Khi Càn Long xuyên vào Như Ý Truyện

Chương 7: Vinh quang trưởng tử



Lý Ngọc lúng túng lắp bắp: “Vương gia….”

Hoằng Lịch cười lạnh: “Còn đợi ở đây?”

Lý Ngọc lập tức không dám nói nữa, gã mơ màng dập đầu ba cái rồi đứng dậy rời đi. Ngày thường sống lưng gã luôn thẳng, dương dương tự đắc, hiện tại lại cong gập xuống, dáng vẻ sa sút tinh thần.

Trong thư phòng lặng ngắt như tờ, đám hạ nhân không dám thở mạnh, tựa như có mây đen bao phủ tràn ngập thư phòng. Quần áo Vương Khấm đã bị mồ hôi lạnh thấm ướt, gã vẫn luôn cúi đầu, sợ không cẩn thận bị Hoằng Lịch trút giận. Lý Ngọc đã theo Vương gia từ khi còn bé, nhưng không ngờ Vương gia lại xử lý dứt khoát như thế, hoàn toàn không màng đến tình nghĩa xưa. Vương gia…. đã thay đổi rồi, càng ngày càng trở nên nhẫn tâm vô tình hơn.

Dĩ nhiên Vương Khâm hiểu lần này Lý Ngọc bị oan. Thanh phúc tấn đến hỏi Vương gia đi đâu, Lý Ngọc nói cho Thanh phúc tấn biết. Thanh phúc tấn đi tới phòng tú nương kia, lúc này mới nghe thấy cuộc đối thoại giữa Vương gia và tú nương. Nhưng Vương gia không quan tâm Lý Ngọc có oan ức gì, bọn họ là nô tài, không có cơ hội giải thích với chủ tử. Nếu Vương gia muốn Lý Ngọc chết, Lý Ngọc cũng phải khấu đầu tạ ơn.

Việc Hoằng Lịch xử phạt Lý Ngọc đã đồn đãi khắp Vương phủ, mà dĩ nhiên đây là trò do Hoằng Lịch bày ra. Hắn muốn trên dưới cả phủ này biết, nếu kẻ nào dám lén dò hỏi hành tung của hắn, kết cục chắc chắn còn thảm hơn Lý Ngọc.

Tuy Thanh Anh không bị xử phạt, nhưng cũng bị Hoằng Lịch bỏ quên nhiều ngày. Sau khi nàng biết chuyện này, vẻ mặt vẫn đạm như cúc nói đã biết, không tỏ vẻ gì thêm.

A Nhược vội la lên: “Tiểu chủ, Vương gia không tới chỗ chúng ta thì phải làm sao? Trước đó Vương gia mới nhập phủ thêm Trần cách cách, Hoàng cách cách, chỉ sợ sau này sẽ càng ít tới đây”.

Thanh Anh đang đọc “Đầu tường mã tượng”, nghe A Nhược nói vậy bèn ngẩng đầu lên nói: “Vương gia không tới, bổn cung cũng chẳng còn cách nào khác”.

A Nhược càng thêm nôn nóng: “Tiểu chủ, ngài đừng đọc sách nữa, mau nghĩ cách đi”.

Lúc này Nhị Tâm bước đến, thấy A Nhược nôn nóng liền vội khuyên nhủ: “A Nhược tỷ tỷ, ngươi đừng vội, giờ chúng ta cũng chẳng có cách nào. Chỉ đáng thương Lý công công vô tội…”.

Lúc này Thanh Anh mới nhớ đến Lý Ngọc bị ăn đòn. Nàng dặn dò Nhị Tâm tới thăm Lý Ngọc, thuận tiện giúp gã bôi thuốc.

Nhị Tâm chần chừ nói: “Tiểu chủ, nô tì là thị nữ chưa cưới gả, nếu bôi thuốc cho Lý công công, chỉ sợ không thích hợp”.

Thanh Anh cười nói: “Không có gì không thích hợp, ngươi nhớ kỹ, chỉ cần bản thân không thẹn với lương tâm, chúng ta không cần phải quan tâm người khác nói gì”.

Nhị Tâm vẫn chần chừ, nhưng sau đó bị Thanh Anh thuyết phục, vội nói “Chủ tử thông tuệ” rồi xoay người rời đi.

A Nhược luôn coi thường Nhị Tâm. Ả ta là thiếp thân nô tỳ của Thanh Anh từ trước khi xuất giá, so với Nhị Tâm hầu muộn hơn, tất nhiên không bằng ả. Trước mắt, Thanh Anh biến Nhị Tâm thành chân chạy vặt mà không sai A Nhược làm, có thể thấy Thanh Anh vẫn luôn tin dùng A Nhược.



A Nhược cao hứng không lâu, sau đó lại xì mặt nói: “Tiểu chủ, nếu Vương gia thật sự quên mất chủ tử thì chúng ta coi như xong”.

Thanh Anh nhẹ nhàng đặt ngón trở lên môi, ý nói “yên lặng”. Nàng vẫn bình tình đọc sách, nàng tin rằng Vương gia sẽ không bao giờ ghét bỏ nàng, cuối cùng thì Vương gia vẫn luôn là thiếu niên lang của nàng mà.

Còn Lý Ngọc, nếu gã theo hầu nàng thì cũng là chuyện tốt.

*

Tất nhiên Phú Sát Lang Hoa cũng chú ý đến chuyện này. Từ khi nàng sinh con, gần như ngày nào Hoằng Lịch cũng tới phòng nàng, hỏi thăm tình hình sức khỏe của nàng và con, đôi khi cũng sẽ ở lại nghỉ ngơi.

Lang Hoa còn ở cữ, không thể hầu hạ Hoằng Lịch, nàng nhìn Hoằng Lịch đang bế con nói: “Vương gia, thiếp thân không thể hầu hạ ngài, ngài cũng nên tới thăm các muội muội khác đi ạ”.

Hoằng Lịch cười lắc đầu: “Ta đâu tới đây để làm chuyện đó. Tối nay hai chúng ta ngủ cùng nhau, bên cạnh là hài tử, cảnh tượng này thật giống một đôi phu thê dân gian”.

Trái tim Lang Hoa cảm thấy vô cùng ngọt ngào khi nghe Hoằng Lịch nói những lời này, tựa như từng dòng mật ngọt tưới đẫm tâm can.

Trước khi thành hôn, nàng cho rằng Vương gia chỉ cho nàng vị trí chính thất, nhưng sẽ không coi nàng là thê tử chân chính. Tuy nhiên hôm nay, Vương gia thật sự đã làm được những điều ngài nói, đó là “yêu nàng, kính trọng nàng”.

Có phu quân như thế, nàng còn mong chờ gì?

Nàng lại nghĩ tới chuyện Hoằng Lịch xử phạt Lý Ngọc: “Vương gia, Lý Ngọc đã theo ngài nhiều năm, ngài xử trí gã như thế có nên không?”

“Hắn theo ta nhiều năm thì sao? Hoàng ngạch nương và Hoàng A Mã là phu thê 20 năm, nhưng vẫn bị Hoàng A Mã cấm túc ở Cảnh Nhân Cung không phải sao?” Hoằng Lịch bình thản đáp, “Chỉ là một tên thái giám thôi, thái giám thông minh lanh lợi có rất nhiều, chẳng lẽ luôn kém một tên Lý Ngọc?”

Lang Hoa gật đầu nói: “Vương gia nói đúng”.

Hoằng Lịch lại nhắc tới chuyện khác: “Mấy hôm trước ta tiến cung, Hoàng A Mã nói sẽ đặt tên cho hài tử của chúng ta”.

Hoàng Thượng tự mình đặt tên, đây là vinh dự không phải ai cũng có, có thể thấy Hoàng Thượng rất coi trọng con của bọn họ.

Dù Lang Hoa là nữ tử, không biết nhiều việc triều chính, nhưng nàng cũng biết ngôi vị Hoàng Đế sớm muộn gì cũng thuộc về Hoằng Lịch.



Phong hào của Hoằng Lịch là “Hòa Thạc Bảo Thân Vương”, chỉ cần một chữ “Bảo” này cũng đã có thể đoán được. Hoàng Thượng là một người đàn ông đúng nghĩa, thương thì muốn gì cũng được, ghét thì chỉ có đường chết. Ngài cho Hoằng Lịch phong hào này đủ để thấy Hoàng Thượng yêu thích Hoằng Lịch. Còn đứa nhỏ của nàng là trưởng tử của Hoằng Lịch, không cần nghĩ cũng biết thân phận vô cùng tôn quý.

“Hoàng Thượng đặt cho con tên gì vậy ạ?”

Hoằng Lịch cầm bút lông lên, viết một chữ “Liễn” rồi đưa cho Lang Hoa xem.

“Ý Hoàng A Mã đặt tên hài tử là Vĩnh Liễn”.

Liễn biểu trưng cho sự thịnh vượng của tông miếu, thể hiện sự cao quý, Hoàng Thượng đặt tên “Vĩnh Liễn” là ẩn ý kế thừa đại thống.

Lang Hoa cười nói: “Tên này rất tốt”.

Hoằng Lịch không đáp lời, chỉ bước đến trước cửa sổ, xuất thần nhìn cảnh sắc bên ngoài. Nơi Lang Hoa ở là kiểu tứ hợp viện truyền thống. Hoằng Lịch đứng trước cửa sổ trông về phía xa, chỉ nhìn thấy tường đỏ ngói xanh, cùng vài cánh chim ngẫu nhiên bay lên không trung. Trong không khí tràn ngập hương vị tươi mát, hết thảy đều bình lặng tĩnh mịch.

Đời trước, hắn đặt tên cho hai đứa nhỏ do Phú Sát Hoàng Hậu sinh hạ là Vĩnh Liễn và Vĩnh Tông, ý muốn chúng kế thừa đại thống. Nhưng kết quả cả hai đều yểu mệnh. Nếu không đặt tên này, liệu vận mệnh Vĩnh Liễn có thay đổi hay không?

Hoằng Lịch quay đầu lại, nhìn Lang Hoa nằm trên giường: “Ý ta là, muốn đặt tên con là Vĩnh Cẩn, “cẩn” trong ánh ngọc cao quý”.

Lang Hoa nghi vấn hỏi: “Tên Vĩnh Liễn cũng rất hay mà?”

Hoằng Lịch ngồi xuống cạnh Lang Hoa, nắm lấy tay nàng: “Hoàng A Mã cũng nói với ta như thế, sau khi ta thảo luận với ngài ấy, cuối cùng Hoàng A Mã vẫn nhượng bộ, nói ta là phụ thân thì tự quyết đặt tên đi”.

“Chữ Liễn quá lớn, ta sợ hài tử không gánh được. Cẩn cũng là một loại ngọc tốt lành, Vĩnh Cẩn là viên ngọc quý báu chúng ta yêu nhất, ngụ ý này cũng rất tốt”.

Lang Hoa bất chợt hiểu ra: “Vương gia suy nghĩ thật chu toàn”.

“Hoàng tổ phụ của ta, cũng chính là Thánh Tổ Hoàng Đế, ngài ấy có một hài tử qua đời sớm, tên là “Thừa Tộ”, tên này ý nghĩa quá lớn, tiểu hài tử không áp được”. Hoằng Lịch nắm chặt bàn tay Lang Hoa, “Dân gian vẫn nói tên xấu nuôi dễ sống, trước đây ta không nghĩ như thế, nhưng hiện giờ đã có con, không ngờ lại có vài phần tin tưởng”.

Lang Hoa nhẹ nhàng tựa đầu vào vai Hoằng Lịch, nhắm mắt lại.

Quả nhiên, một người nam nhân yêu hay không yêu đều có thể thấy rõ. Dù hắn là hậu duệ quý tộc thì vẫn sẽ tin tưởng lời đồn vô căn cứ trong dân gian, chỉ vì cầu nguyện cho hài tử của mình được khỏe mạnh lớn lên.

TruyenFull.com đổi tên miền thành TruyenFull.tv