Thu Hương tắt nguồn điện thoại suốt chuyến đi. Khi sắp về đến nhà, cô mở lên chuẩn bị gọi bố mẹ báo cơm nhà thì mới thấy có rất nhiều cuộc gọi nhỡ. Nhiều nhất là của Minh Nhật, sau đó đến của mẹ anh, tiếp theo là của mẹ cô và cuối cùng là của một vài đồng nghiệp. Xem ra anh đã nhờ sự trợ giúp khắp nơi rồi. Nhưng như thế thì sao? Cuộc hôn nhân 7 năm của họ đã không còn hy vọng gì nữa rồi.
Cô bắt một chiếc xe ôm để hai mẹ con cùng đi về. Nhà cô ở một huyện kém phát triển, ở đây cũng không có taxi, chỉ có một vài người làm dịch vụ thuê xe hợp đồng nhưng cô lại không có số điện thoại của họ. Phần lớn thời gian ở thành phố bé Dâu đều đi lại bằng ô tô nên khi đổi sang đi xe máy cô bé rất hứng thú.
“A mẹ ơi ở kia có con trâu màu vàng kìa” cô bé reo lên chỉ về phía cánh đồng.
Thu Hương và bác lái xe ôm bật cười vì lời nói ngô nghê của bé.
“Đó gọi là con bò nha con yêu”
“Đúng rồi đó cháu gái, đó là con bò, con trâu phải màu đen nhé” bác lái xe ôm cũng nói thêm vào.
“Vâng ạ, con biết rồi. Mẹ ơi, nhà ông bà ngoại có con bò không ạ?”
“Ông bà không có con ạ, nhưng ngày mai mẹ sẽ cho con đi xem con bò nhà bác hàng xóm nhé. Con có nhớ bác Hoà lần trước đã cho con rất nhiều táo không?”
“Dạ, con nhớ rồi ạ”
“Ngoan”
Đi chừng 20 phút thì về đến nhà cô. Lúc cô đang thanh toán tiền xe thì bé Dâu đã lon ton chạy vào.
“Ông bà ơi, ông bà ơi, cháu về rồi ạ”
Chú chó nhỏ mẹ cô nuôi mấy tháng trước giờ đã lớn, không còn nhận ra cô bé nữa nên sủa inh ỏi. Cũng may mẹ cô đã xích lại rồi nên bé Dâu chỉ bị doạ sợ. Thế nhưng bé con cũng bật khóc. Cô vội vàng chạy tới ôm con dỗ dành.
“Không sao, không sao, mẹ đây”
Bé Dâu khóc thút thít: “Huhu mẹ ơi con sợ quá”.
Bố cô đi trong nhà ra quát: “Milu, không được cắn em” rồi đi tới đưa tay bế bé Dâu dỗ dành: “Ngoan nào, không sao đâu, ông ngoại quát bạn Milu rồi, bạn không cắn cháu nữa đâu. Nào, để ông ngoại bế cháu nhé”
“Vâng ạ” bé Dâu nhoài người sang cho bố cô bế, mắt vẫn còn ngấn nước.
Mẹ cô nghe tiếng cũng chạy từ dưới bếp lên, thấy con gái và cháu về thật thì tạ ơn trời đất. Khi nãy con rể gọi điện xong bà đã hốt hoảng lắm, gọi con gái chục cuộc không được bà còn nghĩ cô đã làm chuyện dại dột. Lúc này nhìn bộ dạng rũ rượi của con gái bà cũng không khỏi xót xa. Có rất nhiều câu định hỏi nhưng đến bên miệng lại thôi.
Cuối cùng bà chỉ nói một câu: “Về là tốt rồi, vào nhà đi đã”.
Cô kéo vali vào nhà. Nhà cô không phải hộ giàu có, chỉ là đủ ăn đủ tiêu khấm khá hơn gia đình làm nông một chút. Thu Hương là con gái đầu, nhà cô còn có một cậu em trai kém cô 10 tuổi đang đi du học. Bởi vậy dù thu nhập của cô khá cao, thưởng cũng nhiều nhưng gửi cho bố mẹ thì hai người cũng dồn lại cho em trai nên trong nhà không sửa sang hay sắm đồ gì mới so với hồi cô đi lấy chồng. Nhà cô không có phòng riêng cho các thành viên, nhà chính có 3 gian, gian giữa là phòng khách, hai bên thì kéo ri đô ra rồi kê giường coi như phòng ngủ.
Cô đặt vali vào góc nhà rồi lên giường nằm, nằm trên giường ở nhà mình, dù là chiếu cói đơn giản cũng thấy thoải mái hơn nằm ở giường đệm đắt tiền ở thành phố. Có lẽ điều cô muốn tìm kiếm là sự thoải mái trong lòng.
Mẹ cô đi vào, do dự lúc lâu mới cất lời hỏi: “Con với thằng Nhật…”
“Mẹ, con muốn nghỉ ngơi ạ” cô nhắm mắt, trở người quay mặt vào tường tránh mẹ.
“Được, không sao, con ngủ đi. Khi nào cơm chín thì mẹ gọi”
Nói thì nói vậy nhưng mẹ cô xuống bếp rồi lại nhắn tin cho Minh Nhật, nói cô và bé Dâu đã về nhà, bảo anh không cần lo lắng.
Minh Nhật nhận được tin vội vã lái xe về quê cô. Lúc này đã là chập tối, xe ra vào thành phố rất nhiều nên bị tắc đường rất lâu.
…
Bữa cơm tối nhà cô diễn ra trong không khí kỳ lạ, có 3 người lớn nhưng chỉ có bé Dâu nói, tò mò về những món ăn, kể với ông bà đủ thứ chuyện ở thành phố còn bố mẹ cô và cô không chủ động nói với nhau câu nào.
Ăn xong Thu Hương bưng bát đi rửa, bé Dâu nhanh nhảu xung phong để cháu giúp ông cuộn chiếu. Bố cô mang chiếu đi giũ sạch rồi đưa cho bé cuộn để cất. Công việc nhỏ này là một điều mới lạ với bé, ở thành phố chỉ có bàn ăn, ăn xong cũng có người giúp việc nhà ông bà nội lau dọn nên bé chưa được thử những việc này bao giờ.
Mẹ cô lại gần ngồi nhìn cô rửa bát, trầm mặc hồi lâu rồi cuối cùng cũng hỏi: “Vợ chồng con xảy ra chuyện gì?”
Thu Hương cũng không muốn giấu nữa, cô nói thẳng: “Anh ta ngoại tình ạ”.
Mẹ cô sửng sốt, con rể bà luôn là người tử tế chừng mực, đối xử với vợ con và nhà vợ rất tốt, chưa từng có điều tiếng xấu. Nhà người ta gả con gái lâu lâu lại thấy than phiền về con rể, còn nhà bà thì không thấy điều đó xảy ra suốt 7 năm qua.
“Cái gì? Con nói rõ đi xem nào? Từ bao giờ?” mẹ cô hỏi với giọng thảng thốt.
“7 năm rồi, con có ra chắc mẹ sẽ bảo con bị điên. Anh ta không ra ngoài bồ bịch nhưng ngoại tình trong tư tưởng”
“Con nói cái gì mẹ chưa hiểu lắm? Ngoại tình tư tưởng là gì?”
“Chuyện rất dài, con tóm tắt lại trong một câu, anh ta chủ động tiếp cận con, kết hôn với con, sống với con chỉ vì con có tên giống y hệt mối tình đầu của anh ta”
Thu Hương nói đến đây thì bàn tay đang cầm chiếc bát cũng chà mạnh hơn, trút ra bực tức trong lòng.
“Ôi con ơi, nó không bồ bịch bên ngoài, chỉ vì thế mà con ly hôn có đáng không? Con biết gái một đời chồng là như thế nào không? Người ta sẽ không gọi là ly hôn, người ta gọi con là con bỏ chồng hoặc đứa nào ác mồm thì nó gọi là con bị chồng bỏ. Con có biết một đứa trẻ có bố mẹ ly hôn sẽ sống chật vật thế nào không? Con có biết rồi bố mẹ sẽ bị mang tiếng như thế nào không? Rồi còn em con, nó đi học về mà có chị đã ly hôn, sau này bàn chuyện cưới xin thì nhà vợ nó liệu có suy nghĩ thêm không?” mẹ cô than thở một tràng dài.
“Con không nghĩ được nhiều như thế. Mẹ cứ xem là con ích kỷ đi. Con đã sống làm một con ngu 7 năm rồi, không muốn tiếp tục nữa” cô cúi xuống, nước mắt tí tách lên chiếc đĩa đang ghì chặt trên tay.
“Cho dù con bỏ ngoài tai tất cả, vậy con nghĩ toà có xử cho con được nuôi con không? So về kinh tế, học thức thì thằng Nhật hơn con mọi thứ. Thời gian dành được cho con thì cũng ngang nhau, con chẳng có gì để cạnh tranh cả. Con bé theo bố, rồi một ngày bố nó lấy mẹ hai thì sao? Con nghĩ cho con gái mình đi con. Mai này nó lớn, người ta nhìn nó là đứa bố mẹ từng ly hôn, nó muốn cưới xin có phải khó không?”
“Vậy con đợi đến khi Dâu 7 tuổi lại tranh quyền nuôi con tiếp, con tin con bé sẽ chọn con, nhưng còn ly hôn thì phải làm ngay” cô khẳng định.
“Mẹ không đồng ý, bố con chắc chắn cũng không đồng ý. Con định nói với toà về lý do ly hôn thế nào? Ngoại tình trong tư tưởng gì đó mà con nói nghe có lọt tai không? Con nghĩ lại đi”
“Mẹ, con không muốn nói nhiều về việc này nữa, ly hôn là quyền của con ạ”
“Con…” mẹ cô tính nói gì đó lại thôi, bà tức giận bỏ lên nhà, khi đi còn ném lại một câu: “Đúng là hết thuốc chữa”.
Thu Hương rửa bát xong đã ngồi ngẩn người bên giếng nước của nhà mình rất lâu, sống từng đó năm trên đời mà đây là lần đầu tiên cô cảm thấy cô đơn trong ngôi nhà của mình.