Có phải ta nghĩ nhiều rồi không? Cao Thừa An thật sự chết vì vết thương nhiễm bệnh dịch sao?
Vậy thì tại sao những lời tự trách vừa rồi của Cao Giới… chẳng hề đả động gì tới chuyện Cao Thừa An rơi xuống ao là bị kẻ khác đẩy? Nhớ lại “người giúp đỡ” mà Cao Thừa An từng đề cập, khi ấy tiềm thức mách bảo ta người mà nó nói chính là thái tử. Nhưng lúc này suy ngẫm kỹ càng mới thấy cho tới tận giờ nó chưa từng nói thẳng tên Cao Giới ra, là tự ta sinh ra ý nghĩ này. Nếu Cao Thừa An không nói với thái từ, vậy người thằng nhóc tìm à ai? “Người giúp đỡ” trong lời nó là ai? Bởi vì ta biết có người muốn hại chết Cao Thừa An, nên nguyên nhân thằng nhóc tử vong ta luôn luôn cảm thấy không chỉ đơn giản như vậy.
“Ngươi nghĩ gì đó?” Cao Yển đột nhiên lên tiếng, ánh mắt nhìn ta đầy nghi ngờ.
Ta cả kinh, biết mình vừa để lộ cảm xúc ra ngoài nên vội vàng che giấu: “Nô tỳ đang nghĩ con cáo non kia khó thuần đến vậy, nhất định không được giữ lại lâu, nếu thái tử phi đã xử lý thì tốt rồi, chắc tại nô tỳ hay lo nghĩ nhiều thôi.”
Đôi mắt Cao Yển vẫn nhìn ta đăm đăm, ánh mắt y tuy không có ác ý nhưng lại khiến người khác theo bản năng muốn trốn tránh. Da đầu ta tê rần, chợt nghe thấy y bật cười, tiếng cười hàm chứa chút bất đắc dĩ: “Người ngoài đều nói ta hay bận tâm âu lo, giờ ta lại thấy ngươi cũng không kém chút nào đâu.”
“Nô tỳ không dám.” Ta vội vã phủ nhận.
Cao Yển không gặng hỏi nữa, trái tim lơ lửng của ta dần bình ổn lại.
Người được Cao Thừa An hết lòng tín nhiệm tính ra cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Hiện tại điều cần làm là bình tĩnh ngồi xem có gì chuyển biến, nếu “người giúp đỡ” kia không thẹn với lương tâm, chiếu theo lẽ thường thì sẽ không ém nhẹm chuyện này xuống. Còn nếu không nghe ngóng được bất kì tiếng gió nào, thế thì cái chết của Cao Thừa An rất có thể không phải là tai nạn ngoài ý muốn…
Tuy ta chỉ là nô tài hai bàn tay trắng, nhưng cũng chính vì ta hai bàn tay trắng nên mới không bị quá nhiều cái gông cùm xiềng xích ràng buộc, ta nhất định phải làm sáng tỏ chuyện này. Dù sao bây giờ ngoại trừ kẻ thủ ác đứng đằng sau thì chỉ có duy nhất một mình ta biết rõ Cao Thừa An bị người đẩy xuống nước, nếu không điều tra, chuyện có lẽ sẽ bị chôn vùi vĩnh viễn.
Chưa kể…
Người ra đi lại còn là đứa nhỏ từng đồng ý sẽ trả lại tự do cho ta.
- -----
Chân Cao Yển dưỡng nửa tháng gần như là có thể đi lại được như thường, vì không thương tổn đến xương cốt nên không để lại di chứng gì.
Một tháng nay Cao Giới bị cấm túc trong Đông cung, cơ hồ Cao Yển bận bịu đến nỗi sứt đầu mẻ trán, thương thế ở chân vừa bình phục được một tí đã phải lập tức vào triều. Bởi khoảng thời gian này, phía triều đình có không ít ý kiến hoặc âm thầm hoặc công khai liên tiếp nhắm vào Cao Giới. Nói cho cùng, tài văn võ của Cao Giới trong chúng hoàng tử không được tính là quá xuất sắc, cái chính là dựa vào thân phận con vợ cả cộng thêm việc hoàng trưởng tôn là con trai của hắn. Hơn nữa bình thường tác phong làm việc cẩn trọng không để mắc sai phạm, nên đến giờ đám quần thần chưa bao giờ thẳng thừng bày tỏ những bất đồng ý kiến ra bên ngoài.
Giờ Thừa An đã mất, nhưng lại bỏ mạng oan uổng vì thứ Cao Giới tự tay tống đi kia. Mà câu mắng chửi con trai “nhà cửa còn chẳng lo nổi, làm sao lo được chuyện thiên hạ” trong lúc nóng giận của hoàng đế tức thì đã bị kẻ khác lan truyền xôn xao.
Cao Giới bị cấm không được vào triều nên Cao Yển mới vội vàng trở về như vậy. Chung quy, nếu cứ để mặc quần thần tiếp tục tranh cãi, e rằng tai tiếng dị nghị phẩm hạnh thái tử không xứng với ngôi vị sẽ càng lúc càng bành rộng.
Hoàng hậu trong cung cũng không rỗi rãi, bản thân chẳng thể tham gia vào chính sự nên đưa qua cho Tần vương phủ một đống quà cáp bày tỏ thái độ. Đồng thời bí mật dặn dò các quan viên bên phe thái tử trong triều trợ giúp Cao Yển.
Vả lại Cao Yển vốn không phải kiểu người mà kẻ khác có thể dễ dàng coi thường, dưới cái bắt tay của hoàng hậu và Cao Yển, tình hình trong triều cũng không dậy sóng to gió lớn.
Dạo gần đây lễ vật và quan viên ra vào Tần vương phủ cứ phải gọi là không ngơi nghỉ, mà hình như hoàng đế không biết một tí gì về chuyện này, chưa hề có dấu hiệu thiên vị nâng đỡ thế lực của phe nào.
Lệnh cấm túc Cao Giới hết hạn, cùng hôm đó có tin vui truyền ra - thái tử phi Tương Nhã Đồng đã mang thai được ba tháng. Tính theo ngày thì đã có trước cả khi Cao Thừa An qua đời. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi, tin tức ấy đã xoa dịu được lòng người bất an triều đình xao động, mà lời đồn đại cũng biến từ thái tử và thái tử phi bất hòa thành quan hệ vợ chồng lại khăng khít như ban đầu. Sau khi Cao Giới trở lại triều, Cao Yển cũng thư thả nhẹ nhõm hơn, không cần phải ngày ngày đi sớm về muộn nữa.
Một tháng với đủ mọi loại chuyện, từ đầu chí cuối ta vẫn luôn đứng ở vị trí người quan sát. Đây là lần đầu tiên ta tiếp xúc với việc triều chính, theo ta thấy, thái tử “bất tài” trong miệng mọi người không hề là một nhân vật đơn giản. Lần trước tới Đông cung thấy Tương Nhã Đồng uống thuốc, cứ tưởng là thuốc an thần, giờ xem ra có khi lúc đó nàng ta đã biết mình có bầu, cố tình kéo dài đến lúc hết cấm túc mới công bố.
Sợ rằng đây cũng là một nước cờ, đám quan viên nhao nhao thể hiện mình trong triều đình cả tháng nay cũng đến lúc nên sợ hãi rồi. Dù sao Cao Giới đã dành trọn một tháng để nhìn cho kỹ quan viên nào không đứng chung phe cánh với hắn, sau đó mới tung ra con át chủ bài trong tay mình. Cao Giới tài trí tầm thường lại có thể sáng suốt đến thế, có thể tưởng tượng, người xuất chúng nhất giữa các hoàng tử… phải là nhân vật thế nào.
Ta luôn thấy mình xuyên thành nô tài xác thực sống cũng chả dễ dàng gì, mà giờ nghĩ lại, mặc dù sinh ra mang dòng máu hoàng gia, đường sống có khi còn gian nan hơn gấp bội. Vấn đề nan giải khiến ta thấy rất phiền đó là một ngày ba bữa cố hết sức để sống, còn rắc rối họ phải giải quyết lại là tranh quyền đoạt thế muôn dân thiên hạ.
Cao Yển trở về với những ngày nhàn hạ, quý phủ cũng quạnh quẽ đi nhiều, chỉ có một hộ quan viên vẫn bám riết không tha, cách một ngày lại đưa bái thiếp đến, không phải Ngô gia của phủ thái úy thì còn ai vào đây nữa.
Kỳ thực chẳng cần nói cũng biết, chắc chắn là Ngô Vân Thiều kia bắt cha nhà mình đưa bái thiếp qua, dẫu sao nàng cũng là cô nương e ấp, không thể tùy tiện đi thẳng tới cửa nhà người ta được nên chỉ có thể nhờ cha mình mà thôi. Có điều sau khi Cao Yển theo Cao Giới vào triều, bái thiếp của Ngô gia y đều từ chối tất, không chừa cho họ một cơ hội.
Còn ta thời gian này luôn nâng cao tinh thần tiếp tục chú ý đến những biến động nhỏ, điều tra tất cả dấu vết, không muốn bỏ qua bất kì chi tiết nào. Có điều, chẳng biết nên vui hay buồn, cho đến khi Cao Yển đã trở lại guồng quay triều chính, nhanh thôi, Cao Thừa An sẽ được hạ táng, vậy nhưng vẫn không mảy may có tin tức nào truyền đến. Rốt cuộc là ta suy nghĩ nhiều, hay thực sự có hung thủ đứng sau cái chết của Cao Thừa An?
Về thân phận “người giúp đỡ” kia, ta ngày đêm nghĩ ngợi, trong lòng cũng đã đoán được đại khái. Cao Giới và Tương Nhã Đồng là cha mẹ của Cao Thừa An, nghiễm nhiên là người thằng nhóc tin tưởng nhất, nhưng họ không có khả năng ra tay với đứa con của chính mình. Như vậy, đối tượng hoài nghi của ta chỉ còn lại Cao Hoằng Lãng, Cao Yển và Hồ Nguyên Ly.
Dù sao theo ta được biết, ba người bọn họ thân với Cao Thừa An hơn, quan hệ của thằng nhóc với các hoàng tử khác chỉ bình bình, nó tuyệt đối sẽ không kể cho bọn họ chuyện hệ trọng như vậy.
Chỉ là nhìn tình hình trước mắt, từ sau ngày Cao Hoằng Lãng làm một trận ồn ào ở Đông cung, dường như không còn nghe tin tức nào của hắn ta nữa, trên triều cũng trầm lặng kiệm lời, không ra mặt hay nhúng tay vào cuộc tranh giành của các quan viện.
Lại nói, hơn một tháng không gặp Hồ Nguyên Ly, chẳng biết có phải do hôm đó ta phát cáu hay chăng, hiếm lắm mới thấy một thời gian dài hắn không đến Tần vương phủ.
Về phần Cao Yển… y luôn đứng về đảng phái của thái tử, trước đó vì Cao Giới bị cấm túc mà y phải vất vả ngược xuôi, ta đều chứng kiến cả.
Có thể thấy, ba người họ dường như chưa có hành vi nào bất thường.
Nếu xem xét trên phương diện thân phận, Hồ Nguyên Ly là vương gia khác họ, Cao Hoằng Lãng và Cao Yển mới là hoàng tử dòng chính, hơn nữa Cao Hoằng Lãng có chống lưng là mẫu tộc phủ thái úy. Ngẫm lại, có vẻ hắn ta càng giống “người giúp đỡ” mà Cao Thừa An tìm, vì hắn ta cũng có động cơ hơn. Là hoàng tử với nhau, ai lại không ôm ấp dã tâm tranh đoạt? Nhưng giờ Cao Hoằng Lãng quá im hơi lặng tiếng, thật sự làm người ta không tìm ra được điểm hoài nghi.
Vì thân phận bị hạn chế nên ta không được tự do ra vào, cũng không có cách nào thỏa sức điều tra, và cũng không thể tìm kiếm sự trợ giúp từ người nào khác. Dù gì đây cũng chỉ là suy đoán, mà suy đoán này còn liên quan tới tội lừa dối trước đây của ta.
Không biết có phải trời cao có mắt, khi ta đang khổ tâm chẳng biết nên làm thế nào thì bất ngờ Cao Hoằng Lãng đã chủ động tới cửa. Ta cố ý thay Hàm Ngọc đi lên dâng trà rồi đứng sang một bên, ý đồ tiếp cận để tìm kiếm manh mối.
Lần này Cao Hoằng Lãng hoàn toàn không còn dáng vẻ nổi giận như trước nữa, giọng điệu có vẻ cũng hối lỗi vì chuyện lần trước mình mất bình tĩnh. Nghe hắn ta kể, gần như cả tháng qua hắn ta với Cao Giới chưa nói với nhau câu nào. Cao Yển lên tiếng an ủi: “Tính tình thái tử ôn hòa, huynh ấy cũng biết huynh một lòng lo cho Thừa An, đâu thể vì vài lời tranh chấp mà so đo với huynh được.”
“Các đệ trước giờ thân thiết, tất nhiên đệ sẽ nói giúp nó, mấy ngày nay nó trở lại triều còn không thèm liếc mắt nhìn ta.” Nét mặt Cao Hoằng Lãng tuy dửng dưng nhưng khẩu khí lại vô cùng bất bình.
Hiềm khích giữa hai huynh đệ bọn họ, Cao Yển sao có thể xen vào, chỉ đành vờ như mình cũng mơ hồ: “Đại hoàng huynh nghĩ nhiều rồi.”
Nghe Cao Yển nói thế, Cao Hoằng Lãng không phàn nàn nữa, chuyện lái qua hướng khác, thái độ hắn ta thoắt cái đã thay đổi: “Mấy ngày nay có phải biểu muội của ta gây nhiều phiền phức cho đệ lắm không?”
Hàng mày Cao Yển khẽ nhíu lại rất khó nhận ra: “Ta không hiểu ý đại hoàng huynh, mấy ngày nay ta đâu gặp đích nữ Ngô gia, sao nói cô ấy gây phiền phức cho ta được?”
Cao Hoằng Lãng cười sang sảng, bảo: “Ngũ đệ trước nay thông minh, không lẽ chuyện này lại khiến đệ phải vờ hồ đồ một lần? Hôm nay ta đến thực ra cũng là vì biểu muội không hiểu chuyện kia của ta.”
Chẳng đợi Cao Yển tiếp tục giả ngu, Cao Hoằng Lãng nói: “Mợ ta không có con trai, đích nữ này có thể coi là lớn lên trong lòng bàn tay nâng niu che chở, hơn nữa cậu của ta cũng cực kỳ cưng chiều con bé, nên tính nết đâm ra có hơi kiêu căng. Từ nhỏ nó mà vừa ý cái gì là sẽ dốc hết sức lao lên.”
Lời đã quá rõ ràng, người ngoài cuộc như ta nghe còn hiểu được.
Cao Yển tháo bỏ vẻ lơ mơ trên mặt, thản nhiên xoay xoay chén trà không trong tay, ta biết ý đi lên rót thêm trà.
Cao Hoằng Lãng lại mở miệng: “Ta cũng thường xuyên nghe cậu nhắc, ngoại trừ biểu muội thì chỉ còn mấy đứa con vợ kế không chí cầu tiến. Cả phủ thái úy ngày sau chỉ sợ phải dựa cả vào nhà chồng của biểu muội.”
Ý tứ rành rành ra như thế, rốt cuộc Cao Yển không kéo dài thêm được nữa, y nhìn Cao Hoằng Lãng chằm chằm, nói: “Hôm nay đại hoàng huynh tới để làm thuyết khách sao?”
Cao Hoằng Lãng hết sức thẳng thắn không hề che giấu mục đích của mình: “Tại biểu muội cứ cuốn lấy suốt, ta cũng bó tay, ai bảo sau lần Ngũ đệ anh hùng cứu mỹ nhân, con bé cứ nhớ mãi không quên.”
Hồi lâu Cao Yển không lên tiếng, không khí trong phòng có hơi nặng nề.
Cao Hoằng Lãng cũng nhận ra, thuận miệng bẻ sang chủ đề khác: “Lúc trước chứng kiến thủ đoạn mạnh mẽ của Ngũ đệ trên triều đình, thật đúng là giúp ta mở mang tầm mắt. Người giỏi giang như Ngũ đệ, nếu vì bướng bỉnh mà để tài năng bị mai một, quả thật là khiến người ta nuối tiếc. Ta cùng vì tốt cho Ngũ đệ thôi, hôm nay đến nói mấy lời này, dù sao trong kinh thành cậu của ta cũng coi như người có tiếng nói, chúng ta thực sự không lay chuyển được biểu muội của ta.”
Nếu nói tới khuyết điểm của Cao Yển thì đó chính là bối cảnh, những hoàng tử khác người nào không có gốc gác giàu có, chỉ có y là đứa trẻ được sinh ra từ một cung tỳ không tên không tuổi.
Có điều phủ thái úy là thế lực mẫu tộc của Cao Hoằng Lãng, hắn ta sẵn lòng chia sẻ cho Cao Yển? Ngay cả khi Cao Hoằng Lãng muốn mượn điều này để chia rẽ quan hệ của Cao Yển và thái tử thì cái giá phải trả cũng không hề nhỏ.
Nhìn nụ cười vô tư của Cao Hoằng Lãng, nhất thời ta có hơi mê man, chẳng lẽ ta nghĩ sai rồi, hắn ta thật sự không có chút mơ mộng xa xôi gì với vị trí kia hay sao?
Đoán chừng lời nên nói cũng đã nói hết, Cao Hoằng Lãng ngồi một lát rồi đứng dậy rời đi. Trong phòng chỉ còn hai người ta và Cao Yển, đang chuẩn bị thu dọn bộ đồ trà thì Cao Yển chợt vung tay, ấm chén trên bàn rơi hết xuống đất, bể nát.
Qua khóe mắt, ta nhìn thấy sườn mặt y cứng đơ, ta chưa bao giờ thấy y xúc động như vậy, sợ tới mức vội vàng quỳ xuống nín thở. Bỗng y nghiến răng nghiến lợi thốt ra một cái tên: “Hồ, Nguyên, Ly…”
Ta không hiểu ra sao, chỉ có điều lúc sau y đã mở miệng: “Phái người gọi Hồ Nguyên Ly tới đây cho ta.”
Trong giọng nói vẫn cất chứa cơn giận không kiềm chế được, ta khúm núm gật đầu vâng dạ. Thấy y nhắm nghiền hai mắt, bấy giờ ta mới cẩn thận dọn dẹp mảnh sứ nhỏ vung vãi, xong xuôi mới ra ngoài truyền lời cho gã sai vặt của quý phủ đi mời Hồ Nguyên Ly tới.
Tuy nhiên cho đến tận khi sắc trời đã tối vẫn chẳng thấy bóng dáng Hồ Nguyên Ly xuất hiện, có điều Cao Yển dường như đã hồi phục lại như thường, không nhắc nửa chữ tới việc tìm Hồ Nguyên Ly. Để chắc chắn hơn ta còn bảo gã sai vặt đi ra cổng và chỗ tường ở ao nước trong hậu viện trông coi, nhỡ như Hồ Nguyên Ly trèo tường vào mà không nhớ được đường, chẳng phải sẽ tốn thời gian nữa sao?
Thế nhưng hỏi gã sai vặt biết bao nhiêu lần, câu hỏi nhận lại đều là không thấy ai đến. Cuối cùng ta chỉ đành bỏ cuộc quay về phòng ở của mình. Lần mò châm ngọn đèn dầu lên, bên tai đột nhiên truyền tới giọng nói nghe có vẻ bất mãn: “Ngươi tìm ta?”
Vừa quay đầu đã thấy Hồ Nguyên Ly đứng thù lù bên cửa sổ, ta hãi hùng vội thổi ngọn đèn tắt ngúm.
Xung quanh tối tăm mờ mờ, lúc này ta mới phản ứng lại, sao phải tắt đèn làm gì?