Gió bên ngoài cứ rít lên từng chập, trong ngôi “Tửu điếm” tuy người ấm áp, tuy không đến lạnh, nhưng có nhiều kẻ đã hơi run.
Có nhiều người ngồi không muốn yên, họ nhổm qua nhổm lại mặc dầu không có con rệp nào dưới ghế.
Có nhiều người trong bụng muốn lõng ra dông tuốt cho yên chuyện nhưng khổ nỗi trên mặt họ đã lỡ sơn quá nhiều “sĩ diện” bây giờ thì tiếc, mà để y như thế thì rung.
Hồ Phi, người trên mặt có nhiều lông trắng vụt đứng lên bước lại bàn của anh em họ Hàn và khẽ vòng tay:
- Uy danh của “Nam Dương song hổ” từ lâu đã làm cho bọn tại hạ ngưỡng mộ.
“Đại Hổ” Hàn Ban lật đật đáp lễ:
- Không dám.
“Nhị Hổ” Hàn Minh cũng nói theo luôn:
- Huynh muội của Hồ đại hiệp và Hồ cô nương khinh công song tuyệt, chính anh em chúng tôi muốn được hân hạnh diện kiến lâu rồi, nhưng hiềm vì chưa được duyên may.
Hồ Phi lại vòng tay:
- Hàn nhị hiệp quá khen cho.
Bên kia bàn, “Thủy Xà” Hồ Mỵ cũng vội khép nép “uốn mình” thi lễ.
Hồ Phi nói tiếp:
- Nếu nhị vị không trách đệ là mạo muội thì dám xin thỉnh sang bàn để cùng chung chén cho vui. Không biết nhị vị đại hiệp có hoan hỉ chăng?
Hàn Ban tươi cười:
- Anh em chúng tôi rất mong được như thế ấy.
Thế là hai tốp người đã nhập lại một bàn. Có lẽ đôi bên cùng đã nhận được một thực trạng.
Hai phe phái tuy đều găng nhau, nhưng khi họ cùng lâm đại địch, thì phương cách hay nhất là hãy xóa bỏ hiềm khích nhỏ nhen, họp nhau để định kế an toàn.
Họ cùng nâng chén và Hồ Phi nói trước:
- Nhị vị đã ở lâu miền Quảng Đông, anh em chúng tôi từ thuở trước đến nay lẩn quẩn trong dãy Giang Hoài, thật không hiểu tại sao có người lại muốn gây sự với chúng ta cùng một lúc?
Hàn Ban nói:
- Chính điều đó mà tại hạ cũng vô cùng thắc mắc.
Hồ Phi nói:
- Nghe cách nói của vị bằng hữu kia thì người muốn giết chúng ta chắc phải là võ công cao lắm, có thể chúng ta quả thật không phải là đối thủ của hắn, nhưng.
Hắn bỗng bật cười và nói tiếp:
- Một cây làm chẳng nên non, nhưng nếu ba cây chụm lại thì... hà hà... thì vấn đề nhất định là đổi khác. Hợp sức lực của sáu người trong bọn chúng ta, chẳng lẽ một cái đỡ gạt cũng không làm nổi hay sao?
Thần sắc của anh em họ Hàn lập tức có chiều thay đổi.
Hàn Ban lớn giọng hơn một chút:
- Hồ huynh nói rất hay, sáu người của bọn ta đâu phải là kẻ bất tài vô tướng, chẳng lẽ cam tâm cúi đầu cho chúng chém hay sao?
Hắn nói bằng tia mắt nghiêng về phía tên mặt có bớt xanh, nhưng gã này lại như không buồn nghe thấy.
Hàn Minh cất giọng ôn tồn:
- Người ta nói “nước chảy thì đấp bờ, binh tới thì tướng ngăn”. Họ không đến thì thôi, còn nếu họ đến thì... Hà hà...
Giọng cười trong trẻo của Hồ Mỵ cũng tiếp liền theo:
- Nếu quả thật họ đến thì sẽ không bao giờ có cơ hội quay trở về.
Đúng là “người đông làm cho chí lớn”, bọn Đoàn Khai Sơn và Dương Thừa Tổ cũng chợt nghe hào khí hừng hừng.
Sáu người họp lại, anh một câu, tôi một câu, anh một chén, tôi một chén... họ thi đua tâng bốc nhau, riết một hồi xem ra người nào cũng trở thành vĩ đại.
Ngay lúc bên trong tinh thần hứng khởi thì bên ngoài cửa, một tiếng cười khô khốc nổi lên.
Sáu người hào khí đang bốc ngất trời, thoáng cái chợt xìu ngay, da mặt họ tái xanh và cổ họng như bị ai chận chẹn.
Chẳng những họ không còn nói được một lời nào, mà cả hơi thở cũng hình như ngưng lại.
Lão Tôn Gù nghe tiếng cười ấy vốn đã nổi da gà nhưng thấy cách sợ của sáu bậc “vĩ nhân” đang ngồi tán nhau từ nãy khiến cho lão chợt thấy rằng mình bỗng vọt lên ngang hàng với họ và cùng với họ đưa mắt ra ngoài.
Ở bên ngoài xuất hiện bốn người.
Cả bốn người đều mặc một chiếc áo vàng lợt như nhau, một người mày rậm mắt to, một người mũi quặc như mỏ chim ưng, chính là hai người khách đã mua lời nói của lão Tôn Gù hồi ban sáng.
Họ đã đến cửa nhưng họ không vào, họ đứng xuôi tay im lặng trông thật hiền khô.
Có một điều mà lão Tôn Gù không làm sao hiểu được là vừa rồi sáu người ngồi trong quán đúng là những nhân vật khí thế đang lên rõ ràng, lời lẽ của họ vẫn còn hơi hám “dọc ngang nào biết trên đầu có ai”, thịnh khí đó của họ hãy còn đang lùng bùng trong lỗ tai lão, thế mà bằng vào sự có mặt của những tên áo vàng đứng xuôi lơ như thế mà lại làm cho họ xanh máu mặt.
Thế thì bốn tên áo vàng đó là ai?
Họ cũng là người chứ đâu phải là ma quỷ?
Còn nếu bảo rằng họ là những kẻ có tên tuổi giang hồ thì vừa rồi sáu nhân vật “vĩ đại” trong kia đã chẳng nói “binh tới thì tướng đương” đó sao?
Nhưng chính lão Tôn Gù bây giờ lại không cảm nghe sợ sệt gì cả, lão không bể nồi cơm, nếu có xảy ra sự lộn xộn trong quán lão, lão tự tin vì lão có một người bạn mà lão không thấy tài nghệ ra sao nhưng tự nhiên lão tin tưởng một cách lạ lùng. Người bạn mà lão tin tưởng ấy đang ngồi nhắm rượu làm thinh như không nghe thấy chuyện gì đã xảy ra, người ấy là Tửu Quỷ.
Cái lạ thứ hai là ông cháu lão già tóc bạc chuyên kể chuyện cho thiên hạ nghe lúc nãy, ông thì coi gần như sắp xuống lỗ, cháu thì là một cô gái non xéo coi giống như mới vừa dứt sữa chưa được bao lâu thế mà trước không khí ngột ngạt nãy giờ, hai ông cháu vẫn điềm nhiên không mảy may sợ sệt.
Tình hình nghẹt thở như thế này mà họ vẫn ngồi nhấm nháp như không.
Hay là họ, hai ông cháu nhà kia là loại ếch ngồi đáy giếng?
Vì họ không hiểu nên họ không biết sợ là gì?
Bốn người áo vàng bỗng dạt ra chừa một khoảng đường chính giữa.
Thêm một gã thiếu niên từ ngoài đi vào thẳng trong quán.
Tên này cũng mặc áo vàng chói lói, chỗ khác của hắn là tuổi nhỏ, phong độ thành nhã và cái khác về hình thức đối với bốn tên áo vàng đến trước là áo hắn có viền kim tuyến chiếu sáng ngời người.
Hắn là một thiếu niên khôi ngô, nhưng mặt hắn căm căm như băng giá, hắn không lộ một chút tình cảm nào bất cứ ai, hắn đi vào bằng những bước chân chậm rãi và mắt hắn nhìn châm bẩm vào mặt người có cái bớt xanh.
Người mặt có bớt xanh lại cứ ngồi uống rượu tự nhiên như không thấy hắn.
Vành môi của gã thiếu niên áo vàng khẽ nhếch lên với nụ cười lạnh nhạt, hắn chầm chậm đi qua khỏi chỗ người mặt có bớt và dời tia mắt về phía bàn có sáu người của bọn Dương Thừa Tổ.
Trông dáng cách bên ngoài, sáu người của bọn Dương Thừa Tổ có vẻ hung hãn hơn gã thiếu niên nhưng tia mắt của tên áo vàng đã làm cho thay chân của họ cảm giác bủn rủn, họ ngồi xem chừng không vững nữa.
Gã thiếu niên áo vàng chầm chậm đi vòng bàn của sáu người, không biết từ bao giờ hắn móc từ trong mình ra những đồng tiền chói sắc đồng lóng lánh, hắn thong thả đặt lên đầu của mỗi người một đồng tiền.
Sáu bậc “vĩ nhân” hồi nãy khẩu khí xung thiên mới rành rành đây thế mà bây giờ bỗng biến thành những hình cây tượng đá.
Họ mở mắt thao láo nhìn người đặt đồng tiền lên đầu mình mà lặng trang không dám động.
Còn thừa lại mấy đồng tiền trên tay, gã thiếu niên áo vàng nhồi lên nhồi xuống nghe leng keng, hắn chầm chậm đi về phía bàn của lão già và cô gái có hai bím tóc.
Lão già nhìn hắn cười híp mắt:
- Nếu bạn thích rượu thì xin mời ngồi xuống uống chơi vài chén, tôi mời bạn đây mà.
Lão ta hình như đã có hơi men, lời nói của lão đã đặc sệt y như là lưỡi bị cụt lại hay đang ngậm một quả trứng gà, đúng là giọng đã ngà say.
Đĩa đậu phộng rang bắn tung lên, những hạt đậu tua tủa lên mặt lão già tóc bạc.
Không biết vì sửng sốt hay vì quá sợ, lão già quên cả việc tránh né, lão cứ nhìn những hạt đậu như đang chờ nó bắn lên mặt lão.
Nhưng gã thiếu niên áo vàng vụt phất tay áo rộng, bao nhiêu hạt đậu bị cuốn vào tay áo và trút xuống đĩa y như cũ.
Lão già lờ đờ đôi mắt há hốc mồm, cũng không biết lão đã hoảng hốt hay là lão đang há mồm chờ những hạt đậu chui vào.
Riêng cô gái tóc bím thì vỗ tay cười hăng hắc:
- A, cái trò chơi đó thật là hay, thế ra cậu cũng biết hát thuật nữa à? Làm lại đi, làm lại cho tôi coi với, nhất định tôi sẽ bảo ông tôi mời cậu một bữa rượu thật nhiều, làm đi, làm cho coi mà, ngộ quá.
Bằng cái ngón vừa rồi, bất cứ ai là người biết qua về võ học cũng đều thấy gã thiếu niên có một nội lực phi thường nhưng khốn nỗi gặp cô gái thuộc về tay thưởng thức “méo mó” thành thử “độc gia công phu” bị trở thành trò xảo thuật.
Thế nhưng gã áo vàng lại không hề giận dữ, hắn nhìn cô gái từ đầu đến chân, một nụ cười dễ dãi dạng lên ánh mắt và hắn từ từ bước sang bàn khác.
Người ta thường hay không chấp nhất những lão già say mà lão già này lại có một cô cháu ngây thơ dễ mến, có lẽ gã áo vàng không đành tức giận với hai người như thế.
Thấy hắn đi, cô gái tóc bím kêu theo:
- Coi, sao cậu không làm cái trò ấy nữa? Cho tôi xem với.
Người có cái bớt xanh nơi mặt cười nhạt:
- Cái trò “ảo thuật” ấy càng ít xem càng tốt.
Cô gái tóc bím chớp mắt:
- Sao vậy?
Người có bớt xanh nơi mặt lạnh lùng:
- Nếu các người có võ công thì cái trò “ảo thuật” ấy đã làm cho các ngươi không kịp ngáp.
Khẽ liếc gã thiếu niên áo vàng, tia mắt cô gái tóc bím như có vẻ không tin, thế nhưng cô ta không dám hỏi.
Không cần nghe câu nói của gã có bớt xanh nơi mặt, gã thiếu niên áo vàng chầm chậm bước lại bàn Tửu Quỷ.
Leng keng... leng keng.
Những đồng tiền trên tay hắn lại vang lên.
Nhưng gã Tửu Quỷ đã say cúp mất rồi nhưng bầu rượu của hắn đã cạn khô gần thủng đáy và gã gục đầu lên bàn, hơi thở sặc mùi men.
Gã thiếu niên áo vàng cười nhạt, hắn nắm tóc Tửu Quỷ lật mặt lên ngắm nghía một hồi rồi buông xuống bỏ đi.
Bị buông xuống một cách phũ phàng, trán Tửu Quỷ đập xuống bàn đánh xầm một tiếng nhưng hắn vẫn cứ ngáy pho pho.
Gã có bớt xanh nơi mặt lạnh lùng:
- Một chén giải sầu vạn cổ, câu nói không biết của ai mà hay quá, kẻ đã say rồi thì còn hay hơn người tỉnh gấp bội.
Không thèm đếm xỉa đến hắn, gã áo vàng chấp tay sau lưng thong thả bước ra.
Lạ lùng làm sao, bọn Hồ Phi, Hồ Mỵ, Hàn Ban, Hàn Minh, Đoàn Khai Sơn, Dường Thừa Tổ, sáu người cũng lập tức theo ra, họ nối đuôi nhau như một đoàn người ngoan ngoãn.
Sắc mặt của họ xuống màu ủ rũ, chân bước từng bước một, nửa thân trên không dám lay động chừng như họ rất sợ đồng tiền đang đặt trên đầu rớt xuống thình lình.
Xem chừng họ lâm vào cảnh hồn phi phách tán, họ cẩn thận từng li từng tí, y như là đồng tiền trên đầu họ một mai rơi xuống thì sinh mạng của họ cũng sẽ rơi theo.
Sống quá nửa đời người, lão Tôn Gù đã từng thấy rất nhiều chuyện lạ nhưng thật tình lão chưa từng chứng kiến cảnh nào lạ đến thế này bao giờ.
Dạo trước lão có nghe người ta nói trong thâm sơn cùng cốc có một loài quỷ rất thích ăn óc khỉ, mỗi khi muốn ăn con quỷ đó “triệu tập” tất cả khỉ trong rừng lại ngó qua một lượt, nếu thích ăn con nào thì đặt trên đầu con đó một hòn đá, con khỉ được “chiếu cố” bằng cách đặt hòn đá lên đầu ấy sẽ không bao giờ dám chạy trốn, nó cứ một mực ngoan ngoãn ngồi chờ chết.
Lúc nghe người kể chuyện ấy, lão Tôn Gù cứ ngồi nhấm nháp gật gù, lão không bài xích, nhưng lão cho câu chuyện ấy có tính cách thần thoại, câu chuyện “truyền thuyết” của những bộ lạc miền núi mua vui trong lúc hơi men cao hứng thế thôi.
Nhưng bây giờ, chuyện “thần thoại”, chuyện “truyền thuyết” ấy lại “hiện” ngay trước mắt lão mà những con khỉ ngoan ngoãn ấy là những con người “hào khí xung thiên” giữa tiệc rượu vừa rồi.
Bằng võ công và “khí phách” của sáu con người ấy, bất cứ gặp ai dẫu người đó là cao thủ nhất nhì trong chốn võ lâm nhưng nếu “chạm” nhau, nhất định họ sẽ giải quyết trên tinh thần “sắt thép”.
Lão Tôn Gù tin tưởng như thế qua dáng sắc của họ, nhưng một chuyện làm cho lão ngạc nhiên là khi chạm mặt gã thiếu niên trông không có gì đáng gọi là ghê gớm ấy, sáu con người “dọc ngang một cõi” kia bỗng biến thành sáu con cừu non.
Lão Tôn Gù thật không hiểu ra làm sao hết.
Nhưng lão cũng không muốn hiểu làm gì.
Sống đến cái tuổi của lão, sống trong bối cảnh mà chỉ bằng vào đuôi mắt khóe môi cũng gây ra chuyện máu rơi thịt đổ thì thấy những chuyện mơ mơ hồ hồ như thế cũng đã là quá lắm rồi, biết rõ thêm cặn rễ của nó làm chi cho thêm phiền toái.
Trời không còn mưa nữa nhưng trong ngõ hẻm gió vẫn còn thổi mạnh lắm.
Không biết tự bao giờ, bốn tên áo vàng bên ngoài đã vẽ lên mặt đất mười mấy cái vòng tròn, mỗi vòng tròn chỉ bằng trang cái thúng.
Bọn sáu người của Đoàn Khai Sơn lủi thủi đi ra, cũng không ai ra lệnh, mỗi người trong bọn họ đều “tự động” bước vào trong một cái vòng tròn.
Họ đứng rất cẩn thận, hình như họ rất sợ dẫm chân phải lên lằn vẽ.
Sáu con người lập tức biến thành sáu pho tượng gỗ.
Đã dặn lòng không thèm nghĩ nữa nhưng sự việc xảy ra làm cho lão Tôn Gù buộc phải nhăn mày.
Lão nhớ hồi xưa, không phải nhớ mà là nghe nói rằng đời Chu Văn Vương còn ở đất Tân Kỳ, ông ta nhốt tù nhân cũng bằng những vòng tròn trên mặt đất.
Xứ Tân Kỳ hồi đó không có “trại giam” nhưng tù nhân không bao giờ trốn thoát và cũng chưa nói ai trốn hoặc “mưu toan” trốn bao giờ.
Tại sao vậy?
Người ta nói vì tại Chu Văn Vương giỏi về khoa bói toán, ai có trốn cũng bị bắt lại ngay.
Nhưng lão Tôn Gù nghĩ khác.
Lão nghĩ có mấy nguyên nhân làm cho người tù đất Tân Kỳ hồi đó không chịu trốn, không có ý trốn, mặc dù chỉ bị giam bằng một cái vòng tròn vẽ trên mặt đất. Thứ nhất, sự tổ chức guồng máy cai trị của Văn Vương lúc bấy giờ chặt chẽ lắm, thứ hai, xã hội Tân Kỳ lúc bấy giờ rất công bằng nhân đạo, dân trí của họ nhờ đó mà nâng cao, con người làm việc và hưởng thụ trên tinh thần tự nguyện tự giác cho nên một khi đã không có sự bắt buộc cưỡng bách thì tự nhiên cũng không có trốn tránh trách nhiệm của mình.
Nhưng người tội phạm của xứ Tân Kỳ có lẽ cũng thỏa mãn trên tinh thần.
Nhưng đó cũng chỉ là chuyện “nghe nói” lại, bây giờ chính lão Tôn Gù nhìn tận mắt chuyện giam người trong cái vòng tròn.
Vậy thì, có hai trường hợp giải thích sự việc ấy như sau: thứ nhất, sáu con người “cao thủ” của bọn Đoàn Khai Sơn đã bị một thứ bùa mê sai khiến, thứ hai, người chủ của những đồng tiền này là người có uy lực phi thường.
Gạt bỏ trường hợp thứ nhất ra vì lão Tôn Gù là hạng người không tin về bùa phép, vậy người chủ của những đồng tiền này là ai mà lại có quyền năng như thế?
Nhưng nếu có quyền năng làm cho thiên hạ không dám trái lệnh thì tại sao gã mặt có bớt xanh dám nói những câu không giữ ý vừa rồi?
Chẳng lẽ tên có bớt xanh lại hơn những tên áo vàng một bậc?
Lão Tôn Gù không suy nghĩ nữa, vì tên thiếu niên áo vàng đã trở vô.
Mặt hắn vẫn lạnh băng băng và cho đến bây giờ, hắn chưa hé miệng nói một tiếng nào.
Hắn đi vào và ngồi chiếc bàn mà bọn sáu người của Đoàn Khai Sơn vừa rời khỏi.
Độ tàn một điếu thuốc lại có thêm một người áo vàng nữa đi vào đầu ngõ.
Người này hơi lớn tuổi, hắn chỉ có một vành tai, theo dấu thẹo thì có lẽ hắn đã bị người ta lắc hết một vành chứ không phải mang tật từ nhỏ.
Mặt hắn cũng mất hết một con mắt, con mắt còn lại tròn xoe người người trông dễ sợ.
Tự nhiên. Áo hắn mặc cũng màu vàng và cũng có viền kim tuyến như gã thiếu niên.
Theo sau hắn là một dọc bảy tám người, già có nhỏ có, hình dáng khác nhau, có người cao, có người lùn, có người mập tuỳ lùn mà cũng có kẻ ốm tong teo.
Nhìn qua cách ăn vận hình như họ cũng là những người có tên tuổi lắm nhưng bây giờ họ cũng không khác gì bọn Đoàn Khai Sơn, nghĩa là họ cũng ủ rũ như kẻ đưa ma, họ đi như học trò lễ, thân trên của họ thật thẳng, cần cổ họ giữ thế “nghiệm”, họ cẩn thận từng bước đi theo người áo vàng một mắt đến trước cửa quán và ngoan ngoãn bước vào vòng tròn vẽ sẵn trên mặt đất.
Trong đám người mới tới có một gã ốm tong teo nhưng vẻ mặt hết sức dữ dằn.
Liếc thấy người này, bọn Đoàn Khai Sơn hình như quen mặt và bằng vào tia mắt của họ, có lẽ như đang lấy làm lạ, không hiểu tại sao tên này cũng đến đây.
Tên áo vàng một mắt khẽ liếc bọn Đoàn Khai Sơn cười nhạt, hắn đi thẳng vào trong quán nhìn gã thiếu niên áo vàng, hai người khẽ gật đầu nhưng không ai nói một lời.
Không khí nặng nề chậm chạp trôi qua, một lúc sau nơi đầu ngõ lại xuất hiện thêm một tên áo vàng nữa.
Người này thì tuổi khá cao, râu tóc đều đã hoa râm, lão cũng mặc áo vàng, cũng viền kim tuyến, bên sau lão cũng kéo theo một dọc mấy người.
Những người đi theo sau lão không có gì đáng nói vì họ cũng y như những người trước, cũng y như bọn Đoàn Khai Sơn, cũng bằng những bước đi không núc nhích, cũng bằng những bộ mặt đưa ma.
Chỉ có lão áo vàng tóc hoa râm là đặc biệt.
Khi ở ngoài xa thì không thấy gì khác lạ nhưng đến lúc gần thì đúng là một dị nhân.
Da dẻ của lão giống y những người dân ở vùng hải đảo phương tây, da lão không vàng không trắng mà lại nâu xanh. Với da mặt như thế, được phủ bở một nùi tóc muối tiêm xám trắng trông đến lạnh người.
Luôn cả da bàn tay của lão cũng thế, cũng xanh nâu.
Những kẻ đứng bên ngoài quán trông thấy lão như là trông thấy quỷ và tất cả chợt rùng mình.
Chỉ chưa tàn hai điếu trhuốc mà mấy mươi vòng tròn vẽ trên mặt đất trước cửa quán đã chật cả ngươì.
Người nào cũng y như người nấy, họ như nín hơi đứng thẳng, da mặt nhợt nhạt, không ai dám nói với ai một lời nào.
Những người mặc áo vàng thêu kim tuyến đã lên đến bốn, người sau cùng là một lão già tóc trắng phơ phơ, da mặt nhăn nheo, lưng có vẻ hơi còng.
Bước đi của lão ta cũng có phần xiêu xẹo, xem hình như có vẻ lớn tuổi hơn lão già kể chuyện trong quán đến ba bốn tuổi.
Một lão già dáng cách coi khốn đốn như thế mà sau lưng lão ta, người đi theo lại càng đông hơn.
Một chiếc bàn, bốn người áo vàng có viền kim tuyến chiếm mỗi người một bên, không ai nói với ai một tiếng, họ giống như những người câm.
Những kẻ ngoài sân, những kẻ “tự động” đứng trong vòng tròn vẽ trên mặt đất thì lại như bị ai lấy chỉ may miệng lại, ngoại trừ tiếng gió đưa xì xào, ngoài sân có người mà lại vắng lặng như tờ.
Cái “tiểu điếm” của lão Tôn Gù bây giờ, nếu nhìn vào từ phía bên ngoài, nó mường tượng như cái nhà mồ.
Con người có chỗ dựa vững chắc từ khi bất chợt trở thành tri kỷ với Tửu Quỷ như lão Tôn Gù nhưng đến bây giờ hình như lão đã muốn run.
Thế mà tên có cái bớt xanh trên mặt vẫn ngồi điềm nhiên uống rượu, hắn uống từng ngụm nhỏ một cách thong dong.
Nhưng thôi, cứ kể như hắn là một kẻ lỳ đi, chứ hai ông cháu của cô gái tóc bím thì quả là lạ không thể tiếng.
Ông thì coi như sắp kề miệng lỗ, cháu tì sữa còn dính quanh môi, vậy mà hai ông cháu vẫn ngồi nhấm nháp như thường.
Người điếc không sợ sấm, phải chăng hai ông cháu nhà này cũng trong trường hợp đó.
Hay là ông quá lờ mờ, còn cháu thì vì quá mê nên chờ xem những trò ảo thuật?
Mà không chừng đúng đấy, đúng là một trò “xiếc” mà những con khỉ ngoan ngoãn đóng trò là những đám người đang đội đồng tiền như chết sững trong vòng.
Không biết đã qua bao lâu, vì lúc bấy giờ thời gian như ngưng đọng mà cũng vì người không còn đủ sáng suốt để “đếm” giờ khắc trôi qua, chuyên xảy ra làm cho nó trôi qua một cách nặng nề.
Tách! Tách! Tách!
Tiếng nghe bây giờ nghe rõ lắm. Cứ mỗi khi gặp một khung cảnh im lìm thì y như là thính giác của người ta lại tỏ hẳn lên.
Mà cũng có thể người ta vì quá ngóng chờ tiếng động, tiếng động nào cũng được, miễn có để tan bầu không khí mà họ không thở nỗi nên bất cứ tiếng động nào dù nhỏ đến đâu họ cũng nghe thấy một tiếng tách rõ ràng hơn những lúc bình thường.
Giả thuyết sau này có lẽ là đúng và đáng tin hơn hết.
Những tiếng động của lá rơi này lại không có tác dụng phá tan im lặng, không có tác dụng “khai thông” bầu không khí khó thở. Trái lại, thứ tiếng lá rụng trong khung cảnh hãi hùng càng làm tăng thêm khủng khiếp!
Tách! Tách! Tách!
Tiếng lá rụng quái ác nghe như tiếng âm hồn viếng mộ.
Lão Tôn Gù gần như nín thở theo không khí nặng nề trôi qua.
Bốn người áo vàng khẽ đưa mắt cho nhau và tất cả cũng đứng lên một lượt.
Tiếng của những tà áo khua động khi họ đứng lên càng làm cho người nghe mọc óc.
Cộc! Cộc! Cộc! Tiếng động này quả là khủng khiếp, đó là tiếng gậy chống lên mặt đường đầy đá.
Tiếng gậy mỗi lúc một gần dẫn từ đầu ngõ và cuối cùng một bóng người hiện rõ ra.
Ban đầu chỉ là một bóng đen trong dáng đi mất thăng bằng mang theo tiếng khua cộc, cộc.
Khi đến gần, người ta mới thấy rõ hơn: Một người cụt mất một chân.
Hình như chiếc gậy của ông ta ở đầu có bịt sắt và chính chiếc gậy đó phát ra tiếng khua mà người ta nghe thấy nãy giờ.
Ánh sáng của mấy ngọn nến mù mờ trong tiểu điếm hất ra, hất vào mặt người chống gậy và cái tránh tối tranh sáng ấy, nếu không phải là kẻ gan dạ thì nhất định sữ phải sụm xuống ngay khi thấy bộ mặt của lão cụt giò.
Y như một thùng cỏ khô, tóc của lão phủ tơi bời trên khuôn mặt đen như trôn chảo, con mắt của lão sếp lại hình tam giác nằm trên chiếc mũi như trái cà chua.
Chừng như bao nhiêu đó cũng chưa đủ nói lên cái dữ dằn, cho nên người đời lại kể thêm trên mặt lão những vết sẹo dọc ngang bóng lưỡng.
Cộng thêm với cái chân cụt, thọt cây gậy gập ghềnh, người ta thấy ở con người của lão áo vàng này pha lên màu dã thú.
Bốn tên áo vàng trong quán cùng đứng lên một lượt khúm núm vái chào khi lão một giò vô tới cửa.
Lão một giò gật đầu:
- Điều tra rõ ràng rồi chứ? Chúng ta không nên có chuyện lầm lẫn đối với người lành.
Lão Tôn Gù bây giờ mới nhìn kỹ, lão một giò cũng mặc áo vàng nhưng vạt áo lại cuộn lên cả nơi thắt lưng và nếu kể về điểm đó thì lão một giò này có lẽ hơn hẳn những người hành khất. Có điều rõ ràng hơn hết là lão ta có đến hai đường viền kim tuyến.
Một chuyện lạ khác bây giờ mới xảy ra là vẻ mặt của tên có bớt xanh, hắn dửng dưng từ đầu chí cuối nhưng bây giờ hắn có phần thay đổi khi thấy lão một giò.
Đôi mắt ba góc của lão một giò đảo nhanh qua một lượt và hỏi tiếp bằng một giọng khàn khàn:
- Các ngươi đã phải một phen vất vả nhỉ?
Mặt của lão rất hung ác nhưng giọng nói của lão thì lại rất hiền hòa.
Bốn gã áo vàng lại khom mình:
- Không dám ạ.
Lão một giò hỏi luôn:
- Đủ cả chứ?
Lão già trong bốn người áo vàng lên tiếng:
- Vâng ạ.
Lão già một giò chớp mắt:
- Cộng tất cả là bao nhiêu?
Lão già áo vàng đáp:
- Bốn mươi chín người.
Lão già một giò gật đầu:
- Các ngươi biết chắc họ đều vì chuyện ấy mà đến đây đấy chứ?
Lão giò áo vàng đáp:
- Chúng tôi đã điều tra kỹ lưỡng, họ đến trong vòng ba ngày nay, nhất định họ đều vì chuyện ấy. Bởi vì nếu không thì tại sao họ không hẹn mà lại cùng đến một lúc nơi đây.
Lão già một giò hỏi:
- Ý của chúng ta họ có biết hay chưa?
Lão giò áo vàng đáp:
- Hình như họ đều chưa biết rõ lắm.
Lão già một giò gật đầu:
- Vậy thì hãy nói cho họ biết đi.
Lão già áo vàng đáp:
- Vâng ạ.
Lão già áo vàng còng tay lui ra hất mặt về phía đám người đang đứng trong vòng:
- Chúng ta là ai có lẽ các vị đã hiểu rồi và mục đích đến đây của các vị, chúng ta cũng đã rõ.
Lão móc trong lưng ra một lá thư và nói tiếp:
- Các vị đến đây có lẽ vì đã nhận được một phong thư như thế này đấy nhỉ?
Đám người đứng trong vòng tròn cũng một lượt như muốn gật đầu nhưng lại không dám, họ không dám nói chỉ hỉnh mũi ư ử và vẫn đứng như trời trồng.
Lão già áo vàng điềm đạm:
- Nhưng bằng vào chút bản lĩnh của các vị mà cũng hăng hái đến đây thì sợ e không được xứng đáng lắm đâu, vì thế các vị nên đứng yên nơi đây một lúc, chịu khó một lúc thôi nhé, sau khi chuyện xong rồi, các vị cứ thong thả ra đi, ta xin bảo đảm an toàn cho các vị, chỉ cần các vị đứng yên thì không ai dám động đến lông chân của các vị.
Lão già áo vàng nói tiếp bằng một giọng cười vui vẻ:
- Có lẽ các vị cũng biết, chỉ trong trường hợp vạn bất đắc dĩ, nhất định không làm hại đến người vô cớ.
Lão ta vừa nói đến đó thì chợt có người nhảy mũi.
Người nhảy mũi đó là Thủy Xà Hồ Mỵ.
Tiếng nhảy mũi thật nhỏ, hình như đã được cố ngăn nhưng trong trường hợp này quả thật như sét đánh.
Cái kỵ của người đàn bà là mặc áo bằng một thứ vải dầy, họ rất sợ mất “eo”, vì thế trời đã nặng đông mà Thủy Xà Hồ Mỵ vẫn mặc một áo bằng lụa mỏng và chính vì thế nên mới bị khí lạnh làm cho nhảy mũi thình lình.
Bình thường, mỗi khi nhảy mũi thì không có gì đáng nói, hay hơn nữa là chỉ cần lấy khăn tay lau mũi và ngỏ lời xin lỗi, nếu có kẻ ngồi gần nhưng bây giờ trong trường hợp này, cái nhảy mũi của Hồ Mỵ thì quả đã làm cho rơi sinh mạng.
Vì đồng tiền trên đầu cô ta bị cái nhảy mũi làm rơi xuống.
Một tiếng khua nhỏ khi đồng tiền chạm lên trên đá nổi ở mặt sân, chẳng những Hồ Mỵ biến sắc mà tất cả những kẻ đứng trong vòng thảy đều tái mặt.
Lão già áo vàng cau mặt:
- Quy củ của chúng tôi chắc cô nương đã biết rồi chứ?
Hồ Mỵ rung giọng:
- Biết... có biết.
Lão già áo vàng khẽ lắc đầu:
- Đã biết thì rất tiếc tại sao cô lại không cẩn thận?
Thủy Xà Hồ Mỵ run bắn tay chân:
- Không phải vì vãn bối cố ý, xin... xin lão tiền bối rộng dung.
Lão già áo vàng nói:
- Tôi cũng biết cô nương không hề cố ý nhưng quy củ vẫn không vì thế mà dễ bị hủy diệt. Quy củ một khi bị hủy diệt thì uy tín cũng không còn, cô nương cũng là người lịch lãm giang hồ, có lẽ đã thừa hiểu vấn đề như thế.
Hồ Mỵ quay đầu qua Hồ Phi, giọng nói gần như muốn khóc:
- Đại ca... Anh... anh hãy nói giúp em.
Hồ Phi từ từ nhắm mắt, môi hắn run run:
- Rôi có nói cũng chẳng ích gì.
Hồ Mỵ gục đầu và vụt cười thê trhiết:
- Tôi biết... tôi cũng chẳng trách mà.
Đôi mắt ướt rượt của Hồ Mỵ quay sang phía Dương Thừa Tố:
- Anh Dương, còn anh thì sao? Tôi... tôi đã đến mức này anh... không có gì để nói với tôi ư?
Đôi mắt của Dương Thừa Tổ nhìn thẳng tới một cách “nghiêm chỉnh”, mặt hắn lờ đờ không lộ một cút gì.
Hồ Mỵ thở ra:
- Luôn cả việc nhìn một lần chót anh cũng không thể sao?
Dương Thừa Tổ từ từ nhắm mắt.
Hồ Mỵ đột nhiên cười hăng hắc, chỉ thẳng vào Dương Thừa Tổ:
- Các vị hãy nhìn xem, người này là nhân tình của tôi, hồi tối này hắn đã nói với tôi một câu “Chỉ cần em đối xử tốt với anh thì không bao giờ anh luyến tiếc sinh mạng, nếu có thể vì em mà chết.” nhưng bây giờ, bây giờ đến cả cái nhìn tôi một cái là hắn sẽ rụng đầu.
Tiếng cười của Hồ Mỵ thấp xuống lần lần, nước mắt ứa ra:
- Hừ, tình là cái thứ gì chứ? Tình ái đã chẳng ra gì như thế thì con người sống cũng kể như vô ích. Chết, có lẽ chết còn đỡ phiền hơn.
Nhưng điểm sáng như sao xẹt thẳng vào mình lão áo vàng.
Cùng một lúc với vừng sáng bay ra, thân ảnh Hồ Mỵ tung lên thật cao như muốn vượt qua đầu tường.
Thủy Xà Hồ Mỵ nổi danh nhờ ám khí, khinh công cũng quả đã đến mức siêu quần, thân pháp vừa nhanh vừa chính xác.
Lão áo vàng chỉ khẽ cau mày và nói thật hưỡn đãi:
- Sao lại phải nhọc làm chi vậy?
Lão nói quá chậm nhưng tay lão đưa lên thật lẹ, chỉ trong mấy tiếng ngắn ngủi phát ra chưa dứt, là bao nhiêu ám khí đã bị lão hất ra.
Hồ Mỵ vừa mới vượt lên chưa quá đầu tường, chợt nghe một luồng tiềm lực từ sau đẩy tới, thân ảnh đang đà nhướn lên vụt rẽ ngang, đập mạnh vào tường rồi từ thân tường vụt xuống như một bao cát, miệng, mũi, lỗ tai, máu phún vọt ra.
Lão già áo vàng lắc đầu, vẫn bằng một giọng từ từ cố hữu:
- Đáng lý cô nương được chết một cách êm ái hơn nhiều, chuyện chi mà phải làm nên cố sự.
Hồ Mỵ nhăn nhó một cách thê thảm, hình như đang ráng hết sức đưa tay lên vuốt ngực nhưng máu vẫn cứ ọc ra.
Lão già áo vàng lại nói:
- Nhưng cũng theo quy củ, trước giờ nhắm mắt chúng ta có thể chấp nhận cho cô nương có một yêu cầu.
Hồ Mỵ thoi thóp:
- Quy củ.
Lão già áo vàng điềm nhiên:
- Đúng, và không bao giờ để cho quy củ ấy bị hủy diệt.
Hồ Mỵ ráng hỏi:
- Yêu cầu gì cũng được chứ?
Lão già áo vàng nói:
- Nếu cô nương còn những gì chưa giải quyết, ta có thể thay cô làm trọn vẹn, nếu có mối thù nào chưa báo, ta có thể vì cô mà lo việc chu toàn.
Lão mỉm cười độ lượng và tiếp luôn:
- Ai “được” chết vào tay của chúng ra cũng là điều may mắn.
Ánh mắt của Hồ Mỵ vụt sáng lên một cách khác thường:
- Nhất định tôi phải chết nhưng bây giờ thì chưa, vậy tôi có thể yêu cầu chỉ định người kết liễu sinh mạng tôi chăng?
Lão già áo vàng nói:
- Đâu có gì trở ngại? Nhưng cô nương định chọn ai?
Hồ Mỵ nghiến răng nói từng tiếng một:
- Tôi xin chọn Dương Thừa Tổ.
Dương Thừa Tổ tái mặt rung rung:
- Cô... cô sao cô lại làm như thế? Cô... muốn hại tôi à?
Hồ Mỵ:
- Đối với ta, ngươi giả tình giả nghĩa, thế mà ta đối với ngươi lại một mực chung tình. Ta, ta muốn được chết dưới tay ngươi để yên lòng mà nhắm mắt!
Lão già áo vàng vẫn một mực ôn tồn:
- Giết người đâu có gì quá khó khắn, chỉ cần một cái nhích tay là xong chuyện, nhất là đối với một người không phản kháng và nhất là các hạ đâu phải giết người lần đầu?
Lão vẫy vẫy tay, một tên áo vàng mang đến một thanh đao đưa ngay cho Dương Thừa Tổ:
- Thanh đao này bén lắm, chỉ nhè nhẹ là dư đủ rụng đầu.
Dương Thừa Tổ mất hết thần sắc, hắn lơ láo lắc đầu:
- Không... tôi không...
Tiếng “không” sau cùng của hắn chưa dứt thì đồng tiền trên đầu đã rơi xuống đất.
Cũng như lần trước, tiếng “keng” dội lên, chẳng những Dương Thừa Tổ mồ hôi từng cục rơi theo mà tất cả những người đứng trong vòng mặt còn xanh hơn nữa.
Chỉ riêng có Hồ Mỵ cười như điên dại:
- Ngươi... à không, tình lang đã từng nói nếu em chết thì chàng không sống được, bây giờ... bây giờ thì chàng thỏa nguyện rồi đấy, kể ra thì chàng cũng có lương tâm.
Dương Thừa Tổ toàn thân run bắn, hắn rống lên như lạc giọng:
- Ngươi là... là con yêu phụ, ngươi là con đàn bà lang độc.
Như một con cọp đói lâu ngày, Dương Thừa Tổ chụp lấy thanh đao của tên áo vàng vung mạnh.
Phật!
Đúng như lời tên áo vàng vừa nói, thanh đao ăn ngọt xớt, đầu của Hồ Mỵ văng lông lốc, từ cổ máu phụt ra có vòi.
Máu bắn lên như hoa cải, máu dội lên mặt, lên áo của Dương Thừa Tổ và chảy ròng ròng.
Hắn xuôi tay thở ồ ồ và đứng chết trân.
Nhưng người có mặt, từng cặp mắt lanh lùng đang xói vào mặt hắn.
Đêm thì lờ mờ, bốn phía lặng trang.
Vành môi của Dương Thừa Tổ rung rung, hắn đứng sững một hồi rồi vụt trở ngược lưỡi đao cứa mạnh vào cổ họng mình, thây hắn ngã xuống nằm chồng trên thây của Hồ Mỵ.
Bây giờ thì lão Tôn Gù mới vỡ lẽ tại sao những người lúc nãy đi bằng những bước đi cực kỳ thận trọng.
Sở dĩ họ không dám lay động thân mình là vì đồng tiền ngự trên đầu họ chỉ cần một bước chân không khéo là đồng tiền ấy sẽ rơi và như gương của Thủy Xà Hồ Mỵ và của Tiểu Bá Vương Dương Thừa Tổ, đồng tiền rơi xuống là mạng họ rơi theo.
Đó là “quy củ”.
Lão Tôn Gù nhăn mặt, quy củ chi mà ác thế?
Và quy củ của ai?
Của những kẻ áo vàng? Mà họ là ai mới được chứ?
Quyền lực của họ như thế nào mà họ tự đặt ra “quy củ” và bắt thiên hạ phải tuân theo như thế?
Họ tự đặt ra hay “quy củ” này đã có một “minh ước” hẳn hoi?
Có phải chăng vì thế mà những kẻ đã dự mình vào “minh ước” ấy phải tuân theo “quy củ”?
Lão Tôn Gù đứng gần như bất động, bao nhiêu câu hỏi cứ xoay trong óc lão nhưng câu hỏi không phải chính lão đặt ra mà do thực tế của sự việc này xảy ra trong óc lão.
Bây giờ thì lão Tôn Gù không biết nên mừng hay nên sợ.
Vì cứ theo đà này thì quán lão có đường đông khách lắm.
Đông khách thì lão sẽ thu nhiều lợi nhưng cũng cứ theo đà này, lão cũng có đường sập tiệm luôn.
Chẳng những tiệm bị sập mà luôn cả mạng già của lão cũng khó lòng bảo đảm.
Nghĩ đến quyền lợi, nghĩ đến sinh mạng lão Tôn Gù sực nhớ đến Tửu Quỷ và bất giác lão khẽ gật đầu.
Người bạn “tri kỷ” mà lão đặt nhiều tin tưởng một cách mơ hồ ấy đang gục đầu trên bàn kéo giọng cổ pho pho.
Quay về mấy chiếc bàn khác, thực tế kéo lão về ngơ ngẩn.
Gã có bớt xanh trên mặt vẫn ngồi nhắm nháp.
Không lẽ hắn điên?
Đúng theo giọng điệu của lão già “kể chuyện” thì đây quả là chuyện kinh thiên động địa, thế mà hắn cứ tỉnh bơn.
Lại không lẽ chuyện kinh thiên động địa này quá quen với hắn?
Chuyện giang hồ hiểm ác, chuyện xương khét máu tanh, chuyện giết người như ngóe tuy không phải là nhân vật võ lâm nhưng với cái nghề bán quán này, lão Tôn Gù cũng đã từng nghe người ta kể lại. Những kẻ kể chuyện như thế thường thường hay “thêm mắm dậm muối”, nghĩa là câu chuyện chỉ chừng một thì họ kể riết quá ra mười, tuy nhiên có thêm thắt cách nào cũng không ác liệt như chuyện ngay trước mắt bây giò.
Người ta có thể chẳng những không gớm tay mà lại còn hăng hái lăn xả vào nhau, băm dằm cho đến chết nhưng trong trường hợp dùng một uy quyền gì đó bắt người ta bị chết không đưọc có một cử chỉ chống lại, giông giống như trói cả tay chân lại rồi lấy đao thích huyết, giông giống như những kẻ áo vàng đối xử với những người đang cúi đầu như mèo ướt ngoài kia thì dầu quyền lực ấy có sẵn trong tay, lão Tôn Gù cũng vẫn lắc đầu.
Lão không làm được việc ấy, coi nó quá dễ dàng nhưng nó rờn rợn làm sao.
Lão từng nghe kể chuyện, những chuyện giang hồ đâm chém có thêm mắm dậm muối khá ghê rợn nhưng theo lão Tôn Gù thì vẫn không ghê rợn bằng chuyện xảy ra trước mắt lão bây giờ.
Ghê rợn vì tính chất của sự việc quá ư tàn nhẫn.
Lão Tôn Gù liếc gã mặt có bớt xanh một lần nữa: hắn vẫn điềm nhiên châm rượu.
Ngay trong lúc đó, lão già một chân vụt đứng lên.
Lão Tôn Gù không sợ vì lão có chi mà phải sợ.
Tuy nhiên nhịp thở của lão vẫn bị ngưng một thoáng, khi chiếc gậy của lão một chân chống cạch, cạch trên nền.
Có lẽ lão một chân trông giống như một hung thần, mà một khi hung thần cử động thì nhân gian bấn loạn.
Điều làm cho thiên hạ hồi hộp hơn nữa là lão một chân đứng lên mà tia mắt lão lại liếc về phía gã mặt có bớt xanh.
Cạch, cạch.
Cây gậy chống trên mặt đất phát lại âm điệu khô khốc như tiếng quỷ gọi hồn.
Gã có bớt xanh nơi mặt vẫn nâng chến uống từng ngụm nhỏ.
Lão một giò đì về phái gã và bây giờ gã ngẩng lên.
Hai người không ai nói một lời.
Lão Tôn Gù chợt nghe trái tim mình đập rộn, lão tin chắc rằng một chuyện đáng sợ nhất chắc chắc sẽ phát sinh.
Và bằng vào phong thái của gã có bớt xanh trên mặt bây giò, nếu chuyện xảy ra nhất định sẽ là kinh thiên động địa.
Nghĩ tới chuyện kinh thiên động địa, một từ ngữ được coi là “của riêng” của lão già kể chuyện trong cái quán này, bất giác lão Tôn Gù đưa mắt nhìn qua phía đó: hai ông cháu “nhà kể chuyện” vẫn cứ ngơ ngơ.
Ông thì gật gù lim dim xem chừng như sắp “cúp” còn cháu thì thao láo đôi mắt như đang chờ trò xảo thuật sắp diễn ra.
Lão Tôn Gù chợt thở ra.
Trên đời sao có những nhân vật lạ lùng.
Nhiều tay như hung thần ác quỷ, có người cứ tỉnh bơ ngồi lắng nghe men rượu, có kẻ lại ngơ ngơ ngác ngác, lại còn có tên gục đầu xuống ngáy pho pho.
Thế giới thu hẹp trong chiếc quán này bây giờ, chắc chỉ mỗi một mình lão Tôn Gù là tỉnh táo.
Lão tỉnh táo là vì lão còn quan sát nhận xét được sự việc nhưng rồi lão lại đâm tức mình, nếu lão được như những người kia, những người ngơ ngơ ngủ tuốt ấy thì lão khỏi phải phập phồng.
Liếc thấy hai người, lão một giò và tên có bớt xanh lừ mắt nhìn nhau y như là mỗi người đều có một cặp đao trong đáy mắt và họ đang soi thủng vào gan ruột đối phương.