Vừa tan lớp Ngân liền rẽ vào một cửa hàng điện thoại gần đấy, nhìn cái màn hình điện thoại nát bét của Ngân, anh thợ sửa cứ tủm tỉm cười mãi.
- May cho cô, chỉ vỡ cường lực thôi đấy nhé, không thì to tiền.
Ngân cười méo mó, đợi đến khi anh ta sửa xong thì xách túi ra về, vừa đi được vài bước thì thấy bên kia đường có một đôi nam nữ đang cãi cọ rất to. Anh con trai như nhảy dựng cả lên, vừa chỉ vào mặt bạn gái vừa quát:
- Mày định lừa tao đến bao giờ?
Cô người yêu thì cứ khóc nấc lên, vừa che mặt vừa giải thích gì đó.
- Thôi, câm mồm!
Nhưng cô người yêu vẫn cứ giải thích, cô ta càng giải thích, anh kia càng nổi điên hơn, không nhịn được nữa anh ta liền giơ tay lên tát cô người yêu một cái thật mạnh khiến cô ta loạng choạng gần như ngã xuống đường.
- Cứ phải để bố vả cho thì mới câm à?
Cô người yêu mãi mới hoàn hồn, hai tay ôm má vừa bị đánh, ngước mắt lên căm phẫn nhìn anh người yêu:
- Vừa cãi nhau mày đã động tay động chân với tao rồi, sau này lấy về mày thì đánh cả bố cả mẹ tao à, tao nói hết nước hết cái rồi, mày không tin cũng được thôi, tốt nhất là chia tay đi.
Anh ta nghe xong thì lồng lộn lên như một con thú, tức giận xông đến đánh cô người yêu tới tấp, người dân xung quanh thì cứ đứng trơ mắt nhìn không một ai dám can ngăn, có người có tỏ ra hay ho lắm, còn lấy cả điện thoại ra quay phim. Sợ cô người yêu kia bị đánh phải nhập viện, Ngân vội chạy sang đường ngăn anh ta lại:
- Ôi anh gì ơi, anh đàn ông con trai mà đánh phụ nữ thế à, mà chị ấy còn chưa phải vợ anh đâu.
- Mày là con nào?
Anh ta dừng tay lại quắc mắt nhìn Ngân quát to, cô người yêu trong tay anh ta bầm tím mặt mày, miệng chảy bao nhiêu máu, anh ta vừa thả tay ra thì cả người cô ấy ngã vật xuống đường.
- Tôi chỉ là người đi đường thôi, thấy anh ra tay với cô ấy dã man quá nên tôi tới can thôi, anh xem, anh đánh cô ấy thành cái dạng gì rồi.
- Đ** m*, toàn đi lo chuyện bao đồng.
Anh ta túm lấy cổ áo của Ngân làm cô hơi chới với, anh người yêu định cho Ngân một cái tát vì tội thích lo chuyện thiên hạ, tay vừa giơ lên thì bị một ai khác giữ lại, gạt thật mạnh ra, bị bất ngờ nên anh ta phải lùi lại mấy bước.
- Tôi báo công an rồi đấy.
Anh kia mặt đỏ bừng bừng, đưa mắt nhìn xuống cô người yêu bị mình đánh cho không còn sức lực, nằm bất động dưới đất, anh ta chửi tục một câu, giơ tay lên chỉ thẳng về phía anh con trai vừa tới rồi lên xe chạy mất, mọi người xung quanh cũng tản dần đi.
Ngân quay đầu nhìn sang người đàn ông vừa giúp mình, định nói lời cảm ơn, anh cũng nhìn cô, cả hai vừa nhìn thấy nhau thì không khỏi ngạc nhiên, Ngân tự chỉ vào mình hỏi anh:
- Anh còn nhớ tôi không?
Anh cười nhẹ gật đầu:
- Nhớ.
Ngân cười toe toét, sau cô ngó quanh quanh tìm kiếm:
- Công an đâu? Sao còn chưa tới?
Anh bật cười:
- Tôi nói dối đấy.
- Hả.
Ngân ngạc nhiên hả một tiếng, định khen anh một câu rằng anh " diễn xuất thật giỏi, nói dối như thật " thì mới chợt nhớ ra còn cô gái vừa bị người yêu đánh, đang nằm bất động dưới đất. Ngân ngồi xuống đỡ cô gái kia dậy, cô gái thì cứ ôm bụng kêu đau, anh đội trưởng liền bế cô gái dậy, Ngân gọi taxi cùng họ đi tới bệnh viện.
- Còn thấy đau ở chỗ nào nữa không?
Ngân vén mái tóc rối bù xù như tổ quạ của cô gái sang hai bên, mặt cô ấy bị đánh cho sưng húp cả lên, nhìn không khác gì bị ong đốt, vệt máu khô vẫn còn ở khóe miệng. Cô gái đó lắc đầu, khóc thút thít, nước mắt chảy xuống làm ướt cả mái tóc. Anh đội trưởng ngồi ở ghế phụ lái, chốc chốc lại quay xuống nhìn rồi lại im lặng ngoảnh lên.
Đợi khi cô gái được đưa vào phòng khám thì cả hai mới nhẹ nhõm ra ngoài sân tìm cái ghế đá ngồi, trời đã chập choạng tối.
- Chuyện vừa nãy, cảm ơn anh.
Cô quay sang nói với người đàn ông bên cạnh, anh ngẩng đầu nhìn trời, rồi lại nhìn cô.
- Chuyện nên làm, không cần cảm ơn.
Ngừng một lúc, anh lại nói thêm:
- Con gái ra đường một mình phải biết giữ mình một chút, khuyên ngăn cũng là tốt thôi nhưng dù sao vẫn phải biết lựa sức mình.
Cô tủm tỉm cười, chuyện xảy ra đột ngột quá nên cô không kịp suy nghĩ gì đã chạy lại can, khi người đàn ông đó quát lên cô cũng sợ mất mật, nhưng vẫn cứng miệng, may mà có anh.
Bấy giờ cô mới có thời gian để ý, trên người anh đang mặc một bộ quần áo màu sậm, có đường kẻ ngang phản quang, cô mới buột miệng hỏi:
- Anh là lính cứu hỏa à?
- Phải, tôi là lính cứu hỏa.
Cô nhìn xuống tay anh, bàn tay trái của anh có vết sẹo lớn do bỏng để lại, mới nhìn vào thì trông có hơi đáng sợ và mất thẩm mĩ.
- Chắc vất vả và nguy hiểm lắm.
Cô nghịch nghịch cái quai túi xách, sự gian khổ của những người lính cứu hỏa không phải là cô không cảm nhận được, chỉ là nhìn thấy vết sẹo lớn trên tay anh, cô vừa phục, vừa thương, càng cảm thấy biết ơn những người làm nghề giống anh.
Anh chỉ cười không nói gì, cả hai đều định ngồi chờ cho đến khi người nhà của cô gái kia đến mới có thể yên tâm ra về được, nhưng họ thì mãi chưa tới.
- Cô tên gì?
Anh hỏi.
- Tôi tên Ngân, Ngân trong ngân hàng.
Anh bật cười thành tiếng vì sự lém lỉnh của cô, cô lại không hiểu rốt cuộc anh cười cái gì, cô thấy câu giới thiệu tên vừa rồi của mình không có gì là bất bình thường mà.
- Tại sao cười?
Anh vẫn mủm mỉm lắc đầu, cô lại hỏi tiếp:
- Còn anh?
Anh nhanh chóng bắt chước câu giới thiệu của cô:
- Tôi tên Văn, Văn trong văn học.
Ngân đơ vài giây rồi ôm bụng cười ngặt nghẽo, bấy giờ cô mới hiểu được lí do vì sao anh lại cười. Hai người nói chuyện một lúc thì người nhà của cô gái kia tới, người mẹ vừa vào tới phòng bệnh, thay vì lo lắng cho con thì bà lại mắng xối xả:
- Giờ thấy mình ngu chưa? Bao nhiêu thằng tử tế thì không yêu lại đâm đầu vào yêu cái thằng đấy. Mày mà không chia tay nó ngay thì đừng có nhìn mặt tao nữa.
Cô gái kia nín khóc chưa được bao lâu, bị mẹ mắng một trận thì òa lên khóc nức nở, Ngân đi đến bên cạnh bà mẹ khuyên can vài câu, mãi sau bà mẹ mới xuôi xuôi, ngồi xuống mép giường nhìn con gái hỏi:
- Thế còn đau lắm không?
Cô gái lắc đầu, thút thít, Ngân nhìn đồng hồ đeo tay thấy cũng không còn sớm nữa:
- Bác ở lại đây trông cô ấy nhé, cháu xin phép về trước đây ạ.
Bà mẹ và cô gái rối rít cảm ơn Ngân và anh, sau đó tiễn hai người họ ra đến tận cầu thang. Đến cổng bệnh viện, hai người chào tạm nhau, thấy cô chuẩn bị bước đi, anh vội gọi giật lại:
- Nhà cô ở đâu, để tôi đưa cô về.
Ngân dừng bước, ngạc nhiên mở to mắt nhìn anh, thấy biểu cảm của cô, anh lại có chút ngại, đưa tay gãi đầu.
- Nhà tôi ở khu X.
- Khu X? Trùng hợp quá, nhà tôi cũng ở gần đấy, vậy về cùng nhé?
Cô tủm tỉm cười, gật đầu đồng ý.
Ngân về nhà đã gần 7 giờ tối, My vẫn nằm trên giường buôn chuyện với bạn trai qua điện thoại. Mở nồi cơm điện trên bàn thấy vẫn trống trơn, cô đặt túi xách xuống giường rồi mang nồi đi đong gạo.
Mộc Miên chạy từ phòng bên cạnh về, thấy cô liền hỏi:
- Sao chị về muộn thế?
- À, chị có chút việc thôi. Mà này...
- Dạ?
- Chợ có gần đây không em?
- Chợ ạ, gần lắm, chị muốn đi mua thức ăn tầm này ạ?
Mộc Miên nhìn đồng hồ trong điện thoại, thấy cũng đã muộn, không biết chợ còn bán không hay người ta dọn hết rồi.
- Ừ em.
- Thế để em đưa chị đi.
Ngân đèo Mộc Miên trên con xe đạp vừa mượn được của chị Khuê, hai người ra khỏi con ngõ nhỏ rồi hòa vào dòng người tấp nập trên đường. Chưa đầy 5 phút khu chợ đã bày ra trước mặt, trời đã muộn, người mua hàng cũng thưa thớt đi rất nhiều, không còn ồn ào như lúc 5 hay 6 giờ chiều.
- Chị Ngân này.
Mộc Miên gọi Ngân trong khi cô đang ngồi nhặt trứng gà vào trong túi bóng.
- Sao em?
- Chị cho em ăn chung với hai chị nhé, em ăn một mình mãi cô đơn lắm.
- Ừ, được. Suốt ngày thấy mày lủi thủi ăn cơm một mình, chị định về nhà bảo mày rồi nhưng mà quên mất.
- Mỗi tháng các chị góp bao nhiêu thì cứ báo em ạ.
- Ừ, cũng không đáng bao nhiêu đâu, nào, xách hộ chị túi trứng này, cẩn thận kẻo vỡ.
Ngân đưa túi trứng cho Mộc Miên cầm hộ rồi lôi tiền trong ví ra trả cho chủ quán, hai người đi tiếp về phía cuối chợ. Trong ánh sáng mập mờ của cây đèn đường là hình ảnh một bà lão khoảng chừng 60, 65 tuổi đang ngồi co ro ở một góc chợ vì lạnh, trước mặt là mấy chục cây súp lơ đang bày ra trên mặt bao tải. Ngân nhận ngay ra bà ấy là bà cụ chở súp lơ đi bán bị ngã xe chiều hôm qua.
- Bà còn nhớ cháu không ạ?
Bà ấy nhìn Ngân một lúc lâu, sau đó à lên một tiếng.
- Cháu có phải là bạn của 3 cậu con trai hôm qua không? Thật là may mắn mới gặp được bốn người các cháu đấy. Chứ hôm qua, ta ngã xe lâu rồi, nhưng người đi đường qua chỉ nhìn thôi cũng không có ai xuống giúp cả, may mà các cháu đến.
Giọng bà cụ có hơi chút thất vọng và bà lão thấy chạnh lòng khi nhắc đến những người qua đường vô cảm chiều qua. Nghĩ tới anh, cô mỉm cười lắc đầu:
- Bạn thì không phải ạ, cháu không quen ba anh ấy.
Rồi cô lại nhìn xuống đống súp lơ đang bày ra dưới đất, có những cái đã bị dập nát một nửa rồi, hình như nó vẫn còn nguyên si vì chưa có khách nào hỏi tới thì phải.
- Chân bà đã đỡ chưa mà lại ra đây bán rau thế này? Chỗ này là số súp lơ hôm qua đấy ạ?
Bà cụ nhìn xuống đống rau thở dài một tiếng.
- Đây là mấy cây súp lơ cuối cùng trong vườn, bỏ đi thì tiếc nên ta mang ra đây bán được đồng nào thì hay đồng ấy con ạ.
Ngân chợt mủi lòng thương, cô lôi ví trong túi xách ra.
- Thế bà bán hết cho cháu chỗ này đi ạ.
- Hết chỗ này á? Con có ăn hết được không?
Cô cười cười, tay lấy túi bóng nhặt tất cả đống súp lơ vào đấy.
- Nhà cháu đông người, bà không phải lo ạ.
Trên đường về nhà, ngồi ở yên sau xe Mộc Miên cứ ngước mắt lên nhìn Ngân mãi, cô chưa gặp ai lương thiện như Ngân, cô chỉ cảm thấy khi chị ở đâu hình như đều mang lại niềm vui cho người khác, chị rất tốt, đều suy nghĩ cho người khác trước khi nghĩ cho mình.
- Bà đi đâu thế?
Thấy tiếng Ngân ngoài sân, My đi từ trong nhà ra hỏi.
- Chúng em đi chợ.
Mộc Miên trả lời thay Ngân, rồi giúp cô xách đồ vào trong bếp. My đi theo vào trong, thấy mấy cây súp lơ héo hon trong túi bóng, My liền thắc mắc hỏi Ngân:
- Ở chợ người ta bán hết súp lơ rồi hay sao mà lại mua mấy cây này?
- Không, thấy rẻ nên mua thôi.
- Trời đất, rẻ đến đâu cũng không nên mua chứ, thế này làm sao mà ăn được nữa.
Mộc Miên đứng bên cạnh định giải thích cho My, nhưng thấy Ngân không ý kiến gì thêm nên lại thôi.
- Để đấy tôi làm cho, bà đi tắm đi.
My tranh nấu cơm, Ngân nhắc cô rang thịt với đậu rồi chạy lên nhà lấy quần áo đi tắm. My đang thái rau thì điện thoại kêu, nhìn thấy số của Chính liền bỏ đồ ở nguyên đấy rồi đứng dậy đi ngoài sân nghe máy.
Một chị tên Xuân cùng hội với Mộc Miên cầm theo gói mì tôm đi vào trong bếp, thấy một đống rau với thịt bầy bừa ở trong góc thì tự nhiên lộn tiết lên, đùng đùng lao ngay ra ngoài sân chửi ầm ĩ:
- Mẹ con nào để rau bừa bãi ra bếp đây? Không chịu dọn cho người khác còn lấy chỗ đun nấu à?
My che loa điện thoại, nói vọng vào:
- Của em đấy, đợi em một chút em vào dọn ngay.
Xuân cũng không vừa, câu nói của My làm cô ta chưa thấy hài lòng chút nào cả.
- Đợi đến bao giờ? Nhanh lên tao nấu cơm ăn còn đi làm nữa.
My cứ ậm ừ, chỉ nói mồm thôi không có ý định đi vào, Xuân thấy thái độ dửng dưng của My thì tức lắm:
- D** m* có vào không, tao vứt hết đi bây giờ?
Bị làm phiền mãi, My bực bội gắt lên:
- Đã bảo từ từ rồi.
Xuân không nói không rằng cầm tất cả túi súp lơ và thịt lợn đang để trên bàn ném thẳng vào thùng rác.
Mấy chị em trong hội thấy ầm ĩ thì chạy ra xem, Ngân không kịp lau tóc cũng phải chạy vội ra ngoài.
- Trời ơi, chị Xuân, sao chị lại ném đi?
Mộc Miên nhìn vào trong thùng rác, thấy tấy cả đồ ăn mình vừa mua về đều ở trong đấy, dù rất giận dữ nhưng cô không dám lớn tiếng, chỉ nhăn nhó mặt mày nhìn Xuân.
- Nó để bừa ra đấy, tao kêu vào dọn thì không dọn tao chả ném đi à.
My tắt điện thoại, đi tới trước mặt Xuân:
- Chị đừng có mà ăn không nói có, tôi bảo lát nữa tôi sẽ dọn chứ tôi bảo không dọn bao giờ?
Xuân nhảy dựng lên, định lao vào đánh My thì bị mọi người ngăn lại, mấy chị em còn lại trong hội thì lườm nguýt Ngân với My rồi đóng cửa ầm một tiếng.
My hai tay chống hông, lầm bầm chửi vài câu cho hả giận, Mộc Miên thấy Ngân cầm chổi quét đống vỏ súp lơ còn lại dưới đất thì cũng đi tìm hót rác.
- Tại bà hết đấy, không phải bà tiếc tiền mua mấy cây súp lơ thối nát này về thì tôi cũng không phải cãi nhau với cái con đĩ kia.
Không có ai để trút giận, My gây sự với Ngân, Ngân không buồn giải thích một lời nào, Mộc Miên bên cạnh thấy bất bình thay cô. My dỗi bỏ lên nhà, Ngân lấy đậu từ giỏ xe vào bếp rán nóng lên, Mộc Miên không kiềm chế được hỏi cô:
- Sao chị không giải thích?
- Chị thấy không cần thiết, cũng không phải chuyện to tát gì.
- Nhưng...
- Nhưng ít thôi, mở tủ lấy ba quả trứng ra đây cho chị.
Bữa cơm hôm đấy My không ăn miếng nào, Ngân vẫn gắp thức ăn để riêng ra một bát phần cho My, để khi nào cô đói sẽ tự lấy ra ăn.