*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.
(Ảnh: Internet)
Tất cả những việc lộn xộn lần lượt qua đi, đêm đến khi chăm sóc và kiểm tra ngoại xong, tình hình vẫn không khá lên mà còn có dấu hiệu trầm trọng hơn.
Trời đã khuya, mọi người trong nhà đều đã ngủ vì quá mệt, đây là đêm thứ ba tôi trằn trọc, một mình tôi ra góc mai cổ thụ trước sân do ông trồng vì bà năm mươi năm về trước. Ngồi ở đó, hy vọng gió đêm sẽ xoa dịu nỗi đau trong lòng, giúp tôi lát nữa có thể ngủ để sáng mai có sức lo cho bà.
- Ngoại ơi! Nói cho con biết con phải làm gì bây giờ để ngoại khoẻ lên? Con không cần ngoại tha thứ cho con, con chỉ cần ngoại thôi. Ngoại đánh con cũng được, mắng con cũng được, không thương con cũng được, chỉ cần ngoại khoẻ lại, cái gì con cũng bằng lòng đánh đổi – Tôi nói thật khẽ như lời xám hối trước lương tâm của bản thân mình. Tôi không biết làm gì bây giờ? Chỉ biết bên ngực trái đau, đau rất nhiều, nó không phải là cảm giác bị người khinh khi, bị người xa lánh, bị người vu oan, bị người ghét bỏ, tôi đau đến mức không thể thở và không biết gọi tên nỗi đau ấy là gì.
- Khóc đi, em có thể khóc mà! – Anh Khiêm bất ngờ đặt tay lên vai tôi, đây là cử chỉ thân thiết đầu tiên, phải nói là duy nhất từ trước tới nay giữa tôi và anh. Tôi có nên tin hay không?
- Em…
- Anh hiểu mà! - Anh dùng âm thanh mà đối với tôi nó là một thứ âm thanh dễ nghe nhất thế giới mà tôi từng được biết.
- Anh không giận em sao?
- Thật sự trước đây rất giận còn bây giờ thì không thể giận em nữa.
- Thật sao anh?
Anh trầm ngâm, đôi mắt ướt xa xăm:
- Có những việc mà không phải chúng ta nghe, chúng ta thấy, chúng ta quan sát là có thể đánh giá mà cần phải dùng trái tim mình để cảm nhận thì mới biết được bản chất thật bên trong nó, mà thời gian chính là con đường gần nhất để thực hiện điều đó em à!
- Thì ra anh chưa từng bỏ rơi em.
- Anh luôn bên cạnh em, những cố gắng của em, tấm lòng của em anh đều thấy.
- Từ khi nào vậy anh?
- Từ lúc em quyết tâm sửa sai, thay đổi con người em.
- Em cảm ơn anh!
- Không! Anh là người cảm ơn em mới đúng. Thời gian qua em luôn bên ngoại thay anh chăm sóc, lo lắng cho ngoại. Anh... anh thật sự cám ơn em!
Anh Khiêm nắm tay tôi, bàn tay anh lạnh buốt. Nhẹ đặt tay còn lại lên tay anh, tôi muốn dùng toàn bộ đôi tay của mình để sưởi ấm cho anh. Chẳng biết nước mắt của tôi hay của anh rơi trên bàn tay? Từng giọt ấm nóng nhắc nhở tôi rằng đây là sự thật, là anh đã tha thứ cho tôi.
Bên gốc mai, gió vẫn không ngừng đùa vào da thịt, nhưng cái cảm giác cô đơn tịch mịch ban nãy không còn, thay vào đó là ấm áp, là thấu hiểu của hai con người đang ngồi dưới gốc mai kia. Thoang thoảng trong gió đâu đó còn nghe được mùi hoa bay. Tôi thầm hỏi: “Chẳng lẽ hoa mai đang nở sao?”
Rồi một buổi chiều nọ đến, một buổi chiều cũng giống như bao buổi chiều khác, không có gì đặc biệt. Mọi người trên khắp mọi nơi đều đang chuẩn bị nghỉ ngơi sau một ngày lao động vất vả, chồng tan ca về với vợ con, con sắp tan trường về với cha mẹ, anh em xa nhau về lại bên nhau, con cháu đoàn tụ bên ông bà, người yêu nhau được tay trong tay đi dạo phố, người xa quê hân hoan trên đường về thăm nhà, người cô đơn tìm được bến bờ ấm áp. Riêng chỉ nơi đây, có một người đã xa tôi vĩnh viễn. ngoại như rũ bỏ được gánh nặng bấy lâu đã gồng gánh mỏi mệt suốt một đời người, thanh thản trút hơi thở cuối cùng rồi chìm vào giấc ngủ mãi mãi và ngủ ngon đến nỗi bà sẽ không bao giờ muốn tỉnh lại nữa.
Mọi người đang khóc sao? Nhiều nước mắt quá! Nhiều đến nỗi mọi người không nhìn ra được tôi không có khóc. Bây giờ tôi mới biết thế nào là đau khổ đến tận cùng mà không thể khóc ra thành tiếng. Nhiều người khi nhìn vào sẽ nói là tôi vô tâm, thì họ chính xác đã lầm! Khi bạn đau khổ bạn có thể gào thật to khóc thật nhiều nước mắt khi đó bạn còn sung sướng hơn tôi bây giờ, còn khi bạn đau đến mức trái tim tan nát, tinh thần và khối óc vượt khỏi ngưỡng chịu đựng nỗi đau thì con người sẽ không thể nào khóc được. Đây đúng là cảm giác sống không bằng chết, từ từ ăn mòn con người bạn, ăn mòn tinh thần bạn còn đáng sợ hơn cái chết gấp hàng vạn lần. Thật sự đang lúc này, tôi là như vậy!
“Cây cổ thụ trước sân đã nhú chồi non
Cây khô trong vườn cũng đã nở hoa
Nữa đời ấp ủ bao lời chưa nói
Giấu chúng vào những sợ tóc bạc kia
Đôi bàn chân bé nhỏ trong ký ức
Cái miệng xinh xinh tíu tít không ngừng
Cả một đời dành trọn tình yêu cho con
Chỉ để nghe hai tiếng cha mẹ
Thời gian đi đâu mất rồi?
Còn chưa cảm nhận hết tuổi trẻ thì đã già rồi đây
Cả đời nuôi con chăm cháu
Trong đầu chỉ đầy ấp tiếng con khóc con cười
Thời gian ơi đi đâu mất rồi?
Vẫn chưa ngắm nhìn con cháu khôn lớn mắt đã mờ rồi
Nữa đời lo cơm áo gạo tiền
Trong nháy mắt chỉ còn lại gương mặt đầy nếp nhăn.”
(Trích lời dịch “Thời gian đi đâu mất rồi?” - Lời Trần Hy, nhạc Đổng Đông Đông, trình bày Vương Tranh Lượng.)
Tang lễ ngoại được cử hành và hoàn thành sau hai ngày. Mọi người nén đau thương trở lại cuộc sống thường nhật. Anh Khiêm ở lại Việt Nam đến khi mộ bà ngoại hoàn tất. Tôi biết anh rất thương bà, hiếu thảo với bà, mọi chi phí tang lễ đều một tay anh lo lắng. Bây giờ nhìn ngôi mộ khang trang kia tôi cũng biết anh dụng tâm nhiều đến đâu, suy nghĩ thấu đáo đến nhường nào. Từng viên gạch, từng mái lợp thay một lời biết ơn anh gửi đến bà, đó là hành động báo hiếu cuối cùng anh có thể làm được cho người mà anh vĩnh viễn yêu thương, kính trọng, tôn sùng trong cuộc đời này.
Tôi không biết đã trải qua đám tang của ngoại như thế nào, và tôi cũng không muốn nhớ. Không biết mọi người có cảm giác ra sao? Riêng tôi, tôi vẫn chưa chấp nhận được sự thật phũ phàng ấy. Nhanh quá, nhanh quá, bốn tháng! Bốn tháng đã cướp đi người bà yêu thương tôi nhất, tôi đã nhận ra điều đó. Phải chăng bà đã dùng cách ra đi mãi mãi để buộc tôi thức tỉnh, tìm lại con người thật của mình, có phải vậy không hở bà?
Chuyện đời đúng là một vở kịch, chưa hạ màng thì chưa biết trước được việc gì sẽ xảy ra. Có trải qua những ngày tháng này mới biết được lòng người, ai là người thật lòng với tôi, ai là người yêu thương bà thật sự.
Lúc nhỏ tôi nghĩ ai cũng hiền lành, nhưng sao bà lại là người hung dữ. Lúc trưởng thành tôi lại nghĩ ai cũng đồng tình với tôi còn bà đều cho là không đúng, không muốn tôi làm. Và bây giờ, ai cũng sống giả dối với tôi; chỉ còn có một mình bà dùng hết cả đời mình để dạy tôi thế nào là yêu thương nhau thật sự. Bà không sợ tôi ghét bà, oán hận bà, xa cách bà, bà chỉ sợ tôi lầm đường lạc lối, sợ tôi trở thành người xấu rồi tự tổn hại bản thân tôi. Từ đáy lòng, tôi cám ơn bà! Cám ơn người thương tôi, cũng cám ơn người tôi thương!
Nay đã gần thất tuần, bốn mươi chín ngày của ngoại. Các dì của tôi không ai về lại nhà tổ đốt nhang cho bà kể từ đám tang của bà. Mẹ tôi vẫn thỉnh thoảng khóc khi không có ai. Tôi biết vì tôi thường hay lặng yên ở một góc kín đáo quan sát mẹ.
Rồi tôi cũng nhanh chóng xếp nỗi đau lại, cẩn thận cất vào một nơi sâu nhất trong trái tim mình, nơi đó tôi dành riêng cho ngoại, chỉ một mình bà mà thôi. Tôi lên thành phố cố gắng tìm việc làm để đỡ đần cho gia đình và mục đích chính để quên đi nỗi đau này, vì tôi biết nếu như tôi còn có phút giây nào ngơi nghỉ là tôi lại tự mình chui vào một chỗ không ai thấy, một mình gặm nhắm nỗi đau, gặm đến khi nào chảy máu đầm đìa thì mới khiến tôi thoải mái, khiến tôi không còn đau nữa. Tôi sợ những lúc như vậy, sợ, rất sợ, vô cùng sợ!
Tôi đăng tin tìm việc trên nhiều trang mạng, dò tìm việc trên báo, thấy công việc nào phù hợp là tôi sẽ nhanh chóng đi nộp hồ sơ ngay, nhưng mãi đến khi phỏng vấn thì lại trượt. Không từ bỏ, hết lần này đến lần khác bị người ta nói giảm nói tránh đến ám chỉ rồi đến trực tiếp thì tôi biết nguyên nhân chính là cái “nhan sắc” này của tôi. Qua lần phỏng vấn đầu tiên dù đã đoán được nguyên nhân trượt phỏng vấn của mình nhưng tôi vẫn thầm cầu mong đó chỉ là một trong những nguyên nhân thôi, chứ không hi vọng tất cả nguyên nhân là nó. Vậy mà đúng thật! Tôi chỉ có thể cúi đầu thầm đau đớn: “Mẹ ơi, con xin lỗi mẹ! Tại con mà mẹ phải mang tiếng xấu, có một đứa con xấu xí bất tài vô dụng. Con xin lỗi!”
Sau nhiều lần thất bại cuối cùng tôi đã mệt mỏi, tôi cũng nhanh chóng về dưới quê vì Thất tuần của ngoại đã đến. Các dì của tôi không ai nhớ ngày ấy cả, anh Khiêm là người gọi điện và hỏi thăm đầu tiên đủ thấy được bà rất quan trọng với anh cho dù bà không còn sống nữa.
Ngày tháng trôi đi trong im lặng, chúng nó vượt qua tôi không một tiếng động, không để lại cho tôi một dấu vết nào, xoá sạch tất cả những hồi ức tốt đẹp của tôi, lấy đi tất cả mọi thứ của tôi, tình thân, tình bạn, lấy đi sự năng động, nhiệt huyết của tôi, trả lại cho tôi những sự thật đau lòng, trả cho tôi một con người trầm ngâm hơn, ít nói hơn và ít cười hơn. Không biết là nên mang ơn hay oán giận năm tháng phũ phàng.
Đã một năm rưỡi nay rồi còn gì. Mà sao tôi vẫn không quên được cái ngày đau buồn đó. Cái ngày mà bà vĩnh viễn vứt bỏ tôi lại thế gian này. Bà đi đem theo hết những ước mơ và hy vọng của tôi. Thật là như vậy! Lúc trước tôi nghĩ là mình chỉ cần cố gắng học để sau này có thể lo cho bản thân mình, để đỡ đần cho cha và mẹ. Tôi chỉ nghĩ được đến đó thôi! Nhưng không ngờ bây giờ tôi mới nhận ra được rằng còn một nguyên nhân quan trọng nữa đó là vì bà. Vắng bà tôi không biết phải làm gì hết. Tôi không biết mỗi ngày tôi mở mắt ra vì cái gì? Tôi không biết tôi chăm sóc vườn mai già bên hiên vì cái gì? Tôi không biết mình dọn dẹp nhà cửa quét tước sạch sẽ vì cái gì? Vì ngoại đã không còn nữa rồi thì tất cả những việc tôi làm tôi nghĩ đều vô nghĩa. Tôi nghĩ thế nên một năm rưỡi nay thất nghiệp, nằm ì ra ngao ngán, không muốn động đậy, không buồn cười một cái. Tôi thấy nhớ lắm! Nhớ cái dáng cao cao gầy gầy của ngoại. Rất mong được nghe một câu mắng của ngoại. Nhưng không được nữa, muộn thật rồi! Không còn ngoại của năm nào quan tâm tôi. Không còn ai nhắc tôi phải ăn cơm đúng bữa, không còn ai nhắc tôi không được thức khuya online, không còn ai gọi tôi dậy khi mặt trời cao quá sào, không còn ai dặn dò tôi phải cẩn thận đem ví khi đi ra đường, không còn ai, không còn ai hết!
Tôi không biết cái Tết liền sau khi bà ra đi năm đó, tôi và gia đình đã đón tết như thế nào. Tôi thật sự không nhớ!? Nhanh quá! Lại sắp đến Tết nữa rồi sao? Đúng là tôi ở nhà quá lâu đầu óc cũng trở nên lú lẫn. Tôi sắp quên hết những kỷ niệm đẹp, chỉ mỗi nỗi đau đớn mất bà là còn mãi trong tim tôi, có muốn xoá cũng không xoá được. Thôi thì... Tới đâu thì tới. Tôi không thể mãi ngồi hoài ở nhà được. Bà mà thấy chắc cũng sẽ mắng cho một trận. Đi nào! Đi tìm việc! Ở lại đây cũng không phải là cách chữa thương. Đi! Đi đâu cũng được, miễn là đừng để bà lại thấy tôi thì một lần nữa đau lòng.