Đầu xanh đã tội tình gì
Ý định của nàng được đưa ra nói với những người chuyên làm môi giới. Tin này được đồn đại một cách mau chóng làm cho thiên hạ xa gần đều xôn xao. Có một bà mối thuộc vùng phụ cận tìm vào, đem tới một người khách phương xa nói là muốn đến để làm lễ vấn danh. Đứng ngoài cổng, người khách này tự xưng tên là Mã Giám Sinh, quê quán ở huyện Lâm Thanh, không xa Bắc Kinh là mấy. Tuổi ông ta đã vào khoảng trên bốn mươi, mày râu nhẵn nhụi, áo quần có vẻ bảnh bao. Người làm mối đưa ông ta vào lầu trang; lao xao đi theo ông ta là mấy người đầy tớ. Chưa ai mời mà Mã Giám Sinh đã ngồi tót lên ghế một cách sỗ sàng. Từ buồng trong Kiều bị bà mối thúc dục đi ra để người ta xem mặt. Lòng trĩu nặng vì chuyện tình duyên éo le trắc trở và nỗi đau xót vì mối oan trái lớn lao của gia đình, Kiều đi trên thềm hoa mà nước mắt cứ trào ra từng dòng với mỗi bước chân. Sượng sùng như e sương ngại gió, nhìn hoa nàng cũng thấy thẹn mà nhìn vào tấm gương nàng cũng thấy bộ mặt mình như dạn dày. Bà mối hết vén tóc rồi lại nâng tay nàng để chỉ cho ông khách là nàng đẹp đến mức nào. Này nhé, nét đẹp buồn dịu dàng như hoa cúc, dáng điệu thanh tao có khác gì hoa mai. Bà mối lại ép nàng làm thơ đề trên cánh quạt của ông khách và biểu diễn tài nghệ âm nhạc bằng chiếc nguyệt cầm cho khách nghe. Sau một hồi cân sắc, đo tài, người ta thấy đứng về mặt nào Kiều cũng xuất sắc, không mặt nào là không mặn nồng, không mặt nào là không đáng yêu. Ông khách có vẻ bằng lòng, liền tìm cách đi vào thực tế. Ông ta nói:
- Chúng tôi muốn mua ngọc đem về Lam Kiều, vậy xin cho biết sính lễ là bao nhiêu?
Bà mối nói:
- Tài sắc này đáng giá một nghìn lạng vàng. Nhưng vì nhà đây có tai nạn cho nên không dám đòi hỏi đủ số đó. Xin quý khách mở lượng mà thuơng tình, chúng tôi nào dám nài ép.
Sau một thời gian khá lâu thương lượng, cò kè bớt một thêm hai, hai bên đồng ý là bốn trăm năm mươi lượng. Một phen hai bên đã có sự thỏa thuận, chiếc thuyền xuôi theo mái chèo một cách êm ái. Hai bên trao đổi cho nhau tên họ, tuổi tác, và định ngày nạp thái vu quy. Mã Giám Sinh xin khi nạp thái xong thì được làm lễ rước dâu liền lập tức.
Đã có tiền rồi thì việc gì mà không giải quyết được? Mẹ Kiều và em Kiều nhờ ông Chung can thiệp để cho thân phụ và em trai của Thúy Kiều được có tự do tạm, và được lãnh về nhà.
Về tới nhà, biết được những gì xảy ra, ông Vương nhìn con mà ruột thắt, gan bào, trái tim rướm máu. Ông nói:
- Nuôi con là chỉ mong muốn con có một tương lai, sau này được trao tơ đúng lứa và gieo cầu đúng nơi. Ông trời ơi, tại sao ông khắc nghiệt quá chừng như thế? Ai đã vu oan giá họa để cho người cùng một gia đình phải xa nhau? Tấm thân già này của ta đâu còn ngại gì những búa rìu mà người ta bổ xuống? Nhưng mà đày đọa con trẻ như thế thì oan khốc cho tuổi già này biết bao nhiêu? Trước sau thì cũng chỉ một lần chết. Thà ta chết trước để khỏi phải trông thấy những điều thương tâm xảy ra.
Ông Vương khóc ròng khi nói lên mấy câu ấy. Trong cơn tuyệt vọng, ông đã muốn liều mình đập đầu vào bức tường vôi để tự tử. Thấy thế, mọi người đều vội vàng can thiệp, người thì cố ôm giữ ông lại, người thì tìm cách khuyên nhủ chăm sóc ông.
Thúy Kiều tìm hết mọi lời to nhỏ để khuyên can cha. Nàng nói:
- Có đáng gì một chút phận gái thơ ngây mà đến nỗi cha phải liều mình như thế? Mẹ cha sinh dưỡng, con chưa từng có một cơ hội nào cả để đền đáp ơn sâu. Đã không có cơ hội của cô Đề Oanh dâng thơ lên vua Hán để xin thế tội cho cha, thì không lý con lại không làm được việc của nàng Lý Ký ngày xưa bán mình để nuôi cha mẹ? Cha của con càng ngày tuổi hạc càng cao, mà một thân cây phải gánh vác biết bao là cành. Nếu cha có mệnh hệ nào thì chắc cả bốn mẹ con con đều chết hết. Xin cha cứ xem là cha chưa bao giờ sinh ra con. Nếu cha không làm được như vậy thì cơn bão tố này sẽ làm tan tành hết cả gia đình ta. Thà rằng hy sinh một mình con mà cả nhà được thoát: hoa dù có bị rã cánh mà lá vẫn còn xanh tốt trên cây. Xin cha thương xót chúng con mà đừng nghĩ quanh nghĩ quẩn nhiều quá, điều đó sẽ đưa tới sự thiệt mạng của cha và sự tan nát của cả gia đình.
Nghe lời nói hơn thiệt của Kiều, ông Vương dịu lại. Trong khi mọi người đang nhìn nhau với nỗi niềm thương cảm giọt ngắn giọt dài thì bên ngoài phái đoàn Mã Giám Sinh đã tới. Đây là lúc phải ký hợp đồng trên giấy và trao nhận số tiền bốn trăm năm chục lạng vàng. Hỡi trăng già độc địa, tại sao se giây mà không biết phân biệt, cứ bạ đâu buộc đấy như thế! Tại sao một cô gái tài sắc như Thúy Kiều lại lọt vào một kẻ tầm thường như Mã Giám Sinh? Nhưng đã có tiền trong tay, người ta có thể đổi trắng thay đen một cách dễ dàng. Ông Chung đã đứng ra để lo liệu và chạy chọt. Một khi ba trăm lạng vàng đã được đặt lên làm lễ vật, thì bản án được xóa, và phụ thân của Kiều được trả tự do.
Việc nhà vừa mới được giải quyết xong thì có tin báo là sáng ngày hôm sau đã có lễ rước dâu. Một mình thức bên ngọn đèn khuya, Kiều âm thầm khóc. Áo nàng ướt hết vì những giọt tủi, tóc nàng xõa cả xuống vì những niềm đau. 'Phận mình thì như vậy cũng đành, nhưng nghĩ tới tấm lòng tha thiết bấy lâu của chàng Kim thì thực tình ta chịu không nổi. Chàng đã để ra bao nhiêu tâm huyết và thời gian trong công trình đeo đuổi. Tại vì ta đã đáp ứng lại một cách tha thiết cho nên cuộc đời của chàng phải đến nỗi dở dang. Chén rượu thề còn chưa ráo mà ta đã phải phụ lời nguyền. Kim ơi, từ Liêu Dương xa xôi cách bao nhiêu sông núi anh có biết rằng người chịu trách nhiệm làm chia rẽ đôi ta chính là em đây hay không? Thôi thế là hết! Bao nhiêu thề nguyện, bao nhiêu hứa hẹn duyên nợ, tất cả đã không còn gì nữa trong kiếp này. Em chết đi mà hương thề chưa dứt thì em sẽ đầu thai làm kiếp trâu kiếp ngựa để đền bù lại cho anh trong những kiếp sau. Nợ tình chưa trả được cho anh, khối tình em mang xuống dưới tuyền đài cũng sẽ không thể nào tan được!'
Nỗi niềm tâm sự của Kiều làm cho Kiều trăn trở suốt đêm. Đĩa đèn dầu đã cạn, mà nước mắt nàng vẫn tiếp tục rơi cho đến khi khăn tay nàng ướt đẫm.