Trong nửa chặng đường ngắn ngủi, Trúc đem mọi chuyện kể rõ lại cho Ba Hưởng nghe, bao gồm cả việc cô Hai Hoa hiện tại không có ở trong nhà.
Cô sợ bản thân cứ che che giấu giấu, nếu lại xảy ra chuyện gì khác ngoài ý muốn, lúc đó có khi còn tồi tệ hơn bây giờ, kêu trời trời không thấu, kêu đất đất không nghe.
Lòng bàn tay sớm đã thấm ướt mồ hôi lạnh, vừa đến cửa phòng khách Trúc đã trông thấy ở đấy tụ tập không ít người. Có tiếng khóc la vang trời, vài tiếng xầm xì to nhỏ, hàng xóm láng giềng bu quanh, không ngừng chỉ trỏ vào nhà phú ông.
Ba Hưởng nắm chặt bàn tay lạnh lẽo của cô đi xuyên qua đám đông vào thẳng phòng khách. Ở đấy, cậu Tư Rìa đang quỳ trên đất, cơ thể chằng chịt vết thương do roi mây để lại. Mặt mày cậu xanh lét, bờ môi tái nhợt quyết không kêu đau, sống lưng thẳng tấp nhìn thẳng về phía phú ông đang cầm roi mây giơ cao, to giọng nói: "Con không có giết gã ta! Ba đánh con chết cũng vô dụng thôi! Con không làm, con không nhận!"
Phú ông giận đến hai mắt đỏ ngầu, lại hung hăng đánh thêm hai roi nữa. Cuối cùng vẫn là bà Kim xót con trai, cố nén nước mắt ôm lấy tay chồng, mở giọng cầu tình: "Ông định đánh chết nó thật đó à? Mọi chuyện còn chưa rõ ràng, ông chỉ nghe một phía đã vội phán nó tội chết hay sao?"
Có thể vợ chồng nhiều năm nên hiểu ý nhau, phú ông dường như chỉ chờ những lời này, hầm hừ mấy tiếng rồi ném roi mây.
Bà Lài - mẹ ruột gã Tài lúc này từ trong đám người nhào ra, bà ta liên tục đấm đá vào người cậu Tư Rìa, luôn miệng gào khóc: "Nó hại chết con trai tôi rành rành ra đó, có gì mà chưa rõ? Nhà các người ỷ vào quyền thế muốn ép chết nó! Ông trời ngó xuống mà coi, coi số tôi sao khổ thế này! Con trai tôi mất rồi... nó chết oan uất như thế đó!". Ngôn Tình Cổ Đại
Tư Rìa bị bà ta vừa kéo vừa đánh tới phát phiền, nhịn một lúc rồi cũng không chịu nổi nữa, đưa tay đẩy bà ta ra, gân cổ nói lí: "Tôi đã nói là tôi không có giết anh ta. Bà ngẫm lại coi, nếu tôi thật sự muốn làm gì anh ta thì đã sớm làm rồi, làm gì để cho nhà mấy người có cơ hội đến nhà ba má tôi ăn vạ, còn chửi rủa chị tôi thậm tệ như vậy!"
Bà Lài ngã ngồi trên đất, bắt đầu quơ tay quơ chân kêu la: "Đấy đấy, các người nghe rõ rồi đấy. Nó ghi thù con trai tôi, cho nên muốn giết con trai tôi trả thù cho chị nó! Nó là thứ giết người, là thứ độc ác! Chỉ tội con trai tôi, nó mất rồi, tôi biết phải làm sao đây! Nhà tôi có mỗi thằng Tài là con trai, bây giờ nó mất rồi, ai chăm lo cho cái thân già này đây..."
Mặc kệ bà ta một mình kêu la, người xung quanh không ai đến an ủi, cũng chẳng ai mở miệng bàn vào.
Dù sao chuyện này cũng liên quan đến mạng người, hơn nữa gã Tài không phải tôi tớ đã bán mình cho chủ, cho nên không ai có quyền quyết định sống chết của gã cả. Vì vậy trưởng làng trước nay ít khi ra mặt, lần này cũng phá lệ đến đây một chuyến để dàn xếp chuyện này.
Trưởng làng ở đây tương đương với xã trưởng, nhưng người dân đã quen miệng thì khó mà sửa ngay được, cho nên mọi người đều kính trọng gọi ông một tiếng Cụ Hai Chăm.
Cụ Hai đã gần tám mươi rồi, song vóc người vẫn khoẻ mạnh, tinh thần sáng láng lắm. Ông gõ gậy gỗ trong tay xuống đất, giọng hùng hồn cắt ngang điệu hò thê thương của bà Lài: "Nín ngay! Bây ồn ào như thế thì ông biết xử thế nào."
Bà Lài giật mình nức nở, lòm còm bò dậy, vừa quỳ vừa lạy, thưa: "Cụ ơi, con trai con chết oan ức như thế, lòng con đau đớn không nén được xúc động mà thôi. Con xin Cụ, xin Cụ giúp con trai con tìm ra hung thủ đã hại chết mình."
Cụ Hai gật đầu, đáp: "Bây chớ vội, cứ đứng sang một bên để Cụ hỏi chuyện." Nói đoạn, Cụ Hai lại nhìn sang vợ chồng phú ông, giọng điệu không đổi, hỏi: "Ông có vài câu muốn hỏi con trai hai bây, nếu thật sự là nó làm chuyện sai quấy, bây cũng không được phép bao che, có biết chưa?"
Vợ chồng phú ông thương con, dù đánh dù mắng nhưng trong lòng vẫn một mực tin tưởng nhân phẩm con mình. Huống hồ Cụ Hai Chăm có tiếng ngay thẳng cương trực nhất làng, có Cụ ra mặt, dù chuyện tra không rõ cũng không đến mức vu oan giá hoạ cho ai.
Nghĩ vậy, phú ông khách sáo gật đầu, nói: "Tôi tin tưởng Cụ Hai. Chỉ cần tìm được chứng cớ chuyện này do thằng Tư nhà tôi gây ra, tôi tình nguyện tự mình gông cổ nó đem lên quan trên xét xử."
Danh tiếng và nhân phẩm của phú ông Lê Dư ở làng này rất tốt, Cụ Hai cũng không hoài nghi lời nói của ông. Ánh mắt Cụ lại đảo qua người cậu Tư Rìa vẫn thẳng lưng quỳ đó, hỏi: "Cụ nghe nói cậu Tư cho người trói cậu Tài đi, có đúng không?"
Sắc mặt Tư Rìa không đổi, thành thật đáp: "Đúng ạ."
Cụ Hai gật đầu, hỏi tiếp: "Cậu Tư cho người đào hố, thả cua, rắn, ếch... rồi đẩy cậu Tài xuống dưới đúng không?"
Tư Rìa mím môi, cuối cùng vẫn đáp: "Đúng ạ."
Cụ Hai nhăn mày, nói: "Cậu làm vậy với mục đích gì? Doạ chết cậu Tài, muốn cậu ta chết ngạt dưới đó?"
Lúc này Tư Rìa mới phản ứng, bật thốt: "Con chỉ muốn doạ anh ta một trận thôi ạ, hơn nữa nước còn chưa tới ngực anh ta, thì làm sao chết ngạt được cơ chứ? Con cũng cho đứa hầu ở lại trông chừng, chờ anh ta sợ đủ rồi thì kéo người lên. Cụ Hai, con thật sự không biết vì sao anh ta lại... lại chết!"