Nói một chút về gia đình tôi nhé!
Tôi là một cô gái trẻ hai mươi lăm tuổi, cái tuổi đang mơn mởn phơi phới xuân xanh. Nhưng thằng em trai của tôi lại rất giỏi làm người chị ruột này tức giận, nó luôn gọi tôi là “bà chị già”, thậm trí là “bà chị ế”. Cũng không trách được nó, ai bảo đến tầm tuổi này rồi mà tôi vẫn còn chưa có nổi một mối tình vắt vai. Người bố hiền lành của tôi hay an ủi:
“Không sao An Khuê ạ, chậm mà chắc, đi từ từ mà vững. Dù ai nói ngả nói nghiêng, lòng con cũng phải vững như kiềng ba chân biết chưa?”
Nghe xong, mẹ đại nhân dùng ánh mắt như núi lửa phun trào lườm bố một cái. Giọng nói đầy uy quyền phản đối:
“Không được, An Khuê nhà ta cũng là con gái. Mà con gái có thì. Lỡ qua tuổi đẹp nhất rồi còn ai dòm ngó nữa… Đừng nghe bố con xui dại. Phận đàn bà như chúng ta thiệt lắm con ơi!”
Mẹ lại bắt đầu cái bài “trường ca tẩy não” tôi đấy! Về vấn đề nan giải này, ngoài mặt tôi cố tỏ ra đồng quan điểm với mẹ. Nhưng lại khắc sâu trong lòng lời dặn của bố. Như thế mới vẹn toàn đôi đường, không làm phật lòng ai, cả nhà lại hòa thuận êm ấm. Tôi như vậy cũng được coi là một đứa con hiếu thảo rồi?
Điều tự hào nhất của tôi chính là có một thằng em “rất biết nghe lời” chị gái. Chỉ cần có một chút gì đó hối lộ thì y như rằng, nó từ một ông cụ non liền biến hình siêu tốc thành một “nô lệ đồng tiền” chính hiệu. Về quan điểm “mê tiền hơn mê tất cả, ngoài tiền ra cũng chỉ có vàng và kim cương” này chắc là cả hai chị em tôi đều được hưởng gen trội từ mẹ. Chẳng thế mà người ta hay nói “Mẹ nào con nấy” là như vậy đó. Còn bố tôi là một công chức trung thực, thẳng thắn, hiền lành, tốt bụng… Coi tiền chỉ là “giấy”, không màng hư vinh. Chẳng thế mà lương tháng công chức chỉ có vỏn vẹn vài triệu bạc lẻ cũng cống nộp hết cho mẹ đại nhân. Thi thoảng có giấu diếm một chút ít gọi là, có tiền uống trà đọc báo với mấy người bạn già trong cùng cơ quan. Rồi nhiều khi cũng lén lút, bớt một thêm chút ít đưa cho em trai của tôi làm tiền tiêu xài thêm. Nó kém tôi năm tuổi, vẫn còn là một cậu sinh viên bé nhỏ. Nhưng rất có chí lớn, chắc tại học chuyên ngành kinh tế nên đầu óc lúc nào cũng nghĩ ra những chiến dịch kiếm tiền bá đạo. Tuy nhiên cũng có nhiều thiệt thòi, theo như điều tra vui thì có khoảng 60% con gái nói sẽ không “làm quen” với con trai học các khối ngành kinh tế. Thành ra đến giờ nó cũng vẫn “ế chỏng, ế chơ” như tôi! Nhưng mà nó cũng có lí do của nó, đích thị chính là triết lý của dân FA:
“Trai có tiền thì giữ được gái có sắc. Trai có tình thì giữ được gái có tâm. Em đây chưa có tiền, cũng chưa có tình nên chưa muốn có bạn gái thôi, bà chị già ạ!”
Nghe nó nói xong, tôi không những không phản đối còn xoa xoa đầu nó, đồng tình bồi thêm một chân lý khác của dân FA:
“Đúng, đúng. Muốn ngủ ngon thì đừng lấy vợ. Muốn không nợ thì đừng có yêu. Muốn cao siêu thì đừng dại gái. Muốn thoải mái thì cứ FA. Chúc cho em trai ngoan của chị FA đến mãn kiếp luôn nhé!”
Sau khi hí hửng phán xong chân lý, tôi hài lòng nhìn nhìn đứa em trai ngoan của mình. Bất ngờ bị dính một đòn đánh xuống đầu của mẹ đại nhân tấn công từ đằng sau. Tôi không hề hay biết bà xuất hiện từ bao giờ, chính thức chen chân vào đề tài bàn luận của hai chị em. Vẫn là giọng nói đầy quyền uy vang lên mà không ai có thể phản kháng lại được:
“Con bé này, sao lại xui dại em trai mình như thế. Nó còn nhỏ, chưa hiểu chuyện. Nhưng mà đối với An Huy nhà chúng ta thì đúng là lấy vợ muộn một chút cũng không sao. Con trai mà, phải đặt sự nghiệp lên hàng đầu. Còn cô đó, tôi phải nhanh nhanh tống cô ra khỏi cái nhà này thôi. Người ta nói con gái lớn như quả bom nổ chậm trong nhà.”
“Ha ha. Mẹ là nhất!”
Đứa em trai ngoan ngoãn của tôi phá lên cười nắc nẻ sau khi nghe xong tuyên bố của mẹ đại nhân. Hả hê đến thế sao? Còn tôi thì xị mặt xuống như quả bóng bị xì hơi, cố bày ra vẻ mặt đáng thương nhất, tội nghiệp nhất nhìn mẹ:
“Thật là bất công… Mẹ thiên vị.”
“Thôi, không nói nhiều nữa. Theo mẹ ra ngoài này, mẹ có chuyện muốn nói.”
Mẹ đi thẳng ra phòng khách, tôi lững thững theo sau. Lên dây cót sẵn sàng để nghe mệnh lệnh của mẹ đại nhân bất cứ lúc nào! Cái gì chứ, làm một đứa con ngoan chính là ưu điểm tốt nhất của tôi. Chẳng thế mà tôi có một đoạn lịch sử cuộc đời hết sức huy hoàng: “Lúc còn nhỏ, mẹ bảo tôi nếu bị đi lạc cứ đứng yên ở chỗ đấy đừng đi đâu, mẹ sẽ tìm thấy. Tôi rất nghe lời mẹ, một ngày rồi vẫn đứng đấy, thi thoảng có vài chú cảnh sát muốn đưa tôi về đồn để giúp nhưng tôi ngoan lắm, nghe lời mẹ!”
Sau lần đó, tôi vẫn cứ ngoan ngoãn nghe theo lời mẹ như thế. Mẹ bảo đi hướng Đông liền sẽ không dám đi hướng Tây. Với lại, tôi cũng không thể phân biệt được Đông, Tây, Nam, Bắc mà! Nếu đi về hướng ngược lại chắc chắn sẽ đi lạc. Tốt nhất vẫn là nên nghe theo lời của mẹ đại nhân. Chẳng có người mẹ nào lại chỉ sai bước đường đi cho con mình. Nghe theo mẹ chính là chân lý, cả chuyện tiếp theo đây mẹ sắp nói dù đúng dù sai cũng là chân lý. Tôi sẽ nhất nhất nghe lời mẹ!
“An Khuê này, mẹ có một tin vui và một tin buồn. Con muốn nghe tin nào trước đây hả?”
“Mẹ cứ nói tin vui đi ạ… Còn tin buồn có thể không nói cũng được!”
Tôi trả lời ngay không chút chần chừ. Vẻ mặt hớn hở chờ đợi tin vui từ mẹ. Đối với phản ứng này của tôi, mẹ đại nhân cũng không còn lạ gì nữa. Trực tiếp cầm lấy tay tôi vui vẻ thông báo:
“Công ty nhà bác Phúc đang tuyển trợ lý giám đốc đó. Con học về quan hệ quốc tế, thử đến đó phỏng vấn xem sao? Bác Phúc cũng quý con lắm, tỷ lệ phỏng vấn thành công chắc chắn sẽ cao. Để mẹ sang nhờ bác Phúc một tiếng nhé!”
Tôi trợn to mắt ngạc nhiên nhìn vào gương mặt phóng đại của mẹ gần trong gang tấc. Đôi mắt tinh quái tỏ vẻ bí hiểm, dùng giọng điệu chậm rãi hỏi lại:
“Sao, mẹ, biết, hay, vậy?”
Mẹ cũng diễn xuất hùa theo, thì thầm vào tai tôi:
“Tối qua, lúc nói chuyện với thằng bé đẹp trai hàng xóm. Mẹ moi được đó.”
“Mẹ nha, mẹ nha… E hèm, mà mẹ phải tin tưởng con gái mẹ chứ. Con ít nhất cũng làm vị trí này ở vài công ty rồi, vốn kinh nghiệm vô cùng phong phú dày dặn, còn cần phải lo không đánh bại được cái đối thủ khác sao ạ? Mẹ cứ đặt niềm tin vào thực lực của con.”
Tôi bỗng ưỡn ngực, thẳng lưng, hừng hực khí thế tuyên bố khiến mẹ đại nhân cũng phải ngạc nhiên thán phục. Gương mặt hiền lành của bà nhìn tôi ánh lên niềm tự hào. Nhưng chưa được ba giây, lại bị câu nói vế sau của tôi làm cho choáng váng:
“Nhưng mà mẹ này, nếu nhờ được bác Phúc vẫn tốt hơn nhỉ?”
“…”
Thấy mẹ im lặng nhìn tôi không nói gì, ấn đường như xuất hiện vài vạch đen. Tôi lại lên tiếng xin cố vấn của mẹ. Đã nói rồi, tôi là đứa con ngoan ngoãn, luôn luôn nghe lời mẹ đại nhân mà!
“Mẹ có cao kiến gì khác không ạ?”
“Không đâu, chuyện này cứ để mẹ lo. Sáng mai con yên tâm đến đó phỏng vấn là được rồi!”
“Mẹ đúng là nhất. Khà khà.”
Tôi và mẹ cùng cười cười rồi đường ai nấy đi. Nhìn thấy mẹ đi thẳng vào trong bếp, tôi nghĩ chắc lại chuẩn làm món bánh gì đó mang sang biếu nhà bác Phúc đây mà. Tôi cũng vui vẻ đi lên phòng của mình, phải chuẩn bị một chút mới được.
Đối với vấn đề “đi cửa sau” của hai mẹ con tôi cũng là bình thường như cân đường hộp sữa trong cái xã hội hiện đại. Thực ra, kinh nghiệm làm việc của tôi cũng phong phú lắm đó. Tính từ khi ra trường, chỉ trong ba năm tôi cũng đã chạy nhảy gần đến sáu, bảy cái công ty. Không hiểu sao mỗi chỗ tôi chỉ làm được một, hai tháng. Kỉ lục đi làm lâu nhất của tôi chính là năm tháng trong một công ty kinh doanh về lĩnh vực bất động sản. Mà lí do tôi bị đá đít khỏi các công ty cũ chính là “đi muộn” quá nhiều lần. Không phải tôi lười biếng, ngủ nướng hay không thể dậy đi làm đúng giờ như người ta. Mà do chứng bệnh “mù đường” hại tôi thê thảm. Tôi nhớ lần gần đây nhất, chỉ vì muốn lấy lòng sếp mà xin nhận nhiệm vụ quan trọng là chuẩn bị tài liệu cho cuộc họp vào sáng đầu tuần. Tối hôm đó trước khi đi ngủ, tôi đã kiểm tra lại rất kĩ tài liệu. Sáng cũng thức dậy rất sớm để không bị muộn giờ làm. Nhưng cứ hễ tôi chú tâm vào một việc gì đó thì lại quên béng mất đường đi. Vì thế mà mới ra khỏi cửa tôi liền ung dung phóng xe đi về hướng ngược lại đường đến công ty, chẳng màng suy nghĩ gì. Cho đến khi chiếc xe lạc vào những “cung đường” xa lắc xa lơ, toàn đường là đường tôi mới biết mình lại đi lạc rồi! Xui xẻo thế nào lại chọn nhầm người để hỏi đường:
“Anh ơi, cho hỏi muốn đến công ty TNHH Hưng Thịnh thì phải đi đường nào ạ?”
Chàng trai trẻ được tôi hỏi đến ngớ người vài giây rồi mỉm cười nhiệt tình chỉ đường:
“Thế thì cô đang đi ngược rồi! Bây giờ cô phải đi về hướng Bắc 10m, rồi đi về hướng Tây 20m, gặp cái đèn xanh đèn đỏ thứ hai rẽ trái? Tiếp tục đi thẳng về hướng Nam thấy cái ngã ba đầu tiên rẽ phải. Đến rồi đó.”
Mặt tôi nghệt ra nhìn người trước mặt múa máy tay chân một hồi vẫn không hiểu gì… Nhưng phải công nhận chàng thanh niên trẻ này đúng là rất nhiệt tình, anh ta chỉ đường vanh vách như kiểu học thuộc lòng vậy. Tôi lại hay tin người, thầm nghĩ chắc mình nhất định đã hỏi đúng người. Chỉ là vẫn chưa hiểu Đông, Tây, Nam, Bắc phải đi như thế nào nên mới thắc mắc:
“Anh ơi, tại sao lại cứ phải dùng Đông, Tây, Nam, Bắc? Cứ nói trái phải trước sau có nhanh hơn không?”
“Sao vậy? Có cái gì không đúng à?”
“Hì hì, thật ngại quá. Thực ra tôi không phân biệt được Đông, Tây, Nam, Bắc.”
“Vậy tôi dạy cô, một câu “Tây trái Đông phải, Bắc trên Nam dưới” có thể dùng cả đời.”
Đối phương mỉm cười nhìn tôi, trả lời ngắn gọn xúc tích rồi đi thẳng không một lần ngoảnh lại. Còn tôi, tất nhiên vẫn cứ đứng đó phân tích câu nói của người ta. Và thế là buổi hôm đó tôi đến muộn, và thế là sếp sa thải tôi, và thế là tôi lại trở về làm công dân ăn bám gia đình mới sau hơn một tháng thử việc trong công ty. Từ đó, ra đường tôi không còn dám hỏi đường ai nữa. Chỉ rút điện thoại gọi về cho người thân đến đón là nhanh nhất.
Ôi chao, nói đến lịch sử lạc đường của tôi thì còn phong phú lắm. Không thể vài ba câu chữ mà kể hết được. Hiện tại tôi chỉ có một mong ước giản dị đó là: Ngày mai có thể thuận lợi đến đúng giờ phỏng vẩn, sau đó lại thuận lợi phỏng vấn, và cuối cùng là thuận lợi qua phỏng vấn. Như thế là có thể viên mãn được rồi!