Bên này lo lắng không yên, bên phía nhà thầy Phước cũng chẳng an ổn gì.
Vừa vào trong nhà, sau khi xác định đám đông bên ngoài đã rời đi hết, thầy Phước chẳng chút thương tình mà thẳng tay tát mạnh cô Duyên.
Cô Duyên ngã trên đất, đưa tay ôm phần mặt nóng rát vì bị đánh của mình. Cô ngồi đó lẳng lặng rơi nước mắt, vẻ mặt bình thản đến đáng sợ, chứ nào còn dáng vẻ điên loạn la lói om sòm như vừa rồi nữa.
Một cái tát tay dường như chưa thể xua đi cơn tức giận trong lòng, thầy Phước lại dùng sức kéo cô Duyên đứng dậy. Trên gương mặt khắc sâu dấu vết tàn phá của năm tháng bấy giờ hiện rõ đau thương, ông siết lấy bờ vai gầy gò của cô Duyên, giọng nói khàn khàn nghẹn uất vang lên: "Tại sao con lại ra nông nỗi này hả Duyên? Vì một thằng không ra gì, có đáng hay không?"
Cô Duyên hai mắt ướt nhoà, bình tĩnh đáp: "Thầy ơi, gã giấu con của con đi rồi. Con tìm hoài mà không thấy. Gã bất nhân thì chớ trách con bất nghĩa! Đứa nhỏ là mạng của con, mất đứa nhỏ thì con làm sao sống tiếp được đây?"
Thầy Phước lay người cô, gắt giọng nói: "Con giết thằng rác rưởi đó rồi thì phải đền mạng. Con có mệnh hệ gì, thì đứa nhỏ phải làm sao?"
Trong chuyến đi xa trở về lần này, ông tình cờ bắt được một con rắn độc khác. Vốn định sau khi mua ít rượu trắng rồi ghé qua nhà Cụ Hai Chăm thưa chuyện, nào ngờ lúc ở quán rượu lại trông thấy cậu Tư Rìa cho người bắt trói gã Tài đem đi. Hôm đó Tư Rìa tuy không nói sai điều gì, nhưng lời thật thì mất lòng, nghe cậu kể rõ từng tội danh của gã Tài và cô Duyên khiến ông mặt nóng như lửa đốt, chẳng còn tâm trạng đến nhà Cụ Hai nữa mà đi thẳng về nhà mình. Kế đó ông mới phát hiện ra con rắn độc mình nhốt trong túi lưới đã không thấy đâu nữa.
Vừa khéo không lâu sau cô Duyên hớt hãi từ ngoài trở về. Gương mặt trắng bệch không còn chút máu, bàn tay siết chặt túi lưới bên người hằn rõ gân xanh. Khi đối mặt với thầy Phước, cô Duyên chỉ bối rối trong chốc lát, sau đó làm như không có chuyện gì mà treo túi lưới vào vị trí cũ, bản thân trở về phòng nghỉ ngơi.
Mãi đến hôm nay khi đám người cậu Ba Hưởng kéo đến, ông mới biết cô đã gây ra chuyện tày trời gì.
"Đời này của con coi như nát rồi thầy. Bảo con trơ mắt nhìn thằng khốn đó nhởn nhơ vui vẻ trước mặt mình, con không chịu được."
Thầy Phước buông tay, cả người hơi lảo đảo ngồi xuống chiếc ghế cạnh bàn. Ông thẳng lưng, hai tay chống trên gối chống đỡ thân thể vì tức giận mà căng cứng của mình, tiếng thở nặng nề trầm bỗng giữa căn nhà tĩnh mịch. Cuối cùng như đã hạ quyết tâm làm điều gì đó, ông khép hờ đôi mắt, giọng khản đặc vang lên: "Vậy con rắn đâu rồi? Nếu xử lí không khéo, để cậu Ba Hưởng tìm được thì con biết hậu quả thế nào rồi đấy."
Cô Duyên phủi phủi bụi bẩn trên quần áo mình, rửa tay sạch sẽ rồi vuốt lại mái tóc rối bời. Nghe thầy Phước hỏi như vậy, cô biết ông đã ngầm đồng ý che giấu giúp mình, bèn đáp: "Tìm? Bọn họ vĩnh viễn cũng tìm không thấy!"
Thầy Phước nhìn cô, chờ đợi cô nói tiếp.
Như nghĩ đến chuyện vui gì đó, cô Duyên cười khẽ, ánh mắt hiện rõ sự đắc ý, nói: "Con rắn đó... con đem nấu ăn rồi đa!"
Thầy Phước giật mình, vỗ mạnh bàn đứng dậy, vẻ mặt kinh ngạc nhìn cô thật lâu, mới hỏi lại: "Ăn rồi? Con điên rồi hả Duyên, đó là rắn độc!"
Cô Duyên hờ hững nhún vai, cười đáp: "Cũng đâu phải là ăn không được. Thầy quên con cũng là thầy lang sao? Con biết nên xử lí nó như thế nào mà." Nói đến đây, nét mặt cô ta chất chứa sự điên cuồng, tiếp lời: "Thằng khốn đó chết rồi, con rắn cắn chết nó cũng bị con ăn vào bụng. Chết không đối chứng, để coi cả nhà Hai Hoa làm gì được con!"
Thầy Phước giận không nói nên lời. Qua một lúc sau mới nghiêm mặt lên tiếng cảnh cáo: "Mai mốt có làm cái gì thì cũng phải nói trước với thầy, có biết chưa hả?"1
Cô Duyên gật đầu, thái độ qua loa cho có.
Thầy Phước nheo mắt, lại nhắc nhở thêm: "Con nên nhớ bây giờ mình là một người điên, chớ có đi lại lung tung bên ngoài mà lộ ra sơ hở. Để người khác biết được thì con toi đời đó đa."
Cô Duyên lần nữa gật đầu, đáp lời: "Con biết mà, thầy đừng lo."
Thầy Phước thở dài, không nói thêm gì nữa, xoay người đội nón rơm ra ngoài.
Trải qua những cơn mưa kéo dài liên tiếp, con đường làng trở nên lầy lội khó đi. Trúc vừa đi vừa túm ống quần dài rộng, trong lòng bắt đầu cân nhắc có nên để thằng Đực chạy đi tìm xe trở về cho đỡ cực hay không.
Ba Hưởng đứng bên cạnh đỡ cô, vừa nhìn liền biết ngay cô đang nghĩ gì. Cậu đưa cô đến đứng dưới gốc cây bàng to, sau khi phất tay bảo thằng Đực dẫn người chạy đi tìm xe thì mới loay hoay tìm một chỗ cho cô ngồi tạm, đoạn nói: “Đúng là tánh nết tiểu thơ, mới đi có chút xíu đã than ngắn thở dài.”
Trúc ngồi trên khúc gỗ lớn, hai tay đấm nhẹ lên đầu gối, bĩu môi đáp: “Ai bảo em được cưng chiều riết quen. Mình nhắm chiều em không được nữa thì nói thẳng ra, em lập tức trở về tỉnh Giang, nơi đó không thiếu người cam tâm tình nguyện chiều em đó đa.”
Lúc còn sống ở hiện đại, vì mắc phải bệnh tim bẩm sinh cho nên cô cũng hạn chế hoạt động nhiều, cũng coi như là... được ông trời “ưu ái, chiều chuộng” đi.
Cậu Ba sớm đã quen với việc mình nói một câu, cô trả lời leo lẻo không sót câu nào. Bởi vậy cậu chẳng buồn chẳng giận gì, chỉ gõ nhẹ đầu cô, chỉ tay về một phía, nói: “Tôi qua đó mua chút nước uống giải khát, em ngồi đây chờ tôi, đừng có đi lung tung nghe không!”
Cứ tưởng cô là con nít không bằng ấy! - Trúc thầm nghĩ vậy, nhưng bên ngoài vẫn ngoan ngoãn gật đầu vâng dạ.
Chờ Ba Hưởng đi xa rồi, cô một mình ngồi đó nhìn quanh bốn phía. Đồng ruộng mênh mông bị nước nhấn chìm trong nước, thiếu đi cái vị tươi mới bát ngát vốn có trước kia.
Dưới gốc cây bàng cao to, tiếng gió lao xao không thể nào lấn át đi tiếng bước chân đang chậm rãi đến gần. Ban đầu Trúc cứ nghĩ là cậu Ba Hưởng lại nổi hứng muốn trêu chọc mình, nhưng dần dà trong lòng bỗng dưng bồn chồn không yên, hình ảnh lúc bị đẩy xuống ao suýt chết vì chủ quan bất chợt tái hiện trong đầu cô như một hồi chuông cảnh báo đầy đáng sợ. Trúc giật mình đứng nhanh dậy, vừa xoay người đã hứng trọn một gáo nước vào người.
Chất lỏng sền sệt từ mặt chảy xuống cổ, phần áo trước đã ướt đẫm không nhìn ra hình dạng. Mùi tanh tưởi tức khắc xông thẳng vào xoang mũi. Trúc cả người cứng đơ nhìn đôi tay lấm lem màu đỏ tươi của mình.
Trong cơn hoảng sợ, cô đã kiềm lòng được mà hét toáng lên.