Trên con đường từ Kinh Bắc đến Quỳ Châu, một con ngựa gầy rảo bước không nhanh không chậm, nam nhân trên ngựa đội nón che nắng, vừa cưỡi ngựa xem hoa, miệng vừa nhai bánh vừng thơm giòn.
Chỉ chốc lát sau, một bọc bánh vừng đã cạn sạch, y lấy ra một bình nước từ trong túi, dốc ừng ực mấy ngụm lớn, tặc lưỡi chê bai: “Cái quái gì thế này, chát muốn chết.”
Chính là Phó Thâm.
Hai ngày trước y và Nghiêm Tiêu Hàn chia tay ở ngoại thành Kinh Châu, sau khi đi được hai dặm, y liền cố ý quay lại chỉ để đứng ở cửa trạm dịch trêu ghẹo người ta một phen. Lúc mua kẹo hoa quế y tình cờ thấy bên cạnh có bánh vừng, bèn nổi hứng mua một bọc, định ăn vặt trên đường.
Bây giờ nghĩ lại, bản thân y chẳng hề thích ngọt, dăm ba tháng mới ăn một miếng đường, mua bánh vừng hoàn toàn là vì lúc đó bị mùi kẹo hoa quế làm mụ mị đầu óc.
Từ Kinh Châu đến Quỳ Châu – trung tâm Tây Nam cũng không xa, đi nhanh thì chỉ cần ba ngày, nhưng Phó Thâm lại đi suốt sáu ngày. Đã nhiều năm rồi y không được vô lo vô nghĩ, tự do tự tại đi thong dong giữa đất trời như thế này. Tuy còn trẻ, nhưng gần nửa đời đều xua vịt lên giá, bận rộn tối mặt, kêu đánh kêu giết, đừng nói kiều thê mỹ thiếp quan to lộc hậu này nọ, một năm còn chẳng về nhà được mấy chuyến ấy chứ.
(Xua vịt lên giá: ý tương tự câu “Không trâu bắt chó đi cày”, buộc ai đó làm việc không hợp với khả năng. Người ta hay treo ổ lên giá cho gà nhảy lên đẻ, nhưng con vịt thì không nhảy được, ý là thế.)
Hành trình Kinh Châu làm cho y và Nghiêm Tiêu Hàn cũng thay đổi rất nhiều, có lẽ cuối cùng cũng tìm được nơi gửi gắm và chốn về, rõ ràng trong chốn trần thế dài đằng đẵng này, không chỉ có mình y cô độc bước đi.
Có lúc trong tiệm trà quán rượu ở hương trấn ven đường, Phó Thâm có thể nghe được một ít tin tức về Kinh Châu, chẳng hạn như sau khi vụ án thôn Khê Sơn xảy ra, quan phủ phái người xuống hồ vớt được mười mấy bộ thi thể. Nghe nói trong cái hồ kia chẳng hề có tôm cá, chỉ có một loại rong có thể dùng thi thể làm chất dinh dưỡng, cuốn chặt lấy những cái xác đó, khiến chúng lơ lửng ở trong nước, như thể một rừng xác chết chẳng thấy ánh mặt trời.
Còn có người kể là khâm sai đại nhân từ kinh thành tới, trên đường gặp mưa to, phải ngủ đêm ở miếu Hồ Tiên, chợt có một tiểu hồ đi vào trong mộng, biết nói tiếng người, kể lể oan tình, khâm sai tỉnh lại liền lấy làm lạ, tìm đến thôn Khê Sơn theo lời hồ ly nói, phá được một đại án.
Phó Thâm nghe mà cười thầm, nghĩ bụng “Hồ ly thuyết” chẳng phải là “Hồ thuyết” à?
(Ở đây ảnh chơi chữ từ “Hồ” đồng âm, Hồ ly thuyết = hồ ly nói = húlishuō; Hồ thuyết = nói bậy bạ linh tinh = húshuō.)
Tám phần mười là tiên sinh kể chuyện nào đó trong thành Kinh Châu thấy bên hồ có ngôi miếu Hồ Tiên, cho nên tiện mồm bốc phét ra.
“Tiên sinh kể chuyện” Nghiêm Tiêu Hàn bị nhắc tới, nghiêng đầu hắt xì một cái, ngòi bút rung lên làm quẹt một vệt mực trên tờ giấy trắng tinh, bản tấu viết được một nửa giờ xem như bỏ đi.
Hắn ném bản tấu chương nọ đi, đổi sang tờ giấy mới. Tri phủ Kinh Châu làm việc cũng xem như nhanh chóng, chỉ sáu ngày đã thẩm tra xong vụ án, chuyển khẩu cung, vật chứng và hồ sơ lên cho bộ Hình giải quyết, khoảng chừng hai ngày là đến được kinh thành. Hắn không nhắc đến Phó Thâm ở trong tấu chương, chỉ nói là bọn họ suýt nữa bị sét đánh ở miếu Hồ Tiên, bởi vậy nên tình cờ đi vào thôn Khê Sơn. Nghiêm Tiêu Hàn nghe về truyền thuyết của miếu Hồ Tiên, hoài nghi đây là lời chỉ điểm của thần linh, cho nên sau khi tiễn Tề vương đi bèn quay lại thôn Khê Sơn tra xét. Mặc dù hắn trúng phải Thu Dạ Bạch nhưng vẫn may mắn chạy thoát. Tóm lại là nhờ ông trời phù hộ, bọn họ rốt cuộc thành công tra ra chân tướng, khiến kẻ ác phải đền tội.
Nghiêm đại nhân mặt không đổi sắc mà nói hươu nói vượn, xong xuôi bèn sai thủ hạ mang tấu chương đến kinh thành. Bên phía Tề vương hẳn cũng cần dâng tấu chương, song vì khâm sát sứ Phi Long vệ có quyền tấu thẳng lên ngự tiền, hai người không chung một đường, cho nên Nghiêm Tiêu Hàn cũng không đi hỏi nhiều.
Hắn đi tới trước cửa sổ, nhìn cây xanh um tùm ngoài cửa, chậm rãi thở dài một hơi, cảm giác tay mình đang phát run, vì vậy bèn lấy một viên kẹo đặt ở đầu lưỡi.
Mùi hoa quế ngọt lành tràn ra, có lẽ do ảnh hưởng từ cơn nghiện, hắn cảm thấy mình chưa từng nhớ một người đến thế, nhớ đến nỗi tim nhói đau.
Bọn họ chỉ mới xa nhau sáu ngày mà thôi.
Phó Thâm lại lần nữa thể hiện khả năng dự đoán hơn người của mình. Cơn nghiện của Nghiêm Tiêu Hàn vẫn chưa hoàn toàn dứt bỏ, mặc dù không nghiêm trọng, nhưng Phó Thâm đi rồi, hắn chẳng còn ai chăm nom, lúc phát tác trở nên vô cùng vất vả. May mà còn có túi kẹo hoa quế kia, xem như để lại cho hắn một chút an ủi. Nghiêm Tiêu Hàn tập thành thói quen dùng kẹo để cai nghiện, nhưng đối với thân thể đã ăn quen bén mùi thì chẳng khác nào muối bỏ biển, thống khổ trên cơ thể kết hợp với thống khổ về tâm hồn, khiến hắn có lúc muốn trực tiếp bỏ mặc Tề vương, một mình chạy tới Tây Nam.
Chỉ mong sao vụ án ở Kinh Châu nhanh kết thúc, khi nào về kinh thành rồi, không chừng hắn có thể tìm một nhiệm vụ để đến Tây Nam một chuyến.
Ý nghĩ rất tốt, nhưng hiện thực tàn khốc nói cho hắn biết: Nghĩ hay quá đấy.
Chưa đến hai ngày, đặc sứ từ trong kinh mang theo thánh chỉ đến Kinh Châu, trước hết tước bỏ chức quan của tri phủ, tri huyện và các quan viên có liên quan, chờ đợi xử lý, sau đó ra lệnh áp giải những thủ phạm ở thôn Khê Sơn vào kinh, cuối cùng còn có một đạo đặc chỉ dành riêng cho Tề vương và Nghiêm Tiêu Hàn.
Từ tháng ba tới nay, Bạch Lộ Tán liên tục xuất hiện, tạo thành thảm họa, đầu tiên là kinh thành, sau đó là Kinh Châu. Lúc trước trong vụ án Kim Ngô vệ, Nghiêm Tiêu Hàn đã từng dâng tấu, xin hoàng đế hạ lệnh điều tra Bạch Lộ Tán ở khắp nơi để tránh hậu hoạn, không ngờ đó lại thành lời tiên tri.
Nguyên Thái đế vẫn chưa bệnh đến mức hồ đồ, Thu Dạ Bạch đã tràn lan ảnh hưởng đến cả thuế lương thực Kinh Sở. Phía Đông Kinh Sở chính là vùng Hồ Quảng Lưỡng Giang, đó là kho lúa của thiên hạ, tài phú trọng địa, nếu tiếp tục làm ngơ thì những nơi này e cũng khó tránh khỏi độc thủ. Vậy nên Nguyên Thái đế ban một đạo thánh chỉ khác, lệnh cho Tề vương và Nghiêm Tiêu Hàn xong nhiệm vụ thì không cần hồi kinh, mà dọc theo Trường Giang đi về hướng Đông, tuần tra vùng Giang Nam, cần phải quét sạch nạn Thu Dạ Bạch, cho phép tùy cơ ứng biến, tiền trảm hậu tấu.
Như thể sấm sét đoàng đoàng giáng xuống giữa trời quang, tâm nguyện tan nát và nước mắt lệ nhòa của Nghiêm đại nhân liền bay theo gió xuân ấm áp nơi đất Kinh Châu.
Tây Nam, Quỳ Châu.
Phó Thâm cưỡi con ngựa gầy lững thững đi vào thành, nơi đây nhiều người Hán sống xen lẫn với các tộc Miêu và Bạch Đẳng, cảnh sắc phong tình khác hẳn vùng Trung Nguyên. Phó Thâm vốn đã nghĩ rất nhiều cách để gặp Tây Bình quận vương, nhưng khi đến cổng vương phủ rồi, y lại quên sạch toàn bộ ý nghĩ lúc trước, nghênh ngang đi đến phòng gác, tay nâng mũ, hơi cúi đầu, nói: “Cảm phiền thông báo, tại hạ muốn gặp Tây Bình quận vương.”
Tục ngữ có câu, tể tướng môn tiền thất phẩm quan. Phòng gác của phủ quận vương mặc dù không có cái kiểu nịnh bợ chó giữ cửa giống ở kinh thành, song Phó Thâm từ đầu tới chân đều rặt một vẻ nghèo túng, lại còn đội nón rộng vành, trông không giống như có thân phận qua lại được với lão gia nhà bọn họ. Gác cổng lạnh nhạt ngước mắt lên, đưa tay nói: “Danh thiếp.”
(Tề tưởng môn tiền thất phẩm quan: ý nói người gác cổng nhà tể tướng có địa vị như quan thất phẩm. Bởi muốn yết kiến tể tướng thì phải nhờ gác cổng thông báo, cho nên quyền lực của bọn họ không nhỏ.)
Phó Thâm đã thấy hạ nhân kiểu này nhiều rồi, y lấy một thỏi bạc vụn từ túi ra, bỏ vào lòng bàn tay thô ráp của gác cổng, cười bảo: “Không có danh thiếp, ngươi chỉ cần thưa là quân y Đỗ Lãnh của Bắc Yến tới chơi.”
Gác cổng áng chừng thỏi bạc trong tay, mặt thoáng hiện vẻ vui mừng, thái độ vẫn kiêu căng như cũ, song giọng điệu lại dịu đi: “Ngươi chờ ở đây, ta vào thông báo cho vương gia.”
Chẳng bao lâu sau, người nọ trở ra với vẻ mặt căng thẳng, bấy giờ không dám ho he gì nữa, cúi đầu khom lưng mời Phó Thâm vào trong, dẫn y đến phòng khách ở chính viện phía Tây.
Trong phòng có người đang chờ y. Tây Bình quận vương Đoàn Quy Hồng nay đã gần đến thiên mệnh chi niên, song nhờ bảo dưỡng tốt nên vóc người cao lớn rắc chắn, gương mặt vẫn như thưở tráng niên, ông ta nhìn chằm chằm người áo đen mang nón rộng vành, đôi mày kiếm nhíu lại, ngờ vực nói: “Ngươi là ai?”
(Thiên mệnh chi niên là 50 tuổi, dựa theo câu nói của Khổng Tử: “Ta 15 tuổi chí ở học hành, 30 tuổi có thể tự lập, 40 tuổi không còn nghi hoặc, 50 tuổi biết được mệnh trời, 60 tuổi ta biết điều phải trái, 70 tuổi tâm theo ý mình, có thể làm một cách tùy ý nhưng lại không vượt quá quy tắc.”)
Phó Thâm bỏ nón xuống, khuôn mặt lộ ra, nở nụ cười khách khí mà thành khẩn với ông: “Mạo muội quấy rầy, mong vương gia chớ trách.”
Đoàn Quy Hồng: “…….”
Ông đầu tiên là sững sờ, sau đó lập tức bảo tất cả hạ nhân lui ra, đóng chặt cửa sổ, lông mày như xoắn lại với nhau: “Phó tướng quân đột nhiên giá lâm hàn xá, có gì chỉ giáo?”
“Không có gì chỉ giáo cả,” Phó Thâm kéo ghế ngồi xuống, “Vương gia không cần phải xa cách như thế, ngài là trưởng bối của ta, cứ gọi tên tự của ta là được.”
Tầm mắt Đoàn Quy Hồng hướng xuống, nhìn chằm chằm vào chân y: “Ngươi…… Kính Uyên, ngươi không ở kinh thành dưỡng thương mà lại đến Tây Nam làm gì?”
Phó Thâm vén vạt áo lên, cho ông xem giày của mình, ung dung nói: “Thương tích đã ổn rồi. Còn vì sao ta lại xuất hiện ở đây…… Chẳng phải ngài rõ hơn ta sao?”
Ánh mắt Đoàn Quy Hồng đanh lại, khí thế uy nghiêm, đối mặt với Phó Thâm, hai người không ai chịu nhường ai. Ông ta lạnh lùng nói: “Ngươi đang nói cái gì?”
“À, không đúng, ngài hẳn chỉ biết ta đang ở Kinh Châu thôi,” Phó Thâm vỗ đùi, “Ôi trí nhớ của ta, chỉ bảo với Đỗ Lãnh là ta muốn đến Kinh Châu tìm Nghiêm Tiêu Hàn, mà quên nói cho hắn là ta còn định tiện đường đến Quỳ Châu một chuyến.”
Y mỉm cười nói: “Sao vậy, vương gia có vẻ không muốn tiếp đón tại hạ cho lắm nhỉ?”
Đoàn Quy Hồng im lặng chốc lát, không chơi lá mặt lá trái với y, mà hỏi thẳng: “Ngươi phát hiện từ bao giờ?”
Nụ cười trên gương mặt Phó Thâm không phai đi, song trong mắt y hoàn toàn không có ý cười, giọng nói thậm chí còn ẩn chứa sự lạnh lẽo khó nhận ra: “Ta phát hiện không ít, vương gia đang nói đến việc nào? Là việc bố trí Đỗ Lãnh đến bên cạnh ta, hay là phái Thuần Dương đạo nhân ám sát hoàng thượng ở Vạn Thọ yến?”
“…….Hay là, cố ý phát tán Thu Dạ Bạch ở Kinh Sở, ý đồ lật tung bàn cờ, khiến vùng Giang Nam hoàn toàn hỗn loạn?”
Mỗi câu nói của y đều tựa như một con dao, đâm thẳng vào ranh giới trầm mặc khoan nhượng của Đoàn Quy Hồng.
Tây Bình quận vương dẫn binh nhiều năm, tính cách cương nghị nghiêm túc, những năm qua mặc dù khá biết cách tiết chế, nhưng đó cũng phải xem là với ai, ấy thế mà Phó Thâm vẫn cứ hồn nhiên không hay biết, muốn liều lĩnh nhổ cọng râu hổ này.
Đoàn Quy Hồng nghiến răng nói: “Phó Thâm, ngươi không sợ…… hôm nay không ra khỏi cánh cửa này được ư?”
“Ôi, vậy chẳng phải khéo quá sao. Hôm nay ta vốn cũng không định ra khỏi cánh cửa này,” Phó Thâm hùng hồn nói, “Ta một thân một mình đi đến Quỳ Châu, lộ phí chẳng nhiều nhặn gì, đang lo không có chỗ ở, muốn xin ở nhờ bảo địa của quý phủ mấy đêm, không biết vương gia có đồng ý hay không?”
Đoàn Quy Hồng: “……”
Ông ta nói câu nào liền bị Phó Thâm chặn họng câu đấy, tuy Phó Thâm tới không có địch ý, song ông vẫn cảm giác mình sắp ngất đến nơi, khó khăn lắm mới nguôi bớt lại, thử nói một cách hòa nhã: “Nếu ngươi đã biết những chuyện này, thì ngươi hẳn cũng rõ rằng, ta không phải muốn hại ngươi.”
Phó Thâm nói: “Đương nhiên. Không thì hôm nay ta đã chẳng xuất hiện ở chỗ này.”
Vẻ mặt Đoàn Quy Hồng hơi dịu đi, ông ta ngồi xuống đối diện y: “Việc ta làm chẳng là gì so với hành động của hoàng đế đối với Bắc Yến thiết kỵ.”
“Chủ soái của Bắc Yến đang ngồi ngay trước mặt ngài đây,” Phó Thâm lạnh lùng nói, “Tuy ta què rồi, nhưng vẫn chưa chết đâu. Vương gia, ngài muốn báo thù thay cho Bắc Yến quân, vậy đã hỏi ý ta chưa?”