Trong hàng tỷ người, lão trời già lại chọn trúng Tiêu Phàm, đúng là không còn gì để nói. Chuyện xui xẻo vậy mà cũng để phần cho hắn, quả là không còn gì đen bằng. So với tình hình hiện tại của hắn bây giờ ở Trần phủ, thì cái vận rắm chó của hắn thật còn không bằng.
Đối với sự chuyển biến đột ngột này, Tiêu Phàm vô cùng tự tin.
Nhưng cũng còn mừng một chút, nhìn bề ngoài Tiêu Phàm cũng khá anh tuấn, mắt sáng mày kiếm, có đường có nét, bộ dạng ngọc thụ lâm phong, phong thái khoan nhường. Nếu hành tẩu giang hồ chắc chắn sẽ giành giật được ngoại hiệu “Ngọc Diện Phi Long”. Ngay cả khi hắn soi mặt trong một tấm gương đồng cổ kính cũng không khỏi ngây người. Nếu kiếp trước có khuôn mặt này thì cần quái gì cái công việc nam nhân viên quan hệ cộng đồng lương tháng 3 vạn kia chứ? Quả là bất công a.
Nhưng mà, thời đại này đẹp trai cũng chưa hẳn là ngon ăn à. Nếu muốn những ngày tới sống yên ổn, Tiêu Phàm cảm thấy cần phải tìm hiểu rõ một số vấn đề. Có lẽ vị con rể này quan hệ với người trong nhà này khá kém. Từ khi tỉnh lại đến giờ đừng nói là có người thăm hỏi, ngay cả người nói chuyện với hắn cũng không có. Mọi người nhìn thấy hắn đều hoảng sợ mà né đi.
Đối với việc này, Tiêu Phàm vẫn bình thản. Hắn biết, mọi người trong phủ từ trên xuống dưới đều nghĩ rằng hắn bị điên. Xưa nay muôn đời vẫn thế, chả có ai muốn nói chuyện với thằng điên bao giờ.
Bởi vậy, Tiêu Phàm là một kẻ điên cô đơn.
Và cái tên điên này chỉ biết có hai chuyện: thứ nhất đây là cổ đại, còn triều đại nào thì phải hỏi mới biết.
Thứ hai, mình đang ở Trần phủ, là rể gửi của Trần phủ, hơn nữa cũng chỉ có cái tiếng là con rể mà thôi, chưa cùng thiên kim tiểu thư nhà họ Trần bái đường thành thân. Còn thân phận, quê quán của mình thì… từ từ rồi biết.
Chừng đó thông tin đối với Tiêu Phàm mà nói quả thật quá ít ỏi. Cho nên Tiêu Phàm quyết định tìm hiểu thêm, cố gắng làm quen với hoàn cảnh lạ lẫm này trong thời gian ngắn nhất. Phương pháp để bổ túc thông tin rất đơn giản, cách làm cụ thể của Tiêu Phàm là: hắn ngồi chồm hỗm trong vườn hoa trước sân Trần phủ nửa canh giờ rồi bất chợt vồ lấy một tên gia nhân xui xẻo đi ngang. Vườn hoa dĩ nhiên không phải chỉ toàn là hoa, nó cũng có những góc vắng không ma nào lại gần, ở đó thì đúng là "Kêu trời trời không biết, kêu đất đất chẳng hay".
Bây giờ cái tên gia nhân xui xẻo đó đang bị Tiêu Phàm kẹp cổ trong cái xó Kêu trời trời không biết, kêu đất đất chẳng hay" này.
Tên người hầu này vô cùng sợ hãi, run cầm cập từ răng môi run đến tận… thằng nhỏ. Sắc mặt đã chuyển màu tím đen, có dấu hiệu sốc vì sợ. Dĩ nhiên bị một thằng điên túm cổ đâu phải là chuyện vui đùa, phản ứng của hắn như thế cũng rất bình thường.
Tiêu Phàm ngắm nghía cả nửa ngày trời, cảm thấy lá gan của vị gia nhân này lớn vô bờ bến, đối mặt với bạo lực rất nhu hòa. Điều này khiến Tiêu Phàm cảm thấy rất vui mừng, Tiêu Phàm vốn là người chán ghét bạo lực nhưng hắn càng ghét người khác chống lại bạo lực.
- Tên gì?
Tiêu Phàm nhe răng cười một cách hiền lành nho nhã, không chê vào đâu được.
Sắc mặt gã gia nhân càng lúc càng tím, run rẩy cả nửa ngày mới lắp bắp thốt lên:
- Không có tên, họ Trần!
- Họ hay quá!
Tiêu Phàm khen lấy lòng.
Tên người hầu cũng cố rặn ra một nụ cười còn khó coi hơn cả khóc.
- Có mấy việc muốn hỏi ngươi. Mong ngươi vui lòng… vui lòng..
Tiêu Phàm gãi gãi đầu, cái cung cách nói chuyện nho nhã của người xưa này quả thật hắn có chút không quen.
Tên gia nhân họ Trần chịu hết nổi:
- Vui lòng chỉ giáo??
Tiêu Phàm vỗ tay bốp bốp cười nói:
- Đúng rồi, mong ngươi vui lòng chỉ giáo!
- Ngài cứ việc hỏi!
Gã gia nhân này rất thức thời.
- Bây giờ là triều đại nào?
Đây chính là vấn đề mà Tiêu Phàm quan tâm nhất.
- Đại Minh.
Tên gia nhân trả lời dứt khoát.
Tiêu Phàm gật gù ra vẻ hiểu được. Triều Minh, ừm, cũng được, Tiêu Phàm không phải là đồ thất học, đối với lịch sử không biết ít cũng biết nhiều.
- Niêu hiệu gì?
- Năm Hồng Vũ thứ hai mươi chín…. Mùa đông.
Tên gia nhân nhanh chóng trả lời. Nằm trong tay thằng điên, cứ ngoan ngoãn là tốt nhất.
Tiêu Phàm khẽ biến sắc:
- Hồng Vũ? Hoàng đế Chu Nguyên Chương?
- Aaaa!!
Gã người hầu vô cùng hoảng sợ
- Ngươi … ngươi dám gọi tên húy của hoàng đế Hồng Vũ …
Tiêu Phàm giải thích một cách nghiêm túc:
- Ta là kẻ điên mà, ngươi quên hả??
Gã người hầu lập tức bình tĩnh, đúng rồi, thằng điên thì sợ cái quái gì chứ, ai dám trách hắn. Cũng may hoàng đế Hồng Vũ thánh minh, mấy năm trước đã bỏ Cẩm Y vệ, bằng không thì toàn bộ Trần phủ từ trên xuống dưới đến cả con gà, con vịt cũng bị thằng điên này hại chết mất.
- À còn chuyện này nữa, vậy … Ta là ai?
Gã người hầu trợn trắng mắt, nhìn Tiêu Phàm như đang nhìn một thằng điên..
Đương nhiên, đúng là ánh mắt đó.
“Haizz, thằng điên này quên mất cả mình rồi”. Trong lòng gã gia nhân thầm nghĩ như vậy. Trong lúc đang bị kẹp cổ đối diện với hiểm nguy trùng trùng mà mình còn kết luận một cách sắc sảo như vậy, tên người hầu họ Trần không thể không khâm phục chính mình.
Tiêu Phàm cũng trợn trắng mắt nhìn hắn, trong lòng âm thầm thề nếu cái tên gia nhân này trả lời với hắn một cái đáp án mang tính học thuật như “Bản ngã”, “Cái tôi”, “Tập thể” thì chắc chắn hắn cũng là người xuyên việt như mình. Nhất định mình phải bóp chết hắn, tục ngữ có câu vật hiếm thì quý, người xuyên việt cũng rất ít ỏi, một là đủ, hai thì quá nhiều.
- Ngài là con rể nhà họ Trần...
Tên gia nhân cười hề hề lấy lòng Tiêu Phàm. Đáp án đưa ra cũng làm cho đôi bên hài lòng.
... ...
... ...
Tàn hết một nén hương, gã gia nhân mới được Tiêu Phàm vẫn chưa thỏa mãn thả ra. Lúc thất tha thất thểu đi, cả nửa người dưới ướt nhẹp một mảng. Dĩ nhiên, điều đó không dính dáng gì đến Tiêu Phàm, tâm lý không vững vàng bị dọa đến nỗi không không chế được bản thân là chuyện rất bình thường.
Tên gia nhân đi rồi, Tiêu Phàm lại đứng ngẩn người trong góc tối của vườn hoa.
Năm Hồng Vũ thứ hai mươi chín, lúc này Chu Nguyên Chương đã già nua, hoàng thái tôn còn non nớt. Yến Vương ở Bắc Bình đang rục rịch, hai hổ sắp tranh nhau, thiên hạ lại gió táp mưa sa, con rể nhà họ Trần, .. ờ hắn chính là con rể nhà họ Trần.
Gió táp mưa sa thì kệ xác nó liên quan quái gì đến mình cơ chứ. Việc đầu tiên cần phải nghĩ là làm sao sống sót được ở Trần phủ này cái đã. Đúng vậy, sinh tồn đó là một vấn đề quan trọng.
Trước tiên phải nói đến cái nơi mà Tiêu Phàm đang đứng, cũng không biết nên nói cái số của hắn là tốt hay xấu. Không ngờ Trần phủ ở rất gần kinh thành Ứng Thiên phủ, nằm ở huyện lỵ của Ứng Thiên (nay là Nam Kinh), tên huyện là Giang Phổ. Chỉ cần cưỡi ngựa một canh giờ là đến kinh thành.
Trần phủ, là một hộ buôn dựa theo sự nghiệp khai quốc của Chu Nguyên Chương mà giàu có, lập nghiệp từ nghề trồng trọt tích trữ lương thực. Chỉ có hai mươi năm thôi mà đã phát triển đến mưc ruộng tốt trăm khoảnh, kho lúa giàu có, cửa hàng sung túc, trên thị trấn cũng phải hơn chục cửa hàng, theo tiêu chuẩn của kiếp trước thì đó cũng là xí nghiệp có tên tuổi của huyện Giang Phổ.
Gia chủ của Trần gia đương nhiên là họ Trần là nhạc phụ đại nhân trên danh nghĩa của Tiêu Phàm. Gia chủ năm nay gần bốn mươi tuổi, tên của hắn rất thú vị, gọi là Trần Tứ Lục. Trong thực tế tên này đầu thời Minh rất thông dụng, thời nhà Nguyên kẻ thống trị không cho phép người Hán được có tên, con sinh ra thường đặt theo tuổi của cha mẹ, hoặc gọi theo ngày sinh. Cho nên khắp Trung Hoa dân chúng đều có tên là những con số, ngay cả như Hoàng đế khai quốc triều Minh Chu Nguyên Chương khi sinh ra cũng không phải tên đó mà gọi là Chu Bát Bát hoặc là Chu Trọng Bát vì ông ta sinh vào tháng tám nhuận, ngày tám nên mới có tên là Chu Bát Bát. Mà tính ra thì cái ngày mà lão Chu sinh ra đúng là ngày hoàng đạo, bát phát bát phát cũng là ngày lành khai trương. Nếu lão Chu không làm hoàng đế mà đi buôn ắt phát tài cũng không phải là chuyện khó. Cái tên Trần Tứ Lục cũng có ý nghĩa như vậy, hắn sinh ra khi nhà Nguyên còn chưa bị đuổi ra khỏi Trung Quốc, kẻ thống trị vẫn là người Mông Cổ. Cho nên đời của Trần Tứ Lục xem như là đoạn cuối của phong trào lấy số làm tên này.
Còn thân phận của con rể nhà họ Trần Tiêu Phàm này, nói ra cũng có chút khó xử.
Tất cả đều là do phụ thân của Tiêu Phàm, đời đời nhà Tiêu Phàm đều làm nông, ba đời trước cũng thế, qua nhiều thế hệ đều trồng trọt sinh sống trong thôn xóm huyện Giang Phổ, là điển hình của thế hệ bần nông. Năm ấy Trần Tứ Lục chưa phát đạt, khi xuống nông thôn thu mua lương thực bị một con rắn độc ngũ sắc cắn, nằm ở bờ ruộng rên hừ hừ chờ Diêm Vương tới rước đi uống trà với ông bà thì gặp cha của Tiêu Phàm đi ngang, người nông dân vốn thiện lương phúc hậu nên phụ thân của Tiêu Phàm liền cứu Trần Tứ Lục. Trần Tứ Lục cảm kích khôn nguôi liền đưa bạc tạ ơn cứu mạng. Phụ thân của Tiêu Phàm phong cách cao thượng liền không chịu nhận. Trần Tứ Lục báo ân không thành nên rất buồn bực, chứng tỏ người không giàu lương tâm còn chưa có rụng răng.
Buổi tối, Trần Tứ Lục ngủ lại nhà Tiêu Phàm, kể ra Trần Tứ Lục cũng có sức khỏe, lại đi một mình, liền cùng phụ thân của Tiêu Phàm uống rượu. Hai người hết chén lại đến chung, uống cho mặt đỏ tai hồng, rồi chẳng bao lâu là xưng huynh gọi đệ, tình cảm phút chốc thăng hoa, hết một bữa cơm là sắt son như bạn nối khố rồi.
Trần Tứ Lục ngồi uống rượu chợt thấy Tiểu Phàm mũi chảy lòng thòng đang bò lổm ngổm bên cạnh, lập tức linh đài lóe sáng, nghĩ ra biện pháp báo đáp ơn cứu mạng của Tiêu gia. Vì thế Tiêu Phàm khi đó mới hơn một tuổi được định đoạt số phận, nhất định Trần Tứ Lục và phụ thân của Tiêu Phàm phải trở thành thông gia, nên sống chết gì cũng đem thai nhi còn chưa biết trai gái trong bụng vợ hắn đính hôn với Tiêu Phàm. Phụ thân Tiêu Phàm ngăn cản mãi cũng không được nên đành chấp thuận
Cho nên nói, làm người tốt, ông trời ắt có báo đáp. Thật ra thì mấy câu như mỗi ngày một việc thiện rất có ích, cứu một mạng người còn hơn xây bảy tháp phù đồ ,v.v.. cũng chỉ là vô nghĩa nhưng hên hên vớ phải một cô vợ xinh đẹp thì cũng sướng tê. Còn một điểm rất quan trọng đó là: “Làm người dù không hiền lành nhưng tửu lượng nhất định phải cao, uống say thì ngoan ngoãn mà nằm ngủ, đừng có hứa hẹn lung tung điều gì. Nếu không khi tỉnh rượu thì hối hận e đã muộn".
Tiêu Phàm dám cá rằng, khi Trần Tứ Lục giàu có chắc chắn giữa đêm khuya thanh vắng cũng vả bôm bốp miệng mình mà vả không chỉ một lần.
Hơn một năm sau, tài chính của Trần gia phát triển mạnh mẽ, hơn nữa lão bà của hắn còn sinh một bé gái, đặt tên là Trần Oanh Nhi. Tiếp đó, Trần Tứ Lục cố gắng tăng gia sản xuất đền nợ nước,
“Trâu già cũng biết chiều dần xuống
Chẳng phải vung roi cũng cố cày”