Cửu Dung

Quyển 5 - Chương 17: Mạng lơ lửng trên dây (1)



Chuyện của Đỗ Lâm Nhược cứ vậy mà đi đến hồi kết. Trong Quỳnh Anh lâu lại khôi phục sự yên bình như dĩ vãng, yên bình đến độ đủ để những người trong cung dần dà quên mất.

Thư Vũ vẫn khuyên tôi thừa dịp Hoàng thượng đang mang lòng áy náy, thân thiết với Hoàng thượng, tiếp tục mưu cầu điều khác. Tuy rằng tôi đồng ý, nhưng chỉ cần nghĩ đến bao chuyện trước kia, lại cầm lòng không đặng mà thấy hết sức bi thương.

Cứ như vậy vài ngày trôi qua, mãi cho đến khi hoa lê trong Quỳnh Anh lâu nở ra đầy đất, ập vào mắt là cảnh tuyết trắng ào ào, hẳn là hương vị bồng bềnh xuất trần. Sáng sớm hôm ấy, tôi tâm huyết dâng trào, dậy từ tờ mờ, chạy vào trong sân ngắm hoa lê. Nhớ lại ngày xưa lúc còn ở Thẩm gia, có một ngày tuyết rơi, tôi cũng đứng trong tuyết nghe lén cuộc đối thoại của Mai Nhiêu Phi và Sầm Khê Huyền thế này. Hiện giờ nhớ lại, chuyện cũ trước kia chỉ thoáng như cơn mộng ảo.

Tôi đang suy nghĩ đến thừ người, bỗng nhiên có ai đó đứng sau lưng tôi lên tiếng: “Nhiều ngày không gặp, nàng hao gầy quá”.

Tôi nghe giọng nói đó, trong lòng khẽ run lên, quay đầu lại hành lễ: “Thần thiếp tham kiến Hoàng thượng. Hoàng thượng vạn tuế vạn tuế vạn vạn tuế”.

Hoàng thượng đỡ cánh tay tôi, dịu dàng: “Mau đứng lên đi. Dung Nhi, trẫm luôn muốn tới thăm nàng, chỉ sợ nàng… sợ nàng không chịu tha thứ cho trẫm”.

Tôi nghĩ đến những lời Thư Vũ nói với mình, hiện giờ trong cung, nếu tôi muốn tiếp tục sống sót, phải coi Hoàng thượng như bầu trời, như mặt đất, là người quan trọng nhất trong cuộc đời tôi. Tuy rằng mỗi khi nhớ đến cái chết thảm của con mình, tâm tư lại đau đớn tựa kim châm muối xát. Nhưng mà người này tự tay giết chết con ruột của mình, nỗi bi ai trong lòng chưa chắc đã kém hơn tôi.

Tôi ngoan ngoãn cúi đầu, khẽ khàng nói: “Thần thiếp đa tạ Hoàng thượng quan tâm. Thần thiếp mọi chuyện vẫn ổn, cũng chưa bao giờ dám trách móc Hoàng thượng”.

Hoàng thượng sững sờ một chút, chậm rãi nói: “Chỉ là bởi vì không dám sao? Dung Nhi, ta thật lòng hy vọng nàng có thể tha thứ cho ta”.

Tôi nhẹ nhàng gật đầu: “Hoàng thượng, việc đã qua rồi thì không cần nhắc nữa. Dung Nhi chỉ hy vọng sau này Hoàng thượng có thể tin tưởng Dung Nhi. Mọi người đều nói, tu mười năm mới có thể chung thuyền, tu trăm năm mới có thể chung chăn gối. Dung Nhi vào cung làm phi, có thể trở thành người của Hoàng thượng, không biết là đã tu mấy đời mới được. Dung Nhi nhất định sẽ hết lòng quý trọng ân tình cùng Hoàng thượng. Chỉ hy vọng… chỉ hy vọng lúc Hoàng thượng làm bất cứ chuyện gì cũng tin tưởng Dung Nhi, vậy là đủ rồi”.

Hoàng thượng nắm tay tôi, nhẹ nhàng ôm tôi vào trong lòng, nói: “Dung Nhi, nàng yên tâm đi, sau này chuyện như thế sẽ không xảy ra nữa”.

Hoa lê nở đầy cây nhởn nha bay xuống, đậu trên người Hoàng thượng và bờ vai tôi, trong khắp cõi đất trời tràn ngập hơi thở mịt mờ, tôi đột nhiên cảm thấy đáy lòng vẫn có vài phần đau đớn không tài nào xóa được.

Sau khi tôi và Hoàng thượng nối lại tình cảm, Quỳnh Anh lâu lại náo nhiệt lên. Nhưng trong một nơi lòng người hiểm ác nhường này, trái tim tôi từ đó trở đi rét lạnh như nước.

Đúng lúc này, triều thần Diệp Chiêu Ly bị gian thần hãm hại, lâm vào cảnh tịch biên xử trảm, chỉ để lại một cô con gái nhỏ. Tôi trong lúc vô tình biết chuyện, liền phái người giúp khâm liệm an táng Diệp Chiêu Ly, rồi đón cô bé kia vào cung, nhận làm nghĩa nữ. Vừa để giữ được tính mạng cho cô bé, vừa để an ủi nỗi đau mất con. Việc này vốn không hợp lý, song Hoàng thượng thương tình nỗi đau mất con của tôi, cũng để tùy ý tôi.

Bé gái kia mới tám tuổi, tên là Diệp Phiên Phiên. Mấy người Minh Nguyệt Hân Nhi, Thư Vũ thấy cô bé đều rất yêu quý. Diệp Phiên Phiên cũng không lạ lẫm gì các nàng. Vậy là chẳng bao lâu sau, Diệp Phiên Phiên đã giống như một thành viên không thể tách rời của chúng tôi.

Cứ như vậy lại vài ngày nữa trôi qua, hết thảy đều rất yên ổn. Tôi đã nghĩ rằng những ngày trong cung hóa ra cũng có lúc bình lặng như vậy, thì bỗng nhiên lại xảy ta một chuyện lớn không thể tưởng tượng được.

Một hôm, Thái hậu bỗng nhiên hạ chiếu truyền tôi đến Trường An cung, nói rõ không được mang cung nữ. Trước đây tôi đã từng gặp thái hậu vài lần, chỉ cảm thấy bà ta là một bà lão ôn hòa, cũng không sợ bà ta.

Tôi theo sau thái giám truyền kiệu, một mạch đi đến Trường An cung. Hoàng thái hậu ngồi trên chính điện, tinh thần thoạt nhìn không quá tốt, nhưng uy nghiêm lại càng nổi bật.

Tôi vội vàng vấn an: “Nô tỳ thỉnh an Hoàng thái hậu. Cung chúc Thái hậu nương nương thiên tuế thiên tuế thiên thiên tuế”.

Ánh mắt Hoàng thái hậu tựa như kiếm sắc nhìn chằm chằm vào tôi, cũng không cho tôi đứng dậy. Sau một lúc lâu, bà ta mới dùng ngữ điệu rất trầm thấp nói: “Dung phi, hoàng nhi của ai gia không đồng lòng với ai gia, ngươi bảo ai gia sao có thể thiên tuế thiên thiên tuế đây?”.

Tôi cố tình ra vẻ như không biết Hoàng thái hậu đang nói chuyện gì, không đáp câu nào. Loại chuyện này, nói nhiều sai nhiều, nói ít sai ít, ngược lại, chẳng bằng không nói thì hơn.

Hoàng thái hậu lại ép hỏi: “Dung phi, ngươi có biết hôm nay ai gia cho truyền ngươi là vì chuyện gì không?”.

Tôi thấp giọng đáp: “Nô tỳ không biết”.

Hoàng thái hậu cười nhạt: “Được, giờ ai gia sẽ cho ngươi biết. Dung phi, đến hôm nay ai gia mới nghe nói về tư tình giữa ngươi và Tiết vương gia từ chỗ Minh Huệ. Thì ra ngươi là do y phái vào cung để mê hoặc Hoàng thượng. Nếu một ngày nào đó, ai gia già lão này không còn nữa, ngươi và Tiết Hi Kiếm nội ứng ngoại hợp, muốn đoạt giang sơn từ tay hoàng nhi của ta chẳng phải là dễ như trở bàn tay sao?”.

Sắc mặt tôi thay đổi, cả kinh nói: “Xin Thái hậu nương nương minh giám, trước khi nô tỳ vào cung chẳng qua chỉ quen biết Tiết vương gia mà thôi, còn lại không có chuyện gì nữa”.

“Minh giám?” Hoàng thái hậu chậm rãi nói: “Lãnh Cửu Dung, ngươi đừng tưởng rằng cũng giống như ở trước mặt Hoàng thượng, giở thủ đoạn vặt này ra là ai gia sẽ nghe theo ngươi. Ai gia không ngốc đến mức mặc cho ngươi giở thủ đoạn. Ai gia cứ nói thế này với ngươi, nếu ngươi bị oan, ai gia sẽ nói lời xin lỗi. Nhưng bất kể thế nào, hôm nay ngươi vẫn phải chết”.

Tôi từ từ ngẩng đầu lên, cũng nhìn chằm chằm vào Thái hậu, nói: “Vì sao nô tỳ phải chết? Xin Thái hậu nương nương hãy định tội danh cho nô tỳ đi. Nô tỳ mê hoặc Hoàng thượng hay là có tư tình với Tiết vương gia? Nếu Thái hậu nương nương có chứng cớ, xin hãy lấy ra, Cửu Dung sẵn lòng nhận lấy cái chết. Nhưng nếu Thái hậu nương nương không có chứng cớ, cứ thế giết chết Cửu Dung, truyền ra ngoài không sợ làm trò cười cho người trong thiên hạ ư?”.

Hoàng thái hậu dường như không thể ngờ tôi lại dám tranh cãi với bà ta như vậy, bà ta hờn giận nói: “Được rồi, cho dù là ai gia không có chứng cứ, nhưng hôm nay ngươi vẫn phải chết. Nếu ngươi không chết thì dẫu ai gia có chết cũng chết không nhắm mắt. Vì năm xưa Hoàng thượng nghe có người tiên đoán ngươi sẽ thành mẫu nghi thiên hạ nên mới lấy ngươi vào cung. Hiện giờ ta nghĩ lại, tựa như ngươi và Hi Kiếm đã sắp đặt sẵn rồi. Đến nước này, lời đã nói ra, vậy thì ai gia cũng không ngại nói cho ngươi biết, không chỉ là ngươi phải chết, mà kể cả Tiết Hi Kiếm cũng phải chết”.

Tôi thầm thở dài, biết nói gì cũng vô ích. Tiết vương gia vốn không có lòng mưu phản, điều này thì tôi biết. Mặc dù Hoàng thượng có phần nửa tin nửa ngờ, song vẫn niệm tình huynh đệ, nhưng mà Hoàng thái hậu vốn coi Tiết vương gia như cái đinh trong mắt, cái gai trong thịt, bà ta hận không thể diệt sạch tận gốc Tiết vương gia. Tuổi tác Hoàng thái hậu đã khá cao, bà ta sợ nếu sau này bà ta trăm tuổi quy tiên, Tiết vương gia sẽ làm ra chuyện bất lợi với Hoàng thượng. Nói cách khác, từ đầu chí cuối, căn bản chính là trong lòng Hoàng thái hậu có quỷ, bởi vì ngôi vị hoàng đế này vốn là của Tiết vương gia. Hoàng thái hậu phò trợ nhi tử của mình lên ngôi, đoạt vương vị của Tiết vương gia, trong nội tâm khó tránh khỏi sợ hãi bất an, e một ngày nào đó Tiết vương gia sẽ cướp lại vương vị.

Kế sách hiện giờ, tôi chỉ có thể kéo dài thời gian, biết đâu Thư Vũ thông minh, có thể đưa Hoàng thượng đến.

Tôi cố tình nói: “Hoàng thái hậu, đây gọi là đã muốn vu lấy tội, chẳng sợ thiếu lý do. Nếu Hoàng thượng biết người làm như vậy, sẽ nghĩ thế nào?”.

“Hoàng thượng?” Hoàng thái hậu tựa như đã dự tính trước, nói: “Ai gia biết Hoàng thượng vô cùng sủng ái ngươi, tuy vậy phi tử Hoàng thượng sủng ái không phải chỉ có mình ngươi. Hơn nữa hậu cung vô thịnh sủng, sủng ái của ai cũng không lâu dài được. Trong hậu cung có nhiều phi tần như vậy, chết đi một người thì Hoàng thượng sẽ sủng ái người khác. Chẳng có lẽ Hoàng thượng lại vì cái chết của một phi tử mà gây sự với mẹ ruột mình? Phải rồi, Lãnh Cửu Dung, ai gia quên nói cho ngươi biết, nếu ngươi vọng tưởng kéo dài thời gian chờ Hoàng thượng đến cứu thì không có khả năng đâu. Bởi vì Hoàng thượng vừa bãi triều là đã được Vệ thủ phú mời đến phủ đệ của lão để dự tiệc thành thân con trai lão rồi”.

Sắc mặt tôi cũng lạnh như băng sương, nhìn Hoàng thái hậu chăm chú, bình tĩnh nói: “Đó hiển nhiên cũng do Hoàng thái hậu an bài phải không? Vì muốn giết nô tỳ mà Thái hậu người có thể nói là hao tổn tâm tư quá”.

“Không cần nhiều lời, người đâu, đưa đồ ai gia cần lên đây”. Hoàng thái hậu khí thế uy nghiêm nói.

Lập tức, có thái giám dâng hai món đồ lên. Hai thứ đồ kia, một là một dải lụa trắng, thứ còn lại, là một bình rượu độc.

Hoàng thái hậu nói: “Lãnh Cửu Dung, ai gia niệm tình ngươi và Hoàng thượng trước sau gì cũng là phu thê một hồi, ai gia cho phép ngươi chết toàn thây. Hai món đồ này, ngươi có thể tùy ý chọn một”.

TruyenFull.com đổi tên miền thành TruyenFull.tv