Đêm đã khuya. Hầu hết người ở cảng Kẻ Chợ đã ngủ, chỉ trừ một số ít thức canh đêm trên mặt đất. Tuy nói thế, số lượng vẫn lên đến hai lữ đoàn, tầm khoảng bảy, tám ngàn người, cùng rất nhiều phương tiện cơ giới. “Giáp cơ động”, tên gọi chính xác của loại người máy vũ trang có điều khiển ấy, chuyển chế độ chạy im lặng mà đi tuần tra khu cảng ngoài, nơi các khu trục và Hồng Ma buông neo. Vũ khí kềnh càng đầy vẻ uy hiếp, đạn đã lên nòng, đèn pha cực tím cài trên vai bật sáng trưng, chúng đi đi lại lại, thải ra từng cột khói xám xịt với những vệt bánh xích lớn in dưới nền đất. Đi chung là rất nhiều xe bọc thép bán xích, phương tiện chỏ bộ binh và các khẩu đội súng máy trung liên, đảm bảo tạo thành ổ hỏa lực bất cứ khi nào cần thiết.
Đứng bên hành lang nhìn xuống khoảng sân bên trong pháo đài, nơi không thể nào thấy được quân cảng, Giao Long im lặng, chìm mình vào màn đêm tối om. Vào tầm này, sau mười giờ đêm, hầu hết đèn điện trong khu nhà tập thể quân lính sẽ tắt. Lính tráng lên giường từ chín giờ tối, hôm sau bốn giờ dậy, làm vệ sinh cá nhân, bốn rưỡi sẽ tập trung thể dục buổi sáng. Không phân biệt nam nữ, biên chế ở đây đều phải theo quy định đó. Cấp sĩ quan từ tá trở lên thoải mái hơn, không bị gò bó thời gian quá, nhưng vẫn bị cấm dùng thuốc lá. Rượu chỉ được uống trong các trường hợp như tiếp khách quý, đại tiệc liên hoan đơn vị hay tiệc chia tay, đưa tiễn,… còn lại tuyệt nhiên không được đụng tới một giọt. Cờ bạc hoàn toàn không tồn tại trong này, nếu bị phát hiện sát phạt sẽ xử cả đơn vị.
Bộ trưởng và Tổng lãnh Bồn Điện đã ra về trước. Khi đi, họ dùng xe bọc thép của quân đội. Không phải loại xe bốn bánh lốp làm vỏ chống đạn mà thực sự là phương tiện của Lục quân, nhưng có lẽ là hàng tư nhân. Đối với quý tộc cấp cao, mua vài ba món như thế không phải lạ. Tổng lãnh ngoài quân của lãnh thổ còn có thể duy trì một nhóm nhỏ thân quân, trong khi đó Bộ trưởng Bộ Tổng Tư lệnh, dù là công chức Nhà nước, vẫn là một quý tộc. Mà quý tộc thì có quyền nuôi quân riêng theo các quy định của pháp luật. Cô biết anh trai mình có kha khá quân riêng, cũng phải cả hai sư đoàn bộ binh cơ giới, vài trăm cái xe bọc thép, mấy mươi cỗ pháo và quý nhất là bốn chiếc tuần dương hạng nhẹ lớp Bách Việt, loại tuần dương mới được đưa vào sản xuất gần đây. Dinh thự của anh ta ở kinh thành luôn có lính vũ trang canh gác, còn ông già Hiệp thì khỏi nói, có hẳn lâu đài kiểu xưa với tường xây cao, hòn giả sơn, vườn kiểng cổ, nằm ở khu ngoại ô rộng rãi nên cũng không chiếm đất lắm.
Từ lâu lắm rồi, Giao Long đã hình thành một thói quen. Do “Thi Hoàng” không cần ngủ, mà vốn bản chất thi quỷ đã sống vào đêm, nên khi trời tối cô thường đi lang thang quan sát binh lính trực ban. Thói này hình thành từ khi còn tham gia chiến tranh ở tuyến Siegfired, khi ấy nhờ vấn đề thể chất và chủng tộc nên thường xung phong làm lính gác buổi tối. Lần dò trong chiến hào, ánh sáng duy nhất chỉ có Mặt trăng, chìm nửa mình dưới đống bùn sinh, cô nàng len lỏi qua những người lính đang ngủ, vỗ vai nói chuyện các đồng đội cho bớt căng thẳng, đồng thời xem nơi nào bỏ chốt, không canh thì lập tức báo cáo lại cho chỉ huy cấp trên để xử lý nghiêm khắc.
Cái này càng hình thành rõ nét hơn khi bị mắc kẹt trong rừng Argönne, giữa lúc tiểu đoàn chỉ còn chưa tới một trăm chín mươi người sống sót. Địch bao vây xung quanh, súng máy bắn liên tục suốt ngày tối, dù có muốn nghỉ ngơi cũng chẳng thể. Đơn vị năm đó đa số là người Gốp, người lùn có vóc dáng nhỏ bé, thể lực nhìn chung tốt nhưng bị thiếu nguồn hậu cần, nước sạch, lại nhiễm trùng vết thương nên sức chiến đấu giảm nhiều. Khi ấy phải chia nhau trực ca, những người còn đủ sức phải vừa canh địch đột kích vừa hỗ trợ người bị thương, bệnh. Môi trường chiến đấu thiếu vệ sinh, bùn sình hôi thối làm các vết thương nhiễm trùng, chưa kể đạn pháo, cối bắn cấp tập, vẫn phải chia ra chống cự. Khi đó trong cả nhúm quân chỉ còn cô có quân hàm cao nhất – mới là Trung úy thôi, nhưng đã phải chỉ huy vượt cấp rồi! Ôm lấy súng mà bắn xuyên táo từng tên, khi rảnh tranh thủ đi kiểm tra tình hình mấy nhóm khác, lại động viên anh em thương binh, cố gắng cầm cự chờ cứu viện tới.
Đến tối cũng chẳng dám ngả lưng, phải liên tục đi rỏn canh chừng, không để địch đánh bất ngờ, Lại còn lay đồng đội ngủ gục, thúc đổi ca, thay băng cho đồng đội, và thu lượm lại những mảnh thép khắc tên, số hiệu của các đồng chí đã hi sinh. Kỷ luật luôn phải đảm bảo, vì nếu mất tinh thần, họ sẽ để mất điểm cao chiến lược. Là quyền chỉ huy, Giao Long phải luôn đảm bảo tinh thần anh em không xuống thấp, mọi người vẫn phải sẵn sàng chiến đấu, tới mức đi ngủ cũng lắp lê vào súng, xẻng nằm bên cạnh. Hai tiếng đổi ca trực đêm, luân phiên như thế tới khi sáng, lại chiến đấu cố phá vòng vây. Tới ngày thứ tám thì viện quân do Hồng Ma và Lệ dẫn đầu kéo tới, chính thức đánh dấu giai đoạn cao trào của chiến dịch phản công ấy.
Hơn năm trăm người tiến vào chỉ còn gần hai trăm sống sót đi ra, ai cũng chịu ít nhất một vết thương. Đạn dược khi vào đủ dùng cho năm ngày theo tiêu chuẩn, vậy mà họ đã cầm cự tới tận tám hôm, chỉ nằm ngụp người trong vũng sình lạnh cóng đó, trong khu rừng thiếu ánh Mặt trời, nguồn nước bị địch chiếm và phải nhai tất cả mọi thứ tìm được.
Nhớ lại ngày ấy, Giao Long lại thấy lòng bâng khuâng. “Kỷ luật hồi đó thực sự rất tốt.”, cô mỉm cười. Dĩ nhiên, thuyền trưởng không có ý chê lính Đại Việt không tốt. Đơn vị năm đó cô được bổ nhiệm vốn do một người gốc Đại Việt, tỉnh Thuận Châu làm Tiểu đoàn trưởng, nhưng anh ta hi sinh trong một trận cối dội, lấy thân mình che cho các đồng chí bị thương chưa tránh kịp. Việc huấn luyện do một tay người thanh niên ấy thực hiện, ngay cả khi bị địch bao vây với quân số áp đảo vẫn giữ vững tinh thần, sự tinh nhuệ chẳng hề giảm sút. Phân tích tình hình, đề chiến thuật cực kỳ hợp lý. Cô đã nghĩ, nếu năm ấy không phải tan xác, đợi Hồng Ma tới hồi sinh thành thi quỷ thì bây giờ đất nước đã có thêm một chỉ huy tài ba. Chỉ là đáng buồn, lịch sử không có chỗ cho “nếu như”.
Những người xuống tàu đã được phân vào các phòng còn trống của khu nhà lính, tạm thời ngả lưng một đêm. Tuy tiện nghi ở đây không quá nổi bật, nó vẫn đỡ hơn việc phải chen chúc mười hai nàng một phòng với sáu cái giường tầng như trên tàu. Ít ra vẫn có phòng riêng, tệ lắm thì là phòng bốn giường. Mộc Ma và đám Oa Lân vào chung một phòng, dù gì họ cũng thuộc nhóm sĩ quan “cao cấp” chỉ huy buồng lái, tuy sự chênh lệch quân hàm giữa cao và thấp nhất có hơi lớn. Giao Long và Hồng Ma mỗi người có một phòng cấp tướng, ở giường riêng, tủ quần áo để sẵn mấy bộ đồ ngủ, áo choàng mặc khi tắm, dép lông đi trong nhà và cả bộ ấm chén trà bằng sứ, nhưng cô chưa dùng tới. Con chồng mình đã về phòng đánh một giấc từ lâu, có vẻ như hôm nay làm giảng viên hơi mệt quá. Còn bản thân, cô nghĩ, chưa cần. Nếu ở đó, cái chiến trường kinh khủng lấy tán cây làm trần, bùn lầy hóa sàn và tiếng đạn bắn cấp tập là báo thức, cô vẫn có thể tỉnh táo thì chỗ này thấm vào đâu.
Vả lại, trong người mình còn có ánh lửa lập lòe ấy. Hòa cùng sức mạnh “Thi Hoàng”, nó giữ cô tỉnh như sáo, không bao giờ mệt. Bởi thế ngả lưng xuống cũng chưa chắc ngủ nổi. Chỉ khi phải phân thần ra như hồi ban sáng, liên tục dùng ma pháp thời không thì mới thốn như bị ai đó hút cạn máu thôi.
Nhưng Viêm thì khác. Lửa đen bên trong nó là gì còn chưa thấu được.
Tối đó, lúc nói chuyện với Kiyo và Dung trong căn hầm, họ đã đi tới kết luận bước đầu: Huyền Viêm bên trong con bé sẽ không bạo phát chừng nào nó còn không dùng được linh lực. Vấn đề ở đây chính là “chừng nào” ấy. Ngọn lửa đen là một thứ quái dị, nó mâu thuẫn với mọi lý thuyết về thuộc tính linh lực và ma pháp từng được biết tới, ngay đến y học và vật lý năng lượng cũng bó tay. Bản thân Hồng Ma, người đầu tiên được ghi nhận là sở hữu thứ ấy cũng không thể hoàn toàn hiểu được bản chất, chỉ biết rằng nó là cái giống quỷ dị gì đó rất hỗn độn.
Lửa mang tính dương, nhưng bóng tối lại thuần âm. Hòa vào nhau, lấy hình dạng của ánh lửa đen tuyền, nó tồn tại như thể thách thức cả thế giới. Quy luật xuất hiện cực kỳ ngẫu nhiên, trong khi mỗi lần ra mặt lại tạo thành biến dị quái đản. Hồng Ma là “nhiệt hạch”, mình là “năng lượng tối”, còn con bé là gì? Cô không biết nữa, tới cả đôi mắt này, thứ nhìn xuyên hết sáu cõi, qua rất nhiều vũ trụ song song cũng không biết được. Lượng linh lực dồi dào như đại dương tích trữ trong người cũng cực kỳ lớn, nhưng mang một màu đen ma mị. Do Huyền Viêm sinh ra? Hay… là một thứ còn đáng sợ hơn, thứ mà nếu không thể khống chế được, sẽ đến mức cháy rụi cả thân thể, hồn phách bị nó nuốt chửng, biến thành bóng ma lửa như con đầu đỏ kia từng suýt bị? Cô nhớ Hồng Ma đã nói, cái tên ấy chính do bản thân đặt. Một thứ có thể thiêu rụi cả thân thể của Xích Quỷ, mặc cho khi đó bà già mạnh lắm rồi, và vẫn xém chút đã làm cô biến mất khỏi thế giới. Chỉ nhờ may mắn khuất phục được, linh hồn làm chủ được lửa mới có thể tồn tại trong dạng ma quỷ rực cháy hiện tại.
“Viêm Ma”.
– Có thể thiêu rụi cả thân xác Hồng Ma… Nó phải tới mức nào chứ?
Sự tồn tại cường đại như Hồng Ma, tuyệt đối không phải thứ có thể xem thường. Cô đã thấy chồng mình đánh tay đôi với rồng ba đầu, vật Oa Lân như chơi với cún con, còn có thể đánh Alicia, một người sở hữu quyền năng của băng vượt khỏi mức luân lý thông thường, ra bã. Vậy mà lại có thể bị chính sức mạnh của mình bạo phát, cháy từ trong ra, xác thịt phút chốc hóa tro tàn, đến cả hồn phách khó lắm mới giữ được. Dù ngoài miệng hay nói rằng đó là cách để “bất tử”, từ bỏ nhục thân để tồn tại ở dạng linh hồn bất tử bất diệt, thì rõ ràng ban đầu không phải chủ đích.
Năm đó, nếu không phải trong người còn một nguồn sức mạnh khác, một thứ thậm chí còn quỷ quái hơn Huyền Viêm, thì Giao Long sớm đã cháy không sót lại than rồi. Bại liệt mười chín năm là cái giá quá rẻ so với việc bị chính linh lực thiêu chết, và tuy có phần ngoài dự tính – bị giết lãng nhách thế – nó lại “vô tình” kích hoạt hiệu ứng phụ của sức mạnh kia, trong khoảnh khắc đã trội hơn và khiến ngọn lửa phải khuất phục. Năng lượng linh hồn, thứ cần thiết để luyện các phép thao thi, thao hồn, đã cứu cô không những không chết mà còn ngay lập tức đánh bại hoàn toàn Huyền Viêm, luyện hóa nó thành sức mạnh. Hai nguồn hóa một, cùng chảy trong huyết quản đã sinh ra “Thi Hoàng” của hiện tại.
Những lời này đều là của một người ở thế giới khác nói cho. Khi đó Giao Long mang theo hũ cốt của bà nội, tìm đường tới Trái đất và vô tình lạc sang. Cao Thanh Cơ, chính người phụ nữ đó đã kiểm tra và phân tích ngọn lửa, nhận thấy nguồn gốc của nó thậm chí còn không phải là một thứ tự nhiên. “Thuộc tính biến dị!”, cô ta bảo thế. Một thứ linh lực quái đản, không phải bất kham nhưng cũng chẳng phải bé ngoan dễ bảo. Nhưng trong trường hợp người sở hữu không dùng được linh lực – thế giới kia gọi bằng tên “linh khí” – như Viêm không có loại nhiễm sắc thể tạo Divaenium sinh học, nó sẽ vô hại. Chỉ cần chấp nhận cả đời không dùng ma pháp là được.
“Chẳng phải cái giá đó quá rẻ nếu so với tính mạng sao?”, Thanh Cơ bảo thế.
“Có lẽ vậy, có lẽ.”
Giao Long trầm ngâm. Trông ra cửa sổ, cô hướng mắt lên bầu trời đầy những vì sao xa xôi, với dòng sông Ngân và đôi bờ sương khói mờ ảo vắt qua giữa nền đen thẳm.
Dù có đến từ “dị giới”, phải đi bưng hủ tiếu liên miên, lại còn bị ép phải bỏ học vì cha nó dùng hết tiền vào những trò đá gà, sát phạt hay “bắn cá” ở cái nhà lớn ngay đầu ngõ, nơi cách trụ sở công an phường chỉ năm phút đi bộ, thì con bé vẫn còn nhỏ. Nó mới gần mười ba, cái tuổi “trăng rằm” tuyệt đẹp của người con gái, không đáng phải lo lắng vì những chuyện tào lao ấy. Dung chưa cho con bé biết, xem ra thế, nhưng trước sau cũng phải nói. Không thể dùng ma thuật xem ra sẽ là cú sốc cực lớn, nhưng… Nghĩ có hơi đắng lòng, nhưng Viêm, con bé qua đây mới chưa đầy tuần lễ đã liên tục vỡ mộng. Từ chuyện Hồng Ma nói nó nghe về sự thật tới những tiến bộ công nghệ, niềm tin vào thế giới giả tưởng “kiếm và ma pháp” sớm đã tan thành làn khói mờ sau đợt pháo kích rồi.
Vả lại, cô tự nhủ, một thế giới không tồn tại ma pháp, chẳng phải có đó sao? Người Trái đất vẫn sống khỏe mà không cần ma thuật hỗ trợ, vậy tại sao lại cứ phải câu nệ vào nó? Phát triển công nghệ, từ đầu cũng là do các chủng tộc yếu ớt, nguồn linh lực bẩm sinh hạn chế, đã dùng công cụ để cân bằng với các tộc mang linh lực dồi dào. Như vậy, chẳng phải nói khoa học là thứ xóa đi khoảng cách, giúp tạo sự công bằng sao?
Trước nay, ở Thủy Tinh và những vũ trụ song song đã đi qua, Giao Long đều thấy xã hội bị phân bậc theo khả năng dùng ma thuật, theo mức linh lực. Phương Đông có thế gia tu luyện, đại lục phía Tây chia theo “mana”, đều là sự phân biệt đối xử, tạo thành tầng lớp, giai cấp để dễ bề thống trị. Đổi lại, nếu là công nghệ, thứ ai cũng có thể tiếp cận, chỉ cần chăm học và quyết tâm thì chỉ một đứa nhỏ cũng làm ra được cả lò phản ứng dùng trong nhà. Không còn sự phân chia theo linh lực, theo khả năng ma pháp nữa. Một thế giới như vậy, một xã hội như vậy, nơi khoa học độc tôn, xóa bỏ đi định kiến về địa vị xã hội, không còn cái luật rừng “tao mạnh tao có quyền oánh”, sẽ rất tuyệt sao?
Xã hội công nghệ cao, không có bất công giai tầng, mọi người bình đẳng…
Nghe tuyệt nhỉ?
Nhưng cái gì cũng có mặt trái của nó. Không cái gì hoàn hảo, cô biết chứ. Lại nghĩ đến ngay chính Đế quốc, ngoài mặt là nhà nước rất “dân chủ”, chính trị ổn định, nền giáo dục tốt, mức sống tốt, ý thức nghĩa vụ đối với quốc gia cao ngất trời, cũng còn tồn tại những mặt tối. Lòng yêu nước và tinh thần dân tộc thái quá sẽ hóa cực đoan, đâm ra những lối suy nghĩ phản động, chưa kể còn đám vong quốc hải ngoại sẵn sàng vì mấy đồng bạc rách ngoại bang mà đang tâm làm thứ nô dịch, chó săn, chống lại Tổ quốc, đồng bào, đường lối hòa bình hiện tại, cũng chống luôn các luật pháp quốc tế. Quân đội và công an luôn phải bí mật đấu tranh với các thành phần này. Nhất là từ sau vụ biến Phiên An, Đế quốc đã thật sự vào cảnh “mất bò mới lo làm chuồng”. Trước đó, không ai ngờ đám phản động Việt Tân, lũ cuồng tín quân phiệt hiếu chiến và đứng sau nữa là cái “xi ai ây” của Columbia lại dám làm chuyện kinh động trời đất thế. Chỉ là một khu lãnh thổ Công tước mà đã như vậy, tuy sự đã rồi, người chết không thể trở lại, vẫn phải tiến hành các biện pháp phòng chống một vụ Phiên An thứ hai, quyết không để nền hòa bình hiện tại bị ảnh hưởng.
Một mặt làm công tác tư tưởng, dân vận, xóa bỏ tư tưởng hiếu chiến, tự coi bản thân thượng đẳng, mặt khác không ngừng triệt phá các hội kín bàn chuyện chống đối chế độ hiện hữu, bỏ tù các thành phần tuyên truyền chủ nghĩa cực đoan, chủ nghĩa xét lại, diễn biến hòa bình các thứ. Báo đài bị kiểm duyệt gắt gao, các truyền đơn nếu thấy nội dung phản động sẽ bị bắt ngay. Thậm chí có người đề xuất kiểm tra lý lịch ba đời, do trước đây thi vào trường sĩ quan quá dễ nên mới có nhiều phần tử bản lĩnh chính trị không vững, dễ bị sa ngã như vậy. Đến chính công tác giáo dục chính trị nói riêng và chương trình đào tạo giáo dục chung cũng phải xem lại, tăng cường các môn liên quan tới tinh thần, tư tưởng học sinh. Trồng cây mười năm, trồng người trăm năm, kết hợp giữa biện pháp phần ngọn với xử lý gốc rễ, có thể lâu, nhưng bằng mọi giá phải dẹp yên các luồng suy nghĩ phản động, chống chế độ này.
Nắm chặt tay, Giao Long khẽ thở dài.
Đế quốc nhìn yên bình thế, ít ai hay rằng một “cuộc chiến thầm lặng” đang manh nha hình thành. Cứ thế này sẽ ảnh hưởng tới tương lai bọn trẻ con, nếu thành xã hội công nghệ cao thì còn loạn nữa. Mà cô thì không muốn các con mình lớn lên giữa cái thời đầy ma quỷ đó. Cái gì do thế hệ này gây ra, hãy để nó chấm dứt tại đây, trong thời kỳ này. Đừng để mấy con “cẩu” Việt Tân, chính phủ lâm thời cái giống ôn dịch gì đó đầu độc đầu óc đám trẻ, thế hệ tương lai của quê hương bằng cái tư tưởng làm nô lệ cho Columbia của chúng nữa.
Nếu không có chuyện gì xảy ra, cô mong thế, con bé sẽ lớn lên một cách bình thường, hòa nhập xã hội như một người bình thường, có công ăn việc làm lương thiện, ổn định, tìm được người chồng tốt và xây dựng mái ấm riêng, một nơi đầy ắp tiếng nói cười con trẻ và tình yêu vợ chồng. Tránh thật xa khỏi cái thế giới ma thuật hắc ám này, xa khỏi chuyện thuộc tính ma pháp, vụ bạo phát linh lực, và những trò khác nữa. Sống như một người bình thường, không phải nuôi mộng mị cao xa gì, nhưng một khi đã bắt tay vào thì sẽ nỗ lực hết mình. Một người “thường” giữa xã hội, không sân si với ai, cũng chẳng ai đến cà khịa. Bình yên, hòa thuận, cứ thế là tốt nhất.
Bây giờ Viêm đang ngủ say trong căn phòng cấp tướng kia. Trên chiếc nệm nhún nhún, cuộn mình vào mền bông êm ấm, để cửa sổ mở cho khí trời vào thông thoáng, con bé hoàn toàn chìm vào thế giới mộng mị, không biết gì những điều bên ngoài. Nó một mình một cõi như thế, lăn thoải mái. Nhưng khi Giao Long định ra ngoài, bàn tay nhỏ bé ấy đã ghì lấy vạt áo. “Mẹ… Mẹ…”, con bé khẽ kêu, nước mắt đột nhiên lăn dài trên má. Chính “Thi Hoàng” cũng thấy bất ngờ. Mẹ ấy à? Nếu là người đó, người “mẹ” đã nuôi nó, cô biết, nhỏ sẽ không bao giờ gặp lại được nữa. Còn nếu là người “mẹ” thực sự mang nặng đẻ đau suốt chín tháng mười ngày, nhưng đã đem tử cung cho “mượn” để giúp một người đồng tộc cũ thực hiện ước mong có con, gần lắm, mà cũng xa vô cùng. Lau nước mắt cho con, thuyền trưởng vuốt lại mái tóc đen tuyền, cúi xuống chạm trán nó rồi rời đi.
“Đến cuối cùng, mình vẫn là con thỏ đế.”
Nhếch mép đầy chua chát, Giao Long nghĩ lại lúc rời phòng. Đã gần một tiếng rồi. Viêm giờ đã ngủ say, ít nhất thì “đôi mắt” này thấy vậy.
Một lần nữa, cô quá hèn nhát. Có dũng khí để cầm lê xiên chết địch, bóp cò súng máy, thậm chí ra lệnh phun clo và hỏa thiêu thủ đô xứ người ta, gần nhất là tự tay xử tử chị họ và truy bắt đến cùng tàn quân phản động về chịu án xử tử, người phụ nữ ấy lại không dám đối diện với đứa trẻ mình đưa về.
Rồi Giao Long lại rảo bước, qua hành lang rọi sáng bởi đèn pha cao áp ngoài kia. Cô đi qua phòng của bốn người đó.
Căn phòng được phân cho nhóm buồng lái đã tắt đèn. Tiếng ngáy rõ to của Masami làm Oa Lân phải chui kín vào mền mới mong đỡ được. Hương Hương không biết từ khi nào đã thủ sẵn cặp nút bịt tai, nhét vào phát là hết nghe gì. Mộc Ma mới thật kinh dị, dù như thế mà vẫn chỏng mỏ lên ngủ như không có gì xảy ra. Xem ra hôm nay họ đã mệt quá rồi. Điều khiển tàu bay chưa khi nào là chuyện dễ dàng, kíp lái thông thường có tới mấy chục người, trong khi ở đây chỉ có bốn mạng chia nhau ra mà gánh.
Khi đi ngang qua, Giao Long có hé nhìn, họ lúc này hệt như lũ trẻ to xác. Ờ mà có trẻ nít thiệt. Chẳng hề giữ ý giữ tứ gì, con gái con nứa mà “banh càng” cả ra, xấu cực. Cô thậm chí phải vào đắp lại mền cho từng người, sửa tóc, kê gối, rồi mới coi qua hết một lượt. Thiệt tình, thuyền trưởng nghĩ, lớn già đầu rồi mà tướng ngủ vẫn xấu không tả nổi. Cũng may bây giờ chỉ có đàn bà con gái trong này, chứ lỡ thằng đực rựa nào thì khéo cao xạ lên nòng! Bốn cô nàng mặc bộ đồ lót quân đội, tức áo thun ba lỗ với quần đùi dài ngang đầu gối, bên dưới còn có thêm chiếc yếm che lại, nhưng vẫn kích thích vô cùng.
Trời mát mẻ vậy mà cũng tuôn mồ hôi được. Masami ướt như tắm, Hương Hương dính bết tóc lên mặt, Mộc Ma nực quá cựa quậy liên tục. Duy chỉ có Oa Lân vẫn cứ mát mẻ, phải tội nghe tiếng rồng ngáy nên khó ngủ. Nhưng còn cái quan trọng hơn. Mồ hôi làm áo ướt dính sát vào người, khiến chúng lồ lộ lên hết. Ba cặp núi đôi, và… à mà thôi, cô không định nói, kẻo “nó” lại thúi hết cả lòng mề ruột gan. “Đắng.”, Giao Long chỉ nghĩ thế, rồi rời đi.
Vừa khép cửa lại, Giao Long chợt nghe có tiếng nói sau lưng:
– Quyết thắng!
– Quyết thắng. Mà tối rồi, nên nhỏ tiếng chút.
– Vâng, xin lỗi.
Người vừa nói ấy, Giao Long biết mặt. Đề đốc Lê Thị Định, quê gốc Thiên Trường, Chủ nhiệm Cảng hàng không quân sự Kẻ Chợ, tức người đứng đầu tại cơ quan này. Là người cùng thời với mình, cũng tham gia vào chiến tranh ở Gaia nhưng lại nằm tại phía hậu cần xa tít tắp, trải nghiệm giao tranh thực tế không nhiều mà chủ yếu là thấy trong những lần chuyển hàng ra tiền tuyến.
Trong tâm trí Giao Long, hình bóng người con gái đất Bắc vẫn còn khá rõ, chủ yếu là những lần… nôn ọe khi lỡ hít phải cái mùi đặc trưng của chiến tuyến! Hơn hai chục năm trôi qua, Định gần như không thay đổi. Vẫn màu da rám nắng của người nhà nông, cơ thể săn chắc nhờ những bài huấn luyện và cả việc phải vác từng kiện đạn tới tận nơi, điều mà ngay cả người lùn hay Giao cũng khó có thể một mình thực hiện, nếu có, chỉ là những nếp nhăn đã nhiều thêm trên gương mặt tàn nhang ấy.
Cô ta chưa bao giờ là cô gái ngoại hình đẹp đẽ: Tàn nhang đầy mặt, mắt một mí, lại thêm chiếc mũi tẹt và đôi môi dày nên đám đực rựa trong đơn vị hồi xưa hay chê lắm. Mái tóc đen cháy nắng đổ màu nâu vàng của những buổi còng lưng làm ruộng giờ đây có thêm những sợi bạc như cước, gương mặt chưa già nhưng nhăn lại nhiều, hốc hác và bọng mắt thâm quầng lớn rõ. Mặc trên người bộ quân phục Không quân xanh đen đặc trưng với cầu vai vàng hai sao năm cánh và ống tay áo hai vòng vàng, một dày một mỏng, trước ngực chỉ đơn giản là tấm bảng cuống màu đo đỏ và huân chương thập tự với khẩu súng và thanh gươm bắt chéo chính giữa, phía sau có mảnh đồng hình tròn tạo hình bánh răng – Huân chương Cống hiến, loại dành cho những cá nhân có đóng góp xuất sắc trong công việc được quân đội ghi nhận. Nó không phân biệt vai trò, địa vị xã hội, quý tộc hay người thường đều có thể nhận. Khiên màu đồng thì chỉ mới là hạng ba, thấp nhất trong ba cấp, nhưng vẫn có thể lấy làm tự hào. Đeo trước ngực thế rõ ràng đã có thành tựu trong công tác.
Khoác chiếc áo bành tô da trên vai, cũng chính là nơi gắn cầu vai, Định tiến lại gần Giao Long, nói:
– Lâu rồi không gặp, cô vẫn khỏe chứ?
– Hơn trâu. Mà mới gần một năm thôi, lâu lắc gì.
– Với cô thì mới thôi, còn chúng tôi thì một năm… Ờ mà nhanh thật! Mặt lại nhăn hơn rồi!
– Vẫn nói chuyện dở hơi như trước nhờ, ta thấy cô cũng chả khác gì.
– Không dám, không dám!
Trong quân đội, ít có ai lại dám nói chuyện với các Tổng lãnh thoải mái vậy, nếu không phải người quen hay dân có máu mặt, thế lực chống lưng hùng mạnh. Đến cả các Hoàng thân hiện tại cũng phải nể mặt vài phần, bởi không chỉ vượt trội về quân hàm, họ còn là các quý tộc siêu lớn trấn giữ những vùng lớn có thể sánh với cả một quốc gia độc lập. Định là số ít ngoại lệ, những người không có bất cứ gia thế gì đằng sau mà leo lên bằng chính sức mình. Xuất thân chỉ từ vùng làm nông, đi lính nghĩa vụ ngay khi chiến tranh nổ ra và Đế quốc quyết định chi viện cho đồng minh, cô tới đó sớm hơn Giao Long một năm nhưng kinh nghiệm chiến trường lại ít hơn, chắc do toàn phải ở phía sau.
Luận về khả năng, Giao Long chắc chắn Định chuyên về tướng tham mưu bàn giấy ở hậu phương hơn là việc trực tiếp lên tuyến đầu giao tranh, chỉ huy đại quân giáp chiến ngoài trận tiền. Đối với một lính hậu cần, cô ta khá… lười, nhưng thường có những sáng kiến giúp đơn vị bớt được nhọc công mà vẫn giữ năng suất làm, không phải lười biếng. Tuy nhiên, năng lực ấy chỉ thực sự bộc lộ sau khi vào Học viện Không lực Lục quân Đế quốc Liên hiệp, tức trường nằm trực tiếp dưới sự chỉ đạo của Cục Không lực Lục quân thuộc Bộ Tổng Tư lệnh, khi đó chỉ vừa mới thành lập, tách ra từ Học viện Lục quân Đế quốc Liên hiệp. Trường ấy sau khi thành lập Không quân riêng đã đổi lại tên, nhưng đó không phải chuyện đáng nói bây giờ.
Khi Định vào học viện thì cùng lúc đó Giao Long đang du học ở Lützwien, một trường lớn, có thể coi là lớn nhất Gaia, chuyên về Không quân. Hai người xuất thân từ hai quân chủng khác nhau, “Thi Hoàng” đến từ quân đổ bộ thuộc Không lực Hải quân còn Định vốn nằm trong đơn vị hậu cần quân nhu của Lục quân, nhưng khi học tới năm thứ ba, đã bắt đầu nghe tiếng một nữ học viên “mặt rỗ” nhưng rất có tài, trên sa bàn có thể dồn giảng viên toát mồ hôi hột và cầm hòa với trợ giảng của thầy. Kể cũng hay, cách nửa vòng tinh cầu mà tin tức vẫn truyền sang được. Nếu nhớ không lầm, khi ấy có đợt trao đổi sinh viên. Đế quốc đang cần bồi dưỡng lứa sĩ quan tàu bay giỏi, trong khi Valhöll lại muốn tham khảo học thuyết tác chiến đổ bộ đường không, thứ khi đó vẫn còn lạ lẫm với phương Tây, lại thêm quan hệ đồng minh thân thiết nên bắt tay cái rụp. Định nằm trong số các sinh viên trao đổi ấy, hai người gặp nhau tại Lützwien và khá “xung khắc” nhau.
Nguyên do là bởi, Định thuộc kiểu người mang tư duy truyền thống, ủng hộ việc dùng tàu to pháo lớn để giành ưu thế áp đảo trước đối phương. Trong khi đó Giao Long chủ trương tác chiến cơ động, lấy khu trục nhỏ nhẹ mang bom bay có sức công phá lớn hơn đánh khuýp quật vu hồi theo lối phi chính thống, dùng nhỏ đánh lớn, lấy ít địch nhiều, yếu lại thắng mạnh. Một người hết lòng ủng hộ lý thuyết Mahan, vốn cho rằng cuộc chiến gần như được quyết định từ trước khi pháo nổ nhờ số lượng tàu to, cỡ nòng pháo, tầm bắn và vỏ giáp trụ. Trong khi ở phía ngược lại, tiểu thơ nhà Tổng lãnh lại không tin rằng chiến tranh có thể dễ dàng được định đoạt thế, bằng chứng là nhiều chiến dịch phe bất lợi về quân số vẫn có thể giành chiến thắng nếu có chiến thuật hợp lý, và yếu tố nhân sự mới thực sự trọng yếu chứ không phải thông số, tính năng khí tài.
Và… nhiều chuyện đã xảy ra. Hai người thường xuyên mâu thuẫn nhau về đường lối tác chiến, cách trình bày sơ đồ chiến thuật, đề cương ôn bài, nhưng ngoài vấn đề quân sự ra thì nói chuyện khá bình thường. Hồi ấy, không khó để thấy các học viên mới mắt to tròn, mồm rớt đất khi thấy cảnh hai người con gái mới phút trước còn cãi lộn thiếu điều nhào vô táng nhau trên sa bàn, lát sau đã thấy cùng nhau đến thư viện, nói cười vui vẻ không vấn đề gì. Cũng thật lạ, Giao Long khi đó dùng dạng người, sắc đẹp nếu gọi “nghiêng nước nghiêng thành” vẫn còn khiêm tốn, là con cháu vương giả, lại có thể hòa đồng với một người con nhà nông dân, mặt tiền chưa đến nỗi ma chê quỷ hờn nhưng vẫn bị nhiều người trề môi chê xấu.
Lứa học viên cùng khóa hầu như không ai có thể nói lại hai cái mồm ấy, vì dù chỉ là kiến thức sách vở, Định đã “hô biến” nó thành bài luận văn tương đương đề án lấy bằng Tiến sĩ, còn Giao Long là học trò cưng của tướng Strasser, dĩ nhiên thấm nhuần tư tưởng ném bom chiến lược của ông giáo già. Khả năng tư duy logic, sáng tạo cách đánh của họ đến cả bọn thanh niên cũng phải lắc đầu, lè lưỡi vì thường xuyên dùng các lối quá trái ngược nhau. Định sách vở, bài bản bao nhiêu thì Giao phá cách, tùy biến bấy nhiêu, nhưng sa bàn chiến họ toàn hòa.
Cách đánh quá điên rồ. Giao Long ưa thích kiểu đánh du kích bất ngờ, dùng các hải đội nhỏ tập kích tạt sườn bất ngờ rồi tránh đi, trong khi Định hay bố trí đội hình hàng đôi, tức có thể chuyên biệt hỏa lực về cả hai phía mà không phải tốn thời gian xoay tháp pháo, cũng chẳng sợ bị rối mệnh lệnh. Không dùng đội hình kim cương phòng không tiêu chuẩn mà là hàng đôi, ý định ấy chính là tối đa hóa hỏa lực về một mạn, chống lại các tàu khu trục thường phóng bom bay khi đang đi song song với mục tiêu. Để bắt kịp mệnh lệnh hai người đó đưa ra, các thành viên trong tổ đội phải làm việc căng thẳng gấp ba, bốn lần, yêu cầu tư duy nhiều hơn và khi cần thì phải bật lại chỉ huy. Lắm khi đấu võ mồm với hai cô nương còn hơn chuyện tập trung vào tàu địch.
Đến cả giảng viên cũng phải bó tay, phân tích chiến thuật thường bị hỏi vặn lại mà toàn hỏi vô cái khó, cái kẽ hở của lý thuyết. Họ bình thường ở khác lớp, do Giao Long học ngành Tham mưu Không quân còn Định là Quản lý quân cảng nên ít khi có cơ hội va chạm, trừ các tiết học sa bàn rồi viết báo cáo. Khác đội thì đấu đá nhau dễ sợ, nhưng đi chung thì lại hợp rơ tới lạ. “Thi Hoàng” chuyên về tác chiến tấn công, còn người sẽ chỉ huy quân cảng ấy lại là bậc thầy phòng ngự. Đội hình nổi tiếng của họ, “Trận địa công phòng”, còn được chính thức công nhận là một chiến thuật thực tế và đã được đưa vào dạy, dù nó vốn chỉ được tạo ra trong một lần làm chung bài tập lớn thi hết môn. Hai cô “song ca” đối đầu giảng viên, chiến hơn cả tiếng đồng hồ mới ngã ngũ với số điểm tuyệt đối bốn trên bốn, chính hiệu trưởng trường còn gọi ban tham mưu xuống xem và kiểm tra lại.
Thuyền trưởng vẫn nhớ bản mặt các thầy khi ấy, như thể không dám tin vào mắt mình nữa. Chiến thuật công thủ toàn diện, muốn đột phá nó thì bắt buộc phải dùng lực lượng lớn tương đương hoặc vũ khí huy diệt diện rộng. Sau vụ ấy Định về nước, do kết thúc kỳ trao đổi. Cả trường Lützwien thở dài khi đỡ được một cái mồm, nhưng sau đó là chuỗi ngày Giao Long độc bá sa bàn chiến, đến bốn giảng viên liên thủ cũng chỉ cầm hòa được đội của cô. Đặc biệt, các học viên đi cùng hai cô trong thời gian đó giống như được kéo lên, không chỉ học lực mà tư duy lẫn khả năng phản biện đều cải thiện đáng kể. Về sau khi đã tốt nghiệp, họ mới bảo rằng hai người có một thói rất giống nhau, chính là nói nhiều, nói tập trung vào một chủ đề duy nhất, hỏi tới tấp và chỉ dừng khi đã thỏa mãn sự ham hiểu biết. Không phải các vấn đề tầm phào của con gái hay cơ mật quốc gia, họ chỉ quan tâm tới chiến thuật, chiến lược và cách hiện thực hóa chúng từ lý thuyết.
– Dạo này vẫn nghiên cứu chứ?
Định mở lời trước, giọng điệu như khiêu khích.
– Dĩ nhiên. – Giao Long đáp – Mới bị ông Hiệp sạc cho một trận vì cái thiết kế tàu sân bay đây. Ông già Đức thì muốn làm nhanh loại tàu ấy để tiến hành bước hai của chiến tranh cơ động.
– Cô vẫn không từ bỏ tư tưởng ấy à?
– Ta mới phải hỏi câu đó chứ?
Dừng một lát, Giao Long nói:
– Tàu to pháo lớn lỗi thời rồi. Tư duy chủ đạo bây giờ đang nghiêng qua dùng xe bay với khu trục cơ động để tấn công từ ngoài tầm bắn. Cô không thể nào không biết bán kính hoạt động của xe bay nhỉ? Nó đảm bảo tàu mẹ nằm ngoài giới hạn tối đa, và thiết giáp hạm cực kỳ dễ chết với các mục tiêu nhỏ gọn, cơ động cao. Chưa kể bom bay có đương lượng nổ cao hơn đầu đạn tăng cường, trúng vài quả thì thốn lắm đấy.
– Sẽ có cách đối phó thôi! – Định tự tin đáp – Năm xưa cũng có người bảo thuyền phóng bom bay theo thuyết Jeune École sẽ giúp thay đổi cục diện, nhưng kết quả thế nào? Chúng vẫn thất bại! Chỉ cần bố trí các biên đội hộ tống bảo vệ vùng ngoài, thiết giáp hạm cảnh giới trên dưới, cô nghĩ xe bay sẽ vượt qua được sao?
– Được chứ, sao không?
– Sao cô lại tin chắc vậy? Còn chưa thấy được nó thực chiến mà?
– Chà, nói sao nhỉ? Thứ nhất, bầu trời là không gian ba chiều, nên ta có nhiều hướng đánh lắm! Thứ hai, ở đây chưa từng có, nhưng ta biết một thế giới đã từng dùng “xe bay” đánh chìm cả chục thiết giáp hạm rồi. Chờ xem.
– Tôi sẽ chờ. Cho tôi thấy thứ cô đó đi, Giao!
– Được thôi.
Đút tay vào túi áo, Giao Long rảo bước đi tiếp. Gặp lại bạn học cũ thế này cũng khá thú vị. Rồi như chợt nhớ ra gì đó, cô quay lại, nói:
– Thật tốt khi cô vẫn như xưa.
– Cô cũng vậy!
– Chúng ta vẫn vậy.
Mỉm cười, “Thi Hoàng” biến mất tăm. Hành lang dài chỉ còn lại người phụ nữ trung niên đang đi về phòng.