Huyết Nhiễm Tinh Khôi

Chương 8: Hội thi thơ - Gặp gỡ



Thấm thoát đã một tháng trôi qua, khoảng thời gian này đối với ta thật đầy ý nghĩa. Ta nhận ra mẫu thân là một đại tài nữ, không có gì là người không biết cả. Nhờ có mẫu thân mà ta được học hỏi thêm nhiều điều hay lẽ phải và vô vàn những thứ thú vị khác.

Hôm nay là ngày rằm tháng tám, nghe nói ở kinh thành rất náo nhiệt. Bởi vì theo phong tục của người dân Đông Lạc Quốc, cứ vào ngày này mọi người sẽ tổ chức đại lễ Cầu An. Cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, quốc gia phát triển thịnh vượng.

Khắp các nẻo đường có mở các cuộc thi thố tài năng, người chiến thắng sẽ nhận được phần thưởng hấp dẫn. Còn có lễ hội hóa trang, mọi người đều phải đeo mặt nạ, trừ phi là quen biết nhau, không được để lộ dung mạo cũng như danh tính. Sau cùng, người ta sẽ thả đèn trời, trên đèn có kèm theo lời cầu chúc hoặc ước muốn của bọn họ. Nếu lồng đèn chạm đến trời cao, điều mà họ mong muốn sẽ thành hiện thực.

Ta ôm Tiểu Linh Tước hào hứng đi đến phòng mẫu thân. Tiểu Linh Tước là tên ta đặt cho con chim hoàng anh nhỏ. Mấy hôm trước nó bị rơi xuống ở trước cửa Noãn Vân Cốc, không biết là bị thợ săn bắn hay là ẩu đả với con chim nào trên không trung. Ta và Nhược Ảnh tỷ phát hiện nó bị thương ở cánh và chân liền đem đến chỗ Vân Phi sư huynh băng bó thuốc. Hôm nay có vẻ nó đã khá hơn, nhưng vẫn không bay được. Nhược Ảnh tỷ bảo ta nhốt nó trong lồng nhưng mà ta lại cảm thấy làm như vậy sẽ ngược đãi nó. Nhà của chim chính là bầu trời cao rộng, đợi nó khỏe lại sẽ tự bay về nhà, hà tất phải trói buộc nó.

Mẫu thân đang ngồi trước khung thêu, hình như đang thêu cái gì đó rất nhập tâm, ta đến được một lúc rồi mà người không hề hay biết. Ta nhẹ nhàng vuốt ve bộ lông vàng óng của Tiểu Linh Tước, nó đột nhiên cất tiếng hót véo von, mẫu thân nghe thấy mới ngẩng đầu lên.

"Nhược Ca, con đến bao giờ thế?"

Ta cười hì ngó vào bức thêu đáp: "Con cũng vừa mới đến thôi. Mẫu thân người đang thêu... Á! Đây... không phải là con sao?!"

Ta kinh ngạc chỉ vào bức thêu, trên đó là một thiếu nữ đang múa kiếm giữa rừng hoa đào nở rộ, bạch y phấp phới, thần thái phiêu diêu, đường kiếm xiên xiên trông sinh động như thật. Cảnh tượng này đúng là vừa mới xảy ra hôm qua nên ta mới nhận ra ngay. Lúc đó sư huynh dạy ta vài kiếm pháp cơ bản, sau khi ta luyện tập vất vả một hồi, mẫu thân cầm khăn đến lau mồ hôi cho ta, người còn nấu một bát chè lam mà ta đặc biệt thích ăn nữa.

"Mẫu thân, có phải người thêu tặng cho con không?"

"Đúng vậy. Con thấy thế nào?"

Hai mắt ta tỏa sáng như ngôi sao, cười rạng rỡ đáp: "Mẫu thân thêu dĩ nhiên là tuyệt tác. Con vô cùng thích ạ!"

Tiểu Linh Tước hình như cũng thích thú, cứ hót líu lo không ngừng.

"Còn một chút nữa là hoàn thành, hay là con phụ ta một tay?"

"Cái này... con không giỏi thêu thùa lắm, sẽ làm xấu tú phẩm của người mất." Ta gãi đầu nói.

"Không sao, ta sẽ chỉ con." Mẫu thân hiền từ bảo.

Ta nghe vậy hào hứng gật đầu: "Được ạ!" Xong ta liền đặt Tiểu Linh Tước trên chiếc bàn bên cạnh. Nhanh nhảu cầm mớ chỉ thêu đủ màu sắc lên.

Mẫu thân ân cần hướng dẫn ta, chẳng mấy chốc mà ta đã thêu được một cánh hoa đào. Thật là vi diệu!

Sau khi bức thêu đã hoàn thành, ta xếp nó gọn gàng cất vào trong áo. Nhớ đến lễ hội ở kinh thành, ta hỏi ý mẫu thân:

"Mẫu thân, hôm nay trong thành Vạn Khang sẽ tổ chức đại lễ Cầu An. Sư phụ vốn cấm con không được ra khỏi cốc, con thật sự rất muốn tham dự lễ hội một lần cho biết. Mẫu thân có thể nói vài lời với sư phụ, cho con và người ra ngoài chơi được không?"

Mẫu thân nhìn ta, vẻ mặt có hơi khó xử. Ta liền nũng nịu nói thêm:

"Con biết nữ nhi không nên phơi mặt ra đường, nhưng trong lễ hội chẳng phải có cho phép mọi người đeo mặt nạ đó sao. Hơn nữa con cũng muốn được thả đèn trời, cầu cho mẫu thân dồi dào sức khỏe, mãi mãi ở bên cạnh con."

Thấy Bạch Nhược Ca khẩn khoản như vậy, Lam Tố Tình không nỡ từ chối. Nhưng nàng biết, Bạch Dương sư huynh nhất định không đồng ý, không phải vì sợ Nhược Ca ra ngoài sẽ gặp nguy hiểm mà là vì nàng. Vào ngày trăng tròn hàng tháng, độc tố trong cơ thể Lam Tố Tình lại phát tác. Không biết lần này sẽ dữ dội như thế nào.

Chỉ sợ đến lúc đó nàng không kiềm chế được mà lại phát điên.

"Mẫu thân, Nhược Ca thật sự rất muốn được tham dự lễ hội... chỉ một lần thôi cũng được. Sư phụ rất nghe lời người, chỉ cần người nói, sư phụ sẽ đồng ý mà!" Ta lay lay cánh tay mẫu thân cầu xin.

Mẫu thân cuối cùng cũng động lòng: "Thôi được, vậy tối nay ta sẽ đi cùng con."

Nghe mẫu thân đồng ý ta liền reo lên vui mừng: "Hay quá! Mẫu thân, người là tuyệt vời nhất!"

Ta ôm Tiểu Linh Tước về phòng làm hai cái mặt nạ hổ, hổ mẹ cho mẫu thân, hổ con là của ta. Làm xong ta liền đeo lên thử, dọa hoàng anh nhỏ.

"Gàoooooo... Thế nào Tiểu Linh Tước, trông ta có giống chúa sơn lâm không?" Ta hất cằm hỏi.

Thấy Tiểu Linh Tước nghiêng đầu chớp mắt nhìn chiếc mặt nạ, ta bèn tự trả lời:

"À mà không đúng, chúa sơn lâm phải là mẫu thân của ta, còn ta là một con hổ con! Tối nay chắc sẽ náo nhiệt lắm đây. Phải rồi, với tính cách của Nhược Ảnh tỷ chắc cũng không chịu ngồi yên trong cốc đâu. Ta phải đi xem tỷ ấy đã chuẩn bị những gì rồi."

Ta đi tìm khắp sơn cốc mà không thấy bóng dáng Ảnh tỷ, ta biết sư phụ cho phép sư tỷ tự do xuất cốc. Bởi vì xét về võ công, sư tỷ giỏi hơn ta. Chẳng lẽ tỷ ấy không chịu nổi đã chạy ra ngoài sớm vậy sao?

Ta lại quay về phòng, ngủ một giấc chờ đến tối để được đi lễ hội chơi.

Về phần Lam Tố Tình, nàng đương nhiên sẽ không thật sự hỏi xin ý kiến sư huynh. Chỉ có thể lén dẫn con gái xuất cốc một cách bí mật.

Trăng vừa lên, ta liền đến phòng mẫu thân thúc giục, hai mẫu tử chúng ta ngang nhiên ra khỏi cốc. Mẫu thân cũng có một thân khinh công cao cường nên chúng ta không mất nhiều thời gian vào thành.

Quả nhiên không khí lễ hội có khác, đèn đóm treo đầy khắp các nẻo đường, người người đi lại đông đúc, tấp nập. Và họ đều đeo nhiều loại mặt nạ có hình thù phong phú, đa dạng. Tôn Ngộ Không có, Trư Bát Giới có, Đường Tăng có, thậm chí nhiều người còn đeo mặt nạ bạc bắt chước Liễm Phong công tử.

Mẫu thân nắm chặt tay ta vì sợ người đông sẽ lạc mất. Ta vui vẻ kéo người đến một cuộc thi làm thơ vô cùng huyên náo. Nghe nói giải thưởng là một đôi đèn trời Long Phụng Phi Tiên vừa đẹp, vừa đắt lại bay rất cao.

Chủ trì hội thi là một ông lão ngoài bảy mươi, râu tóc bạc phơ nhưng nom rất là khỏe mạnh, hoạt bát. Nghe nho sinh đứng gần ta nói ông lão là thầy đồ Tạ Hiền từng rất nổi tiếng ở Vạn Khang thành này, học thức rất uyên bác. Ta vừa muốn thử sức lại vừa muốn có được đôi đèn kia nên chăm chú nghe ông lão ra đề.

"Từ cổ chí kim, ánh trăng luôn là biểu tượng của cái đẹp, của thơ ca và tâm hồn thi sĩ. Mở đầu cuộc thi, Hiền mỗ xin mạn phép mượn ánh trăng của Lý Bạch tiên sinh."

Cất lời giới thiệu xong, lão đồ bắt đầu đọc bốn câu thơ "Tĩnh Dạ Tứ" nổi tiếng: "Đầu giường ánh trăng rọi Ngỡ mặt đất phủ sương Ngẩng đầu nhìn trăng sáng Cúi đầu nhớ cố hương."

"Một nỗi nhớ quê nhẹ nhàng, miên man mà da diết, day dứt của "Thi Tiên" nơi đất khách, nghe mà xao xao xuyến xuyến lòng người. Hôm nay, ánh trăng cũng tròn đầy và sáng rỡ như thế, thật dễ tức cảnh sinh tình. Nhân dịp các vị anh tài khắp đế đô tề tựu đông đúc ở đây, Hiền mỗ muốn tìm ra Lý Bạch thứ hai qua chủ đề đầu tiên: Ánh Trăng."

Lão đồ vừa tuyên bố chủ đề, xung quanh vang lên tiếng nhiệt liệt vỗ tay, reo hò hưởng ứng. Nho sinh đứng cạnh ta là người khai màn, hắn đọc: “Bóng trăng ta tưởng bóng đèn

Bóng cây ta ngỡ bóng thuyền nàng sang."

(2 câu thơ trong bài "Tương Tư" của Nguyễn Bính)

Vừa đọc hắn vừa nhìn về phía xa xăm, nơi có hồ Bích Ngọc ngự trị, giữa hồ thấp thoáng bóng Vọng Nguyệt lâu, kĩ viện nổi tiếng nhất kinh thành. Dường như là hắn đang tương tư bóng giai nhân nào trong đó.

Người thứ hai là một đại tỷ đeo mặt nạ thỏ ngồi xe lăn, được một nam tử đeo mặt nạ gấu hình như là phu quân của nàng đẩy đến, nàng e ấp đọc hai câu thơ: "Nghĩ rằng trong đạo vợ chồng,

Hoa thơm phong nhị, trăng vòng tròn gương."

(Câu số 3094 trong "Truyện Kiều". Câu này ý nói: Con gái lấy chồng phải như là hoa còn phong nhị, vầng trăng chưa khuyết ý nói trinh tiết còn nguyên vẹn). Mượn trăng để nói đến đạo hạnh của nữ nhân, người phụ nữ này quả là có ý thức cao về danh dự, nhân phẩm. Còn là người thông tri thức, hiểu lễ nghĩa, nhất định cũng là một tài nữ ở chốn đế đô. Mọi người không ngừng tán thưởng.

Đột nhiên một cái bình rượu được giơ lên cao ở chính giữa đám đông làm ai nấy đều ngạc nhiên. Người ta nhìn lại thì thấy một lão đầu nom có vẻ cẩu thả, đầu tóc rối mù, nửa thân trên cởi trần, bên hông còn giắt thêm một bầu rượu hình hồ lô. Hắn không đeo mặt nạ, râu ria đầy mặt, ẩn hiện vài vết sẹo như bị đao kiếm chém trông rất đáng sợ. Hắn vừa chen vào đám đông, mọi người liền tản ra không muốn đứng gần hắn. "Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi! Trần giới em nay chán nữa rồi. Cung Quế đã ai ngồi đó chửa? Cành đa xin chị nhắc lên chơi. Có bầu, có bạn, can chi tủi Cùng gió cùng mây thế mới vui Rồi cứ mỗi năm rằm tháng tám Tựa nhau trông xuống, thế gian cười."

("Muốn làm thằng Cuội" của Tản Đà)

Lão đầu đã ngà ngà say, hắn đọc tám câu thơ mới "ngông" làm sao! Nhìn dáng vẻ khi làm thơ xong liền cầm bình rượu tu ừng ực của hắn khiến ta đặc biệt chú ý. Thơ của hắn bộc lộ rõ sự chán đời, chán cuộc sống trần thế, chỉ muốn thoát li thực tại, khao khát được lên cung trăng bầu bạn với Hằng Nga. Phải chăng ở trần gian này, chẳng có gì đáng để lão đầu này bận tâm tới? Mọi người xung quanh đều giữ khoảng cách với hắn, cho rằng hắn là một kẻ điên. Mấy ai hiểu được thơ của hắn đây?

Hình như phát hiện ánh nhìn chăm chú của ta, lão đầu haha cười:

"Tiểu nha đầu ngươi nhìn gì hả? Chưa thấy kẻ điên làm thơ bao giờ sao?"

Ta cười hì hì đáp: "Tiểu nữ thấy thơ của lão bá khá thú vị. Vả lại, có kẻ điên nào lại tự nhận mình điên đâu chứ. Tâm sự của lão bá, tiểu nữ nghe có hiểu một chút... Lão bá muốn được như chú Cuội lên cung trăng không phải là vì muốn tìm người tri kỉ sao? Ở trần thế này, hẳn là lão bá cô đơn lắm."

Lão đầu sững sờ, sau lại cười như điên:

"Hahaha, nha đầu ngươi cho rằng ngươi là con giun trong bụng lão nhân ta sao? Đừng làm ra vẻ như là quan tâm, thấu hiểu tâm tư kẻ khác như vậy, nhất là ta! Có giỏi thì ngươi làm thử một bài, để xem tài cán đến đâu, xuất chúng nhường nào?!"

"Tiểu nữ cũng đang định thử sức. Xuất chúng thì không dám, chỉ so với tám câu thơ vừa rồi của lão bá, tiểu nữ vạn phần không bì kịp."

Mẫu thân thấy ta nói chuyện với một lão đầu lập dị, người lo lắng khẽ kéo tay áo ta. Lão đầu dường như nhìn thấy, cười buồn bã, lảng đi nơi khác. Ta nhìn theo bóng dáng đơn độc của lão, cảm thấy lão thật đáng thương.

Quay qua hội thi, nãy giờ cũng có vài người trổ tài, nhưng đa số là mấy câu thơ tình lãng mạn, hẹn thề nam nữ. Ta không muốn theo khuôn sáo như bọn họ, ngẫm nghĩ một lúc ta mới cất giọng:

"Lòng thiếp tựa bóng trăng theo dõi,

Dạ chàng xa tìm cõi Thiên San.

Múa gươm rượu tiễn chưa tàn,

Chỉ ngang ngọn giáo vào ngàn hang beo.

[...]

Chàng từ đi vào nơi gió cát,

Đêm trăng này nghỉ mát phương nao?

Xưa nay chiến địa dường bao,

Nội không muôn dặm xiết bao dãi dầu.

[...]

Hồn tử sĩ gió ù ù thổi,

Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi.

Chinh phu tử sĩ mấy người,

Nào ai mạc mặt, nào ai gọi hồn.

..."

(Chinh Phụ Ngâm Khúc - phiên bản Đặng Trần Côn)

Mọi người nghe ta đọc thì không khỏi ngỡ ngàng. Chiến tranh đã kết thúc cách đây hơn năm năm, biết bao binh sĩ tử trận, có người chết mà không tìm được xác. Trong đó có thể là phụ thân, phu quân, nhi tử của những người đang có mặt ở đây. Kể cả khi đất nước thái bình, hàng năm vẫn phải kêu gọi trai tráng đầu quân để xây dựng lực lượng phòng chống dã tâm như hổ rình mồi của ngoại quốc. Tuy ta chỉ làm thơ về tình cảnh người phụ nữ có chồng đi chinh chiến phải trải qua những cảm giác... đợi chờ mòn mỏi, chăn đơn gối chiếc, thấp thỏm lo âu, thủy chung son sắt. Thế nhưng từng lời thơ đã đánh trúng vào tâm thức của bọn họ, khiến đám người ở đây cảm động khen ngợi. Có lẽ vì thế mà ta đã trở thành người thắng ở chủ đề thi thứ nhất này.

Bỗng ta cảm giác như có một đạo ánh mắt đang nhìn chòng chọc vào ta, theo dõi từng nhất cử nhất động của ta. Thế nhưng khi ta nhìn khắp xung quanh, cũng không phát hiện ra rốt cuộc là kẻ nào. Có lẽ là ta đã quá đa nghi rồi.

TruyenFull.com đổi tên miền thành TruyenFull.tv