Giọt mực đọng trên trang giấy trắng..
Hạnh nhìn từng giọt lại từng giọt mực rơi thấm ước bức hưu thư chàng vừa soạn xong. Đen tuyền một mảng, hòa luôn cả nét mực chưa khô. Lại phải soạn lại một bức khác. Cả một đêm chàng chong đèn soạn thư bỏ vợ, bức này đến bức khác bị vứt xuống nền lỗ chỗ. Sao mà chàng vẫn chẳng soạn xong được. Nửa đời người đèn sách, chỉ một bức hưu thư cũng không viết nổi. Thật là muộn phiền.
Lý do bỏ vợ là vì nàng ba năm không chửa đẻ.
"Ha.. ha.. ha.."
Lý do này thật ngớ ngẩn và nực cười làm sao. Ba năm qua chàng chưa một lần cùng nàng quá phận. Ba năm qua giữa chàng và Sim được ngăn bởi trời sầu biển hận thì con cái thế nào ra đời?
Nhưng đây lại là lý do duy nhất chàng nhắm tới. Chàng đã luôn muốn Sim phải trả giá, chưa một lần chàng ngủ được yên giấc kể từ ngày nàng Yên của chàng nhảy sông tự vẫn. Một xác hai mạng đấy chàng biết phải đòi ai? Ai có thể lấy lại công bằng cho Yên, cho con của chàng đây? Chàng chỉ có thể đổ cho Sim, cho con người si mê ấy. Phải đổ hết cho dòng họ nàng. Quân ác ôn ấy đã đẩy Yên của chàng xuống sông. Chính nó là kẻ đáng chết nhất. Mẹ kiếp! Chàng hận.
Nhưng sao, Sim không nói nhỉ? Sim chưa một lần mở miệng ra nói rằng Sim chưa được "hợp phòng". Con người tàn nhẫn đó chưa một lần biện minh cho mình. Có lẽ nàng ta cũng không yêu mình đến thế. Có lẽ nàng ta cũng muốn về nhà. Nhưng về nhà như thế có khổ sở lắm không? Tự dưng chàng nghĩ, tự dưng lại thấy lòng chàng nhói đau, đau cho một con người chàng hận nhất.
Chiều hôm qua khi anh Đinh đến báo tin cho chàng. Chàng đã chẳng suy nghĩ gì mà chạy ngay về nhà. Về đến nhà rồi, căn phòng vắng lặng, lạnh lẽo, sầu muộn cứ thế dâng lên ngập hồn chàng. Chiếc lò gốm nướng khoai còn nằm im dưới gầm bàn. Chàng dường như còn ngửi được mùi khoai nướng bốc lên thơm lừng phảng phất trong không khí. Mấy chiếc áo tơ tằm Sim may cho chàng qua mấy mùa thu vẫn treo lủng lẳng trên giá. Cái quạt nan nàng quạt mỗi đêm hè oi ả gió nồm bên cạnh võng tre của chàng. Chàng vẫn còn nhớ như in những sự tế nhị của nàng dành cho chàng. Chàng biết hết cả chỉ là chàng phớt lờ, vô tình không nhắc đến. Không để cho nàng được đắc ý mà thôi. Chàng hận nàng đến tận xương tủy. Đến trong mơ còn hận kia mà. Nhưng sao khi nhìn thấy sự vắng lặng trong gian phòng này, chàng lại buồn đến vậy. Chàng không biết tại sao chàng lại cảm thấy hụt hẫng như vậy nữa. Con người tàn nhẫn đó bị đuổi về nhà rồi. Đi mất rồi. Sẽ không phải nhìn thấy nữa. Sao lại không tài nào vui được nhỉ?
Chàng viết hưu thư cả đêm. Dự là sáng nay sẽ gửi qua nhà thằng Thông. Cái thằng Thông ác ôn đó chính nó đã đẩy Yên của chàng xuống sông. Chàng sẽ cho cả cái phủ Phú Thành này biết. Con gái nó không chửa đẻ được. Nó sẽ phải xấu hổ, cả dòng cả họ nó sẽ phải xấu hổ.
"Ha.. ha.. ha.."
Một giọt nước trong veo rơi xuống giấy. Không phải mực à? Không! Không phải, đó là nước mắt của chàng.
* * *
Trưa nay là buổi trưa hiếm hoi trời không giông gió, sương giá không đổ xuống làng Đông Xá nữa. Mặt trời đã ló rạng trên đầu ngọn tre. Có thể thấy mùa Xuân đã bắt đầu chạm ngõ nơi này.
Hạnh ra sau vườn tản bộ. Chàng ngắm những cây, những cỏ trong vườn nhà. Cơ mặt chàng bắt đầu giản ra, thư thái đôi chút.
Sau một mùa Đông, hoa cỏ bắt đầu vươn mình đăm chồi nẩy lộc. Những búp non mới nhú, xanh lơ trên đầu cành. Chim chóc bắt đầu hòa ca. Vài chú ong vo ve tìm mật. Khung cảnh mới thật sự yên bình.
Một chú bướm Hoàng Mai từ đâu bay đến đậu trên nụ hoa Trúc Đào. Hạnh nhìn theo, tặc lưỡi.
Đây là một loại hoa cực độc, sao ai lại đem nó trồng ở trong vườn nhỉ? Mấy đứa hầu này..
Hạnh gọi chị Hoa đang trải mấy cái chăn bông ẩm lên sào tre. Tranh thủ trời trong nắng ấm. Chứ sương giá bao tháng rồi. Chăn gối đều đã bốc mùi hôi cả.
"Chị rảnh tay thì cuốc hộ tôi cái bụi Trúc Đào này đi nhé. Nó là loài hoa độc, đẹp thì đẹp nhưng không nên trồng. Chó mèo ăn phải lại ngộ độc mất"
Chị Hoa vâng vâng dạ dạ. Sau đó cằm cuốc đi cuốc hoa ngay. Vừa cuốc chị vừa bảo:
"Hoa này hồi lập thu mợ mua từ làng Thế đem về trồng ở đây đấy ạ. Tôi có hỏi thì mợ bảo là hoa mợ trồng để làm thuốc. Mợ có dặn là hoa này chỉ một mình mợ được chăm. Không ai được động vào cả. Bây giờ nhờ cậu nói tôi mới biết là hoa có độc. Chẳng biết mợ có biết không? Sao lại đi trồng cái thứ hoa độc hại này nữa."
Nghe chị Hoa thao thao bất tuyệt. Bỗng Hạnh rùng mình. Không ngờ cô ta lại có ý như vậy? Cô ta muốn đầu độc ai trong nhà? Người đàn bà này đúng là rắn rết.
Hạnh tỏ vẻ bực dọc. Chàng bỏ ngay vào trong phòng mình lôi sách ra đọc. Nhìn bức hưu thư còn dang dở trên bàn. Hạnh lại rơi vào trầm tư. Thôi, một lát nữa vậy.
Chưa đọc được mấy chữ thì ngoài sân đã có người đến tìm. Anh Đinh bảo với chàng đó là một người con gái. Còn dặn anh bẩm lại với chàng là chuyện rất gấp. Mong chàng ra tiếp.
Hạnh bước ra cửa, đã thấy người đứng ở giữa sân. Vừa gặp mặt nàng đã đưa cho chàng một chiếc lá Trúc Đào đã héo khô. Nàng nói:
"Tôi là Duyên, con hầu bên nhà Cụ Hai Thông. Nay tôi sang đây để gửi cậu chiếc lá này do cô Tư nhà tôi để lại trước khi đi. Cô Tư nhà tôi trưa nay đã không còn là con gái dòng họ Nguyễn nữa. Nếu cậu có gửi hưu thư thì cậu hãy tìm cô tôi mà trao tận tay. Chào cậu tôi về."
Duyên vừa quay lưng đi. Thì Hạnh hốt hoảng hỏi:
"Tại sao nàng ấy lại gửi tôi chiếc lá này?"
Duyên không quay đầu lại. Chỉ nói khẽ, giọng nói đã nghe ra sự nghẹn ngào:
"Cô tôi không gửi. Chỉ là tôi nhặt được nó ở chỗ cô nằm. Có lẽ, cô tôi.. nghĩ thông suốt rồi."
Duyên nói đến đây thì nước mắt đã lăn dài. Cô bỏ đi một nước không thèm nói gì thêm nữa.
Hạnh lúc này mới biết mình đã nghĩ sai rồi. Cây Trúc Đào sau vườn không phải Sim trồng để đầu độc ai cả. Sim trồng cho chính mình. Cho sự cay nghiệt của Hạnh. Cho sự giải thoát của một kiếp má hồng đa truân. Chàng đã sai mất rồi..
* * *
Sim men theo con đường mòn khúc khuỷu tiến sâu vào rừng già. Còn đường này nàng đã đi vô số lần. Khi đó Sim vẫn còn là một nàng thiếu nữ vô ưu vô lo, ôm trong lòng giấc mộng xuân thì mới chớm. Hôm nay đi lại, nàng đã khác. Vẫn vóc dáng ấy, con người ấy nhưng giờ đây nàng đã là một thiếu phụ không con, bị nhà chồng ruồng rẫy. Nàng không còn là cô Tư dòng họ Nguyễn Văn cao sang nữa, cũng chẳng còn là mợ Hạnh nhà Cụ Đồ Nho danh giá nữa. Nàng bây giờ chỉ còn là Sim, một bông hoa Sim tím mỏng manh, bị cuộc đời vùi dập, ôm trong lòng giấc mộng đã tàn.
Trưa hôm ấy, Sim từ biệt cha mẹ. Trong nhà, cụ Hai Thông đang chủ trì buổi lễ gạch tên nàng ra khỏi gia phả. Bà Ba khóc sụt sùi, dúi vào tay nàng một ít bạc. Bảo nàng đi tìm một vùng quê nào đó hẻo lánh gần biên giới, mua một thửa đất nhỏ, trồng trọt, chăn nuôi, sống yên ổn phần đời còn lại. Chị Duyên cũng đưa cho nàng một túi gấm, trong đó có đôi hoa tai bằng vàng.
Nàng biết đôi hoa tai này là toàn bộ gia tài tích góp của chị bao năm. Chị sắm sẳn vì lỡ thương một anh đánh dặm nghèo. Đôi hoa tai này chị sẽ đưa cho anh làm của hồi môn. Nhưng tiếc là mùa xuân năm trước, anh đã mất rồi. Một cơn gió độc mang anh đi, mang luôn cả giấc mộng xuân của chị, đôi hoa tai từ đó trở thành kỉ niệm, lẽ bạn lẽ bầy.
Sim nhét lại đôi hoa tai vào chiếc áo chị phơi trên sào. Cầm món tiền mẹ cho đi đổi ở hiệu bạc đầu làng. Được hơn sáu trăm đồng. Nàng đem tiền chia cho những phận người ngụ cư khốn khổ, một ít đưa đến tiệm quan tài. Dặn dò họ sáng hôm sau, mang hàng vào cánh rừng phía đông chờ nàng.
Sim không hận, cũng chẳng sầu. Nàng biết chuyện xảy ra với Yên. Đó sẽ là ác nghiệp của dòng họ Nguyễn Văn sau này. Cha nàng đã làm vô vàn những chuyện xấu xa. Thân là con gái, nàng nhờ đức cha. Nay nàng chọn cái chết, chỉ hi vọng trời cao thấu tỏ lòng nàng mà cho gia đình, dòng tộc một cơ hội quay đầu. Mẹ con Yên ở suối vàng cũng có thể ngậm cười siêu thoát. Chàng Hạnh sẽ lấy vợ mới, không phải suốt ngày u uất, sống trong thù hận với nàng nữa. So ra một cánh hoa mỏng manh như nàng mất đi, được nhiều cái phước lành như thế. Nàng thấy cũng mãn nguyện rồi.
Mùa xuân có lẽ đã đến, bầu trời trong xanh, mây trắng bềnh bồng. Khung cảnh thiên nhiên trong rừng già xanh mướt. Phiến đá trước kia chàng Hạnh hay ngồi đọc sách rêu đã phủ xanh trên mặt. Dàn dây leo chằng chịt giăng ngang. Côn trùng kêu râm ran, bướm trắng tung tăng bay lượn. Ba năm rồi, khung cảnh trong rừng không thay đổi nhưng lòng nàng liệu đã đổi thay chưa?
Sim nằm dài lên phím đá phủ toàn rêu. Ngước nhìn ánh nắng dần chiều lấp ló sau kẻ lá. Từ trong tay áo láy ra lá Trúc Đào đã khô héo. Nàng nhấm từng lá một. Đăng đắng chát chát hòa vào khoan miệng nàng. Rừng già âm u, ru nàng ngủ, ngủ say trong ánh nắng chiều không mở mắt nữa..
* * *
Xế chiều hôm đó Hạnh đi tìm Sim. Chàng cứ đi mãi, hỏi tất cả những người trên đường chàng gặp.
"Có gặp nàng Sim không?"
Người ta hỏi chàng "nàng Sim nào?" Người ta không biết nàng.
Chàng lại nói đó là vợ của chàng. Là mợ Hạnh nhà cụ Đồ Nho bên làng Đông Xá. Chàng nói đến đây thì người ta đã biết. Người ta chỉ cho chàng một con đường đất đá nhỏ. Người ta thấy nàng đi vào đó trưa nay.
Con đường đất này chàng quen thuộc lắm. Chẳng phải là con đường dẫn vào rừng già, nơi chàng vẫn thường hay tản bộ, đọc sách đó sao?
Hạnh liền theo quán tính. Chàng chạy vào rừng, chạy vào sâu trong tấm rừng xanh mướt. Trước mắt chàng hiện ra một khung cảnh mà có lẽ cả đời này chàng cũng chẳng thể nào quên được.
Trên phiến đá to, Sim đang nằm. Mái tóc dài của nàng rũ xuống, nàng nhắm mắt, bờ môi nhuộm một màu tím đen như mực. Dưới đất rải rác vài lá Trúc Đào.
Hạnh hiểu rồi, chàng đã hiểu hết mọi chuyện rồi. Sim tự vẫn vì chàng. Là lỗi tại chàng.
Hạnh vội vàng lao đến, ôm chầm lấy Sim. Đây là lần đầu tiên chàng ôm nàng vào lòng như thế, chặt như vậy. Thân thể nàng lạnh lẽo như đá. Gương mặt nàng tái xanh, xám xịt nhuộm màu chết chóc. Hai hàng lông mày cau lại, "ọe" một tiếng nôn mửa trên tay chàng
Hạnh lấy nước bên suối đổ vào miệng nàng. Dùng tay móc họng. Nàng nôn ra từng đợt. Chất dịch màu đen ngòm chảy ra nơi khóe miệng.
Sim dần dần mở mắt nhìn chàng. Sau đó lại nhắm nghiền. Một giọt lệ nóng bỗng chảy ra nơi khóe mắt. Nàng rên khe khẽ:
"Đừng.. đừng.."
Sim một lần nữa rơi vào hôn mê.
Chiều đó, người làng Đông Xá thấy chàng Hạnh vừa khóc vừa chạy trên đường làng. Trên tay chàng còn bồng một cô gái trẻ tóc xõa dài.
"Đó chẳng phải là mợ Hạnh sao?"
Dân làng từ già đến trẻ, đều hoang mang.