Thì ra người vừa nói là Tàu Chánh Khê. Tế Độ nhìn Tàu Chánh Khê đang đứng trong khoảnh sân ngay trước hành lang. Một tay Tàu Chánh Khê cầm con dao, tay kia thộp cổ Ngụy Tượng Xu. Một toán lính cũng đứng trong sân cầm huyết đương thương lăm lăm chĩa vào lưng Tàu Chánh Khê. Trương Dũng dẫn đầu toán lính.
Triệu Phật Tiêu chạy vào kho thuốc chắn trước mặt Lâm Tố Đình.
Lâm Tố Đình mừng thầm, nàng biết vị sư huynh đa mưu túc trí này xuất hiện thì chắc chắn nàng không bị thiệt thòi. Nàng kêu lên:
- Cứu muội với ngũ ca!
Từ trước tới nay Tàu Chánh Khê chưa từng uy hiếp người ta, nhưng đêm nay vạn bất đắc dĩ, chàng kề dao vào cổ Ngụy Tượng Xu, nhìn vào kho thuốc nói:
- Ái Tân Giác La Tế Độ! Ta với ngươi phân tài cao thấp, nếu ta thắng, ngươi để chúng tôi đi, cũng đưa nhân sâm cho chúng tôi!
Trong mình Tế Độ bị thương, Trương Dũng định nói “không được,” nhưng Tế Độ đã gật đầu với Tàu Chánh Khê.
- Quân tử nhất ngôn? – Tàu Chánh Khê hỏi.
Tế Độ lại gật.
Thế là Tàu Chánh Khê bảo Lâm Tố Đình thay chàng khống chế Ngụy Tượng Xu. Lâm Tố Đình chạy ra cầm con dao trong tay Tàu Chánh Khê, áp sát cổ Ngụy Tượng Xu.
Ngụy Tượng Xu chỉ còn mặt chiếc quần trong, từ khi bị Tàu Chánh Khê áp giải về Hắc Viện, đi qua khỏi cửa Đông Hải, đầu Ngụy Tượng Xu cúi xuống, cằm dính sát ngực.
Tế Độ và Tàu Chánh Khê đứng đối diện nhau trong khoảnh sân phía trước kho thuốc. Bọn lính, Trương Dũng, Triệu Phật Tiêu, Lâm Tố Đình và Ngụy Tượng Xu đứng thành vòng tròn vây quanh hai người.
Tàu Chánh Khê nghe Tế Độ thở những hơi thở ngắn, không để người này có thời gian điều khí dưỡng thần, xuất chiêu như gió, tấn công mười mấy chiêu liên tiếp.
Vũ khí của Tàu Chánh Khê là một thanh đại đao, trên lưng còn đeo thêm một sợi dây sắt dài khoảng một cánh tay, nối liền với một tiểu chùy, trọng lượng khoảng gần hai ký, gọi là Lưu Tinh Chùy. Tàu Chánh Khê dụng đơn đao và Lưu Tinh Chùy liên tục đánh vào chân Tế Độ. Vì thân hình Tàu Chánh Khê thấp hơn Tế Độ nên Tàu Chánh Khê tập trung tấn công vào hạ bàn.
Tế Độ thấy chiều cao Tàu Chánh Khê ngang ngửa Lâm Tố Đình, nhưng đao pháp cương mãnh, tốt hơn kiếm pháp của Lâm Tố Đình, thì đánh trả cẩn thận hơn.
Mặt mày Lâm Tố Đình đầy sắc thái tự tin, nàng liên tục hô hào cổ vũ cho Tàu Chánh Khê, mỗi khi chàng khéo léo điều khiển sợi dây xích lắc người ném chùy, tấn công như bay, gió lộng vù vù, trong mềm có cứng, trong cứng có mềm, đây chính là những yếu quyết khi luyện chùy.
Hai chiếc bóng múa may, lúc hợp lúc chia, chỉ trong chốc lát mà hai người đã qua lại ba chục chiêu.
Trong một lần Tế Độ xuất ra một thế côn đánh tới bụng Tàu Chánh Khê, Tàu Chánh Khê không biết đây chỉ là hư chiêu, bèn đưa cặp binh khí một chặn giữa bụng, một vung ra ngoài phản kích. Không ngờ trường côn của Tế Độ biến chiêu giữa chừng, từ dưới đánh ngược lên, điểm vào giữa mặt Tàu Chánh Khê.
- Cẩn thận ngũ ca! - Lâm Tố Đình kêu lên.
Tàu Chánh Khê được “nhắc tuồng” song không sao đỡ kịp, lập tức nhào ngửa ra sau. Tàu Chánh Khê thi triển thân pháp Trường Thành Kiều né được chiêu này, nhưng đã bất ngờ đến toát mồ hôi lạnh đầy đầu.
Lâm Tố Đình nói:
- Ngũ ca hãy kéo dài thời gian! Hắn đang trọng thương, khí lực không bằng ca, đánh lâu một hồi đương nhiên kém thế!
Đánh thêm vài chục chiêu nữa, đúng là Tế Độ cảm giác mệt phờ như Lâm Tố Đình nói, tay cầm côn vừa ra đòn, tay không cầm côn vừa hộ thân, chàng rắp tâm bảo vệ các huyệt đạo. Trong một khoảng thời gian ngắn chàng đã phải đánh nhau với rất nhiều hảo thủ, từ Nhất Đình Phong đến Khẩu Tâm, Tôn Hứa Khải, rồi Tần Thiên Nhân. Vừa về Hàng Châu nghỉ ngơi chưa được bao lâu thì Tiêu Nhất Đông đến làm vết thương tái phát. Đêm nay chàng vừa chiến đấu với Lâm Tố Đình xong thì Tàu Chánh Khê nhảy vào công kích, nên chiêu thức không còn nhuần nhuyễn.
Trong khi đó Tàu Chánh Khê có sức lực dồi dào nên biến chiêu chớp nhoáng. Hai người lại đánh thêm mười mấy chiêu.
Tình thế Tàu Chánh Khê càng lúc càng sáng sủa. Tuy nhiên, Tế Độ phòng thủ khá nghiêm ngặt nên Tàu Chánh Khê vẫn không hạ thủ được Tế Độ.
Tàu Chánh Khê liên tục tung đòn, càng đánh càng nhanh, đao sau nhanh hơn đao trước, chùy sau gấp hơn chùy trước. Sử dụng sắp hết tất cả các chiêu thức của bộ Mê Tông La Hán Hình Đường mà vẫn chưa làm gì được đối phương.
- Cố lên ngũ ca! – Lâm Tố Đình hét lên – Hắn đã thấm mệt, chỉ cần một khắc nữa là có thể đả bại được hắn!
Nhưng đúng một khắc trôi qua Tế Độ vẫn giữ cho tâm trí không loạn. Tay trái không cầm côn đánh vờ một chưởng, chân trái đá vờ một cước phát ra hai hư chiêu thẳng ra phía trước.
Tàu Chánh Khê đợi chưởng đánh tới nơi, quay sợi xích toan quấn lấy cổ tay Tế Độ. Ngờ đâu Tế Độ vội rút tay trái về, chân cũng đã chuyển sang bộ vị khác. Đôi mắt của Tàu Chánh Khê trợn tròn, không dè địch thủ thu chưởng pháp và cước pháp nhanh gọn thế này. Tế Độ thấy Tàu Chánh Khê trúng kế liền xoay trường côn đang cầm trong tay phải quét vào cổ tay cầm đao của Tàu Chánh Khê. Rồi thừa lúc Tàu Chánh Khê còn bất ngờ, Tế Độ dùng tay trái tung tả quyền đánh mạnh vào ngực Tàu Chánh Khê.
Binh! Tàu Chánh Khê lùi ba bước, làm rơi cả chùy lẫn đao, thở hổn hển trước khi nói:
- Chiêu pháp cao minh!
Tế Độ nghe khen thì gật đầu cảm tạ.
Tế Độ định tiến lên nhưng vết thương tái phát phải dừng lại để thở. Tàu Chánh Khê được dịp bay vào nhập nội, rồi dùng tuyệt kỹ khinh công Đạt Ma Độ Giang.
Tàu Chánh Khê khua chân đạp theo bát quái chạy vòng quanh Tế Độ.
Để luyện tập Đạt Ma Độ Giang, Tàu Chánh Khê đã phải dùng một sợi dây giăng ngang mặt Tây hồ rồi bước từng bước một, càng ngày càng nhanh cho tới khi nhắm mắt mà có thể chạy một hơi qua khỏi Tây hồ. Sợi dây theo trình tự hóa từ to đến nhỏ dần. Mới ban đầu, Tàu Chánh Khê dùng sợi dây thừng, sau nhiều năm thuần thục chàng đổi thành sợi chỉ. Đến giai đoạn cuối thì chàng chẳng cần sợi chỉ, vẫn có thể đằng vân giá vũ vi vu như chim én.
Tàu Chánh Khê thi triển Đạt Ma Độ Giang chạy quanh người Tế Độ, lúc chạy sang trái lúc chạy sang phải, gấp rút xoay chuyển để lừa thế, cố tìm chỗ sơ hở để phát chiêu.
Tế Độ quay tới quay lui, thấy Tàu Chánh Khê trước mắt định phát chưởng thì Tàu Chánh đã biến đâu mất rồi.
Tế Độ quay ra phía sau lưng tìm thì Tàu Chánh Khê đã vụt sang chỗ khác.
Tế Độ cứ thế mà quay mấy chục vòng, dù võ nghệ cao cường cỡ nào cũng phải đầu váng mắt hoa. Còn nếu chàng không chịu quay theo thì sẽ bị Tàu Chánh Khê xuất đòn vào chỗ yếu ngay.
Bọn lính Chính Bạch kỳ, Trương Dũng, Ngụy Tượng Xu và Triệu Phật Tiêu nín thở trước đấu pháp lợi hại của Tàu Chánh Khê, chính tuyệt kỹ này đã làm nên danh tiếng Bát Bộ Truy Hồn cho Tàu Chánh Khê.
Tàu Chánh Khê chạy thêm năm vòng nữa, phóng Kim Sản Chỉ đánh ra, chiêu này phối hợp rất ăn ý với Đạt Ma Độ Giang, năm ngón tay Tàu Chánh Khê sắp đâm vào mặt Tế Độ.
Kim Sản Chỉ là đòn tay dùng ngũ chỉ xỉa vào thân cây cho tới khi những ngón tay chai sạn có thể chọc thủng thân cây.
Tàu Chánh Khê xuất đòn. Tế Độ quay mặt tránh né. Tàu Chánh Khê thu tay về, phát ra năm ngón tay khác, nhanh tới mức độ hoàn toàn không cần suy nghĩ.
Tế Độ hết cách, chực thấy tay nào tới thì né tay đó. Lúc đầu, chàng còn giữ được thế quân bình, nhưng kéo dài thì không thể phản đòn nhanh bằng Tàu Chánh Khê. Nếu cứ xoay chuyển theo tình hình này thì Tàu Chánh Khê thành thạo hơn nên chàng chỉ có nước đại bại mà thôi.
Tàu Chánh Khê đang đà trên cơ, bỗng chùn bước khi chàng cảm thấy lồng ngực đau buốt. Dầu không bị thương trầm trọng từ chuyến đi Sơn Tây nhưng chàng chưa có ngày nào chính thức được nghỉ ngơi, với khí lực hiện tại chàng vốn không nên áp dụng tuyệt kỹ, nếu cố chấp tiếp tục xuất tuyệt học, nguyên khí của chàng sẽ cạn như một cây đèn dầu, chỉ có đường chết.
Tàu Chánh Khê mặc kệ, vì nếu chỉ dùng tánh mạng của một mình chàng đánh đổi tánh mạng của Tần Thiên Nhân và Tế Độ, quả là lợi lộc không nhỏ.
Nhưng dù cho Tàu Chánh Khê có cố gắng chân chàng cũng bị nội khí tản mạn trong ngực ảnh hưởng, bộ vị không còn linh hoạt như ban đầu nữa.
Tế Độ tóm lấy hai cổ tay Tàu Chánh Khê.
Tàu Chánh Khê cố sức giằng co rút tay ra.
Nhưng Tế Độ đã vận quyền thi triển Nhất Chỉ Kim Cương Trảo, chiêu đòn tay của Ưng Trảo Phiên Tử môn, chiêu này gần giống như Kim Sản Chỉ của Thiếu Lâm nhưng Kim Sản Chỉ thiên về âm công. Còn Nhất Chỉ Kim Cương Trảo thì thiên về dương cương, không làm kẻ địch tử thương nhưng có thể dùng để điểm huyệt đạo của kẻ địch ở phương diện gần. Phương pháp này luyện tập bằng cách dùng ngón trỏ xỉa vào đất đá cho đến khi đất đá tan nát. Bởi vì dùng ngón tay đâm vào vật cứng cho nên chiêu pháp mới gọi là luyện dương cương.
Tế Độ chuẩn bị điểm vào huyệt nội quan trên hai cổ tay Tàu Chánh Khê thì may mắn đến với Tàu Chánh Khê, chiếc vòng cỏ trong tay áo Tế Độ rơi ra.
Chiếc vòng rơi trên đất, lăn đến dưới chân Lâm Tố Đình. Tàu Chánh Khê thừa lúc Tế Độ quay đầu nhìn chiếc vòng liền giằng tay thoát khỏi tình thế bị khống chế.
Tế Độ không tiến theo Tàu Chánh Khê, cũng thu hồi chiêu thức Nhất Chỉ Kim Cương Trảo.
Nhưng có tài thánh Tế Độ mới tranh đoạt với Lâm Tố Đình nổi.
Chiếc vòng lăn đến dưới chân nàng, hồi nãy lúc nấp sau kệ thuốc Lâm Tố Đình thấy Tế Độ quan trọng chiếc vòng này, bèn dùng chân hất tung chiếc vòng lên đưa tay bắt lấy.
Thế là trong tay Lâm Tố Đình có cả người và vật dùng để uy hiếp.
- Tới bên muội, ngũ ca! - Lâm Tố Đình gọi.
Tàu Chánh Khê vụt nhảy đến đứng cạnh Lâm Tố Đình. Một tay Lâm Tố Đình vẫn gí dao vào cổ Ngụy Tượng Xu, một tay chĩa vòng cỏ về phía Tế Độ, đề phòng Tế Độ tấn công Tàu Chánh Khê tiếp.
Lâm Tố Đình nói:
- Lần này cục diện bằng nhau, Ái Tân Giác La Tế Độ, nhà ngươi đỡ được các chiêu thức của ngũ ca ta coi như hảo hán! Ngươi và huynh ấy huề nhau. Vậy thì bây giờ mạng đổi mạng, vật đổi vật, ngươi thấy sao?
Tế Độ im lặng.
- Ngươi không hiểu ta nói gì hay sao? - Lâm Tố Đình ấn dao vào cổ Ngụy Tượng Xu nói - Mạng hắn đổi mạng ta, còn chiếc vòng đổi lấy nhân sâm, chịu hay không chịu nói mau đi, bằng không ta hủy nó!
Lâm Tố Đình nói rồi thấy Tế Độ giàu có như vậy mà khẩn trương một chiếc vòng không một chút giá trị, nàng đoán chắc là vật kỷ niệm chi đấy, thấy hơi bất nhẫn, nhưng nàng vội gạt ý nghĩ đó đi.
Tế Độ phất tay. Triệu Phật Tiêu vội lấy chiếc hộp gỗ ném về phía Lâm Tố Đình. Tàu Chánh Khê chụp lấy chiếc hộp gỗ.
- Đi! – Lâm Tố Đình bảo Ngụy Tượng Xu.
Sau khi Lâm Tố Đình ép Ngụy Tượng Xu ra khỏi cổng Đông Hải khoảng mười thước, Tàu Chánh Khê cũng theo ra khỏi Hắc Viện, Lâm Tố Đình đánh ngất Ngụy Tượng Xu.
Trước khi cùng Tàu Chánh Khê phi thân bỏ đi, Lâm Tố Đình dùng dao cắt chiếc vòng cỏ rơi lả tả trên đất.
- Là do ngươi nhẫn tâm trước! – Lâm Tố Đình nói lớn – Ái Tân Giác La Tế Độ! Nhà ngươi định phế võ công của ta, đừng trách bổn cô nương vô tình!