Khéo Ăn Nói Sẽ Có Được Thiên Hạ

Chương 3: “Bắt bệnh” để làm chủ cuộc giao tiếp



“Bắt bệnh” để làm chủ cuộc giao tiếp

Khi nói chuyện với người khác hoặc trong các hoạt động xã giao, chúng ta đều muốn làm cho mọi người cảm thấy vui vẻ. Những người được yêu mến nhất chính là người luôn tìm tòi các đề tài mới lạ để mang lại không khí sôi nổi. Việc nắm được nhiều kĩ năng giao tiếp có thể khiến bạn trở thành nhân vật trung tâm trong các tình huống giao tiếp, xã giao.

Tự giới thiệu về mình rất quan trọng

Khi gặp người lạ, việc đầu tiên phải làm là giới thiệu về bản thân mình. Chúng ta thường xuyên phải làm điều này cho dù là trong các hoạt động xã giao hay khi đi phỏng vấn, trong cuộc sống và trong công việc, nó là chìa khóa mở cánh cổng giao lưu giữa con người với con người.

Nếu biết cách sử dụng đúng chiếc chìa khóa mang tên tự giới thiệu, bạn sẽ luôn thành công trong công việc cũng như trong giao tiếp xã hội. Ngược lại, nếu không biết cách giới thiệu, bạn sẽ không thể để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm trí người khác và sẽ không thể giao tiếp có hiệu quả. Khi nói chuyện với mọi người, cho dù bạn tự chủ động giới thiệu hay người khác giới thiệu hộ, đều không nên thể hiện thái độ lạnh nhạt hoặc tùy tiện, bởi việc để lại ấn tượng tốt đẹp là bước quan trọng nhất đưa bạn đến cuộc nói chuyện chính thức.

Tự giới thiệu là một nghệ thuật ngôn ngữ kéo hai bên xích lại gần nhau hơn, môn nghệ thuật này đòi hỏi sự chân thành, nhiệt tình và lễ độ. Khi giới thiệu, bạn phải nói sao cho để người khác cảm thấy gần gũi, có thể để lại ấn tượng sâu sắc. Đồng thời, việc nắm giữ các cơ hội tự giới thiệu về mình cũng rất quan trọng.

Rất nhiều người, đặc biệt là những người trẻ tuổi, khi tự giới thiệu về mình trong lần gặp mặt đầu tiên với người lạ thường hay có tâm lí căng thẳng, rụt rè, có lúc còn giới thiệu qua loa. Ví dụ: “Xin chào, tôi là Dương Quang, tôi mới tốt nghiệp năm nay, rất vui được làm quen”. “Tổng Giám đốc, ông có biết Lệ Lan – bạn của tôi không, cô ấy là một nhân viên quảng cáo”.

Cách giới thiệu như trên quá thông thường, ở lần gặp mặt sau, đối phương sẽ rất khó nhớ được tên của bạn, cũng không thể biết chi tiết bạn làm công việc gì. Do đó, khi tự giới thiệu về bản thân, cần phải nắm vững các kĩ năng sau, như vậy thì người khác mới có thể nhớ đến bạn.

Khắc phục tâm lí nhút nhát

Các chuyên gia tâm lí cho rằng, khi hai người xa lạ lần đầu tiên gặp nhau, đương nhiên sẽ có sự tò mò và muốn hiểu thêm về đối phương.

Khi có hẹn với một người bạn chưa gặp mặt bao giờ, khi bạn vừa bước vào, người đó nhìn thấy bạn thì trong đầu lập tức đã xuất hiện hàng loạt câu hỏi: Người này là ai?

Đến để làm gì? Người ấy sẽ ngay lập tức cảm thấy hứng thú, muốn hiểu thêm về bạn. Nếu như trong lúc này, bạn tự giới thiệu về bản thân mình, đáp ứng sự tò mò của đối phương, thì người đó cũng sẽ tự giới thiệu mình với bạn. Như vậy, hai bên đã có sự khởi đầu tốt đẹp, thuận lợi, những chuyện về sau chắc chắn sẽ dễ nói.

Ngược lại, khi gặp người khác, nếu bạn tỏ ra căng thẳng, nhút nhát, không biết phải mở lời thế nào, không nói được điều gì thì sẽ khiến cho người đối diện cảm thấy thất vọng. Đặc biệt khi đối phương đã đoán ra bạn là ai, đến để làm gì, nếu bạn không kịp thời tự giới thiệu về bản thân mình, mọi việc sẽ càng trở nên tệ hơn.

Để có thể tự tin giới thiệu chi tiết về bản thân mình khi gặp người lạ, khắc phục tâm lí nhút nhát, rụt rè thì yêu cầu lí trí phải chiến thắng cảm xúc.

Nắm chắc thời cơ, thái độ chân thành

Tự giới thiệu không chỉ khiến người khác nhớ đến bạn mà còn là cơ hội để bạn thể hiện hình ảnh của mình, do đó, khi tự giới thiệu, nhất định phải chú ý tới cách nói, điều này không chỉ yêu cầu kĩ năng ngôn ngữ tốt, mà còn phải chú ý tới thời điểm, thái độ và hành động.

Phải nắm chắc thời cơ, tự giới thiệu về bản thân trong hoàn cảnh hợp lí. Ví dụ, chỉ giới thiệu khi đối phương có thời gian rảnh rỗi, tâm trạng tốt và có hứng thú, như vậy thì người nghe mới không có cảm giác bị làm phiền.

Trong một lần hội chợ, Giám đốc Dương của một công ty nọ nghe nói có Tổng Giám đốc của tập đoàn A sẽ ghé thăm nên muốn nhân cơ hội này để tiếp xúc và làm quen với ông.

Trong bữa trưa, Giám đốc Dương đã bước lên phía trước và nói: “Xin chào ngài Tổng Giám đốc, tôi là Lê Dương, Giám đốc của công ty XX, đây là danh thiếp của tôi”. Vừa nói, Giám đốc Dương vừa lấy danh thiếp ra đưa cho vị Tổng Giám đốc. Thế nhưng lúc này, Tổng Giám đốc đang bận nói chuyện với những người khác nên không để ý tới mọi chuyện xung quanh. Ông nhận lấy danh thiếp của Giám đốc Dương rồi để ngay xuống chiếc bàn bên cạnh.

Trong tình huống này, Giám đốc Dương đã tự giới thiệu mình không đúng lúc, nên vị Tổng Giám đốc đã không có hứng thú để tiếp tục tìm hiểu về ông.

Phải chú ý đến thái độ: Khi tự giới thiệu, nhất định phải tự nhiên, thân thiện, lễ độ, không nên tỏ ra tự kiêu, khoa trương, phải thể hiện tình cảm chân thành, mong muốn được làm quen với người đối diện. Khi tự giới thiệu, nếu giữ được bình tĩnh, tỏ ra cởi mở sẽ tạo được thiện cảm với người khác. Ngược lại, nếu người giới thiệu tỏ ra rụt rè, căng thẳng, thậm chí không dám nhìn thẳng, sẽ gây ra trở ngại cho cuộc giao tiếp giữa hai bên.

Chú ý về thời gian: Khi tự giới thiệu phải nói ngắn gọn súc tích, thời gian trong khoảng 30 giây là hợp lí nhất. Nếu nói nhiều sẽ khiến người đối diện không thể nhớ được hết. Khi giới thiệu có thể đưa danh thiếp để đối phương có thêm nhiều thông tin hơn.

Chú ý nội dung: Khi tự giới thiệu về bản thân, nên nói rõ tên tuổi, đơn vị cơ quan công tác và chức vụ, như vậy người nghe sẽ có ấn tượng hoàn chỉnh, người nói cũng không cần phải quá dài dòng, tiết kiệm thời gian. Khi tự giới thiệu phải có thái độ chân thành, cầu thị, không nên dùng lời lẽ khoa trương, đánh bóng bản thân.

“Tôi là Đào Văn Phấn, Giám đốc Marketing của Tập đoàn Vạn Phương, xin được giúp đỡ”.

Một câu nói rất đơn giản, nhưng lại cho người nghe chủ đề để tiếp tục cuộc trò chuyện: “Anh là người của công ty Vạn Phương ư? Tôi đã xem thông tin về công ty của anh. Công ty của anh rất ổn, anh làm công việc tiếp thị à? Tôi cũng rất có hững thú với công việc này, tôi nghĩ chắc anh rất có kinh nghiệm, anh có thể truyền đạt cho tôi kinh nghiệm trong lĩnh vực này không?” Như vậy là hai bên đã bắt đầu cuộc trò chuyện một cách tự nhiên với không khí sôi nổi.

Chú ý cách nói: Khi tự giới thiệu, đầu tiên phải cúi đầu chào, khi người đối diện có phản ứng mới bắt đầu nói. Phải dùng cả ánh mắt để thể hiện sự gần gũi, thể hiện mong muốn được quan tâm. Nếu như có người giới thiệu ở đó, việc tự giới thiệu sẽ được coi là không lễ độ, tốt nhất nên để cho bên thứ ba (người giới thiệu) mở lời.

Tìm hiểu thông tin: Nếu như bạn muốn làm quen với một ai đó, trước khi gặp mặt tốt nhất nên tìm hiểu thông tin về người đó, như tính cách, sở trường, sở thích… Như vậy khi tự giới thiệu về mình, bạn có thể nói về những điểm chung giữa hai người, cuộc trò chuyện vì thế sẽ trở nên gần gũi hơn.

Nếu như bạn tìm hiểu thông tin thấy đối phương là một người yêu thích thể thao, khi tự giới thiệu, bạn có thể nói bạn là một người yêu thích các hoạt động ngoài trời. Chắc chắn người đó sẽ rất hào hứng mà hỏi bạn: “Thật không? Tôi cũng rất thích, vậy bạn thích môn thể thao nào?” Chỉ cần bạn tiếp tục trả lời: “Tôi thích bóng chuyền và chạy bộ, còn bạn?” Cứ như vậy, hai bên sẽ có thể bắt đầu cuộc giao tiếp trong không khí vui vẻ, cởi mở.

Nói rõ về tên của mình

Trong một số trường hợp, nhất định phải nói rõ ràng họ tên khi giới thiệu bản thân với người khác. Cái tên của mỗi người đều có những ý nghĩa riêng, khi tự giới thiệu, nếu nói rõ ý nghĩa họ tên thì cuộc giao tiếp sẽ rất có hiệu quả.

Một cô gái tên là Ngô Mỹ Kim, mỗi lần tự giới thiệu về mình cô đều nói: “Tôi họ Ngô, tên Mỹ Kim, có ý nghĩa chỉ một người giàu có. Tôi và mọi người đều hi vọng có thể kiếm được nhiều tiền”.

Câu nói này thường khiến người nghe bật cười, mọi người cũng có ấn tượng rất sâu sắc với tên của Mỹ Kim. Chính vì thế, khi giới thiệu tên của mình, bạn cũng nên thêm vào đó một chút dí dỏm, nêu rõ ý nghĩa để người đối diện có thể dễ dàng nhớ bạn.

Tâm lí thoải mái khi gặp người lạ

Có nhiều người rất hay xấu hổ, nhất là những người trẻ tuổi mới bước chân vào xã hội, họ mới rời khỏi trường học hoặc gia đình, khi gặp người lạ họ không biết phải bắt đầu câu chuyện như thế nào, càng không biết phải làm thế nào để hòa nhập với mọi người. Thế nhưng, nếu bạn có thể cởi mở khi gặp người lạ, bạn sẽ có mối quan hệ rộng, có bạn bè ở khắp mọi nơi, làm việc gì cũng sẽ thuận lợi như cá gặp nước.

Vậy làm thế nào để cởi mở với người mới gặp lần đầu tiên? Bạn cần những kĩ năng giao tiếp gì trong cuộc gặp gỡ đầu tiên đó?

Con người ta thường hay đánh giá về người khác bằng định kiến, do đó bạn cần cố gắng hạn chế sử dụng ngôn ngữ quá vồn vã khi mới bắt đầu cuộc nói chuyện, ngoài

ra cũng không thể thiếu những lời hỏi thăm. Một lời hỏi thăm cho thấy sự tôn trọng và sự gần gũi, thân thiện với người đối diện. Người phương Tây có câu: “Có sự nhiệt tình thì không sợ tuổi trẻ biến mất”. Do đó, trong các cuộc gặp gỡ, người phương Tây luôn mỉm cười chào bạn và hỏi thăm bạn có khỏe không.

Lần đầu tiên gặp mặt, cả hai phía đều không hiểu rõ về đối phương nên thường rơi vào tình trạng không có gì để nói. Lúc này có thể bắt đầu bằng những câu hỏi thăm ngoài lề như: “Hình như trời hơi nóng” hoặc “Gần đây bạn có bận không”. Mặc dù đa số những câu hỏi thăm như vậy tưởng như vô thưởng vô phạt, nhưng nó có thể giúp những người mới gặp nhau lần đầu không bị rơi vào tình trạng e dè, ngại ngùng do không biết nói gì. Đương nhiên, cần phải chú ý lựa chọn lời nói cho thích hợp để tránh những kết quả không hay.

Giáp và Ất là hai người bạn thân, một lần Ất đã nói lời không hay với Giáp nên hai người giận nhau. Hai ngày sau, Ất cảm thấy có lỗi với Giáp nên quyết định xin lỗi Giáp. Ngày hôm đó, Ất gặp Giáp trên đường, ngay lập tức anh mỉm cười và nói: “Cậu ăn chưa, nếu chưa thì tớ mời cậu đi ăn”. Giáp nghe thấy vậy liền không vui và nói: “Cậu không thấy tớ vừa đi từ nhà ăn ra hay sao mà có hỏi tớ đã ăn chưa, cậu hỏi vậy chẳng phải là thừa hay sao?” Lúc đó Ất đã cảm thấy rất buồn, từ đó hai người không chơi với nhau nữa.

Tình huống trong câu chuyện nhỏ này rất dễ xảy ra trong cuộc sống thường ngày, vì vậy, trước khi mở lời hỏi thăm, bạn phải xét xem nó có phù hợp với hoàn cảnh và thời gian hay không. Chỉ cần có sự mở đầu tốt đẹp, cuộc giao tiếp sẽ diễn ra thuận lợi. Một số kinh nghiệm sau đây sẽ giúp bạn tự tin khi phải tiếp xúc với người lạ.

Bắt quàng làm họ

Cách làm này mặc dù không hay lắm nhưng lại rất có tính thực dụng. Khi tiếp xúc với một người lạ, chỉ cần bạn chú ý quan sát hoặc tìm hiểu trước, thì bạn sẽ có thể tìm được mối dây liên hệ với họ dù rõ ràng hay mơ hồ, dù gần hay xa. Khi gặp mặt, nếu nói về việc có sự liên hệ thì bạn sẽ rất nhanh chóng rút ngắn được khoảng cách tâm lí và khiến đối phương có cảm giác thân thiện.

Cựu tổng thống Philippines Corazon Aquino khi tới thăm Trung Quốc, điểm đến đầu tiên của bà không phải Bắc Kinh mà là huyện Long Hải, tỉnh Phúc Kiến – nơi sinh sống của đồng bào người Philippines gốc Trung Quốc. Ở đó, bà đã tới thăm chú của mình, thắp hương tổ tiên và nói chuyện với người dân địa phương. Bà bày tỏ: “Tôi đến Trung Quốc không chỉ vì việc quốc gia đại sự mà còn có cả việc cá nhân. Tôi không chỉ là một nguyên thủ quốc gia, mà xét trên một ý nghĩa nào đó, tôi còn là con gái của mảnh đất này”. Con gái về nhà mẹ đẻ, đương nhiên nhà meï đẻ sẽ vui mừng chào đón. Sự khéo léo đã giúp bà thành công trong việc rút ngắn khoảng cách tình cảm với Trung Quốc.

Việc “bắt quàng làm họ” giống như một chiếc chìa khóa, có thể mở cánh cửa giao tiếp giữa hai người, không chỉ có người hiện đại mà ngay cả người thời xưa cũng dùng cách này để kéo gần khoảng cách với người khác.

Thời Tam Quốc, Lỗ Túc là một chuyên gia trong lĩnh vực này. Khi lần đầu gặp mặt Gia Cát Lượng, câu nói đầu tiên của ông là: “Tôi là bạn thân của Gia Cát Cẩn – anh trai anh”. Câu nói này đã khiến cuộc trò chuyện của đôi bên trở nên gần gũi hơn. Đây cũng là khởi nguồn dẫn đến việc Tôn Quyền kết đồng minh với Lưu Bị đánh lại Tào Tháo.

Phương pháp này là chiếc chìa khóa vạn năng, tất cả mọi người trên thế giới đều có

thể sử dụng.

Tháng 5 năm 1984, Tổng thống Mỹ Reagan đến thăm trường Đại học Fudan. Trong một lớp học, lần đầu tiên gặp mặt các bạn sinh viên của trường, chỉ trong khoảng thời gian trò chuyện ngắn ngủi, ông đã xây dựng được mối quan hệ gần gũi với mọi người: “Thực tế, tôi có mối quan hệ rất thân thiết với trường đại học của các bạn. Hiệu trưởng của các bạn và phu nhân của tôi là bạn học của nhau tại Trường Cao đẳng Smith (Smith College) ở Mỹ. Chính vì thế mà tôi và các bạn cũng là bạn bè”.

Chỉ vài câu nói ngắn nhưng Tổng thống Reagan không chỉ xóa bỏ khoảng cách giữa các quốc gia mà còn làm sâu sắc thêm tình cảm hữu nghị. Cả hội trường tràn ngập tiếng vỗ tay.

Sử dụng ngôn ngữ tình cảm – hài hước

Khi giao tiếp với người lạ, bạn không nên xem nhẹ vấn đề ngôn ngữ, nhưng cũng không nên tỏ ra quá nghiêm trọng. Có lúc, một câu nói mang ý nghĩa tình cảm hoặc hài hước cũng có thể rút ngắn khoảng cách giữa hai bên. Ví dụ như khi an ủi người khác, bạn không cần phải nói quá nhiều từ mang ý nghĩa động viên. Một câu chuyện đùa vui cũng có thể làm không khí trở nên sôi nổi, phá bỏ tâm lí e dè và đạt được mục đích giao tiếp tốt đẹp.

Tháng 10 năm 1988, Trần Bác Đạt được ra tù sau khi bị bắt trong cuộc đại cách mạng văn hóa, cuộc sống trong tù khiến ông cảm thấy rất ngột ngạt và ông luôn giữ tâm lí đề phòng với tất cả những người đến thăm. Lúc đó, nhà văn Diệp Vĩnh Liệt muốn tới phỏng vấn ông, Diệp Vĩnh Liệt đã chuẩn bị rất kĩ cho sự kiện này.

Vừa gặp mặt, Diệp Vĩnh Liệt đã nói với Trần Bác Đạt rằng, năm 1958, Trần Bác Đạt đã có buổi diễn thuyết tại trường đại học Bắc Kinh, Vĩnh Liệt khi đó là một sinh viên của trường đã nghe bài diễn thuyết này, Diệp Vĩnh Liệt chia sẻ: “Khi đó ông đã đưa theo một người phiên dịch để giúp ông dịch từ tiếng địa phương ra tiếng phổ thông, thực sự thì đó là lần đầu tiên tôi thấy một người Trung Quốc phải dùng đến phiên dịch khi diễn thuyết cho chính người Trung Quốc nghe”. Nghĩ lại câu chuyện thú vị đó, Trần Bác Đạt đã bật cười.

Những câu nói có phần dí dỏm, hài hước đã rút ngắn khoảng cách giữa hai người, Trần Bác Đạt cũng cảm thấy người này rất thân thiện, không khí cuộc gặp ngay lập tức trở nên nhẹ nhàng và buổi phỏng vấn đã diễn ra thuận lợi. Sau này, cuốn sách “Chuyện về Trần Bác Đạt” của Diệp Vĩnh Liệt đã có thêm không ít tư liệu quý giá.

Tạo bầu không khí cho cuộc giao tiếp

Khi trò chuyện với người khác, bầu không khí rất quan trọng. Không khí sôi nổi sẽ dễ khiến mọi người cảm thấy thoải mái, cuộc nói chuyện sẽ trở nên thân thiện hơn. Còn nếu không khí của buổi trò chuyện căng thẳng thì mọi người đều sẽ cảm thấy nặng nề, áp lực, hiệu quả giao tiếp sẽ không được như mong đợi.

Chúng ta có thể tự tạo ra bầu không khí lí tưởng cho cuộc giao tiếp, một chuyên gia giao tiếp khi trò chuyện với người khác thường tỏ ra rất thoải mái, có lúc họ còn sử dụng những cách nói hài hước, dí dỏm để khiến không khí trò chuyện trở nên sôi nổi hơn. Khi gặp tình huống rắc rối, hãy rộng lượng và đừng quá để tâm, như vậy người khác sẽ không bị áp lực. Khi trò chuyện với mọi người, cũng phải chú ý đối xử công bằng, không quá xem nhẹ đối phương, có như vậy bạn mới dễ dàng hòa nhập vào mối quan hệ với những người xung quanh. Đương nhiên, khi giao tiếp cũng phải liên

tục tìm kiếm đề tài để tạo ra bầu không khí sôi nổi, thân mật.

Thêm gia vị hài hước

Không ai có cảm hứng với một cuộc trò chuyện tẻ nhạt, nhàm chán, nhất là khi mới bắt đầu, nội dung quá nhàm chán sẽ khiến mọi người buồn ngủ. Nếu lúc đó, người nói biết thêm vào những câu hài hước thì chắc chắn không khí sẽ trở nên sôi nổi hơn. Vì vậy, khi cuộc trò chuyện có dấu hiệu của sự tẻ nhạt, phải chú ý vận dụng các câu nói đùa với hình tượng sinh động để kích thích người nghe và làm thay đổi bầu không khí.

Một lần, họa sĩ Trương Đại Thiên khi đó đang ở Thượng Hải muốn trở về quê nhà Tứ Xuyên. Học sinh của ông đã tổ chức một cuộc chia tay, còn mời cả chuyên gia nghệ thuật kinh kịch Mai Lan Phương và nhiều người nổi tiếng tới dự. Họa sĩ Trương Đại Thiên là người khá lạnh lùng nên mọi người không tránh khỏi tâm lí thận trọng. Khi buổi tiệc bắt đầu, Trương Đại Thiên nâng ly rượu lên mời Mai Lan Phương và nói: “Ông Mai, ông là quân tử, tôi là tiểu nhân. Tôi mời ông một ly”. Mọi người đều tỏ ra ngạc nhiên trong khi ông Mai Lan Phương không hiểu gì, ông hỏi: “Ông nói vậy là sao?”. Lúc này Trương Đại Thiên mỉm cười và giải thích: “Ông là quân tử nên dùng miệng hát kinh kịch, tôi là tiểu nhân nên dùng tay vẽ tranh”. Câu nói này đã khiến tất cả mọi người có mặt đều bật cười, ông Mai cũng cười to nâng ly lên và uống cạn. Không khí của buổi tiệc lập tức trở nên náo nhiệt.

Ngày 9 tháng 2 năm 1930 là lễ mừng thọ 70 tuổi của tiên sinh Sái Nguyên Bồi. Khi cảm ơn các quan khách đến chúc mừng, ông đã hài hước nói: “Mọi người đến chúc thọ tôi, ai cũng muốn tôi sống thêm vài năm nữa. Tôi đã sống đến 70 tuổi, cảm thấy 69 năm qua là sai lầm. Nếu mọi người muốn tôi sống thêm vài năm nữa, chẳng phải muốn tôi sai lầm thêm vài năm nữa hay sao”. Các quan khách nghe xong đều bật cười, không khí của buổi tiệc trở nên vô cùng vui vẻ.

Tiên sinh Sái Nguyên Bồi đã dùng khiếu hài hước của mình mang lại không khí thoải mái cho buổi tiệc. Nếu lúc đó ông chỉ có những lời phát biểu cảm ơn cứng nhắc thì sẽ không thể mang lại hiệu quả tốt như vậy.

Sự hài hước có thể khiến chúng ta sống thoải mái hơn, những người hài hước thường rất đáng yêu và thân thiện. Cho dù là trước đông người hay nơi ít người, hài hước chính là cách tốt nhất để khuấy động bầu không khí. Thế nhưng phải chú ý, tuyệt đối không được mang người khác ra làm trò cười, như vậy sẽ gây ra sự phản cảm, thậm chí còn khiến sự việc trở nên căng thẳng.

Phát hiện chủ đề

Chủ đề là điều không thể thiếu trong các cuộc nói chuyện, không có chủ đề, cuộc nói chuyện sẽ không thể kéo dài. Trong giao tiếp, chúng ta phải học cách tìm lời để nói, tìm chủ đề mà cả hai phía đều cảm thấy hứng thú – cũng giống như viết văn, một đề tài hay sẽ tạo cảm hứng cho người viết. Nếu có một đề tài hay, cuộc trò chuyện sẽ diễn ra rất dễ dàng, đề tài hay chính là cơ sở của giao tiếp, tạo cảm hứng cho cả hai phía.

Khi tìm được chủ đề, hãy khéo léo đưa nó vào cuộc nói chuyện, có như vậy mới đảm bảo quá trình giao tiếp diễn ra thuận lợi, đạt hiệu quả tốt đẹp.

Triệu Thái hậu rất yêu thương con trai của mình là Trường An Quân. Có một lần, quân nhà Tần tấn công nước Triệu, Triệu Thái hậu đã xin vua nước Tề giúp đỡ, Tề Vương đồng ý xuất quân nhưng với điều kiện giữ Trường An Quân làm con tin. Triệu

Thái hậu rất yêu thương con trai nên không chấp nhận, còn lớn tiếng với những người khuyên can rằng: “Ai dám ngăn cản ta, ta sẽ không khách sáo với người đó”.

Vì nghĩ cho tương lai nước Triệu, Tả Sư Xúc Long quyết tâm sẽ khuyên Thái hậu để Trường An Quân đến nước Tề. Ông không trực tiếp xin với Thái hậu mà bắt đầu câu chuyện bằng những chủ đề không liên quan gì tới vấn đề đang khiến Thái hậu đau đầu, cuối cùng, ông chuyển sang chủ đề về tình yêu thương con cái. Xúc Long nói: “Người yêu thương con gái hơn con trai, vì vậy nên người luôn nghĩ cho con gái. Người xem, mặc dù rất nhớ thương con gái đang ở nước Yên xa xôi, nhưng người vẫn không để cô ấy về thăm mình, người muốn công chúa sinh hạ hoàng tử ở nước Yên rồi lên làm vua, đó là vì nghĩ cho tương lâu dài của công chúa. Còn đối với Trường An Quân, ngoài miệng người nói là yêu thương, nhưng lại ngăn cản không cho con trai mình đi lập nghiệp ở nước Tề. Nếu như vậy, cho dù người có cho hoàng tử nhiều của ngon vật lạ, nhiều đất đai, nhưng hoàng tử vẫn không có sự nghiệp của riêng mình và sẽ không được mọi người nể phục. Thời gian qua đi, cuộc sống của hoàng tử sẽ rất khó khăn. Vì thế mà thần cảm thấy người yêu thương con gái hơn con trai”.

Triệu Thái hậu nghe thấy có lí bèn đưa Trường An Quân tới nước Tề. Quả nhiên Tề Vương đã xuất binh giúp Triệu Thái hậu đẩy lùi sự tấn công của nhà Tần.

Trong câu chuyện này, Xúc Long đã dùng chủ đề tình yêu thương với con cái để nhận được sự đồng cảm từ Thái hậu, cuối cùng Thái hậu cũng đồng ý đưa Trường An Quân tới nước Tề làm con tin. Chính vì thế, khi trò chuyện với người khác, nhất định phải tìm được chủ đề phù hợp, chủ đề này cũng phải được xem xét cả ở góc độ suy nghĩ của đối phương thì mới có thể tạo ra sự hứng thú.

Trong xã hội hiện đại với nhịp sống nhanh và nhiều áp lực, không phải ai cũng sẵn sàng mở lòng. Là một người trẻ tuổi, muốn trở thành chuyên gia giao tiếp, bạn phải tích cực khích lệ để người đối diện cởi mở trò chuyện. Khi thể hiện quan điểm của bản thân, thái độ nhất định phải chân thành, thận trọng khi nêu câu hỏi và phải học cách chuyển chủ đề nếu điều mình đang nói có thể gây tranh cãi. Thế nhưng, trong giao tiếp đôi khi khó tránh khỏi tình trạng không có gì để nói khiến cuộc trò chuyện trở nên tẻ nhạt, lúc này, bạn cần tìm chủ đề phù hợp để phá vỡ bầu không khí nhàm chán, khiến mọi người tiếp tục nói chuyện trong không khí sôi nổi.

Ông James là một chuyên gia máy tính, khi tới Trung Quốc giảng dạy, ông đã được nhiều người yêu mến.

Có một lần, trong giờ nghỉ giải lao, mọi người tập trung trò chuyện, một học viên trẻ tuổi đã hỏi rất thành thật: “Xin hỏi tại sao tàu con thoi Challenger lại bị nổ?”. Ông James suy nghĩ một lát rồi nói: “Rất xin lỗi, tôi cũng không rõ…” Vị chuyên gia này vốn không quan tâm tới những vấn đề bên ngoài lĩnh vực chuyên môn của ông nên tỏ ra rất bối rối.

Đây chính là ví dụ cho việc nêu chủ đề không thích hợp, do không hiểu rõ đối phương, nêu một câu hỏi mà người đó không biết sẽ gây ra trở ngại cho cuộc giao tiếp.

Vì vậy, bất kể là giao tiếp trong tình huống nào, những chủ đề hay sẽ khiến cuộc trò chuyện diễn ra thuận lợi. Chỉ cần bạn đặt mình vào vị trí của người khác để suy nghĩ, quan tâm tới sở thích của họ là được. Tuyệt đối không nên nói về những chủ đề mà người đối diện không hiểu rõ để tránh khiến họ cảm thấy mất hứng.

Làm thế nào để cuộc giao tiếp có đầu có cuối?

Làm thế nào để đảm bảo cuộc giao tiếp diễn ra thuận lợi đến phút cuối cùng mà không bị gián đoạn giữa chừng? Việc này yêu cầu bạn phải có tài dẫn dắt đối phương, nhất định phải nhớ nên nói gì và không nên nói gì. Khi nói chuyện, không nên nói quá nhiều, phải để người khác cũng được nói lên suy nghĩ của họ, ý nghĩa lời nói phải rõ ràng, dễ hiểu, thái độ chân thành, phải làm sao để đối phương cảm thấy họ đang nắm thế chủ động, như vậy thì người đối diện mới vui vẻ tiếp tục cuộc trò chuyện với bạn. Ngược lại, nếu đối phương cảm thấy không có gì để nói thì họ sẽ không có hứng thú tiếp tục trò chuyện.

Thái độ chân thành khi trò chuyện

Khi giao tiếp, ngôn ngữ nhất định phải chân thành, nhất là khi góp ý hoặc phê bình người khác, nếu như bạn tỏ ra không có thành ý, việc góp ý và phê bình sẽ bị coi là hành động mang ý nghĩa công kích. Đương nhiên, khi giao tiếp, phải cho người đối diện có cơ hội được nói để họ thấy mình không chỉ là người nghe. Cuộc giao tiếp thuận lợi, đạt được kết quả tốt chỉ khi người đối diện có hứng thú và có nhiều điều để nói.

Nếu hi vọng đối phương thực sự nhận ra và sửa lỗi, bạn phải cố gắng giữ thể diện cho họ, làm vậy thì người đối diện sẽ vui vẻ tiếp thu ý kiến phê bình của bạn và không trách móc bạn.

Một buổi trưa, một ông chủ vô tình đi vào xưởng gang thép của mình và nhìn thấy vào công nhân đang hút thuốc, trong khi đó, tấm biển cấm hút thuốc treo ngay phía trên đầu họ.

Ông chủ không hề chỉ vào tấm biển và trách mắng các công nhân. Anh đi tới trước mặt họ, cầm bao thuốc lên, châm thuốc cho từng người và nói: “Các anh em không cần phải cảm ơn tôi, nếu các anh em đi ra ngoài hút thuốc, tôi sẽ càng vui hơn”. Những người công nhân đó biết mình đã mắc lỗi, nhưng cũng thầm phục ông chủ của mình, bởi anh không những không trách cứ họ, mà còn châm thuốc cho từng người. Hành động đó khiến họ cảm thấy mình được tôn trọng. Từ đó về sau, không có công nhân nào hút thuốc trong công xưởng nữa.

Đây chính là kĩ năng giao tiếp. Nếu lúc đó người chủ tức giận mà trách mắng các công nhân, đương nhiên họ sẽ không tiếp thu mà còn có thể nảy sinh tâm lí bất bình. Nhưng bằng cách trò chuyện chân thành, các công nhân mắc lỗi đã thẳng thắn nhìn nhận và tiếp thu ý kiến của người chủ. Mỗi người đều cảm thấy bản thân mình rất quan trọng, cũng hi vọng sẽ được người khác công nhận. Nếu bạn có thể khiến họ cảm thấy được tôn trọng, cảm thấy họ có địa vị trong lòng bạn thì nhất định bạn sẽ tạo được thiện cảm.

Trong cuộc sống hằng ngày, khi giao tiếp với mọi người, bạn nên quan tâm tới gia đình, sức khỏe và những điều liên quan đến đối phương, như vậy thì người đối diện sẽ dễ dàng mở lòng, vui vẻ trò chuyện với bạn. Bạn cũng có thể nhờ người khác chỉ dạy những điều là thế mạnh của họ, như vậy bạn vừa có thêm được kiến thức, vừa tạo được thiện cảm, lại vừa có đề tài để nói chuyện.

Khi nói chuyện, lưu ý không nên nói hết phần của người khác, đặc biệt là khi đang thảo luận vấn đề nào đó, hãy để cho người khác có cơ hội được nói, đối phương nói càng nhiều, điều bạn nhận được cũng càng nhiều.

Bình đẳng, độ lượng trong giao tiếp

Trong quá trình giao tiếp, khi gặp các tình huống tranh cãi, nhất định phải độ lượng, đặc biệt khi có đông người, không nên quá tính toán mà làm hỏng bầu không khí cuộc trò chuyện.

Carnegie đã từng nói: “Cách tốt nhất để tránh phải tranh cãi với người khác là không tranh cãi”.

Tổng thống Mỹ Lincoln đã từng cảnh cáo một sĩ quan trẻ – người đang có tranh cãi gay gắt với các đồng nghiệp: “Những người có lí tưởng, có trách nhiệm, có mục đích sống không bao giờ lãng phí thời gian cho những tranh chấp cá nhân. Khi có bất đồng

ý kiến với người khác, cậu nên nhượng bộ. Nếu như thực sự là cậu đúng thì không nên để mất lí trí, phải biết kiềm chế bản thân. Không nên để mình bị tổn thương vì những điều không đáng”.

Có những lúc, giữa người với người không thể tránh khỏi xảy ra tranh cãi. Cuộc tranh cãi có thể xảy ra giữa vợ – chồng, giữa bạn bè, giữa lãnh đạo và cấp dưới… khiến mọi người đều cảm thấy không vui, có lúc thậm chí còn gây ra hậu quả nghiêm trọng. Vì thế, nên bao dung, độ lượng để giải quyết thỏa đáng mọi mâu thuẫn.

Giữa đời nhà Thanh, có một câu chuyện mang tên “Ngõ sáu thước”. Khi đó, cả tướng quân Trương Anh và một người họ Diệp đều là những người sống cùng thành, nhà hai người ở cạnh nhau, cả hai nhà đều muốn sửa nhà nhưng giữa họ đã xảy ra tranh cãi do tranh chấp đất đai. Trương lão phu nhân đã viết cho Trương Anh một bức thư với mong muốn ông sẽ ra mặt can thiệp việc này. Sau khi đọc xong bức thư, Trương Anh đã ngay lập tức hồi âm với nội dung khuyên can người nhà mình hãy nhượng bộ, nhường nhà hàng xóm ba thước đất. Đọc thư con trai gửi về, Trương lão phu nhân đã hiểu ra và chủ động xây lui bức tường vào ba thước. Nhà họ Diệp thấy vậy rất cảm kích, cũng lập tức lùi bức tường lại ba thước. Chính vì vậy, giữa nhà họ Diệp và họ Trương đã hình thành một con ngõ nhỏ rộng sáu thước mà sau này có tên là “Ngõ sáu thước”.

Mặc dù câu chuyện này không có liên quan nhiều tới hình thức giao tiếp bằng lời nói, nhưng nó cũng cùng mang một ý nghĩa. Trong cuộc sống, chúng ta rất hay gặp phải những người không hiểu lí lẽ, trong một số tình huống, một câu nói không thỏa đáng có thể gây tranh cãi, có thể khiến việc bé xé ra to, làm ảnh hưởng tới mối quan hệ với những người xung quanh. Phải suy nghĩ cho thật kĩ, nếu tranh chấp để đạt được điều gì đó thì nó sẽ không có ý nghĩa, phải biết nhường nhịn, nhượng bộ đúng lúc để có được những điều tốt đẹp.

Trong giao tiếp, nhất định phải đối xử công bằng với mọi người, cho dù bạn có tài giỏi thế nào, có nhiều thành tựu ra sao, bạn cũng không nên khoa trương về điều đó, bởi làm như vậy sẽ thể hiện sự thiếu lễ độ, không có ai muốn nói chuyện với một người chỉ biết khoe khoang, và như vậy bạn sẽ không có được kết quả mong muốn.

Khổng Tử nói: “Cao thì có thể thấp đi một chút, đầy thì có thể vơi đi một chút, giàu thì có thể nghèo đi một chút, cao quý thì thấp hèn đi một chút, thông minh thì khờ khạo đi một chút, dũng cảm thì hèn nhát đi một chút…”. Câu nói này muốn khuyên mọi người nên biết tự điều chỉnh mình. Ngay cả trong các tình huống giao tiếp cũng vậy, khi bạn tỏ ra tôn trọng người khác, bản thân bạn cũng sẽ được tôn trọng, các cuộc trò chuyện đương nhiên sẽ thuận lợi và mang lại kết quả tốt đẹp.

Giao tiếp thành công bắt đầu từ lắng nghe

Mọi người đều muốn học được cách nói chuyện, tự bồi dưỡng tài ăn nói bằng nhiều cách khác nhau với hi vọng có thể giao tiếp thành công. Thế nhưng, chúng ta lại quên mất một điều quan trọng, đó chính là sự lắng nghe. Thực tế, lắng nghe chính là cách giao tiếp hiệu quả nhất, là điều không thể thiếu khi trò chuyện với mọi người.

Một chuyên gia rất có kinh nghiệm trong lĩnh vực giao tiếp đã có ý kiến rằng: “Điểm mấu chốt của giao tiếp không nằm ở chỗ nói nhiều hay ít mà là học được cách nói ít”. Nghe nhiều nói ít, là một người biết lắng nghe, sẵn sàng lắng nghe, tiếp nhận ý kiến và suy nghĩ của người khác, đó mới thực sự là điều quan trọng.

Lắng nghe là bước đầu tiên để đạt được thành công. Cựu thủ tướng Anh, Winston Churchill từng nói: “Đứng lên nói cần dũng khí, ngồi xuống và lắng nghe cũng cần dũng khí”.

Trên thực tế, có rất ít người trẻ tuổi biết cách lắng nghe. Một người biết lắng nghe người khác có thể kịp thời đưa ra những góp ý, khiến người nói tìm được sự đồng cảm và mở lòng với người nghe.

Một lần, Canergie tham dự bữa tiệc của nhà xuất bản Glebe. Tại buổi tiệc, ông đã gặp một chuyên gia thực vật học nổi tiếng. Canergie trước đây rất ít khi giao tiếp với người này, ông nói với chuyên gia là mình có một khu vườn nhỏ. Chuyên gia thực vật đã hướng dẫn ông cách giải quyết một số vấn đề và giảng giải cho ông về các loại cây, vườn hoa và một số phát hiện trong lĩnh vực khoa học thực vật.

Ở bữa tiệc, Canergie và chuyên gia thực vật học đã nói chuyện suốt nhiều giờ liền. Khi buổi tiệc kết thúc, sau khi tạm biệt các vị khách khác, trước đại diện nhà xuất bản, chuyên gia thực vật học đã khen ông Canergie là người nói chuyện thú vị nhất.

Người Hi Lạp có câu: “Thượng đế cho chúng ta một cái lưỡi, nhưng lại cho chúng ta hai cái tai là để chúng ta nghe nhiều hơn nói”. Ý nghĩa của câu nói này muốn khuyên mọi người biết lắng nghe nhiều hơn thay vì nói nhiều hơn.

Vậy làm thế nào để lắng nghe người khác? Làm thế nào để nghe được tiếng lòng của người khác? Điều này rất quan trọng với những người trẻ tuổi. Một khi bạn học được cách lắng nghe người khác, bạn sẽ cảm thấy việc nghe người khác nói rất dễ dàng, cũng rất có ý nghĩa. Khi bạn nghe nhiều, bạn sẽ càng hiểu đối phương và có thể giúp đỡ họ, cũng như tự mang lại niềm vui cho bản thân mình.

Vậy làm thế nào để học được cách lắng nghe người khác nói?

Đầu tiên, phải có hứng thú với những điều người đối diện nói ra. Bạn phải cố gắng hiểu người đó, khích lệ và giúp đỡ họ giải quyết vấn đề hoặc tìm ra cách để giải quyết vấn đề. Điểm đặc biệt chú ý là thái độ của bạn nhất định phải chân thành.

Tiếp đó phải biết cách kiềm chế cảm xúc của chính mình. Nếu như quá xúc động, bạn sẽ làm ảnh hưởng tới người đối diện và hiệu quả của việc lắng nghe, thậm chí làm ảnh hưởng tới cả cuộc giao tiếp.

Sau nữa, phải tập trung tinh thần. Không nhìn ngó chỗ khác, không làm những hành động vô nghĩa. Những hành động nhỏ vô nghĩa sẽ khiến đối phương mất thiện cảm và mất hứng tiếp tục cuộc trò chuyện, bạn sẽ không nhận được những thông tin có ích. Nếu không kịp thời đưa ra phản ứng, hiệu quả của cuộc giao tiếp sẽ tự nhiên

mất đi.

Cuối cùng, phải thể hiện là mình rất chú ý và thấu hiểu. Không nên tỏ vẻ không hiểu gì, càng không nên tỏ ra nhàm chán, không thích chủ đề mà người đối diện đang nói đến. Một người giỏi giao tiếp khi trò chuyện sẽ biết đặt câu hỏi để người đối diện phải tư duy, thể hiện thái độ tích cực bằng cách gật đầu, chợp mắt, chăm chú lắng nghe… Như vậy mới có thể làm cho cuộc trò chuyện diễn ra thuận lợi và đạt hiệu quả tốt.

Một người thành công nhất định phải học cách lắng nghe. Cho dù là đối với bạn bè, cấp trên hay cấp dưới, đều phải lắng nghe bằng cả tấm lòng. Đương nhiên, khi giao tiếp, bạn phải tránh những điều làm ảnh hưởng tới khả năng lắng nghe của mình: Sức khỏe không tốt, âm thanh xung quanh quá ồn ào, vướng bận nhiều chuyện lo nghĩ, đã biết đáp án của câu hỏi, cảm thấy phiền phức với người và sự việc, chỉ nghĩ cho bản thân mình, lắng nghe có chọn lọc.

Đây là những điều sẽ gây ảnh hưởng tới sự lắng nghe của bạn trong cuộc giao tiếp, vì vậy khi nói chuyện với người khác, nhất định phải có môi trường tốt và có tâm trạng tốt, thì sự lắng nghe mới đem lại hiệu quả, mới có thể khiến cuộc trò chuyện có ý nghĩa. Bạn sẽ có thể biết người khác muốn làm gì và nên làm như thế nào.

Kĩ năng trò chuyện khi lắng nghe

Đối với những người trẻ tuổi mới bước chân vào xã hội, trong quá trình lắng nghe người khác nói, nên biết cách thêm lời của mình vào để khiến đối phương có hứng thú, điều này giúp mang lại hiệu quả tốt nhất cho cuộc giao tiếp.

Góp lời chủ yếu là để người đối diện tiếp tục trò chuyên, bày tỏ ý kiến. Do các tình huống giao tiếp không giống nhau, nên cũng phải sử dụng các cách góp lời khác nhau.

Khi trò chuyện, nếu tâm trạng của người đối diện không tốt, hoặc người đó quá xúc động, không khống chế được cảm xúc khi kể về sự việc nào đó. Lúc này, bạn cần lựa chọn cách thức góp lời phù hợp để giải tỏa cho đối phương, ví dụ như “Bạn đã rất tức giận đúng không?”, “Hôm nay tâm trạng của bạn có vẻ không được tốt”, “Bạn rất buồn phải không?”… Khi nghe những câu nói như vậy, người đối diện có thể sẽ được giải tỏa tâm lí. Khi đối phương nói hết, họ sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn và sẽ dễ dàng tiếp tục kể về vấn đề rắc rối của mình.

Khi người đối diện do lo lắng về việc bạn không hứng thú với vấn đề nào đó mà tỏ ra ấp úng, do dự, bạn có thể nói ra những điều giúp họ giải tỏa sự lo lắng đó, ví dụ: “Chị có thể nói chi tiết với tôi chuyện đó đã xảy ra thế nào không? Tôi vẫn chưa hiểu hết”, “Tiếp tục nói đi, tôi vẫn chưa hiểu…”, “ Tôi thấy rất hào hứng với chuyện này”… Hãy để đối phương biết bạn muốn nghe tiếp, họ sẽ cởi mở bày tỏ tấm lòng mình.

Nếu trong khi trò chuyện, người đối diện muốn biết bạn có hiểu điều họ đang nói không, bạn có thể dùng vài câu nói đơn giản để tổng hợp lại những nội dung người đó vừa nói, ví dụ: “Ý của anh là…”, “Chị cảm thấy sự việc này…”, “Bạn muốn nói với tôi rằng…” Hãy để đối phương biết bạn hiểu họ, như vậy họ mới có thể tiếp tục nói. Việc tổng hợp lại suy nghĩ của người đối diện sẽ có thể kịp thời khiến họ biết được mức độ hiểu của bạn về vấn đề họ đang nói. Điều này không chỉ khiến người đó cảm nhận được sự chân thành của bạn, mà họ còn có thể điều chỉnh ngay nếu cảm thấy người nghe hiểu sai.

Tất cả những kĩ năng góp lời khi nói chuyện vừa đề cập trên đây đều có một điểm chung, đó là chúng đều mang sắc thái tình cảm trung tính, nó không thể hiện bất kì một sự phê phán nào về nội dung mà người nói đưa ra, cũng không đánh giá về tình cảm của người đó. Hãy nhớ, không bao giờ áp đặt quan điểm cá nhân của bạn lên người khác, đó là điều rất quan trọng. Nếu bạn vượt qua giới hạn này, cuộc trò chuyện sẽ mất đi ý nghĩa.

Kĩ năng giúp người ngại giao tiếp mở lời trò chuyện

Trong cuộc sống và trong công việc, có một số người không thích nói chuyện, trong một số trường hợp bắt buộc phải nói, họ cũng không chịu nói gì cả, nhưng người như vậy được gọi là người ngại giao tiếp. Ở công sở hoặc ở một số nơi khác, khi những người khác đều đang trò chuyện sôi nổi, thì những người ngại giao tiếp chỉ ngồi một góc lắng nghe hoặc suy nghĩ vấn đề riêng của họ. Có thể nói, để những người này mở lời trò chuyện trước đông người còn khó hơn việc khiến cho cây kim loại nở hoa.

Trong giao tiếp, nếu gặp những người như vậy, mọi người thường cảm thấy rất tẻ nhạt. Vậy phải làm thế nào để những người ngại giao tiếp mở lời trò chuyện? Bằng thực nghiệm, các chuyên gia đã tổng kết và đưa ra những phương pháp hữu ích.

Cách thứ nhất là sử dụng những lời khen chân thành, đặt câu hỏi đúng thời điểm

Thực tế, trong cuộc sống, ai cũng thích được nghe người khác khen ngợi; kể cả những người nhút nhát, rụt rè cũng hi vọng mình được khen. Nếu muốn những người ngại giao tiếp mở lời trò chuyện thì phải khiến họ có niềm tin, để họ biết rằng những điều họ làm được rất có giá trị, mọi người đều rất ngưỡng mộ thành quả của họ. Bạn có thể dùng một câu hỏi nhỏ có liên quan tới chuyên môn hoặc kiến thức nào đó để bắt đầu cuộc trò chuyện, chỉ cần người đó trả lời câu hỏi này, bạn hãy yêu cầu họ hãy tiếp tục trình bày rõ quan điểm của mình, chắc chắn người đó sẽ vui vẻ mở lời trò chuyện.

Cách thứ hai là đặt câu hỏi có/không

Chúng ta cũng thường hay gặp những người ít nói, họ hay dùng các từ như có, không, ừ, à… khi trả lời câu hỏi. Khi gặp những người như vậy, bạn đừng mất kiên nhẫn, hãy sử dụng chính đặc điểm kiệm lời, không thích nói chuyện của họ. Sau khi xác định rõ bản thân muốn có được đáp án như thế nào, hãy nêu những câu hỏi mà câu trả lời sẽ là có hoặc không, hoặc hỏi những câu ngắn gọn thể hiện bạn muốn biết đáp án. Việc hỏi như vậy không chỉ khiến đối phương mở lời, mà còn có thể trực tiếp giúp bạn đạt được hiệu quả mong muốn.

Cách thứ ba là tranh luận

Muốn cá cắn câu thì bạn phải dùng mồi câu tốt. Khi giao tiếp, hãy sử dụng những câu hỏi và đề tài dễ dàng cho việc bắt đầu một cuộc tranh luận để giúp những người ngại giao tiếp cảm thấy tự tin hơn. Bạn có thể nêu những suy nghĩ trái ngược nhau về cùng một vấn đề, hoặc yêu cầu đối phương đặt câu hỏi; khi họ cho rằng có cơ hội để thể hiện quan điểm đúng của mình, họ sẽ tự động mở lời.

Cách thứ tư là tích cực động viên

Nếu bạn muốn những người ngại giao tiếp tiếp tục cuộc trò chuyện, bạn cần cho họ biết rằng những điều họ nói hoặc những câu hỏi của họ rất có giá trị, ngoài ra còn phải dùng ánh mắt thán phục, gật đầu nhẹ hoặc mỉm cười để truyền đạt suy nghĩ của bạn. Khi đối phương nhận được tín hiệu này, họ sẽ sẵn sàng tiếp tục cuộc trò chuyện.

Cách thứ năm là tránh gián đoạn nửa chừng

Nếu một người ngại giao tiếp đã mở lời trò chuyện, lúc này, bạn hãy lắng nghe bằng trái tim mình. Ngoài những câu nói giúp đối phương tiếp tục mở lòng, không nên nói thêm bất cứ điều gì cả. Nếu bạn thêm vào những điều không nên nói sẽ khiến họ có lí do để ngừng cuộc trò chuyện. Kể cả bạn có điều quan trọng cần nói, hãy chờ cho đối phương nói hết.

Tóm lại, để một người ngại giao tiếp mở lời trò chuyện là một việc rất khó, yêu cầu bạn phải nắm vững và sử dụng thành thạo các kĩ năng. Đương nhiên, còn có rất nhiều cách khác, nhưng điều này yêu cầu bạn không ngừng học tập, tích lũy kinh nghiệm trong cuộc sống và trong công việc để nâng cao khả năng giao tiếp của bản thân.


TruyenFull.com đổi tên miền thành TruyenFull.tv