Phó Vân Anh bước vào chủ điện.
Trong điện, chỗ nào cũng toàn hoa với cỏ, mùi hương ngập tràn trong không khí. Những chiếc bình đồng thau mạ vàng được xếp khắp nơi trong điện, bên trong cắm đầy hoa thục quỳ, hoa ngải thảo, xương bồ, hoa lựu, hoa sơn chi. Tranh Thiên sư, lá ngải, xương bồ nhuộm ngũ sắc được treo bên cạnh các bàn tiệc, mang ý trừ độc trừ tà.
Trong bữa tiệc, mọi người liên tục nâng chén chúc mừng, không khí hài hòa, ăn uống linh đình. Văn võ đại thần ai ai cũng mặc những trang phục xanh đỏ tươi sáng như hòa mình vào rừng hoa trong điện. Bàn tiệc phủ lụa vàng, trên đó bày đủ thứ thịt, lợn, ngỗng, dê, bò, hoa quả tươi và khô, muôn màu rực rỡ, trong đó có mấy khay thức ăn cao bằng nửa người được buộc tơ ngũ sắc, trang trí hình ngũ độc, nhìn trông rất hoành tráng.
Vua tôi cùng uống, không khí vui vẻ.
Thấy Phó Vân Anh đi vào, Chu Hòa Sưởng ra hiệu cho nàng tới trước mặt mình, nhìn quanh một lượt, cười vang nói: "Khanh là người phong lưu [1], phóng khoáng, có nguyện thay mặt Trẫm cài trâm hoa cho các vị lão tiên sinh chăng?"
[1] Trong trường hợp này, phong lưu nghĩa là vẻ ngoài đẹp đẽ, phóng khoáng, mang tính lãng mạn. Đây là vẻ ngoài được các sĩ tử hướng đến thời cổ đại.
Các vị đại thần trong bữa tiệc nhìn nhau, mỉm cười.
Khóe miệng Phó Vân Anh run run.
Người đọc sách ở Giang Nam chuộng cài hoa, nam giới cũng yêu cái đẹp, một năm bốn mùa, xuân cài hoa mùa xuân, hạ cài hoa mùa hạ, thu cài hoa mùa thu, mùa đông không có hoa tươi cũng phải có đóa hoa lụa cài bên mũ.
Năm mới phải cài hoa, thi đỗ kì thi hội nhất định phải cài hoa, sinh nhật phải cài hoa, cưới vợ phải cài hoa, tướng sĩ xuất trinh trở về phải cài hoa...
Xưa nay, ở phương nam, đặc biệt là ở phủ Tô Châu lưu hành cái gì, những người ở nơi khác cũng sẽ đua nhau bắt chước, các đại thần trong triều lúc nhàn rỗi, đa phần cũng thích cài hoa...
Hôm nay là Tết Đoan Ngọ, phụ nữ cài trâm hoa, hoa tươi lên tóc, Hoàng đế cũng ban trâm hoa để cài cho văn võ quần thần trong cung yến.
Trâm hoa để cài cho các vị các lão được làm từ vàng nạm ngọc, các đại thần trong Lục Bộ là hoa lụa, những quan viên cấp thấp hơn là hoa nhung.
Cát Tường bưng một chiếc hộp sơn màu đỏ thẫm mạ vàng tới cạnh Phó Vân Anh.
Nàng chắp tay với Chu Hòa Sưởng, cầm một chiếc trâm hoa bằng vàng nạm ngọc lên, đi tới trước mặt Vương các lão.
Vương các lão vội vàng chuẩn bị đứng dậy.
Chu Hòa Sưởng lại cười nói: "Lão tiên sinh là người trên, không cần đứng dậy."
Phó Vân Anh thay mặt Hoàng thượng, Vương các lão làm sao dám nghe theo, vẫn nhất quyết phải đứng dậy.
Người ngồi cùng bàn là Phạm Duy Bình cũng đứng lên.
Phó Vân Anh cài trâm hoa lên mũ quan của Vương các lão, Vương các lão mỉm cười chắp tay với nàng.
Tiếp theo đó là Diêu Văn Đạt, Phạm Duy Bình, Uông Mân.
Cuối cùng là Thôi Nam Hiên.
Phó Vân Anh đi đến bên cạnh hắn, mắt hơi rũ xuống, những ngón tay nhỏ dài cầm trâm hoa.
Thôi Nam Hiên đặt chén rượu xuống, đứng dậy, ánh mắt dừng lại nơi sườn mặt nàng.
Mặt nàng không biểu hiện cảm xúc gì, cài trâm hoa lên cho hắn, động tác gọn gàng, lưu loát.
Về phần những quan viên khác, đã có đám nội quan khoác hoa lụa bưng trâm hoa tới tận chỗ ngồi, nàng thay mặt cho Chu Hòa Sưởng, chỉ cần cài cho các vị các lão là được rồi.
Thấy các vị các lão đều đã được cài trâm xong, mọi người đồng loạt vỗ tay trầm trồ khen ngợi.
Phạm Duy Bình cười nói: "Giờ chúng ta cũng đều là những lão già phong lưu cả rồi."
Mọi người cười vang, đồng loạt cài hoa lụa của mình lên.
Phó Vân Anh lui về sau vài bước, trở lại trước bàn của Chu Hòa Sưởng.
Cát Tường bưng một chiếc trâm hoa bằng vàng tới, cài lên mũ quan của nàng.
Chu Hòa Sưởng đưa ngón tay vuốt ve miệng chén, cười nhìn Phó Vân Anh, thấy nàng cài trâm hoa cũng khá đẹp, không khỏi bật cười, nói với mọi người: "Chuyện cài trâm hoa trong bữa tiệc hôm nay mà truyền ra ngoài tất sẽ trở thành một câu chuyện được người người ca tụng. Trẫm rất vui, các khanh cùng Trẫm uống một ly nào."
Nói xong, hắn giơ chén rượu lên.
Cả điện tràn ngập tiếng ca tụng công đức, các đại thần cùng nâng chén, uống cạn rượu ngon trong đó.
Sau đó, trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa mới của năm nay cũng được gọi vào trong điện.
Ba người đều còn rất trẻ. Trạng nguyên là người lớn tuổi nhất, cũng mới ba mươi mấy tuổi, ai cũng có phong thái hơn người.
Các vị hàn lâm lớn tuổi kiểm tra kiến thức của ba người, ba người họ đối đáp trôi chảy, mỗi người làm một bài thơ ngay tại chỗ.
Đọc xong thơ, cả điện tấm tắc khen hay.
Chu Hòa Sưởng vui vẻ, lệnh cho ba người bọn họ rót rượu mời các vị các lão.
Khắp điện đều là các vị quan lớn trong triều đình và hoàng thân quốc thích. Bị mấy trăm ánh mắt bỗng nhiên chiếu thẳng về phía mình, sức nặng tựa ngàn quân, ba người mới tham gia cung kiến kiểu này lần đầu nên vẫn gượng gạo, không quen.
Lúc trạng nguyên rót rượu cho Vương các lão, tay run lên bần bật.
Bảng nhãn còn căng thẳng hơn, suýt nữa làm đổ chén rượu của Uông Mân.
Chỉ có thám hoa Tô Thừa Dụ là thoải mái nhất, đại khái là bởi hắn đẹp đẽ sẵn, từ nhỏ đến lớn luôn là tiêu điểm để mọi người chú ý nên đã quen với tình trạng bị người khác nhìn chằm chằm. Nhưng mà nói cho cùng cũng còn trẻ, lúc Diêu Văn Đạt nói chuyện với hắn, mặt hắn cứng đờ, mãi mới trả lời được.
Chu Hòa Sưởng thì thầm với Phó Vân Anh: "Bọn họ gượng gạo quá, đệ vẫn cứ bạo gan hơn một chút."
Phó Vân Anh nghĩ thầm, đây dù sao cũng không phải bữa tiệc mừng công sau kì thi đình, mấy người bọn họ căng thẳng cũng là bình thường. Lần đầu tiên Chu Hòa Sưởng lên triều cũng có hơn gì Tô Thừa Dụ đâu, chẳng qua là bởi hắn có địa vị tôn quý, hắn không mở miệng thì chẳng ai dám lên tiếng trước nên hắn mới dọa được người ta thôi.
Chu Hòa Sưởng nhìn đại điện tràn ngập tiếng nói, tiếng cười, chợt mỉm cười theo.
Những người tài năng này đều đang tụ tập dưới một mái nhà. Thời khắc này, những nhân tài ưu tú nhất, nổi bật nhất của quốc triều đều đang ở xung quanh hắn, cúi đầu xưng thần.
Những vị đại thần đứng đầu như Vương các lão và Diêu các lão sẽ dần già đi, những đại thần ở tuổi trung niên như Uông Mân, Phạm Duy Bình sẽ tiếp nhận vị trí của bọn họ. Phạm Duy Bình là người mà ông già để lại cho hắn. Sau chuyện Uông gia bị nghi ngờ có liên quanh tới việc cấu kết với giặc Oa, Uông Mân cũng sẽ dần dần đứng về phe họ, ông ta đã dâng sớ buộc tội quan viên địa phương bao che cho các thế gia ở Chiết Giang, coi như đã bày tỏ thái độ rõ ràng. Trong những đại thần trẻ tuổi, Phó Vân Chương, Tô Đồng và mấy vị chủ sự ở Công Bộ, Lễ Bộ có biểu hiện rất tốt, đều là những nhân tài đầy tiềm năng.
Năm nay ba người đứng nhất giáp không chỉ đọc đủ thứ thi thư, có tài năng, hơn nữa còn thật sự quan tâm tới dân sinh kinh tế, đưa ra đối sách rất tốt, không phải là những người chỉ biết cắm đầu vào sách vở.
Hắn dường như có thể nhìn thấy trước cảnh tượng tươi sáng trong tương lai. Tuy từ trước đến nay hắn vẫn luôn không có yêu cầu quá cao với bản thân, không có nhiều tham vọng nhưng cũng không thể không thấy lòng mình ngập tràn cảm xúc, nhiệt huyết sôi trào.
Đối với hắn, việc khai sáng một thời đại thịnh thế mới quá xa vời, hắn không định mơ ước cao xa đến thế, có thể khiến cho đất nước thái bình an ổn, dân chúng được sống yên bình là hắn hài lòng rồi.
Chu Hòa Sưởng cảm khái hồi lâu, thất thần một lát, nâng chén rượu lên, nhìn về phía Phó Vân Anh, khẽ nói: "Vân ca nhi."
Ngoài điện, Giáo Phường Tư ca múa, tiếng nhạc nhẹ nhàng, trong điện lại tràn ngập tiếng cười tiếng nói không dứt, tiếng gọi này của hắn xen lẫn trong những âm thanh ồn ào ấy, loáng thoáng không rõ ràng.
Nhưng Phó Vân Anh vẫn nghe thấy.
Nàng ngẩng đầu lên.
Chu Hòa Sưởng nâng chén với nàng.
Cát Tường tinh ý, lập tức cầm bình rót rượu cho Phó Vân Anh.
Nàng cười, nhận chén rượu.
Cách một chiếc bàn, vua tôi hai người kính rượu nhau.
Vị rượu thanh thanh chảy vào cổ họng, hai người cực kỳ vui vẻ.
...
Cách đó không xa, Thôi Nam Hiên siết chặt chén rượu trong tay, mắt khép hờ.
Trong đầu hắn vẫn lặp đi lặp lại cảnh tượng Phó Vân cài trâm hoa cho hắn khi nãy.
Cực kỳ giống với lúc nàng còn trên đời, hằng ngày, lúc tiến hắn ra cửa, nàng kiễng chân giúp hắn chỉnh lại mũ quan, cười hỏi tối nay hắn về nhà lúc nào, có cần phải để cơm cho hắn hay không.
Hắn thường về muộn, cho dù nàng đã ngủ, vẫn sẽ để lại một ngọn đèn cho hắn.
Rượu trong bữa tiệc là ngự tửu, là loại rượu ngon hiếm có ở đời.
Hắn uống vào bụng lại cảm thấy nhạt nhẽo vô vị.
...
Bên ngoài, vua tôi cùng vui vẻ uống rượu. Trong hậu cung, Khổng Hoàng hậu cũng mở tiệc chung vui với các vị mệnh phụ.
Khổng Hoàng hậu mang thai, lại là lần đầu tiên có thai nên lại càng cẩn thận, chuyện tổ chức tiệc đều do nữ quan lo liệu giúp.
Điện Giao Thái lấp lánh trong ánh sáng của vàng, của ngọc, trang sức vàng ngọc trên đầu các vị mệnh phụ đều hắt ra thứ ánh sáng lóa mắt.
Khổng Hoàng hậu tán gẫu dăm ba câu với các vị các lão phu nhân rồi vào buồng trong. Trời nóng, nàng ta mới ngồi một lúc đã toát mồ hôi ròng ròng nên tháo những đồ trang sức nặng chình chịch xuống, tựa vào giường La Hán nghỉ ngơi.
Một cung nữ mặc quần áo rực rỡ, chải tóc đơn kế đi vào, quỳ ở bậc để chân đấm chân cho nàng ta.
"Nương nương, Vạn tuế gia bảo Phó đại nhân thay mặt ngài ấy cài trâm hoa cho các vị các lão. Ai cũng bảo Phó đại nhân phen này nhất định sẽ thăng quan!"
Khổng Hoàng hậu nhíu mày, đôi mắt vẫn khép chặt, ừ một tiếng, rồi hỏi: "Hoàng thượng còn làm gì nữa?"
Cung nữ cười nói: "Vạn tuế gia chơi giải đố với các vị đại thần, dùng mấy chục loại cách giải khác nhau, nô tỳ nghe cũng không hiểu, các vị đại thần không trả lời được. Vạn tuế gia sai người cầm một cuốn sách ra, nói đây là sách Phó đại nhân biên soạn cho ngài ấy, các vị đại thần ai cũng khen Phó đại nhân có hứng thú cao nhã."
Cung nữ còn chưa dứt lời, Khổng Hoàng hậu đột nhiên mở bừng mắt.
Cuốn sách kia!
Nàng ta biết Hoàng thượng làm việc chính sự xong rất thì đọc tiểu thuyết tiêu khiển, đám thái giám vẫn thường xuyên sưu tầm các câu chuyện trong dân gian cho ngài ấy đọc. Lúc nàng ta có thai thường hay âu sầu, từng tới mượn sách của Hoàng thượng để đọc, Hoàng thượng sợ nàng ta vất vả, sai người mang cả rương sách tới cung Khôn Ninh để nàng ta thích cuốn nào thì chọn cuốn ấy.
Nhưng cuốn sách kia vẫn đặt ở cung Càn Thanh.
Hóa ra cuốn sách chép tay mà Hoàng thượng trân trọng ấy lại là do Phó Vân tự tay viết!
Khổng Hoàng hậu ngồi thẳng dậy, mặt mày tối sầm.
Nữ quan bưng một bát canh ngọt đi vào phòng, thấy biểu cảm trên mặt Khổng Hoàng hậu, đưa mắt nhìn xung quanh một lượt.
Đám cung nữ vội cúi đầu xuống, lui ra sau bình phong.
"Ai khiến nương nương tức giận thế này?"
Nữ quan đặt bát canh xuống, cười hỏi.
Khổng Hoàng hậu đưa tay vuốt ve phần bụng đã phồng lên, không trả lời.
Nữ quan đã đoán được phần nào, bước tới vài bước, "Nương nương, khi nãy Hoàng thượng bảo Phó đại nhân thay mặt ngài ấy cài trâm hoa cho các vị các lão. Ngài đoán là vì sao?"
Khổng Hoàng hậu cười nhạt, nói: "Bởi mặt hắn đẹp sao?"
Nữ quan lắc đầu, "Nương nương, các vị các lão là đại thần trong triều, hành động này của Hoàng thượng, thứ nhất là để thể hiện sự tôn trọng của ngài ấy với các vị các lão, thứ hai cũng là để nói cho các vị đại thần, trong mắt ngài ấy, Phó đại nhân là người kế nhiệm của các vị các lão."
Khổng Hoàng hậu trợn trừng mắt, biểu lộ vẻ mặt khó tin.
Cái gã Phó Vân kia sao này cũng sẽ trở thành đại thần trong Nội Các á?!
Thậm chí còn có thể lên làm thủ phụ?
Phi Hàn Lâm bất nhập Nội Các [1], Phó Vân có phải xuất thân từ Hàn Lâm Viện đâu!
[2] Nền tảng của chế độ Nội Các dưới triều Minh, "Phi tiến sĩ bất nhập Hàn Lâm, phi Hàn Lâm bất nhập Nội Các". Nghĩa là: Không phải tiến sĩ thì không được vào Hàn Lâm Viện, không trải qua thời gian nhậm chức ở Hàn Lâm Viện thì không được vào Nội Các.
Nàng ta khẽ cắn môi, "Chuyện này không thể thế được! Nào có quy củ như vậy!"
Anh trai nàng ta say rượu xông vào Đại Lý Tự, đánh chửi quan viên của triều đình, thanh danh mất hết.
Phó Vân lại bởi có gan đắc tội với Khổng gia mà thanh danh vang xa, gần như đã trở thành người đứng đầu trong các quan viên trẻ tuổi.
Nếu như hắn thực sự đạt tới địa vị cao như vậy, Khổng gia biết làm sao bây giờ?
Nữ quan chậm rãi nói: "Nương nương, tuy Hoàng thượng có tính cách ôn hòa, chẳng khác gì cục bột, đối xử tốt với tất cả mọi người, nhưng người thử ngẫm kỹ những việc mà Hoàng thượng đã làm được từ lúc đăng cơ tới nay mà xem. Hoàng thượng là loại người bảo thủ, không chịu thay đổi hay sao? Theo nô tỳ thấy, hoàn toàn ngược lại! Sự ôn hòa của Hoàng thượng không xuất phát từ sự mềm yếu, mà là sự khoan dung phóng khoáng do hiểu rõ sự ấm lạnh của cuộc đời, Hoàng thượng không quan tâm tới lễ nghi phiền phức, có gan thay đổi quy củ. Một vị thiên tử như thế làm sao có thể bị quy củ trói buộc được?"
Bà ta thở dài.
"Nương nương, Hoàng thượng là Thiên tử, hơn nữa còn là một vị Thiên tử đã vững vàng trên ngôi vị Hoàng đế. Thiên tử nói cái gì là quy củ, cái đó chính là quy củ."
Khổng Hoàng hậu cắn môi.
Nàng ta nhớ tới lần trước Chu Hòa Sưởng muốn mệnh cho Phó Vân và mấy quan viên trẻ tuổi khác làm giám khảo trong kì thi hội, đại thần trong triều phản đối, nói không có tiền lệ này.
Khi đó Chu Hòa Sưởng chỉ lạnh nhạt nói một câu: "Không có tiền lệ, vậy thì bắt đầu từ Trẫm, để Trẫm mở ra cái tiền lệ này, thế nào?"
Lúc ấy, đại thần trong triều chỉ có thể nhường một bước.
Từ đó về sau, ngài ấy đưa ra chính sách mới gì cũng lại càng thuận lợi.
Các đại thần không thể trực tiếp phản đối, chỉ có thể ngấm ngầm cản trở. Tuy thi thoảng Hoàng thượng cũng sẽ thỏa hiệp nhưng hắn chắc chắn sẽ không từ bỏ chủ trương của chính mình.
Chỉ cần Hoàng thượng muốn, ngài ấy có thể thực sự đề bạt Phó Vân vào Nội Các!
Nghe nói rất lâu trước đây, Phó Vân đã cùng soạn sách với Hàn Lâm Viện, sửa chữa bổ sung sách sử của triều trước, đã có một chức quan nhàn tản của Hàn Lâm Viện, hiện giờ lại được ban tiến sĩ cập đệ...
Hóa ra ngay từ đầu Hoàng thượng đã tính toán kỹ càng cả rồi.
Sắc mặt Khổng Hoàng hậu liên tục thay đổi.
Nữ quan nói tiếp: "Nương nương, trong bữa tiệc, Hoàng thượng giải đố với các vị đại thần, có một vị quận công gia cố ý lấy lòng, nói đùa rằng nếu ngài ấy thắng cũng muốn nhờ Phó đại nhân cài trâm hoa cho ngài ấy, coi như lấy may, Hoàng thượng không cần nghĩ ngợi gì đã từ chối luôn."
Khổng Hoàng hậu không biết vì sao nữ quan đột nhiên nói chuyện này, cau mày nhìn bà ta.
Nữ quan giải thích: "Nương nương, Hoàng thượng bảo Phó đại nhân cài trâm hoa cho các vị các lão trên cung yến, cho đây là việc phong nhã, các vị triều thần cũng nghĩ vậy, nhưng Hoàng thượng nhất định sẽ không để Phó đại nhân cài trâm hoa cho các vị hoàng thân quốc thích, dù thực ra vị quận công kia cũng đang đang cố gắng lấy lòng Phó đại nhân..." Bà ta ngừng lại một chút, "Bởi Phó đại nhân là triều thần, các vị các lão cũng là triều thần, Hoàng thượng trọng dụng bọn họ, tin tưởng bọn họ, tôn trọng bọn họ. Hoàng thân quốc thích thì khác, Hoàng thượng ban thưởng cho bọn họ, dung túng bọn họ nhưng sẽ không quên sự khác biệt giữa hai bên. Ngài ấy cảm thấy việc để Phó đại nhân cài trâm hoa cho hoàng thân quốc thích trước mặt mọi người là làm nhục trung thần."
"Ngoài ra, trước đây nhà mẹ đẻ của Thái hậu từng tới cầu xin Hoàng thượng, Hoàng thượng làm thế nào, nương nương còn nhớ không?"
Tay chân Khổng Hoàng hậu lạnh toát.
Mẹ đẻ của Chu Hòa Sưởng mất sớm. Sau khi đăng cơ, hắn truy phong mẹ đẻ làm Thái Hậu, nhà mẹ đẻ của thái hậu cũng được phong thưởng.
Sau này, vì chuyện tranh mua ruộng đất, nhà mẹ đẻ của Thái hậu từng khóc lóc kể lể với Chu Hòa Sưởng, oán giận quan viên địa phương thấy nhà bọn họ xuống dốc, chèn ép nhà bọn họ, xin Chu Hòa Sưởng đứng ra đòi công bằng cho bọn họ.
Đắc tội nhà ngoại của Hoàng thượng, quan viên địa phương sợ tới mức hồn phi phách tán, đêm đến vội vàng đưa người nhà đi trốn, chuẩn bị sẵn quan tài, sẵn sàng tự sát tạ tội.
Ai ngờ Chu Hòa Sưởng không những không trách tội quan viên địa phương lại còn thăng quan cho ông ta, ban thưởng vàng bạc, trọng dụng ông ta, sau đó mở kho riêng lấy tiền mua ruộng đất khác cho nhà ngoại.
Nhà ngoại hổ thẹn, không dám nhận, từ đó an phận thủ thường, không dám gây chuyện với quan viên địa phương nữa.
Toàn triều ca ngợi Thánh thượng anh minh.
Canh ngọt đã nguội, nữ quan đặt bát canh sang một bên, rót một chén trà ấm dâng lên cho Hoàng hậu, "Nương nương, Hoàng thượng nhân hậu, nhưng vậy cũng không có nghĩa là Hoàng thượng sẽ thiên vị thân thích."
Nữ quan dừng lời.
Phó đại nhân là triều thần, Hoàng hậu là chủ hậu cung, tại sao cứ nhất định phải làm khó Phó đại nhân cơ chứ?
Nàng ta hẳn là nên dưỡng thai cho tốt, nếu sinh được Thái tử thì toàn tâm toàn ý nuôi dưỡng Thái tử. Sau này Thái tử lớn lên, Hoàng hậu là mẹ của người kế thừa ngôi báu, địa vị càng vững vàng... Tới ngày đó, mới có thể coi là hoàn toàn yên tâm.
Khổng Hoàng hậu hiểu lời khuyên bảo của nữ quan, chỉ có điều... nói cho cùng nàng ta vẫn không cam lòng.
Đường đường là Hoàng hậu, Khổng thị cho rằng mình có chức trách đuổi hết yêu ma quỷ quái bên cạnh Hoàng thượng.
Nàng ta cúi đầu vuốt ve bụng mình. Ngoài tấm bình phong, trâm cài trên đầu các vị mệnh phụ vẫn lấp lánh ánh vàng.
...
Từ khi nhà bếp riêng của Hoàng thượng được lập ra, thức ăn trong cung đã ngon hơn hẳn.
Tuy vậy, cũng chỉ có những bữa ăn hằng ngày mà thôi. Những buổi tiệc lớn trong cung như tiệc Đoan Ngọ vẫn do Quang Lộc Tự phụ trách. Vậy nên đồ ăn trong tiệc trông thì đẹp nhưng nếu ăn thì cũng chẳng có gì ngon.
Tan tiệc, Chu Hòa Sưởng lệnh nội quan lấy phần thưởng cho quan viên ra.
Đủ loại quan viên các cấp tạ hơn, nhìn theo Thánh giá rời đi.
Phó Vân Anh ra khỏi điện, đi dọc hành lang. Bỗng đột nhiên có một người đàn ông đang đứng bên đường nhảy ra, ngăn nàng lại, cười tủm tỉm nói: "Xin Phó đại nhân dừng bước."
Nàng nheo mắt, nhận ra người này là nội quan ở Chung Cổ Tư, phụ trách lễ nhạc trong cung yến.
Ở đầu kia của hành lang, những người khác của Đại Lý Tự đang chờ nàng, thấy nàng bị nội quan ngăn cản liền dừng bước nhìn sang.
Nàng đang định lên tiếng nhưng qua khóe mắt, nhìn thấy một bóng đen thấp thoáng sau cửa sổ ngắm hoa, khóe miệng nhếch lên, nàng quyết định đứng lại.
Nội quan nâng tay áo che mặt mình, khẽ nói: "Đại nhân, có một vị quý nhân có mấy câu nói, nhờ nô chuyển lời đến đại nhân."
Phó Vân Anh trầm mặc không đáp.
Nội quan cười hề hề, "Nghe nói đại nhân viết chữ rất đẹp, quý nhân muốn hỏi đại nhân một chút: Mấy chữ lễ nghĩa liêm sỉ viết thế nào?"
Phó Vân Anh từ từ nhướn mày.
Nội quan cười tươi, đôi mắt nhỏ híp lại, khuôn mặt tròn xoe nhưng giọng điệu lại độc địa, nhấn mạnh từng chữ một: "Đại nhân cũng định noi theo Hàn Vương Tôn khi xưa sao?"
Hàn Vương Tôn, tên húy là Yên, là con cháu của danh môn, bạn từ nhỏ của Hán Vũ Đế Lưu Triệt, rất giỏi về cưỡi ngựa bắn cung, hiểu biết về binh pháp, tài mạo song toàn, là sủng thần của Lưu Triệt. Sau này, ông ta đắc tội với Vương Thái hậu, bị Vương Thái hậu lấy cớ là dâm loạn cung đình đầu độc chết.
Nghe nói Hán Vũ Đế khi đó tuổi còn trẻ, đầu phi phát tán chạy tới chỗ Vương Thái hậu, định cầu xin cho Hàn Yên nhưng vẫn không cứu nổi.
Phó Vân Anh tỉnh bơ như không, nhìn thẳng vào nội quan, thong dong nói: "Ta cũng có mấy câu muốn nhờ ngươi chuyển lời cho vị quý nhân kia."
Nội quan ngẩn ra.
Phó Vân Anh cười lạnh lẽo, "Xin hỏi quý nhân, mấy câu nói này là người tự muốn hỏi hay là do người khác khuyến khích người hỏi?"
Nội quan khẽ nghiến răng.
Phó Vân Anh không thèm để ý tới hắn, phất tay áo bỏ đi.
Tề Nhân đứng ở đầu hành lang bên kia đợi nàng, thấy nàng đi tới bèn hỏi: "Khi nãy người kia nói gì với cậu thế? Ta thấy hắn không giống người tử tế."
Người ở Đại Lý Tự quả có mắt nhìn người.
Phó Vân Anh lắc đầu, "Không sao đâu."
...
Đằng sau cửa sổ ngắm hoa, Cát Tường quỳ rạp trên mặt đất, im thin thít, thở cũng không dám thở mạnh.
Hắn ngước mắt lên nhìn lén Chu Hòa Sưởng đang đứng trước cửa sổ.
Quân vương trẻ tuổi siết chặt một cành hoa sà vào sát cửa sổ trong bàn tay trái, mặt mũi sa sầm.
"Xoảng" một tiếng, chiếc hộp trong tay phải của Chu Hòa Sưởng bị ném xuống đất, chiếc hộp sơn đen vỡ thành hai mảnh.
Cát Tường sợ tới mức run rẩy.
Chu Hòa Sưởng cúi đầu, nhìn chiếc nghiên mực đã vỡ trong hộp, tay siết chặt.
Đó là nghiên mực do địa phương tiến cống, hắn dùng rồi, cảm thấy khá tốt, trước đó quên đưa cho Vân Ca nhi, khi nãy nhớ tới còn có mấy câu muốn dặn dò Vân ca nhi, đoán là đệ ấy vẫn chưa đi xa bèn tiện tay cầm nghiên mực tới đây.
Không ngờ lại nghe thấy nội quan của Chung Cổ Tư chất vấn Vân ca nhi như vậy.
Giọng Chu Hòa Sưởng khàn khàn, "Hoạn quan vừa nãy là người cung nào?"
Cát Tường ậm ừ: "Gia, nô sẽ đi điều tra..."
Chu Hòa Sưởng lạnh lùng lườm hắn một cái.
Cái lườm này khiến cả người Cát Tường lạnh ngắt.
Gia đối xử tốt với người dưới. Nhưng một khi người dưới động vào điểm mấu chốt của ngài ấy, ngài ấy cũng sẽ không nương tay, tuy không tới mức giết người nhưng tuyệt đối sẽ không trọng dụng kẻ đó nữa. Trước đây, trường sử và mấy người khác đều đã bị đẩy về phủ Võ Xương dưỡng lão như thế.
Cát Tường cân nhắc rất nhanh, khẽ trả lời: "Gia, hình như là người bên cung Khôn Ninh..."
Sắc mặt Chu Hòa Sưởng còn tệ hơn.
Hắn sải bước về hướng cung Khôn Ninh.
Nhớ tới Hoàng hậu còn đang mang thai, lòng Cát Tường nóng như lửa đốt.
Tới cung Khôn Ninh, nội quan, cung nhân đang bận rộn vẩy nước trong sân. Trời nóng, trong viện cứ nửa canh giờ lại phải vẩy nước một lần.
Tiệc ở hậu cung tan sớm hơn, Khổng Hoàng hậu đã về tẩm điện nghỉ ngơi từ lâu.
Đi vào nội điện mát mẻ, tâm trạng Chu Hòa Sưởng trở nên phức tạp.
Hoàng hậu có thai, lúc này lại đi cãi nhau với nàng ta thì không tốt cho sức khỏe.
Hắn day day ấn đường, cái cảm giác hưng phấn, mãn nguyện khi nãy trong bữa tiệc bỗng chốc đã biến thành hư không.
Cung nữ của cung Khôn Ninh thấy Chu Hòa Sưởng tới, vội vàng khom người hành lễ.
Hắn xua tay, xoay người ra ngoài.
Đám cung nữ nhìn nhau. Sao Hoàng thượng vừa đến lại đi rồi?
Trở lại cung Càn Thanh, Chu Hòa Sưởng nói với Cát Tường: "Tìm mấy cái nghiên mực tốt khác, tặng cho Vân ca nhi."
Cát Tường thưa vâng.
Phó chỉ huy sứ của Binh Mã Tư cầu kiến, vào trong điện, ôm quyền nói: "Hoàng thượng, vi thần tới thỉnh tội. Mấy ngày trước, trên đường về kinh, Phó đại nhân gặp phải bọn cướp đường chặn giết, đến nay vẫn chưa điều tra ra thủ phạm."
Chu Hòa Sưởng trượt tay làm đổ chén trà cạnh bàn, "Cái gì mà bọn cướp đường?"
Tiếng chén trà rơi xuống đất làm tất cả mọi người trong điện hoảng sợ.
Chu Hòa Sưởng bật dậy.
Lúc này, bên ngoài bỗng truyền đến tiếng bước chân dồn dập.
Chỉ chốc lát sau, Kim Ngô Vệ bước vào trong điện, "Hoàng thượng, Cẩm Y Vệ thiên hộ có chuyện quan trọng bẩm báo."
Chu Hòa Sưởng kím nén cơn giận, phẩy tay.
Cẩm Y Vệ thiên hộ vội vàng bước vào, giọng khàn khàn: "Hoàng Thượng, lưu dân ở Kinh Tương bạo loạn, chỉ trong hai ngày ngắn ngủ, số lượng loạn dân đã lên tới một trăm vạn!"
Chu Hòa Sưởng sửng sốt, mặt biến sắc.
Vấn đề lưu dân luôn là mối họa lớn tiềm tàng đối với triều đình.
Thành phần lưu dân rất phức tạp, ngoại trừ ăn mày, kẻ cướp, tội phạm, di dân của triều trước, đa phần là người dân bình thường nhưng vì sưu cao thuế nặng mà phải bỏ xứ trốn đi, cũng có rất nhiều người bị cường hào ác bá cướp ruộng đất, hoặc mất ruộng do thiên tai, không thể không rời quê nhà.
Có thể nói, mỗi lần có hạn hán thì lại có vô số dân chúng lao lên núi vì mạng sống của mình.
Khu vực Kinh Tương ở vào vùng giáp ranh giữa Thiểm Tây, Tứ Xuyên và Hồ Quảng, phía bắc dựa vào gần Tây Lĩnh, phía nam là Ba Sơn. Đó đều là núi cao rừng rộng mênh mông vô bờ, thung lũng lắm sông ngòi. Lưu dân len lỏi trong đó chẳng khác nào cá vào biển rộng.
Lưu dân chiếm cứ vùng Kinh Tương đã lâu, quan phủ căn bản không biết số lượng chính xác của bọn họ là bao nhiêu, đương nhiên càng không thể bắt giữ bọn họ.
Quan phủ từng phái binh đến giải tán lưu dân nhiều lần, lưu dân trốn vào trong núi sâu, nhất định không chịu đi.
Bọn họ tay không tấc sắt, số lượng lại đông đảo, quan phủ không nỡ xuống tay giết họ, chỉ có thể phái binh phòng thủ.
Cẩm Y Vệ cố tình nói tránh. Trước kia Chu Hòa Sưởng từng quan tâm tới chuyện lưu dân, nghe vậy đã hiểu ẩn ý của hắn.
Cái gọi là bạo loạn thực chất chính là khởi nghĩa. Có người cầm đầu khởi nghĩa, và số người hưởng ứng đã lên tới một trăm vạn.
Trước đây các vị các lão từng nói phía nam tạm thời đã được yên ổn nhưng tình hình loạn dân ở phía bắc vẫn kéo dài, không thể khinh thường.
Chu Hòa Sưởng lấy lại bình tĩnh, triệu kiến mấy vị các lão và quan viên Binh Bộ.
Các vị các lão có người còn đang trên đường, có người vừa về tới nhà đã bị gọi quay về cung Càn Thanh.
Không khí trong điện cũng không phải quá nặng nề. Dân chúng không có lương thực dự trữ ở nhà, mỗi lần gặp phải thiên tai, bọn họ không thu hoạch được lương thực năm đó, không thể lấp đầy cái bụng, còn phải chịu đựng sự bóc lột của quan phủ ở địa phương, nếu không chạy trốn thì chỉ có nằm chờ chết. Bởi vậy, mỗi lần có hạn hán trong diện tích lớn ở địa phương, rất dễ dẫn đến bạo loạn.
Các vị đại thần không mấy hoảng loạn, hỏi han chi tiết Cẩm Y Vệ thiên hộ về tính huống ở Kinh Tương.
Thiên hộ nói, "Bọn họ do một người tên là Miêu Bát Cân cầm đầu, đã tập hợp được trăm vạn người."
Các đại thần tỏ vẻ sầu lo. Khởi nghĩa lưu dân bình thường luôn chia năm xẻ bảy, không phải đối thủ của quân đội triều đình, khó mà tạo nên sóng gió gì. Nhưng mà một trăm vạn người thì sao có thể khinh thường!
...
Phó Vân Anh về đến nhà, vừa bước chân vào ngạch cửa đã nghe thấy tiếng vó ngựa đạp vang.
Nàng ngẩng đầu.
Đầu ngõ bụi cuốn cuồn cuộn, Cẩm Y Vệ giục ngựa chạy tới như bay, tới trước cửa, ghìm cương ngựa, ôm quyền nói: "Phó đại nhân, Hoàng thượng truyền triệu."
Nàng vội vàng tiến cung. Trong lúc chờ triệu kiến ở ngoài cung Càn Thanh, nàng nghe thấy tiếng gầm tức giận của Chu Hòa Sưởng truyền ra.
Cát Tường đi ra, nơm nớp lo sợ chào hỏi nàng.
Nàng hỏi: "Sao Hoàng thượng lại tức giận thế?"
Trong cung yến vừa nãy tâm trạng còn tốt lắm cơ mà.
Cát Tường thì thầm kể rõ ngọn nguồn cho nàng nghe.
Lưu dân ở Kinh Tương khởi nghĩa, mấy vị các lão bàn bạc cách ứng phó. Sắp lên kế hoạch xong xuôi lại có thư cấp báo tám trăm dặm, quan viên địa phương cùng kí tên buộc tội tổng lĩnh quân vụ vùng Thiểm Tây, Hồ Quảng là Tào tổng đốc. Họ nói chính là bởi Tào tổng đốc tàn nhẫn tàn sát lưu dân nên mới dẫn tới cuộc khởi nghĩa này.
Hóa ra là do Tào tổng đốc dụ dỗ lưu dân, nói chỉ cần họ chấp nhận ra khỏi núi quy thuận triều đình, triều đình sẽ bỏ qua hành vi trốn chạy trước đây của bọn họ, trả lại ruộng đất cho bọn họ, để bọn họ trở về làm những người dân bình thường như trước.
Lưu dân vốn phải sống cuộc sống khó khăn, nên động lòng trước những hứa hẹn của Tào tổng đốc, cả vạn người lần lượt chủ động đưa cả gia đình ra quy hàng.
Tuy vậy thứ chờ đợi bọn họ không phải là cuộc sống yên ổn mà họ hằng thiết tha mơ ước mà lại là lưỡi đao của Tào tổng đốc.
Tào tổng đốc lệnh cho quân đội tàn sát những lưu dân không hề có năng lực chống cự đó, dù là người già hay trẻ nhỏ, phụ nữ hay trẻ em, giết hết không cần luận tội.
Trong một thời gian ngắn, máu chảy thành sông, xác chất thành đống.
Khắp vùng rừng núi xương trắng chất chồng.
Như thể địa ngục trần gian.
Miêu Bát Cân là một trong những lưu dân chủ động ra hành trước đây. Cha mẹ, anh em nhà hắn đều đã chết trong tay thuộc hạ của Tào tổng đốc, chỉ có mình hắn giữ được mạng sống, quyết định được ăn cả ngã về không, dẫn dắt những lưu dân khác khởi nghĩa.
Có vô số người hưởng ứng.
Phó Vân Anh thở dài thườn thượt.
Thảo nào Chu Hòa Sưởng nổi giận lôi đình.
Trong điện, cơn giận của Chu Hòa Sưởng còn chưa tan đi, đòi triệu Tào tổng đốc về kinh, phái người khác đi tiếp quản quân vụ ở Thiểm Tây.
Vương các lão lập tức phản đối. Hiện giờ khởi nghĩa lưu dân là chuyện đã rồi. lúc này lại còn triệu chủ soát về kinh, chỉ sợ thành trì sẽ thất thủ.
Kế hoạch hiện thời chỉ có thể để Tào tổng đốc trấn áp lưu dân, giải quyết xong cuộc khởi nghĩa lưu dân này rồi bàn gì bàn tiếp.
Chu Hòa Sưởng tạm thời kiềm chế.
Sau khi các vị các lão ra ngoài, Phó Vân Anh vào điện.
Chu Hòa Sưởng đang dựa lưng vào long ỷ, mặt mày mỏi mệt. Hắn vẫn mặc bộ thường phục màu đen trên cung yến khi nãy, cổ tay áo đã bị hắn siết chặt đến mức nhàu nát.
Nàng bước lên phía trước.
Vừa nghe thấy tiếng bước chân, Chu Hòa Sưởng lập tức dựng thẳng lưng.
Nhìn thấy người tới là nàng, hắn lập tức thả lỏng người, dựa lưng vào lưng ghế, chân tay dang ra, nhìn đầy vẻ biếng nhác.
Động tác tự nhiên này của hắn làm Phó Vân Anh không thể không nhớ tới dáng điệu lười nhác mà Chu Hòa Sưởng công nhiên phô ra giữa lớp học hồi còn ở thư viện trước kia, thầm thở dài khe khẽ.
"Trẫm muốn phái người đi Thiểm Tây làm giám quân, đôn đốc tướng soái."
Chu Hòa Sưởng khe khẽ nói, giọng khản đặc.
Phó Vân Anh sửng sốt nhưng nhanh chóng hiểu ra, chắp tay nói: "Thần nguyện lĩnh mệnh tới đó."
Chu Hòa Sưởng ngẩng đầu lên nhìn nàng.
Trời dần tối, khi nãy hắn tức giận, nội quan sợ hãi trong lòng, vẫn chưa thắp nến trong điện lên.
Nàng đứng trong ánh sáng mờ mờ, dáng người mảnh khảnh, lông mi hơi khép, tạo thành một bóng mờ trên khuôn mặt.
Không cần hắn mở miệng, Vân ca nhi đã hiểu.
Chu Hòa Sưởng thở dài, nói: "Trên chiến trường, đao kiếm không có mắt, ta sợ đệ có việc gì."
Vân ca nhi là người bạn hắn tin tưởng nhất, hắn không muốn mất người bạn tốt nhất của mình.
Phó Vân Anh cười, "Hoàng thượng, lưu dân khởi nghĩa, chủ yếu là phải thuyết phục quy hàng. Lần này thần đi, không phải là lên chiến trường, sẽ không nguy hiểm gì đâu."
Thấy nàng cười, sắc mặt Chu Hòa Sưởng cũng hơi thả lỏng, khóe miệng vô thức cũng cong lên theo, hắn gật đầu, "Trẫm cũng cho là chủ yếu phải thuyết phục họ đầu hàng, nếu không dù trấn áp được lần này thì vẫn có thể có hậu họa về sau. Trẫm sẽ phái người thay thế Tào tổng đốc. Đến lúc đó tổng đốc mới ở tiền tuyến tác chiến, đệ lấy thân phận giám quân, ở lại hậu phương trấn an lưu dân, cầm Thượng Phương Bảo Kiếm đi, quan địa phương đều phải nghe lệnh đệ."
Tuy vua tôi đã nhất trí với nhau, Chu Hòa Sưởng vẫn còn do dự.
Vân ca nhi là người thích hợp nhất, hắn biết mình phải sai nghĩ ý chỉ đi thôi, nhưng nói cho cùng hắn vẫn chần chừ.
Phó Vân Anh thấy hắn nhíu mày trầm tư, nghĩ ngợi một lúc rồi cười nói: "Cảm ơn Hoàng thượng."
Chu Hòa Sưởng ngẩn ra một lúc, nhướn mày, nhìn nàng đầy nghi hoặc, "Cảm ơn Trẫm cái gì?"
Phó Vân Anh mỉm cười nói, "Xử lý lưu dân là việc khó làm nhưng nếu làm tốt ắt sẽ là công lớn. Hoàng thượng tin tưởng thần, cho thần cơ hội lập công, đương nhiên thần phải cảm ơn Hoàng thượng rồi."
Nàng cố tình dùng giọng điệu nhẹ bẫng để bàn luận chuyện triều chính. Nếu mấy người Vương các lão mà nghe được nhất định sẽ giận dữ, mắng nàng tùy tiện bừa bãi, không thể trọng dụng.
Nhưng mấy câu nói nhẹ nhàng bâng quơ này lại xoa dịu sự nôn nóng trong lòng Chu Hòa Sưởng.
Thử thách cũng là cơ hội, hắn muốn cùng Vân ca nhi trở thành một cặp vui tôi thật lòng với nhau, không nên lo trước lo sau như thế.
Vân ca nhi không sợ, hắn làm Hoàng đế còn sợ bóng sợ gió cái gì?
Năm đó hắn không tin mình sẽ xui xẻo mãi, ăn bao nhiêu quýt chua như vậy, có từng sợ cái gì đâu?
Chu Hòa Sưởng thở phào một hơi, mỉm cười, sai người đi nghĩ chỉ, "Vân ca nhi, ta thiên vị đệ như thế, đệ không được để ta mất mặt đâu đấy!"
Phó Vân Anh trả lời, giọng điệu nhàn nhạt, "Làm hết sức mình thôi."
Chu Hòa Sưởng nghẹn lời, chỉ vào nàng, cười ha ha.
Nội quan đứng hầu xung quanh thở phào nhẹ nhõm, trái tim cuối cùng cũng yên ổn trong lồng ngực, cười theo.
Thấy Chu Hòa Sưởng cuối cùng cũng trở lại bình thường, Phó Vân Anh không nói gì nữa.