Giáng Tuyết Huyền Sương

Chương 28: Phá cửa thiền gióng trống truyền âm



Đạt Ma viện là nơi luyện tập võ nghệ cho nên được canh phòng cẩn mật. Đêm hôm ấy lòng chàng trăm mối tơ vò.

Cho đến khi trời hửng sáng, chàng mới tĩnh tâm trở lại, ngồi vận khí đến trăm mạch, cảm thấy nhẹ nhõm, dần dần đi vào cảnh giới vong ngã. Đến khi chàng vận khí được một vòng thì mặt trời đã lên quá ba cây sào. Đại Đạo thiền sư đang lo lắng đi đi lại lại trong phòng, thấy chàng tỉnh dậy thì mừng rỡ nói:

“Đại Bi sư huynh mời Phương thí chủ đến Giới Trì viện thăm một người bạn”.

Phương Triệu Nam bước xuống giường nói:

“Người ấy có phải giở điên giở dại không?”.

Đại Đạo chắp tay trước ngực cười rằng:

“Người ấy có điên hay không bần tăng vẫn chưa gặp được, nhưng Giới Trì viện là nơi chấp pháp trong Thiếu Lâm tự chúng tôi, Đại Bi sư huynh hẹn gặp thí chủ trong Giới Trì viện thì không phải chuyện bình thường, chắc chắn có chuyện quan trọng cần hỏi”.

Hai người rời khỏi Đạt Ma viện đến Giới Trì viện.

Mỗi một viện đường trong Thiếu Lâm tự đều nằm độc lập với nhau, hai viện Đạt Ma và Giới Trì xung quanh đều có tường bao bọc, canh giữ rất nghiêm ngặt.

Trong Giới Trì viện trồng toàn các loại tùng bách sống hàng trăm năm, trông rất trang nghiêm thâm trầm, từng căn ẩn hiện trong những tán cây xum suê, đều đóng cửa kín mít. Băng qua lối đi trồng toàn cây cối, cả hai đến trước một căn Phật đường rộng lớn. Căn Phật đường được sơn toàn bằng màu vàng, cả bức tường mái ngói cũng đều là màu vàng. Trong điện nghị sự, Đại Đạo thiền sư nói năng thẳng thắn, lời lẽ thao thao bất tuyệt, nhưng lúc này trở nên lãnh đạm, ông ta phủi bụi trên tăng bào rồi chắp tay trước ngực cao giọng nói:

“Phương thí chủ đến”.

Từ trong Phật đường vọng ra tiếng nói trầm trầm của Đại Bi thiền sư:

“Sư đệ hãy trở về!”.

Đại Đạo thiền sư cúi mau chóng đáp:

“Kính nhận pháp dụ”. Rồi xoay người bước đi.

Trong Phật đường lại truyền ra giọng nói của Đại Bi thiền sư:

“Mời Phương thí chủ bước vào, xin thứ cho lão nạp không thể nghênh đón”.

Phương Triệu Nam nói:

“Không dám” rồi vào Phật đường. Đại Bi thiền sư mình khoác cà sa màu vàng ngồi đối diện với Đại Ngu thiền sư, sắc mặt trang nghiêm của hai người có chút lo lắng, rõ ràng họ đang có chuyện quan trọng.

Đây là một sảnh rộng khoảng năm gian, ngoại trừ màn che màu vàng xung quanh, trong sảnh chẳng có gì cả, hai người ngồi trên hai cái bồ đoàn, có một cái còn trống bên cạnh, tựa như chừa cho Phương Triệu Nam.

Phương Triệu Nam tựa như đã cảm nhận được không khí trang nghiêm ấy chàng bất giác ho nhẹ một tiếng rồi bước sải tới nói:

“Hai vị đại sư cho gọi, không biết có gì dạy bảo?”.

Đại Bi thiền sư vốn đang khép hờ hai mắt, chợt mở ra:

“Mời Phương thí chủ ngồi!”.

Phương Triệu Nam ngồi xuống, Đại Bi đột đưa tay vỗ vào nhau. Bức màn màu vàng chậm rãi kéo lên, hai nhà sư đứng tuổi có thân hình cao lớn sánh vai bước ra, ở giữa kẹp một ông già râu tóc bạc phơ, áo quần rách rưới bước ra.

Đại Bi thiền sư nói:

“Phương thí chủ có quen người này không?”.

Phương Triệu Nam nhìn một lúc rồi lắc đầu:

“Không đúng”.

Đại Bi thiền sư nói:

“Phương thí chủ hãy nhìn kỹ lại xem, ông ta bị cầm tù đã lâu, có lẽ bề ngoài đã thay đổi”.

Phương Triệu Nam lại nhìn kỹ một hồi rồi nói:

“Tại hạ quả thực không quen biết”.

Đại Ngu thiền sư ngồi ở đối diện chợt mở to đôi mắt, ánh mắt lạnh như điện nhìn thẳng vào mặt Phương Triệu Nam:

“Người này không phải là Ngôn Lăng Phủ sao?”.

Phương Triệu Nam nói:

“Tại hạ đã gặp mặt Tri Cơ Tử vài lần, chắc chắn vừa nhìn thì đã nhận ra, kẻ này bề ngoài giống nhưng không phải là ông ta”.

Đại Bi thiền sư chợt đứng dậy, phẩy tay một cái, hai nhà sư cao lớn ấy kẹp người lúc nãy bước lui vào trong, nhìn Đại Ngu nói:

“Sư huynh, chúng ta đi thôi”.

Đại Ngu thiền sư đứng dậy, chắp tay nói với Phương Triệu Nam:

“Xin mời Phương thí chủ”.

Phương Triệu Nam cũng không biết hai người ấy đang giở trò gì, chỉ ngạc nhiên nhìn họ rồi đi theo sau Đại Bi thiền sư ra ngoài.

Ba người tựa như đều có nỗi lo lắng trong lòng, trên cả đoạn đường chẳng ai chịu lên tiếng nữa, tựa như mỗi lời nói sẽ phá vỡ không khí trang nghiêm này. Đi một hồi thì bước vào trong một vườn hoa, một tòa thạch thất kiên cố nằm ở giữa hai cây cổ bách cao lớn.

Đại Ngu thiền sư bước tới gần căn thạch thất, lấy ra một chiếc chìa khóa rồi mở cửa, ông ta đẩy mạnh một cái, hai cánh cửa gỗ bật ra. Căn phòng được quét dọn rất sạch sẽ, một ông già râu tóc bạc phơ đang ngồi xếp bằng ở một góc. Phương Triệu Nam kêu ồ một tiếng, nói:

“Ngôn Lăng Phủ” rồi chạy tới ôm quyền vái dài. Từ sâu thảm trong lòng, chàng cảm thấy có lỗi với ông ta, nếu không phải tại chàng đem bản đồ đến đổi thuốc, ông ta chắc chắn đã không gặp thảm biến như thế, từ một vị thần y khoảng thời gian ngắn ngủi, Ngôn Lăng Phủ tựa như đã già đi rất nhiều, nhưng chứng điên cuồng của ông ta cũng đã đỡ hơn, ông ta ngồi lặng lẽ ở một góc, thấy ba người bước vào thì mỉm cười nhưng không hề nhúc nhích, vẫn im lặng không nói, chẳng thèm để ý đến Phương Triệu Nam. Đại Ngu thiền sư hạ giọng nói:

“Phương thí chủ xin hãy thứ lỗi cho lão nạp, lão nạp làm thế cũng là vì bất đắc dĩ”.

Phương Triệu Nam rất thông minh, đã hiểu được ông ta làm thế là để thử thách mình, thế nhưng giả vờ không hiểu, cố ý lảng sang chuyện khác:

“Chứng điên cuồng của Ngôn lão tiền bối có đỡ hơn chút nào không?”.

Đại Bi thiền sư chép miệng:

“Bọn lão nạp đã cố gắng hết sức, tuy có khỏe hơn nhiều nhưng thần trí vẫn chưa hoàn toàn hồi phục”.

Phương Triệu Nam mỉm cười buồn bã:

“Hiện nay người có thể biết được lai lịch của Minh Nhạc, có lẽ chỉ có ông ta, nếu chứng điên cuồng của ông ta hết hẳn, có ích cho đại cuộc rất nhiều”.

Đại Bi thiền sư nói:

“Tin dữ Phương thí chủ đưa đến là nỗi nhục nhã nhất của phái Thiếu Lâm chúng tôi từ trước đến nay, đêm qua lão nạp đã bàn bạc cùng với các vị sư huynh đệ, cảm thấy chuyện này rất nghiêm trọng, không thể coi thường ...” ông ta thở dài một tiếng rồi nói tiếp:

“Không giấu Phương thí chủ, Đại Phương sư huynh là người có thành tựu xuất sắc nhất trong lớp đệ tử hàng chữ Đại, ba mươi sáu hộ pháp đi cùng ông ta cao thủ tinh tuyển trong đời thứ ba. Hiện nay chùa Thiếu Lâm tuy người đông, cao thủ nhiều, nhưng kéo đến Minh Nhạc lần nữa thì chỉ là cái dũng của kẻ thất phu, lão nạp và các vị sư huynh đệ đã bàn bạc, quyết định dùng cách Kích Tiết Truyền Âm để báo cho tin dữ này cho hai vị trưởng bối, chờ họ chỉ dạy ...”.

Phương Triệu Nam nói:

“Hai vị trưởng bối trong quý tự chẳng phải đang bế quan hay sao?”.

Đại Bi thiền sư trầm ngâm một lát rồi chép miệng:

“Chúng tôi biết làm phiền đến hai vị lão tiền bối, nhưng sự đã đến nước này thì chẳng còn cách nào nữa”.

Phương Triệu Nam nói:

“Tại hạ đã đưa tin đến nơi, chắc cũng nên cáo biệt với hai vị”.

Đại Ngu thiền sư nói:

“Dùng Kích Tiết Truyền Âm có thể nhận được hồi ứng của hai vị trưởng bối hay không cũng rất khó nói, Phương thí chủ hãy ở lại thêm vài ngày để xem sự việc tiến triển đến đâu!”.

Phương Triệu Nam thầm nhủ:

“Chùa Thiếu Lâm có nhiều môn võ công rất kỳ lạ, không biết Kích Tiết Truyền Âm là thế nào, mình hãy cứ ở lại đây mở rộng tầm mắt cũng coi như không đi uổng chuyến này”. Ý nghĩ ấy lướt qua, thế rồi nói:

“Chỉ cần ở lại nửa ngày, tại hạ cung kính không bằng tuân mệnh”.

Đại Ngu thiền sư nói:

“Chứng điên cuồng của Ngôn Lăng Phủ vẫn chưa hết, chúng ta ở lại đây cũng vô ích, chi bằng cứ đi xem cứ đi xem họ đã chuẩn bị hay chưa”. Ba người rời khỏi căn tịnh thất, Đại Ngu khóa cửa lại rồi cả ba cùng kéo nhau đến Giới Trì viện. Phương Triệu Nam đi theo phía sau, bước vào một con đường nhỏ đi thẳng về phía Tây Bắc. Con đường này rất hoang vắng, cỏ hoang mọc đến quá gối, trong cỏ có lẫn hoa dại. Chùa Thiếu Lâm tuy rộng lớn nhưng nơi nào cũng được quét dọn sạch sẽ, chỉ có nơi này cỏ dại mọc đầy, tựa như không ai coi sóc. Phương Triệu Nam tuy ngạc nhiên nhưng thấy Đại Ngu, Đại Bi thiền sư tỏ vẻ cung kính bước về phía trước, sắc mặt càng trang nghiêm hơn, mấy lần định lên tiếng hỏi nhưng thấy hai người bọn họ nghiêm nghị như thế nên đành thôi.

Trong chốc lát cả ba đã đến một khu rừng trúc. Trúc trong khu rừng mọc rất kỳ lạ, mỗi cây trúc tựa như cách nhau một khoảng nhất định, tạo thành một bàn cờ. Đại Bi thiền sư chắp tay, cúi đầu miệng lẩm nhẩm cầu khấn một hồi rồi mới cất bước đi vào trong rừng. Đại Ngu thiền sư quay đầu lại nói:

“Phương thí chủ hãy theo sát sau lưng lão nạp để khỏi bị lạc”.

Phương Triệu Nam nói:

“Ông ta dặn mình như thế, rừng trúc này chắc chắn không phải là chỗ bình thường, có lẽ là một kỳ trận, hoặc có đặt cơ quan”.

Đại Ngu thiền sư tựa như hiểu ý chàng, chốc chốc lại quay đầu lại nhìn, Phương Triệu Nam càng cảm thấy ái ngại.

Đi qua khu rừng trúc xanh tốt, phía trước là một vách tường gạch nham nhở. Hai cánh cửa màu đen loang lổ đang đóng chặt, Đại Bi thiền sư bước tới, gõ nhẹ vào cửa, chắp tay đứng trước cửa, đợi một lúc lâu không thấy động tĩnh gì thì đột nhiên quay đầu lại, hạ giọng nói với Đại Ngu thiền sư:

“Chúng ta đã bao nhiêu năm không đến đây?”.

Đại Ngu thiền sư trầm ngâm trong khoảnh khắc rồi nói:

“Khoảng ba năm trước, chúng ta đã đến đây cùng với Đại Phương sư đệ”.

Đại Bi thiền sư nói:

“Đã ba năm trôi qua, sự đời có nhiều thay đổi, không biết con vượn già tặng cỏ cây ấy có còn sống hay không”.

Đại Ngu thiền sư nói:

“Sư đệ hãy gõ thêm một lần nữa xem sao! Nếu vẫn không thấy động tĩnh, chúng ta bước vào cũng không muộn”.

Đại Bi thiền sư gõ tay lên cửa. Hai cánh cửa gõ vẫn đóng chặt.

Phương Triệu Nam nhủ thầm:

“Ở nơi này là chỗ thiền tọa của hai vị cao tăng, Đại Bi và Đại Ngu là đệ tử Thiếu Lâm, đương nhiên tuân theo quy tắc, mình chẳng phải là người của Thiếu Lâm, cứ giả vờ không biết là xong”. Ý nghĩ ấy lướt qua, đột nhiên chàng vung tay, phóng người lên bức tường đổ nát. Từ trên nhìn xuống, chỉ thấy ba căn nhà lá xếp theo hình chữ nhất, mỗi căn rộng khoảng ba gian. Chàng nheo mắt nhìn thì đã thấy rõ trước cánh cửa sổ của căn nhà tranh, mạng nhện giăng đầy, sân rộng trước căn nhà hoang vắng ấy trải đầy đá cứng màu trắng, cỏ dại mọc len lỏi ở kẽ đá. Chợt nhận ra một con vượn lông trắng đang ngồi xếp bằng như con người, dựa vào cây tùng ở trước nhà.

Đại Bi, Đại Ngu không hề ngăn cản hành động của Phương Triệu Nam, nhưng vẫn chắp tay đứng trước cửa, cúi đầu nhắm mắt, tựa như không thèm để ý đến hành động của Phương Triệu Nam.

Phương Triệu Nam ho lớn một tiếng, nhảy xuống bức tường rồi mở cổng ra.

Đại Bi thiền sư chợt quắc mắt nhìn Phương Triệu Nam, ánh mắt hơi có chút giận dữ, tựa như không hài lòng hành động nhảy lên bức tường của chàng, nhưng lại không trách cứ, chỉ thì thầm niệm một tiếng:

“A di đà Phật” rồi chậm rãi bước vào, Đại Ngu thiền sư thì cũng chẳng nói một lời, đi sát theo sau Đại Bi. Hai người bước vào trong cánh cổng, lập tức phát giác ra con vượn trắng đang ngồi đả tọa, họ hơi ngạc nhiên rồi chậm rãi bước tới. Phương Triệu Nam đã thấy vẻ không vui của Đại Bi thiền sư, thầm nhủ:

“Giới quy trong chùa quá nhiều, đừng nên phạm vào điều cấm kị của người ta nữa”. Thế rồi chàng cất bước đi theo sau Đại Bi.

Đại Bi thiền sư tới gốc tùng, ngẩng đầu lên nhìn con vượn trắng đang ngồi xếp bằng trên cây tùng thì hơi nhíu mày, muốn nói gì đó nhưng lại thôi.

Phương Triệu Nam nhìn kỹ lại, nào ngờ con vượn trắng ấy đã khô đét, không biết đã chết từ bao lâu nếu không để ý thì chẳng nhận ra. Chợt Đại Bi, Đại Ngu đều im lặng, chắp tay đứng trước mặt con vượn trắng, miệng thì lẩm nhẩm, tựa như đang đọc kinh siêu độ cho vong hồn của nó. Phương Triệu Nam nhủ thầm:

“Thân phận của hai người này cao vời mà lại tôn trọng con vượn đã chết như thế, mình làm sao có thể thất lễ được”. Thế rồi vội vàng ôm quyền vái dài một cái.

Một làn gió núi thổ qua, cây tùng lắc lư, nhưng con vượn trắng đang ngồi ở trên chạc ba vẫn không hề lung lay. Phương Triệu Nam giật mình, thầm nhủ:

“Chả lẽ con vượn này đã biết trước ngày chết của nó nên mới chọn một nơi vững chãi mà ngồi xếp bằng” chàng để ý nhìn, quả nhiên phát hiện ở nơi chạc ba con vượn trắng đang ngồi, xung quanh đều có những cành tùng to như chén uống rượu chống vào người của nó, trên đỉnh đầu thì lá tùng um tùm có thể che nắng che mưa cho nó. Những cành tùng thì đan xen vào nhau, tựa như đã được người ta bện thành.

Đại Bi thiền sư nhẹ thở dài, chậm rãi bước vào căn nhà cỏ ở giữa.

Cả ba căn nhà cỏ đều đóng chặt cửa sổ, Đại Bi thiền sư bước tới căn nhà ở giữa thì đột nhiên ngừng lại quỳ xuống đất, ông ta thì thầm khấn rằng:

“Đệ tử là Đại Bi, liều chết đến quấy nhiễu hai vị tôn trưởng, trong lòng rất bất an, nhưng vì chùa Thiếu Lâm gặp phải kiếp nạn chưa từng có, bọn đệ tử không thể giải quyết được, chưởng môn của bổn tự là Đại Phương sư huynh đã mất tích ở Minh Nhạc, võ lâm sắp gặp phải một trận hào kiếp, đệ tử được Đại Phương sư huynh trao cho chức phương trượng thay thế, nhưng vì bất tài không thể gánh vác được trách nhiệm lớn, vì chính nghĩa của võ lâm, vì sự tồn tại của Thiếu Lâm chúng ta, dù đệ tử có chết ngàn lần cũng đành phải quấy nhiễu hai vị tôn trưởng”. Nói xong thì lạy ba lạy, sau đó mở cánh cửa lớn đã đóng chặt.

Bụi từ trên rơi xuống người Đại Bi thiền sư.

Đại Ngu thiền sư chợt hạ giọng nói với Phương Triệu Nam:

“Nơi đây là chỗ thiền tọa của hai vị trưởng bối, thì chủ hãy nên để ý hành động của mình”.

Đột nhiên lách người tiến vào căn nhà.

Phương Triệu Nam biết ông ta còn giận mình đã nhảy lên bức tường, nhưng cũng chẳng còn cách nào nữa, chàng chỉ mỉm cười rồi cất bước theo sau.

Căn nhà này rộng khoảng ba gian, nhưng đồ đạc trong nhà chẳng nhiều, ngoại trừ ở vách bên trái có một cái giường, xung quanh chỉ toàn là tơ nhện, ở dưới đất bụi đóng một lớp dày.

Phương Triệu Nam ngạc nhiên nhủ thầm:

“Trong căn nhà này chẳng có phòng kín, cửa ngầm, không biết hai vị lão tăng đã đi đâu?” nhưng lại không thể hỏi hai nhà sư, chỉ đành giữ ở trong lòng.

Còn hai nhà sư thì tựa như đang nín thở, mắt không ngừng dò xét trong phòng, tựa như muốn tìm ra những chuyện xưa trong lớp mạng nhện giăng đầy.

Đợi một lát lâu sau, tám nhà sư mình khoác cà sa cũng nối đuôi nhau theo vào.

Phương Triệu Nam để ý nhìn thì thấy tựa như tất cả những nhà sư ngồi trong điện nghị sự đều có mặt ở đây, mỗi người đều ôm theo một bó tre.

Phương Triệu Nam thầm nhủ:

“Chả lẽ họ dùng tre này để Kích Tiết Truyền Âm?”.

Đại Bi thiền sư đưa mắt nhìn lướt các nhà sư đến sau rồi sải bước đến một góc tường căn nhà, ông ta đưa tay phủi bụi rồi đẩy nhẹ, trong bức tường chợt hiện ra một cánh cửa tròn.

Các nhà sư bước tới, nối những đốt lại với nhau, chĩa thẳng vào trong cánh cửa tròn.

Những đốt tre này được chọn lựa rất cẩn thận, các đốt tre đều bằng nhau, ở đầu mỗi đốt tre đều được khắc hình răng cưa cho nên khi nối lại rất nhanh chóng, trong chốc lát các nhà sư đã nối xong các đốt tre.

Phương Triệu Nam thầm tính, cây tre này dài khoảng hai mươi trượng. Chợt thấy Đại Bi thiền sư đứng trước cây tre, miệng mấp máy nói một hồi, sau đó, nói với các nhà sư:

“Các vị sư đệ hãy quay về, để tiểu huynh và Đại Ngu sư huynh canh giữ ở đây”.

Các nhà sư đều chắp tay làm lễ trước cánh cửa rồi kéo nhau ra, trong chốc lát trong căn nhà cỏ chỉ còn lại Đại Ngu, Đại Bi và Phương Triệu Nam.

Đại Bi thiền sư lấy ra một viên ngọc, bỏ vào đầu cây tre, sau đó ngồi xếp bằng dưới đất, nhắm mắt dưỡng thần.

Lúc ban đầu, Phương Triệu Nam rất tò mò, sau khi nhìn một hồi thì cười thầm:

“Té ra đây là phương pháp Kích Tiết Truyền Âm”.

Cứ cách khoảng thời gian một bữa cơm, Đại Bi lại lấy ra một viên ngọc cho vào trong ống tre, sau đó ngồi xếp bằng nhắm mắt chờ đợi, không hề có vẻ nôn nóng.

Phương Triệu Nam thấy Đại Bi thiền sư bỏ năm viên ngọc, lúc này thời gian đã trôi qua khoảng hai canh giờ mà vẫn không hề có phản ứng gì, trong lòng thầm lo lắng, nhủ rằng:

“Xem ra hôm nay mình phải chờ đợi, chi bằng nhân cơ hội này vận khí điều tức một lát để dưỡng tinh thần”. Thế rồi chàng vận chân khí, đẩy máu đến kinh mạch, khí đi đến trăm huyệt, từ tỉnh táo đi đến hỗn độn dần dần rơi vào cảnh giới vong ngã.

Khi chàng tỉnh dậy thì mặt trời đã ngã về Tây, hai nhà sư vẫn ngồi xếp bằng nhắm mắt, khí định thần nhàn tựa như chẳng có chuyện gì xảy ra, chàng thầm khen hai nhà sư già này thật có lòng nhẫn nại”. Thế rồi chàng đề chân khí, định điều tức một lát.

Nào ngờ vừa mới đề chân khí thì lập tức cảm thấy luồng khí nóng ở Đan Điền bốc lên đến tận ngực, chàng không khỏi kinh hãi, vội vàng để chân khí tản mát mà không ngưng tụ nữa, chàng đứng dậy hít sâu một hơi rồi đi quanh quẩn trong phòng mấy vòng.

Căn nhà này đã lâu không có người quét dọn, bụi ở dưới đất đóng một lớp dày, chàng vừa mới đi mấy vòng lập tức bụi tung bay, trên áo cà sa của hai nhà sư trong khoảnh khắc đã phủ đầy bụi.

Phương Triệu Nam tựa như đã hiểu ra điều gì, chàng nhắm chặt hai mắt, ngưng thần suy nghĩ, dần dần quên rằng mình đang ở nơi đâu, hai chân không ngừng di chuyển, bụi trong phòng càng dày đặc.

Đại Ngu thiền sư không nén được nữa, cuối cùng hạ giọng nói:

“Phương thí chủ hãy nhẹ bước!”.

Nào ngờ Phương Triệu Nam không hề để ý, vẫn cứ di chuyển hai chân.

Đại Bi thiền sư hạ giọng nói:

“Y đang nôn nóng cho nên cố ý dẫm bụi cho chúng ta ra ngoài, đừng để ý đến y”.

Đại Ngu lắc đầu:

“Chả lẽ y đang nhắm mắt?” rồi ông ta cố hé mắt ra nhìn, thấy Phương Triệu Nam quả nhiên nhắm chặt hai mắt, đầu không ngừng lắc lư, trong tay thì chỉ chỉ vạch vạch, không biết đang giở trò gì.

Té ra chàng nhiều ngày bôn tẩu, không hề được nghỉ ngơi, dù cho ngồi đả tọa vận khí trong lòng vẫn có điều lo lắng, vừa rồi vì phải ngồi chờ đợi cho nên chàng nhắm mắt tịnh tọa vận khí điều tức trong nhất thời mọi tạp niệm đều bị xua đuổi, đầu óc trở nên sáng láng.

Khi chàng từ hỗn độn bước ra tỉnh táo, luồng chân khí ở Đan Điền vẫn chưa tản hết, thấy Đại Bi, Đại Ngu vẫn ngồi khô tọa, chàng không muốn nhìn nữa, luồng chân khí chua kịp tản mát lập tức xông lên Đan Điền.

Phương Triệu Nam chưa bao giờ gặp tình cảnh này, trong lòng không khỏi lo lắng, chàng đứng dậy bước hai bước, chợt cảm thấy thư thái lạ thường, đầu óc sáng tỏ, đột nhiên nhớ lại mấy biến hóa trong chiêu Xảo Đoạt Tạo Hóa mà ông già họ Trần đã truyền cho.

Phương Triệu Nam chợt nhớ lại những biến hóa của kiếm thức mà trước kia chàng đã quên, trong lòng vui mừng như điên, thế là lập tức bắt đầu luyện tập, trong chốc lát đã quên mất mình đang ở nơi nào, bụi bay mù mịt trong phòng nhưng chàng vẫn không hề hay biết.

Đại Ngu thiền sư thấy chàng đi qua đi lại nhiều vòng mà vẫn không hề ngừng lại, hạ giọng nói với Đại Bi thiền sư:

“Ta thấy kẻ này đã hơi điên loạn, y cứ bước tới bước lui như thế, bụi trong phòng bay lên mù mịt ...”.

Đại Bi thiền sư nhíu mày, nói tiếp:

“Đệ thấy hình như y đang luyện tập võ công gì đó”.

Đại Ngu thiền sư nhìn kỹ lại, chỉ thấy vị trí di chuyển của bước chân Phương Triệu Nam đều có khoảng cách nhất định, chứ không phải lộn xộn, bàn tay thì múa may trông rất kỳ ảo.

Võ công của hai người đã là cao thủ hàng số một trên giang hồ, tuy không biết Phương Triệu Nam đang múa loại võ công gì nhưng cũng đã nhìn thấy đó là những chiêu số rất kỳ ảo, song đó không phải là những chiêu số của quyền chưởng, hai người càng nhìn càng cảm thấy những chiêu số này kỳ ảo tuyệt luân, trong đời chưa bao giờ gặp cho nên không khỏi sững người ra.

Đang lúc hai nhà sư chăm chú nhìn Phương Triệu Nam thì chợt trong ống trúc vọng ra giọng nói nghe rất nhỏ nhưng lại rõ ràng:

“Đại Phương sư điệt ấy ư? Phải chăng trong chùa có biến cố gì lớn?”.

Đại Ngu thiền sư nhận ra trước tiên, ông ta kéo tay áo Đại Bi thiền sư rồi cùng đứng dậy lao về phía Phương Triệu Nam.

Đại Bi thiền sư bừng tĩnh, hạ giọng nói vào ống tre:

“Đệ tử là Đại Bi, quấy nhiễu hai vị tôn trưởng, tội đáng muôn chết”.

Khi Đại Ngu thiền sư xông đến gần Phương Triệu Nam thì chợt cảm thấy một luồng ám kình đánh tới, ông ta không khỏi giật mình. Ông ta vốn muốn ngăn không để Phương Triệu Nam di chuyển nữa để khỏi ảnh hưởng đến việc truyền âm trong ống tre, nào ngờ Phương Triệu Nam đang lúc tập trung tinh thần luyện võ công, khi di chuyển, trên người tỏa ra một luồng chân lực nội gia.

Nguồn chân lực này vốn rất yếu nhưng khi gặp trở lực thì lực đạo sẽ tăng lên nhiều.

Đại Ngu thiền sư bị chặn lại, chỉ đành phất ra một chưởng cản luồng chân lực ấy.

Phương Triệu Nam như tỉnh cơn mơ, chàng vội vàng ngừng lại, chỉ thấy bụi tung mù mịt trong phòng, lòng rất ái ngại, ôm quyền vái dài rồi nói:

“Vãn bối ...”.

Đại Ngu thiền sư vội vàng xua tay ngăn không cho Phương Triệu Nam nói tiếp, chỉ tay về phía Đại Bi thiền sư.

Phương Triệu Nam nheo mắt nhìn, chỉ thấy Đại Bi thiền sư mặt mày nghiêm nghị, nói vào trong ống tre:

“Đại Phương sư huynh dẫn ba mươi sáu đệ tử của bổn môn đến Minh Nhạc, ba mươi sáu đệ tử đều đã chết thảm, Đại Phương sư huynh thì mất tích, đệ tử bất đắc dĩ chỉ đành triệu tập trưởng lão trong chùa ...” nói đến đây thì ông ta chợt im lặng, chắc là trong ống tre lại có tiếng nói truyền ra. Đại Ngu thiền sư, Phương Triệu Nam đều nghiêng tai lắng nghe.

Chỉ nghe giọng nói ấy lại vang lên:

“Ta đã biết, giờ tí đêm nay, ta và sư thúc của ngươi sẽ tạm thời ra ngoài gặp mặt, song thời gian không quá hai canh giờ, các ngươi hãy ghi chép lại tất cả những điều khó khăn để khỏi bỏ sót”. Nói đến đây thì đột nhiên ngừng lại.

Đại Bi thiền sư chắp tay trả lời:

“Đệ tử tuân lệnh”. Thế rồi cung kính lạy một lạy rồi đứng dậy.

Phương Triệu Nam nghe thế thì đứng ngây người ra một lúc lâu rồi mới hỏi:

“Người lúc nãy có phải là hai vị trưởng lão đã ngồi tọa thiền ba mươi năm của quý tự không?”.

Đại Bi thiền sư gật đầu:

“Đúng vậy, người trả lời chính là một vị sư bá của lão nạp”. Rồi ông ta phất tay:

“Chúng ta hãy lui ra! Nói chuyện ở đây e rằng sẽ quấy nhiễu hai vị sư trưởng”. Thế rồi mọi người cùng bước ra ngoài.

Đại Ngu thiền sư, Phương Triệu Nam đi theo sau Đại Bi thiền sư.

Từ lúc ấy, chùa Thiếu Lâm được canh phòng cẩn mật hơn lúc bình thường để đề phòng bất trắc. Phương Triệu Nam được một tiểu hòa thượng dắt đến nhà người nông phu ở dưới chân núi Thiếu Thất tắm rửa thay đồ.

Thời gian đã sắp đến giờ tí, các nhà sư thuộc hàng chữ Đại trong chùa Thiếu Lâm đều tập trung trước ba gian nhà đổ nát ở sau núi chờ đợi. Ai nấy đều tỏ vẻ thành khẩn, nghiêm cẩn, miệng thì mấp máy tựa như đang đọc kinh văn. Không khí trang nghiêm ấy khiến cho sự tò mò của Phương Triệu Nam đã lắng dịu trở lại.

Đột nhiên, từ trong nhà vọng ra một giọng nói già nua:

“Đại Bi sư điệt!”.

Đại Bi thiền sư đứng dậy, chắp tay cúi người nói; “Đệ tử là Đại Bi, dẫn các chủ trì, trưởng lão của các viện trong chùa đến bái kiến sư bá, sư thúc”. Rồi cúi đầu chậm rãi bước về phía căn nhà.

Các nhà sư đều đứng dậy đi theo sau Đại Bi thiền sư, Phương Triệu Nam đi sau cùng. Đến trước cửa, Đại Bi thiền sư ngừng bước, hạ giọng nói:

“Đệ tử xin vào”.

Bên trong lại truyền ra giọng nói già nua nặng nề:

“Các người đều vào cả đi!”.

Đại Bi thiền sư đẩy hai cánh cửa, chậm rãi bước vào, các nhà sư đều bước theo, ai nấy đều rất cẩn thận không hề bước ra tiếng.

Trong nhà tối om, giơ tay ra chẳng thấy năm ngón.

Phương Triệu Nam cố gắng nheo mắt nhìn, chỉ thấy có hai ông già ngồi xếp bằng ở bức vách phía sau, một người thì râu tóc trắng như tuyết, dài đến mấy thước, một người thì đầu nhẵn bóng, không có tóc, chỉ có chòm râu đen ở dưới cằm.

Đáng tiếc trong phòng quá tối, không thể nào thấy được mặt mũi của hai người.

Ông già râu tóc bạc phơ ở bên trái lên tiếng trước:

“Các người hãy ngồi xuống!”.

Các nhà sư đều chắp tay cúi người ngồi xuống dưới đất.

Ông già râu đen đầu trọc ở bên phải nói:

“Đã tìm ra tung tích của Đại Phương sư điệt chưa?”.

Đại Bi nói:

“Đến lúc này vẫn chưa có tin tức gì”.

Ông già râu tóc bạc phơ chép miệng một tiếng rồi nói:

“Trước khi lão nạp bế quan, Đại Phương sư điệt đã từng hỏi đến tình thế võ lâm trong mấy mươi năm, lúc đó trong võ lâm đã lan truyền sự tích La Huyền. Lão nạp rất không yên về điều này, La Huyền chân nhân đương nhiên là một bậc kỳ tài trong võ lâm, nhưng theo lời đồn, ông ta hình như là một kẻ tự ỷ vào tài của mình”. Ông ta ngập ngừng rồi lại nói tiếp:

“Không phải lão nạp bàn luận xằng bậy về người đi trước, nhưng ông ta dựa vào những thành tựu chưa bao giờ có của mình, chủ trương rằng người chắc chắn sẽ thắng trời, vì thế lão nạp đã mất ba năm tìm kiếm ông ta, mong có thể gặp mặt ông ta một lần, nhưng người ấy hành tung phiêu dật, lão nạp đã tìm ba năm nhưng vẫn không cách nào gặp được ông ta ...” nhà sư già tựa như đã dâng lên trong lòng nỗi niềm cảm khái vô hạn, ông ta buồn bã chép miệng rồi nói tiếp:

“Nếu ông ta không biết chuyện này cũng đành chịu, nhưng ông ta rõ ràng biết ta khó nhọc tìm ông ta nhưng cố ý không chịu gặp mặt ta”. Nói đến đây thì đột nhiên im lặng. Ông ta là người đức cao vọng trọng, các nhà sư Thiếu Lâm ai nấy đều cung kính, tuy rất muốn nghe tiếp nhưng không ai dám mở miệng hỏi, thế mà Phương Triệu Nam lại nén không được, hỏi rằng:

“Cớ gì lão tiền bối lại biết La Huyền cố ý không chịu ra gặp mặt?”.

Nhà sư già ấy tựa như đang chìm đắm vào suy tư, chẳng hề để ý đến câu hỏi của Phương Triệu Nam.

Một lát sau ông ta mới tiếp tục nói:

“Hình như trong núi Cửu Hoa! Ông ta đã để lại lời nhắn trên một vách núi bảo ta mau trở về chùa, ông ta bảo dù cho có đi rách hết đế giày, đạp hết các danh sơn trong thiên hạ cũng không thể tìm được ông ta”.

Phương Triệu Nam chợt chen vào hỏi:

“Vãn bối hình như đã nghe người ta nói rằng, La Huyền thành đạo đã là chuyện năm sáu mươi năm trước, khi lão tiền bối tìm ông ta, chẳng qua chỉ có ba mươi năm trước đây, lúc đó La Huyền vẫn còn sống trên đời hay sao?”.

Trong nhà đều thất kinh. Chỉ nghe ông ta tiếp tục nói:

“Điều này ta cũng vừa nghĩ ra”.

TruyenFull.com đổi tên miền thành TruyenFull.tv