Nắng ban mai chầm chậm hắt bóng vàng phơ lên khung cửa sổ tròn, theo tiếng gió lướt qua chiếc chuông đồng khẽ khàng run lắc, đón một ngày mới giữa đầu tháng chín ẩm ương giá lạnh.
Một xấp áo bông trắng xắp gọn trên khay gỗ, có chiếc dệt bằng gấm lụa, có chiếc lại đan từ tơ chỉ mỏng mềm, cũng có chiếc may ba lớp bông gòn đắp chặt hai lớp vải lông cừu con. Đây là khay áo của tiểu thư Tâm Anh, con cả của gánh thứ ba phủ Đô Hầu Bắc Công.
Theo lệ mỗi năm, cứ cách bốn tháng dương lịch, khu phòng dệt sẽ chế tác ba trăm khay quần áo gửi đến từng viện lớn viện nhỏ trong phủ, tùy theo chế độ mỗi viện mà phân phát theo số lượng đã ước lượng sẵn. Tiểu thư Tâm Anh, nữ cả thuộc gánh thứ ba dòng họ quan triều Bách Lạt, năm nay đôi tròn mười bốn, nhận được bốn mươi khay áo bông, hai mươi tám khay y phục, hai mươi khay giầy và mười khay chăn nệm gấm chuyển đến viện Anh Hoa.
Người phụ trách dẫn nữ hầu bưng khay đi là bà thị Du, quản gia kiểm kê sổ sách ở khu phòng dệt.
Năm mươi cô hầu xếp thành ba hàng, thị Du mặc chiếc áo nâu sồng đứng thẳng tắp ở giữa, đôi tay bọc bởi tấm lụa mỏng giở nhẹ từng góc áo bông xếp thành chồng trên khay, sau khi kiểm kê xong số lượng đồ cần đưa đi thì bảo tên hầu cầm đèn lồng dẫn đường, tiếp đến bà dẫn chúng nữ hầu theo sau.
Viện Anh Hoa nằm ở mé Tây thuộc khu phủ Tam Kỳ, viện to mười buồng nhỏ, mười lăm buồng lớn, sân vườn thênh thang trải rộng lối đi, mẫu đơn tươi thắm vẽ màu khoe sắc ven đường. Đến trước cổng lớn viện Anh Hoa, tên hầu cầm đèn lồng lùi về sau hai bước rồi quỳ xuống, Thị Du dừng bước, cúi người quỳ xuống, đằng sau chúng nữ hầu bê khay cũng lần lượt quỳ theo từng hàng.
Cổng viện bỗng mở, đi ra từ trong là người phụ nữ lớn tuổi tóc hoa râm, tay bọc lụa trắng, khoác chiếc áo ấm màu trà. Thị Du cúi đầu thưa:
"Chào An mẫu, chúng hầu nữ phòng dệt xin gửi đồ mới đến tiểu thư."
An mẫu gật đầu, hỏi: "Áo bông và y phục tháng này may thế nào? Chăn nệm dệt từ loại nào? Giầy hài đã thêu hoa kĩ chưa?"
Đôi mắt An mẫu lành lạnh, giọng điệu uy nghiêm, chúng nữ hầu cúi đầu im thin thít, thị Du ngẩng đầu chậm rãi trả lời:
"Áo bông có ba loại, gấm hai lớp da, chỉ tơ bốn lớp và năm lớp đắp bông lông cừu non. Y phục có bốn loại, mười màu khác nhau, mỏng dày đều có đủ. Gấm làm chăn tháng này bằng tơ mịn bạc ủ nhiều năm, nệm dệt từ lụa xanh kim tuyến. Giày mỗi đôi thêu bốn mươi hoa văn khác nhau, mỗi loại hoa đều dùng chỉ màu bóng từ nhạt đến đậm."
"Tốt." An mẫu hài lòng gật đầu, lại nói: "Đưa vào phòng khách ở hành lang thứ ba, đợi tiểu thư chỉnh trang xong sẽ ra gặp bà."
Cổng viện mở rộng hai bên, từng người từng người nối đuôi vào trong.
An mẫu dặn nha hoàn qua phòng khách nói chuyện với thị Du, còn bà thì đến lầu trang. Giăng trước lối vào phòng là rèm vàng trân châu, trái là tấm bình phong thủy mạc màu trúc xanh, phải là tranh thư pháp uống tấc chữ treo khắp tường.
An mẫu tiến tới nhỏ giọng hỏi: "Tiểu thư chưa dậy à?"
Tuyết nô đặt chiếc bình sứ trắng lên bệ tủ, lắc đầu: "Chưa ạ. Trời đã sáng bửng nhưng chúng nô không dám gọi người dậy..."
"Thôi, để ta làm vậy."
An mẫu vén màn bước vào, thoang thoảng trong gian buồng là mùi phấn hoa thơm, rèm hạt ngọc nhẹ lay lắt trước giường lớn, gương đồng mờ mờ thoáng hiện bóng áo nâu sồng. An mẫu thả nhẹ bước chân, cách một tấm rèm dòm vào trong.
Tóc đen xõa dài trên gối mềm, chăn gấm vàng đắp giữa lưng lộ chiếc áo dài hồng ngọc mỏng hở vai, mắt người lim dim say giấc, mày liễu lúc nhíu lúc giản, môi đào mím nhẹ như thể lo âu, làm nét đẹp như tranh họa bỗng u buồn.
Bỗng người trên giường mở choàng mắt ngồi bật dậy, trán lấm tấm mồ hôi, tóc mái ướt rượt bết vào da. An mẫu vội vén rèm đi vào, quỳ xuống trước giường nắm lấy tay tiểu thư, nhỏ giọng hỏi:
"Tiểu thư lại gặp ác mộng ư?"
"Không..." Tâm Anh siết chặt cổ áo mỏng, mơ mơ màng màng chưa hết sợ hãi, môi tái bệch bạc, run run bảo: "Vú, ta lạnh."
An mẫu vén vải gầm giường lên xem, hai chiếc lò đun than cuội vẫn đang cháy đều đặn, phấn bưởi màu trắng kẽ xanh phủ lớp thật dày lên than đen, không khí quanh phòng đượm nồng hương bưởi ấm áp, xoa dịu phần nào tiết trời rét buốt ngày đông.
"Để vú kêu tụi nô lấy thêm một chiếc lò sưởi lớn nữa."
Tâm Anh thơ thẩn gật đầu, im lìm miết mạnh mép chăn gấm.
Giây lát sau, An mẫu dẫn nha hoàn vào hầu hạ, tóc nàng nào cũng thắt bím hai nhánh dài, áo rộng xanh thẫm thùng thình, váy dài trắng tinh chạm gót chân. Loan nô đặt chậu đồng nước ấm lên bàn, nhúng khăn bông rồi vắt khô, thoa chút dầu thơm củ ngải, ngâm vào nước vỏ bưởi trong bát nhỏ, tiếp đó xếp thành hình vuông đưa Mai nô. Nàng ấy cầm lấy, bước đến bên giường lau mồ hôi đổ nườm nượp trên trán Tâm Anh.
An mẫu bưng vào một đĩa nho chín, dặn nha hoàn chuẩn bị giỏ hoa sen vào buồng nhỏ. Bà đưa Tâm Anh tách trà thảo mộc súc miệng: "Tháng trước tiểu thư cũng gặp ác mộng, đêm nào cũng mồ hôi thấm ướt áo, mặt mày tái nhợt xanh xao. Vú nhìn mà lòng đau lắm, hay để vú xin phu nhân mời thầy sư đến xem sao, lỡ dính phải mấy thứ đen rủi, ít nhất cũng có cách tiêu trừ."
"Đầu tháng mà nói chuyện này thật không nên, huống hồ ta chỉ gặp ác mộng chứ không gặp điềm lỡ gì, để qua mười ngày nữa hẵng nói đến việc mời thầy sư với mẫu thân."
"Vậy theo ý tiểu thư vậy." An mẫu đắp thêm một lớp chăn bông lên chân nàng rồi đưa một quả nho ngậm thơm miệng, lại hỏi: "Lần nào gặp ác mộng tiểu thư cũng không nhớ mình thấy gì, lần này cũng vậy sao ạ?"
Tâm Anh giật mình, vô thức miết tay áo rộng, gượng gạo gật đầu: "Phải, không nhớ gì cả."
Nên nói sao đây, không phải không nhớ chỉ là hình ảnh quá mơ hồ, lúc rõ như thật lúc lại mịt như sương, dù nàng có nhớ cũng không biết kể thế nào.
"Không còn sớm nữa, vú đã chuẩn bị nước ấm trong buồng nhỏ, tiểu thư rửa mặt xong thì vào tắm cho thanh tĩnh." An mẫu khẽ cười, vỗ về tay nàng, "Người bên khu phòng dệt đã đem đồ đến, hiện họ đang ở phòng khách đợi tiểu thư qua đó."
"Ta biết rồi."
Cửa sổ hai bên tường được nha hoàn mở ra, rèm mỏng phấp phới theo gió nhẹ, cuốn hương nắng ban mai thổi vào ngõ lầu trang. Y phục hôm nay được nha hoàn đặt gọn trên khay, giầy và tất cũng đã chọn ra đôi vừa ý, về phục sức thì luôn là Tâm Anh tự mình lựa.
Một đôi bông tai ngọc trai, cặp trâm bạc hoa lan, lại thêm vòng tay sứ xanh. An mẫu đằng sau giúp nàng chải tóc, một lược lại một lược kẽ trên mái tóc đen mượt, ngắm dung nhan xinh đẹp trong gương đồng, bà tấm tắc buông lời khen khôn xiết:
"Tiểu thư thật đẹp, năm nay đã tròn mười bốn, qua năm nữa sẽ rước lễ trưởng thành."
"Thời gian qua mau thật, mới đó đã qua cái tuổi mười hai rồi."
Tâm Anh vuốt đuôi tóc trước ngực, hơi thất thần nhìn vào gương. Màu gương vàng úa mờ, hình ảnh phản chiếu tựa gợn sóng nổi bên sông, dập dờn mà lênh đênh. Trong giấc mơ mỗi tháng qua, nàng thấy tà áo trắng ai đó bay bay trong nắng chiều, tay người cầm bút họa tranh làm thơ, khẩy dây đàn gửi tâm tư vào lời bài, rồi người thơ thẩn ngồi dưới trăng tròn, châm trà lại thưởng trà, tựa như đang đợi đó đến ngắm cùng...
Trong mơ, khuôn mặt người đó mờ như bờ nước đục, loáng thoáng chỉ thấy tóc đỗ dài sau lưng, áo trắng tinh khôi phấp phới nhè nhẹ, tay phe phẩy chiếc quạt chi chít chữ thơ. Dáng vẻ ấy, màu sắc ấy, với cả khung cảnh tao nhã ấy nữa... Hệt tranh màu hoa ngọc lan vậy.
Nàng bỗng nói: "Vú, lát nữa hãy thay mấy chậu mẫu đơn trong phòng thành ngọc lan."
"Dạ..."
An mẫu một bụng đều là ngạc nhiên không tưởng song cũng không dám hỏi thẳng. Tiểu thư thích nhất là hoa mẫu đơn cho nên từ trước đến nay khắp viện Anh Hoa chỉ trồng duy nhất loại hoa đó, sao giờ lại đổi sang ngọc lan, giống hoa đơn giản lại kém sắc thế này?
Lúc này ở phòng khách, thị Du đang dặn dò mấy cô hầu lát nữa phải xử sự cẩn thận, lời ăn tiếng nói đều phải trau chuốt thật kỹ.
An mẫu bước vào, bảo: "Tiểu thư kêu tôi mời thị qua lầu trang nói chuyện."
Thị Du vuốt phẳng cổ áo rồi đứng lên, "Vinh hạnh cho thị, vậy phiền An mẫu dẫn đường."
Ngói ngọc xanh biếc, tường son đỏ vàng, cổng lớn mở rộng, kẻ nô người hầu ra vào không xuể. An mẫu vén màn đi vào, đến bên chiếc tháp gỗ cúi người thưa:
"Đã đưa thị Du qua rồi ạ."
Tâm Anh tựa người vào tháp, ngón tay vân vê chuỗi ngọc trai.
"Chuẩn bị trà nóng và điểm tâm."
"Vâng."
Thị Du đặt khuỷu tay trước bụng, tiến về trước bốn bước nhẹ, khom lưng rồi cúi đầu hành lễ: "Thị thỉnh an tiểu thư."
Động tác xoay chuỗi hạt bỗng dừng lại, Tâm Anh đặt vòng chuỗi lên bàn, kêu An nô lấy ghế mời thị ngồi. Thị Du đường hoàng ngồi xuống, nhận tách trà hạt sen từ tay nha hoàn húp ngụm, Tâm Anh nhìn bà, lên tiếng: "Phần tiền thưởng lát nữa An mẫu sẽ đưa thị, mời thị đến đây chủ yếu muốn hỏi vài chuyện."
"Tiểu thư có điều gì muốn hỏi thị?"
"Chỗ áo bông đưa đến viện ta vào tháng này là nhiều hay ít?"
Thị Du bình tĩnh đáp: "Đều dựa trên số lượng đã tính mà phân chia ạ."
Nàng khẽ cười, ngắm nghía chiếc nhẫn ngọc đeo trên ngón tay, "Thị vất vả rồi, vú à, thay ta tặng ít quà cho khu phòng dệt."
Một lát sau An mẫu trở về, báo lại đã đưa nhóm người thị Du rời khỏi. Bà vừa châm trà vừa kể: "Vú đã đi thăm dò, so với viện mình thì bên viện của nhị tiểu thư Trâm Yên nhiều hơn ba khay áo bông."
Nàng xoa nhẹ tách trà An mẫu đưa, chớp mắt rồi thản nhiên hỏi: "Là lệnh của ai?"
Đầu An mẫu bỗng cúi thấp, nét mặt hơi mất tự nhiên, vừa nhìn Tâm Anh đã đoán được phần nào câu trả lời.
"Là phu nhân dặn thị Bình bên khu phòng dệt làm ạ."
Nàng húp ngụm trà xanh không hỏi thêm nữa.
Ngẫm cũng không lạ, mệnh bà Phi mà, được chăm sóc tốt hơn là phải.
Xế chiều, phu nhân sai nha hoàn đến viện Anh Hoa mời Tâm Anh qua chỗ bà dùng bữa. An mẫu chuẩn bị một bộ y phục màu tím rịm thêu cánh sen trắng, nếu là ngày trước Tâm Anh sẽ rất hài lòng nhưng hôm nay không hiểu sao nàng lại thấy không ưng, còn bảo An mẫu lựa bộ khác.
An mẫu đem ra mấy bộ đẹp nhất trong tủ cho nàng chọn, hết vàng lại hồng, hết xanh lại cam, nàng đều không thích. An mẫu nhíu mày, vẻ mặt khó hiểu: "Đây đều là những bộ tiểu thư rất thích cũng thường hay mặc mà, sao hôm nay lại chê xấu rồi?"
Tâm Anh nghe vậy thì tự nhiên ngớ người, đúng vậy, sao hôm nay nàng lạ thế nhỉ? Nàng nghĩ ngợi một hồi cũng không ra nguyên do là sao, thôi không nghĩ tiếp nữa.
"Lấy cho ta một bộ y phục màu trắng đơn giản là được."
Viện Triều Xuân của tam phu nhân nằm ở chính diện hướng cổng phủ Tam Kỳ, diện tích rộng thuộc quy mô lớn, từ quang cảnh bài trí đến chi tiết vụn vặt đều được sắp xếp tỉ mỉ. Hàn mẫu, người bên cạnh tam phu nhân Cỗ Mỗ đã chờ sẵn trước cổng viện để đón Tâm Anh, thấy nàng đến bà bèn đi tới hành lễ, sau đó dẫn nàng đến phòng khách.
Tam phu nhân Cỗ Mỗ đang ngồi yên vị trên ghế tròn, ngón tay đeo nhẫn vàng khe khẽ vuốt nắp tách sứ ngọc, đuôi rèm mi cong cong đượm ý cười nhạt. Tâm Anh bước đến hành lễ với bà, Cỗ Mỗ phu nhân nhìn nàng, nhìn từ cách ăn mặc đến từng chiếc trâm nàng đang cài.
"Ngồi đi." Bà đưa chiếc tách rỗng cho Hàn mẫu rót thêm trà, tiếp đó cầm đũa ngà gắp viên bánh bột đường vào chén sứ trắng rồi chậm rãi nói: "Đây là bánh bột đường nhân táo đỏ, mùi vị rất ngon, con nếm thử xem."
Mới cắn nửa miếng nàng đã bỏ đũa xuống, buông thẳng một câu: quá ngọt.
"Quá ngọt sao?" Cỗ Mỗ phu nhân nhíu mày, "Lạ vậy, Trâm Yên bảo rất vừa miệng, còn luôn miệng khen ngon."
Tâm Anh bật cười, nhận tách trà từ tay An mẫu rồi trả lời: "Muội ấy thích đồ ngọt, con thì không, bởi lẽ khẩu vị mới bất đồng."
Cỗ Mỗ phu nhân bảo Hàn mẫu chuẩn bị một chén chè đậu xanh ít đường, Tâm Anh ăn không nhiều, non nửa chén đã dừng muỗng. Cỗ Mỗ phu nhân ăn cũng không nhiều, nửa chén bánh ngọt đã nghỉ, bà nhấp miếng trà, nhìn Tâm Anh, từ từ nói:
"Ngày mốt là mùng ba, là ngày chùa tự An Sơn làm lễ cầu phúc cho nước mình, đến ngày đó tổ mẫu và hai thím của con cũng sẽ đi cùng, con tranh thủ chuẩn bị đồ lặt vặt cần dùng, theo dự tính của tổ mẫu con ắt hẳn sẽ ba bốn ngày nữa mới về."
"Con biết rồi."
Đang cùng Tâm Anh trò chuyện đôi câu vặt vãnh bỗng Cỗ Mỗ phu nhân nói với Hàn mẫu: "Vú ra ngoài xem Trâm Yên đã đến chưa, trời đang mưa sẵn tiện mang theo áo ấm khoác cho con bé."
Tâm Anh xoa nhẹ vòng chuỗi hạt đeo trên cổ tay, nét mặt lạnh nhạt. An mẫu hơi cúi đầu, vẻ bất bình thoáng hiện qua đôi mắt.
Một lát sau, Hàn mẫu trở về, khuôn mặt niềm nở bẩm báo: "Tiểu thư Trâm Yên đến rồi ạ."
Nha hoàn vén rèm cửa, một bóng người áo xanh bước vào. Tóc dài chấm eo, da dẻ nõn nà, mắt hạnh má đào, mũi cao môi hồng. Nàng cởi chiếc áo ấm lông cừu khoác trên người đưa Hàn mẫu cầm hộ, rồi lại phủi chút nước mưa còn vướng trên tóc.
"Mau đi lấy khăn ấm, nước ấm đâu đã chuẩn bị chưa? Xong rồi thì đến phòng bếp dặn họ làm vài món canh rừng đem lên."
Cỗ Mỗ phu nhân sốt sắng đứng dậy, tự mình cầm khăn lụa giúp Trâm Yên lau nước mưa dính trên mặt.
Đỗ mẫu theo hầu Trâm Yên nhỏ nhẹ nói: "Lúc trên đường đi thì trời bỗng đỗ mưa, Đỗ mẫu đã khuyên tiểu thư nên đợi mưa tạnh rồi hẵng đi tiếp cơ mà tiểu thư không chịu, người nói sợ phu nhân chờ lâu sẽ lo lắng nên không dám chậm trễ thì giờ."
"Con bé ngốc, đến chậm một chút đâu có sao. Lỡ mà con đỗ bệnh mẫu thân càng thêm lo lắng thôi."
"Ta chưa nói gì mà vú đã huyên thuyên nữa rồi." Trâm Yên đưa mắt liếc Đỗ mẫu một cái, hơi dỗi hờn bĩu môi: "Trâm Yên phải qua mau để còn cùng mẫu thân và tỷ tỷ dùng bữa nữa."
Tâm Anh đặt tách trà xuống khay, âm thanh không lớn vừa đủ để người trong phòng nghe rõ.
"Đáng tiếc muội đến trễ rồi, tỷ đã dùng bữa với mẫu thân xong."
Nghe vậy biểu cảm trên mặt Trâm Yên hơi mất mát, "Tiếc quá, lâu lâu mới được dùng bữa chung với tỷ tỷ, thế mà..."
"Không sao." Cỗ Mỗ phu nhân nắm tay nàng ủ ấm vào lòng bàn tay bà, nụ cười đong đầy sự dịu dàng: "Lần sau có dịp rảnh mẹ con ta lại dùng bữa chung."
Trâm Yên ngoan ngoãn gật gù rồi nhoẻn môi cười, ánh mắt thi thoảng lại liếc về phía Tâm Anh.
...
Ở Tô Thước quốc triều, danh xưng được chia thành nhiều loại và được phân thành nhiều giai cấp, nhất là với chúng hầu bán mình vào phủ quan thì càng áp dụng nhiều, đầu tiên tên đệm sẽ bị xóa khỏi đơn khai sinh và chỉ giữ họ tên lại. Để nhận biết địa vị cao hay thấp của họ trong phủ thì thường dùng ba cách xưng hô: Mẫu, thị, nô và hầu.
Mẫu: Góa phụ trên bốn mươi, phụ trách công việc dạy dỗ chăm sóc tiểu thư và các cô từ lúc còn nhỏ đến khi trưởng thành.
Thị: Người tiếp quản các công việc riêng lẻ trong khu phòng phủ, đồng thời cũng chịu trách nhiệm dạy bảo và hướng dẫn người hầu mới đến.
Nô: Nha hoàn theo hầu các tiểu thư con vợ cả đều được gọi là nô, trên hầu một bậc.
Hầu: Thuộc phân cấp nhỏ nhất, thường thì được phân vào các phòng phủ làm việc dưới sự quản lý của các thị.