Cô Tinh Hiệp Lữ

Chương 4: Hải Thiên bí lục



Bùi Khương, kể từ lúc chàng rời Phi Long tiêu cục để đi lập nghiệp, cầu tài, biết bao tai biến, vui buồn đã xảy ra. Giờ đây Bùi Khương đã trở thành một tên tắm ngựa ở một tửu điếm sang trọng. Vì chăm sóc và tắm ngựa cẩn thận, ai cho bao nhiêu cũng được nên mọi người đều thích giao ngựa cho Bùi Khương chăm sóc, thế cho nên cuộc sống của chàng thiếu niên đỡ vất vả hơn.

Ngày ngày lo đón khách để chăm sóc ngựa, đêm đêm Bùi Khương ngủ ở dưới hàng hiên tửu quán. Hành trang duy nhất của cậu bé là hai cuốn sách còn sót lại trong bao tiền mà những tên đoạt ngựa đã bỏ sót lại, sau khi dốc hết tiền của cậu ta.

Mặc dù Bùi Khương chưa hề đọc bộ sách lần nào, tuy nhiên chàng ta vẫn giữ kỹ lưỡng bên mình. Những buổi sáng Bùi Khương không quên việc luyện tập quyền pháp “Đại Hùng quyền” đã học ở Phi Long tiêu cục.

Tiết trời cuối Xuân, gần vào Hạ nhưng trời đã hơi oi ả, nóng nực. Một hôm Bùi Khương đang ngồi chờ khách ở trước tửu quán, bỗng chàng thấy một lão nhân, tay cầm cương dẫn một con ngựa đã già và một cô gái vào khoảng mười bảy hay mười tám tuổi đến trước khách điếm. Tưởng khách vào nghỉ chân, Bùi Khương định chạy lại giữ ngựa, nhưng lão nhân và một cô gái đó là hai khách sơn đông mãi võ.

Lão nhân đánh phèng la để kêu gọi, mời mọc khách xem, cô giái mười bảy hay mười tám tuổi thì đang biểu diễn múa đao. Cô gái vừa đẹp, thân hình lại vừa dịu dàng lơi lả theo đường đao, khiến Bùi Khương đứng nhìn ngẩn ngơ.

Cô gái và lão nhân mãi võ, thấy người đến xem đông thì lộ vẻ mừng, nhưng tiền thu thì chẳng được bao nhiêu, vả lại trời cũng đã sẩm tối, nên họ thu dọn đồ đạc để nghỉ ngơi. Cô gái nhìn số tiền vừa thu được, khẽ thở dài rồi tiếp tay lão nhân thu dọn đồ nghề.

Khi đồ đạc đã cất đặt xong, hai người định vào tửu quán thì Bùi Khương đã chạy ngay lại tỏ dấu xin được săn sóc cho ngựa.

Lão nhân mỉm cười lắc đầu, thì Bùi Khương đã ngồi xuống đất viết ba chữ :

- Không lấy tiền!

Buổi sáng hôm sau, như thường lệ, Bùi Khương đang luyện quyền, thì lão nhân mãi võ cũng đã thức dậy và đứng bên cửa sổ nhìn chàng. Thấy Bùi Khương chăm chú, mặt mày lại sáng sủa nên lão bước ra tiến lại phía chàng. Bùi Khương đang luyện võ vội ngừng tay, thì lão nhân đã viết xuống đất mấy chữ :

- Cậu cũng biết võ công à?

Bùi Khương viết đáp :

- Tôi chỉ biết chút thôi.

Lão nhân gật đầu viết tiếp :

- Hình như cậu không có gia đình.

Bùi Khương gật đầu không đáp.

Lão mãi võ lại tiếp :

- Có muốn theo tôi đi khắp giang hồ, với nghề mãi võ không?

Bùi Khương nghe hỏi thì mừng rỡ vô cùng, vì dù sao nghề này cũng vẫn hơn nghề tắm ngựa của chàng nhiều. Hơn nữa lại được đi đây đi đó, theo ước nguyện của kẻ làm trai, rồi không ngần ngại, Bùi Khương tỏ ý ưng thuận một cách vui vẻ.

Lão mãi võ sơn đông thấy chàng chấp thuận, thì cũng vui vẻ khôn cùng, có một người giúp việc khỏe mạnh như Bùi Khương thì cha con lão mãi võ sẽ đỡ vất vả hơn.

Vậy là từ hôm đó, Bùi Khương đã là người giúp việc cho lão sơn đông mãi võ, cách phục sức của chàng cũng thay đổi hơn so với lúc còn đi tắm ngựa ở tửu quán. Thỉnh thoảng chàng cũng giúp phần biểu diễn, múa đao múa quyền.

Lão nhân mãi võ tên là Hoa Đao Tôn Ban và con gái ông là Tôn Cẩm Bình.

Cả hai đều đối đãi với Bùi Khương như là người thân. Đêm đêm Bùi Khương thường ngủ cạnh lão Tôn Ban, tuy không chuyện trò được nhưng họ cũng thấy an ủi rất nhiều.

Cuộc sống bình thản của Bùi Khương lúc sống chung với lão Hoa Đao Tôn Ban, nhưng đôi khi chàng cũng thầm nhớ thương về Phi Long tiêu cục và Tổng tiêu đầu Đàm Minh cùng con gái của ông ta, nhưng rồi Bùi Khương cũng xua đuổi ngay ảo vọng trở về cũng Đàm Tiểu Kỳ, mà vui sống với cảnh hiện tại.

Bùi Khương nhập đoàn mãi võ đi khắp đó đây, các thị trấn ở miền Giang Nam, Bùi Khương đã được đi qua. Một hôm Bùi Khương cùng cha con của Hoa Đao Tôn Ban đi đến Long Đàm thì trời đang đổ mưa. Không thể biểu diễn làm ăn gì được nên mọi người vội vào khách điếm để nghỉ chân.

Suốt một ngày trời đổ mưa, mãi đến gần tối mới dứt hẳn. Bùi Khương cùng mọi người cũng đã nằm ngủ trong phòng. Đến nửa đêm, Bùi Khương chợt giật mình thức giấc, không thấy lão Hoa Đao Tôn Ban bên cạnh, chàng lấy làm lạ, vội đi ra ngoài đứng chờ. Một hồi lâu vẫn không thấy ông lão đâu. Bùi Khương vội đi ra ngoài rào đứng nhìn, Bùi Khương lấy làm lạ không hiểu lão Tôn Ban đi đâu?

Nếu có việc phải đi ngoài thì cũng không đến nỗi đi lâu như thế.

Sốt ruột, Bùi Khương vội nhảy lên bờ rào để quan sát chung quanh, chàng giật mình khi thấy Hoa Đao Tôn Ban đang cầm đao thép sáng loáng, chống cự cùng hai người, một lão lùn sử dụng đôi phán quan bút cùng một người gầy ốm, trên mặt có một vết thẹo dài, tay dùng kiếm để đối địch.

Hoa Đao Tôn Ban vũ động đao pháp, sử dụng chiêu “Ngủ Hổ Đoạn Môn đao” vừa bảo vệ toàn thân, vừa bất thần công địch. Đao pháp của Tôn Ban vừa nhanh vừa đẹp và vừa độc hiểm, nên nhứt thời hai kẻ thù chưa làm gì được.

Người sử dụng kiếm đột nhiên cười gằn và nói :

- Đã mười năm rồi, võ công của họ Tôn cũng đã tiến bộ hơn xưa. Nay gặp Trình Anh này thì máu của lão phải rơi xuống thì ta mới hả lòng.

Lão lùn là Đoạt Mạng Tam Tràng liền tiếp lời :

- Không ngờ Đoạn Hồn Đao giết người rồi lại lo lẩn trốn như chuột, ngươi phải đền mạng cho nhị ca ta mới được.

Hai người này là hai trong Hoài Dương tam sát, một tên đã bị Hoa Đao Tôn Ban giết chết, và hai tên còn lại hôm nay định giết Tôn Ban để trả thù.

Biết Hoa Đao Tôn Ban đang gặp kẻ thù, nhưng Bùi Khương chỉ là một tên tầm thường nên chẳng biết làm sao để giúp lão ta được. Cứ như tình hình chàng thấy, Bùi Khương cũng đoán hiểu lờ mờ có lẽ Hoa Đao Tôn Ban cũng là một cao thủ trong võ lâm, sở dĩ lão cải trang làm một sơn đông mãi võ, chẳng qua là để lánh mặt kẻ thù đó thôi.

Hai bên đang lời qua tiếng lại, và lựa miếng để công nhau, bất thình lình từ đâu phóng tới mấy điểm tinh quang tấn công Trình Anh và phán quan bút Đoạt Mạng Tam Tràng.

Không chậm trễ, cả hai vội vung kiếm và bút quan lên chống đỡ ám khí, rồi hét to :

- Tên chuột nhắt nào dám ám toán lão gia đó?

Lời nói của họ vừa dứt thì từ trong đã phóng ra một người con gái, với thân pháp như yến lượn.

Bùi Khương kêu thầm: “Ồ! Tôn Cẩm Bình.”

Bùi Khương không ngờ Tôn Cẩm Bình lại có một thân pháp nhanh nhẹn như thế. So với những lúc nàng biểu diễn thì hơn thập bội.

Trình Anh, lão gầy ốm vừa trông thấy Tôn Cẩm Bình, liền cười gằn nói :

- Thì ra là Tôn cô nương.

Vừa nói, lão vừa vung kiếm tấn công Tôn Cẩm Bình tới tấp. Tôn Cẩm Bình sử dụng Liễu Diệp đao có phần kém thế trước lối tấn công lợi hại của Trình Anh.

Về phía Hoa Đao Tôn Ban đấu với Đoạt Mạng Tam Tràng qua mấy chục chiêu thì đôi Phán Quan bút của Đoạt Mạng Tam Tràng từ từ kém linh hoạt dần.

Thừa thắng, Hoa Đao Tôn Ban vung đao vun vút chém trúng vai Đoạt Mạng Tam Tràng làm đối phương phải buông rơi một phán quan bút. Hoa Đao Tôn Ban nào để cho đối thủ kịp trở tay, ông tung sang tấn công vào thượng tam lộ của Trình Anh, đồng thời quát bảo :

- Cẩm Bình lui ra, để y cho cha.

Tôn Cẩm Bình không đáp, vội lùi lại quan sát trận đấu và thừa dịp vung Thiết Liên Tử tấn công đối phương.

Qua vài chiêu, Trình Anh có vẻ kém thế trước hai cha con họ Tôn. Vai và lưng của Trình Anh đều bị trúng Thiết Liên Tử của Tôn Cẩm Bình. Trong lúc Trình Anh vừa xuất chiêu “Tiêu Liên Chuyển Phong” mới được nửa vòng, thì đã bị một đao của Tôn Ban chém trúng vào đùi trái và lãnh thêm mấy thiết liên tử ngã quỵ luôn.

Hoa Đao Tôn Ban hạ xong kẻ thù, biết y khó mà sống được, liền gọi Tôn Cẩm Bình và bảo :

- Bình nhi, hãy nhặt hết Thiết Liên Tử và chúng ta phải khởi hành ngay trước khi trời sáng.

Tôn Cẩm Bình chẳng dám chậm trễ, vội đốt đèn nhặt hết Thiết Liên Tử để giấu hành tung.

Lúc bấy giờ Bùi Khương mới nhảy xuống, chạy lại gần hai người tỏ ý vui mừng.

Hoa Đao Tôn Ban thoáng cau mày, nhưng rồi lão lại vui ngay vì Bùi Khương chỉ là một tên câm và điếc thì chuyện đêm nay chàng ta cũng chẳng hiểu được gì.

Lão Tôn Ban nắm tay Bùi Khương kéo trở vào phòng, mọi người thu xếp hành trang một cách vội vã và đi ngay. Đến lúc trời sáng tỏ thì Bùi Khương và mọi người đã đi đến chân núi.

Ngọn núi này ở giữa hai lối đi Trấn Giang và Giang Linh nên khách bộ hành cũng khá đông. Trên đường đi cũng có nhiều tửu quán nhỏ bên đường.

Hoa Đao Tôn Ban quan sát một vòng, rồi đưa mọi người vào một quán mì để ăn sáng. Mọi người vào quán, thì bên trong chưa có một thực khách nào. Tôn Ban hài lòng lắm vội gọi thức ăn cho mọi người.

Trong lúc cả ba đang ăn mì, thì có hai thực khách đang dừng ngựa trước tửu quán để vào trong. Một người gầy cao, hai mắt sâu để lộ hai thái dương huyệt gồ cao, mới nhìn ai cũng biết y là một tay nội công thâm hậu. Và một người nữa thì lại mập phì, thật là tương phản với bạn. Lưng người mập đeo một túi da mà người trong võ lâm đều hiểu rằng túi da đó chứa đựng nhiều ám khí. Và người này là một tay chuyên sử dụng ám khí.

Hai người khách mới đến gọi mì và rượu. Bùi Khương quay người lại nhìn thì hai người kia cũng đang nhìn chàng. Nhãn tuyến của Bùi Khương bắt gặp bốn đôi mắt sáng như điện của hai lão khách, chàng giật mình vội vã quay người đi.

Trong lúc lúng túng, chàng đánh rơi túi vải của chàng để cạnh. Vì lúc sáng đi lật đật nên Bùi Khương không buộc kỹ, nên lúc vừa rơi xuống đất đã đổ tung ra.

Hành lý của chàng đủ cả trong đó, có hai tập sách mỏng là làm cho hai khách nhân chú ý hơn cả.

Hai người vừa trông thấy bộ sách của Bùi Khương, mặt liền đổi sắc, nhưng họ cố giữ vẻ thản nhiên vội lại nhặt giúp đồ đạc cho Bùi Khương. Lão mập lùn định đưa tay nhặt hộ bộ sách nhưng Bùi Khương đã nhanh tay nhặt trước, chàng mỉm cười tỏ vẻ cám ơn hai người. Lão mập nhìn Bùi Khương rồi hỏi :

- Thiếu hiệp, có thể cho mượn cuốn sách để xem qua được không?

Bùi Khương không biết y đang nói gì, chàng chỉ mở mắt nhìn chứ không đáp.

Tôn Cẩm Bình thấy vậy vội nói đỡ lời :

- Xin ông đừng nói chuyện với y, vì y bị câm và điếc đấy.

Lão mập phệ quay sang Tôn Cẩm Bình nói :

- Cô nương, nhờ cô hỏi giúp hai cuốn sách này vị thiếu hiệp có bán không?

Tôn Cẩm Bình mỉm cười lắc đầu đáp :

- Chúng tôi là những kẻ sơn đông mãi võ chứ không bán sách.

- Tôi không có ý nghĩ là quý vị đi bán sách. Nhưng vì tôi rất thích xem sách và thấy bộ sách này thì thích nên mới hỏi mua vậy mà.

Tôn Cẩm Bình mỉm cười định nói, thì y lại tiếp :

- Nếu vị thiếu hiệp này chịu bán, tôi sẽ trả mười lượng bạc. Cô hỏi giúp cho tôi xem.

Chẳng những Tôn Cẩm Bình, mà ngay cả Hoa Đao Tôn Ban đều ngạc nhiên, khi lão mập nêu ra ý kiến mua lại bộ sách cũ của Bùi Khương với giá mười lượng bạc. Đối với họ, mười lượng bạc cũng đủ để cho cả ba sống một cuộc sống đầy đủ cả mấy tháng trời.

Cứ như sự hiểu biết của Hoa Đao Tôn Ban thì lão mập là một nhân vật có tiếng trong võ lâm, y được gọi là “Đa Nhân Hổ Ưu Hoài Nhân” và tên gầy ốm là một tên lục lâm khét tiếng ở vùng sơn lâm Diệp Thi Huy. Ông chưa trông thấy bộ sách của Bùi Khương nhưng ông ta cũng biết được đó là một bộ sách có giá trị, cho nên hai tay cao thủ này mới năn nỉ mua cho được.

Hoa Đao Tôn Ban đâu có ngờ hai tập sách đó chính là pho “Hải Thiên bí lục”, một tập bí kíp mà võ lâm giang hồ đều khao khát mong muốn.

Nói đến “Hải Thiên bí lục” thì ai ai cũng biết rằng đó là pho võ công của Hải Thiên Cô Yến, một nhân vật lừng danh giang hồ cách đây một trăm năm đã ghi chép lại. Cũng chính vì bộ sách này mà bao nhiêu người đã chém giết lẫn nhau để giành giựt lấy. Chính Lãnh Nguyệt Tiên Tử Ngải Thanh cũng đã xém chết vì nó.

Ưu Hoài Nhân và Diệp Thi Huy vừa mới trông thấy bộ sách của Bùi Khương đã hơi ngờ ngợ nên mới giúp chàng để nhặt đồ đạc bị rơi. Đến khi nhìn kỹ, cả hai đã muốn cướp của chàng nhưng họ chưa hành động vội, mà lại dùng lời ướm thử xem sao đã. Nên họ mới móc mười lượng bạc ra để nói với Tôn Cẩm Bình.

Ưu Hoài Nhân vừa đưa bạc vừa cười sung sướng, vì y nghỉ rằng nếu có được bộ sách trong tay, thì chỉ trong vòng ba năm, tên tuổi y có thể đứng đầu trong võ lâm thiên hạ rồi.

Trong lúc mọi người đang nói chuyện, Bùi Khương thì đang loay hoay gói cột lại bọc hành lý nên không chú ý đến. Tôn Cẩm Bình khó nghĩ liền quay sang hỏi ý kiến của cha.

Lão Tôn tuy chưa biết rõ hai cuốn sách, nhưng ông cũng đoán hiểu nó phải là quan trọng lắm nên chưa biết phải định sao. Lại nữa, hiện giờ ông đang lẩn tránh kẻ thù và với hai tên này thì võ công của ông hãy còn kém thua. Đang bối rối, chưa biết trả lời sao thì đột nhiên Diệp Thi Huy nãy giờ ngồi yên vội lên tiếng :

- Cô nương, tôi chịu mua bộ sách này với giá một trăm lượng bạc. Cô nghĩ sao?

Tôn Cẩm Bình nhìn sững hai khách nhân một cách ngạc nhiên.

Trong lúc đó, Ưu Hoài Nhân mặt mày rất là khó coi, y miễn cưỡng cười và nói :

- Diệp đại ca, tiểu đệ mua cũng như đại ca mua vậy mà.

Diệp Thi Huy cười lạnh đáp :

- Thì đại ca mua được thì tôi cũng mua được chứ có sao đâu!

Ưu Hoài Nhân cười gằn nói với Tôn Cẩm Bình :

- Được, tôi chịu mua với giá hai trăm lượng bạc.

Vừa nói y vừa lôi trong túi ra một tín phiếu ghi hai trăm lượng bạc định trao cho Tôn Cẩm Bình.

Hai người này ngày thường thì rất thân thiết với nhau, nhưng hiện giờ, chỉ vì bộ sách mà trông có vẻ bất hòa rồi. Cũng may mà sách chưa mua được.

Dù Tôn Cẩm Bình có bán hay không thì hai tên này thế nào cũng cướp cho được bộ sách mới nghe. Cũng bởi vì đang úy kỵ nhau cho nên chưa ra tay trước đó thôi.

Tôn Cẩm Bình thì bối rối nói với lão Tôn :

- Phụ thân! Họ trả hai trăm lượng bạc.

Tôn Ban vội đứng lên nói :

- Hai bộ sách đó là vật sở hữu của thiếu niên kia. Chúng tôi không thể quyết định được.

Diệp Thi Huy cười lạnh nói nhỏ vừa đủ cho lão Tôn và Tôn Cẩm Bình nghe :

- Tôi trả năm trăm lượng. Nếu lão không chịu bán, chẳng những tiền không lấy được mà còn thiệt mạng nữa là đàng khác.

Nói chưa dứt câu thì chợt có tiếng lạnh lùng từ hướng cửa vọng lại :

- Nhị vị đều không thể mua được gì cả. Hãy tránh ra là hơn.

Ưu Hoài Nhân và Diệp Thi Huy đều ngạc nhiên nhìn ra. Bên ngoài đã tiến vào một văn sĩ trung niên, người cao ốm và mặc bộ y phục màu bạc, mặt lạnh lùng nhìn mọi người.

Vừa nhìn thấy văn sĩ trung niên, người lo sợ và hồi hộp nhất lại là Bùi Khương. Nãy giờ tuy không nghe được tiếng gì, nhưng chàng ta cũng hiểu câu chuyện liên quan đến bộ sách của chàng đang cất giữ. Trong lúc đang suy nghĩ, chàng lại thấy đôi giày nhung đỏ xuất hiện trước mặt. Đôi giày đỏ gợi cho Bùi Khương nhớ lại sự gặp gỡ ở khách điếm mà chàng đã trọ cùng Lãnh Nguyệt Tiên Tử.

Ngẩng đầu nhìn lên, Bùi Khương đã trông rõ bộ y phục màu bạc, và hàm râu ngắn của người lạ mới vào. Và chàng cũng nhận ngay ra người đã giải huyệt đạo cho chàng trong khách quán.

Sự xuất hiện đột ngột của người áo bạc làm cho mọi người thoáng ngạc nhiên giây lát.

Ưu Hoài Nhân vội lên tiếng đầu tiên :

- Các hạ là ai? Tại sao lại xen vào chuyện của chúng tôi?

Văn sĩ trung niên bật cười. Ông ngẩng đầu cười một hơi dài khiến mọi người nghe chấn động muốn bể lỗ tai. Qua tiếng cười, Ưu Hoài Nhân biết mình còn kém xa đối phương nhưng không vì thế mà chịu rút lui.

Ưu Hoài Nhân thoáng cau mày, rồi nhanh như chớp song thủ phất ra mười mấy điểm hàn quang. Một mặt lướt nhanh đến cạnh Bùi Khương.

Cha con lão họ Tôn vừa nhìn thấy ám khí, thất sắc la lên. Trong lúc Diệp Thi Huy vội tung chưởng đón chận Ưu Hoài Nhân. Còn Bùi Khương thì ôm bộ sách lăn xuống gầm bàn tránh ám khí.

Chỉ nghe “ầm” một tiếng, Ưu Hoài Nhân đã lãnh trọn một chưởng của Diệp Thi Huy và thân hình lảo đảo thối lui sau hai bước. Ngực y nóng ran lên và y biết mình đã bị trọng thương.

Lão Tôn trông thấy ám khí không trúng người thì mừng rỡ quay lại nhìn văn sĩ trung niên, thì thấy y vẫn đứng ở chỗ cũ mà mấy chục mũi ám khí của Ưu Hoài Nhân thì biến đâu mất cả.

Ưu Hoài Nhân trong người mang nội thương, y thấy tình hình không ổn liền nghĩ cách cao bay xa chạy. Vừa nghĩ y vội nhún mình lướt đi sau khi tung lại một loạt ám khí để cản đường.

Một luồng ám khí tới tấp bay lại, chỉ thấy văn sĩ trung niên nhích động thân hình, người đã bắn vọt lên cao, ông ta chuyển động nửa vòng, tức thì mấy chục mũi ám khí đã biến mất vào tay áo. Đồng thời ông ta quét nhẹ một chưởng vào Diệp Thi Huy.

Biết bị nguy, Diệp Thi Huy định chạy trốn nhưng đã quá muộn. Chưởng phong của văn sĩ trung niên tuy nhẹ nhàng, nhưng Diệp Thi Huy không kịp chạy đã bị trúng chưởng phong, y chỉ kịp rú lên một tiếng đau đớn rồi ngã gục xuống đất ngay. Trong thoáng chốc, văn sĩ trung niên đã tung người lướt theo tên Ưu Hoài Nhân như một lằn sao xẹt.

Tôn Ban nhìn Diệp Thi Huy thì thấy y chỉ còn là cái xác không hồn.

Qua mấy giây bàng hoàng, lão Tôn lấy lại bình tĩnh, ông biết Bùi Khương đang nắm trong tay một bộ sách quý mà mọi người đều thèm khát giành giựt, ông liền bảo :

- Cẩm Bình, thu dọn hành lý để lên đường mau.

Lúc bấy giờ Bùi Khương ở dưới gầm bàn cũng đang chui ra, mặt chàng hớn hở vô cùng, nhìn chăm chú vào cuốn sách ở trong tay.

Lão Tôn biết chàng đã khám phá ra là bộ sách quý. Quả đúng vậy, lúc nằm dưới gầm bàn, Bùi Khương mới mở sách ra coi và đã thấy những chiêu thức võ công được ghi chép trong đó. Kể từ ngày có bộ sách trong tay, bây giờ Bùi Khương mới mở ra xem lần đầu.

Hoa Đao Tôn Ban nhìn kỹ bộ sách của Bùi Khương đang cầm trên tay, tim lão đập mạnh và mắt gần hoa lên khi lão nhìn thấy bốn chữ “Hải Thiên bí lục”.

Lòng tham lam chợt hiện lên. Cũng vì đánh trọng thương nhị sát trong “Tam Sát Nghi Bá” nên ông mới phải bôn ba trốn lánh trong mấy hôm nay. Giờ đây nếu luyện được những chiêu thức trong bộ sách của Bùi Khương thì vĩnh viễn y không còn sợ ai nữa cả.

Muốn chiếm đoạt bộ sách, trước tiên lão phải rời đây ngay với Bùi Khương.

Lão chỉ sợ văn sĩ trung niên áo xám trở lại ngay thì hỏng cả nên vội nắm tay Bùi Khương và Cẩm Bình nói :

- Chúng ta đi nhanh mới được.

Vừa ra khỏi tiệm, lão vội đoạt hai con tuấn mã của Diệp Thi Huy và Ưu Hoài Nhân để lại, rồi ra roi phóng nhanh.

Vừa chạy được một đoạn xa, đột nhiên lão Tôn đoạt lấy hai cuốn sách của Bùi Khương cất vào túi lão.

Bùi Khương tuy vô cùng ngạc nhiên định hỏi nhưng lại thôi, dù chàng muốn hỏi nhưng không thể nào hỏi được nên đành ngồi yên.

Đôi ngựa vừa đi được một đoạn nữa, lão Tôn nhìn lại không thấy ai đuổi theo mới cảm thấy yên tâm. Đưa tay sờ lại, bộ sách vẫn còn nằm yên trong ngực áo.

Lòng tham lam nổi dậy trong đôi mắt của lão Tôn lúc bấy giờ nếu ai nhìn thấy chắc cũng đoán được sự thâm độc và thủ đoạn của lão sắp đối phó với Bùi Khương.

Qua vài lần đắn đo, lão Tôn bất ngờ đẩy mạnh Bùi Khương xuống đất.

Tôn Cẩm Bình nghe tiếng rơi mạnh xuống đất, nàng quay nhìn lại thì không còn trông thấy Bùi Khương ngồi chung ngựa với phụ thân nàng nữa. Tôn Cẩm Bình thoáng ngạc nhiên nhưng rồi nàng cũng đoán hiểu sự tình đã xảy ra. Đầu óc nàng lúc bấy giờ trống rỗng chẳng biết gì hơn là thúc ngựa chạy nhanh.

Đôi ngựa chở cha con lão Tôn đã mất dạng từ xa. Chỉ tội nghiệp cho Bùi Khương, bất ngờ bị hất rơi xuống ngựa đang phi nhanh, chàng lăn cù mấy vòng rồi thân thể mới nằm yên và không còn ý thức được gì cả.

Bùi Khương mê man nằm đó với cảnh lặng yên. Chẳng biết thời gian trải qua bao lâu, chàng mới từ từ tỉnh dậy. Mặt trời cũng đã lên cao, Bùi Khương chống tay cố gượng ngồi lên nhưng chàng cảm thấy nhức nhối cả toàn thân.

Từ lúc mới lớn khôn đến bây giờ, Bùi Khương đã nhận chịu biết bao nhiêu bất hạnh xảy đến cho chàng, nên giờ đây gặp cảnh này, Bùi Khương cũng chẳng thù oán ai. Chàng chỉ buồn vì là thân nam nhi mà lại quá vô dụng.

Bùi Khương biết rằng lão Tôn đẩy chàng xuống đất cũng vì bộ sách “Hải Thiên bí lục”. Nhưng chàng vẫn không oán hận ông một mảy may. Chàng lại còn nhớ ơn những ngày ở cạnh ông đã đối xử với chàng tử tế, nhớ nhất là đôi mắt to tròn, sáng đẹp của người con gái đội lốt mãi võ của lão Tôn. Chẳng những không oán hận, mà ngược lại Bùi Khương thầm cám ơn ông lão đã đẩy chàng xuống ngựa chứ không giết chàng để đoạt sách.

Tiếng vó ngựa từ xa vọng lại, cũng không làm cho Bùi Khương thèm để ý.

Bùi Khương chăm chú nhìn xuống đất để quan sát một con kiến vàng đang bò trên lưng một con trùn đất. Bùi Khương nhìn chăm chú đến quên cả cảnh vật chung quanh.

Mãi đến lúc chàng thấy đôi giày đỏ đang tiến lại và đạp lên mình con kiến và con trùn, Bùi Khương mới giật mình nhìn lên. Bùi Khương chẳng lạ gì khi nhìn văn sĩ trung niên đứng trước mặt mình. Định chống tay đứng lên, nhưng Bùi Khương lại ngồi yên.

Văn sĩ trung niên vẫn không nói gì, ông lặng lẽ đưa tay kéo Bùi Khương đứng lên.

Vì mới bị té đau, chưa ngồi lên được, giờ bị lão áo xám kéo xốc lên, khiến chàng đau đớn cả toàn thân, mồ hôi ra ướt cả trán nhưng chàng vẫn ráng nhịn đau, chẳng rên la. Vì biết rằng đối với văn sĩ trung niên, thì lúc nào ông cũng tỏ vẻ lạnh lùng kiêu ngạo, còn Bùi Khương thì lại muốn mình là một kẻ cang cường không nhu nhược nên chàng chẳng để lộ vẻ đau đớn hay van xin.

Văn sĩ trung niên vội kéo Bùi Khương ra đường lộ lớn, Bùi Khương lặng lẽ để cho văn sĩ trung niên kéo lướt đi như bay. Chàng có cảm tưởng như được chắp thêm đôi cánh.

Thân hình Bùi Khương nương vào sức kéo của văn sĩ trung niên mà tiếp tục lao đi vùn vụt. Bùi Khương chỉ biết lặng lẽ mặc cho văn sĩ trung niên đưa đi, vì chàng chẳng có cách gì phản kháng. Âu là để mặc cho số mệnh đưa đẩy. Hơn nữa, đối với Bùi Khương, những sự việc đã xảy đến cho chàng, cũng đã nhiều lần, dù chàng vào những nỗi khó khăn nguy hiểm, kể cả mạng sống của chàng cũng nhắm mắt phó thác may rủi. Thế mà đến hôm nay, Bùi Khương vẫn chưa mất đi lẽ sống, nên đã nung đúc cho chàng sự can đảm phi thường trước nguy biến.

Cả hai lúc này như một cái bóng lớn vút lao đi.

Được một đoạn đường khá xa thì gặp một ngã ba đường.

Gã văn sĩ trung niên liền chậm bước rồi đứng hẳn lại.

Bùi Khương lúc này được dịp liền đưa mắt nhìn kỹ khuôn mặt của gã văn sĩ trung niên thì thấy đôi mắt sáng quắc của gã này nhìn lên bầu trời xa xôi, với thái độ bình tĩnh và khinh bạc lạnh lùng.

Bỗng từ đằng xa có tiếng vọng lại :

- “Phi Long Uy Dương!”

Những tiếng này như được một đoàn người lạ chuyền nhau rồi ngưng bặt.

Gã văn sĩ trung niên “hừ” một tiếng nhỏ khinh bạc.

Riêng Bùi Khương thì chàng cũng đã nghĩ ngay đến “Phi Long tiêu cục” thật quen thuộc với chàng mà hiện giờ tiêu cục này bành trướng và có uy tín lớn nhất. Rồi chàng nghĩ thầm :

- “Có lẽ đoàn người của tiêu cục sắp qua nơi đây!”

Tuy nghĩ thế, nhưng chàng chỉ biết im lặng đứng cạnh gã văn sĩ trung niên mặc sự việc an bài.

Chỉ trong chốc lát, từ con đường mé tả, một đoàn xe ngựa ào ạt chạy đến làm cuốn bụi mịt mù. Dẫn đầu đoàn xa mã này là hai tráng hán cởi hai con tuấn mã. Hai người này chính là hai vị tiêu đầu của Phi Long tiêu cục của Long Hình Bát Chưởng Đàm Minh.

Khi hai vị tiêu đầu tới, gã văn sĩ trung niên liền bước ra giữa lộ cản đường.

Thấy có người cản đường, hai vị tiêu đầu liền gò cương ngựa và ra hiệu cho đoàn xe ngừng lại và trong lòng họ thầm nói :

“Lại có kẻ sanh sự đây!”

Vì nghĩ vậy nên một vị tiêu đầu cất tiếng hỏi :

- Ông bạn không biết đây là đoàn Phi Long tiêu cục sao mà ngang nhiên chặn giữa đường lộ vậy?

Gã văn sĩ trung niên nhếch mép cười nhẹ rồi ôn tồn nói :

- Xin hai vị vui lòng cho tôi mượn hai con ngựa, và một tháng sau tôi sẽ xin mang lại quý tiêu cục hoàn trả và xin đền đáp xứng đáng.

Vừa lúc này, hai vị tiêu đầu cũng đã nhìn thấy Bùi Khương đứng bên cạnh gã văn sĩ trung niên, cho nên họ vô cùng kinh ngạc.

Chính Bùi Khương cũng đã nhận ra họ. Vì từ ngày trốn khỏi Phi Long tiêu cục, để rồi trôi nổi đến ngày nay, trong thâm tâm chàng cũng không muốn gặp một người nào của tiêu cục trong lúc này. Nhưng khốn nỗi giờ đây lại phải gặp hai vị tiêu đầu thân tín của Long Hình Bát Chưởng Đàm Minh nên thật ngỡ ngàng.

Hơn nữa sự ra đi của Bùi Khương đã gây sự giận dỗi của Long Hình Bát Chưởng Đàm Minh và chính hai vị tiêu đầu này cũng biết điều ấy.

Hai vị tiêu đầu này chính là Khoái Mã Thần Đao Công Thanh Dương và Bát Quái Chưởng Liễu Huy. Vì hai tiêu đầu bất chợt nhận ra Bùi Khương nên không để ý đến gã văn sĩ trung niên và cũng không nghe đến lời nói mượn ngựa của gã văn sĩ này, mà bọn họ liền xuống ngựa chạy đến cạnh Bùi Khương han hỏi.

Khoái Mã Thần Đao Công Thạch Dương nói ngay với Bùi Khương :

- Ủa? Sao đệ lại ở đây? Tổng tiêu đầu đã tìm đệ nhiều phen song vẫn không gặp. Vậy hôm nay đệ hãy trở về với chúng tôi đi và chắc chắn không ai ăn hiếp đệ được cả.

Bùi Khương lúc này chỉ cúi đầu không đáp.

Thứ nhất, chàng ta đã bị điểm huyệt nên câm và điếc thành thử không nghe vị tiêu đầu kia nói gì. Mà nếu có nghe cũng không làm sao hiểu được. Thứ đến, chàng nhìn thấy thân hình chàng đang trang phục một cách hết sức là kỳ quái làm chàng ngượng nghịu vô cùng.

Và dầu có muốn bước đi theo hai vị tiêu đầu cũng không xong. Vì tay trái của chàng đã bị gã văn sĩ trung niên nắm giữ mà Bùi Khương biết người này võ công kỳ dị cao siêu thì đừng có ý định rời khỏi cánh tay của người văn sĩ này.

Hai vị tiêu đầu mải miết chú ý đến Bùi Khương như quên đi gã văn sĩ trung niên nên gã liền cất tiếng nhắc lại :

- Nhị vị có nghe tôi nói gì không?

Khoái Mã Thần Đao Công Thanh Dương không trả lời mà lại cười hỏi :

- Chắc các hạ là bạn hữu của Bùi Khương?

Gã văn sĩ trung niên chưa nói gì thế mà Khoái Mã Thần Đao Công Thanh Dương lại nói tiếp :

- Khương đệ của chúng tôi vì tuổi trẻ nông cạn đã dại dột ra đi may được các hạ chiếu cố. Nếu việc này Tổng tiêu đầu của chúng tôi biết được, chắc hẳn sẽ hậu tạ các hạ tuyệt đối.

Gã văn sĩ trung niên chỉ nhếch mép cười nhẹ, thì Khoái Mã Thần Đao Công Thanh Dương lại thao thao tiếp lời :

- Tôi là Khoái Mã Thần Đao Công Thanh Dương, hiện cùng Bát Quái Chưởng Liễu Huy hộ tống tiêu cục trên đường về Bắc Kinh. Nếu các hạ tiện đường đi cùng thượng lộ với chúng tôi...

Khoái Mã Thần Đao Công Thanh Dương ngập ngừng trong giây lát, rồi nói tiếp :

- Nếu các hạ thấy bất tiện, chúng tôi xin tặng một ít lộ phí sơ diện để đền đáp sự săn sóc của các hạ đối với Khương đệ của chúng tôi.

Văn sĩ trung niên vốn sắc mặt lạnh như băng nhưng bây giờ bỗng nhiên lớn tiếng cười giòn.

Khoái Mã Thần Đao Công Thanh Dương thấy vậy yên tâm, tưởng rằng gã văn sĩ trung niên này chặn đường kiếm cớ mượn ngựa, nhưng chẳng qua muốn kiếm ít tiền, nên rút trong người ra mười lạng bạc ròng, đưa đến trước mặt gã văn sĩ trung niên rồi nói :

- Tôi vì đường xa không mang theo nhiều, nên có chút bạc mọn này xin các hạ nhận lấy để uống rượu.

Gã văn sĩ trung niên mắt sáng rực lên hỏi :

- Cái này cho tôi?

Khoái Mã Thần Đao Công Thanh Dương cười đáp :

- Xin các hạ chớ khách sáo, tuy ít, song cũng đủ để các hạ chi dùng cho một bữa tiệc thịnh soạn.

Bùi Khương liền liếc mắt nhìn gã văn sĩ trung niên, thấy gã vốn người lãnh diện mà nay lại thay đổi hẳn, mặt đầy vui vẻ tươi cười một cách lạ lùng.

Gã văn sĩ trung niên từ từ đưa tay ra nói :

- Xin cám ơn các hạ!

Vừa dứt lời, năm ngón tay gã như ánh chớp ngời lên chộp vào cánh tay của Khoái Mã Thần Đao Công Thanh Dương, đồng thời quay một cái, rồi kéo vụt ra một cái, rồi bỗng nghe tiếng hét của Khoái Mã Thần Đao Công Thanh Dương vang lên kinh hoàng thê thảm :

- A...

Tức thì, nguyên một cánh tay mặt của Khoái Mã Thần Đao Công Thanh Dương đã bị gã văn sĩ trung niên sử dụng một thủ pháp quái dị kéo đứt hẳn ra.

Mặc dù Khoái Mã Thần Đao Công Thanh Dương cũng là một cao thủ nhưng đành bất lực trước thủ pháp kỳ quái của gã văn sĩ. Y chỉ la lên một tiếng kinh hoàng rồi đôi mắt thất thần, ngã quỵ trên mặt đất vì quá đau đớn, trong khi gã văn sĩ trung niên vẫn giữ nét mặt cười tươi.

Bùi Khương bàng hoàng, rùng mình kinh sợ trước sự kiện này. Chàng không thể ngờ chỉ một cái chộp mà cánh tay của vị tiêu đầu của Phi Long tiêu cục đã rời khỏi mình. Thật là một thủ pháp kỳ quái, quá ư lợi hại và tàn độc.

Trong khi đó, Bát Quái Chưởng Liễu Huy kinh động xám mặt hét lên :

- Các hạ tại sao vô cớ giết người?

Vừa nói, vị tiêu đầu này liền nhảy xuống ngựa đến bên cạnh Khoái Mã Thần Đao Công Thanh Dương và ôm ngay y lên.

Vừa lúc đó, gã văn sĩ trung niên vẫn cười nói :

- Quý vị có ý thưởng cho thì tại hạ xin nhận cám ơn, còn số bạc này xin hoàn trả lại vậy.

Tiếp theo lời nói, gã văn sĩ trung niên lật nhẹ bàn tay, tức thì mười lượng bạc bắn vút đi như ám khí nhắm Bát Quái Chưởng Liễu Huy bay vút tới.

Liễu Huy chưa kịp phản ứng gì thì số bạc này đã bay đến trước mặt của lão, nhưng bất ngờ lại ngừng hẳn lại rồi rơi nhẹ lên người Khoái Mã Thần Đao Công Thanh Dương.

Văn sĩ trung niên sau khi trổ thần oai với Bát Quái Chưởng Liễu Huy, ông ta bật cười ha hả, rồi lấy ra một mảnh vải dầu rồi gói cánh tay của Khoái Mã Thần Đao Công Thanh Dương, đoạn cất vào người.

Bát Quái Chưởng Liễu Huy sau khi thấy văn sĩ trung niên cất giữ cánh tay của Khoái Mã Thần Đao Công Thanh Dương thì mặt y vội biến sắc, thân hình rung động mạnh, tay buông lỏng làm Khoái Mã Thần Đao Công Thanh Dương rơi bịch xuống đất. Vì y mới phát giác ra văn sĩ trung niên là một nhân vật mà ai chạm phải thì cầm bằng sự sống sẽ đi khỏi trong tích tắc.

Nhìn cử chỉ của Bát Quái Chưởng Liễu Huy, Bùi Khương vô cùng ngạc nhiên.

Bùi Khương biết rằng những tiêu đầu trong Phi Long tiêu cục đều là những tay lừng danh trong giới võ lâm. Họ đã từng hộ tống hàng hóa quan trọng đi khắp đó đây, mà bọn lục lâm cường đạo dù có ham muốn, cũng phải lánh xa.

Nhưng giờ đây, đối diện với văn sĩ trung niên, y chỉ đơn thân độc mã, mà cả hai tiêu đầu của Phi Long tiêu cục chẳng những không chạm được đến người của văn sĩ trung niên, mà Khoái Mã Thần Đao Công Thanh Dương lại bị trọng thương, còn Bát Quái Chưởng Liễu Huy thì lộ vẻ sợ hãi vô cùng.

Văn sĩ trung niên lúc bấy giờ nhìn Liễu Huy rồi cười lạnh nói :

- Tặng vật của Tổng tiêu đầu ban cho, tại hạ đã nhận. Không biết Liễu các hạ còn gì tặng cho nữa không?

Bát Quái Chưởng Liễu Huy, hơi thở gần đứt đoạn, y cúi đầu vái văn sĩ trung niên rồi thở dài nói :

- Tiểu tử thật đáng chết. Đứng trước núi thái sơn mà không biết. Xin tiền bối buông tha cho. Tiểu tử xin cúi đầu đợi sự sai khiến.

Thấy vẻ sợ hãi và phục tòng của tiêu đầu Liễu Huy, văn sĩ trung niên gật đầu nói :

- Tiêu đầu đã nhận ra ta, thì ta cũng chẳng hẹp hòi gì mà không tha cho ngươi một lần.

Liễu Huy gật đầu tạ lễ, chẳng dám nhìn lên.

Văn sĩ trung niên nói tiếp :

- Ta cũng muốn nhờ tiêu đầu truyền ra cho mọi người biết rằng Thiên Thủ thư sinh đã thâu gồm một thiên cánh tay sắp đủ, những cánh tay còn lại sẽ thâu thập một ngày gần đây.

Liễu Huy chỉ biết vâng dạ luôn miệng.

Thiên Thủ thư sinh lại nói tiếp :

- Hiện giờ ta đang cần hai con ngựa tốt, phiền tiêu đầu kiếm giúp cho. Bùi Khương, tôi cũng sẽ dắt y theo.

Liễu Huy quát gọi bọn tùy tùng chọn một đôi tuấn mã để dâng nạp cho Thiên Thủ thư sinh. Lão tỏ ý hài lòng và nói :

- Trong vòng ba tháng, nếu Long Hình Bát Chưởng Đàm Minh có muốn đòi ngựa, hay người, thì bảo y hãy đến Tập Hiền sơn trại mà đòi. Ta sẽ chờ y ở đó.

Bát Quái Chưởng Liễu Huy chỉ biết cúi đầu vâng dạ, trong lúc đám tùy tùng cũng đứng lặng im, chẳng dám rục rịch. Chẳng nói ra miệng, nhưng ai ai cũng cố giữ mình để khỏi bị tử thần gọi tên. Mãi đến khi Thiên Thủ thư sinh nắm Bùi Khương đặt lên ngựa và ông ta cũng nhảy lên kềm roi cho đôi ngựa chạy song song mất dạng, cả bọn mới thở phào nhẹ nhõm.

Bùi Khương chịu sự kềm chế của văn sĩ trung niên, mặc cho ông ta đưa chàng đến đâu. Mặc dù chưa biết lai lịch của ông ta là gì, nhưng Bùi Khương cũng đoán hiểu rằng ông ta có liên quan đến pho “Hải Thiên bí lục”.

Nghĩ vậy, Bùi Khương lại cầu mong cho cha con lão Tôn thoát được, khỏi bị văn sĩ trung niên theo đuổi kịp. Tuy bị lão Tôn cướp đoạt và xua đuổi nhưng Bùi Khương lại không oán hận, mà còn thầm lo cho cả hai bị hại bởi văn sĩ trung niên này.

Cả hai cứ cho ngựa lướt nhanh. Đến một lối rẽ, văn sĩ trung niên tức là Thiên Thủ thư sinh vội cho ngựa rẽ về phía hữu, đi được một đoạn thì cả hai đi đến một khu rừng nhỏ.

Thiên Thủ thư sinh ra hiệu cho Bùi Khương rẽ ngựa vào rừng.

Bùi Khương ngạc nhiên khi thấy lối vào rừng được trải bằng đá trắng tinh.

Lại còn có một vài dãy nhà, kiến trúc tinh vi nằm rải rác khắp nơi. Bùi Khương chẳng biết văn sĩ trung niên sẽ đưa chàng đến đâu. Nhưng Bùi Khương nghĩ rằng có lẽ ông ta đưa chàng đến một nơi để tra gạn về sự hạ lạc của pho sách. Nhưng dù ông ta có tra hỏi thì Bùi Khương cũng chẳng trả lời được. Vì hai cuốn sách đó đã được lão Tôn đem đi mất rồi.

Mãi suy nghĩ liên miên, thì ngựa đã ngừng vó và văn sĩ trung niên đang đứng ngang trước mặt Bùi Khương. Bùi Khương nhìn ông ta một cách thản nhiên. Văn sĩ trung niên cũng lạnh lùng không nói, ông lấy trong ống tay phải ra hai cuốn sách và đưa cho Bùi Khương xem.

Vừa thấy hai cuốn sách bìa đen, Bùi Khương đã thấy choáng váng mặt mày.

Vì hai cuốn sách này chính là “Hải Thiên bí lục” mà Hoa Đao Tôn Ban đã lấy được trong tay chàng. Giờ đây hai cuốn sách lại lọt vào tay văn sĩ trung niên thì Bùi Khương cũng đoán biết thân phận của Tôn Ban và Tôn Cẩm Bình đã ra sao rồi.

Nghĩ đến Tôn Cẩm Bình bị hại bởi tay văn sĩ trung niên, Bùi Khương cảm thấy xót xa vô cùng. Chàng ngẩn người như kẻ nằm mê. Đôi mắt xinh đẹp của Tôn Cẩm Bình như hiện rõ trước mặt Bùi Khương và rồi chung quanh chàng như mơ hồ thấy đôi mắt Tôn Cẩm Bình đang ánh lên niềm vui sướng. Bùi Khương thấy mình bay bổng lên không, quên cả hiện tại có sự hiện diện của Thiên Thủ thư sinh.

Những lá cây rừng đang xào xạc nhưng giờ giống như đã ngừng lay.

TruyenFull.com đổi tên miền thành TruyenFull.tv