Mặc gia có rất nhiều quy củ. Mẹ đã từng nhắc nhở cô điều này không dưới một lần.
Nhưng ý mẹ không phải nói rằng Mặc gia là gia tộc phong kiến cổ hủ lạc hậu. Trái lại, Mặc gia luôn dẫn đầu xu thế của thời đại. Bởi họ là những con người mà bản chất thương nhân đã ngấm sâu vào cốt tủy. Trong mọi lĩnh vực ngành nghề họ đều lấy suy nghĩ của thương nhân để toan tính, đương nhiên không loại trừ cả loại suy nghĩ như ‘Làm thế nào để lợi dụng triệt để các mối quan hệ xung quanh.’. Có thể hình dung như thế này: Mặc gia đến đời Mặc Chấn là thế hệ ba anh em. Người lớn nhất sống ở Hồng Kông, gánh vác sản nghiệp kinh doanh dược phẩm của gia tộc, vợ ông là đại luật sư tiếng tăm lẫy lừng trong ngành; người con trai thứ ba và vợ đều là thành viên cốt cán của cơ quan nghiên cứu Hoa Kỳ; người thứ hai – Mặc Chấn – sống tại Trung Quốc, theo nghề bác sĩ, gia đình bên vợ rất có thế lực trong bộ máy chính phủ, bản thân vợ ông – Dương Minh Tuệ – lại là người quyền cao chức trọng, thường xuyên đi công tác trong và ngoài nước.
Những thương nhân lão luyện khi làm việc chắc chắn luôn trung thành với nguyên tắc của bản thân. Người nhà họ Mặc cũng không ngoại lệ. Bao thế hệ Mặc gia đều tuân thủ nghiêm ngặt một nguyên tắc mà người đời vỗ bàn tán thưởng: Làm việc cần phải tàn nhẫn, quyết tuyệt và không từ thủ đoạn. Bởi vì, chỉ khi đối thủ hoàn toàn bị hạ gục thì đó mới đúng nghĩa là chiến thắng. Nhưng, tuyệt đối phải hành động khôn ngoan và không được phép vi phạm pháp luật.
Mặc gia vốn chú trọng bồi dưỡng lối tư duy thương nhân của họ cho lớp con cháu thừa kế. Vì vậy hai anh em Mặc Thâm, Mặc Hàm ngay từ nhỏ cũng được gia đình dạy bảo loại tư tưởng đã ăn sâu bám rễ từ thời ông bà cha chú.
Sau khi Hứa Tri Mẫn bước vào cuộc sống của Mặc gia, những con người bảo thủ này đã khiến cô phải hứng chịu nỗi đau thương tê tái do họ liên tục gây ra bằng nhiều cách khác nhau.
Trở lại với thời điểm diễn ra câu chuyện. Hứa Tri Mẫn có thể nhận bộ váy Dương Minh Tuệ tặng cho cô, song cô bé nào dám tự nhận mình là ‘Người trong nhà’ như lời bà nói. Sau khi thay quần áo và ra khỏi phòng ngủ, cô theo sát bà dì không rời nửa bước, mặc dù trong lòng tò mò khủng khiếp nhưng vẫn không dám biểu lộ chút gì ra ngoài.
Nhà họ Mặc rất rộng. Tổng diện tích căn nhà xấp xỉ hai trăm mét vuông, trong nhà có năm phòng ngủ và hai phòng khách không quá lớn, bên ngoài là ban công lộ thiên. Phòng ngủ chính của vợ chồng ông bà Mặc xem như lớn nhất trong bốn phòng ngủ. Hai anh em Mặc Thâm, Mặc Hàm mỗi người một phòng riêng. Phòng ngủ nhỏ của bà dì nằm ở hướng nam và cũng là căn phòng đón ánh sáng và thông gió tốt nhất của cả nhà.
Ngoài ra trong nhà còn một căn phòng khác, là thư phòng. Căn phòng này dành riêng cho vợ chồng ông bà Mặc sử dụng, tuy nhiên hai cậu con trai vẫn có thể tự do ra vào. Bà dì trừ những khi quét dọn vệ sinh, chưa bao giờ đặt chân vào thư phòng và phòng ngủ của chủ nhà. Hứa Tri Mẫn cẩn thận nghe bà cụ chỉ bảo, tâm niệm trong lòng hai căn phòng ấy là ‘Cấm địa’, tất nhiên cô cũng không có hứng thú với chuyện ‘Lỡ bước sa chân’ vào thế giới riêng của hai anh em kia.
Sau khi loại trừ những khu vực bất khả xâm phạm, không gian sinh hoạt của cô ở Mặc gia còn lại một nửa. Nửa còn lại này chủ yếu là phòng khách, nhà bếp và nhà vệ sinh chung. Cả ba đều ‘dài’ một cách bất thường. Đứng lặng im tại chỗ nhìn không gian hình chữ nhật dài ngút mắt xung quanh mình, cô cảm nhận được mối nguy hiểm khó lường đang phả ra từ nó. Trong ánh mắt của Hứa Tri Mẫn, mọi thứ ở đây như tượng trưng cho những con người nhà họ Mặc – thâm sâu và khó đoán.
Khoảng thời gian còn lại của buổi sáng Hứa Tri Mẫn vào bếp giúp bà dì chuẩn bị cơm trưa.
Mặc gia rất coi trọng ba bữa ăn trong ngày, đặc biệt là về mặt thời gian. Bất luận vì lý do gì, cả gia đình đều dùng cơm đúng giờ đúng giấc. Họ ăn bữa sáng lúc bảy giờ, bữa trưa lúc mười hai giờ rưỡi, bữa tối lúc bảy giờ và thỉnh thoảng sẽ ăn khuya vào khoảng từ mười đến mười giờ rưỡi.
Mỗi ngày bà cụ rời giường vào lúc năm giờ sáng, năm giờ rưỡi đi chợ mua đồ ăn, sáu giờ rưỡi về nhà nấu bữa sáng. Buổi sáng, bà cụ vệ sinh sạch sẽ nhà bếp, xem tài liệu nấu nướng rồi làm một món canh rất công phu. Sau giờ nghỉ trưa, bà bắt đầu dọn dẹp quét tước nhà cửa. Dương Minh Tuệ không can thiệp vào công chuyện của bà cụ, nhưng sẽ ra lệnh cho bà theo kiểu nêu ý kiến về việc khử trùng đồ dùng nhà bếp và vật dụng trong gia đình.
Hứa Tri Mẫn thấy rằng cuộc sống của bà dì ở Mặc gia y hệt như một bảo mẫu giúp việc cho nhà giàu, đã vậy Mặc gia không hề trả cho bà lấy một đồng, ấy vậy mà bà vẫn làm rất vui vẻ. Bà vừa tước rễ rau vừa tỉ tê chuyện phiếm với cháu gái. Hứa Tri Mẫn nghe rất tập trung, cô nhận ra đề tài trong câu chuyện của bà dù vô tình hay cố ý đều xoay quanh người nhà họ Mặc, chủ yếu là anh em Mặc Thâm, Mặc Hàm – hai đứa trẻ mà bà mãi nặng lòng lo nghĩ.
Ấy chính là tình mẫu tử, một thứ tình cảm thiêng liêng và cao cả, vượt qua ranh giới giống loài – Hứa Tri Mẫn nghĩ. Hôm hai mẹ con nói chuyện trước khi Hứa Tri Mẫn đến Mặc gia, nghe mẹ bảo ‘Dù gì họ cũng không có quan hệ huyết thống’, cô cũng chỉ gật bừa. Cô nhớ trước đây có đọc một câu chuyện dân gian có thật của nước ngoài kể về đứa trẻ được bầy sói nuôi lớn, ngay cả động vật và con người còn có thể hình thành quan hệ thân thuộc thì huống chi giữa con người với nhau.
Lẽ dĩ nhiên, bà cụ vẫn nhớ hai cô con gái ruột. Chỉ là với những người mẹ phải gần gũi thân thiết với con của người khác thay vì đứa con mình mang nặng đẻ đau, lâu dần sự xa cách sẽ thành hình trong mối quan hệ ruột thịt và sẽ tồn tại như một cơn ác mộng đeo bám người mẹ ấy cả cuộc đời.
Buồn đau dồn nén bao nhiêu năm dần tuôn ra theo từng lời bà cụ thầm thì rủ rỉ. Hứa Tri Mẫn hiểu và cho rằng mình không nên lắm lời. Các mối quan hệ trong gia đình này giống như một tấm mạng nhện chồng chéo, phức tạp dư sức bóp chết sinh mạng nhỏ nhoi như cô. Vì thế, cô lựa chọn cách ứng xử sáng suốt nhất – làm một người lắng nghe chân thành. Lắng nghe một cách chăm chú ít nhất cũng có thể giúp người khác giải tỏa nỗi đau trong lòng.
Hứa Tri Mẫn đã làm đúng. Chỉ sau hai tiếng đồng hồ trò chuyện ngắn ngủi, bà cụ đã được thỏa mãn niềm trông mong tích tụ cả hàng năm trời đằng đẵng. Mà bà cụ vẫn còn minh mẫn lắm, không nói ra thôi chứ trong bụng lại nghĩ: Cháu gái mình không phải tầm thường đâu à.
Chiếc đồng hồ quả lắc cổ xưa trong phòng khách ngân lên ‘ding dong’ báo hiệu vừa đúng mười hai giờ rưỡi. Hai anh em Mặc Thâm, Mặc Hàm tự giác vào nhà bếp, phụ giúp dọn bữa ăn trưa.
Hứa Tri Mẫn vừa vươn tay định bưng nồi canh thì bị Mặc Thâm đứng phía sau đẩy nhẹ sang bên.
“Nóng đấy, để đó cho tôi.” Cậu thấp giọng nói với cô, rồi thành thạo đeo vào bao tay cách nhiệt, bưng nồi canh nặng trĩu ra phòng ăn.
Hứa Tri Mẫn liền lấy miếng lót cách nhiệt nối gót theo cậu. Ra tới nơi, cô bắt gặp Mặc Hàm đang lau bàn và bày bộ đồ ăn, động tác của cậu rất nhanh nhẹn, nhuần nhuyễn. Chắc hẳn anh em họ làm việc này không phải chỉ một sớm một chiều.
Mặc Thâm đặt nồi canh ngay ngắn lên trên miếng lót cách nhiệt đã xếp gọn gàng. Ngay sau đó cậu tháo bao tay, vội vàng bước tới đón lấy mâm đồ ăn trên tay bà cụ. Mặc Hàm thì dắt bà đến bàn ăn, kéo ghế rồi đỡ bà ngồi xuống. Nhìn hành động của hai anh em, cô nghĩ họ thật lòng đối xử tốt với bà dì chứ không phải giả vờ.
Hứa Tri Mẫn quay trở lại nhà bếp để bưng nồi cơm. Lần này là Mặc Hàm, cậu cười nói: “Chị Tri Mẫn, về sau mấy việc nặng này chị cứ để đấy cho em và anh em làm.” Vừa dứt lời, cậu tiến lên trước bê nồi cơm rồi đi ra ngoài, không giải thích gì thêm.
Quả thật, anh em nhà này được mẹ dạy dỗ rất tốt. Mà cứ hễ nghĩ đến Dương Minh Tuệ thì y như rằng trong lòng Hứa Tri Mẫn lại trỗi dậy cảm giác kính sợ.
Chốc lát sau, ba cô cậu đứng cạnh chỗ ngồi của mình đợi vợ chồng ông bà Mặc đang một trước một sau đi vào phòng ăn. Ông Mặc kéo ghế cho vợ, sau đó ngồi xuống, nhìn ba đứa trẻ nói: “Mấy đứa ngồi xuống ăn cơm đi.”
Hứa Tri Mẫn kín đáo liếc nhìn Mặc Chấn. Người đàn ông trung niên này khoảng bốn mươi tuổi, thần thái nho nhã lịch sự, cử chỉ điềm đạm nhã nhặn, nói chuyện từ tốn nhỏ nhẹ, có điều đôi mắt sắc như diều hâu cho thấy con người không đơn giản.
Mà nghĩ cũng phải, một người đàn ông có khả năng cưới được người vợ như Dương Minh Tuệ thì làm sao là một người đơn giản cho được? Hứa Tri Mẫn đột nhiên cảm thấy thấp thỏm.
Cả nhà ngồi vào bàn ăn. Chỗ ngồi của cô gần nồi cơm nhất, thế là theo thói quen ở nhà, cô chủ động cầm vá bới cơm cho từng người.
Hứa Tri Mẫn mới mở nắp nồi cơm thì Dương Minh Tuệ đã gọi cản lại: “Tri Mẫn.”
Cô ngẩng đầu lên, ngơ ngác nhìn về phía nữ chủ nhân của Mặc gia.
Dương Minh Tuệ vừa cầm muỗng múc cho Hứa Tri Mẫn nửa bát canh, vừa nói: “Uống bát canh trước rồi hãy ăn cơm.”
Hứa Tri Mẫn ngẫm nghĩ rồi trả lời: “Dạ, ở nhà cháu thì thường là ăn cơm xong mới ăn canh.”
Dương Minh Tuệ đẩy gọng kính, nói: “Uống nước canh trong bữa ăn không chỉ đơn giản là để bổ sung lượng nước. Uống chút nước canh trước khi ăn cơm có thể thúc đẩy tiêu hóa. Ngược lại, ăn cơm xong mới uống canh sẽ gây khó tiêu. Trông cháu gầy ốm như vậy là biết chức năng tiêu hóa không tốt rồi. Chú Thúc đã mời cháu đến đây, vậy thì cô sẽ có trách nhiệm giúp cháu bỏ thói quen xấu này đi. Có như thế mới không làm ba mẹ cháu thất vọng vì đã giao cháu cho cô chú.”
Bàn tay Hứa Tri Mẫn đang để trên nắp nồi cơm, nghe xong câu nói cuối cùng của Dương Minh Tuệ, cô run run thả tay ra khỏi tay nắm. Một tiếng ‘tách’ nhỏ vang lên, nắp nồi tự động khép lại.
Dương Minh Tuệ đặt bát canh trước mặt Hứa Tri Mẫn, xong lại múc một bát canh khác cho bà cụ nói: “Con nói này, sáng sớm mai vú đi chợ mua con gà mái, hầm món canh cho Tri Mẫn bồi bổ cơ thể nhé vú.”, rồi hỏi chồng, “Mặc Chấn, anh thấy thế nào?”
Ông Mặc rất hài lòng với đề xuất của vợ: “Đúng rồi, hay đấy. Thêm vào mấy vị thảo dược nữa vú ạ, để chiều nay con đưa vú bài thuốc.”
Hứa Tri Mẫn nhìn bà cụ hồ hởi gật gù tán thưởng mà cảm giác đầu mình ong ong. Rồi cô thấy như tay, cổ, đầu và cả cơ thể mình đều lần lượt hóa thành khúc gỗ, mặc cho người ta nói gì làm gì, mình cũng phải răm rắp làm theo. Trót một lần sẩy tay mà lòng cô đã lạnh cóng, nếu chẳng may lại thêm một lần bất cẩn thì không biết phải nghe Dương Minh Tuệ nói gì nữa đây.
Bữa cơm Hứa Tri Mẫn ăn hôm nay toàn những món sơn hào hải vị mà mười lăm năm qua gia đình cô chưa bao giờ mơ tưởng đến, thế nhưng lại buồn tẻ và chẳng có nổi một chút mùi vị.
Sau giờ cơm trưa, cô phụ bà dì rửa bát đĩa, tiếp theo là khoảng thời gian bà cháu cô ngồi quây quần cùng chủ nhà trong phòng khách. Đến đúng giờ quy định, Dương Minh Tuệ xua ba đứa trẻ đi ngủ trưa.
Vì Hứa Tri Mẫn ngủ trong phòng bà dì nên Mặc gia kê cho cô một cái giường xếp nhỏ bằng sắt. Cô nằm trên cái giường nhỏ, lắng tai nghe tiếng bước chân bà dì nhẹ nhàng đi ra và tiếng cửa phòng khép lại, rồi mở choàng hai mắt. Mỗi khi có làn gió hiu hiu thổi qua, chuỗi chuông treo cao cao trên cánh cửa gỗ sơn đỏ lại phát ra thanh âm leng keng khuấy động trí óc cô. Cô ghì chặt áo gối, chớp mắt vài cái, rồi lại chớp mắt vài cái. Chuyện ‘bát canh trước khi ăn’ giờ đã biến thành nỗi buồn bã và sợ hãi đè nặng lên lồng ngực.
Đây là sự chênh lệch ư? Hóa ra giữa nhà cô và nhà họ Mặc, giữa người ở nhà trệt và người ở nhà lầu lại chênh lệch ngay ở bát canh này. Một bát canh cắt đứt mọi lý lẽ biện bạch, phản bác. Một bát canh đập tan mọi lý tưởng thơ ngây của một cô bé mười sáu tuổi. Một bát canh cho cô biết rằng không phải cứ có thành tích học tập xuất sắc thì người ở nhà trệt có thể ngồi ăn cùng bàn với người ở nhà lầu, rằng thế giới của những con người sống trong nhà cao cửa rộng phức tạp và khác xa so với trí tưởng tượng sơ sài của cô.
Tiếng gió từ những cánh quạt xoay tròn của cái quạt đứng đẹp đẽ vọng vào tai nghe êm ái như giai điệu bài hát ru. Tuy rằng cô nhớ tiếng rin rít của cái quạt cũ mèm trong nhà mình, nhưng không thể không thừa nhận: Đúng là thua xa nhà người ta.
Nói chung, con người ta ai cũng vậy, không có tiền bao giờ cũng khao khát muốn có tiền, và chỉ cần có được một phút giây được hưởng thụ đồng tiền, khát khao này sẽ càng nhân lên gấp bội.
Sau một hồi suy nghĩ mông lung, cuối cùng Hứa Tri Mẫn nhắm mắt thiếp đi.
Bốn giờ chiều, cô khéo léo từ chối lời đề nghị ở lại dùng bữa của Mặc gia, chào người nhà họ Mặc và bà dì ra về.
Tiễn cô ra đến cửa, Dương Minh Tuệ nói với hai cậu con trai: “Hứa Tri Mẫn mới đến đây học nên chưa quen đường quen xá, hai con đưa bạn về đi, sẵn dẫn bạn đi dạo một vòng gần đây cho biết.”
Hứa Tri Mẫn lẹ làng từ chối: “Dạ không cần đâu cô Tuệ.”
Dương Minh Tuệ lắc đầu: “Để cháu thân con gái đi về nhà một mình cô không yên tâm. Tiểu khu Nguyệt Hoa là tiểu khu văn minh an toàn, nhưng mà mấy người sống trong hoa viên Nguyệt Hoa phía bên kia lai lịch thế nào cô không rõ. Hôm nay là ngày đầu tiên cháu đến Mặc gia chào hỏi, tuyệt không thể để xảy ra việc gì sơ suất. Mặc Thâm, con nhất định phải đưa bạn lên xe buýt mới được nhé.”
“Dạ vâng, thưa mẹ.” Mặc Thâm đáp.
Đến đây thì Hứa Tri Mẫn không thể nói được gì ngoài lời cảm ơn lễ phép. Sau đó, cô theo hai anh em xuống cầu thang rồi cùng họ đi vòng quanh tiểu khu. Ba người sóng bước trên đường, Mặc Hàm nhiệt tình giới thiệu cho cô đường đi, kết cấu bên trong và các công trình công cộng của tiểu khu, còn Mặc Thâm từ đầu chí cuối chỉ im lặng đi phía sau. Hứa Tri Mẫn cẩn thận ghi nhớ vị trí bảng hướng dẫn chỉ đường và các khu vực đáng chú ý mà Mặc Hàm nói với cô. Riêng với cái cậu Mặc Thâm đi đằng sau không nói tiếng nào thì cô nghĩ: Cậu ta thật sự là người kiệm lời.
Cuối cùng Mặc Thâm, Mặc Hàm đưa cô ra bến xe ở giao lộ Nguyệt Hoa. Cả ba đứng đợi một lát thì xe ghé bến, cô quay sang tạm biệt hai anh em rồi lên xe. Sau khi bỏ tiền vào thùng ở đầu xe, cô đi về phía toa xe phía sau.
Ngay lúc ấy, bỗng nhiên một cái chân dài thượt thò ra từ phía bên trái ngông nghênh chặn ngang đường cô. Cô ngoảnh mặt qua nhìn, là Kiều Tường.
Kiều Tường quay sang cô, nhếch môi đắc thắng: “Khoảng cách xa nhất trên thế giới đúng thật là khoảng cách gần nhất. Ái chà, bạn học Hứa Tri Mẫn…”