Dũng đưa chúng tôi về nhà. Tâm trạng của tôi hơi đi xuống một chút, chẳng hiểu tại sao. Dũng và chị Vinh vẫn tràn đầy năng lượng, họ cùng nhau khuân hết đồ vào trong. Tôi mặt lạnh đi theo sau họ, xách một chút “gọi là” cho có việc vậy thôi.
Xong xuôi, Dũng chào chị Vinh rất lễ phép rồi mới quay đi. Tôi định cứ thế lên phòng thì bị chị Vinh nắm tay đẩy thẳng ra thềm:
- Em đi đâu đấy! Mau ra tiễn cậu ấy đi!
Mặt chị Vinh nghiêm nghị, tôi không muốn cãi chị nên đành phải làm theo. Dũng chưa lên xe, hình như anh ta cũng cố tình đứng đợi tôi ra tiễn. Tôi đành phải ép mình bước đến gần, miễn cưỡng cảm ơn anh ta:
- Cảm ơn anh đã dành thời gian cho gia đình tôi.
Ngay cả nhìn cũng không muốn, tôi nhìn vẩn vơ bên ngoài đường nhựa. Anh ta bất ngờ nắm lấy cằm của tôi, ép tôi phải đối mặt với anh ta:
- Cô làm sao đấy? Giận tôi à?
Tôi ghét bỏ đôi tay của anh ta, cảm giác không hề thoải mái khi anh ta cố tình chạm vào mình nên vội gạt ra:
- Không! Tôi mệt thôi.
Anh ta còn định đưa tay lên chạm vào trán tôi:
- Cô mệt sao?...
Nhưng nhờ tôi đoán được nước đi này nên đã kịp thời lùi về sau, tránh né cử chỉ thân mật. Trai hư chỉ toàn dùng thủ đoạn để cua gái như anh ta khiến tôi nhớ đến Giang - tên sở khanh thời đại học.
Có lẽ Dũng sẽ thấy bị sỉ nhục lắm, nhưng anh ta đáng bị thế. Tôi đâu phải là cô gái bình thường để cho anh ta trêu ghẹo. Tôi là khách hàng, là đối tác của anh ta. Tôn trọng đối tác của mình chính là tiền đề cho một mối quan hệ lâu dài, anh ta không biết sao?
Tôi gật đầu chào lần nữa rồi quay vào trong, không muốn để ý xem thái độ anh ta lúc đó như thế nào.
Chị Vinh cùng Chung đang lúi húi sửa soạn đồ mới mua ở bếp, thấy tôi vào liền hỏi:
- Sao em không mời cậu ấy ở lại ăn trưa?
Tôi mệt mỏi, lòng khó chịu không rõ nguyên nhân. Chỉ buột miệng trả lời theo quán tính tự nhiên:
- Anh ta không phải người nhà của chúng ta.
Có lẽ do mặt mày tôi hơi căng thẳng, giọng nói cũng không mấy thân thiện nên làm chị Vinh hơi sợ. Chị im lặng, mặt chuyển từ vui vẻ hồ hởi sang áy náy và lo lắng.
Chuyện của tôi và Dũng có muốn giải thích cũng khó mà mở lời. Tôi đành im lặng, kệ chị Vinh muốn nghĩ sao thì nghĩ. Để tôi nói một lúc thì bí mật bể tanh bành mất thôi.
Chung đang phụ mẹ nó xếp đồ. Thấy mẹ nhắc tên của Dũng thì rướn cái cổ nhỏ lên dõng dạc nói:
- Con không cho anh tiểu thư cưới chú ấy đâu!
Lời tuyên bố bất ngờ của Chung làm cho cả tôi và mẹ nó đều phải sửng sốt. Chung tiếp tục nhìn vào mắt mẹ và quả quyết.
- Mẹ muốn chú ấy cưới anh tiểu thư của con còn gì? Con không thích! Chú ấy là người xấu.
Thằng bé vốn rất thân thiện, lần đầu tiên tôi thấy nó lại ghét một người ra mặt như thế. Chị Vinh ngạc nhiên hỏi con, hỏi đúng câu mà tôi cũng đang thắc mắc:
- Sao con lại không thích chú ấy?
Chung chỉ tay về phía tôi:
- Anh tiểu thư cũng không thích chú ấy mà. Anh tiểu thư lúc nào mặt cũng buồn rầu khi thấy chú ấy. Chú ấy toàn mắng anh tiểu thư của con thôi.
Tôi còn không biết mình đã buồn rầu khi ở bên cạnh Dũng. Đứa bé này năng lực quan sát tốt thật. Tôi mỉm cười, lắc đầu nhìn nó một cái rồi đi lên phòng.
Có lẽ Chung nói đúng, lần trước Dũng cũng nói rằng tôi luôn nhăn nhó khi gặp anh ta. Trước nay tôi đâu có như thế, có ghét mấy đi nữa cũng giấu chặt trong lòng, mặt luôn soạn một vẻ hiền lành thân thiện, nhất định không cho ai biết cảm xúc của mình. Vậy mà với Dũng tôi lại hoàn toàn thay đổi. Bản thân không giấu nổi sự chán ghét khi gặp anh ta, hoặc có thể là vì tôi biết rõ, nếu tôi có chán ghét, có nổi giận đi chăng nữa thì Dũng cũng không làm gì tôi nên mới thoải mái bộc lộ cảm xúc của mình như vậy.
Nhưng tôi và Dũng sắp phải diễn vai người yêu của nhau. Nếu tôi cứ luôn theo thói quen mà nhăn nhó khó chịu với anh ta thì sẽ khiến mẹ anh ta nghi ngờ mất. Một đứa trẻ như Chung còn nhận ra được tôi không thích Dũng kia mà.
Vậy là ngoài việc phải chấp nhận tính cách quái gở của anh ta, tôi còn phải tập cười với anh ta nữa. Làm sao cười nổi với tên đáng ghét nhất trần đời ấy chứ?
Tôi ngồi vào ghế lười, lôi mấy cuốn tài liệu và bản kế hoạch tổ chức sự kiện ra xem. Việc tôi phải cười vui với Dũng nghe có vẻ còn khó nhằn hơn cả việc một con nhỏ “nói nhiều” như tôi phải đi gặp và tư vấn cho khách hàng.
Mặc dù công việc ngổn ngang, bản chi tiết kế hoạch tổ chức chưa lên xong. Nhưng tôi chẳng có tâm trạng đâu mà làm, bèn lôi điện thoại ra nghịch. Nhớ lại lúc trưa nhắn cho Ken tấm hình xong vẫn chưa kịp đọc xem anh ấy nói gì.
- Anh rất thích đi công viên vui chơi. Cũng rất thích trẻ con. Ngày trước anh đã từng là một thầy giáo dạy âm nhạc cho bọn trẻ ở mầm non.
Đúng là một chàng trai ngọt ngào. Không biết Ken có đang tự thổi phồng bản thân hay không, nhưng tôi nghĩ với điều kiện của anh ta, muốn có mười cô người yêu cũng được, sao phải lên app làm gì?
- À! Trên app này anh ấy có cả tá người yêu mà.
Tôi vừa nghĩ câu hỏi rồi tự mình trả lời luôn. Trong lòng tự nhiên thắc mắc, không biết ngoài tôi ra, anh ấy còn phải gọi và nhắn tin mỗi ngày cho bao nhiêu cô gái nữa? Liệu có khi nào nhầm giữa cô này với cô kia không? Nếu mà có sự nhầm thì chắc buồn cười lắm.
Nghĩ tới đây, tôi vui vẻ trở lại. Đúng là chỉ cần không nghĩ tới công việc, không cần nghĩ tới Dũng thì cái đầu tôi nhẹ nhõm gì đâu.
Tôi xem lại hình ảnh Ken gửi, nhìn thấy bức ảnh xe đạp mới nhớ ra mình còn chưa biết chạy xe. Hôm bữa còn mạnh miệng nói với Tùng rằng sắp tới sẽ đi xe đi làm.
Dù sao bây giờ ở nhà cũng chẳng thể làm gì, tôi quyết định ra ngoài chọn một chiếc xe và học lái.
***
Anh Hùng vừa lái xe vừa nhìn qua gương chiếu hậu:
- Ủa! Sao cô lại muốn đi mua xe máy? Cô mua cho ai à?
Tôi nhìn ra ngoài đường, đầu chẳng nghĩ gì mà tâm trạng cứ buồn buồn. Tôi thở dài đáp:
- Tôi mua cho tôi.
Anh Hùng giật mình hỏi lại:
- Gì? Cô đâu có biết đi xe máy, sao phải mua làm gì?
- Tôi có việc cần. - Tôi lãnh đạm đáp qua loa.
Người đang không vui, anh ấy còn cố hỏi nhiều. Tôi không muốn lên tiếng nhắc nhở, sợ anh lại buồn phiền nghĩ tôi ghét anh nữa.
Anh Hùng lại rơi vào trầm tư:
- Nhưng mà… đi xe máy không an toàn. Bà chủ sẽ không cho phép cô đi xe máy đâu.
Anh ấy lại lo chuyện không đâu. Việc kiểm soát đời tư, kiểm soát việc đi lại của tôi là chuyện của nhiều năm về trước rồi. Đã qua mấy đời tài xế vậy mà anh ấy vẫn còn ám ảnh. Có lẽ người trước đã dặn dò anh chăng? Rằng mỗi lần tôi ra ngoài chỉ được đi bằng ô tô riêng của gia đình?
- Mẹ tôi không có thời gian để ý chuyện này nữa đâu, anh đừng lo.
Tôi nhìn anh Hùng, gương mặt anh có chút nghiêm trọng:
- Bà chủ vẫn để ý cô đấy.
Tôi ngạc nhiên, kèm theo đó là một chút hoảng sợ:
- Mẹ tôi ư?
Anh Hùng nói tiếp:
- Vâng, gần đây bà ấy có gọi cho tôi. Hỏi thăm về việc di chuyển bên ngoài của cô.
Thôi xong, có mấy lần liền tôi đi về bằng taxi. Không để anh tới đón, liệu anh có thật thà khai hết ra cho mẹ tôi chưa? Tôi căng thẳng hỏi:
- Anh… Anh đã nói gì?
Anh Hùng nhìn tôi qua gương, trấn an tôi bằng một nụ cười:
- Cô đừng lo, tôi không nói bất cứ điều gì khác lạ. Nhưng bây giờ… cô định đi làm bằng xe máy. Tôi e…
Tôi cứ tưởng mẹ đã không còn quan tâm, không còn kiểm soát tôi nữa. Ai mà ngờ được cô gái gần ba mươi này vẫn bị mẹ lén cài người theo dõi. Mặc dù không thích, mặc dù rất căng thẳng và bí bách, nhưng khi nghe đến việc bà ấy có thời gian để ý đến tôi thì tâm trạng tôi hơi kích động, không phải vui cũng không phải buồn.
Nhưng cũng có thể mẹ tôi chỉ là rảnh tay nên tiện hỏi thăm về cuộc sống của tôi mà thôi. Ý nghĩ này làm cho tâm trạng tôi bớt kích động một chút. Bà ấy bận như vậy, lại còn quá nhiều mối cần phải quan tâm, thời gian đâu để ý tiểu tiết trong cuộc sống tẻ nhạt của tôi chứ.
- Bà ấy không biết đâu. Bà ấy bận lắm.
- Vậy là cô vẫn mua xe máy?
- Vâng! - Tôi quả quyết, lại tiếp tục nhìn ra đường.
Bây giờ việc mua xe và tập xe không chỉ là việc đối phó với Tùng nữa. Mà còn là cách để tôi kiểm tra xem người mẹ của tôi có còn theo dõi tôi như trước hay không.