Điều Bí Mật Của Chồng

Chương 2: Cuộc sống trong căn nhà nhỏ bé



Lý Dương và Điền Ca đã sống với nhau sáu năm trong một căn gác xép bé tẹo, nằm trên tầng bảy của một tòa nhà chung cư xập xệ, thuộc khu Lục Tiểu, phía sau Phù Sơn. Căn gác xép này có tổng diện tích lên đến 70m2, nhưng thật ra diện tích sử dụng thì hạn hẹp lắm, bởi lẽ chỗ hẹp nhất chỉ vẻn vẹn có một mét còn chỗ rộng nhất thì cũng chỉ tròm trèm năm mét, phòng vệ sinh có diện tích 3m2, vừa khéo chiếm lĩnh không gian thoáng đáng nhất.

Dù vậy, gác xép vẫn có đầy đủ mọi thứ chẳng khác nào một ngôi nhà hoàn chỉnh. Bước vào cửa là phòng khách, chỗ cao nhất phòng là bốn mét rưỡi và thấp nhất là một mét; bức tường hướng nam có hình thang, hai đầu bên trái bên phải không cân xứng nhau; còn bức tường hướng bắc có hình chữ “nhân”[1] chúc đầu thoai thoải. Vị trí gian phòng không cân đối này có diện tích khoảng 12m2, cùng một lúc phải kiêm nhiệm nhiều chức năng, như phòng làm việc, phòng ăn, phòng vui chơi của trẻ con…

[1] Ở đây chỉ hai bên trái và phải của bức tường được xây dốc thoai thoải.

Phòng ngủ phía nam, rộng hơn 15m2, đây là gian phòng có vị trí đẹp nhất và cũng là nơi rộng rãi nhất. Có điều, Lý Dương cao một mét tám, nếu cứ thẳng lưng mà bước vào phòng thì chắc chỉ đi được chừng ba bước thôi, chứ đến bước thứ tư thì thế nào cũng va đầu vào trần nhà. Nói là vậy nhưng một bước ở đây cũng tương đương với khoảng một mét, xem ra ba bước cũng không phải ít đâu, không gian sử dụng của phòng này đã gần đạt chuẩn rồi. Trong phòng có một cửa sổ lớn đầy ánh sáng, một chiếc giường đôi, một cái tủ áo và một cái bàn làm việc đảm nhiệm cả vai trò của bàn trang điểm. Trước khi có con, nơi đây là tổ ấm yêu thương của Lý Dương và Điền Ca. Từ khi Ni Ni cất tiếng khóc chào đời, Điền Ca ở cữ trong phòng này và sau đó quyết định ở đây luôn để tiện cho con bú mớm. Một nhà ba người rúc trên một chiếc giường chật chội, hôm nào thì nửa đêm nửa hôm con bé quấy khóc làm Lý Dương mất ngủ, hôm thì anh đi tiếp khách tới khuya mới về làm ảnh hưởng giấc ngủ hai mẹ con. Vì vậy, Lý Dương quyết định chuyển đến phòng ngủ ở phía bắc, nhường phòng ngủ phía nam cho hai mẹ con. Trong quá trình nuôi Ni Ni khôn lớn, bà Phượng là người chăm bẵm con bé, đồng thời cũng phục vụ cả gia đình Điền Ca nên bà cũng thường ở lại mấy ngày. Mỗi lần bà sang, Điền Ca lại về phòng với Lý Dương, phòng ngủ này trở thành gian phòng yêu thương của hai bà cháu.

Phòng ngủ phía bắc rất nhỏ, tổng diện tích không quá 10m2, chỗ thấp dưới một mét, chỗ cao chưa đầy hai mét rưỡi, khi bước vào phòng, nếu cứ thẳng lưng mà bước thì thế nào đầu cũng va trúng trần. Trước đây, gian phòng nhỏ bé này là nhà kho của Lý Dương và Điền Ca, đồ dùng linh tinh đều được chất đống ở đây, trong đó phần lớn là sách vở của hai vợ chồng. Có dạo họ cũng thanh lý đồ, những đồ dùng còn sử dụng được thì đem bán, còn không thì vứt bớt đi để có thêm không gian sử dụng. Hai vợ chồng mua tấm đệm Simmons, trải ra sàn nhà, sau đó trang trí một vài bức tranh đơn giản xung quanh tường và mái dốc, thế là họ đã có thêm một phòng ngủ ấm cúng.

Có điều, khi nằm ngủ nhất định phải quay đầu về hướng nam, nếu như quay đầu về hướng bắc, thì không có cách nào ngồi dậy được, bởi lẽ bức tường ở đây chỉ cách sàn nhà chưa đến một mét.

- Phòng này đẹp nhỉ! – Điền Ca nói.

- Đương nhiên là đẹp rồi! – Lý Dương đáp.

Khi mới chuyển sang, cả hai vợ chồng cùng có sự nhìn nhận giống nhau về căn phòng này, nhất trí đến kinh ngạc. Hồi đó Điền Ca còn không tiếc lời ca ngợi: “Thực ra đầu quay về hướng nam, chính là hướng ngủ tốt nhất đấy. Theo y học, trong hệ thống tuần hoàn máu của cơ thể con người, động mạch chủ và tĩnh mạch chủ là quan trọng nhất, chúng chạy dọc từ đầu đến chân. Vì vậy, khi nằm xoay đầu về hướng nam thì hướng vận chuyển của động mạch chủ và tĩnh mạch chủ cũng thuận theo hướng từ trường của trái đất, đây chính là phương pháp hữu hiệu để có được giấc ngủ ngon”.

Những lời Điền Ca nói, đương nhiên là đáng tin cậy rồi. Vì bản thân cô từng là một sinh viên xuất sắc, được đào tạo bài bản về y học; hơn nữa, bố cô lúc sinh thời cũng là một thầy thuốc Đông y có tiếng. Xuất thân từ một gia đình nhiều đời theo nghiệp bốc thuốc chữa bệnh nên những điều cô nói về vấn đề dưỡng sinh, bảo vệ sức khỏe là hoàn toàn có căn cứ.

Lý Dương còn mơ màng hơn cả Điền Ca: “Ban đêm nằm trên giường nhìn qua cửa sổ trên mái nhà, chúng mình sẽ được ngắm cả một bầu trời sao lấp lánh huyền diệu, vầng trăng sáng trong và thi thoảng lại có một vài gợn mây mỏng nhè nhẹ trôi qua. Ôi chao! Thật là lãng mạn biết mấy! Căn phòng này tuy bình thường, nhưng dưới bàn tay của vợ yêu, đồ đạc được sắp đặt gọn gàng đâu ra đấy. Điều còn lại là chúng ta có biết hưởng thụ những điều thú vị này không? Quả thực là hưởng thụ không hết!”.

Lý Dương còn tự tay dán giấy tường màu vàng nhạt điểm những chiếc lá liễu xanh non, trông như hình dáng đôi lông mày dài thanh tú của Điền Ca khiến Điền Ca cảm giác như đang ở trong một ngôi nhà gỗ xinh xắn giữa rừng. Và rồi hai vợ chồng cô cùng đặt tên cho căn phòng nhỏ này là “cabin tình yêu”.

Đó là thời kỳ hạnh phúc của Lý Dương và Điền Ca. Trong rất nhiều vấn đề, hai người luôn có chung quan điểm, kẻ tung người hứng, lúc nào cũng hiểu ý nhau. Phải nói rằng, con người Điền Ca rất tốt, cô biết thích ứng với mọi hoàn cảnh, không có tính cách tranh đua hơn kém, điều đó làm Lý Dương luôn cảm thấy cuộc sống ngọt ngào tràn đầy hạnh phúc, không có bất kỳ gánh nặng hay áp lực nào hết.

Nhưng đấy chỉ là Điền Ca của “thời kỳ hạnh phúc”, là một Điền Ca ngây thơ trong sáng chưa nhuốm bụi trần, giống như một đóa hoa cúc đang nở xòe dưới ánh nắng chan hòa. Điền Ca của thời đó đã để Lý Dương được trải nghiệm trọn vẹn sự ngọt ngào và hạnh phúc của cuộc sống vợ chồng son nên cũng vì thế anh lại càng quấn quýt, yêu thương cô hơn bội phần.

Tuy nhiên, con người ta sống trong một xã hội phức tạp, muôn hình vạn trạng, cũng giống như vạn vật trên thế gian này, luôn luôn biến đổi, xoay chiều, hoặc là tin hin hoặc là cực lớn. Nhất là ngày này qua ngày khác được chứng kiến cuộc sống của mọi người xung quanh và đồng nghiệp trong bệnh viện thay đổi đến chóng mặt, dù có là tuýp người hồn nhiên và lãng mãn thì cũng bị dao động về tư tưởng. Điền Ca cũng không phải là ngoại lệ, cô đâu thể giữ mãi sự hồn nhiên như thế. Không biết từ khi nào, hai vợ chồng thường xuyên bất đồng ý kiến.

Đối với bất đồng nhỏ theo kiểu sáng nắng chiều mưa thì trong vòng mười hai tiếng đồng hồ, hai vợ chồng sẽ lại làm hòa với nhau. Còn với những bất đồng nghiêm trọng, chẳng hạn như chuyện nhà cửa hay nuôi dạy con cái thì chẳng ai chịu nhường nhịn ai, cuộc chiến hôm nay chưa dứt thì hôm sau đã lại tiếp tục.

Sự ngọt ngào chỉ duy trì được đôi ba năm, sau đó Điền Ca bắt đầu sinh ra chán ghét cuộc sống trong căn gác xép. Cô ước ao giá như mình cũng được ở trong những khu chung cư đang mọc lên như nấm, nhưng tiếc rằng cô chưa có đủ tiền nên chẳng thể ra tay được. Nhưng khốn nỗi, càng không dám ra tay thì giá nhà càng tăng lên vùn vụt, nước dâng đến đâu thì thuyền nổi lên cao tới đó, mơ ước của cô cứ mãi lùi xa tầm với.

Điền Ca nhẫn nại sống trong căn gác xép đến năm thứ sáu thì không thể chịu đựng được nữa, cô sắp sụp đổ đến nơi rồi. Làm sao Lý Dương lại không biết điều đó cơ chứ? Có điều, anh không tán thành việc cứ cắm đầu cắm cổ mua nhà trong lúc giá nhà đang điên cuồng nhảy vọt, không tính đến hậu quả mà cứ đâm đầu mua thì chỉ tổ làm nô lệ cho nhà ở cả đời. Nhưng Điền Ca lại cho rằng, thà cứ quyết đoán một lần cho xong còn hơn là lại tiếp tục phấp phỏng trông ngóng đến kiếp sau cũng chẳng có nhà mà ở, như thế chẳng phải là sẽ còng lưng làm nô lệ cả hai kiếp sao.

Lý Dương tủm tỉm nhìn vợ cười:

- Chúng ta có thể sống hai kiếp sao?

Điền Ca lập tức đốp lại:

- Hi sinh cuộc đời của chúng ta chưa đủ sao, lại còn kéo theo cả cuộc đời của con gái?

Mới nhìn qua thì thấy Điền Ca hiền lành, điềm đạm, nhưng thực chất bên trong cô lại là một người vô cùng ngoan cố. Ngày thường không có khúc mắc gì thì nói thế nào cô cũng tán đồng. Nhưng một khi xảy ra sự cố gì đó thì cô sẽ xoáy vào từng chuyện nhỏ nhặt, làm cho ngô ra khoai, chứ tuyệt đối không dễ dàng bỏ qua.

Nhất là nửa năm lại đây, khi giá nhà nhảy vọt như tên lửa, Điền Ca càng trở nên kỳ dị, suốt ngày lân la tại các sàn giao dịch nhà đất, dò xét thị trường. Mỗi lần Thanh Đảo mở sàn giao dịch nhà đất mới, cô lại tràn đầy hưng phấn và kỳ vọng, nhưng rồi khi giá khởi điểm được niêm yết, cô lại chìm đắm trong đau đớn và thất vọng. Vì vậy, cô đành từ bỏ hi vọng ở những nhà thầu lớn, để bắt đầu dò hỏi bên môi giới nhà second-hand. Xem tình hình này, chắc là cô đã hạ quyết tâm một chân đạp bỏ cabin tình yêu của hai vợ chồng không chút quyến luyến.

Vấn đề nhà cửa đã chấm dứt thời kỳ hạnh phúc của Điền Ca.

Kế đó, thời kỳ hạnh phúc của Lý Dương cũng bị buộc phải chấm dứt theo.

Nếu như nói phiền não của Điền Ca chỉ giới hạn trong vấn đề nhà ở, thì Lý Dương ngoài phiền não ấy ra, anh còn đau đầu vì nỗi day dứt với vợ, hổ thẹn với gia đình và cảm giác thất bại nặng nề của một người đàn ông. Nó không chỉ dừng lại ở mức độ phiền não, mà hiển nhiên, rõ ràng và chính xác là nỗi thống khổ của đời anh.

Sống ba mươi ba năm rồi anh mới bắt đầu cảm nhận được nỗi thống khổ do những áp lực từ cuộc sống trắc trở đem đến.

2

Thành phố Thanh Đảo là quê hương của Ngụy Xuân Phong, nhưng không phải là nơi chôn rau cắt rốn của Lý Dương. Quê của Lý Dương ở tận huyện xx tỉnh Hà Nam, nói cách khác anh chỉ là người vùng khác phiêu bạt tới đây thôi. Dân ngoại tỉnh sinh sống trong một thành phố xa lạ mà không có batoong chống đỡ, cũng không thể nương dựa vào hậu phương, vốn dĩ đã gặp rất nhiều trở ngại; nếu lại còn muốn tự lập tự cường, thì chỉ e chẳng phải người có tài cán nổi bật hoặc bản lĩnh đặc biệt thì mọi ý nguyện tốt đẹp đều chỉ là giấc mộng mà thôi.

Mười năm trước, khi quyết định dừng chân tại thành phố xinh đẹp này, Lý Dương mới hai mươi ba tuổi, đang bừng bừng khí thế và tràn đầy hoài bão. Tuy vấn đề đầu tiên anh phải đối mặt là thuê nhà và mua nhà, nhưng thực sự anh không xem vấn đề nhà ở là chuyện quá khó khăn. Chưa có nhà thì sao chứ? Anh từng học Đại học Nhân dân Trung Quốc, là thủ khoa đầu vào trường cao đẳng thành phố xx, trong cuộc tuyển dụng đầy khốc liệt của tập đoàn CC, anh còn thắng được nữa là, lẽ nào cả đời lại không có nhà để ở?

Khi Lý Dương mới tới Thanh Đảo thì Ngụy Xuân Phong, cậu bạn thời đại học đã vào làm việc tại ngân hàng xxThanh Đảo. Mặc dù, Ngụy Xuân Phong đi làm chưa đến ba tháng đã mua được một căn hộ nhỏ để chuẩn bị kết hôn, nhưng đấy là do anh bòn rút từ bố mẹ. Bòn rút tiền của bố mẹ là chuyện rất đáng xấu hổ. Đây là quan điểm của Lý Dương khi nhiệt huyết tuổi trẻ đương sục sôi, còn đến nay anh đã hơn ba mươi tuổi rồi, ngay cả một gian phòng nhỏ cho riêng mình cũng chưa có, thế mà anh vẫn giữ khư khư cách nhìn cũ. Có điều, dẫu anh không nghĩ như thế thì bố mẹ anh cũng chẳng có gì cho anh bòn rút. Bố Lý Dương là viên chức bình thường của nhà sách Tân Hoa, thuở nhỏ ngoài sách để đọc ra thì mọi phương diện vật chất khác anh đều thiếu thốn, nhất là từ khi bố anh lâm vào cảnh nay ốm mai đau, quanh năm phải dùng thuốc. Chính vì hoàn cảnh ấy mà mẹ anh buộc phải cáng đáng mọi việc trong gia đình, không những phải chăm sóc chồng mà còn một nách nuôi nấng ba anh em Lý Dương. Để giảm bớt gánh nặng cho bố mẹ, tốt nghiệp phổ thông xong, người anh cả đã chủ động nghỉ học, hy sinh tiền đồ của mình vì gia đình. Khi Lý Dương và em gái lần lượt vào đại học, nhà anh lúc nào cũng trong tình trạng trống trải, xơ xác như bị kẻ trộm vào vơ vết hết sạch đồ đạc, cho nên đến năm thứ ba, anh đã đi làm part time để tự trang trải cuộc sống của mình.

Duyên phận giữa anh và Điền Ca cũng được bắt đầu từ việc đi làm thêm ấy. Hồi đó, Lý Dương là sinh viên Học viện Kinh tế Tài chính thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, còn Điền Ca học tại một trường y có tiếng. Trong một đợt nghỉ hè, hai người cùng tham gia làm cộng tác viên cho một nhà xuất bản, anh biên tập mảng sách tài chính kinh tế, còn cô thì biên tập sách y học. Ông chủ nhà xuất bản đó nghe đâu rất giàu có, nhưng lại luôn tìm cách cắt xén thu nhập ít ỏi của các cộng tác viên. Ông ta mạnh mồm tuyên bố nhân viên được bao cơm trưa, nhưng bữa cơm nào cũng chỉ có mỗi món bắp cải luộc chát ngắt, có khi chẳng bằng đám công nhân ở công trường kế bên. Thế nên, nhân một hôm ông ta không đến làm việc, Lý Dương hô hào cổ súy mọi người đòi cải thiện bữa ăn hoặc tăng lương, nếu không thì toàn thể bãi công. Đề xuất này được mọi người hưởng ứng nhiệt liệt, và cũng vì thế mà anh đã lọt vào mắt xanh của Điền Ca. Chẳng biết là ai theo đuổi ai, chỉ biết là khi hai người vô tình nhìn lướt qua nhau thì thấy có một thứ cảm giác nào đó vô cùng kì diệu bén rễ từ trong đáy lòng, đâm chổi trổ bông. Trái tim cả hai cùng lỗi nhịp, ngọt ngào đến choáng váng.

Tình yêu của họ khởi đầu như vậy đấy. Điền Ca nhỏ hơn Lý Dương một tuổi, lại thêm thời gian học trường y mất những năm năm, cho nên lúc Lý Dương tốt nghiệp, cô vẫn còn phải học thêm hai năm nữa. Về sau, khi công việc của Lý Dương tại Bắc Kinh gặp khó khăn, dù rất muốn ở gần người yêu nhưng chính cô đã ủng hộ anh tới Thanh Đảo lập nghiệp. Tuy là người Thanh Đảo nhưng Điền Ca cũng chỉ sống ở ngoại ô thành phố. Khu Lý Thương vốn là một thị trấn nhỏ yên tĩnh bên rìa thành phố, ở đây ngoại trừ một số người bản địa, đa phần cư dân là người từ vùng khác đến kiếm sống, do không gánh nỗi phí sinh hoạt nội thành nên buộc phải chuyển về đây. Vì thế, cho dù Thanh Đảo phát triển như thế nào thì môi trường sống ở đây vẫn lộn xộn, tạm bợ như cũ, xe đạp dựng ngay trước cửa, lơ là một chút là mất ngay. Từ khi còn rất nhỏ, Điền Ca đã tự thề với mình rằng, sau này nhất định phải thoát ly khỏi đây, ít nhất cũng phải tiến được vào khu vực nội thành. Sau này khi yêu Lý Dương, nhìn thấy các anh chị khóa trên ra trường trụ lại thủ đô kiếm sống cũng chẳng dễ dàng gì, thân phận bị coi rẻ như cóc nhái, nên khi có cơ hội, cô liền ra sức ủng hộ Lý Dương chuyển về Thanh Đảo, bởi cô nghĩ trở thành người nổi trội trong thành phố nhỏ bé này có lẽ cũng đơn giản hơn.

Hai năm đầu Lý Dương đi làm, đương nhiên là không có khả năng mua nhà. Lúc đó, ngoài tiền thuê nhà luôn nằm trong dự tính ra, anh đã tiết kiệm chi phí sinh hoạt tới mức tối đa, ngay đến xà phòng tắm hay bàn chải đánh răng cũng phải so giá chán chê rồi mới quyết định mua, nhưng bởi thu nhập của một nhân viên trẻ như anh quá thấp nên bất kể cắt giảm chi tiêu thế nào thì mua nhà vẫn là điều hết sức xa vời. Điền Ca may mắn hơn khi được nhận vào khoa siêu âm của một bệnh viện lớn. Khi công việc ổn định, hai người đã ra phường làm giấy chứng nhận kết hôn khi trong túi chỉ còn đúng năm nghìn tệ để sắm sửa đồ dùng sinh hoạt, vì hạnh phúc mà chấp nhận sống quay quắt nghèo khổ.

Trong năm thứ ba Lý Dương đi làm, cơ quan từng có một đợt mua nhà trả góp danh cho nhân viên. Tiếc là hệ số lương của anh thiếu mất 0,5 nên để tuột mất căn hộ ở ven biển với diện tích 86m2. Khi đó lãnh đạo đã an ủi rằng: “Cậu vẫn còn trẻ lại là người có tiền đồ, sau này nhất định sẽ còn có nhiều cơ hội, tính toán gì một căn hộ nhỏ? Đàn ông con trai nên có lý tưởng cao xa, đừng quá lưu tâm đến chút lợi ích trước mắt”. Lý Dương cũng nghĩ như vậy nên không quá bận tâm đến chuyện này, anh chỉ buồn rầu chút xíu rồi nhanh chóng điều chỉnh cảm xúc, vui vẻ trở về với quỹ đạo quen thuộc của mình.

Cứ ở mãi nhà thuê, nhiều lúc muốn mua sắm thêm đồ đạc hay trang trí nhà cửa cũng phải lưỡng lự. Đầu tư tiền bạc cho nhà thuê không khác gì việc ném tiền xuống nước, phí công nhọc sức mà chẳng được tích sự gì cả. Ví như có lần, Lý Dương và Điền Ca chi hơn một nghìn tệ làm bức tường nghệ thuật trong phòng ngủ, ai ngờ mới hết một năm, chủ nhà đột nhiên đòi nâng giá thuê nhà lên 50%. Tiếp tục ký hợp đồng hay không đây? Hai vợ chồng cùng nhau bàn tính, họ muốn ở tiếp nhưng do áp lực kinh tế quá lớn nên đành phải đi thuê nhà khác, phí hoài cả bức tường nghệ thuật vừa làm. Hay có lần hai người đi tản bộ, bắt gặp một cái bình sứ trông hay hay, Lý Dương muốn mua nhưng Điền Ca lại chần chừ một lát rồi gạt đi: “Bình hoa đắt như vậy mà làm gì, nhỡ nay mai phải chuyển nhà nữa, va chạm đỗ vỡ đâu đó, chẳng phải đáng tiếc ư?”.

Thấy quần áo của Điền Ca toàn nhồi nhét trong thùng giấy hết ngày này sang ngày khác, trông vô cùng tạm bợ nên Lý Dương muốn mua thêm tủ áo. Điền Ca vội nói khéo: “Chịu khó tạm bợ một thời gian, đợi đến khi mình có nhà riêng thì mua hẳn tủ gỗ xịn cho sướng!”.

Thời kỳ thuê nhà, bất kể cái gì cũng như là “đối phó”, sống đối phó, chuyện này đối phó, chuyện kia đối phó. Cảm giác đó thật chẳng dễ chịu chút tí nào. Không chỉ vì sợ lãng phí không dám sắm thêm vật dụng trong gia đình mà đồ dùng của chủ nhà để lại cũng nay hỏng mai hư, thành thử lúc sử dụng cứ phải rón rén cẩn thận. Bình nóng lạnh lúc thì nóng phỏng da lúc thì lạnh ngơ ngắt, qua mấy hồi khua môi múa mép với chủ nhà, quả thực họ cũng tìm người sửa chữa mấy lần, nhưng cuối cùng đâu cũng lại vào đấy. Lại còn cái vòi nước sống dở chết dở trong bếp, mỗi lần động vào nó là y như rằng có chuyện. Thế nên lúc nào Điền Ca cũng dặn đi dặn lại Lý Dương: “Anh nhẹ tay một chút, trong hợp đồng chủ nhà ghi rõ, đây là hàng hiệu những mấy trăm Đại dương[2] đấy. Nhỡ làm hỏng là phải bồi thường theo giá đó, vợ chồng mình có đến nổi không?”.

[2] Một loại tiền tệ thời xưa.

Ngán ngẩm cái cảnh ăn nhờ ở đậu đến tận cổ nhưng mà hai vợ chồng vẫn phải chấp nhận nỗi đau khổ của việc thuê nhà thôi chứ biết làm thế nào.

Đến năm thứ tư Lý Dương ở Thanh Đảo thì gia đình nhỏ bé của anh trải qua hai việc lớn.

Một là, Điền Ca có thai. Mặc dù, về tư tưởng và tâm lý cùng với điều kiện kinh tế, thì họ chưa có sự chuẩn bị tốt để đón thêm thành viên của gia đình, nhưng người xưa chả nói “con cái là lộc trời cho” nên hai vợ chồng nỡ lòng nào từ chối. Khi ấy, thu nhập của hai vợ chồng cũng khá hơn so với mấy năm đầu, nhưng do có nhiều việc phải lo nên số tiền họ dành dụm chẳng được bao nhiêu. Vì tương lai của đứa con bé bỏng, hai vợ chồng trẻ nỗ lực kiếm thêm tiền, lại dè sẻn chi tiêu, tiền lương, tiền thưởng, tiền làm thêm giờ, một xu cũng không bỏ. Khi Ni Ni bé bỏng trong bụng của Điền Ca được sáu tháng, thì họ cũng để dành được một vạn tệ. Lúc đó, vừa khéo tới kỳ hạn thuê nhà, trong khi dự án mua nhà trả góp lần thứ hai của cơ quan Lý Dương vẫn xa lắc xa lơ, nên hai người hạ quyết tâm mua nhà. Nhưng hồi đó, giá nhà tại Thanh Đảo đã lên đến bốn năm nghìn tệ, một căn hộ second-hand rộng 60m2 cũng mất đứt ba mươi vạn tệ, lấy đâu ra tiền thủ phó để trả đây?

Lý Dương an ủi Điền Ca rằng:

- Em cố chờ thêm hai năm nữa nhé, đến lúc hai vợ chồng mình dư dả rồi thì mua hẳn căn hộ rộng rãi nào đó, không cần đổi chác làm gì cho tốn công. Điền Ca nghe chồng nói cũng có lý nên dịu dàng nói:

- Vâng, vậy em nghe anh!

Hai vợ chồng Lý Dương lại miệt mài tìm nhà khác để thuê, thì đúng lúc ấy, một đồng nghiệp của Lý Dương chuẩn bị đổi nhà, do cần tiền gấp nên muốn sang tay căn gác xép cũ kĩ cho người khác. Do trước đây khi mua chỗ đất này, chủ thầu ra giá năm vạn năm nghìn tệ và quyền sử dụng là 50 năm, từ lúc chủ thầu lấy đất cho đến khi khai thác và hoàn thành căn xép mất bảy năm, anh bạn đồng nghiệp kia mất thêm ba năm sửa sang cư trú, vị chi quyền sử dụng vẫn còn những 40 năm. Anh bạn đồng nghiệp còn nói thêm: “Nếu cậu muốn mua thì tôi bớt xuống ba nghìn tệ, nhưng phải chồng tiền đầy đủ”. Lý Dường vừa bàn bạc với Điền Ca vừa nghe ngóng giá cả ngoài thị trường, mặc dù cái giá ba nghìn tệ không rẻ hơn bên ngoài bao nhiêu nhưng quả thực cũng không bị thiệt, vì vậy hai vợ chồng quyết định mua. Gác xép tuy không đàng hoàng cho lắm, nhưng dù sao cũng là nhà ở, ít nhất họ khỏi phải thấp thỏm nhìn sắc mặt chủ nhà và không phải chịu nỗi khổ nay đây mai đó nữa. Nhưng hai vợ chồng không có đủ tiền nên buộc lòng phải cầu viện gia đình. Lý Dương là người con chí hiếu, mà nhà anh lại nghèo xơ xác thì làm gì có tiền đỡ anh. Khi đó bà Phượng vừa nghe tin đã lập tức gửi cho hai vợ chồng anh những hai vạn tệ tiền tiết kiệm. Thế rồi, Lý Dương đến mượn Ngụy Xuân Phong hai vạn rưỡi, gộp chung với ít tiền dành dụm của hai vợ chồng mang đi làm hợp đồng nhà đất.

Diện tích nhỏ, thấp bé, chật chội và không cân đối. Bếp, nhà vệ sinh, phòng nào cũng nhỏ xíu. Từ khi có Ni Ni, giờ giấc sinh hoạt của con bé đều do mẹ vợ anh chăm lo, ba người lớn một trẻ con ra ra vào vào trong một không gian bé như mắt muỗi đến là khổ. Rất nhiều lần Lý Dương nằm mơ thấy cảnh cả nhà nằm chen chúc nhau mà hãi. Bất cứ lúc nào mẹ vợ cũng có thể ở lại chỗ này, dù nhà của bà cách đấy không xa lắm, nhưng ngày nào bà cũng ngồi xe buýt đi đi về về thì không những vất vả mà còn tốn kém nữa. Thế nên, miễn là bản thân bà không đề cập đến việc về nhà anh thì đối với chuyện này, Lý Dương không thể có nửa chữ không. Chưa nói đến việc bà tới đây để làm bảo mẫu miễn phí cho gia đình anh, hay như chuyện căn gác xép này, bà góp vốn hơn một phần ba, riêng việc bà đã nuôi dạy con gái khôn lớn để gả cho anh thôi thì bây giờ về già, bà muốn sống cùng con gái cũng là lẽ đương nhiên.

Tóm lại, việc thành công nhất trong mấy năm qua của hai vợ chồng là mua được căn gác xép này. Hồi đó, họ bỏ ra hơn năm vạn tệ để mua, còn hiện tại tối thiểu nó cũng trị giá hai mươi vạn tệ. Những lúc Lý Dương đi tiếp khách bên ngoài, người ta hỏi anh ở chỗ nào? Anh đều trả lời là phía sau Phù Sơn. Nói như vậy là để giữ chút thể diện nhỏ nhoi của anh, bởi lẽ phần lớn dân mới đến Thanh Đảo đều do giá nhà cao mà dồn về ở khu vực phía sau Phù Sơn, tuy họ không nhiều tiền lắm nhưng không phải là những người có tố chất kém cỏi hay trình độ thấp. Dĩ nhiên, từ trước đến nay, Lý Dương chưa bao giờ nói anh ở trong căn gác xép, hay nhà anh ở trên tầng bảy không có thang máy và càng không dẫn đồng nghiệp hay bạn bè tới nhà chơi, cho nên mọi người cũng chỉ biết là anh đã có nhà ở mà thôi.

Thế nhưng, thất bại lớn nhất trong những năm qua của hai vợ chồng cũng chính là việc mua căn gác xép này. Nếu như lúc đó, họ cứ cố cắn răng vay mượn bạn bè và người thân thêm ít tiền, cộng với năm vạn tệ kia, vậy là gom đủ thủ phó rồi. Chứ bây giờ, một căn hộ chung cư có diện tích khoảng năm mươi sáu mươi m2, đâu có cái giá hai mươi vạn tệ nữa mà ít nhất cũng là trên năm mươi vạn tệ rồi. Dường như đây là một quy luật bất di bất dịch, tỉ giá hối đoái càng tăng cao thì tiềm lực kinh tế càng lớn, tỉ giá hối đoái càng thấp thì tự nhiên tiềm lực kinh tế phát triển chậm lại. Chỉ tính riêng về góc độ tỉ giá hối đoái, thì việc mua căn gác xép này đã là một sách lược sai lầm nghiêm trọng. Ngoài ra, chính hai vợ chồng anh mua được gác xép nên trong tiềm thức họ luôn cho rằng, cả gia đình đã có chỗ nương thân rồi, vì vậy mới không ráo riết, sốt sắng chuyện mua một căn hộ tử tế nữa, thành ra cứ đủng đỉnh, kéo dài thời gian. Thế mới nói, nếu như mấy năm trước hai vợ chồng hạ quyết tâm mua nhà giống như bây giờ, kịp thời giải quyết vấn đề nhà ở thì đã không phí hoài công sức lao động của mấy năm nay, lại còn có tiền để dành, có khi giàu có rồi cũng nên. Như thế, Điền Ca muốn ăn gì thì ăn, muốn mặc gì thì mặc, chẳng đến nỗi vì ba trăm tệ cỏn con mà đành phải cự tuyệt ước muốn nho nhỏ của con gái là đi xem Thế giới Thủy cung, bà Phượng cũng không phải năm này qua năm khác, một ngày hai bữa chui trong phòng bếp tối om om nấu nướng vất vả và thi thoảng Lý Dương có thể dẫn cả nhà ra ngoài ăn mà không bị Điền Ca kiên quyết bác bỏ.

Cứ nghĩ đến những điều này, lòng Lý Dương lại đau như bị dao cứa.

Một người làm kế toán cho doanh nghiệp tầm cỡ, một người là bác sĩ của bệnh viện lớn, địa vị xã hội hơn hẳn người khác, đáng lẽ ra gia đình họ phải thuộc hạng trung lưu và khả năng tài chính cũng phải rất lớn mới đúng chứ. Đằng này, qua mấy năm chung sống, hai người dần dần phát hiện ra cuộc sống của họ chẳng những không khá dần lên như tưởng tượng, mà càng ngày càng rơi vào tình cảnh nước sôi lửa bỏng. An cư còn không nổi thì nói gì đến chất lượng cuộc sống?

Là tại mình chưa đủ nỗ lực siêng năng, không có tinh thần cầu tiến chăng? Lý Dương nghĩ. Những năm qua, anh làm việc chăm chỉ cần mẫn, tăng ca, sát hạch, bình bầu chức danh… anh đều làm tròn trách nhiệm của mình, đạt được nhiều thành tựu xuất sắc, được lãnh đạo tín nhiệm và đồng nghiệp tôn trọng, anh đâu thua kém người khác điểm nào… Hay là anh ham ăn biếng làm, quen thói hoang phí? Anh không mặc chiếc áo nào quá ba trăm tệ, không dám động đến bao thuốc lá đắt hơn mười tệ… Phải chăng chỉ số IQ của anh không đạt chuẩn? Tấm bằng cử nhân chẳng đã nói anh có chỉ số IQ hoàn hảo sao? Thế thì chỉ số EQ có vấn đề à? Lý Dương làm việc trong một doanh nghiệp có nhân sự phức tạp, luôn có sự thay đổi chức vị. Trong môi trường có nhiều mối nguy hiểm rình rập như thế, hai mươi tám tuổi anh chính thức trở thành nhân viên chủ quản cấp phòng ở chi nhánh chính, chứng tỏ chỉ số EQ cũng không làm sao cả… Nhưng, anh đã tốt nghiệp đại học mười năm, con gái cũng được năm tuổi rồi, thế mà anh vẫn để vợ con sống khổ sở trong căn gác xép xập xệ, vậy thì mấu chốt của vấn đề nằm ở đâu?

3

Lý Dương xin nghỉ ba ngày liền, anh rời khỏi nhà từ sáng sớm đến tận tối mịt mới về, tất bật lo chuyện tang lễ của Ngụy Xuân Phong.

Bố mẹ Ngụy Xuân Phong đều ngã bệnh.

Đầu tiên là ông bố, rạng sáng kế hôm Xuân Phong xảy ra chuyện, ông cụ đang nằm trên giường thì bỗng méo miệng lệch mắt, nửa người cứng đơ, toàn thân không tự chủ được. Bà mẹ Ngụy Xuân Phong lập cập gọi xe cấp cứu, các bác sĩ chuẩn đoán là ông cụ bị tai biến mạch máu não, phải đưa ngay đến bệnh viện. Sau đó đến bà mẹ, do liên tiếp nhận được tin dữ: con trai mất, chồng thì ngã bệnh, bà đau buồn quá độ, lúc ba giờ sáng định đến bệnh viện thăm nom chồng, ai ngờ vừa mới đi tới cầu thang thì mặt mũi tối sầm lại, chới với ngã khụy, may mà có láng giềng chạy sang giúp đỡ, thế là bà cũng được đưa vào bệnh viện với chồng.

Một đằng là bố mẹ chồng đổ bệnh nằm viện, một đằng di hài Ngụy Xuân Phong vẫn còn để trong phòng lạnh ở nhà tang lễ, tuy lòng như lửa đốt nhưng Trần Tích Tích vẫn cố không để cho mình thất thố trước mặt mọi người, thế nhưng nỗi đau thương quá lớn khiến cô như ngất lịm đi.

Trương Duệ, tổng thanh tra kế toán của công ty Ngụy Thị mới ngoài ba mươi tuổi, tuy mới đến Thanh Đảo làm việc, nhưng đã tạo được mối quan hệ tốt với mọi người xung quanh. Dù vậy, anh cũng không phải là người có ba đầu sáu tay, có thể làm được tất tần tật mọi việc, may có Lý Dương phối hợp ăn ý nên cuối cùng tang sự cũng đã hoàn tất êm đẹp, không xảy ra bất cứ nhầm lẫn, sơ suất nào.

Lý Dương tiếp đón một lượng khách lớn đến phúng viếng một cách lịch sự, có chừng mực. Họ hàng thân thích và bạn bè kéo đến từng đoàn một. Tuy rằng Tích Tích đang trong tình cảnh đau thương nhưng khi đề cập tới vấn đề sắp xếp cho người thăm viếng, đầu óc cô vẫn rất tỉnh táo. Họ hàng bên nhà Ngụy Xuân Phong, có mấy gia đình đến từ vùng nông thôn tỉnh An Huy, quê mẹ Xuân Phong, mặc dù mỗi gia đình chỉ có mấy trăm tệ tiền phúng viếng, nhưng họ đã phải nhọc nhằn, lặn lội đường xa, chân ướt chân ráo đến thành phô Thanh Đảo xa lạ, nên tuyệt đối không thể để họ lang thang trên phố. Khi Lý Dương hỏi nên sắp đặt chỗ ăn ở cho những người họ hàng thân thích ở nông thôn này như thế nào, Tích Tích chỉ nói một câu:

- Cậu đừng tiếc tiền, cứ để họ có điều kiện sinh hoạt tốt nhất, người già cả đi vốn không dễ dàng gì, ít nhất cũng phải cho họ ăn uống tươm tất, đừng để anh hưởng đến sức khỏe.

Còn có hơn chục người bạn học thời đại học của Ngụy Xuân Phong, từ nơi khác lục tục kéo về, có người tự sắp xếp chỗ ở, có người không tự thu xếp được, người tự thu xếp được thì bên tổ chức tang lễ không phải bận tâm; người không tự thu xếp được, bên tổ chức tang lễ phải thu xếp cho họ. Tất nhiên, những việc vụn vặt này đều do Lý Dương phụ trách, liên hệ với nhà nghỉ và quán ăn, việc này việc kia, anh đều làm nghiêm túc, kỹ càng chu đáo và đâu ra đấy.

Một đoàn họ hàng thân thích bên nhà Tích Tích cũng đến viếng. Họ tới từ tỉnh Sơn Tây, già trẻ trai gái khoảng ba mươi người. Chuyện ăn ở của họ thì không thành vấn đề. Trần Cẩm Giang, bố của Trần Tích Tích là ông chủ mỏ than ở tỉnh Sơn Tây đã hơn hai mươi năm, trong túi sẵn tiền nên đi đâu ông cũng không muốn làm phiền người khác, vấn đề ăn ở của họ hàng Tích Tích không cần Lý Dương sắp xếp, họ bao hẳn một tầng của một khách sạn sang trọng, khiến Lý Dương cũng bớt được một nỗi lo.

Trong nghi thức cáo biệt di thể ở nhà tang lễ, giữa bầu không khí trang nghiêm, Lý Dương nhìn Ngụy Xuân Phong trong khung ảnh màu đen mà sống mũi cay cay, cảm thấy trong lòng như có một ngọn núi xám xịt đè nặng. Trong bức ảnh được phóng to ấy, nét mặt Xuân Phong đang vui vẻ mãn nguyện, ai mà ngờ anh lại ra đi đột ngột như vậy. Nếu hai người họ muốn ngồi uống chầu rượu nói chuyện tâm tình với nhau thì chỉ có một khả năng là đợi kiếp sau.

Tiếng khóc nặng nề lại kéo dài triền miên làm cho Lý Dương càng thêm đau khổ, nỗi thống khổ xoắn xuýt trong đáy lòng anh cuộn trào dữ dội. Nếu như nói cái chết của Ngụy Xuân Phong đã giáng cho Lý Dương một đòn nặng nề về tình cảm, tâm lý và thậm chí cả tinh thần, thì tờ giấy biên nhận hai mươi vạn tệ bị vò nát kia đã làm cho anh khốn đốn về kinh tế.

Tính kỹ ra thì lần gặp nhau gần nhất giữa Lý Dương và Ngụy Xuân Phong là bốn ngày trước.

Ai mà biết được đó lại là lần gặp mặt cuối cùng của bọn họ. Một ngày trước khi gặp nhau, Lý Dương nhận được điện thoại của Ngụy Xuân Phong, nói là mình đang gặp chuyện, cần dùng gấp một khoản tiền để quay vòng vốn, nhiều nhất là trong hai tuần lễ, bởi vì cổ phiếu của anh bị tạm ngừng giao dịch trong hơn một tháng, hai tuần sau sẽ mở lại giao dịch, đến lúc đấy mới rút được tiền. Lý Dương vội hỏi bạn cần bao nhiêu? Ngụy Xuân Phong bảo ba mươi vạn tệ. Lý Dương nói hiện tại trong tay mình chỉ có hai mươi vạn tệ, đưa trước cho cậu dùng được không? Ngụy Xuân Phong bảo, cũng được, dùng tạm thế đã. Lý Dương muốn Ngụy Xuân Phong gửi số tài khoản qua tin nhắn nhưng Ngụy Xuân Phong lại hỏi:

- Cậu có tiền mặt không? Chuyện này khá đặc biệt, sau này có thời gian mình sẽ nói rõ với cậu. – Ngụy Xuân Phong giải thích.

- Ừ, hôm nay mình bận họp cả ngày nên không ra ngoài được, ngày mai mình đi rút tiền cho cậu. – Lý Dương nhận lời.

Ngày hôm sau, Lý Dương và Ngụy Xuân Phong gặp nhau. Lý Dương còn nhớ như in, hôm đó anh mặc cái áo khoác màu cà phê, trên tay cầm hai mươi vạn tệ tiền mặt vừa rút từ ngân hàng. Ngụy Xuân Phong lái con xe địa hình Volvo, lẳng lặng chờ trước cổng ngân hàng.

Mấy năm trước, ngay khi Ngụy Xuân Phong ra ngoài mở công ty riêng, hoạt động kinh doanh của công ty rất thuận buồm xuôi gió, ngày một phát triển, bất kể là từ góc độ nào, anh đều không giống với người thiếu tiền. Chẳng qua, công ty đôi lúc gặp khó khăn trong việc quay vòng vốn nên đành phải mượn tạm bạn bè ít hôm để đầu tư, lời lỗ cùng chia, âu cũng là việc rất bình thường. Thông thường, anh chỉ mượn tiền của mấy người bạn làm ăn. Lý Dương không phải là bạn làm ăn của Xuân Phong, vả lại lương lậu của nhân viên nhà nước có nhiều nhặn gì đâu, chơi với nhau nhiều năm như thế, Xuân Phong không phải không hiểu hoàn cảnh của Lý Dương. Vì thế, xưa nay anh chưa bao giờ mở miệng hỏi Lý Dương về chuyện tiền nong. Ngược lại, mỗi lần Lý Dương gặp khó khăn, Xuân Phong đều khẳng khái chủ động chi viện, cần người phái người, cần tiền xuất tiền, khi bạn nhờ vả anh chưa từng cau mày khó chịu hay nói nửa lời từ chối. Bây giờ, Ngụy Xuân Phong tìm đến Lý Dương mượn tiền, nếu không phải vì trường hợp đặc biệt thì tuyệt đối anh sẽ không mở lời. Cho nên Lý Dương nghĩ rằng, nhất định phải giúp Xuân Phong chuyện này, không giúp không được, nếu không, ngay cả bản thân mình cũng coi thường chính mình. Không có tiền ư? Kể cả bán nhà cũng phải làm, bất luận như thế nào cũng phải giúp Xuân Phong khoản tiền này.

Số tiền ấy dùng để làm gì, Ngụy Xuân Phong không nói mà Lý Dương cũng không muốn hỏi. Trước đây mỗi lần Ngụy Xuân Phong “cứu cánh” Lý Dương, dù là một hai nghìn tệ hay là dăm ba vạn tệ, anh đều nhanh chóng đưa tiền mặt hoặc chuyển khoản, chứ không bao giờ bảo Lý Dương viết giấy nợ làm gì. Nhiều năm qua giữa hai người chưa từng vì vấn đề tiền bạc mà xảy ra chuyện không vui. Nợ nần giữa họ cũng không cần dùng đến giấy biên nhận để đề phòng bất trắc, đó là tình cảm hai người dành cho nhau, là cách người này ứng xử với người kia. Bốn năm đại học, hai người cùng ở một phòng trong kí túc xá, sau khi tốt nghiệp lại lăn lộn cùng một thành phố, tình bạn và sự tín nhiệm giữa hai người đàn ông sớm đã bền vững như vàng thau.

Lần này đến phiên Lý Dương giúp đỡ. Anh cũng không đòi hỏi bạn mình phải ghi nợ, nhưng do đây là tiền giải quyết việc công nên Ngụy Xuân Phong lấy ngay ra một cuốn sổ ghi chép, viết giấy biên nhận rồi xé roẹt một cái, dúi vào tay Lý Dương, sau đó anh mới cầm lấy hai mươi vạn tệ, bỏ vào cốp đựng đồ trên xe.

Hai người trò chuyện thêm vài câu rồi Lý Dương xuống xe, vui vẻ vẫy tay chào từ biệt, Ngụy Xuân Phong bấm còi ra hiệu đáp lại rồi nhấn ga, lao vút đi.

Lý Dương gấp tờ giấy biên nhận ngay ngắn, cất vào túi áo ngực. Tôi hôm đó cơ quan có việc, sau khi tan ca, Lý Dương cùng với trưởng phòng Chu Quý Tam đi tiếp khách tại nhà hàng hải sản Thuận Phong. Ăn xong, trưởng phòng còn dẫn khách hàng đi Hâm Đông Phương hát karaoke, Lý Dương lúc này đã ngà ngà say nên xin phép về nhà trước. Anh lảo đảo bước vào cửa, thuận tay cởi áo khoác treo ở phòng ngoài, lúc đấy đầu óc anh nặng trình trịch chẳng còn nhớ gì đến chuyện giấy biên nhận. Sáng hôm sau đi làm, do trời hơi nóng nên Lý Dương mặc áo khoác khác đến cơ quan, rồi công việc cứ ùn ùn kéo đếm từ sáng đến tối, cứ như thế, anh quên khuấy đi mất tờ giấy biên nhận.

Làm sao Lý Dương ngờ được, chỉ vẻn vẹn trong ba ngày, Ngụy Xuân Phong lại qua đời. Và anh càng không thể tưởng tượng được việc tờ giấy biên nhận do đích thân Ngụy Xuân Phong cầm bút viết, được anh cất ngay ngắn trong túi áo ngực, thế mà ma xui quỷ khiến thế nào mẹ vợ anh lại đem chính cái áo khoác đó đi giặt. Sau quá trình ngâm, giặt, nhào lộn của máy giặt lại thêm cả anh nắng mặt trời chói chang, tờ giấy biên nhận đã trở thành một cục giấy nát vô giá trị.

Lý Dương vô cùng hối lỗi về những sơ suất của mình. Thứ nhất, đáng lẽ sau khi tạm biệt Xuân Phong, về đến phòng làm việc, anh phải lấy giấy biên nhận trong túi áo ra, cất vào két an toàn hay tủ văn phòng. Dù sao bên dưới cao ốc của cơ quan cũng có bảo vệ trông coi 24 giờ, tòa nhà lại được gắn camera khắp nơi, nhất là khu vực trọng yếu như phòng tài vụ thì càng được trông coi nghiêm ngặt. Nhưng tại sao mình lại không làm như vậy? Hôm đó mình bận việc gì chứ? Thứ hai, cho dù không làm như vậy thì tối đó mình cũng không nên đi uống rượu. Mẹ kiếp, nào có uống giỏi gì cho cam? Đối với những mối quan hệ xã giao rối rắm đó là cứ nốc rượu vào rồi có ngày gan nhiễm mỡ, ngoài vợ ra, ai thèm thương? Lãnh đạo tuyệt đối không vì mấy chầu rượu ấy mà cất nhắc mình, hơn nữa Chu Quý Tam cũng không đề bạt năng lực của một cá nhân, cũng không có chuyện vì mình từ chối một chầu rượu mà lão có thể dìm mình xuống. Giúp Chu Quý Tam thực không bằng về với vợ con như thế mình còn được nghỉ ngơi một chút. Thêm vào đó, còn một vấn đề Lý Dương không nên coi nhẹ, đó là bất cứ lúc nào mẹ vợ anh cũng có thể tới nhà, sự cần mẫn và sạch sẽ của bà đặt trong ngày thường cố nhiên là việc tốt, nhưng lòng tốt đặt không đúng chỗ thì chỉ gây ra tai họa mà thôi. Chẳng hạn như lần này, sao anh lại không lường trước việc bà sẽ giặt áo chứ…

Mấy đêm liên tiếp, Lý Dương trăn trở trên giường. Anh nghĩ, suy cho cùng, việc này cũng chẳng thể trách ai được, muốn trách thì chỉ có thể trách bản thân mình. Phải chăng là mình lẩn thẩn rồi? Ngoài ba mươi tuổi mà có trí nhớ của người sáu mươi tuổi? Giấy biên nhận hai mươi vạn tệ, vật quan trọng như thế mà đêm đó về nhà tại sao mình lại không nhớ mà cất ngay vào một nơi an toàn, cứ cho đêm đó uống rượu say không biết gì thì ngày hôm sau sao mình cũng không nhớ nổi chứ?

Cái chết của Ngụy Xuân Phong là một tai họa bất ngờ và cũng là trường hợp bất khả kháng. Xét trên góc độ pháp luật, những kí kết, giao kèo trong khi gặp phải trường hợp bất khả kháng đều được phép hủy bỏ các điều kiện đã thỏa thuận, có thể cho miễn trừ trách nhiệm. Ở đây, tờ giấy biên nhận chính là giao kèo. Giao kèo còn, thì dễ nói hơn, dẫu sao công ty Ngụy Thị vẫn còn, người thừa kế Ngụy Xuân Phong vẫn cũng còn, nợ nần sẽ không theo cái chết của anh mà tiêu tan. Nhưng giao kèo đã mất, thì không nói được gì, tình cảm và nghĩa khí là chuyện giữa Lý Dương và Ngụy Xuân Phong. Ngụy Xuân Phong không còn nữa thì tìm tình cảm và nghĩa khí đó ở nơi nào.

Nói thế nào đi chăng nữa, cái chết của Ngụy Xuân Phong thực sự là một mất mát quá lớn. Theo quy định pháp luật, người thừa kế của Ngụy Xuân Phong là đứa con trai, nhưng thằng bé còn rất nhỏ, còn người được ủy nhiệm tạm thời là Trần Tích Tích, lúc này đang chìm trong nỗi đau thương góa chồng, vì vậy, nhắc đến chuyện tiền bạc lúc này là hoàn toàn không hề thích hợp.

TruyenFull.com đổi tên miền thành TruyenFull.tv