“Ông cảm thấy người nào tốt hơn?”
Trước khi đi ngủ, bà Tư đã thuật lại chi tiết những chuyện đã xảy ra ở khách sạn cho Tư Ưng. Từ chuyện Ngôn Tang bị lép vế cho đến chuyện ngài Úc mắng chửi thô tục, Tư Ưng vẫn giữ nụ cười. Nhưng đến khi cô ba đứng ra chỉ thẳng mặt ngài Chu vứt bỏ vợ cũ, sắc mặt Tư Ưng dần trở nên nghiêm trọng.
Bà Tư mắt nhìn mũi mũi nhìn tim, hỏi thăm: “Cô ba này không tệ, em thích cô bé lắm. Có điều, đáng tiếc đúng không?”
Tư Ưng lắc đầu, “Nhà anh Lâm có một món nợ cũ, cũng là vì mẹ ruột của con bé ba. Chuyện này kể ra thì đúng là không phải lỗi của ông ấy. Nhưng thế đạo hiện nay, phần lớn học sinh từ gia đình cũ ra nước ngoài đều có nợ phong lưu, mà ông ấy cũng là một trong số đó. Một năm trước nhận được thư của Ngôn Tang tôi mới biết được chuyện này cũng thấy rất tiếc. Cho dù có ý phê bình ông ấy thì cũng đã qua thời điểm có thể khuyên nhủ. Ngôn Tang trở nên nổi tiếng, nghĩ ắt hắt cũng là vì chuyện ấy, cảm thấy bất bình cho con bé ba. Có được kiến thức và sự gan dạ ấy, lại vừa có thể cùng tiến cùng lùi với Ngôn Tang, với nó mà nói, sợ là trên đời này không có cô gái thứ hai nào giống con bé cả.”
Bà Tư thở dài, “Biết núi có hổ mà vẫn cứ đâm đầu, dù cô ba có lợi hại tới mấy thì vẫn chỉ là phận nữ nhi. Dù lần này làm khá ổn, nhưng về sau không biết sẽ có bao nhiêu tờ báo lớn nhỏ sẽ đối phó với thằng bé, cô bé có thể giúp được bao nhiêu lần? Vốn muốn tìm một hiền thê để kìm hãm tính khí của nó, dập tắt lửa của nó. Nhưng giờ thì hay rồi, cô bé còn có tính cách dữ dội hơn, nếu thằng bé là lửa thì cô bé chính là dầu hỏa…”
“Thế để nó cháy không tốt sao? Cháy càng rực mới phải!”
“Cháy rực?” Bà Tư tức giận, toan bỏ đi, “Hai cha ông đúng là cùng một chiếc bật lửa. Đốt đi, đốt chết luôn đi!”
Tư Ưng dỗ dành vợ một hồi, sau đó vội hỏi, “Vậy còn cô lớn?”
“Đứa lớn cũng chỉ có chút tài hoa khí chất, có lẽ do bị mẹ chiều hư rồi, mà cũng không biết còn ai chiêu hư không, so ra không bằng cô ba về mọi mặt. Nếu nói có gì tốt thì chính là lòng dạ sâu, trầm ổn hơn cô ba.”
Nghe thấy câu “không biết là bị ai chiều hư”, Tư Ưng nhớ lại một chuyện không hay. Lúc triều đại vẫn chưa thay đổi, hai người bọn ông đã quyết định quan hệ thông gia giữa hai nhà Tư – Lâm. Sau này ông dẫn Ngôn Tang phiêu bạt khắp nơi, trong lúc ông khốn đốn vất vả nhất, Lâm Du đột nhiên gửi thư tới nói muốn hứa gả cô con gái của người vợ cả cho Ngôn Tang, khiến ông cảm kích tột cùng. Đợi tới lúc ông về Bắc Bình, Lâm Du mời hai cha con ông đến Thiệu Hưng, ý lại như muốn gả cô hai cho Ngôn Tang… Mỗi lần nghĩ đến đây, ông lại nhớ tới những ràng buộc và dính dáng giữa hai nhà Tư – Lâm trong nhiều năm qua, lại xấu hổ áy náy khi lấy bụng tiểu nhân đo lòng quân tử.
Ông hỏi lại: “Không phải nghe nói cô hai từng đính ước với nhà họ Trịnh à?”
Bà Tư ngẩn người: “Nhưng bà mẹ của Doãn Yên nói, hôn sự với nhà họ Trịnh đã bị hủy bỏ rồi.”
Tư Ưng gật đầu, “Cũng phải. Chẳng qua là người lớn hai nhà giỡn chơi mới đặt ra chuyện đính hôn từ bé.”
“Nếu đã đồng ý hôn nhân thì cũng không thể bảo che mẹ con gái người ta chủ động được. Chuyện này có làm tiếp cũng không phải,” Bà Tư nhìn ông, “Nếu nói về tâm ý của Ngôn Tang thì ắt hẳn là con bé ba, nhưng như thế phải chịu khổ. Còn nếu nó muốn từ nay về sau sống bình yên thuận lợi thì không thể cưới con bé ba được. Ông xem, người làm cha như ông nghĩ thế nào đây.”
Tư Ưng nghe lời vợ, trầm ngâm một hồi, sau đó không chút do dự hạ bút viết thư.
***
Cô Hứa đã đem đến một tin tức vô cùng lạc quan đến cho cô: cô ấy đã được nhận vào thực tập ở bệnh viện nhà máy sợi dệt.
Đi cùng cô ấy còn có hai sinh viên nam thuộc chuyên ngành Sinh vật học và Y học từng du học Nhật Bản, hai người họ đều là người trong ngành, nhưng đều bị nhà máy sợi dệt từ chối. Thế mà cái kế hoạch đâm ngang bất ngờ của cô ấy lại thành công để cô ấy được nhận vào thực tập. Cô Hứa từng nghĩ trong đó có âm mưu gì đó không muốn bị người khác biết, về sau mới vỡ lẽ: chẳng qua người Nhật thấy cô là nữ nên mới không đề phòng.
“Không đề phòng ấy hả? Bọn họ còn chẳng thèm kiêng dè gì sất! Lúc ở Nhật Bản, bọn họ không ngại để học sinh Trung Quốc chúng ta đọc tài liệu lính Nhật sát hại người Trung. Tôi kể cho mấy người họ Trịnh những gì tôi nghe được thấy được, tôi tức đến điên người, chỉ muốn lập tức báo cho ký giả biết việc làm tàn ác của bọn họ. Nhưng bọn họ lại khuyên can tôi, chỉ vì không thể đem theo máy ảnh, không chụp được bằng chứng. Mà không có bằng chứng thì những lời đó chỉ là câu chuyện sởn tóc gáy, không ai tin cả.”
Nơi đó là một bệnh viện bỏ hoang tại một huyện cũ ở Thượng Hải, nhân viên và lính Nhật ở đó đều gọi nó là “bệnh viện G”, còn cô ấy gọi nó là “vườn hoa kinh khủng”. Đó là một khoảng sân rộng được bao quanh bởi những tòa nhà cao tầng, xen kẽ là một vài tòa nhà nhỏ hai ba tầng, là điểm thấp nhất của độ cao kiến trúc khu vực phụ cận. Lý do vì sao người ở chỗ cao không theo dõi được, bởi vì nó trông giống một khu vườn, có lịch sử lâu đời cùng những lùm cây rậm rạp, là điểm mù dưới ánh mặt trời, là chỗ trú ẩn lý tưởng cho bọn tội phạm.
Các tòa nhà trong sân rộng được đánh dấu bằng chữ in hoa tiếng Anh A, B, C, D. Mỗi tầng được ngăn cách bởi một hàng rào sắt bị khóa bởi một chiếc ổ khóa kỳ dị. Có một số khu vực chỉ những người quan trọng nhất mới có thể ra vào, ví dụ như tầng hai hoặc tầng ba.
Không đủ điều kiện để ra vào tầng hai và tầng ba, cô ấy chỉ có cơ hội đi lang thang ở khu vực an toàn.
Bố cục thiết kế bên trong rất hoàn chỉnh: nguồn cung cấp ban đầu được kéo từ công ty điện lực Hoa Thương ở tô giới Pháp, sau đó dần dần xây dựng phòng phát điện độc lập của riêng mình, nồi hơi áp suất cao, phòng nước mềm, phòng làm đá và máy tạo khí ga trong tầng hầm của phòng thí nghiệm.
Máy phát điện được chôn sâu ở dưới tầng hai, cả ngày lẫn đêm chuyên cung cấp nguồn điện xoay chiều lên tầng trên cùng để chiếu sáng và điều khiển các máy bơm khác nhau, để khi tình huống vô cùng tồi tệ xảy ra thì có thể tự động tiến hành cung cấp điện.
Ở nơi đó, cô ấy còn trông thấy lều động vật cùng lò thiêu hủy xác động vật. Nhưng cô ấy không biết là rốt cuộc nó dùng để đốt thứ gì.
Bên dưới sàn tầng hai có rất nhiều đường ống cung cấp nước, nhưng cô cũng không rõ rốt cuộc nó dùng để làm gì. Cô Hứa cởi áo khoác, mặc bên trong là chiếc sườn xám không tay. Cô ấy vươn cánh tay trắng nõn ra, bên trong khuỷu tay là chi chít sơ đồ đường ống được chép lại bằng bút máy.
Sở Vọng phân biệt từng thứ một: “Mấy thứ này theo thứ tự là ống nước lạnh và ống nước nóng, đây là nước uống lạnh, còn đây là nước mặn lạnh, đây là ống dẫn khí, ống khí nén, ống chân không, còn có cả hơi nước khử trùng, ống sưởi ấm.” Vừa nói Sở Vọng vừa cau mày: “Đến những nơi tiên tiến nhất mà người Trung Quốc sống như Thượng Hải, tô giới công cộng, những căn nhà tốt nhất cũng chỉ có hai loại ống nước nóng và lạnh. Bọn họ làm thí nghiệm gì mà lại tốn tiền tốn thời gian xây dựng nhiều đường ống thế này?
“Chế tạo ‘bột máu’ cần môi trường cực lạnh và thiếu oxy. Em biết nó là gì không?”
“Biết. Dùng huyết trâu bò nghiền thành bột, là thức ăn gia súc của bọ chét. Mục đích duy nhất của việc nuôi bọ chét chính là muốn tạo ra dịch hạch.”