Anh em thằng Chửng là chúa gây sự. Lần trước tụi nó “phục kích” trong rẫy mì, lấy đất chọi anh Ðiền làm tôi bị dì Miên “cạo” một mẻ nên thân. Dì còn cấm không cho tôi chơi với tụi nó. May làm sao lần này Chửng em chọi không trúng. Chứ nếu cái cùi bắp của nó lao ngay vào người anh Ðiền, chắc ngày hôm sau dì Miên trói tôi vào gốc cột cho tôi cho tôi hết ra đường luôn.
Nhưng nỗi mừng thoát nạn chưa kịp tan thì vận xui lại ập đến. Trưa hôm sau, ăn cơm xong, tôi định tót qua nhà Chửng anh, nhưng vừa thò đầu ra sau hè đã đụng ngay bộ mặt hầm hầm của anh Ðiền. Có vẻ như anh đã đứng sẵn đâu tự... hôm qua để đợi tôi.
Từ trước đến nay, anh Ðiền luôn luôn tươi cười với tôi. Tự nhiên bữa nay mặt anh đằng đằng sát khí khiến tôi đâm hoảng. Tôi chưa kịp nói gì thì anh đã chìa tay ra:
- Ðưa đây!
- Ðưa cái gì cơ?
- Ðừng có giả vờ! – Anh gắt - Trả mấy lá thư của tao đây!
Thì ra anh đã biết tỏng hết mọi chuyện. Có lẽ tối hôm qua, lúc anh và chị Ngà ngồi rù rì trò chuyện trong rạp hát, âm mưu của tôi đã bị khám phá. Hèn gì suốt từ sáng đến giờ, chị Ngà không thèm nói với tôi một câu. Chị cũng chẳng buồn nhìn nhỏi đến tôi nữa. Chắc chị giận tôi ghê lắm.
- Trả đây cho tao! - Anh Ðiền lại gằn giọng.
Thấy an tiếp tục “mày tao", giọng lại bốc khói, tôi sợ hãi bước lui một bước, miệng ấp úng:
- Lát chiều em đưa anh!
Anh Ðiền gầm gừ:
- Ðưa ngay bây giờ! Không có “lát chiều” gì hết!
Tôi đưa tay quẹt mồ hôi trán:
- Bây giờ đâu có đây.
- Chứ mày để đâu?
Tôi liếm môi:
- Em cất bên nhà thằng Chửng.
- Trời đất, mày có điên không? – Anh Ðiền nghiến răng trèo trẹo – Sao lại để bên đó?
Tôi gãi cổ:
- Ðể ở nhà, em sợ ông thấy.
Anh Ðiền vung hai tay lên trời:
- Ðừng có dóc tổ nữa! Ði lấy ngay về cho tao! Lẹ lên!
Chưa bao giờ tôi thấy anh Ðiền giận dữ như vậy. Không đợi anh hét đến lần thứ hai, tôi co giò phóng thục mạng về phía cuối vườn. Ðang mùa mưa, cỏ dại cao ngang đầu gối và bít mất lối mòn tôi thường chạy nhảy. Tôi nhắm mắt bước đại qua những nhánh mắc cỡ đầy gai. Chân đau nhói, nhưng tôi mặc kệ.
Vừa thấy vẻ mặt lơ láo, hớt hải của tôi, Chửng anh hỏi liền:
- Có chuyện gì vậy?
- Chết tụi mình rồi... – Tôi hổn hển.
- Chết chuyện gì? - Chửng anh ngạc nhiên.
- Lá thư! – Tôi ngoắt lia - trả mấy lá thư cho tao!
Vẻ cuống quít của tôi càng khiến Chửng anh ngơ ngác. Mặt nó lộ vẻ ngẩn ngơ:
- Mày lấy mấy lá thư lại làm gì? Bộ mày tính đưa cho chị Ngà thật hả?
- Chị Ngà cái khỉ mốc! – Tôi nhăn nhó – Tao trả lại cho anh Ðiền. Ảnh phát hiện ra âm mưu của tụi mình rồi!
- Cái gì? - Chửng anh giật thót - Bộ ảnh biết hết rồi hả?
- Ừ! - Tôi thở dài xuôi xị - Ảnh kêu tao đi lấy mấy lá thư về!
Chửng anh thông minh không kém gì... tôi. Nó sững người một lát rồi hiểu ngay:
- Ảnh biết từ tối hôm qua, lúc ở trong rạp hát chứ gì?
- Ừ.
Chửng anh nhíu mày:
- Vậy thì trả quách chứ giữ làm gì!
Nói xong, nó leo lên bộ ván và lôi ra từ trong mái tranh hai lá thư đã bắt đầu ố vàng.
Nhưng Chửng anh chưa kịp đưa hai lá thư cho tôi thì Chửng em ở đâu sau hè chạy vô. Thấy Chửng anh cầm mấy lá thư trên tay, mắt nó trợn tròn:
- Tụi mày định làm gì vậy?
- Trả mấy lá thư này lại cho anh Ðiền chứ làm gì! – Tôi khịt mũi.
- Sao lại trả?
- Ảnh biết tỏng mọi chuyện rồi! - Chửng anh chép miệng.
Chửng em hừ mũi:
- Biết kệ thằng chả! Ðừng trả!
Chửng anh nhún vai:
- Không thể không trả được!
Tôi cũng phản đối:
- Không trả chắc tao hết dám nhìn mặt chị Ngà luôn!
- Mày nhìn mặt chỉ làm gì nữa! - Chửng em nheo mắt.
Câu nói của Chửng em như một mũi kim khơi dậy nỗi đau trong lòng tôi. Nhưng hôm nay không hiểu sao tôi không buồn nổi giận và ngoác mồm ra cãi vã như mọi lần.
Tôi chỉ cảm thấy một nỗi buồn mênh mông xâm chiếm tâm hồn tôi giống như mây đen phủ kín bầu trời.
Thấy mặt tôi bỗng nhiên rầu rầu, Chửng em lộ vẻ áy náy. Nó nói:
- Thôi, mày muốn trả thì trả!
Ðang nói, bỗng mắt nó sáng lên:
Ðang nói, bỗng mắt nó sáng lên:
- Ê, khoan đã!
- Gì vậy?
- Trước khi trả, tụi mình mở ra xem mấy lá thư viết gì! – Giọng Chửng em tinh quái.
- Mở ra sao được! – Tôi gạt phắt – Tao có cách mở ra rồi dán lại y như cũ!
Nói xong, nó giật hai lá thư trên tay Chửng anh rồi co cẳng chạy xuống bếp.
Tôi dòm Chửng anh:
- Nó chạy đi đâu vậy?
- Tao đâu biết! - Chửng anh nhăn nhó.
Hai đứa đang nhìn nhau bán tín bán nghi thì Chửng em đã chạy lên. Nó huơ huơ hai lá thư trước mặt, hí hửng:
- Xong rồi nè!
Tôi cầm lá thư nó đưa, thấy âm ấm. Bì thư được mở ra rất khéo, không rách một mảy nhỏ.
- Mày làm sao hay vậy? – Tôi hỏi Chửng em, giọng thán phục.
Chửng em khoái lắm. Nó cười toe:
- Tao giở nắp ấm nước đan sôi, hơ lá thư lên. Rồi tao lấy đầu đũa chọc vào khe hở chỗ mép dán và xoay nhè nhẹ.
Tôi lắc đầu, cười:
- Nghề của mày chắc lớn lên hốt bạc!
Nhưng khi đọc những lá thư tình của anh Ðiền thì tôi hết cười nỗi. Chữ anh xấu hoắc, ngả tới ngả lui, nhưng những lời tỏ tình của nah thì mùi mẫn hết chê. Anh “thuổng” những câu ở trong tuồng cải lương thường phát trê ra-dô, đọc lên toàn thương thương nhớ nhớ, nghe bắt nhói tim.
Tôi dò từng chữ, cổ như nghẹn lại. Tôi thường nghĩ đến chị Ngà, thậm chí có những đêm tôi nằm mơ thấy chị. Tôi thấy chị cùng tôi rủ nhau ra suối hái hoa bắt bướm và rượt nhau quanh gốc dương liễu. Chơi chán, hai chị em nhảy ùm xuống suối cùng nhau bơi thi, tiếng cười đùa ngặt nghẽo vang động cả một quãng suối vắng. Nhưng đấy là những chuyện đã qua. Từ ngày anh Ðiền theo ông tôi về nhà, chị Ngà dường như chẳng còn thân mật với tôi nữa. Bây giờ chỉ trong giấc mơ, tôi mới được dịp ngồi sóng vai với chị bên bờ suối. Nhưng tất cả cũng chỉ có thế. Trong nhữn giấc mơ đẹp và ngắn ngủi đó, tôi không bao giờ cho phép mình đi xa hơn. Ðược ngồi bên cạnh chị, nghe chị nói, ngắm chị cười đối với tôi là cả một niền vui thú. Tình cảm tôi dành cho chị như một bông hoa hé nở nơi kín khuất, lặng lẽ mà dịu dàng. Chả như anh Ðiền. Anh táo tợn và lộ liễu. Nhưng dường như vì vậy mà chị Ngà tỏ ra ưa thích anh hơn.
Tôi thở dài nhét lá thư vào phong bì và đưa cho Chửng em:
- Mày dán lại đi!
Chửng em nheo mắt:
- Mày có cần viết thêm vài chữ vào đây không?
Tôi ngạc nhiên:
- Chi vậy?
- Phá chơi!
- Thôi! – Tôi nhăn mặt – Mày lúc nào cũng nghĩ toàn trò quỷ quái!
Chửng em cười hề hề và cầm hai lá thư chạy đi.
Lát sau, nó chạy lên. Tôi cầm hai lá thư, thấy phồng phồng, liền hỏi:
- Mày bỏ cái gì trong này vậy?
- Có gì đâu!
Tôi nhìn Chửng em bằng ánh mắt nghi hoặc:
- Sao tao thấy nó dày hơn khi nãy?
- Tại có hơi nước, bì thư nó phồng lên vậy thôi! Lát khô đi, nó xẹp xuống liền! - Chửng em giải thích.
Tôi nghe xuôi tai, liền cầm hai lá thư chạy về. Vả lại, tôi không tin trong một thời gian ngắn, Chửng em lại kịp viết thêm một lá thư bậy bạ để nhét vào trong đó. Lúc này, tôi chỉ lo sợ mỗi anh Ðiền. Nhớ đến bộ mặt hầm hầm của anh lúc nãy, bụng tôi cứ giật thon thót.
Anh Ðiền không còn đứng ở chỗ cũ. Tôi đảo mắt khắp vườn và nhìn suốt từ đầu hè đến cuối hè vẫn chẳng thấy mái tóc quăn của anh đâu. Có lẽ đợi tôi lâu quá, anh đã bỏ vào nhà rồi.
Tôi rón rén lần vào nhà bếp, bụng thầm mong ông tôi đã kêu anh chở đi thăm bệnh ở một làng xa nào đó. Nhưng vừa đặt chân qua ngạch cửa dẫn lên nhà trên, tôi đã giật nảy người khi nhìn thấy anh đang ngồi đọc sách bên chiếc bàn ăn đặt giữa nhà. Thấy tôi lò dò bước vào, anh khẽ ngẩng mặt nhìn lên nhưng không nói gì. Tôi ngạc nhiên khi thấy vẻ hung dữ trên mặt anh biến mất, thay vào đó là một nét hòa dịu khó tin. Thậm chí khi tôi rụt rè đặt hai lá thư bị đánh cắp xuống trước mặt anh, anh mỉm cười đầy vẻ thân thiện:
- Ðể đó đi!
Ðang ngơ ngơ ngác ngác, chợt nhìn thấy chiếc lưng thon của chị Ngà bên bàn học cạnh cửa sổ, tôi liền vỡ lẽ. Lúc này, quả là có cho vàng, anh cũng chẳng dám gầm thét hùng hổ như khi đứng với tôi ngoài hè nữa. Trước mặt chị Ngà bao giờ anh cũng tỏ ra là một người đàn ông dịu dàng, khả ái. Từ trước đến giờ, tôi cũng đinh ninh anh là con người như thế. Nhưng bây giờ thì tôi không tin vào điều đó nữa. Tôi biết anh cố làm ra vẻ như thế thôi.
Nhưng mặc dù anh Ðiền làm như không nhớ ra những trò tai ác của tôi, tôi vẫn không dám nấn ná lâu. Tôi phóc ra sau vườn, định chuồn qua với anh em thằng Chửng. Nhưng vừa bước tới gốc mít, óc tò mò chợt nổi lên, tôi liền dừng lại.
Tôi đứng dưới lũ dây trầu lòa xòa quanh gốc mít có đến năm phút, cố đoán xem anh Ðiền đang làm gì với những lá thư mùi mẫn kia. Ðã mấy lần, tôi định lần tới trước cửa sổ nhìn vào nhưng lại sợ chị Ngà bắt gặp. Chỗ chị ngồi học trông thẳng ra vườn, nếu tôi thập thò không khéo sẽ bị phát hiện ngay.
Tính lui tính tới một hồi, tôi đành đánh bạo đi vòng ra sân trước. Khi đi ngang qua cửa ngách đầu hè, kế giường ngủ của ông tôi, tôi cố nín thở và nhón gót đi thật nhẹ, bụng cứ nơm nớp sợ ông thức dậy. Dì Miên ngủ trưa, trời sập dì cũng không nhúc nhích chứ ông tôi thì rất hay giật mình giữa giấc.
Tôi bắt chước con mèo nhà thằng Chửng lúc rình chuột, thót bụng men theo mé hiên, lần tới trước cửa. Nhà ông tôi xây theo lối xưa, hàng năm, sáu tấm gỗ lim đứng nối tiếp nhau, mở làm cửa, đóng làm vách, mỗi khi đẩy ra xô vào tiếng ken két vang lên nghe rởn gáy.
Tôi sè sẹ tiến lại chỗ cánh cửa khép hờ, dán mắt nhìn qua khe hở.
Ðúng như tôi nghĩ, anh Ðiền không còn giả bộ ngồi đọc sách trước bàn ăn nữa. Lúc này anh đang ngồi kế cửa sổ, đối diện với chị Ngà, hai lá thư nằm tênh hênh trên bàn.
Tôi thấy anh mấp máy môi nói gì đó và đẩy hai lá thư về phía chị Ngà. Chị Ngà lắc đầu, đẩy trả lại. Thấy vậy, tôi mừng rơn. Nhưng anh Ðiền chẳng tỏ vẻ gì rầu rĩ. Anh cười cười cúi xuống bóc phong thư. Chị Ngà cũng tươi cười. Chị theo dõi từng cử động của anh Ðiền bằng cặp mắt long lanh. Bất giác tôi chợt hiểu. Không phải chị không thèm nhận thư của anh Ðiền , mà chị muốn anh đọc cho chị nghe những lời tình tứ đó. Phải chăng chị thích được nghe anh ngọt ngào thủ thỉ bên tai? Nỗi cay đắng khiến trái tim tôi như bị ai đè xuống.
Môi mím lại, tôi tiếp tục dán mắt vào khe cửa. Anh Ðiền thò hai ngón tay vào phong bì rút lá thư ra. Bỗng mặt anh lộ vẻ sửng sốt. Tôi thấy anh trố mắt nhìn sững vào chiếc lá bất ngờ rơi ra cùng lúc với lá thư. Anh rút phong thư thứ hai, lại lòi ra một chiếc lá khác. Chị Ngà nhìn anh nói gì đó. Chắc chị hỏi anh bỏ những chiếc lá vào trong thư làm gì. Anh Ðiền lắc đầu, tỏ vẻ không biết.
Thoạt đầu, những chiếc lá kỳ quái nọ cũng khiến tôi vô cùng thắc mắc. Nhưng rồi tôi hiểu ngay đó đích thị là trò quỷ quái của Chửng em.
Khi nãy, lúc cầm hai phong thư, thấy phồng phồng tôi đã nghi rồi, nhưng nghe Chửng em giải thích xuôi tai, tôi không để ý tới nữa. Nào ngờ thừa lúc tôi và Chửng anh không cảnh giác, nó chạy ra sau hè hái lá nhét vào trong đó.
Anh Ðiền vừa mân mê hai chiếc lá vừa tìm cách giải thích với chị Ngà. Chắc bao nhiêu tội vạ anh lại trút hết lên đầu tôi. Anh đâu có biết chính Chửng em đã giở trò nghịch tinh.
Ðột nhiên tôi thấy anh buông hai chiếc lá xuống và gắt đầu... gãi, tay này cào lên tay kia. Rồi như chợt nhận ra chị Ngà đang ngồi trước mặt, anh cho hai tay xuống gầm bàn và chà lên quần. Mặt đỏ lên vì xấu hổ, có vẻ như anh cố gắng kiềm chế cử chỉ bất nhã của mình nhưng vô vọng. Tay anh chà mỗi lúc một nhanh trong khi chị Ngà hoảng hốt chồm người tới trước như muốn biết chuyện gì xảy ra.
Sau một thoáng ngạc nhiên, tôi bỗng nghe lạnh toát sống lưng khi nhận ra đó là lá nàng hai, một thứ lá gây ngứa khủng khiếp mọc đầy ở mương sau hè nhà thằng Chửng.
******
Sau vụ đó, anh Ðiền không thèm nhìn mặt tôi nữa. Tôi cũng không có cơ hộ để thanh minh với anh. Mỗi lần gặp tôi, mặt anh lạnh băng. Tôi chỉ biết trút nỗi bực bội lên đầu Chửng em:
- Thằng mắc dịch! Mày chơi trò gì vậy?
Mặt Chửng em nhơn nhơn:
- Tao trả thù giùm mày mà mày chửi tao hén?
- Trả thù cái khỉ mốc! – Tôi gắt - Thiếu gì cách trả thù, lại đi trả thù kiểu đó?
- Thiếu gì cách sao mày không làm đi! - Chửng em bĩu môi - Cứ mở miệng ra là nói dóc!
Câu nói của Chửng em khiến tôi nhăn mặt. Mọi khi, nghe nó nói cái giọng đó, tôi đã hùng hổ lượm gạch phan vô đầu nó từ lâu rồi. Nhưng bữa nay, tôi như kẻ đuối hơi, không nhấc tay động chân nổi. Tôi ngồi phệt xuống đất, thẫn thờ, rời rã. Thấy tôi ngồi nín thinh, Chửng em có vẻ lạ lùng. Rồi dường như chợt nhận ra nỗi đau sâu kín của tôi, Chửng em ngồi xuống bên tôi, giọng áy náy:
- Bộ mày giận tao hả?
Thấy tôi lắc đầu, nó lại hỏi:
- Không giận sao mày không nói gì hết vậy?
Tôi tiếp tục làm thinh.
- Mày cười lên coi! - Chửng em lay vai tôi.
Tôi cười, nụ cười méo xẹo. Chửng em dòm tôi lom lom một hồi rồi bỗng vung tay tuyên bố:
- Tao sẽ chọi hắn bể đầu!
Tôi giật thót:
- Mày nói ai?
Chửng em cười hì hì:
- Vậy là mày mở miệng rồi hén!
Trò láu cá của Chứng em khiến tôi không nhịn được phải phì cười.
Nhưng đó là nụ cười hiếm hoi của tôi trong những ngày này. Tôi trở nên lầm lì, ít nói và tìm cách xa lánh mọi người. Dì Miên vốn vô tâm cũng nhận ra sự khác lạ của tôi. Một hôm, dì hỏi:
- Sao dạo này Trường thay đổi quá vậy?
- Thay đổi gì đâu?
- Dì thấy Trường không còn cười đùa như xưa nữa!
Tôi cắn môi:
- Tại cháu lớn rồi!
Dì Miên nhìn tôi đăm đăm:
- Chứ không phải Trường buồn chuyện gì hả?
- Không có đâu!
Nói xong, không để cho dì Miên kịp dò hỏi thêm, tôi vội vã bỏ đi chỗ khác. Tôi sợ dì Miên sẽ nhìn thấu tâm sự u uẩn của tôi. Tôi sợ dì cười nhạo tình yêu đầu đời của một đứa con trai mới lớn như tôi.
Không chỉ dì Miên, ngay cả chị Ngà cũng lộ vẽ băn khoăn về sự xa cách của tôi. Chị đã thôi giận tôi về chuyện hôm nọ. Dạo này, trông chị khác hẳn. Môi chị hồng hơn, mắt chị long lanh hơn và chị cười nói ríu rít suốt ngày. Giữa nỗi hân hoan ngập lòng đó, chị đâu có thèm để bụng làm gì những trò nghịch ngợm vặt vãnh của tôi, những trò đùa mà chị không bao giờ ngờ rằng chúng xuất phát từ nỗi hờn ghen bứt rứt không đơn giản chỉ là trò tinh quái trẻ con.
Một hôm, tôi đang thơ thẩn hái duối chín sau vườn bỗng thấy chị tiến lại. Nhưng tôi vẫn tảng lờ. Ngay cả khi biết chị đứng sát rạt bên cạnh, tôi vẫn làm ra vẻ không để ý, cứ tiếp tục mò mẫm tìm kiếm những trái duối vàng nằm khuất trong nách lá.
- Trường! - Một lát, chị kêu.
Tôi quay lại, hắng giọng một cái nhưng không nói gì.
Chị Ngà mỉm cười:
- Mấy hôm nay Trường làm sao vậy?
- Em có làm sao đâu! – Tôi hờ hững.
Chị Ngà chớp mắt:
- Sao Trường không nói chuyện với chị nữa?
Tôi nhìn xuống những trái duối vàng trong tay:
- Tại em đi chơi suốt, đâu có nhà!
Chị Ngà nhìn đăm đăm vào mặt tôi. Có lẽ chị đang đoán xem tôi nói thật hay tôi đang quanh co bịa chuyện. Rồi không hiểu nghĩ ngợi như thế nào, chị bỗng chìa tay ra:
- Trường tham quá, hái duối ăn một mình! Cho chị mấy trái nào!
Chị Ngà chuyển đề tài một cách đột ngột khiến tôi cảm thấy bất ngờ. Tôi khẽ liếc chị và bối rối trút những trái duối vàng lên bàn tay mềm mại, trắng hồng đang xòe ra trước mặt.
Trái duối nhỏ bằng đầu đũa, ngọt lờ lợ, chả ngon lành gì, chỉ trẻ con mới thích. Hồi nhỏ tôi cũng thích ăn duối mê tơi nhưng mấy năm nay, đã lớn, tôi chẳng còn lang thang trong vườn hay dọc các bụi bờ sục tìm những trái duối chán bỏ xừ kia nữa. Bữa nay buồn bực trong lòng tôi đi thơ thẩn ngoài vườn và tiện tay bứt những trái duối đang nằm chi chít trên cành kia cho khuây khỏa chứ chẳng phải tôi thích thú gì cái mùi vị nhạt phèo của nó. Vậy mà chị Ngà sau khi bỏ một trái duối vào miệng nhằn lấy nhằn để, lại khen nức nở:
- Ngon ghê Trường hén?
Thấy chị nói vậy, tôi không tiện phản đối, đành ừ ào cho qua. Chẳng buồn để ý đến vẻ thờ ơ của tôi, chị Ngà lại nói:
- Trưa nay Trường rảnh không?
- Chi vậy? – Tôi ngạc nhiên.
Chị Ngà mỉm cười:
- Chị với Trường đi câu cá! Lâu rồi chị em mình không ra ngoài suối!
Lời rủ rê của chị Ngà khiến tôi ngơ ngác. Tôi không nghĩ chị sẽ đưa ra một đề nghị như vậy, nhất là sau một thời gian dài tôi tìm cách xa lánh chị. Phải chăng cuối cùng chị đã nhìn thấu những giấc mơ tôi hằng dành cho chị, những giấc mơ – nơi mà tiếng lòng tôi đêm đêm vẫn rung lên như những sợi dây đàn?
Tôi hỏi lại, giọng ngẩn ngơ:
- Chị nói thật đấy chứ?
Chị Ngà cười với tôi bằng mắt:
- Trường ngộ ghê! Sao lại không thật?
Tôi nhìn vào đôi mắt ấm áp, nồng nàn của chị và trong một thoáng tôi bỗng tin rằng những bóng mây phiền muộn của mùa hè đã vĩnh viễn trôi qua