Giếng Thở Than

Chương 24: Mốc địa sản của láng giềng



Người nào dùng phần lớn thời gian của mình để đọc sách hay viết sách, dĩ nhiên đặc biệt chú ý đến các đống sách khi đi ngang qua chúng. Họ chẳng bao giờ qua một quầy sách, một hiệu sách, hoặc một giá sách trong phòng ngủ mà không đọc lấy một đầu đề sách, và nếu như họ đứng trước một thư viện lạ, chủ nhà khỏi phải lo làm gì để tiêu khiển cho họ. Việc xếp lại những bộ sách để lung tung vào cùng với nhau, dựng thẳng lại cái cuốn sách bị cô đầy tớ phủi bụi để ngổn ngang chồng chất lên nhau, đối với họ là một công việc đầy vui sướng. Tôi cũng sung sướng được làm những việc đó, và một lần vô tình, mở một trang sách khổ tám hồi thế kỷ mười tám ra "xem nó là cái gì" và sau năm phút kết luận rằng đáng để chui vào một chỗ mà đọc, tôi đang ở vào một buổi trưa tháng Tám ẩm ướt ở toà nhà Betton court…

"Bạn mở đầu theo kiểu Victoria quá nhỉ?" Tôi bảo "Về sau vẫn tiếp tục như thế ư?"

"Bạn làm ơn nhớ cho" bạn tôi nói, nhìn tôi qua cặp kính "Tôi là một người thuộc thời đại Victoria từ lúc mới sanh và qua cả quá trình giáo dục, một cái cây Victoria không phải vô cớ được mong đợi sinh ra quả Victoria. Hơn nữa, bạn nên nhớ là một lượng lớn những sách thổ tả ấy – nhưng lại hay và đầy suy tưởng – toàn là viết về thời Victoria hết" "Này nhé" bạn tôi đặt mấy tờ bản thảo lên đùi "bài viết The Stricken Years - Những năm tháng ấn tượng mạnh – này chẳng hạn, trong phụ trương văn học của tờ Thời Báo, viết khá đấy chứ, phải không? Dĩ nhiên là vậy rồi, nhưng, ồ, bạn đưa hộ đây cho tôi, ngay trên bàn cạnh chỗ bạn ấy."

"Tôi cứ tưởng bạn đọc cho tôi nghe những thử loại viết chứ" tôi ngồi im bất động "nhưng, dĩ nhiên…"

"Vâng, tôi biết, tôi sẽ đọc ngay đây, nhưng rồi sau đó sẽ chỉ cho bạn thấy tôi muốn nói gì. Tuy vậy," anh tôi nhặt mấy tờ giấy lên rồi đeo kính vào.

…Ở tại Betton Court này, nơi mà từ nhiều thế hệ trước, hai thư viện của hai nhà ở nông thôn bị trộn lẫn vào nhau, chẳng con cháu nào chịu lọc ra hoặc bỏ đi những quyển có hai bản. Tôi không có ý định nêu ra những sách quý hiếm, sách khổ lớn của Shakespeare đóng thành từng bộ khảo luận rất khéo léo, thận trọng hoặc đại loại như vậy mà chỉ muốn nêu ra một trắc nghiệm xảy đến cho tôi trong quá trình tìm tòi – một trải nghiệm khó giải thích cũng chẳng ăn nhập vào lịch trình cuộc sống hàng ngày của tôi chút nào.

Như đã nói ở trên, tôi đang ở vào một buổi trưa tháng tám ẩm ướt, ấm áp và nhiều gió. Bên ngoài cửa sổ cây cối lay động, khóc than. Qua khe các cây cao là đồng quê xanh lục và vàng (ngôi nhà đứng trên sườn đồi) xa hơn là những ngọn đồi xanh bị màn mưa che phủ. Trên cao là những giải mây thấp nằm im lìm xem ra khó lòng di chuyển về phía Tây Bắc. Tôi dừng công việc của mình lại – nếu các bạn có thể gọi đó là công việc – vài phút ra đứng bên cửa sổ nhìn cảnh vật. Còn có mái rơm nhà ươm cây bên phải, mưa từ đó tuôn xuống, phía sau nó là tháp chuông nhà thờ vươn cao lên bầu trời. Cảnh trí đó giúp tôi tiếp tục công việc đang làm. Còn lâu trời mới hửng lên được. Thế là tôi trở lại giá sách, nhắc ra một bộ tám chín quyển, đề chữ "Luận văn ngắn" đem ra bàn xem cho kỹ.

Đa số dưới thời nữ hoàng Anne. Nào là Thời hoà bình vừa qua, Thời chiến tranh vừa qua, Cách cư xử của quân Đồng minh, cũng có cả " Những bức thư gửi người họp hội nghị tôn giáo ", Những bài giảng đạo ở nhà thờ St Michael Queenhithe, Điều tra về vụ buộc tội của ngài giáo chủ Winchester (có lẽ Winton thì đúng hơn) đối với giới tăng lữ của mình v..v..toàn những việc rất sinh động hồi ấy, với lối văn cổ thật sắc sảo, chua cay khiến tôi mê mẩn ngồi đọc trong chiếc ghế bành bên cạnh cửa sổ và mất nhiều thì giờ về chúng hơn dự định. Thời tiết ngày hôm ấy cũng làm tôi khá mệt. Đồng hồ nhà thờ điểm bốn giờ, thực sự mới có bốn giờ, hồi năm 1889 thắp sáng ban ngày không cần tiết kiệm lắm.

Thế là tôi tiếp tục yên vị với công việc. Thoạt đầu lướt mắt qua mấy cuốn sách nhỏ về chiến tranh, sau đó vui thích nhặt ra mấy quyển của Swift mà ông ta viết khá hay. Tuy nhiên mấy cuốn sách nhỏ về chiến tranh muốn đọc thì cần hiểu biết nhiều hơn về địa lý nước Hà Lan. Tôi quay lại vấn đề nhà thờ, đọc một số trang mà linh mục trưởng nhà thờ Canterbury có nói với Hội nâng cao kiến thức Cơ đốc giáo nhân cuộc họp kỷ niệm ngày thành lập năm 1711. Giờ đến một lá thư của một tu sĩ được hưởng lộc Thánh thuộc giáo khu của giáo chủ C., tôi đã bắt đầu thấy uể oải, thành ra nhìn vào câu sau đây suốt một lúc lâu không khỏi ngạc nhiên:

"Sự lợi dụng này (tôi nghĩ gọi như vậy là đúng) là điều tôi tin chắc ngài sẽ (nếu như ngài biết) hết sức cố gắng giải quyết cho xong. Nhưng tôi tin là ngài không biết gì hơn về nó ngoại trừ câu sau (lời của bài hát dân gian)

"Ai đi dạo ở Betton Wood.

Cũng biết rằng vì sao nó cứ đi, cứ kêu thét lên hoài" .

Tôi ngồi thẳng dậy trong chiếc ghế bành, ngón tay lần từng chữ từng dòng để tin chắc mình đã đọc đúng. Không sai chút nào. Không còn gì tiếp theo nữa. Đoạn sau, đề tài thay đổi đột ngột "Nhưng tôi đã nói đủ về mục này rồi" những chữ mở đầu đoạn đó là như vậy. Cả cái tên của vị tu sĩ cũng không được nhắc đến, chỉ có hai chữ viết tắt đầu tên họ và thư này được in ở London.

Các bí ẩn ở đây thuộc loại chẳng khiến mọi người quan tâm bao nhiêu. Đối với tôi, người đã khua khoắng khá nhiều trong các tác phẩm dân dã thì lại đặc biệt kích thích. Tôi quyết định phải tìm cho ra câu chuyện ẩn đàng sau, ít nhất cũng có cái may ở một điểm, tức là lẽ ra đọc những dòng chữ này ở tận một thư viện đại học xa xôi, thì tôi lại đang ở đúng Betton, chính tại hiện trường.

Đồng hồ nhà thờ điểm năm giờ, sau đó là một tiếng cồng đơn độc. Tôi hiểu giờ dùng trà đã đến, bèn đứng lên theo tiếng mời gọi. Chỉ có tôi và chủ toà nhà ở nhà. Anh bước vào ngay sau đó, người ướt sũng sau cuộc đi thăm đất đai cho biết nhiều tin tức mới trong vùng. Mãi tôi mới hỏi được một câu là trong giáo khu có nơi nào tên là Betton Wood không.

"Betton Wood" bạn tôi đáp "Cách đây chừng một dặm, đúng trên đỉnh đồi Betton Hill, cha tôi đã cho chặt hết cây, đánh hết gốc sồi rậm rịt đi vì cho rằng trồng ngũ cốc lợi hơn. Nhưng anh hỏi Betton Wood làm gì?"

"Bởi vì" tôi trả lời "tôi vừa đọc một quyển sách nhỏ rất xưa trong đó có hai dòng về bài dân ca nói đến nó, qua đó thấy như thể bắt nguồn từ một câu chuyện nào đó. Thế nào chẳng có người biết cái gì đó nhiều hơn là cai câu "Ai đi dạo ở Betton Wood, cũng biết rằng vì sao nó cứ đi và cứ kêu thét lên hoài."

"Trời ơi!" Philipson nói "Tôi không hiểu có phải là… Để tôi hỏi ông già Michell." Anh ta lẩm bẩm một mình cái gì không biết, vừa uống thêm trà vừa ra dáng nghĩ ngợi.

"Có phải là…thế nào?" Tôi hỏi.

"Tôi định nói thế này, không biết có phải vì thế mà cha tôi cho đánh hết gốc sồi ở khu rừng nhỏ Betton Wood ấy không? Tuy tôi vừa nói mục đích để có thêm đất trồng trọt nhưng lý do thực thì tôi không biết. Tôi không tin rằng cụ phá rừng chỉ vì vậy. Chỗ ấy bây giờ chỉ là mảnh đất gồ ghề làm đồng cỏ chăn nuôi thôi mà. Nhưng ít nhất vẫn còn một ông già có thể nhớ lại điều gì đó – tức là lão Michell." Anh bạn tôi xem đồng hồ "Để tôi xuống tìm lão hỏi xem thế nào. Tôi không đem anh đi cùng thì hơn. Chuyện kỳ quặc ít khi lão nói ra trước một người lạ lắm"

"Ừ, anh nhớ cho kỹ từng lời lão kể nhé. Còn tôi đợi trời hửng tôi sẽ đi ra ngoài, nếu không, thì lại tiếp tục đọc sách vậy."

Trời hửng, ít nhất cũng khiến tôi nghĩ tới việc đi tới ngọn đồi gần nhất ngắm cảnh nơi đây. Tôi không biết gì về địa thế cả, đây là lần đầu tôi đến thăm Philipson mà lại là ngày đầu tiên. Thế là tôi xuống vườn rồi băng qua các bụi cây ẩm ướt, tâm trí thanh thản, và chẳng hiểu cơn bốc đồng mơ hồ nào mà tại sao lại mơ hồ như thế cơ chứ, đã hối thúc tôi rẽ sang trái khi đến chỗ con đường nhỏ phân đôi. Kết quả là sau chừng mười phút đi mò mẫm qua một dãy lều của những người đi săn có nước mưa đang nhỏ giọt và những cây liễu, cây thủy lạp, tôi đối mặt với một cổng vòm bằng đá kiểu Gô tích bắt vào bức tường vây quanh toàn bộ địa sản của chủ nhà. Cánh cửa có khóa lò xo. Tôi cẩn thận để ké cửa sau khi đi qua để ra đường. Sang bên kia đường, tôi đi vào một con đường nhỏ hai bên có hàng rào cây dẫn lên phía trên, tôi cứ thong dong đi theo chẳng nhỏ đó khoảng nửa dẳm thì ra đến cánh đồng. Đây là một vị trí thuận lợi cho tôi nhìn được toàn cảnh toà nhà, ngôi làng và cảnh vật xung quanh. Dựa mình vào một cái cổng, tôi chăm chú nhìn sang phía Tây rồi nhìn xuống quang cảnh dưới chân.

Tôi nghĩ hẳn tất cả chúng ta đều biết những phong cảnh – không hiểu là của Birket Foster hay còn sớm hơn nữa – dưới hình thức tranh khắc gỗ trang trí các quyển thơ nằm trên bàn các phòng khách của cha ông chúng ta, những quyển mà bìa là "vải nghệ thuật, đóng gáy rập nổi chữ vàng" – câu này cực kỳ đúng. Phải thú thật tôi chiêm ngưỡng những thứ này, đặc biệt cảnh người nông dân tựa vào hàng rào đứng ngắm nhìn tháp chuông nhà thờ làng mình – từ dưới chân một quả đồi – có cây cổ thụ bọc quanh, rồi một cánh đồng phì nhiêu cắt ngang cắt dọc bởi các hàng rào cây, xa xa quanh cánh đồng là những ngọn đồi mà đằng sau chúng vầng mặt trời của ban ngày đang lặn xuống (hay đang mọc lên), giữa những gợn mây sáng chói vì ánh nắng tắt dần (hay đang dâng lên). Đó là những từ ngữ mà tôi dùng để diễn đạt ở chỗ này, tôi cho là thích hợp nhất với những bức tranh hiện ra trong óc. Và nếu như có điều kiện, tôi rất muốn được đưa vào Vale, Grove Cot và Flood. Dù thế nào thì thế, đối với tôi chúng thật đẹp, những quang cảnh ấy. Và lúc này đây chính là một quang cảnh như vậy đang ở trước mắt tôi, cứ như thể nó đi thẳng từ quyển thơ "Những hạt ngọc quý của bài hát thiêng liêng, do một phu nhân tuyển chọn " được Milliant Graves tặng cho bạn thân là Eleanor Philpson năm 1859 làm món quà sinh nhật. Nhưng ngay lúc đó, bỗng nhiên trong người tôi nhói lên một cái. Một tiếng run rẩy trong tai bên phải xuyên buốt lên đầu tôi như một nốt nhạc chói tai, như tiếng thét của một con dơi, chỉ khác là to gấp mười lần – một thứ tiếng nó làm người ta thắc mắc không hiểu trong não mình có vấn đề gì không. Tôi ngừng thở, bịt tai lại, người tôi run lên. Hệ tuần hoàn của mình có vấn đề rồi! Cứ như thế một hai phút. Sau đó tôi trở về nhà. Tuy nhiên, còn cố ghi lại hình ảnh quang cảnh trước mắt thật sâu vào trong tâm trí. Chỉ có điều quang cảnh lúc này không còn thấy như lúc trước nữa. Mặt trời đã khuất sau đồi, ánh sáng đã tàn trên cánh đồng, và khi trên tháp chuông nhà thờ đồng hồ điểm bảy tiếng, tôi không còn nghĩ đến những giờ khắc êm dịu của buổi chiều và mùi hương của hoa cỏ, của rừng cây trong không khí chiều tà nữa. Tôi cũng không nghĩ rằng có người nào đó trong trang trại cách đây một, hai dặm có thể nói "Chuông nhà thờ đêm nay ở Betton này sao mà trong trẻo sau cơn mưa đến thế!" Thay vào đó, hình ảnh những làn bụi với những con nhện bò ra, những con cú hoang đậu trên tháp chuông, những ngôi mộ bị lãng quên với những quan tài hoặc xương xẩu ghê rợn chôn bên dưới, vào lúc "thời gian" trôi như bay đã đem theo tất cả đời tôi. Đúng lúc đó, từ tai trái của tôi – gần đến mức như môi ai đó ở cách đầu tôi chỉ vài phân – tiếng đáng sợ kia lại thét choé lên.

Đến bây giờ thì không thể nhầm được nữa. Tiếng kêu đó là từ bên ngoài. "Không phải ngôn ngữ, chỉ là tiếng kêu", ý tưởng này chợt loé lên trong óc tôi. Nó sởn người hơn tất cả những thứ tiếng tôi đã nghe thấy từ trước đến nay, trong đó không thể hiện một xúc cảm nào và có lẽ không có chút trí tuệ nào. Tất cả tác dụng của nó chỉ là lấy đi hết thảy mọi dấu vết, mọi khả năng, có niềm vui, làm cho người ta không thể đứng ở nơi này lâu hơn một chút nào nữa. Dĩ nhiên không nhìn thấy gì cả nhưng tôi tin chắc nếu chờ thêm ít phút nữa hẳn cái tiếng kêu đó sẽ lại đập vào tai tôi không ngừng, vô mục đích, và làm sao tôi có thể chịu đựng nổi nó một lần thứ ba? Tôi vội ra con đường nhỏ, xuống đồi. Đến cánh cổng vòm nơi bức tường, tôi đứng sững lại. Liệu ta có bị lạc không trong những lối đi ẩm ướt mà lúc này chỉ càng ẩm hơn và tối thêm? Không, và tôi phải tự thừa nhận với mình tôi đâm ra sợ hãi. Quá bị chói tai vì tiếng kêu trên đồi, thần kinh tôi hoảng loạn lên, giờ đây có lẽ chỉ một tiếng chim trên cành hay tiếng con thỏ chạy trong bụi cũng làm tôi giật thót mình. Tôi cứ theo con đường dọc theo bức tường, và thấy sung sướng khi tới căn nhà của người gác công viên để vào cổng, vừa vặn thấy Philipson từ làng về.

"Anh đi đâu về vậy?" Anh ta hỏi.

"Tôi đi theo con đường nhỏ đối diện với cổng vòm của bức tường ấy mà lên đồi đi dạo một chút."

"Ồ, vậy ư? Thế ra anh lên gần đến Betton Wood trước kia rồi còn gì. Nếu như anh cứ theo đó mà lên đỉnh đồi rồi đi ra cánh đồng thì chính là Betton Wood ngày xưa đấy."

Độc giả có tin tôi không? Lần đầu tiên tôi rút ra ngay kết luận. Có nên nói ngay với Philipson cái gì đã xảy ra cho tôi không? Tôi im. Tôi chưa có trải nghiệm nào với những thứ mà người ta gọi là siêu tự nhiên, hoặc bất bình thường, siêu vật chất, tuy nhiên, mặc dù biết rằng trước sau rồi cũng phải nói ra, tôi chưa muốn nói ra vội, tôi đã đọc qua nhiều lần ở đâu đó rằng làm như vậy là thường tình.

Tôi chỉ nói "Thế anh có gặp ông già đó không?"

"Già Mitchell ấy ư? Có chứ. Nghe được câu chuyện ông ta kể rồi. Để sau cơm tối đã. Chuyện khá kỳ quặc."

Thế là khi đã yên vị sau bữa cơm tối, anh bắt đầu kể lại, theo lời anh nói, một cách trung thành, cuộc đối thoại giữa hai người. Mitchell, gần tám mươi tuổi, ngồi trong chiếc ghế có chỗ tì tay. Cô con gái đã lấy chồng của cụ đi ra đi vào, chuẩn bị pha trà.

Sau khi chào hỏi nhau

"Mitchell, tôi muốn cụ kể tôi nghe cái gì đó về khu rừng được không?"

"Khu rừng nào, ông chủ Reginald?"

"Betton Wood ấy mà. Cụ còn nhớ chứ?"

Mitchell từ từ giơ ngón tay trỏ lên như buộc tội, "Chính là cha ông đã cho phá rừng Betton Wood chứ còn ai? Tôi chỉ có thể nói được thế thôi."

"Cái đó thì tôi biết rồi. Cụ chẳng cần phải nhìn tôi như thể đó là lỗi của tôi vậy."

"Lỗi của ông? Tôi nói cha ông, từ trước thời của ông cơ mà."

"Vâng, nhưng theo như tôi biết thì chính cha của cụ đã xui cha tôi làm vậy, và tôi muốn biết tại sao."

Mitchell trông có vẻ khoái chí "Phải, cha tôi chuyên trông coi rừng cho cụ nhà, cả ông nội tôi cũng vậy, và tất nhiên cha tôi phải biết công việc chứ. Và một khi cụ có lời khuyên ấy, tất nhiên là có lý do, phải không ạ?"

"Dĩ nhiên, chính là tôi muốn cụ kể cho tôi nghe lý do ấy."

"Ông chủ Reginald ạ, tại sao ông nghĩ tôi biết những lý do của cha tôi từ hàng bao nhiêu năm về trước?"

"Vâng, tôi hiểu đã lâu quá rồi, giả sử cụ có biết, chắc cụ đã quên. Tôi đành phải đi hỏi cụ Ellis vậy."

Điều này gây ra tác động mà tôi mong muốn.

"Lão Ellis!" cụ Mitchell lầu bầu "Lần đầu tiên nghe có người nói lão ấy được việc. Tôi cứ tưởng chính ông biết rõ điều đó hơn ai hết, ông chủ Reginald ạ. Chẳng lẽ ông cho rằng lão Ellis biết về Betton Wook hơn là tôi? Vì sao lão được đặt trước tôi nhỉ? Tôi muốn biết đấy. Cha lão có phụ trách về rừng không? Ông cụ nhà ấy chỉ đi cày, biết gì mà kể, chẳng ai biết gì mà kể!"

"Thì bởi vậy, Mitchell, nhưng cụ biết mà không bảo tôi thì tôi phải tìm người khác chứ sao, để mà biết được chuyện này, lão Ellis cũng ở đây lâu gần bằng cụ rồi còn gì!"

"Còn kém tôi mười tám tháng! Với lại ai bảo ông là tôi sẽ không kể cho ông nghe về Betton Wood? Tôi có phản đối đâu? Chẳng qua nó chỉ là loại chuyện khôi hài không nên lưu truyền trong cả giáo khu. Con ,Lizzie, con vào bếp một chút để cha với ông chủ nói chuyện riêng với nhau. Nhưng ông chủ Reginald ạ, tôi muốn biết vì sao ông đặt câu hỏi này?"

"Ồ, chẳng là tôi vừa được nghe nói có hai câu vè gì đó nói về người nào đi dạo ở Betton Wood thì làm sao đấy…Tôi cho là có liên quan đến việc chặt bỏ rừng. Chỉ có thế thôi."

"Phải, ông nghĩ đúng, ông chủ Reginald, dù sao thì ông cũng biết đến điều đó rồi cho nên ông có quyền nghe tôi kể hơn bất cứ ai ở trong giáo khu này, hãy để lão Ellis yên. Nó là thế này. Con đường ngắn nhất đi đến trang trại của Allen là phải qua rừng. Khi bọn tôi còn nhỏ mẹ tôi phải đến trang trại kiếm lấy một phần tư lít sữa vài lần trong tuần. Trại Allen lúc ấy dưới quyền cha ông. Cha ông là người tốt. Gia đình ai có con nhỏ phải nuôi, cụ cho phép lấy sữa nhiều lần một tuần. Nhưng thôi, giờ ông không cần biết việc đó làm gì. Thỉnh thoảng mẹ tôi làm việc về muộn, phải đi tắt qua khu rừng để đến trại, mẹ tôi không thích chút nào, vì người ta cứ xì xào những chuyện như ông vừa nói. Mỗi lần qua đó về, trông mẹ tôi nhược cả người. cha mẹ tôi bảo nhau "Nhưng mà Emma, có tổn hại gì đến em đâu?" cha tôi nói, còn mẹ tôi trả lời "George, anh chẳng hiểu gì cả, nó xuyên vào óc em, em cứ mê mục cả người không còn biết mình đang ở đâu nữa. Hôm nào lúc hoàng hôn anh qua đấy mà xem. Xưa nay anh chỉ đi qua rừng lúc ban ngày, ban mặt, đúng không?" "Dĩ nhiên, anh có điên đâu?" họ cứ thế lời qua tiếng lại với nhau. Thời gian trôi qua, mẹ tôi kiệt lực vì, ông biết không, bao giờ cũng tới chiều mới đi lấy sữa được, cũng không cho bọn trẻ con chúng tôi đi lấy sữa thay, sợ chúng tôi hoảng người, mà bản thân bà cũng không kể gì với chúng tôi hết. "Không, riêng tôi đã đủ khổ rồi, không muốn mai đi qua đâu, cũng không muốn ai nghe nói về nó. Nhưng có lần tôi nhớ nghe bà nói "Lần đầu tiên, tôi thấy tiếng loạt soạt trong bụi cây, sau đó nó tiến lại gần tôi, ở ngay đằng sau tôi rất nhanh, tiếp theo là tiếng kêu thét lên xuyên từ tai bên nọ sang tai bên kia. Những lần sau, qua lại nhiều nên rồi, tôi thường nghe thấy hai lần như thế, may thay chưa lần nào được nghe tiếng thứ ba." Khi tôi hỏi bà, và tôi nói "Cứ như có người đi đi lại lại hả mẹ?" thì bà bảo "Đúng thế, không hiểu nó muốn gì?" Tôi lại hỏi "Đàn bà hả mẹ?" Thì mẹ tôi lại bảo "Mẹ nghe đúng tiếng đàn bà."

"Dù sao thì cuối cùng cha tôi cũng nói với cụ nhà ông bảo khu rừng này chẳng phải rừng tốt. "Phải có cái trò gì ở đó cho nên mới không có con chim nào làm tổ nơi đó, chẳng lợi gì cho ông đâu. Nói chuyện một hồi, cụ nhà đến tận nhà gặp mẹ tôi, cụ bảo mẹ tôi đâu phải người ngớ ngẩn, hoang mang về việc không đâu, và cụ quyết định khu rừng đó hoàn toàn có vấn đề, cụ hỏi cả những người sống xung quanh đó, sau cùng cụ viết vào giấy tờ gì đó mà ông có thể đọc được ở nhà ấy. Rồi cụ cho chặt cây đốn gốc, tất cả đều được làm ban ngày, không bao giờ sau ba giờ chiều, tôi nhớ như vậy."

"Họ có tìm được cái gì giải thích nguyên nhân không? Xương người hai đại loại như vậy?"

"Hoàn toàn không, ông chủ Regionald ạ, chỉ có vết tích một hàng rào và một cái rãnh nằm dọc ở giữa rừng, nơi hàng rào cây táo gai bây giờ ấy. Giả sử có ai đó đặt cái gì ở đó tất người ta phải tìm ra chứ. Nhưng xem ra chặt bỏ cây rừng cũng chẳng có tác dụng bao nhiêu. Người ở đây vẫn chẳng ai ưa cái khu vực ấy."

"Đó là tất cả những gì tôi moi được từ Metchelle." Philipson nói "Giải thích gì thì giải thích, chứ tôi thấy còn nhiều điều chưa hiểu. Tôi phải cố tìm, xem còn thấy giấy tờ gì do cha tôi viết không."

"Sao ông cụ không nói gì với anh về chuyện này?"

"Cụ mất từ lúc tôi chưa đến tuổi đi học, tôi cho rằng cụ không muốn làm kinh sợ trẻ con từ những chuyện như vậy. Tôi còn nhớ một lần chạy chơi trên con đường nhỏ dẫn lên Wood vào một buổi chiều muộn bị bà vú phát một cái. Tuy nhiên ban ngày nếu chúng tôi muốn lên Wood chơi thì tha hồ, có điều chúng tôi không muốn lên đó thôi."

"Hừm!" tôi nói "Anh có nghĩ sẽ tìm được mảnh giấy cha anh viết không?"

"Có. Có lẽ ngay ở cái tủ sau lưng anh. Có một gói hoặc hai, buộc lại để riêng một chỗ, nhiều lần tôi đã nhìn thấy, ở ngoài phong bì có chữ Betton Wood. Nhưng vì nay không còn Betton Wood nữa nên tôi nghĩ chẳng mất công mở ra làm gì, thành ra thôi. Giờ chúng ta mở ra xem."

"Trước khi anh làm việc đó" tôi nói (tuy vẫn còn miễn cưỡng, nhưng tôi nghĩ đã đến lúc phải thổ lộ) "Tôi muốn nói với anh chính lời cụ Mitchell nói, rằng chặt rừng đi không giải quyết được gì." và tôi thuật lại những điều đã kể các bạn nghe ở trên. Philipson rất quan tâm, bảo "Vẫn còn kia ư? Lạ thật đấy! Này, hay là anh ra đấy cùng với tôi ngay bây giờ xem sự thể thế nào?"

"Chịu thôi" tôi nói "anh đã có cái cảm giác của tôi lúc nãy thì anh sẵn sàng đi bộ mười dặm về hướng ngược lại. Đừng nói đến nó nữa. Ta mở phong bì ra xem cha anh viết gì thì hơn."

Bạn tôi làm như vậy và đọc cho tôi nghe ba bốn trang trên có những đoạn ghi nhanh. Đầu trang là phương châm trong quyển Glenfinlas của Scott, theo tôi rất khéo chọn:

Là nơi mà, người ta nói, con ma la hét vẫn đi dạo..

Sau đó đến ghi chép lời thuật lại của mẹ Mitchell, chỉ xin trích ra đoạn sau đây "Tôi hỏi bà ta có bao giờ trông thấy vật gì đó mà bà cho là phát ra tiếng kêu không. Bà nhiều lần bảo tôi rằng có một lần, vào chiều tối thẫm nhất, đi qua rừng, bà cố hết sức nhìn lại đàng sau khi nghe tiếng lao xao trong bụi cây, bà thấy hình như có một người mặc quần áo rách tơi tả, hai tay giơ ra phía trước, đi tới rất nhanh, thế là bà chạy thục mạng leo qua hàng rào toạc cả chiếc áo dài ra thành từng mảnh."

Ông cụ còn gặp thêm hai người rất ngượng nghịu không dám nói ra vì nghĩ rằng nói sẽ không giữ kín chuyện của giáo khu. Tuy nhiên, một bà trong đó, tên là bà Emma Frost, đã được thuyết phục để nhắc lại những điều mà mẹ bà đã bảo bà "Họ nói có một phu nhân có chức tước hẳn hoi, lấy chồng hai lần, chồng trước tên là Brown, hoặc Bryan gì đó (Philipson nói "Quả trước khi gia đình tôi đến đầy có người tên là Bryan thực") bà này đã nhấc cột mốc đất đai của người láng giềng đi. Thế là ít ra bà ta cũng chiếm được đồng cỏ tốt nhất ở giáo khu Betton vốn thuộc quyền hai đứa trẻ con nhưng chẳng ai bênh vực đứng lên nói cho chúng cả. Nhiều năm về sau, bà ta càng ngày càng tệ, đã làm giả giấy tờ chiếm nhiều ngàn bảng ở London . Cuối cùng luật pháp đã chứng minh đấy là giấy tờ giả, bà bị xét xử tội tử hình nhưng trốn tránh được. Tuy nhiên ai tránh nổi lời nguyền rủa dội lên đầu mình về vụ di chuyển cột mốc địa sản của láng giềng, do đó chúng tôi cho rằng bà ta chưa thể ra khỏi Betton trước khi có ai đó đưa cột mốc trở về chỗ cũ."

Cuối trang giấy ghi lại hiệu quả của chuyện này "Tôi rất tiếc không tìm ra manh mối nào về chủ cũ của cánh đồng tiếp vào Wood. Tôi không ngần ngại mà nói rằng nếu như tôi có thể tìm ra người đại diện của họ, tôi sẽ làm hết sức để đền bù cho họ những điều lầm lạc mà người khác đã gây ra cho họ từ nhiều năm. Bởi vì rõ ràng Wood bị khuấy động một cách rất kỳ lạ, theo như những người sống quanh đó kể lại. Lúc này tôi hoàn toàn không hiểu ranh giới đích thực của họ là đến chỗ nào, đối với những người chủ chính đáng tôi chỉ còn biết trích ra phần lợi tức thu nhập từ phần này của địa sản tôi, theo tục lệ luật pháp của tôi, đem nhập món tiền tương đương sản lợi hàng năm của năm mẫu đất, đóng góp vào lợi nhuận chung của giáo khu và để làm việc thiện. Tôi hy vọng sẽ kế tục tôi cứ theo như thế mà thực hiện."

Đó là giấy tờ ông Philipson cha để lại. Những người cũng như tôi, từng được đọc các phiên xử án của nhà nước còn đi xa hơn để rọi thêm ánh sáng vào vụ này. Họ nhớ lại khoảng năm 1678 đến 1684, phu nhân Ivy, trước kia là Theodosia Bryan, từng hết là nguyên đơn đứng ra kiện lại trở thành bên bị kiện trong một loạt các vụ kiện trong đó bà đòi tu sĩ trưởng nhà thờ St Paul cùng Tăng hội ở đó một dải đất khá rộng và đáng giá ở vùng Shadwell. Họ cũng cho biết cuối cùng vụ xử kết thúc ra sao, quan toà lúc ấy là L.C.Jeffreys, đã chứng tỏ đầy đủ rằng các chứng thư chuyển nhượng đều là giả do bà ta ra lệnh thực hiện. Sau đó bà ta biến mất, biến mất hẳn, không chuyên gia nào có thể nói được bà ta đã trở nên như thế nào.

Câu chuyện tôi được nghe kể liệu có hàm ý bà vẫn được nhắc tới tại hiện trường của những chiến công thắng lợi ban đầu?

Bạn tôi gấp giấy tờ lại nói "Đây là một ghi chép rất trung thực về một trải nghiệm kỳ lạ nhất của tôi. Bây giờ…"

Nhưng tôi còn nhiều câu để hỏi anh, thí dụ như, người bạn của anh có tìm được người chủ đích thực của mảnh đất đó không, anh ta đã làm gì với cái hàng rào, liệu bây giờ còn ai nghe thấy tiếng kêu nữa không, quyển sách nhỏ kia chính xác có đầu đề là gì và in ra năm nào….Thành ra giờ ngủ đến rồi mà chúng tôi vẫn chưa có thì giờ trở lại bản phụ lục văn học của tờ Thời Báo.

Nhờ sự tìm kiếm của ngài John Fox, trong quyển sách về Vụ xử phu nhân Ivy, về sau chúng tôi biết được nhân vật nữ chính của chúng ta chết trong giường mình – có trời biết tại sao – và hoàn toàn thoát tội giả mạo giấy tờ mà rõ ràng là bà ta phải chịu trách nhiệm.

TruyenFull.com đổi tên miền thành TruyenFull.tv