Cổ thúc thúc đối với Vệ Thiên Tường rất mực thương yêu chiều chuộng, coi chàng chẳng khác gì con đẻ.
Bất cứ Vệ Thiên Tường muốn hỏi chuyện gì, ông cũng vui lòng thuật lại cho chàng nghe. Nhưng mỗi khi Vệ Thiên Tường đề cập đến thân thế của mình có ý muốn ông nói cho mình biết rõ thì ông lại tươi cười an ủi, hoặc bảo lúc này chưa phải là lúc nói rõ cho chàng biết.
Có lần Cổ thúc thúc lại nói trong tương lai Vệ Thiên Tường tự nhiên sẽ hiểu rõ thân thế của mình, nói ngay lúc này quá sớm, chỉ có hại chớ chẳng có ích gì.
Vệ Thiên Tường đã lớn, tâm trí cũng mở rộng, nên cách suy đoán cũng có phần lanh hơn, vững chắc hơn trước nhiều.
Bởi vậy, Vệ Thiên Tường cảm thấy ngay chắc có sự gì bí ẩn kỳ quái về thân thế và gia đình mình, đến nỗi ngay như tên của cha mình, các vị thúc thúc cũng không chịu nói rõ.
Trước đây vì mình còn nhỏ tuổi, các vị không chịu nói cũng đã đành, nhưng bây giờ mình đã khôn lớn, tại sao các vị thúc thúc vẫn không chịu cho biết tên cha mình là gì và là nhân vật như thế nào.
Vệ Thiên Tường suy nghĩ như vậy và băn khoăn mãi về câu hỏi này. Chàng lại thấy mỗi lần nhắc đến cha mình để tìm cách dò hỏi thì Cổ thúc thúc lại âm thầm nét mặt đầy vẻ ưu tư. Hoặc giả tươi cười thì Vệ Thiên Tường cũng nhận ngay là nụ cười của ông có vẻ hết sức gượng gạo.
Vì thế Vệ Thiên Tường lại càng nghi ngờ, trong lòng đã đặt ra mấy giả thuyết như sau :
- Phụ thân mình đã bị kẻ thù sát hại, kẻ thù đó võ công cực cao, không ai đối địch được hắn, Cổ thúc thúc sợ mình biết rõ chuyện sẽ nóng lòng đi kiếm kẻ thù để báo cừu, như vậy khác nào trứng chọi đá.
- Phụ thân mình là một nhà chí sĩ ái quốc, mưu đồ phản Thanh phục Minh, vì thế ông bị triều đình bắt giết, mình được các đồng chí của ông là các vị thúc thúc cứu thoát đem đi. Chắc vì lẽ đó mà Cổ thúc thúc hay nói đến bang hội trong chốn giang hồ võ lâm cho mình nghe, các bang hội này đều có thế lực rất mạnh để chống lại triều đình Mãn Thanh.
- Phụ thân mình là một tay ghê gớm lãnh đạo lục lâm hắc đạo, chuyên việc giết người cướp của đốt nhà, không phải là người hiệp nghĩa trong võ lâm, bởi thế các vị thúc thúc không muốn nói cho mình rõ...
Vệ Thiên Tường nghĩ đến đây thấy tim đau nhói. Chàng lại thầm nhủ: “Không, không phải thế. Cha ta nhất định không phải là một hạng người như vậy”.
Biết bao câu hỏi luôn luôn quay cuồng trong đầu óc chàng thanh niên, nên chàng càng ngày càng băn khoăn, nghĩ ngợi về thân thế lai lịch của mình.
Tuy nhiên Vệ Thiên Tường biết rằng dù có hỏi Cổ thúc thúc cũng chẳng chịu nói rõ, bởi vậy chàng phải tạm thời nhẫn nại chờ đợi co hội để dò hỏi.
Dầu sao Vệ Thiên Tường cũng biết chắc một điểm là sáu vị thúc thúc dạy chàng võ công đều là bạn thân của cha chàng. Các vị thúc thúc đó là những cao thủ võ lâm, trí dũng trung nghĩa nên cha chàng nhất định cũng phải là một nhân vật võ lâm.
Vệ Thiên Tường tin tưởng rằng một khi mình học nghệ thành tài, giang hồ tuy lớn nhưng mình dần dần dò hỏi, thì cũng có thể biết được tường tận.
Hơn nữa trong thiên hạ không bao nhiêu người họ Vệ, thì hy vọng cũng có thể một ngày nào đó tìm ra manh mối, và biết được sự thật về lai lịch thân thế của mình.
Với tâm trạng này, Vệ Thiên Tường an lòng lo tiếp tục học võ luyện văn, hết ngày này sang ngày khác, thấm thoát đã hai năm tròn.
Hôm đó, một sáng sớm đầu thu, một buổi sáng tinh sương! Những gọt sương mai long lánh còn động trên ngọn cỏ, long lánh như muôn ngàn bột kim cương, thấm ướt cả giầy.
Quen lệ mọi ngày, từ lúc trời chưa sáng tỏ, Vệ Thiên Tường đã thức dậy, ăn lót lòng qua loa, đã vội vã rời căn buồng riêng của mình, bước đến khoảng đất rộng trên triền núi, cách đó không xa. Đây là nơi chàng cùng Cổ thúc thúc đã chọn làm chỗ thao luyện hàng ngày.
Đã hai năm nay, sáng nào Vệ Thiên Tường cũng ra nơi đây rèn luyện “Thất Sát kiếm” là môn học chính trong giai đoạn này.
Vệ Thiên Tường sử dụng thanh trường kiếm của Cổ thúc thúc giao cho. Đây là một cây kiếm thép cực tốt đã được trui luyện hàng trăm lần. Lưỡi kiếm chiếu một màu xanh biêng biếc, ánh sáng chói lòa.
Khi đến nơi luyện võ, Vệ Thiên Tường theo thường lệ, trước hết cửa động hít khí trời trong lành của buổi bình minh vào lồng ngực cho người nóng lên. Sau đó cởi bỏ áo ngoài, đặt vỏ kiếm tảng đá cạnh đó, rồi bắt đầu múa bài Thất Sát kiếm pháp.
Cũng có lúc Cổ thúc thúc ra xem chàng luyện tập, đứng một bên chỉ bảo thêm từ đường gươm mũi kiếm để sử dụng một cách thật chính xác. Có khi cao hứng, ông sử dụng ống điếu trúc đánh cùng chàng.
Đã mấy ngày qua, Vệ Thiên Tường học xong môn Thất Sát kiếm pháp. Nhưng ý chàng muốn tiếp tục luyện nhiều lần thêm nữa để được thuần thục hơn.
Sau khi vứt bao kiếm trên tảng đá, Vệ Thiên Tường phi thân phóng ra giữa bãi, vận dụng thần khí, tay mặt cầm kiếm, múa bài Thất Sát kiếm, chiêu số chú trọng vào điểm “quyết tốc”.
Một vùng sáng bạc lóe lên, bao bọc khắp người chàng, đường kiếm bay mau như gió vật mây vờn, không khí bị lưỡi kiếm chém vào vun vút, rít ra những tiếng như lụa xé.
Càng múa càng cảm thấy phấn khởi tinh thần, gió lộng vù vù, hơi kiếm tỏa ra hang mấy trượng, che mờ cả bóng chàng, đứng ngoài không trông thấy. Hình như chàng hòa cùng thanh trường kiếm cùng vũ lộng một lúc.
Mỗi lúc thế kiếm càng nhanh, đường kiếm quay tít mù, dần dần nơi đây chỉ còn một vùng hào quang sáng chói, ẩn hiện chập chờn trên khu đất rộng mà thôi.
- Được rồi, hay lắm rồi! Thành công rồi! Kiếm pháp của mình đã làm cho Cổ thúc thúc gọi là “Phát kiếm như điện, nhất á thành” (nghĩa là vung kiếm như điện xẹt, chỉ múa một hơi là xong).
Vệ Thiên Tường tự thấy mình đã tiến bộ khá nhiều, đúng như sở nguyện. Vừa múa chàng vừa reo lên trong dạ, tâm thần sảng khoái hân hoan vô cùng.
Không ngờ trong lúc đang múa tít, bỗng từ ngoài xa một vật nhỏ do một bàn tay nào ném vào đúng ngay vào làn hào quang của lưỡi kiếm đánh choang một tiếng, thanh âm ngân lên, kéo dài.
Lưỡi kiếm chạm phải viên sỏi, tay chàng thấy rúng động.
Một luồng kình lực chuyển vào lưỡi kiếm làm hổ khẩu tê rần ê ẩm. Đốc kiếm như muốn tuột tay bay mất.
Kinh ngạc quá, Vệ Thiên Tường cho rằng có lẽ Cổ thúc thúc đã nấp gần đâu đấy để đùa mình. Chính ông ta đã dùng một viên đá, ném vào vầng kiếm quang để thử sức mình chăng.
Chàng buột miệng gọi lớn :
- Cổ thúc thúc!
Nhưng gọi luôn ba tiếng vừa xong chàng đã nghe một giọng nói rất nhỏ nhưng thật rõ ràng vọng tận tai mình :
- Kể ra cũng khó được lắm đấy!
Vệ Thiên Tường bỗng giật nẩy người vì nhận ra không phải lời nói của Cổ thúc thúc.
Chàng lập tức ngừng tay kiếm rồi nhanh trí phi thân nhảy vút lên một ngọn cây cao, đưa mắt nhìn khắp xung quanh một lượt.
Lúc bấy giờ trời đã sáng hẳn. Sườn núi lại ít cây, ít bụi rậm, quang đãng sáng sủa lắm. Trong phạm vi hơn một dặm, trừ mấy căn nhà đá của Cổ thúc thúc, không có một vật gì che mắt, không một bóng vật hay bóng người thấp thoáng.
Quả là kỳ quái.
Chàng lẩm bẩm :
- Lạ quá, tai mình nghe lầm chăng? Quả nhiên vừa có tiếng nói thành câu rõ ràng, sao bây giờ nhìn không thấy ai hết?
Vệ Thiên Tường nhảy lại xuống đất khum lưng nhìn kỹ trên nền đất. Trên bãi cỏ xanh còn ướt đẫm sương mai từ chỗ đó đến ven rừng, không một dấu vết nào khác lạ.
Ngọn cỏ đẫm sương lấp lánh chỗ nào cũng như chỗ nấy, chỉ trừ nơi chàng vừa múa kiếm, không có một dấu chân người đi qua.
Nếu có người đến đây sao nền cỏ vẫn không lưu vết tích?
Chàng nhìn quanh, suy nghĩ một chắp, bỗng nhìn qua tảng đá nơi để bao kiếm hồi nãy.
- Ồ!
Vệ Thiên Tường ngạc nhiên buột mồm kêulên một tiếng hoảng hốt.
Thì ra, phía dưới bao kiếm, ai đã đặt sẵn từ lúc nào một vật gì trăng trắng lạ lùng.
Chàng vội vã chạy lại, cầm lên xem.
Vừa nhìn vào, Vệ Thiên Tường lại ồ lên một tiếng kinh ngạc thứ hai nữa.
Đó là hai chiếc mặt nạ bằng da người mỏng dính, có đủ mũi, miệng, cằm, trán, tai và hai khoảng trống cho hai mắt. Nhìn kỹ giống hệt như món đồ của trẻ con chơi, chế tạo vô cùng tinh xảo.
Hai mảnh mặt nạ da người này màu sắc khác nhau. Một chiếc màu vàng nhợt, một chiếc màu xam xám.
Cả hai chiếc đều mềm dịu, không một chút tì vết nào. Có lẽ đã được lột ở mặt người thật, nhuộm thuốc rồi thuộc lại theo một kỹ thuật đặc biệt.
- Ai đem đặt hai vật này nơi đây? Hồi nào? Tại sao hồi nãy không có mà bây giờ lại có đây?
Mấy câu hỏi cứ quay cuồng trong óc Vệ Thiên Tường, khiến chàng trầm ngâm nhìn sững xuống phiến đá suy nghĩ thêm.
Không ngờ lúc nhìn xuống phiến đá lại phát giác thêm một chuyện lạ nữa khiến chàng kinh ngạc không ít.
Đây là một khối đá khá lớn, mặt phẳng lì, thường ngày Vệ Thiên Tường và Cổ thúc thúc vẫn dùng làm chỗ ngồi nghỉ sau giờ tập luyện kiếm pháp.
Bây giờ mặt đá có hiện lên mấy dòng chữ :
“Hai miếng mặt nạ da người ta tặng ngươi để sau này sử dụng trên giang hồ. Ngày trùng cửu tới đây, vào lúc trăng lên, ngươi đến gặp ta trên núi Nhạn Đãng”.
Mấy dòng chữ đó, nét hệt như rồng bay phượng múa, bút pháp vừa mạnh vừa uyển chuyển, lõm sâu vào mặt đá đến mấy phân, tựa hồ như ai lấy đục khắc vào đó.
Nhưng chỉ cần nhìn qua, Vệ Thiên Tường đã biết người nào đã dùng “Kim Cương chỉ”, một loại công phu thượng đẳng, vận sức vào ngón tay cứng như thép, viết lên mặt đá.
Chàng cũng biết rằng những hàng chữ này viết cho mình đây.
Chàng lại băn khoăn suy nghĩ :
“Chẳng biết hai tấm da người này như đồ chơi trẻ em mà có công dụng gì trên giang hồ và tại sao người ấy lại bảo mình đến đêm mùng chín tháng chín gặp nhau trên núi Nhạn Đãng?”
Không biết kẻ lưu bút này là ai, thuộc hạng nào, càng nghĩ càng thêm khó hiểu.
Vệ Thiên Tường vội tra kiếm vào vỏ, mặc áo vào người, một tay xách kiếm, một tay cầm hai chiếc mặt nạ, hấp tấp rảo bước về gian nhà đá.
Chàng chạy về đến cửa phòng Cổ thúc thúc, thấy ông ngồi trong nhà ngây người suy nghĩ, tay cầm một lá thư.
Thỉnh thoảng Cổ thúc thúc lại chau mày. Có lẽ ông đang suy tính một điều gì quan trọng lắm. Hồi thường sắc diện ông bình tĩnh ôn hòa bao nhiêu thì trái lại lúc này có vẻ cau có nghiêm nghị bấy nhiêu.
Suốt hai năm qua, chưa bao giờ Vệ Thiên Tường thấy vẻ Cổ thúc thúc nghiêm nghị đến thế nên chàng sợ hãi chẳng dám làm kinh động, muốn se sẽ rút lui ra ngoài.
Bỗng Cổ thúc thúc sẽ gọi với giọng dịu dàng :
- Tường nhi, cháu hãy đến đây Cổ thúc thúc đang định gọi cháu.
Vệ Thiên Tường thấy giọng nói của ông đã trở lại khoan hòa như thường nhật thì cảm thấy như trút đi một gánh nặng mừng rỡ dạ lớn rồi chạy ngay vào buồng.
Trong chốc lát sắc mặt của Cổ thúc đã lấy lại vẻ vui tươi như cũ. Ông nói :
- Tường nhi, hãy ngồi xuống đây. Cổ thúc thúc cần nói chuyện cùng cháu.
Vệ Thiên Tường vâng lời, ghé mình ngồi xuống tấm phản bên cạnh.
Cổ thúc thúc từ từ gấp phong thư lại bỏ vào ngực áo cẩn thận, chớp mắt nhìn lại, vừa trông thấy hai chiếc mặt nạ da người do Vệ Thiên Tường đang cầm trên tay, vội vàng hỏi :
- Tường nhi, cháu cầm vật gì đó?
Vệ Thiên Tường vội đáp :
- Dạ, thưa đây là hai thứ đồ chơi cháu mới tìm được của ai bỏ trên phiến đá ngoài thao trường. Ngoài ra, trên mặt phiến đá còn có người dùng “Đại Lực Kim Cương chỉ” viết mấy dòng như sau: “Hai miếng mặt nạ da người ta tặng ngươi để sau này sử dụng trên giang hồ. Ngày trùng cửu tới đây, vào lúc trăng lên, ngươi đến gặp ta trên núi Nhạn Đãng”.
Nói dứt lời Vệ Thiên Tường cầm hai chiếc mặt nạ trao cho Cổ thúc thúc.
Cổ thúc thúc vừa nghe nói bỗng thay đổi ngay nét mặt, tay phải đấm bốp một tiếng vào tay trái, hai mắt lóe hào quang hỏi dồn :
- Thế nào? Hai chiếc mặt nạ này do người ta mang tới? Họ lại bảo đêm chín tháng chín này cháu đến gặp họ nơi núi Nhạn Đãng sao? Tường nhi, cháu gặp được vật này từ khi nào?
Vệ Thiên Tường không hiểu Cổ thúc thúc có tức giận hay kinh hãi điều gì, nhưng dầu sao chàng vẫn đưa hết sự việc vừa rồi thuật lại tường tận cho Cổ thúc thúc nghe.
Chàng nhắc lại câu nói khó hiểu được thoáng nghe trong khi đang luyện kiếm: “Kể ra cũng khó được lắm đấy!”
Cổ thúc thúc mân mê hai chiếc mặt nạ da người, ngẩn ngơ suy nghĩ. Một lát sau ông trả lại Vệ Thiên Tường và nói :
- Tường nhi, cháu hãy cầm lây vật này, chúng ta cùng ra ngoài đó xem sao?
Vệ Thiên Tường tiếp nhận hai chiếc mặt nạ rồi cùng Cổ thúc thúc rời khỏi căn nhà đá, đi ra tận miếng đất trống nơi đặt miếng đá lớn.
Vừa đi đến nơi, Vệ Thiên Tường bỗng há hốc mồm trợn mắt nhìn sững vì quá ngạc nhiên.
Thật lạ, rõ ràng vừa rồi có mấy hàng chữ khắc sâu trên phiến đá, tại sao bây giờ chữ đã biến đâu mất hết, mặt đá trở lại nhẵn thín không còn một dấu vết nào.
Chàng hoảng hốt ấp úng :
- Cổ thúc thúc! Lạ quá, thật vừa rồi cháu đã đọc...
Cổ thúc thúc cười xòa không cần nhìn tới phiến đá, xua tay nói :
- Tường nhi, chúng ta về đi thôi.
Nói đoạn ông cầm tay Vệ Thiên Tường quay trở lại.
Vệ Thiên Tường thấy nét mặt Cổ thúc thúc có vẻ bình thản nhưng chàng biết rõ ông đang vận dụng toàn thân công lực.
Khi về đến nhà đá, Cổ thúc thúc ra lệnh bảo Vệ Thiên Tường ngồi trên bộ phản rồi thò tay vào bọc lấy lá thư khi nãy ra trao cho chàng nói :
- Tường nhi, cháu xem thử nét chữ ghi trên phiến đá có giống tuồng chữ viết trên bức thư này không?
Vệ Thiên Tường chợt hiểu :
- Hèn nào, vừa rồi Cổ thúc thúc có vẻ tức giận, vì kẻ này đã lẻn được vào nhà ông để lá thư này lại.
Chàng tiếp lấy mở lá thư ra xem. Tuồng chữ trong thư cũng sắc sảo tung hoành như rồng bay phượng múa. Rõ ràng là nét chữ đã khắc trên phiến đá không còn đắn đo gì nữa.
Trong thư vỏn vẹn có mấy chữ :
“Cùng Cổ huynh và chư huynh Đồng, Tạ, Lỗ, Khoái, Đinh.
Đêm trùng cửu mồng chín tháng chín, vào lúc trăng lên, xin mời cùng đến đỉnh ngọn núi Nhạn Đãng hội khiến
Kính bái”
Vệ Thiên Tường liền nói :
- Cổ thúc thúc, nét bút này hoàn toàn giống như nét bút khắc trên phiến đá.
Cổ thúc thúc không lộ vẻ gì kinh ngạc ông khẽ gật đầu, hình như đã biết trước sự việc phải như thế rồi.
Ông điềm nhiên cầm phong thư xếp lại, cho vào ngực áo cẩn thận, trầm ngâm nói :
- Kẻ này xét ra có vẻ là bạn chứ không phải là thù.
Vệ Thiên Tường kinh ngạc nhìn sững Cổ thúc thúc chẳng nói một lời nào.
Bỗng Cổ thúc thúc vỗ đùi đánh đét một tiếng nói lớn :
- Ta nghĩ mãi mà không ra. Hai năm rồi! Đã hai năm rồi! Chả lẽ lại là hắn sao? Cháu bé, hãy đưa hai tấm mặt nạ ta xem lại thử.
Vệ Thiên Tường tuân lời đưa ra.
Cổ thúc thúc cầm hai chiếc mặt nạ trao qua lật lại suy nghĩ hình như cố tìm cho ra manh mối bí mật mà ông đang thắc mắc.
Nhưng ngắm nhìn hồi lâu, vẫn không thấy điều gì mới lạ. Ông lộ vẻ thất vọng rồi đưa trả lại cho Vệ Thiên Tường.
Đoạn ông tiếp tục trầm ngâm suy nghĩ nữa. Chập sau ông lại lên tiếng nói :
- Tường nhi, cháu đưa ta xem thử bận nữa nào!
Vệ Thiên Tường hết sức kinh ngạc, chẳng hiểu gì hết. Tuy nhiên chàng vẫn tuân lệnh thò tay vào túi, lấy hai chiếc mặt nạ da người trao cho Cổ thúc thúc.
Lần nầy mới xem qua một chút, Cổ thúc thúc đã nói lớn :
- Đúng rồi, phải rồi! Vật này chính là bọn “Thiên Diện giáo”.
Ông vụt đứng thẳng người dậy, quắc đôi mắt sáng rực nhìn vào hai chiếc mặt nạ, lộ vẻ hết sức kinh dị rồi lẩm bẩm nói tiếp :
- Hừ, việc này xảy ra cách đây đã hai chục năm rồi và đã từng gây sóng gió trên giang hồ nay vẫn còn lưu truyền lại. Ngày trước các khách giang hồ thường làm những cái mặt nạ giả để che mặt cải trang, giấu mặt thật của mình hầu tiện bề hành sự kín đáo.
Nói đến đây, ông cầm hai chiếc mặt nạ trao cho Vệ Thiên Tường rồi nghiêm nghị nói :
- Tường nhi, sau này lớn lên, ra đời hành hiệp, vật này sẽ giúp ích rất nhiều cho cháu. Bắt đầu ngày mai, cháu hãy đeo lên mặt. Bây giờ cũng đã gần ngày trùng cửu rồi đó.
Vệ Thiên Tường đưa tay đón lấy.
Cổ thúc thúc nói tiếp :
- Tường nhi, sáng sớm mai, cháu đã hạ sơn được rồi...
Vệ Thiên Tường ngơ ngac không hiểu, bận này không khác tiếng nổ ngang đầu khiến chàng líu lưỡi lại, hỏi :
- Cồ thúc thúc, thúc bảo Tường nhi ngày mai xuống núi?
Vẻ mặt Cổ thúc thúc lại trở nên hiền hòa vui tươi như thường ngày. Ông gật đầu cười đáp :
- Phải, Cổ thúc thúc bảo cháu xuống núi, vừa rồi Cổ thúc thúc gọi cháu vào chính là vì việc này đó. Bởi vì Cổ thúc thúc vừa nhận dược thư tin của một người bí mật nên chưa rõ là bạn hay thù. Cổ thúc thúc vừa nghĩ ngay đến việc ước hẹn của người đó, từ nay đến ngày mùng chín tháng chín chẳng còn bao xa nữa. Người đó đã hẹn ước chúng ta hội kiến, tự nhiên chúng ta không thể thoái thác, năm vị thúc thúc của cháu hiện nay phân tán, mỗi người một nơi, nên báo tin không phải là dễ. Bởi thế trước kỳ hẹn Cổ thúc thúc phải lo chuẩn bị cho kịp.
Ngừng một chút Cổ thúc thúc lại tiếp :
- Cháu theo Cổ thúc thúc đã hai năm nay, tất cả những võ công sở đắc của Cổ thúc thúc đều đem truyền hết cho cháu rồi đó. Trong mười hai năm qua, sáu vị thúc thúc của cháu đã đem hết bản lãnh võ công truyền thụ cho cháu, không sót lại một chút nào. Chẳng nói gì đến sáu người, nếu trong đó có một người nào học được bản lãnh của một trong sáu vị thúc thúc của cháu, người đó là thừa năng lực vùng vẫy trên chốn giang hồ rồi. Tuy nhiên, Tường nhi, cháu nên nhớ rằng cháu học như vậy vẫn chưa đủ. Sáu người chúng ta chỉ tạm gọi là truyền cho cháu một chút căn bản mà thôi. Cháu cần phải tập luyện nhiều nữa, giỏi hơn nữa, và phải tìm lấy danh sư, khổ luyện lâu nữa mới được, lúc đó Cổ thúc thúc mới cho cháu rõ tại sao phải luyện võ công cao đến như vậy!
Nói đến đó, Cổ thúc thúc bỗng chau mày một lát rồi lại tiếp :
- Tường nhi, vừa rồi ta đã suy nghĩ nhiều về người bí mật đêm cho cháu hai chiếc mặt nạ da người. Người đó đi lên đến đây để thơ lại ước hẹn chúng ta lên đỉnh ngọn núi Nhạn Đãng như vậy, hắn có vẻ là thù chớ không phải bạn. Nhưng hắn lại đem đến hai chiếc mặt nạ da người đến cho cháu và cũng hẹn cháu cùng ngày đó lên núi Nhạn Đãng, chứng tỏ hành động của hắn có vẻ như muốn tỏ rằng hắn là bạn chứ không phải là thù. Nếu Cổ thúc thúc đoán không lầm thì rồi đây cháu sẽ gặp nhiều việc lạ lùng lắm, nhưng lúc này nói lên quá sớm, để rồi sau ta sẽ nói cho cháu rõ. Tường nhi, ngày mai Cổ thúc thúc cũng muốn hạ sơn. Tất nhiên cháu cũng phải đến núi Nhạn Đãng vào ngày hẹn, ta muốn cháu hạ sơn ngay bây giờ, tuy có vài ngày nhưng nếu để cháu ở lại một mình ta không muốn. Đường từ đây đến núi Nhạn Đãng không phải quá xa, sở dĩ ta muốn cháu hạ sơn ngay ngày mai là vì dọc đường cháu sẽ qua đất Giang Nam là nơi phong cảnh hữu tình, dân cư đông đảo, như vậy cháu sẽ có dịp tăng thêm kiến thức duyệt lịch, để rồi ra chốn giang hồ khỏi bỡ ngỡ.
Vệ Thiên Tường hỏi :
- Cổ thúc thúc cũng lên núi Nhạn Đãng như vậy, thúc thúc để cháu cùng theo hầu vậy có phải tiện không?
Cổ thúc thúc cười đáp :
- Tường nhi, năm vị thúc thúc của cháu phân tán, mỗi người mỗi nơi. Cổ thúc thúc phải đến từng nơi tìm kiếm, nếu để cháu cùng đi, người ta sẽ để ý đến chúng ta, Tường nhi cháu hãy nghe lời thúc thúc chỉ bảo không có điều gì nhầm lẫn đâu.
Nói đến đó, Cổ thúc thúc bỗng đứng lên hai tay nắm bả vai Vệ Thiên Tường rồi an ủi :
- Tường nhi, cháu thường ngày chẳng tưởng nhớ đến năm vị thúc thúc hay sao? Ngày mồng chín tháng chín sắp tới chúng ta cùng đoàn tụ một nơi; như vậy vui vẻ xiết bao, cháu tạm xa ta mấy ngày nhưng rồi đây được gặp gỡ tất cả các vị thúc thúc khác cháu không vui lòng sao?
Cổ thúc thúc cười rồi lại nói tiếp :
- Tường nhi, hôm nay là ngày cuối cùng. Cổ thúc thúc muốn soát lại công quả hai năm tập luyện của cháu.
Vệ Thiên Tường nghe Cổ thúc thúc nói mấy lời “hôm nay là ngày cuối cùng” chàng bỗng thấy mủi lòng hết sức, nước mắt tuôn trào, cố gượng nhịn nỗi đau khổ, theo Cổ thúc thúc ra bãi tập luyện.
Cởi bỏ áo ngoài, Vệ Thiên Tường cũng như ngày đầu tiên, bắt đầu diễn lại tất cả những môn võ công đã học được: “Triêm Y thập bát điệt”, “Thảo Thượng Phi”, “Uyên Ương Liên Hoàn cước”, “Hồ Điệp kim tiền”, “Tiểu Thiên Tinh chưởng” cho đến “Thất Sát kiếm” nhất nhất diễn qua một lượt.
Cổ thúc thúc đứng bên quan sát chàng biểu diễn, ông luôn luôn gật đầu, thỉnh thoảng lại lên tiếng chỉ bảo thêm, như thế nào thừa thế tiến chiêu, làm sao né tránh đòn của đối phương đồng thời ông còn đem kinh nghiệm mấy chục năm trời lăn lộn trên giang hồ, giao tranh lâm địch, nói cho Vệ Thiên Tường nghe.
Vệ Thiên Tường chăm chỉ chú ý nghe, ghi nhớ trong lòng những lời chỉ bảo quý giá đó.
Sau buổi trưa đến chiều, Cổ thúc thúc bảo Vệ Thiên Tường ôn luyện lại nội công đồng thời ông chỉ bảo cho Vệ Thiên Tường biết rõ bí quyết phối hợp sáu loại nội công khác nhau mà chàng đã học được của sáu vị thúc thúc.
Vệ Thiên Tường theo lời vận dụng luôn sáu loại nội công để phối hợp thành một thứ nội công thượng thừa. Chàng tập luyện cho đến buổi chiều tối thì công đều hợp hoàn thành.
Sau buổi cơm tối, Cổ thúc thúc đặc biệt gọi Vệ Thiên Tường vào trong phòng, nét mặt hết sức trang nghiêm, ông đưa tay vào ngực lấy một gói màu vàng ra cầm tay.
Vệ Thiên Tường nhận ngay gói vải đó mà lần đầu tiên chàng đã được trông thấy nó, là lúc vị lão phu tử đưa chàng đến nhà Đinh thúc thúc, rồi lấy gói này trao cho Đinh thúc thúc.
Kể từ đó về sau, mỗi lần một vị thúc thúc giao chàng lại cho vị kia, đều lấy gói này trao lại như thế chàng đi đến đâu thì bắt buộc gói đó phải theo đến đó.
Trong mười hai năm qua, Vệ Thiên Tường đã được trông thấy sáu lần nhưng tuyệt nhiên chàng không hiểu trong gói đó có vật gì. Chàng thấy mỗi lần các vị thúc thúc giao hoàn lại cho nhau, thì tất cả đều có cử chỉ nét mặt hết sức trịnh trọng trang nghiêm nên chàng cũng đoán rằng vật trong gói đó phải là vật trọng yếu.
Vệ Thiên Tường thấy Cổ thúc thúc lấy ra cầm tay, chàng liền nghĩ thầm: “Chẳng lẽ lần này Cổ thúc thúc giao cho mình gói đó?”
Vệ Thiên Tường bỗng cảm thấy hồi hộp vô cùng.
Quả nhiên chàng đoán không sai!
Cổ thúc thúc nét mặt kính trọng, kính cẩn hai bàn tay cầm gói vải hơi run lên một lúc đoạn ông trầm giọng bảo Vệ Thiên Tường :
- Tường nhi con hãy quỳ xuống!
Vệ Thiên Tường vội quỳ hai gối xuống đất trước mặt Cổ thúc thúc. Lúc này tim chàng đập trong lồng ngực thình thịch.
Cổ thúc thúc nghiêm giọng tiếp :
- Tường nhi! Con hãy nhớ lấy những lời ta nói đây, bao vải này đối với con cũng như đối với toàn thể võ lâm, có quan hệ lớn lao vô cùng. Trong mười hai năm nay, các vị thúc thúc của con đã thay nhau tạm giữ gói này cho con, nhưng con phải hạ sơn. Vậy Cổ thúc thúc giao cho con tự giữ lấy. Con phải hết sức thận trọng giữ lấy vật này, nghìn vạn lần chớ có làm mất.
Cổ thúc thúc ngừng một chút rồi nói tiếp, giọng nói càng rắn rỏi nghiêm trọng hơn :
- Còn một điều này nữa Cổ thúc thúc dặn con không được trái lời. Bao giờ con tìm được danh sư học nghệ, võ công tiến bộ gấp mười lần trình độ hiện nay, con mới được giở gói này ra xem. Nếu chưa đạt được mức độ đó quyết không được mở ra, con cũng không được tiết lộ với bất cứ người nào khác. Con nhớ chưa?
Vệ Thiên Tường rên thầm trong bụng: “Trời ơi! Như vậy thì đến... bao giờ?”
Vệ Thiên Tường không dám nghĩ quấy cho là Cổ thúc thúc cố ý đặt ra một vấn đề khó khăn cho mình, chàng hiểu trong việc này có điều gì bí ẩn mà mình chưa hiểu.
Thấy Cổ thúc thúc hỏi xong, đôi mắt ông sáng quắc như điện quang chiếu thẳng vào mình chờ câu trả lời. Vệ Thiên Tường trong lòng kinh hoảng, vội cúi đầu run giọng đáp :
- Dạ, Tường nhi nhớ rồi!
Cổ thúc thúc gật đầu tỏ vẻ hài lòng :
- Tốt lắm, vậy con hãy cầm lấy.
Vệ Thiên Tường đưa tay tiếp nhận gói vải vàng, thấy hơi nặng nặng, nhưng không thể đoán được bên trong đựng vật gì.
Cổ thúc thúc có vẻ hài lòng, đưa mắt nhìn Vệ Thiên Tường hãy còn quỳ dưới đất, nói :
- Thôi, con hãy đứng dậy.
Không ngờ Vệ Thiên Tường vẫn quỳ mãi không chịu đứng dậy, ừ từ lê hai gối đến ôm chân Cổ thúc thúc, ngửa mặt nhìn lên, đối má đầm đìa nước mắt, nghẹn ngào nói :
- Cổ thúc thúc, xin thúc thúc cho con biết rõ cha mẹ con là ai, lai lịch như thế nào...
Cổ thúc thúc không ngờ Vệ Thiên Tường lại van nài như vậy. Nét mặt ông lộ vẻ đau buồn vô hạn. Ông nhắm mắt gượng cười nói :
- Tường nhi, con hãy đứng dậy nghe ta nói đây.
Vệ Thiên Tường nước mắt chan hòa từ từ đứng lên.
Cổ thúc thúc đưa tay chỉ tấm phản bảo chàng ngồi rồi từ tốn nói :
- Tường nhi, đã mười hai năm qua rồi, con không hề biết gì về lai lịch và thân thế của con. Lẽ tất nhiên con muốn hỏi ta cho biết. Năm vị thúc thúc trước đây luôn luôn nghiêm nghị không cho con hỏi về vấn đề này. Cổ thúc thúc hiện nay cũng chưa tiện nói cho con biết được. Đó cũng vì một phần sợ làm trở ngại đến công phu luyện tập võ nghệ của con, và một phần cũng vì chưa đến lúc có thể cho biết. Con cứ tin rằng, đến khi nào xét có thể nói được, dù con không hỏi sáu vị thúc thúc cũng từ nhiên cho con biết ngay. Về việc này, đến nay vẫn còn lắm chuyện rắc rối chưa minh bạch, Cổ thúc thúc cũng chưa rõ căn nguyên ra sao. Tường nhi con hãy ghi nhớ lấy lời ta nói nhé. Xét lại những điều mà xảy ra gần đây, đến ngày mồng chín tháng chín sẽ có dịp gặp gỡ con người bí mật trên núi Nhạn Đãng. Chừng ấy ắt hẳn biết nhiều điều mới lạ nữa. Ngay bây giờ nếu ta nói cho con biết chỉ có hại chứ không có lợi gì hết. Con hãy cố gắng nhẫn nại thêm thời gian nữa.
Nói đến đây, Cổ thúc thúc rút thanh trường kiếm, ánh thép xanh lè trao cho Vệ Thiên Tường nói :
- Tường nhi, thanh kiếm này ta không cần dùng đến nữa, con hãy giữ lấy làm vật phòng thân khi đi đường. Điều cần phải nhớ là ngày mai hạ sơn con đeo chiếc mặt nạ vào mặt. Trên chốn giang hồ nhiều kẻ mưu mô giảo hoạt, đâu đâu cũng đầy cạm bẫy chông gai, con phải hết sức đề phòng. Tường nhi, con đến núi này đã hai năm rồi, nhưng ta chưa nói cho con biết nơi đây là gì. Ngọn núi này gọi là Phù Dung phong thuộc dãy núi Nam Nhạc, Hành Sơn. Cổ thúc thúc đã vẽ sẵn một bản đồ từ đây đến núi Nhạn Đãng, con cứ theo đó mà đi. Thêm đây là một gói bạc vụn để chi tiêu lúc đi đường. Tường nhi, con hãy cất đi, đừng nghĩ ngợi vẩn vơ nữa, hãy ngủ sớm để mai lên đường.
Vệ Thiên Tường cầm lấy gói vải màu vàng, tiếp lấy thanh kiếm, tờ họa đồ chỉ đường cùng gói bạc.
Chàng đưa cặp mắt đẫm lệ nhìn Cổ thúc thúc, chàng muốn hỏi nhiều chuyện nữa, nhưng nghĩ chẳng tiện nên đành lặng thinh.
Chàng thiết tha muốn biết rõ lai lịch mình. Chàng muốn hỏi bất cứ một ai hiểu sự thật về cha mẹ mình. Nhưng ngoài Cổ thúc thúc ra, thiên hạ bao la người đông như kiến, hỏi ai cho được bây giờ?
Cổ thúc thúc thấy nét mặt Vệ Thiên Tường quá đau khổ, cầm lòng không được, dùng lời dịu dàng khuyên giải :
- Tường nhi, hãy đi ngủ sớm và tin nơi Cổ thúc thúc và cả năm vị thúc thúc của con. Ai nấy đều một lòng một dạ lo liệu chu toàn cho con mà thôi.
Nói đoạn, Cổ thúc thúc đưa tay vỗ vai Vệ Thiên Tường đôi mắt hiền từ nhìn chàng trìu miến như người cha nhìn đứa con thân yêu.
Vệ Thiên Tường cảm động quá, ôm chầm lấy ông nức nở khóc.
Chàng càng bang hoàng tê tái khi thấy Cổ thúc có hành động như vậy. Chàng có cảm tưởng như mình là một đứa bé mồ côi đang được người thương xót an ủi.
Chàng kinh hoàng tự nghĩ :
- Nếu như thế này, chả lẽ cha mẹ mình đều chết cả rồi sao? Hiện nay ngoài Cổ thúc thúc ra, còn ai là người thân thiết nữa?
Vì vậy, Vệ Thiên Tường cảm thấy quyến luyến bịn rịn, không muốn xa rời Cổ thúc thúc một bước.
Trên đời này, ngoài Cổ thúc thúc ra, chân trời góc bể từ đây lấy ai là người thương mến đến chàng nữa.
Bây giờ đã đến lúc phải rời bỏ cả con người thân yêu duy nhất này nữa rồi.
Ôi! Tử biệt sinh ly, sao mà đau đớn lắm vậy.
Vệ Thiên Tường cố dằn cơn xúc động, rồi một ý nghĩ cương quyết hiện qua trong tấm trí :
- Phen này hạ sơn, ta nhất định tự mình tìm kiếm lấy lai lịch và thân thế của mình.
Xem tiếp hồi 5 Chính Nghĩa chi kiếm