Lẳng Lơ Tao Nhã

Chương 244-2: Khó cầu một đêm vui (2)



Trương Đại cũng đã ngủ dậy, đi ra xem bức tranh của Vương Vi, khen bức tranh rất đẹp.

Trương Ngạc nói:
- Để đích thân ta tự đi hỏi Vương Vi Cô, nhất định phải làm cho nàng đem bức tranh này tặng cho ta.
Đi đến khoang của Vương Vi, thấy cửa khép hờ, gã đẩy cửa nhìn vào bên trong, thấy Vương Vi đang ăn cháo, liền cười hỏi:
- Vương cô nương, bức tranh vẽ sen tịnh đế của cô nương rất đẹp, có thể tặng cho ta được không?

Vương Vi buông đũa xuống, dùng khăn lụa lau lau miệng, đứng dậy cười nói:
- Tiểu nữ cùng với Yến Khách tướng công đánh cuộc, nếu Yến Khách tướng công thắng tiểu nữ tử, thì người cứ việc cầm bức tranh kia đi.

Trương Ngạc nói:
- Tốt lắm, cô nương nói đi.
Trương Ngạc vô cùng thích đánh cuộc với người khác.

Vương Vi nói:
- Tiểu nữ tử cùng đánh một ván cờ với Yến Khách công tử, nếu công tử thắng thì bức họa kia sẽ thuộc về công tử.

Buổi sáng hôm qua Trương Ngạc đã đánh hai ván cờ với Vương Vi, thua nàng cả hai ván.

Trương Ngạc trợn mắt lên nói:
- Cô nương nói vậy chẳng khác nào nói là tặng luôn cho Giới Tử đệ của ta, cô nương đánh cờ thắng sao được Giới Tử.

Vương Vi mỉm cười nói:
- Nếu là Giới Tử tướng công tới, tiểu nữ tử sẽ không đánh cuộc chơi cờ, mà sẽ đánh cuộc chơi đàn thổi tiêu, tiểu nữ tử nhất định không chịu thua đâu.

Trương Ngạc trở lại mui thuyền nói lại với đám Trương Nguyên. Phạm Văn Nhược cười nói:
- Muốn nữ lang này tặng bức tranh sen tịnh đế rất khó, trừ phi là ý trung nhân của cô, nếu không cô ta sẽ đánh cuộc với đệ về nữ công, về tài nghệ làm bếp, đệ khó mà thắng được cô ấy lắm. Giả mẫu của cô Mã Tương Lan đã qua đời, nữ lang này liền trở thành chủ nhân U Lan Quán, rất là tự do. Lần trước có một thương gia giàu có họ Uông đã nguyện trả ngàn lượng bạc để đổi lấy một đêm vui vẻ nhưng đã bị nàng từ chối.

Trương Đại nghe Chu Mặc Nông nói qua khúc trung nữ lang của Nam Kinh Cựu viện đa số là con gái ruột của tú bà. Tú bà là người rất yêu quý con, khi gặp khách tử tế đều để mặc cho họ lưu luyến, không so đo tiền bạc, nhưng nếu là hạng phàm phu, con gái không thích thì cũng để cho con gái cự tuyệt không tiếp. Nếu là giả mẫu thì đương nhiên không yêu quý được như vậy, cái gọi là ‘Mẹ yêu cái đẹp, tú bà yêu tiền’ là để chỉ giả mẫu, nhưng nghe Phạm Văn Nhược nói thì giả mẫu của Vương Vi là Mã Tương Lan lại là người si tình và có hiệp khí, ở Cựu viện được gọi là ‘Hiệp kỹ’, kể cả Mã Tương Lan chưa qua đời thì cũng sẽ không ép buộc Vương Vi.

Trương Ngạc trợn mắt lên nói:
- Những khúc trung nữ lang đó đều có mánh khóe, không có ai cậy thế bắt nạt nàng ta được?

Phạm Văn Nhược nói:
- Những khúc trung danh kỹ (kỹ nữ danh tiếng) đa số đều có kết giao với danh sĩ (người có danh vọng nhưng không làm quan), người bình thường thực sự không ức hiếp họ được. Giống như Vương Vi đây, không nói cô ấy là nữ đệ tử của Trần Mi Công, Quy An Mao công tử cũng là người bảo vệ hoa.

Trương Ngạc cau mày hỏi:
- Cái gì mà Mao công tử, Da công tử? (ý là lông công tử và da công tử).

Trương Đại nói:
- Là Quy An Mao Nguyên Nghi Mao Chỉ Sinh đó à?

Phạm Văn Nhược nói:
- Đúng vậy!

Trương Đại gật đầu nói:
- Mao Chỉ Sinh cũng là quan lại thế gia, là hậu thế của danh môn, có chút quen biết với ta. Năm ngoái khi thi hương ở Hàng Châu ta với y cùng một trường thi, y cũng thi rớt rồi. Người này thích đọc binh thư, rất có chí.
Rồi lại nói với Trương Nguyên:
- Giới Tử, <Văn sao chép của tám đại văn hào thời Đường Tống> mà đệ đọc chính là do tổ phụ của Mao Chỉ Sinh là Mao Khôn biên tập, Mao Khôn là bậc danh gia cổ văn vào giữa những năm Gia Tĩnh đấy.

Trương Ngạc hỏi Phạm Văn Nhược:
- Phạm huynh, nói như vậy thì Vương Vi Cô một lòng hướng về Mao Chỉ Sinh kia ư?

Phạm Văn Nhược cười nói:
- E là Mao Chỉ Sinh đa tình thôi, Vương Vi vẫn chưa có ý gì, Yến Khách huynh cứ cố gắng lên.

Trương Ngạc lập tức mặt mày hớn hở, nói:
- Tốt quá, tốt quá!
Gã nói với Trương Nguyên:
- Giới Tử, chúng ta không đánh cuộc Lý Tuyết Y nữa, đánh cuộc Vương Vi đi…Ồ, suýt chút nữa quên mất đại huynh. Đại huynh đừng có trừng mắt nhìn đệ nha, ba huynh đệ chúng ta đánh cược công bằng, ai có thể chiếm được cảm tình của Vương Vi thì hai người kia không được buồn bực tức tối, nếu không lại vì một nữ tử mà làm hỏng tình nghĩa huynh đệ thì mất hay đi.

Trương Nguyên nói:
- Đệ không đánh cược đâu, đại huynh và tam huynh cứ cược đi.
Nói rồi hắn lệnh cho Lai Phúc bưng dưa hấu, anh đào và lê vừa mua xong ra, mọi người ở mui thuyền ăn hoa quả thay bữa sáng.


Trương Ngạc nói chuyện lớn tiếng, Vương Vi ở trong khoang thuyền nghe rõ mồn một, hừ nhẹ một tiếng, lại nghe thấy Trương Nguyên nói rằng không đánh cuộc, đôi mày thanh tú của nữ lang Vương Vi khẽ nhíu lại, lập tức cúi đầu tiếp tục ăn cháo, gắp một miếng ngó sen trắng đưa lên miệng ăn chậm rãi, lòng đầy tâm sự.

Ánh mặt trời chiếu vào cửa sổ, chiếc bình gốm eo cao màu xanh phát ra ánh sáng bóng màu xanh dịu nhẹ, hai nụ sen tịnh đế cắm trong bình đã từ từ nở, cánh hoa xòe ra, đây chính là thời điểm đẹp nhất của sen Tịnh Đế.

Diêu Thúc chấm thuốc vào cánh cho con chim Hắc Vũ Bát Ca. Con chim biết nói này có vẻ đã khá hơn rất nhiều, đang mổ kê trong lồng, mổ được mấy hạt liền vươn cổ đến một cái ống trúc nhỏ để uống nước, rất là thích chí, hiển nhiên là được nuôi dưỡng chăm sóc quen rồi, khi nghe thấy Tiết Đồng hoặc tiểu tỳ Huệ Tương gọi “Vi Cô” thì con chim này cũng gọi to “Vi Cô”, thanh âm còn đặc biệt to và rõ ràng.


Trương Đại nếm thấy nước hồ Tiết Điến ngọt liền lấy nước hồ đun để hãm trà, lát sau bưng Tùng La trà tới, mời Vương Vi cùng thưởng trà. Mọi người sau khi nếm Tùng La trà được hãm bằng nước hồ Tiết Điến thì đều khen hương trà rất tuyệt. Trương Đại bèn hỏi Vương Vi có biết đại sư trà đạo ở Kim Lăng Đào Diệp Độ là Mẫn Vấn Thủy hay không?

Vương Vi vui vẻ nói:
- Tông Tử tướng công cũng biết Vấn lão sao, tiểu nữ tử thích nhất La Giới trà của Vấn lão. Lúc ở Kim Lăng dù là ngày mưa to gió lớn cũng buộc phải đến nhà Vấn lão để thưởng trà.

Trương Đại nói:
- Bằng hữu của ta là Chu Mặc Nông thường ca ngợi với ta về trà của Vấn lão, lần này đi Kim Lăng, tất nhiên phải đến thăm hỏi Đào Diệp Độ, nghe nói Vấn lão không thích gặp người lạ, đến lúc đó nhờ Vương cô nương giới thiệu.

Vương Vi nói:
- Được thôi.
Nàng đảo mắt một cái, thấy Trương Nguyên đang lơ đãng nhíu mày, không biết đang nghĩ gì, hình như là có chuyện gì đó khó xử?

Hai chiếc thuyền một trước một sau bơi ngang qua hồ Tiết Điến, đi sâu vào Cấp Thủy cảng. Cấp Thủy cảng này thông ra sông Bạch Hiện. Phía tây sông Bạch Hiện lại thông với Thái Hồ, tức là thuyền bè có thể từ hồ Tiết Điến đến thẳng Tô Châu, không cần phải đi đường bộ tới Gia Hưng rồi lại lên thuyền ở vận hà đi Tô Châu.

Thêm nửa canh giờ nữa là đến quê hương Trinh Phong Lý của Đỗ Tùng. Trương Nguyên trong lòng do dự, không biết Đỗ Tùng có ở Trinh Phong Lý hay không? Nếu Đỗ Tùng ở Trinh Phong Lý thì hắn nên làm thế nào để lấy được lòng tin của ông ta?

Đầu giờ tỵ, ánh nắng bỏng rát, hai chiếc thuyền đã tới Trinh Phong Lý. Thuyền đu ba mái chèo không thể nào vào được trong bến nhỏ của thị trấn, đành phải neo ở bến ngoài thị trấn. Trương Nguyên, Trương Đại và Trương Ngạc đổi sang ngồi thuyền nhỏ của Phạm Văn Nhược. Trương Nguyên kêu cha con Mục Kính Nham và Mục Chân Chân cùng sang thuyền nhỏ này. Mục Chân Chân biết thiếu gia muốn đưa cha nàng đến gặp Đỗ tổng binh, cha nàng có lẽ rất nhanh sẽ đi phương Bắc, trong lòng Mục Chân Chân bắt đầu cảm thấy buồn.

Phạm Văn Nhược dẫn đám Trương Nguyên tới Đông Giao ở Trinh Phong Lý gặp Vương Hoán Như trước. Đỗ Tùng có một người cháu là học trò của Vương Hoán Như, Trương Nguyên và Đỗ gia vốn chưa hề quen biết, đương nhiên không nên tùy tiện đến nhà, phải hỏi thăm Vương Hoán Như về tình hình của Đỗ gia trước đã rồi tính sau.

Chiếc thuyền nhỏ đi qua lòng kênh quanh co ở Trinh Phong Lý, chỗ nào cũng có cầu đá, kênh rạch ngang dọc, liễu xanh rủ bóng gần chạm mặt nước. Trương Nguyên dựa vào trí nhớ lờ mờ mới biết Trinh Phong Lý quả nhiên chính là Chu Trang. Chu Trang lúc này là vùng sông nước đẹp đẽ, đặc biệt là nước, khác xa với cảnh đục ngầu ô nhiễm bốn trăm năm sau.
Vương Hoán Như khoảng ngoài bốn mươi tuổi, thân hình to béo, dưới cằm để râu ba chỏm, thỉnh thoảng lại đưa tay lên vuốt, giống như Mỹ Nhiễm công vậy. Năm ngoái Vương Hoán Như cùng với Phạm Văn Nhược đã gặp Trương Nguyên ở Thanh Phổ, rất khâm phục tài làm văn chế nghệ của Trương Nguyên. Việc đánh đổ Hoa Đình Đổng thị mới đây lan truyền rộng rãi, Vương Hoán Như nghe nói Trương Nguyên là chủ mưu, càng lấy làm kinh ngạc.
Lúc này Phạm Văn Nhược dẫn Trương Nguyên đột ngột tới thăm, y không khỏi cảm thấy bất ngờ, vội đón khách vào ngồi trong sảnh. Hàn huyên xong, Trương Nguyên bèn nói ý đồ đến đây của mình. Vương Hoán Như nói:
- Đỗ tổng binh đã về rồi, cuối tháng trước về Trinh Phong Lý, giới thiệu người tòng quân có khó gì, tại hạ sẽ dẫn Trương công tử đến Đỗ phủ gặp Đỗ tổng binh. Tuy nhiên huynh của Đỗ tổng binh vẫn chưa mai táng, bây giờ đến đó phải lấy danh nghĩa đến phúng viếng mới được.

Trương Nguyên nghe nói Đỗ Tùng đang ở Trinh Phong Lý thì thở phào, chắp tay nói:
- Vậy thì làm phiền Vương huynh rồi!

Côn Sơn có tập tục, khách phúng viếng không đến sau giờ ngọ, nói là không may mắn, không biết có điển cố gì. Giờ đã là giờ ngọ, không tiện đến Đỗ phủ nữa rồi. Vương Hoán Như lập tức bày tiệc khoản đãi Phạm Văn Nhược và đoàn huynh đệ Trương thị. Cơm xong họ ngồi thưởng trà nói chuyện phiếm trong cái chòi ở hậu viên. Line]>

TruyenFull.com đổi tên miền thành TruyenFull.tv