng nàng thề không lấy chồng khác.
Bà hổ thẹn, xin gả con gái út cho Mạnh, người nhà đều mừng nhưng Mạnh không chịu. Không bao lâu Mạnh bất ngờ bị bệnh chết, Kiều thị tới viếng tang, khóc lóc hết sức thảm thiết. Mạnh vốn không có thân thích nên chết rồi thì bọn vô lại trong thôn đều làm càn, lấy hết cả vật dụng trong nhà, lại toan chia nhau chiếm đoạt ruộng vườn nhà cửa, tôi tớ cũng đều trộm cắp lặt vặt bỏ trốn, chỉ còn một bà vu bế đứa nhỏ khóc lóc trong phòng. Kiều thị hỏi biết chuyện rất bất bình, nghe Lâm sinh chơi thân với Mạnh bèn tới nhà nói "Vợ chồng bè bạn là giềng mối lớn của con người, thiếp vì quá xấu xí nên bị coi rẻ, chỉ có Mạnh sinh biết, trước đây tuy cố từ thối nhưng trong lòng đã ưng thuận. Nay người đã chết mà con còn nhỏ, tự nghĩ mình phải đền đáp ơn tri kỷ. Nhưng nuôi đứa con côi còn dễ chứ chống bọn cướp ngày mới khó, nếu thấy không có cha mẹ anh em mà ngồi nhìn con chết nhà tan không giúp thì trong ngũ luân không còn có bạn bè nữa. Thiếp không mong ông làm gì nhiều, chỉ cần làm một lá đơn thưa lên quan, còn việc chăm sóc đứa con côi thì thiếp không dám từ chối".
Lâm nói "Vâng", nàng chào vể. Lâm định làm theo lời nàng, bọn vô lại căm tức toan giết. Lâm sợ quá, đóng cửa không dám ra khỏi nhà. Kiều thị đợi mấy ngày không thấy tin tức gì, khi tới hỏi thì gia sản của họ Mạnh đã bị cướp sạch. Nàng giận quá xăm xăm lên thưa với quan, quan hỏi nàng là người thế nào với Mạnh, nàng đáp "Ông là quan coi một huyện, cứ dựa vào lý thôi, nếu nói sai thì kẻ thân thích cũng không thể chối tội, nếu nói đúng thì dù là người qua đường cũng phải nghe". Quan giận lời lẽ ngang tàng, thét đuổi ra, nàng căm giận không có nơi giãi bày, khóc lóc tố cáo với một vị thân sĩ. Tiên sinh Mỗ nghe chuyện cho là có nghĩa khí, nói giúp với quan huyện, quan tra xét quả đúng, liền trị tội bọn vô lại, trả hết tài sản lại cho nhà họ Mạnh. Có người bàn khuyên Kiều thị ở lại nhà Mạnh chăm sóc đứa con mồ côi nhưng nàng không chịu, khóa cửa nhà Mạnh, bảo bà vú bế Ô Đầu về nhà mình, cho ở riêng một gian. Những khoản chi dùng cho Ô Đầu thì đều cùng bà vú tới nhà Mạnh mở cửa lấy thóc bán, còn mình không hề đụng tới chút gì vẫn nghèo khổ nuôi con như trước.
Vài năm sau Ô Đầu lớn lên, nàng mời thầy về dạy học, còn con mình thì bắt tập làm lụng. Bà vú khuyên cho hai đứa cùng học, nàng nói "Ô Đầu học hành tốn kém là tiền của nó, còn nếu ta làm hao tốn tiền bạc của người cho con mình học thì làm sao tỏ rõ được lòng này?". Lại mấy năm nữa, nàng dành dụm cho Ô Đầu được mấy trăm thùng thóc, liền hỏi cưới con gái nhà thế tộc cho, sửa sang nhà Mạnh bảo về mà ở. Ô Đầu khóc xin nàng về ở cùng, nàng cũng nghe theo nhưng vẫn dệt thuê kiếm sống như trước. Vợ chồng Ô Đầu giằng lấy khung cửi con thoi mang cả đi, nàng nói "Mẹ con ta chỉ ngồi ăn không thì làm sao yên lòng được?”. Rồi sớm tối coi sóc việc trong nhà, sai con trai ra canh ruộng nhà Ô Đầu như kẻ làm thuê vậy. Nhưng vợ chồng Ô Đầu có chút lỗi lầm là nàng trách mắng không hề bỏ qua, mà nếu hơi có vẻ bỏ ngoài tai thì nàng buồn rầu muốn đi, vợ chồng quỳ xuống ăn năn mới chịu ở lại.
Không bao lâu Ô Đầu vào học ở trường quận, nàng từ biệt đòi về, Ô Đầu không cho, lại góp tiền cưới vợ cho con Mục. Nàng bảo con về nhà riêng ở, Ô Đầu giữ lại không được bèn sai người ngầm mua một trăm mẫu đất ở thôn bên cạnh, sau đó tặng cho. Sau Kiều thị bị bệnh đòi về, Ô Đầu không chịu, lúc bệnh nặng dặn "Thế nào cũng phải đưa ta về chôn ở nhà". Ô Đầu vâng dạ nhưng khi nàng chết lại đem vàng nói với con Mục xin cho hợp táng với Mạnh sinh. Lúc chôn cất, quan tài chợt nặng chình chịch, ba mươi người không nhấc lên nổi, còn con Mục chợt ngã lăn ra đất, bảy khiếu đổ máu, tự nói "Thằng con mất nết kia, tại sao lại bán mẹ ngươi như thế hả!". Ô Đầu sợ, vào lạy lục khấn khứa con Mục mới khỏi. Rồi hoãn việc chôn cất lại vài hôm, sửa sang phần mộ Mục sinh hợp táng nàng vào đó.
Dị Sử thị nói: Cảm nghĩa kẻ tri kỷ mà hiến cả thân mình, đó là việc làm của bậc nam tử nghĩa liệt. Nhưng người đàn bà kia có hiểu biết gì đâu mà việc làm cao cả lạ lùng như thế, nếu Cửu Phương Cao gặp được ắt sẽ nói là ngựa đực*.
* Nếu Cửu Phương Cao... ngựa đực: Liệt tử chép Tần Mục công nói với Bá Nhạc “Ngươi giỏi xem tướng ngựa nhưng đã già rồi, trong họ hàng có ai thay ngươi được không", Nhạc nói có Cửu Phương Cao. Mục công sai Cao đi tìm ngựa hay, Cao đi ba tháng trở về nói đã tìm được, ở Sa Khâu, là ngựa cái màu vàng, đến khi sai nguời dắt về thì là ngựa đực màu đen. Mục công trách Bá Nhạc tiến cử một kẻ không phân biệt được cả ngựa cái với ngựa đực, Bá Nhạc nói "Cao xem tướng ngựa là xem chỗ thiên phú, coi trọng cái tinh mà bỏ qua cái thô, cốt ở thần chứ không ở hình”, sau quả đó là con ngựa hay. Đây ý nói nếu xét về tinh thần thì Kiều thị cũng hào hùng như kẻ trượng phu.