Lẳng Lơ Tao Nhã

Chương 232: Vi báo thi nhân xuân thụy túc



Từ khi đi theo Trương Nguyên, Mục Kính Nham rất siêng tập võ, ông cực kỳ mong ngóng cuộc sống binh nghiệp, muốn lấy quân trạng để thoát khỏi thân phận đọa dân. Thấy nữ nhi bưng chậu gỗ bước đến, ông nhanh chân lao đến, vung ra cây sào trong tay đến khi cách đầu mũi nàng năm tấc liền khựng lại. Cánh tay không chút lay động, còn cây sào gỗ lại khẽ rung, ông cười nói:
- Gắn thêm đầu thương thì con chết chắc rồi.

Mục Chân Chân nhoẻn miệng cười nói:
- Cha nói hay thật, con không biết tránh à, con đâu phải đầu gỗ.
Nói rồi nàng đặt chậu gỗ xuống, lấy ra khúc Tiểu Bàn Long côn dưới váy. Thường thì Mục Chân Chân không tập võ trước mặt người khác, lúc này thấy ngoài lão bộc phụ ra thì hậu viện chỉ có hai cha con nàng, tức thì nàng nổi hứng muốn luyện tập với cha.

Mục Chân Chân chưa học được thương thuật tổ truyền của cha, Mục Kính Nham nói nàng là nữ nhi, không thích hợp luyện đại thương… Cây đại thương này thích hợp lên trận giết địch, còn tiểu Bàn Long côn dùng để phòng thân là tốt nhất. Mục Chân Chân cũng học qua một chút công phu quyền cước, cho dù là bốn, năm tên cao to cũng không thể tiếp cận nàng. Những ngày này Mục Kính Nham cũng chỉ dạy vài chiêu võ nghệ cho con gái, Mục Chân Chân biết rằng phụ thân ắt hẳn sắp đi tòng quân theo sự an bài của thiếu gia, vì vậy ông muốn dạy nhiều một chút để sau này nàng có thể bảo vệ tốt bản thân và Giới Tử thiếu gia.

Tiết trời nóng bức, hai cha con luyện chưa đầy một khắc thì người ướt đẫm mồ hôi. Mục Kính Nham ở trần nên ra mồ hôi không hề gì, còn lưng áo Mục Chân Chân đã nhễ nhại hết cả… Áo trước cũng thấm ướt, nhớ lại đêm qua thiếu gia thấy toàn thân nàng sũng nước có thể nhìn xuyên thấu, trong lòng có chút phân tâm… Khúc tiểu Bàn Long côn trong tay bị Mục Kính Nham hất rơi, ông trừng mắt nhìn con gái, Mục Chân Chân vội nói:
- Phụ thân, con đói rồi, không còn sức nữa.

Mục Kính Nham lắc đầu, bụng nghĩ con gái từ khi đến Đông Trương đã quen được chiều chuộng, trước kia có bao giờ nói câu “đói rồi, không còn sức nữa” đâu. Có điều hôm qua quả thực rất mệt, lại không được nghỉ ngơi đàng hoàng, ông nói:
- Được rồi, mau giặt đồ rồi ăn cơm.
Dứt lời ông liền đi luyện tập một mình.

Mục Chân Chân ngồi xổm bên giếng giặt đồ, thấy cha luyện võ liền nói:
- Phụ thân, sau này cha nổi danh ở trong quân… có thể tìm một người mẹ, sinh thêm đệ đệ cho nữ nhi.

Mục Kính Nham thu cây sào, cười hì một tiếng rồi ngồi xổm bên cạnh con gái, lấy khăn lau khắp người. Ông cười nói:
- Cha không cần con quan tâm, con tự lo cho mình thì tốt hơn. Nhớ phục vụ Giới Tử thiếu gia cho tốt, sinh ra “nhất nam bán nữ”(*) cho thiếu gia, nửa đời sau con cũng có chỗ dựa.

(*) “Nhất nam bán nữ”: một nam một nữ, nữ sau này được gả đi mang họ chồng nên trong tục ngữ chỉ dùng từ “bán” – một nửa.


Mục Chân Chân cắn môi, gắt giọng:
- Cha nói gì vậy!

Mục Kính Nham cười hề hề:
- Cha nói thật đó, người như Giới Tử thiếu gia khó tìm lắm.

- Cha đừng nói nữa.

Mục Chân Chân làm lơ cha mình, cúi đầu hì hục giặt đồ, suýt nữa làm rách cả áo. Sau một lúc nàng ngẩng đầu lên thì không thấy ai nữa, phụ thân đi mất rồi.

Mục Chân Chân ngồi ngây ra một hồi, thấy tiểu nhị đến múc nước, nàng vội vắt áo hong khô rồi trở về phòng thay y phục. Nàng ở cùng phòng với Trương Nguyên, một phòng lớn được chia thành hai gian trong và ngoài, nàng ở gian ngoài. Mục Chân Chân ló đầu vào gian trong thấy thiếu gia đang ngủ say, nàng liền xoay người lại, lặng lẽ cởi y phục đẫm mồ hôi, thay vào bộ y phục vải Tùng Giang, kế đến nàng gọi cháo và bánh tại sảnh ăn của khách điếm rồi ngồi cùng với cha.

Lúc này bọn Năng Trụ, Phùng Hổ đều đã thức, rên rỉ kêu đói chết rồi đói chết rồi, vớ lấy mấy cái bánh nhai ngấu nghiến. Tiểu nhị khách điếm chạy lại nói:
- Chư vị đại ca, các vị tướng công đã dậy hết rồi phải không, tướng công bổn huyện có lời mời Trương Giới Tử tướng công và các vị tướng công khác.

Mục Chân Chân nói:
- Để ta đi xem.
Nàng quay về phòng, thấy thiếu gia vẫn đang ngủ liền trở xuống, nói Giới Tử thiếu gia quả thực rất mệt, đến chiều mới đi được.

Đám Năng Trụ, Phùng Hổ, Lai Phúc cùng tiểu nhị khách điếm mặt mày hớn hở nói chuyện Đổng Kỳ Xương tự đốt nhà đêm qua. Lai Phúc trút được cơn giận, y nói:
- Chết cười ta mất, Đổng Kỳ Xương đó để hai người ra khỏi nhà tránh lửa, muốn đến phủ nha vu cáo chư vị tướng công, nào ngờ Giới Tử thiếu gia nhà ta lường được Đổng Kỳ Xương sẽ dùng độc kế này nên đã sớm mời Ngô lão gia và Lưu lão gia đến, để họ tận mắt thấy Đổng Kỳ Xương phóng hỏa đốt nhà. Đúng là chuyện nực cười, người Hoa Đình phải kể chuyện cười này đến mấy đời, mấy ngàn năm luôn ấy chứ. Chẳng biết Đổng Kỳ Xương có tức chết hay không, mà dù không chết thì cũng không còn mặt mũi nào bước ra khỏi cửa.

Tiểu nhị khách điếm Vũ Hạc cực kì hâm mộ Lai Phúc, nhất là câu “Giới Tử thiếu gia nhà ta” của y tràn đầy tự hào. Tên tiểu nhị nhận ra y, chẳng phải đó là tửu bảo Lai Phúc mới đến của Vọng Hải lầu đó sao, thì ra là người nhà của Trương tướng công. Xem ra Trương tướng công muốn dùng trăm phương ngàn kế đối phó Đổng thị, Lai Phúc chắc là nội ứng rồi.

Sảnh ăn toàn là nam nhân, Mục Chân Chân liền trở về phòng mài mực luyện chữ. Nàng luyện Hoa Sơn bài, khi viết đầy một trang giấy trúc Duyên Sơn thì nghe thấy tiếng thiếu gia từ giường vọng đến, hắn còn ngâm thơ:
- Vi báo thi nhân xuân thụy túc, đạo nhân khinh đả ngũ canh chung (Để báo thi nhân đã đủ giấc, đạo nhân khẽ gióng chuông canh năm) – Chân Chân phải không?


- Ừm.
Mục Chân Chân nhanh chóng lên tiếng, gác bút đứng lên bước vào gian trong. Nàng thấy thiếu gia đã ngồi dậy, hắn hỏi nàng hiện giờ đã là canh mấy.

Mục Chân Chân đáp:
- Gần Ngọ rồi, thiếu gia hẳn là đói bụng lắm.

Trương Nguyên nói:
- Vẫn ổn, qua bữa rồi nên không thấy đói nữa.
Hắn cầm chén trà Mục Chân Chân đưa cho rồi hớp hết mấy ngụm, căn dặn:
- Chân Chân, đóng cửa lại đi.

Mục Chân Chân sững sờ, ban ngày ban mặt đóng cửa làm gì, nghĩ vậy khiến mặt nàng hơi ửng đỏ. Bởi vì mấy ngày trước ở Thanh Phổ Lục gia, nàng thấy Yến Khách công tử ở Tây Trương kéo thị tỳ Lục Mai vào phòng giữa ban ngày, còn đóng cửa lại nữa…

Trương Nguyên cười hì một tiếng, thầm nhủ Chân Chân dạo này nghĩ hơi nhiều rồi, vẫn còn sớm mà, hắn nói:
- Phải rồi, ngươi xem Tông Tử đại huynh thức dậy chưa, mời huynh ấy qua đây, nhớ đừng kinh động người khác.

Mục Chân Chân “vâng” một tiếng rồi bước nhanh ra ngoài, trong lòng có chút ngượng ngùng, dường như nàng mong thiếu gia cũng đối xử với mình như thế. Thiếu gia nào có hoang đường như Yến Khách công tử, ừm, thiếu gia mười bảy tuổi rồi mà.
Trương Đại vặn eo bẻ cổ bước vào hỏi:
- Giới Tử, chuyện gì vậy?

Trương Nguyên nhờ Mục Chân Chân đóng cửa lại, hắn chỉ vào mười hai rương gỗ lớn trong góc phòng nói:
- Mở hai cái trước xem có bảo bối gì không?

Trương Đại phấn chấn hẳn lên, y nói:
- Theo thẩm mỹ của Đổng Kỳ Xương hẳn là có không ít cổ vật quý giá, y cố ý muốn mang đi, đương nhiên là những thứ trân quý nhất, xem thử đi. Nếu là thư họa thì không xong rồi, chắc chắn đã bị nhòe nước, cổ họa thấm nước lại càng không tốt, phải nhanh chóng mời thợ đến sửa.

Trương Nguyên cong ngón tay gõ vào rương gỗ nhãn nói:
- Niêm phong nghiêm mật, không dễ thấm nước.
Hắn thầm nhủ: “Nếu toàn bộ là thư họa thì phiền phức rồi, thứ mình muốn là vàng bạc châu báu, thư họa muốn đổi thành bạc thì phải tốn chút công phu”.

Mục Chân Chân kéo dây thừng buộc rương gỗ sang hai bên, vội nói:
- Thiếu gia, rương này bị khóa rồi.

Trương Nguyên đến gần quan sát, trên rương quả nhiên có khóa đồng dài mảnh, hắn cười nói:
- Phải tìm đến Đổng thị đòi chìa khóa thôi.

Trương Đại cười nói:
- Bảo hổ lột da.

Mục Chân Chân nói:
- Thiếu gia, lực tay của cha nô tì khá mạnh, loại khóa này cũng không quá khó mở, cha có thể bẻ được.

Trương Nguyên nói:
- Hãy khoan.
Hắn cúi người xem xét tỉ mỉ, vui vẻ nói:
- Ở đây có hai rương không khóa.
Dứt lời, hắn cùng Mục Chân Chân dọn đống rương trên cùng sang một bên, tháo dây thừng ra khỏi chiếc rương chưa bị khóa. Hắn lắc vài cái thấy rương không nặng, có thể là thư họa. Rương này thiết kế tinh xảo, khi đóng không lộ kẽ hở, mở nắp ra thì thấy cơ man những cuộn thư họa, hơn nữa trong rương chỉ hơi ẩm, đống thư họa vẫn an toàn.

Trương Nguyên lấy ra một cuộn, nói với Trương Đại:
- Đại huynh, đây chính là thư họa của Đổng Kỳ Xương, hiện giờ thư họa của lão không đáng một xu.
Hắn thầm nghĩ:
“Khang Hi Mãn Thanh tán thưởng thư họa của Đổng Kỳ Xương, vì vậy giá trị của nó tăng gấp bội, ta đã đến cuối thời Minh, Khanh Hi sẽ có sao!

Trương Đại và Trương Nguyên mỗi người giữ một đầu cuộn, chậm rãi mở thư họa ra. Mắt Trương Đại lóe sáng, mừng rỡ nói:
- Đây là danh tác “Khê thủy hành lữ đồ” của Đổng Nguyên thời Nam Đường.

Hai người lại lấy cuộn khác mở ra xem, Trương Đại hoan hỉ nói:
- Đây là “Khê sơn vũ ý đồ” của Hoàng Công Vọng, tuyệt diệu, tuyệt diệu!

Trương Nguyên hiện tại không có lòng dạ thưởng thức thư họa, để mặc đại huynh lục xem chiếc rương, còn hắn và Mục Chân Chân kéo ra chiếc rương chưa khóa còn lại. Đây chỉ là rương gỗ bình thường, nó rất nặng, ước chừng hơn trăm cân, không được thiết kế tinh xảo như rương thư họa. Trương Nguyên nói:
- Rương này chắc chắn đã bị thấm nước rồi.
Hắn vừa mở ra thì thấy ánh bạc chói mắt, trong rương có rất nhiều thỏi bạc to nhỏ không dưới một ngàn năm trăm lượng. Đống bạc này chất chồng hỗn loạn, lớn nhỏ bất nhất, thiết nghĩ là do Đổng Kỳ Xương tạm thời cho người cất bạc vào đây để tiện mang đi.

Trương Đại nghe nói là bạc thì không thèm liếc nhìn đến, y một mình thưởng thức đống thư họa, miệng không ngừng tán thán.

Trương Nguyên đứng thẳng người, tìm khăn vải lau khô tay, hắn nói:
- Tốt lắm, có bạc thì ổn rồi, ta có thể dùng nó giúp đỡ các hộ dân sống lưu lạc bên bờ cầu Trường Sinh. Ở Hoa Đình đã làm chuyện ác, cũng phải hành thiện chứ.

Mục Chân Chân vui vẻ nói:
- Thiếu gia đâu có làm chuyện ác, người là Lương Sơn hảo hán, cướp của giàu chia cho người nghèo.

Trương Nguyên nói:
- Tế bần thì chỉ giúp một phần, đa phần vẫn là giữ lại để ta ăn uống thỏa thuê.

TruyenFull.com đổi tên miền thành TruyenFull.tv