– Những bức ảnh này được chụp hai ngày trước đó. Dựa theo hình dáng và cấu hình vũ khí, chúng tôi gọi nó là “lớp Kii”.
– Vậy à?
Ngồi trong phòng riêng, Giao Long bí mật liên lạc với ai đó bằng quạ ma. Trên bàn cô là mấy tấm ảnh đen trắng bị nhòe, chụp hình một chiến hạm lớn dùng tháp ba pháo, có thiết kế thượng tầng theo kiểu tháp chùa mở, các tầng quan sát không khép kín. Yêu quái Yamato khá khỏe khi di chuyển ở độ cao không khí loãng mà. Không có ảnh toàn diện, nhưng lại chụp được từng bộ phận một. Mũi không nhô dài bên dưới để tông, húc như các chiến hạm cổ điển đó giờ, thay vào đó là kiểu mũi tàu nhọn kỳ lạ, giống như Hồng Ma. Không có cánh, xem ra là bay hoàn toàn bằng động cơ Divaenium. Tuy nhiên…
Lấy bức ảnh đánh số “III”, Giao Long cảm thấy hơi nghi ngại. Bởi lẽ, ngoài các trục quạt dài phổ thông ra, nó còn có bốn “ống” lớn, bên trong là cái gì đó nom như tuốc bin cánh quạt đặc biệt. Động cơ từ lực? Có thể là nó, “Thi Hoàng” nghĩ thầm. Mấy năm gần đây, nghe nói một vài viện nghiên cứu của Yamato đã đẩy mạnh việc phát triển loại động cơ đẩy mới này. Không còn dựa vào cánh quạt ồn ào bình thường, thiết kế mới ấy cho phép tàu đạt được tốc độ cao nhưng êm và triệt tiêu tới chín mươi chín phần âm thanh. Không chỉ không gây rung lắc – thứ ảnh hưởng cực lớn lên thiết kế lườn, nó còn khiến tàu có khả năng “tàng hình”, và nếu di chuyển im re như một nhẫn giả kiểu đó thì hệ thống cảnh báo sớm của mình coi như vô dụng.
– Chi tiết hơn đi.
Giao Long nói như ra lệnh.
– Vâng. – Người kia đáp – Theo thông tin mà các điệp viên đưa về, đây chính xác là bản hoàn chỉnh của động cơ từ lực, dùng chính từ trường của động cơ Divaenium để vận hành. Nói cách khác…
– Cách khác?
Tổng lãnh nhướng mày, mím môi lại.
– Thứ này có thể lẳng lặng tới và nã ít nhất hai loạt pháo chính tổng lực vào các đô thị ven biển của ta và chuồn êm ra không phận quốc tế, và chúng ta sẽ không biết gì tới khi mọi thứ kết thúc!
– Chết tiệt!
Siết tay lại, Giao Long nghiến răng. Mặt cô thực sự đanh vào, nét giận dữ đã bắt đầu hiện.
Dừng một chút, Giao Long hỏi tiếp:
– Chiếc này lắp pháo là đã hạ thủy phải không? Lũ lùn mũi tẹt đó đóng được bao nhiêu rồi?
– Thưa, theo tình báo thì đã có ba chiếc!
– Ba?
Suýt thì hét toáng lên rồi!
“Hơi” bất ngờ. Giao Long không nghĩ người Yamato lại đóng nhanh tới vậy. Mới hai mươi năm trước, họ còn phải đặt hàng chiến hạm từ Albion sang. Các tàu trong cuộc chiến với Novgoroussiya đa số là nhập khẩu, chỉ có một phần tuần dương nhỏ là tự đóng. Vậy mà mấy năm gần đây lại liên tiếp cho xuất xưởng đến mấy lớp khác nhau, uy lực tuy chưa đủ để thách thức các siêu cường nhưng cũng đủ làm mấy phe quân phiệt Hoa Đông với bán đảo Baekje sợ xanh mặt.
Người bên kia tiếp tục báo:
– Tàu đầu tiên của “lớp Kii”, định danh A150 “Kii”, đã hoàn tất trang bị bên ngoài và đang lắp đặt các thiết bị cuối cùng phía trong. Chiếc thứ hai, số hiệu A151 đang chế tạo được khoảng tám mươi phần trăm thân. Chiếc thứ ba, chưa rõ định danh, vừa được đặt lườn vào tuần trước. Theo thông tin sơ bộ thì lớp này sẽ được chế tạo trước mắt năm tàu, trở thành hạt nhân của các hạm đội cơ động bảo vệ phía Tây Yamato.
– Hừm, tốt lắm.
Nghe báo cáo vậy, Giao Long rất ưng ý. Đội gián điệp làm việc rất tốt. Tuy nhiên, chưa thể chắc ăn được. Chuyện vẫn còn, cô hỏi:
– Thái độ của “Tam Gia” và chính quyền bên ấy hiện tại là như thế nào?
– Vẫn mâu thuẫn, thưa ngài.
– Hừm…
Chống cằm, Giao Long bắt đầu nghĩ ngợi. “Tam Gia” cô nói ban nãy là ba gia tộc lớn của Yamato. Nhà Ozawa đóng ở phương Bắc, nhà Yamamoto tại vùng Kanto và Yamashita phía Tây Nam. Người đứng đầu ba nhà hiện là chỉ huy của Hải – Lục – Không quân Yamato, nói cách khác là mỗi nhà nắm một phần ba binh quyền. Tuy phe Lục quân và các chính trị gia diều hâu theo chủ nghĩa quân phiệt hiếu chiến, thì người đứng đầu Lục quân, Nguyên soái Yamashita Yukihime, lại là thành viên phái ôn hòa và có xu hướng thân Đế quốc. Việc Masami được nhập tịch phân nửa là cô ta can thiệp, nếu không thì đã chẳng dễ vậy.
Theo báo cáo, thì hiện tại nhờ nhà Yamashita liên minh với phe Hải – Không quân và các nhà chính trị ôn hòa chủ trương phòng thủ quốc gia mà tạo được thế cân bằng với phe hiếu chiến. Phần lớn các sĩ quan trẻ của Lục quân đã bị tiêm nhiễm nặng nề tư tưởng võ sĩ đạo méo mó, coi việc xâm lược bành trướng là “thiên đạo”, là vì Hoàng đế của họ.
Ảnh hưởng này phía bên kia nhẹ hơn, do các tướng thời duy tân ra sức làm công tác tư tưởng. Lại thêm, Thủy sư Đô đốc Yamamoto của Hải quân là người đã du học bên Columbia, còn cố chỉ huy huyền thoại Togo là du học sinh và sau là giảng viên trao đổi với Albion, biết rõ năng lực công nghiệp nước nhà không bì lại được các siêu cường truyền thống.
Bên đó tuy đang cân bằng, nhưng theo lời nhân viên tình báo, đó chỉ là bề nổi của tảng băng. Những vụ bắt cóc, ám sát đang bí mật diễn ra. Thủ tướng Tojo Hidemaru của phe hiếu chiến đang tăng cường tuyên truyền, đẩy mạnh sức ảnh hưởng của quân đội vào nhân dân. Trong khi đó, bộ trưởng Bộ Lục quân lại đang ra sức hất cảng Nguyên soái Yamashita để hoàn toàn kiểm soát lực lượng đông đến hơn ba triệu quân trên toàn quốc này.
Không quân và Hải quân chưa có động tĩnh gì rõ rệt, nhưng việc tăng cường bảo vệ các sĩ quan cấp tướng và tá đang tăng cao. Những chính trị gia phe ôn hòa đang ra sức vận động người dân cho cuộc bầu cử sắp tới, để đưa nghị sĩ Ito Harunobu, người đứng đầu phe bên ấy, lên tranh cử chức Thủ tướng.
Tình báo của ta cho biết, hiện tại các bên đều đang ra sức ủng hộ ứng viên của mình. Hải – Không quân và phe ôn hòa trong nội các, thậm chí Hoàng tử Akahito và Công chúa Kiku đều ra mặt ủng hộ nghị viên Ito. Nhà Yamashita ngoài mặt giữ thế trung lập, nhưng đang bí mật hỗ trợ chop he ôn hòa lực lượng bảo vệ và thông tin, do Nguyên soái Yamashita dùng quyền lực và mạng lưới thân tín thu thập từ Lục quân.
Ngược lại, phe hiếu chiến cũng đang ráo riết tăng cường sự ủng hộ đối với Thủ tướng đương nhiệm Tojo, đồng thời bí mật “thay máu” các sĩ quant rung thành với Yamashita bằng thành viên của mình. Ngoài ra, họ có sự ủng hộ của Hoàng thân Jun’nito, em trai Nữ hoàng hiện tại. Ngoài ra một bộ phận dân chúng cũng ủng hộ chiến tranh. Như vậy tình hình đang khá căng thẳng.
– Hừm…
Giao Long chống cằm. Nghĩ ngợi một hồi, cô nói:
– Hiện tại nhà Yamashita vẫn đang bắt tay với chúng ta. Yamamoto có xu hướng thân Columbia, còn Ozawa vẫn chưa rõ thái độ. Tình hình thế này thì hãy liên lạc với bên ngoại giao, bảo họ bằng mọi cách phải lôi kéo không chỉ các thành viên còn lại của Yamashita, mà phải cả Yamamoto và Ozawa nữa. Có thể thực hiện không?
– Khó, nhưng không phải không thể.
Người kia đáp.
– Tốt. – Giao Long gật đầu – Mấy người kia đã biết chuyện này chưa?
– Chỉ mới biết về lớp Kii thôi ạ.
– Rất tốt.
Chép miệng, “Thi Hoàng” ra lệnh:
– Tình hình chính trị ở Yamato hiện chưa chín muồi để chúng ta can thiệp. Tổng cục II, các anh cứ tiếp tục thu thập tin tức, và nhớ phải báo cho cả mấy người kia về tình hình chính trị đấy.
– Vâng, thưa ngài!
– Quyết thắng.
– Quyết thắng!
Liên lạc đã dừng.
Ngồi trong căn phòng vắng, ngắm ánh nắng chiếu vào thật chói chang, Giao Long khẽ thở dài. Nắm tay lại, cô làm biến mất mấy vòng vàng trên cổ tay áo. Loại quân phục mới của Không quân không khác gì kiểu cũ, chỉ là bỏ các vòng trên áo bành tô đi. Giao Long giữ chúng lại, cũng như cách các chỉ huy quý tộc giữ áo cũ, vì đó là kỷ niệm của họ với những quan điểm cũ. Hệ thống huy diệu dành riêng cho Không quân vẫn chưa hoàn tất. Thật đáng buồn cười, người phụ nữ ấy nghĩ, khi Không quân chỉ mới tách ra thành quân chủng riêng cách đây vài năm, và vẫn chưa có gì hoàn thiện cả. Tới cả cấp hàm cũng là của Hải quân cơ mà.
Những tấm ảnh đen trắng được “Thi Hoàng” cất vào ngăn bàn riêng, khóa lại. Chìa khóa cô luôn đeo theo, được giấu ở nơi mà đến cả Hồng Ma cũng không dám rớ vào. Giữa hai lớp áo quân phục, lọt thỏm trong khe ấy. Áo sĩ quan luôn mặc hai chiếc, một áo sơ mi bên trong và cái áo vải kaki bên ngoài, thêm áo bành tô là ba. Chiếc huy chương thập tự sắt này lại giúp che sợi dây chuyền nhỏ đeo chìa rất tốt, nên cũng không cần quá lo. Điều cô thực sự lo lúc này là sự tồn tại của mấy con tàu kia.
Tuy phe Hải – Không quân theo chủ trương ôn hòa, họ vẫn sẽ là mối đe dọa còn lớn hơn cả Lục quân đối với bán đảo Baekje, Hoa Đông và xa hơn là cả Novgoroussiya và Đế quốc. Đặc biệt là công nghệ đẩy đó, nếu nó được phát triển hoàn thiện và trang bị cho cái… cái tàu kiểu “ấy”, thì đúng nghĩa ác mộng rồi. Sự thật chuyện Yamato đóng tàu dựa theo công nghệ từ lực cho thấy rõ họ đang muốn trỗi dậy, khả năng cao là hiếu chiến, bởi với công nghệ như thế trong tay, chuyện âm thầm tiến công là hoàn toàn khả thi. Không biết mấy người đó đang mưu tính gì đây.
Tỳ bộ ngực đồ sộ lên bàn, Giao Long nằm gục xuống. Nghiên mặt sang trái, cô thở dài, thì thầm:
– Chưa từng nghĩ mình sẽ là Jack Ryan luôn…
~oOo~
Ngồi hóng mát dưới tán cây, Viêm nghe kể đủ thứ chuyện về tình hình trước đây và bây giờ, thậm chí cả những điều về Giao Long khi còn bé nữa. Những chuyện không phải ai cũng biết. Liên tuy sinh ra trước khi Giao Long thành “Thi Hoàng”, nhưng khi ấy lại quá nhỏ và cũng chẳng thể nhớ gì nhiều. Hương Hương lúc đó chưa qua đây, còn Masami dĩ nhiên không hề biết. Bởi thế, oa Lân một lần nữa “gánh hết”, kể những chuyện thời xưa cho họ nghe.
Giao Long, theo lời Oa Lân, khi còn nhỏ là một cô bé rất nhát và gần như không thấy mở lời lần nào. Do ảnh hưởng của “Huyền Viêm”, linh lực trong cơ thể bị rối loạn đã tác động tới hệ thần kinh và làm cô ấy liệt nưa người. Mười chín năm liền tiểu thư Phạm Huyền Giao của nhà Tổng lãnh muốn đi đâu, làm gì đều cần có chiếc xe lăn, và khi đó Oa Lân sống đúng nghĩa là một bảo mẫu cho cô chủ. Tuy khi đó đã là Tư lệnh Quân đoàn 2, phần lớn thời gian cô dành ra lại là bên cạnh Giao, vì doanh trại nằm ngay gần đó và cô không nhất thiết luôn phải có mặt ở trung tâm. Bên cạnh họ khi ấy còn có Cao Mỹ Lệ, Phó Đề đốc, Tham mưu trưởng của Quân đoàn 1 và Alicia, Thượng tá chỉ huy vùng điều hành của Hồng Ma hiện tại.
– Toàn tai to mặt lớn thôi! – Oa Lân nói – Từ khi thằng cha bất tài đó quăng thuyền trưởng lại chỉ vì cổ không đi được, ngài Tổng lãnh đã chăm rồi. Lúc đó còn cha mẹ của ông Trung, họ coi Giao như con đẻ vậy, dù tính ra thì hai bên gần như chả máu mủ gì cho cam! Liên, về hỏi cậu cưng ấy, phải hồi đó mấy chị em trong nhà thay nhau chăm bả không!
– Cái này cậu em cũng có nói! – Liên đệm vô ngay – Là hồi trước dì Giao bị liệt, với hình như trầm cảm nặng nữa, suốt ngày im re như tượng à! Ai nói chửi gì cũng làm thinh, mà mắt nhìn khờ lắm!
– Bà đó từng như vậy thiệt à? – Hương Hương tỏ vẻ bất ngờ lắm – Thấy bả ngày thường bá vậy mà?
– Thì ai chả có lúc thế này thế kia.
Nhún vai, Oa Lân nói tiếp. Khác với đám cùng lứa, Giao – khi đó vẫn chỉ là Giao – không tỏ ra hứng thú với bất cứ thứ gì ngoài quân sự. Quần áo lúc nào cũng mặc tới cũ nát, phải làm dữ lắm mới chịu thay, tóc tai mặt mày không khi nào chú ý tới. Ngay cả cách sống cũng rất bất cần, thường chỉ chịu rời phòng khi đã bị Hồng Ma thuyết phục, còn không thì chỉ có nước đem trâu tới kéo ra! Giao sống cực kỳ khép kín, số ít người cô ấy thực sự chịu mở lòng là ông nội, Hồng Ma, ngài Tham mưu trưởng hiện tại và Alicia. Tuy sau này còn gặp thêm bác sĩ Kiyo nữa, nhưng thực sự làm cô ta chịu trải lòng mình vào khi ấy thì chỉ có mấy người họ thôi.
Tuy nhiên, khi bàn tới quân sự thì Giao cực kỳ nhạy, như lân thấy pháo vậy. Hồi ngài Tổng lãnh còn sống, Bá tước Osman hay qua chơi, và Giao cùng hai ông lão thường ngồi “đàm đạo” việc quân tới khi có người gọi xuống ăn cơm mới chịu dừng. Mà kể cả khi ăn, họ cũng nói nữa. Có những đêm phải chia ca canh cô chủ, Oa Lân nghe Giao nói mớ. Toàn chuyện quân cả, như đưa quân tới vị trí nào, sắp xếp pháo binh vào đâu, hạm đội bố trí ra sao thì thiệt hại tối thiểu,…
Nhưng tuyệt nhiên chưa bao giờ Giao nhắc đến cha mẹ mình. Buổi sáng, tiểu thư ưa đánh cờ soái với ông, còn buổi chiều thì lấy sa bàn ra chơi với Hồng Ma và chị Lệ. Bà già chỉ đánh điêu thôi, nhưng cánh tay phải của bà ta lại cực kỳ giỏi chiến thuật. Tới mức Oa Lân bảo, không có Cao Mỹ Lệ tận tâm chỉ dạy, Giao Long đã không thể được như hôm nay.
– Vậy giờ mấy người chị kể đâu rồi vậy?
Nghe mấy cái tên lạ hoắc, Viêm không cầm được mà lên tiếng hỏi.
– Họ à?
Dừng một lát, Oa Lân nói:
– Alicia thì em cứ xin thuyền trưởng dẫn lên lầu trên là gặp à! Con lùn đó biến vùng điều hành thành cứ điểm riêng rồi, mà cũng chả ai quan tâm! Còn chị Lệ thì… ừm…
Hơi ngập ngừng. Có vẻ Oa Lân không muốn đề cập tới. Tuy Viêm muốn biết, nhưng mộc ma đã ấn tay nhỏ, thì thào rằng đừng hỏi tiếp. Có những chuyện thuộc về bí mật quân sự mà người trong ngành như bé chột cũng chưa được biết tới, như… vị trí thực sự của Quân đoàn 1.
Tuy cả thiên hạ đều rõ như ban ngày chuyện Hồng Ma vác theo năm vạn quân đổ bộ trong thân, số người biết chính xác khu vực đó, thường được gọi là “nhà mồ”, lại chỉ đếm trên đầu ngón tay. Và họ buộc phải giữ bí mật, vì Quân đoàn 1 là lực lượng quá nguy hiểm. Oa Lân biết, nhưng dám cá Hồng Ma đã cài một ma pháp trận để cô ta không thể nói ra. Nếu không Mộc Ma đã cạy miệng được lâu rồi!
Quay lại chuyện cũ, Oa Lân nói, khi còn nhỏ nhìn Giao Long giống Viêm bây giờ vậy. cái khác duy nất là cô ta không để tóc mái che mắt trái thôi. Tính tình thì như đã nói, ngơ ngơ ngáo ngáo nhưng đúng “tần số” thì kinh dị lắm. Đặc biệt Giao học rất chăm, trên trường ít người nào so lại được. Kể cả các giảng viên, đôi khi ngồi nói chuyện mà họ phải cứng họng. Cũng vì học kinh quá nên cố Tổng lãnh đã tìm cách cho cô ta đi du học nước ngoài, tới hai siêu cường không quân thời ấy là Albion với Valhöll.
Sau chiến tranh, chỉ học hai năm thôi là cô ấy đã khiến nền quân sự Đế quốc chao đảo với việc đạp thẳng mặt học thuyết Mahan, đồng thời kết hợp Jeune Écolle với lý thuyết của hai bộ óc vĩ đại nhất lúc đó là Bộ trưởng Fisher và tướng Không quân Strasser thành một học thuyết duy nhất. Một năm sau đó, nhờ áp dụng thuyết này mà hạm đội Yamato bị Đế quốc đánh bại, và giờ thì cái thuyết ai cũng từng cười ha hả đó lại là kim chỉ nam cho kế hoạch xây dựng hạm đội kiểu mới.
– Nhắc lại thêm buồn à!
Im lặng nãy giờ, Masami bỗng cất lời.
– Lần đó bên mấy người chơi chiến thuật mới quá nên mới thua thôi, nếu không thì…
– Áp đảo quân số rõ ràng ra rồi, còn gì nữa. – Hương Hương bĩu môi – Quả đó trên báo đăng ông già Linh Giang vác hai phần ba quân đi. Mà lúc đó ổng có sơ sơ sáu trăm tàu, thêm đám quân địa phương thì cũng là tám trăm! Tính ra thì cỡ năm, sáu trăm hạm gì đó, bên Hạm đội Liên hợp có chưa đầy hai trăm chiếc thì ăn lại kiểu gì! Trận đó mà ông già thua mới gọi là kỳ tích á!
– Ư… Cứ như lấy katana đi chém giáp chiến hạm vậy! Bó tay mà!
Nói tới đó, Masami nằm gục xuống bàn, ra vẻ chán lắm. Nhưng cái ví dụ vừa nãy… Viêm thấy nó cứ sai sai…
– Nhắc katana mới nhớ! – Mộc ma chợt reo lên – Viêm từng nghĩ nếu được thấy samurai mặc giáp cầm katana thì sẽ như thế nào đó!
– Hả?
Nguyên bọn đồng thanh, rồi sau đó… phì cười!
– Ha ha ha ha! Thiệt luôn đó hả? Thiệt luôn?
Hương Hương vừa ôm bụng vừa cười, đến nỗi chảy cả nước mắt.
– Ác đạn… Khục! Khục! Khục!
Masami bịt miệng, cố nhịn mà vai cứ run lên lẩy bẩy.
– Phư… Phư… Phư ha ha ha ha! Ca này khó! Gọi bác sĩ mau! Đau ruột quá! Á há há há há há!
Oa Lân cười tới quặn ruột.
– Thực sự… khó, phụt!
Ngay đến Liên cũng phải cười.
Người duy nhất nãy giờ vẫn im re, trớ trêu, lại là nhóc Thiên. Nó không hiểu gì, chỉ lặng thinh nghe chuyện. Nhưng khi thấy mấy chị cười như trúng tà, còn Viêm thì ngượng chín đỏ cả mặt, cu cậu lại từ từ bò qua, rồi ngồi vào lòng cô bé lúc nào không hay. Âm thầm như bóng ma, nó khoanh chân lại, mặt phồng to, rồi đột nhiên…
Cả lũ lạnh thấu xương!
– Cười Viêm! Xấu! Giận!
Lúc này Thiên mới lên tiếng. Khoanh tay trước ngực, mắt nheo lại, cái miệng chúm chím mọi bữa há to ra, giọng bé con tuy dễ thương nhưng lại cũng đáng sợ vô cùng. Con vua thì lại làm vua, con “Thi Hoàng” lại làm “Thi Hoàng”, khí chất bá đạo khiến ngay cả Viêm cũng nổi hết cả da gà. Nhỏ thấy nặng: Ngồi trên đùi mình lúc này không phai thằng nhóc đáng yêu nữa, mà cứ như một Hoàng đế thực sự vậy. Không, nói thế hơi quá, nhỏ nghĩ, nhưng quyền uy và áp lực cũng cỡ Thái tử đương triều, mấy người hét ra lửa ấy. Dẫu Mộc Ma có nói thi hoàng là một loài riêng so với thi quỷ, Viêm vẫn nghĩ điều đó không quan trọng. Nói ngả nói nghiêng thế nào, vẫn là Hoàng đế mà!
Mấy người kia phải tạ lỗi một hồi Thiên mới chịu thu tử khí vào. Thật, không biết là thần giao cách cảm hay gì mà trừ Viêm ra, ai cũng nghĩ thằng cu giống mẹ ở cái tính tình. Cứ không ưa là làm người khác phát cóng, mà phải xin lỗi một hồi mới chịu bỏ qua. Nhưng chẳng giận nổi, vì cái mặt tròn ủm, phúng phính như bánh bao kia dễ thương quá! Thiên không bụ bẫm gì, chính ra còn hơi còi cọc, nhưng nhìn tay chân bé xíu mà má lúm đồng tiền, lại thêm mắt “sáng rỡ” nên không ai muốn giận. Hay… không dám giận, vi họ sợ lỡ như nó cũng đọc được suy nghĩ như mẹ thì chết chắc! Ngay đến Mộc Ma cũng không dám nhây, phải cúi rạp đầu xuống bé mới gõ vào đầu, ý bỏ qua cho.
Lúc này, họ mới lại có thể nói chuyện bình thường, riêng Thiên lại im lặng và nhìn vào một góc. Viêm có để ý, nhưng chỉ nghĩ nó là trẻ con nên nhìn bâng quơ thôi, không ảnh hưởng gì cả.
Khi mọi chuyện đã ổn định, Masami mới nói:
– Viêm nè, katana bên thế giới của em là thế nào vậy?
– Dạ?
Bị hỏi bất ngờ, Viêm giật nảy mình. Nhưng chỉ vài giây sau nhỏ đã lấy lại bình tĩnh và bắt đầu nói. “Katana” ở Trái đất là một thanh kiếm cong, một lưỡi, dùng bằng hai tay và thường xuất hiện trên phim có samurai. Nhỏ không biết chính xác là thế nào, nhưng theo một “nguồn tin đáng tin cậy” thì một thanh katana truyền thống sẽ được rèn theo lối gấp lớp, tức là có nhiều lớp thép gấp lên nhau, khi hoàn tất sẽ có những đường vân nhìn rất đẹp. Những thanh như thế thường được coi là các tác phẩm nghệ thuật, có giác trên trời, và chi samurai hay lãnh chúa giàu có mới được quyền sở hữu.
– Ừm, ừm, đúng vậy!
Gật gù, Masami bảo:
– Xem ra hai bên không quá khác biệt nhỉ?
– Dạ…
Viêm hơi cúi đầu. Chính vì “không quá khác biệt” đó mà khi tới đây, nhỏ đã thất vọng ê chề.
– Nhưng quan điểm có vẻ khác biệt nhỉ?
– Dạ?
Câu nói của Hương Hương làm Viêm bừng tỉnh. Nhìn lên, nhỏ đã thấy chị hoa tiêu chống tay lên bàn, nhìn nhỏ chằm chằm. Đoạn, vẫn ánh mắt u ám ấy, cô ta nhìn Masami, rồi nói:
– Cây dao cắt bơ nhà mấy người có giá ghê ha?
– Con này cũng đang sốc chứ bộ. – Masami nhún vai trả lời – Chưa từng nghĩ katana được coi trọng tới vậy luôn á!
– Dao… Dao cắt bơ?
Nghe katana bị gọi là “dao cắt bơ”, Viêm như chết điếng người. Có thể không ưa, nhưng gọi một loại kiếm như thế là dao thì có hơi quá đáng không? Ngay cả Masami là người Yamato, nói cách khác – là người nhật, mà cũng tỏ vẻ bất ngờ khi biết loại binh khí đó được tung hô như vậy thì thật sự có chuyện rồi! Hay ở bên này, người ta không chuộng katana? Có lẽ nào lại thế! Trong light novel thì kiếm thánh không phải kiếm Tây thì cũng phải là katana chứ, nó bá thế cơ mà!
Tuy nhiên, đời chưa bao giờ là mơ. Và khi nghe Masami, nghe chính một người Yamato nói, nhỏ mới hoàn toàn vỡ mộng.
Katana, bản chất là một loại “đao”, được rèn từ “thép ngọc”. Thực ra thứ ấy nó là một loại quặng tạp, do Yamato quá thiếu nguồn khoáng sản cần thiết. Việc đúc gấp lớp giúp lưỡi đao trở nên bén và bền hơn, vì ngoài lớp thép cứng làm lưỡi, còn có lớp mềm hơn làm sống đao chịu lực, trong khi xung quanh bọc các lớp thép cứng mỏng, tạo ra sự bảo vệ vừa đủ. Phần lưỡi cong để giúp tăng gia tốc khi rút khỏi bao, đồng thời tăng cường lực chém, giúp việc chém đối phương dễ hơn so với kiếm lưỡi thẳng. Nó cũng ít chịu biến dạng, cơ động và rất tiện để thanh toán nhau trong thời bình.
Tuy nhiên, xét về mặt vũ khí chiến trường, katana hoàn toàn không phải lựa chọn tốt.
Trước tiên, nó quá đắt đỏ và công phu. Để làm một thanh, có khi phải mất đến hàng tháng trời. Thời gian chế tạo lâu lắc, công sức bỏ ra quá nhiều, lại thêm kỹ thuật phức tạp khiến giá bị đội lên tới trời. Vì vậy tuy văn hóa, văn học Yamato luôn cố tô vẽ hình ảnh các samurai cầm katana lăn xả vào tử chiến, điều đó gần như không thật.
Katana rất đắt, cầu kỳ, nên chỉ những ai cực kỳ giàu có hay có địa vị cao ngất mới sở hữu nổi. Chưa kể, lưỡi đao rất dễ bị cùn, mẻ vì va đập nhiều, nên khó có thể đánh trực diện được. Dùng katana thường sẽ là gạt rồi chém lướt, nương theo vũ khí đối phương mà tạo đà bổ xuống, hay dùng tính cơ động đâm vào những chỗ hở trên giáp. Bởi lẽ mũi đao không cong lắm, nên sát thương đâm thực tế và hiệu quả hơn chém nhiều, nhất là với kẻ thù vận giáp. Ngoài ra, cũng vì quá đắt đỏ và khó chế tạo nên không thê trang bị đại trà được.
Thứ hai, katana yêu cầu quá nhiều công sức luyện tập để có thể sử dụng hoàn chỉnh. Với lưỡi thường dài cùng lắm là ba “xích”, tức cỡ chín tấc, thêm cái cán thì ít khi nào katana có chiều dài tổng thể vượt quá thước hai. Như vậy, tầm tấn công của nó bị hạn chế, trong khi đê sử dụng hiệu quả và lâu hư thì cần phải nắm vững những kỹ thuật cơ bản. Masami đã nói katana chủ lực là đâm và chém gạt, chém lướt, không phải đọ sức trực diện như báo đài, sách truyện nó tuyên truyền.
Vả lại, quân đội chủ yếu của Yamato trước cuộc Duy tân là quân trưng binh, nghĩa là bình thường ở nhà làm nông, khi có chuyện bề trên mới xuống trưng dụn nông dân đi lính. Quân tinh nhuệ rất ít, thường sẽ là samurai bậc thấp hay quân đội tư nhân do các lãnh chúa dốc tiền túi ra nuôi, bao ăn ở và huấn luyện. Để một người nông dân vốn chỉ quen làm ruộng trở thành kiếm sĩ bậc thầy sẽ cần rất nhiều thời gian, sức lực và tiền bạc, nên điều đó coi như bất khả thi.
Thứ ba, vấn đề nằm ở lực lượng chiến đấu chính. Đa số dân Yamato là các yêu quái nhỏ con, thấp bé, thể trạng kém hơn dân lục địa. Vào thời Mạc phủ thì người dân thường không được tập võ, không mang binh khí, chỉ các võ sĩ hay nhẫn giả mới được trang bị vũ khí sát thương. Xét trên bình diện chung, katana là vũ khí quá khổ và khó sử dụng. Trong khi đó giáo, tuy dài ngoằng, lại cho tầm tấn công xa và dễ sản xuất cũng như sử dụng. Giáo không yêu cầu huấn luyện nhiều, cán dài dễ cầm, ra trận chỉ việc chĩa mũi nhọn về phía địch và xiên cho nó lòi họng là được. Chẳng cần kỹ thuật cao siêu làm gì.
Bên cạnh đó cũng có một số tộc mạnh, như Tengu hay Hasshaku, Oni chẳng hạn, chuộng vũ khí to lớn. Nodachi, naginata, nagamaki hay các loại kích, mác, giáo biến thể đều rất được chuộng. Với họ thì katana không hơn gì hàng sơ cua, là lựa chọn thứ ba sau những món có tầm với xa và cung tên. Thậm chí các âm dương sư, thầy pháp, thầy chùa còn chẳng thèm dùng tới mà cứ bùa, trượng với ma pháp là đủ bón hành rồi. Kỵ binh đặc biệt ưa giáo với nodachi, do chúng giúp họ có lợi thế khoảng cách lẫn lực, còn các nhà sư vũ trang hóa với phụ nữ ưa naginata vì tầm với xa, dễ cầm và phần lưỡi cũng na ná katana.
Ngay đến các samurai thời chiến cũng ít có người dùng katana làm vũ khí chính. Là những kẻ lăn lộn sa trường nhiều hơn bất cứ ai, họ hiểu rõ sự bất lợi của vũ khí tầm ngắn trên chiến trường rộng. Chiều dài của katana chỉ thích hợp khi tác chiến ở những nơi như thành phố, vì các con hẻm khiến việc dùng các vũ khí dài hơn trở nên khó khăn. Mà kể cả vậy, cũng chẳng mấy vị dùng cả. Quá ngắn so với nodachi hay giáo để có thể thuận lợi gây sát thương ngoài trận, lại quá dài so với wakizashi để moi ruột địch lúc giáp lá cà.
Chuyện dùng katana chém giết nhau, theo lời Masami, chủ yếu có từ sau khi xây thành Tamagawa, bắt đầu thời thống trị của bốn gia tộc lớn sau thời gian dài nội chiến giữa các lãnh địa yêu ma. Và katana lúc đó đánh nhau không hơn mấy anh chăn bò đấu súng là bao, tức là cũng chỉ thanh toán hay ra vẻ đạo mạo lắm, thực chất chẳng khác gì giang hồ. Đánh trận thực sự, giả như có dùng tới, thì sẽ là tachi hay uchigatana, bà con với katana thần thánh, chứ đem cây kiếm kiểng đó ra trận thì thà vác hai cây tanto ngắn ngắn mà hiệu quả còn có lý hơn.
Vả lại, đó chỉ là chiến tranh quy ước, đánh dưới đất. Do đại đa số yêu quái Yamato không bay được nên mới tạm bỏ qua yếu tố không chiến. Còn với những chủng mạnh mẽ, hay tìm được người cõng cho, thì các “chiến binh bay” này cũng ít dùng katana lắm. Đơn cử như tộc tengu không bao giờ dùng katana, thay vào đó họ dùng giáo và các biến thể của giáo, kèm theo wakizashi làm vũ khí chính. Tộc Hồ ly hay Jira thì quá mạnh, không cần bàn, nhưng nếu có dùng thì sẽ chọn các vũ khí có cán và tầm tấn công dài hơn. Tộc Hasshaku, chủng của nhà Yamashita, lại là lực lượng dùng nodachi nức tiếng thiên hạ, tới mức các môn phái chuyên về loại đao quá khổ này mười cái đã hết bảy, tám xuất phát từ vùng hồ Biwa, lãnh địa gốc của gia tộc.
Nhìn chung, katana không được ưa chuộng như vũ khí chính vì nó đắt đỏ, khó dùng mà tầm đánh thì chẳng được bao nhiêu. Nodachi có lợi thế tầm với gần ngang với giáo, trong khi thúc ngựa phi nước đại hay không chiến lại tiện vì rộng rãi. Giáo là vũ khí cơ bản của cơ bản, wakizashi với tanto thích hợp đánh tầm cực gần, còn cung thì nếu huấn luyện tốt, một samurai có thể bắn đến cỡ mười hai tới mười lăm phát một phút. Và sau cùng, từ khi có sự xuất hiện của súng thì mọi vũ khí lạnh thất sủng cả. Katana bây giờ được đào bới lên chủ yếu vì yếu tố nghệ thuật, cùng những giai thoại sặc mùi lieu trai mà chính các yêu quái cao tuổi nghe vào còn cười ha hả, hay chuyện về samurai Miyamoto nổi tiếng song kiếm và bốn mươi bảy samurai báo thù cho chủ đã thành huyền thoại.
Chốt hạ phát cuối, Masami phán câu xanh rờn:
– Chẳng hơn gì trò lăng xê quá lố của truyền thông cả!
– Đắng… à mà thôi.
Hương Hương bĩu môi, coi bộ muốn kiếm chuyện lắm.
– Ừ, đắng quá mà.
Oa Lân nói xen vào. Đoạn, cô tiếp:
– Mà hồi xưa làm quái gì có katana đâu? Thời đầu gọi là tsurugi mà nhỉ? Thẳng đuột, hai lưỡi, không khác gì kiếm đại lục.
– Ừ, ban đầu nó vậy. – Masami gật đầu – Về sau mấy ông cứ cho nó cong, cong vòng vào, rồi thành một lưỡi, vậy là kiếm hóa ra đao luôn!
– May là chưa đem quả chokuto lên á! – Mộc Ma lên tiếng – Khéo lại có mấy đứa nghĩ katana với chokuto là một!
– Nó với tachi thì nghe còn tin, chứ chokuto nó thẳng đuột thì nhầm kiểu gì!
Vừa nói, Masami vừa ấn đầu Mộc Ma. Lạ thật, bàn tay đầy vảy và nhọn hoắt vuốt rồng ấy lại không hề làm nhỏ đau. Đoạn, chị rồng bảo:
– Giáo là món ai cũng xài rồi! Naginata thì ít hơn chút, vì chủ yếu là sư sãi, với lại nó bị coi là vũ khí của phụ nữ nên… cũng ít samurai nào dùng lắm!
– Nhưng nó bá! – Liên nói chêm vô – Cây đao của Hồng Ma cũng là một dạng naginata nhỉ?
– Nó là cái chùy tạo hình đao. – Oa Lân bảo – Chứ đao quái gì nặng vậy chứ!
– Sư phụ bẻ cổ giờ. – Hương Hương lè lưỡi cười.
– Thì… báo cáo cho bề trên của bả! Lại sợ quá cơ!
Nói đoạn, Oa Lân chuyển ngay đề tài. Do đa số người ở đây toàn dân “chân dài”, không tính ba đứa nhỏ, thì chỉ có Liên là cao dưới hai thước. Oa Lân cao hai thước mười tám, Hương Hương là hai thước mười sáu, còn Masami, nếu đứng thẳng thì sẽ là hai thước hai mươi mốt. Liên lẻ loi một thước bảy vừa tròn, so với hội buồng lái thì như tí hon kế bên khổng lồ. Ác ôn hơn, cả Giao Long và Hồng ma đều là dân gần trượng cả. Với chiều cao như vậy, thuyền phó nói, phát mỗi đứa một cây nodachi tiêu chuẩn thì chắc cũng giắt hông như katana thôi, chứ chưa tới mức khó rút ra. Còn katana có lẽ sẽ bị giáng chức làm “wakizashi” cho vừa với cặp đại – tiểu đao.
Nói chuyện nãy giờ, cả nhóm cũng mệt rồi. Gần mười phút sau, Liên xin đi trước vì cần hoàn thiện bản luận án tiến sĩ. Đợi khi cô ấy khuất bóng rồi, Oa Lân mới ngả người xuống, dang rộng tay quàng vào lưng ghế đá. Cô duỗi dài chân, ngửa mặt lên trời, mặc cho ánh nắng rọi thẳng. Lúc này, cô ta mới bảo:
– Oài, giờ có kính áp tròng nên đám kia đỡ lo hư mắt. Chứ như hồi xưa thì toàn niệm phép bảo hộ vô, rõ khổ!
– Bà chị cũng từng như vậy nhỉ?
Nói thế, Hương Hương chống tay xuống bàn. Đan mấy ngón vào nhau, cô tỳ cằm xuống, nói:
– Sư phụ kể hồi đó bà chị hay khóc nhè mỗi lần cháy võng mạc, nhỉ?
– Đau ác chứ đùa! – Oa Lân gắt – Giờ để chị mày lấy lửa đốt mắt coi, lại chả khóc rống lên!
– Làm gì gắt vậy! Hạ hỏa nào!
– Xí!
Lại tiết mục cãi nhau của hai người. Nhìn họ như vậy, Masami mới can. Nhưng thay vì dùng lời nói, cô chỉ “nhẹ nhàng” đặt cái đuôi dài hơn ba thước, xù xì đầy vải và những đường gân sáng rực màu đỏ, thậm chí nóng hâm hấp lên. Từ từ, mấy rãnh đỏ chuyển sang tím, gai đuôi tỏa ánh như đèn điện, và chỉ bằng mắt thường, Viêm thấy rõ được cả mấy “dòng chảy” đang hướng về chóp đuôi. Nhỏ chưa kịp nói, chị rồng đã lên tiếng:
– Ổn định nào, hai người.
– Dạ… Dạ…
Hai cô tái mét mặt mày. Không ai bảo ai, họ tự hạ hỏa, quay lại bình thường. Thu đuôi về, Masami mới nói:
– Thiệt tình à! Lớn hết rồi, làm gương cho con nít chút đi chứ! Hai bà có nhỏ nhắn gì nữa đâu mà đụng xíu là như trẻ mẫu giáo vậy!
– Rồi, được rồi.
Lời của Mộc Ma lập tức có tác dụng. Tuy hai người đó vẫn còn lườm nguýt nhau ghê lắm, nhưng một khi cả chị rồng và bé tóc đỏ cùng nói thì không thể nào làm ngơ được. Thì thầm vào tai cô bạn còn ngơ ngác, Mộc Ma bảo Oa Lân với Hương Hương xét về vị trí trong nhà thì vẫn là “bậc dưới” của nhỏ, nói là phải nghe. Còn Masami, chị ta được bà già tin cậy trao cho nhiệm vụ ngăn hai bà máu nóng kia, vì chỉ riêng chị ấy là đủ sức cản. Không thể coi thường sức mạnh của rồng cổ đại, Hồng Ma dạy thế.
Ngay khi Mộc Ma vừa dứt lời, Masami đã đổi hướng đề tài. Nhận thấy tình hình không dễ ăn, cô ấy bình tĩnh quay sang Oa Lân, hỏi:
– Nghe nói hồi xưa chị ở bên Lục quân phai không, thời hàng lạnh ấy? Chị xài vũ khí gì vậy?
– Hả? Chị hả?
Đang ngồi giận hờn lại bị hỏi đột xuất, Oa Lân hơi bất ngờ nhưng cũng “tỉnh ngủ” rất nhanh. Đoạn, cô đáp:
– Thì cũng như bao người U Minh thôi. Kích dài một lưỡi bán nguyệt với đao ngắn giắt theo phòng thân, không nhiều. Mà kích làm hàng loạt nên chất lượng cũng… í ẹ lắm, đánh được vài ba trăm trận là cong à!
– Vài ba trăm trận mới cong mà chị bảo là “í ẹ” á?
Viêm sốc tới mức muốn té nhào xuống đất.
– Xét theo thể lực của dân U Minh nói chung thì vậy chỉ mới là “chấp nhận được” thôi! Nghe không?
– Dạ!
Như trúng tần số, Viêm gật đầu lia lịa. Thấy vậy, Oa Lân kể. Khác với những quốc gia láng giềng dùng giáo dài làm trang bị chính cho bộ binh, U Minh và sau này là toàn Đế quốc trang bị cho lính loại kích “lệch”, tức là chỉ có một lưỡi bán nguyệt gắn vào, bên kia là móc thép. Việc sử dụng kích chủ yếu là vì người U Minh vốn ở vùng sông nước, đã quen với dụng cụ dài như sào hay mái chèo, lại do vùng rừng ngập mặn nên luôn mang rìu, nên yêu cầu về một thứ “rìu cán dài có mũi nhọn” đã ra đời.
Oa Lân nói, ban đầu đánh trận người ta dùng rìu ngắn bổ củi làm vũ khí sát thương chính, tầm xa có cung, sau này mới kéo dài cán ra thì thành rìu chiến hai tay. Nhưng lưỡi rìu quá nặng, lắp mũi nhọn để đâm như giáo thì không ổn. Nên về sau mới học kiểu kích của dân Hoa Đông, chém tốt mà không bị nặng, lại có thể dùng ngáng chân ngựa nữa. Kích đầu rìu chuyển cho các đơn vị thân quân, lính tinh nhuệ, và được coi là biểu tượng cho thấy đẳng cấp cao hơn lính thường.
Ngoài kích ra, mỗi người còn được phát cho một thanh đao, dùng làm vũ khí hộ thân. Nhưng người U Minh không ưa loại đao to lớn, bản rộng như phương Bắc, mà lại chuộng kiểu bản nhỏ như kiếm, thế là thu nhỏ lại. Đao U Minh đặc điểm không mấy khác biệt so với katana mấy trăm năm sau, nhưng đặc biệt ở chỗ cán chỉ vừa đủ cho một tay cầm. Lưỡi cũng không dài lắm, chỉ cỡ bốn, năm tấc, tiết diện mỏng nhưng rất bén, chém ngọt xớt. Lúc đó thì người hay yêu cũng chỉ như bụi chuối, bị chém là đi.
Đao làm hàng loạt nên không có trang trí gì, chỉ khác là nó làm từ thứ thép gì mà rèn xong lại có rất nhiều đường như vân nước rất lạ mắt. Cả kích cũng vậy, mà không, thuyền phó nói, tất cả đồ kim loại vùng U Minh đó giờ đều xài thứ thép đó cả. Súng bây giờ được mạ cả rồi nên không thấy, chứ cạo lớp mạ ra thì sẽ trông ra ngay mấy vân ấy, nổi rõ mồn một luôn.
– Nhớ cái hồi ấy ghê…
Nằm gục xuống mặt bàn đá, Oa Lân bắt đầu mơ mộng.
– Hồi đó vác kích sau lưng, đao giắt hông, cả bọn cứ tối tối là tổ chức thi leo tường thành, leo lên rồi thảm sát đám Hoa Đông… Ai da, cái thời còn theo bà già đi quẩy banh nóc nhà ấy, sao mà nhớ quá…
– “Chiến công” của mấy người tụi này biết rồi, khỏi kể! – Hương Hương tự dưng đỏ tía mặt mày – Năm đạo quân, đi tới đâu thảm sát tới đó, lùa thây ma qua bên kia Linh Giang,… Còn hơn tận thế nữa!
– Quả đó bà già nhân từ ấy chớ… Oáp…
Ngáp dài, Oa Lân nói.
– Chứ mấy thằng ăn nho nó đòi diệt chủng Hoa Đông luôn ấy! Hồng Ma không quát cho cả lũ câm như cún thì ở đó mà thím ngồi đây chém gió với tụi này, ha!
– “Mấy thằng ăn nho”? – Viêm chợt hỏi.
– À, đám Nho gia hay cái gì đó ấy mà!
Giọng đầy bất mãn, Oa Lân bảo:
– Thích ăn bám người xưa ghê lắm cơ! Bình thường ra vẻ lắm chữ, cầm sách thánh hiền ra rả cái mồm “Yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu”, tới lúc đem quân ra Bắc thì đi theo chỉ xằng chỉ bậy làm chị Lệ quát ầm cả đại doanh! Ngu mà lỳ, thích tỏ ran guy hiểm chớ chiến thuật nửa chữ không biết, sức lực trói gà không chặt, tới chính Hoàng đế còn thấy ngứa mắt lũ đó! Về sau Đế quốc theo Pháp gia với quân phiệt hóa kiểu U Minh là lũ đọc sách đó ra đường hết! Ngu xuẩn! Dùng đạo đức mà giành được lãnh thổ thì đẻ ra quân đội làm cái quái gì!
– Gắt quá, gắt quá. – Masami chép miệng – Cơ mà đúng thiệt. Chả thể chịu nổi đám thư sinh đọc sách trên trời rồi đi chỉ chuyện dưới đất! Nhiều khi chỉ muốn đạp vô mặt đám đó rồi chửi nó câu, kiểu biết cái mả mợ gì mà ra lệnh ấy! Hồi bên kia muốn đạp nhiều thằng lắm, mà qua đây Giao Long đúng kiểu người mình thích nên thôi, chịu được!
– Ừ, ừ, ừ, tụi này hiểu mà.
Gật gù, Hương Hương nói:
– Ngự tỷ như thuyền trưởng thì con này còn thích ấy chứ! Đâu phải tự nhiên sư phụ mê như điếu đổ đâu!
– Vừa đẹp vừa ngầu, thân hình chuẩn, ngoài lạnh trong nóng, làm việc rất dứt khoát và yêu siêu… nam tính, bảo sao cái bà mê ngọt đó khoái muốn chết!
Oa Lân cũng đệm vô.
– Người phụ nữ nam tính hơn cả đàn ông, nhưng cũng nữ tính hơn cả phụ nữ!
Chính Mộc Ma cũng nói vô.
– Hình mẫu lý tưởng cho người lính Đế quốc! Cấm có sai!
– Chuẩn bài! Nay Mộc Ma giỏi dữ! – Hương Hương cười khì khì, bảo.
– Ai da, tác phong làm việc đó, cách ra lệnh đó, cả cách đối xử với cấp dưới nữa… Đúng là phước đức ngàn đời khi được làm thuyền phó, e he he he! – Cả Oa Lân cũng bắt đầu cười đầy kỳ dị.
– Cô ấy… như vậy thiệt à?
Nãy giờ ngồi nghe, Viêm không ngờ mấy người này lại nghĩ tốt cho Giao long tới vậy. Trong hai người chỉ huy cao nhất, nó gần với Hồng Ma hơn, còn “Thi Hoàng” thì cứ thấy xa xa thế nào ấy. Nhỏ chưa cảm nhận được cô ta ngầu hay thế nào mà họ mê, thứ duy nhất cho tới giờ mà nó thấy là một sĩ quan tùy hứng pha lẫn nghiêm túc, và một người mẹ thương con. Thương nhưng không chiều, thuyền trưởng nghiêm lắm. Nhưng mà… cũng có lúc cô ấm lắm, ấm y như hồi mẹ còn ở nhà, như khi giữ nó vào lòng lúc tàu hạ cánh ấy.
Có lẽ, Viêm nên nói chuyện với thuyền trưởng nhiều hơn… Nhỉ?