Type: Thạch Thảo
Năm mới xuân sang chừ, ngày dài đằng đẵng.
Gột tấm thương, ta vui chơi chừ.
Theo Giang, Hạ cho đỡ long lo lắng!*
(*) Hai câu thơ được trích từ tác phẩm Cửu chương – Tư mỹ nhân của nhà thơ Khuất Nguyên người nước Sở cuối thời Chiến Quốc. Bản dịch của Nhượng Tống.
[1]
Năm Thiên Hán* thứ nhất.
(*)Niên hiệu thứ tám của thời Hán Vũ đế. Triều Hán sử dụng niên hiệu này tổng cộng bốn năm.
Dưới bóng chiều cuối xuân, có một thiếu nữ đang cầm cung săn chim trĩ giữa rừng hoang ở Vân Mộng. Nàng mặc áo khoác ngắn và váy dài, đeo ống đựng tên bằng da tê giác, trông như người tập võ. Còn một thiếu nữ khác là người bản địa thì đang đứng trong bóng cây, mặc áo tay hẹp, gắng chịu đựng cái oi bức của buổi chiều tà, trong tay còn cầm con mồi mà bạn nàng vừa săn được.
Cây cung trong tay thiếu nữ là do cha nàng tặng, được thợ thủ công Trường An chế tác theo phương thức cổ xưa. Phải mất hơn một năm mới có thể tạo ra một cây cung như vậy. Thân cung được làm từ gỗ chá của quận Đông Hải chặt vào mùa đông. Sau đầu xuân, dùng sừng trâu được lấy xuống từ mùa thu năm trước đi ngâm tẩm, chuẩn bị sử dụng. Lại tinh chế gân hươu vào mùa hè. Thu sang, lấy sừng trâu và gân hươu đã qua xử lý gắn vào trong ngoài gỗ chá bằng chất keo màu đỏ, sau đó quấn tơ, sơn màu, rồi giữ qua một mùa đông để sơn và chất keo bám chặt.
Nàng luôn trân trọng món quà này, mỗi khi tập bắn đều giữ gìn cẩn thận, không để nó dính bẩn bao giờ. Đây cũng là lần đầu tiên nàng dùng nó để bắn vật sống. Ban đầu nàng vẫn chưa lĩnh hội được kỹ thuật bắn mục tiêu động nên bắn lệch vài mũi tên, còn bị bạn mình cười nhạo một phen. Nhưng khi tiếng cười của đối phương còn vang vọng trong rừng thì máu của con mồi đầu tiên đã bắn tung tóe lên hoa bìm bìm đỏ thắm.
Thiếu nữ cầm cung sinh ra và lớn lên ở Trường An. Phần lớn núi rừng chốn kinh đô đều đã thuộc về hoàng tộc, nên tuy nàng học được tài nghệ bắn cung từ một vị tướng quân là chỗ quen biết song cũng hiếm có cơ hội thể hiện tài năng. Được tự do săn bắn như ngày hôm nay chính là một tâm nguyện của nàng.
Huống chi vùng đất này từng là bãi săn của Sở vương.
Ngày trước mỗi khi quân đội tập trận vào dịp đầu đông, Sở vương sẽ lên chiến xa được tô điểm bởi những vật trang trí bằng ngọc, cầm cung có chạm trổ hoa văn và tên đặc chế, dẫn người đi khắp rừng săn bắn thú lạ. Nhất thời tên bắn như mưa, máu dây khắp chốn. Con mồi bị trúng tên, gục xuống đất không thể gượng dậy, chẳng thể tránh khỏi kiếp số bị bánh xe nghiền nát và bộ binh giẫm đạp. Súc thịt non tơ mỡ màng chưa được người ta nếm thử đã nát bét trong đất bùn. Sau một hồi tàn sát, Sở vương hài long đặt cung tên xuống, thưởng thức thi cốt khắp nơi và nhìn đám binh sĩ hãy còn khát máu. Các thiếu nữ mặc những bộ y phục vải the mỏng tựa sương sớm bắt đầu ca múa trong mùi gió tanh gay mũi. Vạt váy của các nàng rủ trên nền đất, lập tức nhuộm đỏ máu tươi…
Tuy nhiên đến năm hai mươi mốt* thời Khoảnh Tương vương**, đại tướng nước Tần là Bạch Khởi*** đem quân đánh chiếm Dĩnh Đô****, Vân Mộng trạch cũng bị chiếm đóng. Sau đó nước Tần thiết lập Nam Quận ở đây, hủy lệnh cấm lên núi, lại lập ra chức “quan Vân Mộng” chuyên cai quản vùng đất này. Hơn trăm năm sau, chốn bình nguyên ở Vân Mộng đã sớm được khai khẩn thành đồng ruộng, chỉ còn sót lại chút núi non hiểm trở giữ được diện mạo vốn có, tới nay vẫn để dân thường lên đốn củi hoặc săn bắn.
(*) Chú thích của tác giả: Tức năm 278 trước Công Nguyên.
(**) Khoảnh Tương vương hay còn gọi là Sở Tương vương, là vị vua thứ 41 của nước Sở.
(***) Bạch Khởi: Danh tướng vô địch của nước Tần trong thời Chiến Quốc, Lập nhiều công lao, góp phần lớn chiến tích trong việc thống nhất Trung Quốc của nước Tần.
(****) Kinh đô của nước Sở từ thời Sở Văn vương.
“Ta nghe nói nhà Nho chỉ dùng cần câu để câu cá mà chưa bao giờ giăng lưới để bắt cá, khi săn thú cũng chưa từng bắt chim đã về tổ. Nếu Tiểu Quỳ tôn sùng học thuật nhà Nho thì đáng lẽ ra không nên ra tay sát sinh như vậy chứ?”
Thiếu nữ bản địa mặc áo tay hẹp vừa nhặt con chim trĩ đã chết lên, vừa nói với vẻ ai oán. Dứt lời nàng khinh bỉ quay mặt đi, nhưng vẫn nắm chặt con chim trĩ đã bị bắn chết nọ. Thực ra khi Vu Lăng Quỳ tới từ Trường An đề nghị đi săn vài con chim trĩ về nhắm rượu, cái lưỡi chẳng giỏi ăn nói của Quan Lộ Thân cũng tiết ra một chút nước bọt, mà trong khoảng khắc mũi tên đâm vào mỡ và lông chim trĩ nàng cũng chẳng xót thương là bao.
Nàng nói như vậy chẳng qua vì nàng không biết giương cung bắn tên, cảm thấy mình thua kém Quỳ ở mặt đó, âm thầm không cam tâm. Nhưng thực ra cuộc so tài giữa nàng và Quỳ, cuộc so tài mà nàng sẽ bị áp đảo hoàn toàn ấy, lúc này mới chỉ bắt đầu.
Tương lai còn có nỗi chán nản và tự ti vô tận đang chờ đợi nàng.
“Có lẽ Lộ Thân không biết rồi”. Quỳ luôn vào đề bằng câu nói này, còn Lộ Thân thì chưa bao giờ đoán được nàng định nói gì. “Chính vị học giả ‘Điếu nhi bất cương, đặc bất xạ túc’* ấy, sau khi chuồng ngựa bị cháy chỉ hỏi một câu ‘Có người bị thương không?’, vốn chắng quan tâm tới sự sống chết của ngựa. Nếu Lộ Thân đã mang lòng thương cảm với đồ ăn của con người thì cớ sao lại theo ta đi săn?”
(*)Chỉ dùng cần câu cá mà không giăng lưới đánh cá, chỉ bắn con chim đang bay chứ không bắn con chim đã về tổ nghỉ ngơi.
“Ta chỉ đường cho ngươi theo lệnh của phụ thân chứ chưa từng có ý tiếp tay cho ngươi.”
Rõ ràng là buổi sáng nay hai thiếu nữ mới gặp nhau lần đầu, song giờ đã bắt đầu tranh luận như những người bạn lâu năm.
“Trái ngược với những gì ngươi đã nói, thuật bắn cung không chỉ là thuật giết chóc, theo kiến giải trong Lễ thư, ‘Người bắn cung cũng phải có lòng nhân ái. Bắn cung trước hết phải điều chỉnh lại tư thế của mình cho đoan chính rồi mới buông dây, nếu bắn không trúng cũng không nên oán người thắng mình, tự xét lại mình là được.’ Nếu so với thuật đánh đấm, thuật bắn cung phần nhiều không phải là so tài với đối thủ mà là đọ sức với chính mình, nhờ đó khắc phục được nhược điểm của bản thân, đạt đến cảnh giới ‘nhân ái’.”
“Nói thì nghe huyền diệu lắm, có điều Tiểu Quỳ à, ngươi vẫn nên sớm nhìn vào hiện thực đẫm máu đi. Trông mấy thi thể này và những vết thương trí mệnh trên người chúng, chẳng lẽ đây chính là ‘nhân ái’ mà ngươi nói tới? Nếu chỉ theo đuổi đức hạnh thì có thể luyện tập bắn bia, hoặc so tài với nhau là được, cớ gì phải tàn sát sinh linh? Nói cho cùng thì ngươi cũng chỉ lưu luyến món ngon dân dã, vậy mà còn nêu ra một đống đạo lý để ngụy biện cho mình, không lẽ đây chính là thói quen của người Trường An các ngươi?”
“Phải rồi, nếu Lộ Thân đã là người địa phương, hẳn phải biết tại sao ‘Vân Mộng trạch’ lại gọi là ‘trạch’ nhỉ?”
“Đương nhiên là biết chứ. Tuy học vấn của ta không bằng ngươi nhưng ít ra cũng là con cháu quý tộc, chút tri thức ấy không thể không biết.” Lộ Thân tức giận đến phùng má, tuy nhiên trong lòng lại chẳng mấy tự tin. “Vì Vân Mộng có nhiều ao hồ, hệ thống sông ngòi phát triển, nên mới được gọi là ‘Vân Mộng trạch*’.”
(*) Trạch nghĩa là sông suối, ẩm ướt.
Nghe được câu trả lời của Lộ Thân, Quỳ không khỏi bật cười thành tiếng.
“Đây chỉ là lối giải thích nông cạn mà thôi, đúng kiểu nhìn chữ đoán ý, khó tránh được việc bị các vị ‘thông Nho*’ cười chê.”
(*)Người thông thạo, am hiểu học thuật Nho giáo.
“Vậy ‘thông Nho’ các ngươi giải thích thế nào?”
“Trạch, cũng là tuyển trạch, chọn lựa.” Quỳ giải thích từng chữ từng chữ một, “Trong Lễ thư có nói, ‘Thiên tử muốn tế bái thì trước tiên phải tập bắn cung ở chốn sông ngòi. Bởi vậy ở chốn sông ngòi mới chọn được người có tài.’ Có nghĩa là chỉ người có thể bắn trúng con mồi ở ‘trạch’ như ta mới đủ tư cách tham gia tế bái. Tuy Vân Mộng không ít ao đầm song tới ngày nay vẫn còn rất nhiều núi rừng chưa khai khẩn, chim muông đủ loại đủ loài, chính là một bãi săn tuyệt hảo. Chẳng mấy khi tới chơi, dù nơi này đã sớm không còn quy mô như thời Sở vương đi săn, song phóng mắt nhìn ngắm phong cảnh cũng có thể ngẫm được vài phần cảnh tượng hùng tráng năm nào. Đương nhiên ta cũng phải học tập người xưa, săn vài con chim trĩ về để làm kỷ niệm chứ.”
“Tóm lại vẫn vì ăn thịt mà thôi...”
Nói rồi nàng áng chừng con thú trong tay – Có lẽ cũng làm được một bữa ngon.
“Lộ Thân nói như thể mình chưa bao giờ ăn thịt chim trĩ ấy.” Quỳ rút từ sau lưng ra một mũi tên, nở nụ cười chòng ghẹo, “Dù sao người vụng về như Lộ Thân cũng không bắn trúng được mục tiêu di động đâu nhỉ?”
“Nếu dùng nỏ thì ta bắn được.”
Gia tộc họ Quan ở ẩn chốn núi rừng, để phòng thú dữ nên chưa từng bỏ bê việc luyện tập võ nghệ. Kể cả phụ nữ và trẻ em không biết dùng binh khí ngắn thì cũng thường xuyên luyện cách dùng nỏ.
“Hừ, nỏ ấy à?” Vẻ khinh thường lộ rõ trên mặt Quỳ, đến Lộ Thân chậm chạp cũng có thể nhận ra. “Nếu vũ khí cũng được chia thành quân tử và tiểu nhân, vậy chắc chắn nó là thứ chỉ tiểu nhân mới dùng. Lộ Thân, dù sao ngươi cũng là con cháu quý tộc, không nên chạm vào những thứ hạ thấp bản thân, vũ nhục tổ tiên ấy mới phải.”
“Nỏ thì có gì không tốt? Tại sao Tiểu Quỳ lại ghét bỏ nó như thế?” Lộ Thân phản bác, “Ta nghe nói, dù là Tướng quân Lý Quảng xuất thân từ thế gia thiện xạ, khi chỉ huy tác chiến cũng gần như là ‘Nghìn nỏ cùng bắn’. Thuật bắn cung của ngài ấy chắc chắn giỏi hơn ngươi nhiều, ngài ấy cũng không cấm binh sĩ dưới trướng dùng nỏ.”
“Lý Quảng là vị tướng quân mà ta ngưỡng mộ nhất, tiếc là ta sinh ra quá muộn, không thể tới trước mặt ngài ấy để xin chỉ giáo. Ngươi nói đúng, ngài ấy luôn chỉ huy binh sĩ dùng nỏ để bắn quân Hung Nô, dù sao nỏ cũng có hiệu quả cao hơn cung tên. Tốc độ bắn của nỏ nhanh hơn, có thể tiết kiệm thể lực của binh sĩ, lại dễ học dễ dùng hơn cung tên. Chỉ cần huấn luyện ở mức độ sơ đẳng là có thể phát huy được uy lực tối đa. Huống chi, dù là mãnh tướng uy dung nhất cũng chỉ giương được cây cung chừng ba thạch(*), trong khi cường độ của nỏ có thể dễ dàng đạt tới bốn thạch trở lên.”
(*)Thạch: Đơn vị trọng lượng lương thực thời xưa, 1 thạch tương đương 250 cân (125kg).
“Vậy mới nói…”
“Vậy mới nói nó là thứ vũ khí phù hợp nhất cho những người kém cỏi.” Nói rồi Quỳ quay đầu đi nơi khác, lại cố ý liếc Lộ Thân một thoáng. “Ta vừa phát hiện ra, có một người kém cỏi chỉ xứng sử dụng nỏ đang đứng trước mặt mình.”
“Ngươi tốn bao công sức để luyện tập giương cung bắn tên, người khác chỉ cần kéo nhẹ lẫy nỏ là có thể bắn được xa hơn, chuẩn hơn ngươi, không biết rốt cuộc ngươi thấy mình giỏi giang hơn người điểm nào? Cầm một thứ phế phẩm bị thời đại đào thải mà miệng còn khoe khoang ‘quý tộc’, ‘quân tử’, ‘thông Nho’, suy cho cùng cũng chỉ là một cách tự thương lấy mình thôi thì phải?”
Quỳ đáp lại, “Đúng thế, ta cũng giống như tổ tiên của ngươi, chắc chắn đều sẽ bị người đời chế nhạo. Ta là một kẻ cổ hủ lỗi thời, luôn trông ngóng theo phong thái và trí tuệ của người xưa, không thể tán đồng những thứ đang lưu hành ngày nay được. “Ráng đỏ buông xuống nơi chân trời cũng tối đi trong chớp mắt. “Dù sao đây cũng là thời đại của các ngươi chứ không phải của ta.”
“Tiểu Quỳ…”
Thấy Quỳ rầu rĩ như vậy, nhất thời Lộ Thân bối rối. Cho dù nàng biết mình là loại “người kém cỏi” mà Quỳ nói, lại thầm bực bội trong lòng, có điều nàng cũng không thấy phản cảm là bao. Nàng cũng biết rõ ràng học thức và tài nghệ của mình đúng là đã làm xấu mặt tổ tiên.
Đương nhiên, nàng cũng chẳng biết nhiều về tổ tiên của mình.
Quỳ chợt nghĩ tới điều gì đó, ánh sáng ảm đạm theo mây chiều khi nãy lại thoáng bừng lên trong mắt nàng. “Kể ra thì Lộ Thân sống ở đây từ nhỏ, không biết đã từng đọc bài Tử Hư phú của Tư Mã Tương Như(*) hay chưa? Bài phú viết về sứ giả nước sở là Tử Hư(**) đi sứ nước Tề rồi cùng Tề vương đi săn, có nói về Vân Mộng.”
(*) Tư Mã Tương Như, tự Tràng Khanh (179 TCN – 117 TCN), người ở Thành Đô đời nhà Hán, rất đa tài, văn hay, đàn giỏi. Bài Tử Hư Phú của ông được Hán Vũ đế rất khen ngợi, cùng với bài Thượng lâm phú được viết sau này có ảnh hưởng rất lớn trong lịch sử thể phú đời Hán. Cả hai bài tả những cuộc săn bắn và du ngoạn của nhà vua, có ngụ ít nhiều ý can gián, nhưng thực tế là “châm biếm một lời, khuyến khích trăm lời”, chủ yếu vẫn là phản ánh và ca tụng sự thịnh vượng nhất thời của giai cấp thống trị.
(**) Tử Hư là một nhân vật trong bài Tử Hư phú, nói năng hư huyễn thổi phồng.
“Chưa đọc bao giờ.”
“Tử Hư phú miêu tả Vân Mộng thế này.” Quỳ bắt đầu thong thả ngâm tụng…
Vân Mộng trải dài chín trăm dặm, bên trong có núi. Thế núi uốn quanh, vòng vèo khúc khuỷu, cheo leo hiểm trở, đỉnh núi cao và dốc nhấp nhô trập trùng, mặt trời mặt trăng bị che khuất, nửa ẩn nửa hiện. Dãy núi trùng trùng, đan xen hỗn độn, vươn thẳng lên tận mây xanh; sườn núi nghiêng nghiêng, nối liền với sông lớn. Trong thổ nhưỡng có chu sa, khoáng xanh, đất sét đỏ, đất thó trắng, thư hoàng(1), thạch anh trắng, khoáng thiếc, ngọc bích, vàng, bạc, đủ loại màu sắc, lấp lánh rực rỡ như vảy rồng. Đá nơi đó có mã não đỏ, ngọc lưu ly, lân mân(2), côn ngô(3), giam lặc(4), huyền lệ(5), nhuyễn thạch, vũ phu(6). Phía Đông có hoa thơm cỏ lạ như đỗ hành, phong lan, bạch chỉ, đỗ nhược(7), khung cùng(8), xương bổ(9), giang ly(10), mía, chuối. Phía Nam có đồng bằng sông lớn, địa thế thoai thoải, vùng trũng rộng lớn bằng phẳng, kéo dài dọc theo sông lớn, cho tới tận chân núi Vu. Nơi cao dốc khô ráo thì có cây mã lam, cỏ bao(11), cỏ lệ, cỏ ngải, cỏ gấu. Nơi ẩm thấp thì có cỏ đuôi chó, cỏ lau, tường vi, măng nước, ngó sen, cây bầu, cỏ tranh, cỏ du(12), rất nhiều loài cây sống ở nơi đây, nhiều tới mức không đếm xuể. Phía Tây có suối nước dâng trào, ao hồ trong vắt, sóng nước lay động, sóng sau xô sóng trước; hoa sen và hoa sung cùng nở trên mặt nước, dưới nước lại có đá tảng và cát trắng. Trong nước có rùa thần, thuồng luồng, đồi mồi, baba. Phía Bắc có rừng rậm với những cây to như: tiện, tim, long não, quế, tiêu, mộc lan, hoàng phách(13), liễu đỏ, sơn tra, lê, dẻ, quýt, bưởi, hương thơm tỏa khắp xa gần. Trên cây có uyên sồ(14), khổng tước, chim loan, vượn, khỉ. Dưới cây lại có hổ trắng, báo đen, cáo chồn, chó rừng…
(1)Một loại khoáng sản có thành phần là As2S3, màu vàng cam, nửa trong suốt.
(2) Một loại ngọc/đá đẹp.
(3)Một loại đá được dùng để luyện thép làm kiếm.
(4)Một loại đá quý, chỉ thua ngọc.
(5)Một loại đá màu đen dùng để mài dao.
(6)Nhuyễn thạch, vũ phu đều là loại đá đẹp gần giống như ngọc.
(7)Đỗ hành, bạch chỉ, đỗ nhược đều là những thứ cỏ thơm, rễ được dùng làm thuốc.
(8)Một loài cỏ, sinh ở đất Thục gọi là xuyên khung, củ được dùng làm thuốc.
(9)Một loại cỏ mọc ở vệ sông vệ suối, mùi thơm sặc, dùng làm thuốc.
(10)Một loại cỏ thơm, còn có tên khác là mi vu hoặc kì chỉ.
(11)Một loài cỏ có cọng rắn chắc, dùng để đan dép và dệt chiếu.
(12)Một loài cỏ có lá như răng cưa, mùi rất hôi.
(13)Một loài cây cao rụng lá, cành có thể dùng làm thuốc nhuộm vàng, vỏ cây làm thuốc.
(14)Một loài chim phượng.
“Ta thấy áng văn này chẳng khác nào được viết bằng ngôn ngữ nước khác, phải phiên dịch chín lần mới nghe hiểu được.”
“Đoạn phú này chỉ viết về phong thổ và sản vật của vùng Vân Mộng mà thôi. Lộ Thân đúng là chẳng biết gì về văn hóa quê hương mình cả. “Quỳ tiến lên phía trước một bước, quay lưng lại với Lộ Thân mà nói, “Tuy ta sinh ra và lớn lên ở Trường An nhưng lại là con cháu người Tề. Song tổ tiên của ta không hiển hách được như của ngươi. Đúng là gia tộc của ta phất lên nhờ kinh thương buôn bán, vào năm Nguyên Sóc* thứ hai, khi gia nghiệp lên tới hơn ba trăm vạn thì chuyển đến ấp Mậu Lăng. Lúc còn ở cố hương, người sống quanh đó đều biết trước đây gia tộc của ta chỉ là nô bộc của hiền giả Vu Lăng Trọng Tử nước Tề. Vu Lăng Trọng Tử sống liêm khiết cả đời, từ chối mọi ân huệ dù là nhỏ nhất của người khác, cuối cùng không biết kết cục của ông ra sao, cũng có lời đồn rằng ông đã chết vì đói, sau đó tổ tiên ta liền mượn luôn họ của ông. Từ khi chuyển đến Trường An, bắt đầu từ đời cha ta đã nói dối với người khác rằng chúng ta là con cháu của Vu Lăng Trọng Tử. Tuy nhiên làm gì có ai tin bậc thánh hiền khắc khổ như vậy lại có đám hậu duệ người đầy mùi tiền thế này.”
(*)Niên hiệu thứ ba của thời Hán Vũ đế.
Nói tới đây, nàng nở một nụ cười cô tịch.
“Bởi vậy Tiểu Quỳ mới ghét người xuất thân từ gia đình quý tộc cũ như ta sao?”
“Ta không hề ghét ngươi, có điều ít nhiều có chút đố kị. Nếu ta cũng có xuất thân như thế thì tốt biết bao. Dù ta nghiên cứu kinh thư ra sao, luyện tập võ nghệ thế nào, thử đủ mọi cách để bắt chước theo phong thái và ngôn ngữ của bậc hiền nhân thời cổ thì xuất thân này vẫn không thể thay đổi được, vì trong cơ thể ta vẫn chảy dòng máu của nô bộc. Hơn nữa từ nhỏ ta đã sống trong gấm vóc lụa là, hào hoa xa xỉ, trên người khó tránh nhiễm phải nhiều thói hư tật xấu đi ngược lại lễ giáo cổ xưa, bởi vậy cũng từng làm một số chuyện hoang đường hư hỏng. Trên đường tới Vân Mộng ta luôn nghĩ, nếu ta sinh ra trong gia đình quý tộc cũ như nhà họ Quan thì tốt biết bao. Nhưng cuối cùng thì…”
“Nhưng cuối cùng thì con cháu quý tộc là ta đây lại làm ngươi thất vọng, đúng không?”
“Đúng vậy, ta thực sự rất thất vọng.” Quỳ hồi đáp mà chẳng hề kiêng nể, “Ta cứ nghĩ rằng, giữa thời đại sa đọa suy đồi này, chỉ có những quý tộc cũ như các ngươi là đáng tin. Ta vốn tưởng trên người các ngươi sẽ giữ lại được những thứ mà ta luôn kiếm tìm, có thể giúp ta hiểu thêm một chút về nước Sở diệt vong đã lâu. Thế mà ngươi không chỉ hiểu biết rất ít về thời xa xưa đó, mà chuyện thời nay ngươi cũng chẳng hay biết gì, kẻm cỏi vô vị hơn cả đám bạn bè ở Trường An của ta. Ít ra ta và bọn họ còn có thể trò chuyện về thú vui và văn chương đang lưu hành, còn ở cạnh ngươi, ta thực sự không có lời nào để nói…”
Lộ Thân nghe vậy thì im lặng hồi lâu, nàng bỗng nhận ra sự khác biệt lớn nhất giữa mình và một cô thôn nữ không phải ở việc có biết chữ hay không, mà là mình không biết làm việc nhà nông. Lộ Thân cố nén những giọt nước mắt nhục nhã, nắm chặt lấy tà áo của mình, gắng bình ổn lại hơi thở dồn dập.
“Có lẽ nên để Nhã Anh tỷ tiếp đón ngươi. Tỷ ấy là người hiểu lễ cổ nhất trong gia tộc.”
“Ngươi đang nói về đường tỷ* Quan Nhã Anh của ngươi sao? Nàng ta bằng tuổi chúng ta cơ mà, tại sao lại là người hiểu lễ cổ nhất gia tộc họ Quan?”
(*) Chị họ bên nội.
“Bởi vì phụ thân ta không phải con trưởng trong nhà, học về tri thức gia truyền rất sơ sài. Mãi đến bốn năm trước, tộc trưởng của gia tộc họ Quan vẫn không phải phụ thân ta mà là bá phụ* Vô Cữu. Đồ dùng tế lễ vốn đều ở chỗ bá phụ Vô Cữu, việc thờ cúng lễ bái cũng thường do bá phụ và Thượng Nguyên ca chủ trì. Học vấn của họ đủ để chỉ bảo cho tiến sĩ trong Thái Học**, thường xuyên có học giả viết thư xin bá phụ chỉ giáo, mà bá phụ cũng hay để Thượng Nguyên ca hồi đáp thay ông. Tuy nhiên bốn năm trước họ đã qua đời, bởi vậy e là rất nhiều lễ cổ đều bị thất truyền mất rồi.” Dứt lời Lộ Thân nhíu chặt mày hơn, “Bá phụ, Thượng Nguyên ca đều qua đời vào đêm hôm ấy, chỉ có Nhã Anh tỷ còn sống thôi.”
(*)Bác – anh trai của cha.
(**)Trường đại học do triều đình thành lập, là cấp học cao nhất của Trung Quốc thời xưa.
“Hôm ấy đã xảy ra chuyện gì?”
“Ta cũng không biết rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì.” Lộ Thân thành thực đáp, khiến Quỳ càng nghi hoặc hơn. “Nhưng mọi người đã qua đời cả rồi, vậy thôi.”
“Cả nhà bá phụ của ngươi sao?”
“Bá phụ, bá mẫu*, Thượng Nguyên ca và đường đệ** mới sáu tuổi, tất cả đều chết trong nhà. Khi ấy trùng hợp Nhã Anh tỷ ở nhà ta nên mới tránh được kiếp nạn đó. Ký Y tỷ là người phát hiện ra thi thể.” Nói tới đây nàng chợt nhớ ra, “À phải, Ký Y tỷ cũng qua đời rồi…”
(*)Bác dâu – Vợ của bác anh trai của cha.
(**)Em trai họ bên nội.
“Nếu là như thế, tại sao ngươi lại nói mình ‘không biết rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì’?”
“Tiểu Quỳ thật là quá đáng, nhắc tới chuyện tang thương như vậy mà cũng không an ủi ta, lại còn thản nhiên hỏi tới hỏi lui như thế.” Cuối cùng Lộ Thân cũng rơi nước mắt, “Chúng ta thực sự không biết chuyện gì đã xảy ra, khi Ký Y tỷ qua đó thì thảm kịch đã xảy ra rồi. Tới tận bây giờ ta vẫn không biết rốt cục hung thủ là ai, vì lý do gì mà kẻ đó lại làm ra chuyện tàn nhẫn như vậy, chuyện hôm ấy còn lưu lại rất nhiều bí ẩn chưa được giải đáp. Tiểu Quỳ vừa thông minh vừa hiểu biết rộng, biết đâu có thể đưa ra đáp án.”
“Kể cho ta nghe những điều ngươi biết được không?”
“Được…” Lộ Thân gật đầu nói, “Chỉ mong ta có thể kể hết…”
Dứt lời nàng lại lấy ống tay áo lau nước mắt, rồi nhìn về phía rừng cây xa xa. Dường như nơi ấy chẳng có chi cả, lại như đang ẩn giấu thứ gì đó dưới bóng cây âm u. Tịch dương từ từ chìm xuống, bóng đêm lan dần lan dần bên chân Quỳ. Lộ Thân thoáng hy vọng rằng nàng có thể kể xong câu chuyện này trước khi sao Trường Canh* xuất hiện.
(*)Sao Hôm.