Tùng Dung đi ăn trưa với người khác về, bước trên lớp tuyết ở khu chung cư, vừa vào trong tòa nhà liền thấy anh vận đồ Tây nghiêm chỉnh đứng chờ thang máy. Chiếc áo khoác lông dê vắt trên tay, một vali hành lý nhỏ màu đen đặt bên cạnh, có vẻ như anh mới đi xa về.
Tùng Dung làm luật sư lâu ngày, đã gặp quá nhiều người ăn vận nghiêm chỉnh. Những người ấy hoặc là bộ dạng cứng đờ, hoặc là giống dân bán bảo hiểm, hiếm ai có được khí chất riêng của mình.
Cô lặng lẽ quan sát thêm. Là đồ may thủ công, sang trọng lịch lãm, rất đẳng cấp và đầy phong cách. Nghe nói màu xám là lựa chọn tuyệt vời nhất trong tủ đồ của đàn ông, là sự pha trộn giữa nét đẹp và vẻ phóng khoáng.
Riêng về vấn đề này, cô đã có nhiều kinh nghiệm, biết rằng muốn nhìn ra xuất thân của một người thì không nên dựa vào áo vest, mà phải xem sơ mi bên trong. Cổ áo sơ mi của anh rất vừa vặn, tay áo sơ mi lộ ra ngoài tay áo vest đúng nửa tấc(*), hoàn hảo.
(*) Nửa tấc: 1.27 cm.
Ánh mắt Tùng Dung lướt xuống phía dưới. Quần Tây ôm lấy đôi chân dài, ống quần chạm đúng đến miệng giày.
Khi cô ngẩng lên, anh đang kéo cà vạt, những ngón tay thon dài sạch sẽ hơi cong, để lộ khớp xương sắc nét. Bàn tay ấy cứ dao động, dao động đến mức cuộn lên cơn sóng ngầm trong lòng Tùng Dung, gợi cảm đến chết người.
Không được nhìn nữa, không được nhìn nữa! Lý trí của Tùng Dung liên tục nhắc nhở bản thân, nhưng ánh mắt lại không nỡ dời đi.
Vài giây sau, cô dứt khoát quay người đi, quyết định sẽ đạp tuyết thêm một lúc nữa để lấy lại tỉnh táo.
Đúng lúc ấy cửa thang máy mở ra. Ánh mắt Ôn Thiếu Khanh lướt qua cô gái vừa lao ra ngoài như một cơn gió, mỉm cười rồi bước vào trong.
Ôn Thiếu Khanh về nhà tắm rửa, thay quần áo rồi ra ngoài. Khi đi qua vườn hoa của chung cư, anh thấy cô hàng xóm mới mặc bộ trang phục đơn giản đang tức giận đạp lên tuyết bên cạnh một đám trẻ con nhảy nhót nghịch tuyết, khác hẳn người phụ nữ mặc đồ công sở, dáng dấp trưởng thành chỉn chu mà anh gặp mỗi khi đi làm và tan làm.
Anh ngắm cô một lúc rồi cười bỏ đi.
Tuyết đọng khắp đường, nhiệt độ lại thấp nên nhanh chóng đóng băng. Ôn Thiếu Khanh không lái xe, lên xuống mấy chuyến tàu điện ngầm mới đến được Thành Nam.
Xuống tàu điện ngầm, đi thêm một đoạn thì đến trước cửa một căn tứ hợp viện. Chưa tới nơi đã ngửi được mùi thuốc từ bên trong, hương vị như đậm hơn trong bầu không khí giá lạnh. Anh đứng trước cửa một lát mới gõ cửa.
Sau khi gõ ba tiếng, Ôn Thiếu Khanh đứng yên chờ. Một lát sau, thấy cửa mở ra, anh cười gọi: "Bà nội."
Bà cụ tóc bạc trắng nhưng sắc mặt hồng hào chào anh, "Về rồi đấy à? Bà đoán ngay là cháu mà. Người khác gõ cửa không kiên nhẫn như cháu, sẽ không chờ. Cháu biết bà nội lớn tuổi rồi nên đi lại sẽ chậm chạp."
Ôn Thiếu Khanh đóng cửa, ôm vai bà thân mật rồi đỡ bà đi vào trong, "Vâng, cháu về lúc trưa. Cháu đến ăn chực, tiện thể đón Nhường... đón chó của cháu."
Bà Ôn nghe vậy liền cười, "Sao nào, tưởng ông bà không biết cháu gọi nó là Nhường Chút(*) à? Ông cháu vừa gọi chú út cháu là thấy nó hớn hở chạy đến, bao nhiêu lần như thế ai mà không hiểu? Cháu đấy, sao vẫn nghịch như trẻ con vậy?"
(*) Chữ "nhường", âm Hán Việt là "nhượng", là tên chú út của Ôn Thiếu Khanh (Ôn Nhượng).
"Ha ha, ông đâu hả bà?"
"Bác gái cháu bị ốm, anh họ cháu đến lấy thuốc. Ông đang xem chú út cháu sắc thuốc trong phòng."
Ôn Thiếu Khanh nhướng mày, "Tiêu Tử Uyên cũng ở đây?"
Chú út của Ôn Thiếu Khanh, Ôn Nhượng, là đứa con sinh muộn của ông cụ Ôn. Ôn Nhượng không lớn hơn Ôn Thiếu Khanh bao nhiêu tuổi, hai người tuy là chú cháu nhưng từ nhỏ đã cùng nhau đùa nghịch mà lớn lên, đến tận bây giờ Ôn Thiếu Khanh vẫn chưa bao giờ gọi Ôn Nhượng một tiếng "chú út". Ôn Nhượng đã có chút tiếng tăm trong giới Đông y, mấy năm trước không biết bị điều gì kích thích mà lên một ngôi chùa trên núi ăn chực nằm chờ. Ăn chực lâu ngày bị chùa ghét bỏ, bèn treo một tấm biên nhận bệnh nhân trên núi, sống nhàn nhã qua ngày bất chấp việc làm ăn có khá khẩm hay không. Ôn Nhượng được ông cụ Ôn đích thân dạy dỗ, rất giỏi y thuật, lâu ngày tiếng lành đồn xa, những người đến khám bệnh cũng dần nhiều hơn, còn có không ít người từ nơi khác tìm đến. Kiếm được bao nhiêu đều gửi nhà chùa làm tiền cơm, nếu nhiều thì xem như là tiền hương khói.
Mấy năm cứ thế trôi qua. Sau đó, Ôn Thiếu Khanh bày mưu lừa Ôn Nhượng xuống núi, thế là từ đó anh không còn đường thoát nữa.
Bước vào nhà, Ôn Thiếu Khanh liền bật cười.
Dù Ôn Nhượng còn trẻ nhưng tên tuổi cũng có tầm trong giới Đông y, vậy mà lại đang ngồi xổm trước cửa lò, cầm cây quạt khống chế sức lửa, trên mặt còn dính những vệt tro bếp, lại thêm vẻ lo sợ sẽ bị ông cụ mắng. Ôn Thiếu Khanh trông thấy vậy, tâm trạng trở nên tốt vô cùng.
Ông cụ Ôn là kiểu người "gừng càng già càng cay, bên ngoài uy phong lừng lẫy, mắng người cũng ngập khí thế, "Mấy năm rồi mà chẳng tiến bộ chút nào! Quên hết những gì ta dạy rồi! Sắc thuốc cũng không biết sắc! Bây giờ anh có danh tiếng rồi, loại việc này không đến tay anh làm nữa đúng không?"
Cách đó không xa, anh họ của Ôn Thiếu Khanh là Tiêu Tử Uyên cùng vợ là Tùy Ức đang cười xem kịch.
Mẹ Ôn Thiếu Khanh và mẹ Tiêu Tử Uyên là hai chị em ruột. Hai người lớn lên bên nhau, đến đại học lại ở cùng phòng, quan hệ khá tốt.
Ôn Thiếu Khanh vừa bước vào đã thấy một cái bóng trắng lao tới chỗ mình. Anh cười vỗ về rồi cùng chú chó gia nhập đội ngũ xem kịch.
Ôn Nhượng nghe tiếng động liền ngẩng đầu lên, chưa kịp thấy gì đã bị quát bắt cúi đâu.
"Lửa! Trông lửa!"
Vẻ mặt Ôn Thiếu Khanh khá hả hê, một lần nữa cảm thấy mình quá sáng suốt vì khi trước đã chọn học Tây y.
Trong mồ hôi nước mắt của Ôn Nhượng, thuốc cuối cùng cũng được sắc xong. Lúc nhận lấy thuốc từ tay Ôn Nhượng, Tiêu Tử Uyên không quên đâm chọc, "Sắp tới chắc phải thường xuyên làm phiền chú út rồi."
Ôn Nhượng nhìn nụ cười trên môi Tiêu Tử Uyên, lại thêm cả tiếng "chú út" này, lập tức trợn mắt run rẩy, vẻ mặt tràn đầy kinh hoàng.
Ông cụ Ôn quả thực không để lại cho nhân tài mới của giới Đông y này chút mặt mũi nào, giày vò suốt cả quá trình, cuối cùng còn giao bài tập, "Lát nữa đi chép Bản thảo cương mục một lần!"
Trong mắt người ngoài, xưa nay Ôn Nhượng luôn là người điềm đạm thanh tao. Nhưng nghe vậy, anh cũng chẳng thèm màng đến hình tượng nữa, mếu máo kêu ca: "Bố! Con lớn thế này rồi sao bố còn phạt con chép sách thuốc??"
Ôn Thiếu Khanh không thể nhịn được nữa, bật cười.
Ôn Nhượng lập tức phun toàn bộ hỏa lực, "Cậu còn dám cười? Nếu không tại cậu lừa tôi về thì sao tôi phải ăn mắng mỗi ngày thế này?"
Ôn Thiếu Khanh mỉm cười, hờ hững hỏi lại: "Nói vậy, nghĩa là chú vẫn muốn lên núi?"
Ôn Thiếu Khanh vừa mở miệng, Ôn Nhượng đã biết tình hình không ổn. Năm ấy anh âm thầm trốn đi, ông cụ Ôn tức đến mức đổ bệnh nặng, câu này là câu ông ghét nghe nhất.
Quả nhiên ông cụ Ôn lập tức cau mày, "Chép hai lần! Không chép xong thì không được ra khỏi cửa!"
Ôn Nhượng trừng mắt căm phẫn với Ôn Thiếu Khanh, Ôn Thiếu Khanh cười tươi, nheo mắt nhìn lại.
Có thêm Nhường Chút nên Ôn Thiếu Khanh không thể lên tàu điện ngầm, vì vậy ăn tối xong thì đi nhờ xe của Tiêu Tử Uyên về. Tuyết rơi nên đường trơn, Tiêu Tử Uyên lái xe khá chậm, thỉnh thoảng họ lại tán gẫu mấy câu.
"Bác gái lại không khỏe ạ?"
"Vẫn thế. Dạo này trời lạnh nên bệnh cũ tái phát."
"Lúc nào rảnh em đi thăm bác xem sao."
Tiêu Tử Uyên sực nhớ ra một chuyện, "Mấy hôm trước Lâm Thần liên lạc với anh đấy."
Ôn Thiếu Khanh hờ hững ậm ừ.
Năm ấy Ôn Thiếu Khanh vừa về nước, Lâm Thần liền chạy đến nửa kia địa cầu, từ đó trốn tránh anh rồi dần cắt đứt liên lạc, Thấy Ôn Thiếu Khanh không có phản ứng, Tiêu Tử Uyên tiếp tục, "Cậu ấy hỏi thăm tình hình của nhiều người lắm, nhưng không nhắc đến cậu."
Từ nhỏ Ôn Thiếu Khanh đã bị ông anh họ xấu bụng này trêu chọc, lâu ngày sinh ra miễn dịch. Anh ngoảnh sang cười hỏi: "Em không phải mẹ cậu ấy, cũng chẳng phải người cậu ấy yêu, không nhắc đến là chuyện bình thường."
Câu này trúng ý của Tiêu Tử Uyên, anh cười đáp trả: "Sao cậu biết cậu không phải "người cậu ấy yêu"? Cậu ta mãi không chịu trở về là tại cậu, chắc cậu không phủ nhận chuyện này chứ?"
"Hừ." Ôn Thiếu Khanh thu lại nụ cười, hạ giọng: "Nói cứ như em có lỗi với cậu ấy lắm vậy. Vớ vẩn!"
Dáng vẻ không chút hổ thẹn của Ôn Thiếu Khanh khiến Tiêu Tử Uyền tò mò, "Hỏi thật nhé, cô gái năm ấy không chọn luật sư mà chọn bác sĩ giờ đi đâu rồi?"
Ôn Thiếu Khanh nhìn bộ mặt hào hứng của ông anh họ, can mày ngoảnh mặt tố cáo với Tùy ức: "Em Tùy này, anh nhớ trước kia anh ấy không như thế... Chẳng lẽ ai đang yêu cũng đều thích hóng chuyện?"
Tùy Ức là đàn em thời đại học của Ôn Thiếu Khanh, hai người đều học chuyên ngành Y học lâm sàng, thế nên cô vẫn gọi Ôn Thiếu Khanh là anh.
Tùy Ức mỉm cười, vẫn dịu dàng, "Đàn anh ơi, không phải hóng chuyện đâu, chẳng qua lúc đó mọi người đều đồn anh và Lâm Thần là một đôi, không ngờ... Em quen biết Lâm Thần bao nhiêu năm, tới giờ vẫn chưa từng thấy anh ấy trốn tránh ai như vậy nên cũng hơi tò mò."
Ôn Thiếu Khanh cảm thấy cặp đôi xấu bụng này ở cùng nhau thật không phải chuyện tốt đẹp gì. Người thông minh không lấy ít địch nhiều, thế nên suốt quãng đường còn lại anh giữ im lặng tuyệt đối.
Tùng Dung vẫn cho rằng những lời Chung Trinh nói hôm ấy chỉ là cố ý trêu tức cô mà thôi, ai ngờ cậu thật sự nhiệt tình với vụ mai mối này, đã bắt đầu hành động.
Thế là hôm sau khi Ôn Thiếu Khanh kiểm tra phòng xong thì thấy Chung Trinh đi đến, dùng vẻ mặt mong đợi hỏi anh: "Sếp ơi, sếp có bạn gái chưa?"
Ôn Thiếu Khanh nhìn cậu, "Chưa, sao?"
Chung Trinh hớn hở, "Vậy để em giới thiệu chị họ em cho sếp nhé. Em có một bà chị họ đến tuổi lấy chồng, quan trọng nhất là chị ấy..."
Ôn Thiếu Khanh gài bút vào trước ngực áo, thản nhiên nhìn cậu, "Chung Trinh này, đi đường vòng(*) chưa chắc có thể cứu quốc. Dù tôi có cưới chị họ cậu thì thứ Hai tới luận văn của cậu nhất định vẫn phải xuất hiện trong hộp thư của tôi."
(*) Đường vòng chưa chắc có thể cứu quốc: Xuất phát từ cụm từ "Đường cong cứu quốc", ý chỉ muốn chiến thắng địch đôi khi không thể sử dụng cách tấn công trực tiếp mà phải dùng cách gián tiếp như sử dụng kế sach làm nhiễu loạn nội bộ địch, tập trung vao giáo dục, văn hóa, tuyên truyền để có thêm sức mạnh kháng chiến.
Nhắc tới luận văn Chung Trinh lại không khỏi đau đầu, nhưng giờ điều cậu quan tâm nhất không phải luận văn, "Em không có ý đó... Em muốn giới thiệu bạn gái cho thầy thật mà".
"Không cần cậu bận tâm." Ôn Thiếu Khanh ngừng lại một chút, ngoảnh đầu nhìn cậu, "Tôi có người mình thích rồi."
"Hả?" Chung Trinh thất vọng, "Sếp còn độc thân cơ mà?"
Ôn Thiếu Khanh cười, "Độc thân thì không thể thích ai à? Sao nào, chị họ cậu không lấy được chồng hả?"
Chung Trinh là người có biểu cảm phong phú, mang biệt danh "bộ biểu tượng cảm xúc". Cậu nghe vậy liền trợn mắt, bắt đầu giải thích: "Sao có thể như thế? Sao có thể như thế? Em sợ sếp ở một mình mãi sẽ cô đơn nên mới giới thiệu chị họ cho sếp mà. Đúng rồi, sếp có biết trong số các bác sĩ nam cỡ tuổi sếp ở bệnh viện chúng ta còn ai độc thân không? Nhỏ hơn sếp một, hai tuổi cũng được."
Ôn Thiếu Khanh bất lực với cậu, "Học y vất vả quá nên tính đổi nghề mai mối à?"
"Không phải thế!" Chung Trinh chán nản thở dài, "Một người phụ nữ tốt như chị họ em sao lại không tìm được người đàn ông nào chứ? Thầy Ôn, chị họ em tốt lắm, thật đấy, thầy thật sự không thể cân nhắc một chút à?"
Ôn Thiếu Khanh đóng tập bệnh án lại, "Tôi đổi ý rồi."
Chung Trinh hớn hở, còn chưa kịp cười đã nghe thấy Ôn Thiếu Khanh lên tiếng.
"Luận văn của cậu không được để đến sang tuần. Trước giờ tan làm thứ sáu nhất định phải xuất hiện trong email của tôi." Nói xong, anh thản nhiên bước ra ngoài đi khám bệnh.
Chung Trinh đóng vai biểu tượng cảm xúc yên lặng, ai oán ngồi ở góc phòng.