Một phân đoạn quan trọng trong chương 41, và có lẽ cũng là phân đoạn sâu sắc nhất trong toàn bộ tác phẩm đối với mình, là đoạn Thẩm Hi Quang được mô tả như một cái cây bám rễ vào bóng tối ngay dưới chân anh. Bóng tối đó được ví như một làn nước đen, mà khi anh đưa Bộ Thư xuống thì đã đặt cậu lên một tấm toan trắng (toan là vải chuyên dụng dùng trong hội họa) để cậu không chạm vào vùng nước đó. Chi tiết này gợi nhớ đến phần trước, khi Bộ Thư mở cửa tiến vào phòng và phát hiện ra bức tranh Thẩm Hi Quang vẽ lại cậu dựa trên trí nhớ, sàn nhà cũng phủ đầy những tờ giấy vẽ nháp.
"Trước cửa ra vào – nơi cậu đang đặt chân – phủ đầy giấy A4, hàng trăm tờ giấy đè lên nhau như lông ngỗng. Có tờ vo thành cục, có tờ gạch đầy vệt chì đen nhẻm, có tờ bị xé nát tươm." (Chương 22)
Để bàn về hình tượng này, ta phải biết: đầu tiên, căn phòng được miêu tả ở Phần 01 là phòng ngủ của Thẩm Hi Quang, còn ở chương 41 là phòng vẽ. Hai căn phòng này đều là những nơi chốn riêng tư nhất của anh, mỗi lần Bộ Thư muốn vào thì phải xin phép trước. Điều thứ hai, Thẩm Hi Quang diễn tả trong chương này về Utopia, hay chốn phúc-đảo-địa-đàng, là hình dung về một thế giới trái với lẽ thường do tâm trí của anh tạo ra. Anh vận dụng nó như một bộ lọc để điều hòa nhận thức của bản thân với thế giới thực. Kết hợp điều này với điều thứ nhất, ta sẽ thấy điểm chung của hai căn phòng là một không gian bị giới hạn và kiểm soát nghiêm ngặt về sự riêng tư; bên cạnh đó, Thẩm Hi Quang dành rất nhiều thời gian để ẩn náu trong diện tích này. Tất cả những bằng chứng trên cho thấy rằng anh luôn luôn duy trì một không gian đủ an toàn để dành cho chốn phúc-đảo của mình; hoặc nói đơn giản hơn, hai căn phòng trên chính là hình ảnh hiện thực hóa thế giới bất thường của anh.
Vậy, ý nghĩa của những tờ giấy trên sàn nhà và tấm toan là gì? Mình tin các bạn có thể nhận ra Thẩm Hi Quang lót chúng cốt để cho Bộ Thư không trực tiếp đặt chân lên mặt sàn. Có thể ban đầu là do anh không muốn Bộ Thư làm xáo trộn không gian riêng của anh dù chỉ là chạm vào một viên gạch, nhưng đến chương này, có thể thấy rằng anh đặt cậu lên tấm toan là để bảo vệ cậu khỏi những "mực thước" (những phép tắc và mẫu mực mà con người phải noi theo) trong "thế giới bất thường" của chính anh. Hình ảnh căn phòng, vùng nước đen và tấm toan được miêu tả vừa có tính chất vật lý vừa phi vật lý. Màu sắc đen và trắng cũng được nhấn mạnh sự tương phản trong khung cảnh này, đại diện cho bóng tối và ánh sáng, cái xấu và cái tốt. Thẩm Hi Quang ý thức rằng anh là bóng tối và chuẩn mực trong thế giới của anh cũng là những cái xấu. Vì thế, anh dùng tấm toan một như chiếc bè để bảo vệ Bộ Thư không dính vào những cái xấu đó.
Một chi tiết ẩn ý nữa là bức tranh anh vẽ Bộ Thư theo trí nhớ:
"Thiếu niên đó mặc đồng phục học sinh, nhoài người ra ngoài lan can, một cánh tay duỗi ra thả xuống phía dưới." (Chương 22)
Tại sao nhân vật trong tranh lại duỗi tay xuống phía dưới? Người thiếu niên được vẽ dựa trên Bộ Thư đang muốn nắm lấy cái gì bên dưới? Ở đây, ta phải nhắc lại chương 41:
"Trong ánh sáng dìu dịu này, khung cảnh chợt trở nên không thực, bóng tối tràn lên cẳng chân anh như không còn tồn tại sàn nhà nữa. Anh đang ở trên một vùng nước đen ngòm hơn cả mực viết, như một cái cây khẳng khiu mọc dày rễ để sống ký sinh nhờ bóng tối ấy."
Vậy, khi sàn nhà là "vùng nước đen", Thẩm Hi Quang sống trong vùng nước ấy, còn Bộ Thư đang ở trên "chiếc bè" được ghép từ hàng trăm tờ giấy trắng. Khi anh vẽ cậu vươn tay xuống dưới, ý nghĩa ẩn giấu trong đó hẳn đã quá rõ ràng đối với bạn đọc: anh muốn cậu nắm lấy tay anh. Và trong chương 40.1, ta thấy:
"Trong cơn hỗn loạn của những cảm xúc xa lạ, anh co cứng cả người và vươn tay lên, như trong quá khứ đã từng hết đêm này đến đêm khác nỗ lực tìm kiếm một sự cứu thoát. Lần này bàn tay anh không rơi vào hư vô. Cậu nắm lấy anh, vực anh dậy, cứu vớt anh khỏi nhân thế não nề."
Bên cạnh đó, ta còn thấy nếu trong quá khứ, Thẩm Hi Quang vẽ Bộ Thư đang vươn tay xuống trong tranh, thì ở trong chương 41, anh đặt cậu lên một tấm toan trắng chưa vẽ gì cả; liên kết hai chi tiết này với nhau, bạn đọc có thể thấy một sự chuyển tiếp mạnh mẽ từ nhân vật trong tranh trắng đen đến một con người có hơi ấm, có tình cảm; từ một bàn tay chơi vơi đến mười ngón tay đan cài; từ một Thẩm Hi Quang tràn đầy oán hận đến một Thẩm Hi Quang đã biết cách để yêu thương: "Anh vẫn là một cái cây, một cái cây sống dựa vào vùng nước đen nơi ánh trăng không thể rọi tới, nhưng anh sẽ không để cậu dính đến một giọt mực thước của chốn trụy lạc này." (Chương 41)
Tạm kết, cho đến hiện tại thì tình cảm của Thẩm Hi Quang vẫn đầy dồn nén và rất kín đáo. Khó để mong chờ anh sẽ nói ra lời yêu thương hay bày tỏ thông qua các hành động bất ngờ. Anh không phải kiểu người như vậy, và cũng không có ai dạy cho anh cách để làm như vậy. Bên cạnh đó, tính duy lý của anh rất cao. Anh luôn thận trọng trong quan sát và dò xét, tìm bằng chứng, lập luận và đưa ra kết luận về vấn đề của bản thân. Vì vậy, dù anh có bi quan và lắm khi bất lực nhưng anh vẫn đang cố gắng từng chút, từng ngày.
Hành trình với tâm bệnh có thể là một hành trình rất dài, mình biết đôi khi các bạn có thể rất mệt và nhàm với việc người khác cứ than vãn về sự đau khổ của họ nhưng dù bạn có thông cảm hay chăng thì chỉ cần đừng phủ nhận cảm xúc của họ đã là một sự an ủi dành cho những người đó rồi.