- Vương phi bé! Vương phi bé!
Tôi không nghe nhầm, rõ ràng có người đang gọi "vương phi bé". Không biết gia nô nhà ai lại đến giữa chỗ chiến trường tìm chủ thế này? Mà trên thuyền làm gì có vị nữ quyến nào...
- Anh Trương Phi! Anh Trương Phi! - Vài anh lính Thánh Dực reo lên.
Trương Phi? Là anh lính có râu quai nón tôi đã gặp ở Cổ Mai, tưởng nhầm tôi là vợ hoặc ái thiếp của lão già! Như vậy người anh ta đang tìm, "vương phi bé" ấy, chính là... tôi?
- Anh Trương Phi! - Tôi vội vã bước ra ngoài, quả nhiên trông thấy anh lính đậm người thân quen nọ.
- Vương phi bé! - Anh ấy reo lên. - Quả nhiên là cô! Tôi đến đây bảo vệ cô trước, vương gia còn bận việc ngoài kia! Chúng ta thắng rồi!
Trương Phi vừa nói liên hồi, cười sang sảng, vừa sải từng bước dài nhảy lên thuyền. Binh lính Thánh Dực trên các thuyền cũng chạy đến chỗ tôi để mừng anh, ai nấy đều phấn khởi, cười lớn theo từng lời anh nói.
- Phải chi cô được thấy khí thế của vương gia và bọn tôi lúc mở cổng thành tiến ra đánh. Phía Đông thì quan gia và thái tử oai vệ cưỡi voi xông trận. Phía Bắc thì quân của Hưng Đạo vương cầm đuốc tràn xuống như dòng thác lửa. Bọn giặc sợ vãi ra quần, khóc lóc gọi thầy u, gọi cả tổ tông mấy đời! - Anh liến thoắng. - Đáng tội! Để từ nay đừng kẻ nào mơ tưởng bước chân vào nước ta nữa!
- Phong, anh ấy... - Quang Khải nói khẽ vào tai tôi khiến nụ cười trên môi tôi đông cứng.
- Anh Trương Phi! - Tôi nghẹn ngào, ngón tay run run trỏ vào mũi tên cắm sau lưng anh ấy. - Anh bị thương rồi. Để tôi...
Trương Phi ngơ ngác đưa tay ra sau theo hướng tôi chỉ. Đoạn, cả thân hình to lớn của người lính đổ sập xuống sàn. Lúc này tôi mới nhìn thấy rõ mũi tên cắm rất sâu ngay dưới vai anh, xuyên qua lớp giáp, máu ướt đẫm cả lưng áo. Phần vì đang hăng say chiến đấu, phần vì nỗi vui mừng trong tinh thần quá lớn mà anh chẳng thấy đau. Tôi nâng đầu và vai anh dậy, máu ướt đẫm tay.
- Phong, ta vào lấy hộp thuốc cho ngươi, mọi người đứng tránh ra một chút kẻo anh ấy ngộp. - Quang Khải bình tĩnh nói với những người lính xung quanh.
- Vương phi bé... - Trương Phi cố mở mắt, giọng đã run run. - Cô đừng cười, tôi không sợ gì đâu. Nhưng tôi nhớ u tôi quá...
- Tên thật của anh là gì? - Tôi gượng cười, hỏi.
- Bẩm, Túc. - Anh nói rồi khạc ra một ngụm máu, khóe mắt ươn ướt.
Ánh lửa từ trại giặc đang cháy bừng bừng làm sáng cả một góc trời, soi rõ gương mặt thường ngày luôn hồng hào giờ đã trắng bệch của anh.
- Anh Túc gắng lên, chúng ta sắp thắng rồi! - Tôi giữ chặt vai anh, luôn mồm động viên.
Ngay lúc ấy, giữa tiếng giáo gươm loảng xoảng, tiếng ù ù của gió và lửa, bỗng có tiếng tù và rúc lên vang vọng, một tiếng, hai tiếng, rồi tiếng người réo gọi nhau. Chúng tôi trông cả về phía chiến trường, nín thở đợi tin. Hồi lâu, toàn thể binh lính nhất loạt reo lên:
- Giặc rút rồi!
- Rợ Thát chạy rồi!
- Chúng ta thắng rồi!
Những người lính đứng xung quanh tôi cũng vứt cung tên, giáo nhọn đang cầm trên tay xuống, nhảy cẫng lên ôm chầm lấy nhau làm thuyền chao đảo. Tôi nhìn theo họ, vừa cười vừa khóc, đoạn nhìn sang người bị thương. Đôi mắt mệt mỏi của anh cũng lấp lánh niềm vui:
- Chết tiệt! Thắng thật rồi!
Nói rồi, anh cười sang sảng, hệt như ngày nào chúng tôi cùng nhau làm máy bắn đá rồi cùng đùa giỡn ở rừng mơ. Sau tràng cười ấy, một ngụm máu lớn phun ra, ướt đẫm y phục của tôi. Trương Phi ngoẹo đầu sang một bên, hơi thở yếu dần đi.
- Anh Túc! - Tôi gọi lớn, cố nghĩ ra cách để động viên anh. - Anh gắng lên! U của anh ra đồng sắp về rồi!
- U? - Mắt anh mở to, dáo dác nhìn tứ phía rồi mờ dần, mờ dần. - Con thèm cá nấu chua... - Anh thều thào, cố rúc sâu vào lòng tôi. - U có câu được cá to không...
- Anh Trương Phi!
Trần Cụ gọi khẽ. Những tiếng sụt sịt, nức nở cố nén râm ran đâu đó, lọt thỏm giữa tiếng chửi bới và reo hò dọa giặc lui quân.
- À ơi... - Tôi nghẹn giọng.
"Ru con, con ngủ cho lành
Để mẹ gánh nước rửa bành con voi.
Muốn coi, lên núi mà coi
Coi bà Triệu tướng cưỡi voi đánh cồng..."[2]
***
Khi đã đặt Trương Phi nằm chỉnh tề trong khoang thuyền kín đáo, tôi cùng Quang Khải và Trần Cụ ruổi ngựa vào chiến địa đã gần tàn.
Hôm nay là rạng sáng ngày hai mươi lăm tháng Chạp, ánh trăng hạ huyền chênh chếch soi những cột dựng lán cháy nham nhở, những xác chết có lành có khuyết, những vết thương lở loét, những mảnh binh khí nằm la liệt khắp nơi. Cảm giác của tôi chẳng khác gì cái hôm đi tìm Trần Cụ giữa một rừng đầy thi thể, rõ ràng giặc đang bỏ của chạy lấy người, rõ ràng hôm nay chúng tôi đã thắng, song cái mùi tanh tưởi của máu và oán khí chẳng khác gì nhau. Tôi không thấy phấn khởi hay hạnh phúc đến muốn thét lên như đã bao nhiêu lần nghĩ về ngày hôm nay. Cái chết của Trương Phi và vết thương bị dây cung chém trên tay khiến sự lo lắng trong lòng tôi càng lúc càng lớn.
Quân lính mải miết đuổi giặc chạy dài, những người truyền tin không ngừng nhắc đi nhắc lại lệnh của quan gia: "Chỉ được đuổi, không được giết nếu giặc không chống cự". Nhìn theo dáng vẻ hớt hải phóng ngựa như bay của bọn chúng, tôi chợt thấy buồn cười. Có ai ngờ đội kỵ binh thần tốc giờ lại tận dụng ưu thế tốc độ chỉ để tháo chạy tìm đường sống.
Giữa đoàn quân đang đuổi theo giặc là Hưng Đạo vương. Dáng người vương cao lớn, từ xa có thể dễ dàng trông thấy. Tôi cố rướn người tìm kiếm trong đám đông hỗn loạn, mãi mà chẳng thấy lão già đâu. Chẳng có ai biết từ chập tối đến giờ đã xảy ra những việc gì, ai còn ai mất. Bỗng, đúng lúc Hưng Đạo vương xoay người lại để chỉnh đốn quân binh, một mũi tên từ đâu xé gió lao thẳng đến. Một bóng người phóng ngựa lao đến chắn trước mặt vương, tim tôi suýt nữa thì hẫng đi một nhịp.
- Anh Tĩnh Quốc! - Quang Khải thảng thốt.
Khi bọn tôi ngỡ như Tĩnh Quốc vương sắp ngã xuống thì một mũi tên khác bay vút đến nhắm thẳng vào giữa thân mũi tên của giặc làm nó bay chệch hướng, cắm xuống đất. Tài thiện xạ này tôi đã được chứng kiến một lần. Tôi vội nhìn về phía mũi tên thứ hai được bắn ra. Chủ tướng quân Thánh Dực hiện ra giữa khói bụi mịt mù, chậm rãi hạ cung, đoạn thúc ngựa chạy về phía hai người em trai, chiến bào lộng gió trông xa như đôi cánh. Cũng hệt như cái đêm lửa cháy ngút trời ấy, tôi càng tin vào ý nghĩ từ bé đến lớn, rằng cái người luôn ở cạnh mình kia chẳng phải người trần mắt thịt như mình.
Thế nhưng, là thần cũng được, là người cũng tốt, có là quỷ cũng chẳng sao, chỉ cần lão bình an là đủ. Lòng tôi như trút được tảng đá nghìn cân, cứ đứng ngây ra như phỗng nhìn ba anh em của lão nói với nhau điều gì đó, cười với nhau, đấm vào ngực nhau rồi Hưng Đạo vương tiếp tục xua quân đuổi giặc, còn lão nhìn nhìn về phía bờ sông, chỗ đoàn thuyền đang neo đậu.
- Đến gặp tiên sinh của ngươi đi. - Quang Khải nhắc.
Tôi chợt tỉnh, quan sát xung quanh tìm đường đến chỗ lão, cẩn thận từng bước để ngựa không giẫm lên xác một ai. Bỗng, từ chỗ trại giặc ở phía xa, tôi thấy một tên Thát bị thương ở chân đang cố trèo lên lưng ngựa. Chẳng cần suy nghĩ gì, tôi nhặt ngay mấy ngọn giáo gãy trong tầm tay rồi thúc ngựa chạy như bay đến đó, vì băng ngang dòng người nên tôi loạng choạng mấy lần suýt bị xô ngã.
- Cô Nhã Phong, dừng lại!
- Phong! Đứng lại!
- Phong!
Có tiếng nhiều người gọi với theo, song tôi mặc kệ tất cả, chỉ biết lửa hận trong lòng như có cơn gió thổi bùng lên không cách nào dập tắt được. Khi tên giặc đã ở trước mặt, tôi phóng mũi giáo vào đùi con ngựa hắn đang cưỡi. Con ngựa lồng lên, hất tên giặc ngã xuống, tôi cũng nhảy xuống ngựa, cầm mũi giáo lăm lăm tiến về phía hắn.
Gương mặt ấy dù trong mơ tôi cũng không quên, hắn chính là một trong những kẻ đã tấn công bọn tôi ở chùa, là kẻ đã bắn mũi tên vào ngực cụ Lý Đảm của tôi. Hắn trông thấy tôi, đôi mắt long lên sợ hãi. Tôi biết hắn nhận ra kẻ muốn giết hắn để báo thù. Hắn ngồi bẹp trên đất, cố lùi về sau song đã đụng vào một chân cột gãy, không còn đường chạy nữa.
- Cô ơi, xin dừng tay! - Có người lên tiếng can ngăn. - Quan gia đã ra lệnh không được giết nếu giặc không chống cự!
- Cô Nhã Phong, xin đừng! - Trần Cụ cũng kêu lên.
- Phong! Dừng lại! - Quang Khải kéo tôi lùi về sau. - Ngươi đang mặc quân trang Thánh Dực, kháng lệnh như thế khác nào mang tội về cho Hưng Ninh vương!
Hưng Ninh vương... Tôi nhếch mép cười, vùng ra khỏi tay Quang Khải. Anh Trương Phi đã cố sống đến hôm nay lại bỏ mạng ngay lúc thắng trận, còn xác cụ Đảm đã vùi sâu dưới lòng sông lạnh lẽo kia, tất cả là bởi lũ này. Một tay tôi tháo áo giáp, vứt xoạch xuống đất, tay còn lại vẫn lăm lăm mũi giáo chỉa thẳng vào ngực kẻ thù, càng lúc càng gần.
- Phong! - Quang Khải cố khuyên ngăn. - Kẻ thù của chúng ta là toàn quân Thát, không phải một mình hắn! Giết kẻ ngã ngựa thì còn gì là hảo hán đầu đội trời chân đạp đất!
- Ta không phải là lính Thánh Dực, càng không phải là thê thiếp của Hưng Ninh vương! - Tôi nói rõ ràng từng tiếng. - Lúc bọn chúng cùng nhau hiếp đáp một cụ già và mấy đứa trẻ có nghĩ gì là anh hùng, hảo hán đâu! Quan gia có giáng tội thì một mình ta chịu, ta nhất định phải trả thù cho cụ Đảm!
Không có ai nói thêm gì nữa. Tôi nắm chặt mũi giáo hơn, nhắm thẳng lồng ngực kẻ đáng chết kia. Đột nhiên có một tên giặc khác phóng ngựa quay lại, tôi cứ ngỡ hắn định quyết chiến nên xoay ngọn giáo sẵn sàng đánh trả. Không ngờ hắn lao xuống ngựa, chạy đến cạnh kẻ tôi muốn giết, quỳ sụp xuống lạy. Mặt mũi cả hai tên đều đầm đìa nước mắt, lấm tấm máu, chúng nói gì đó mà tôi không hiểu, song cũng thừa biết là van xin tha mạng.
Kẻ vừa đến chắc là chiến hữu hoặc người nhà của tên kia. Bọn khốn chúng bây mà biết cái gì là tình nghĩa, là đồng đội ư?
"Tôi và cậu ta cùng lớn lên bên nhau, cậu ta còn cứu tôi một mạng. Giờ tôi phải chính tay giết chết cậu ta rồi tự sát!"
"Con thèm cá nấu chua..."
"Nếu là con gái, hãy đặt tên nó là An. Nếu là con trai, nó sẽ tên là Bình..."
"Phật dạy phải từ bi, nhưng lúc chúng sinh sắp chết thì Phật ở đâu...?"
Tiếng khóc của mọi người lần lượt nhói buốt bên tai tôi, khiến mũi giáo của tôi bắt đầu run rẩy. Hàng nghìn ý nghĩ khiến đầu tôi muốn vỡ tung. Tôi cố tự khuyên răn mình không được mềm lòng, không được nhân từ bừa bãi, không được để cụ Đảm chết oan ức như thế. Tôi muốn đòi công lý cho cụ! Chợt, tôi nghe giọng cụ trầm trầm giữa tiếng quân reo.
"Đó không phải là dã tâm, sát ý. Đó là niềm kiêu hãnh của giống tiên rồng, vung kiếm để bảo vệ nghìn năm lịch sử!"
Trong phút chốc, lòng tôi bỗng dưng bình lặng, tôi siết lại ngọn giáo đang cầm, giương lên thật cao, dùng hết sức bình sinh đâm xuống.
Phập!
Ngọn giáo lướt qua má tên giặc đã giết chết độc túc tráng sĩ của tôi thành một đường dài, bật máu, cắm xuống nền đất ngay bên cạnh hắn. Hắn trân trối nhìn tôi. Tôi thét lớn, vung tay trỏ về hướng đồng bọn hắn đang tháo chạy:
- Cút!
Tên lính mới đến vội vã sụp lạy rồi kéo hắn lên ngựa, chạy trối chết không quay đầu lại. Tôi thở hắt ra, nhìn theo đám bụi mù tung lên theo vó ngựa, lòng rỗng tuếch như căn phòng vừa có cơn bão quét ngang qua. Giặc vẫn chạy, ta vẫn đuổi, mãi đến chân trời.
Khi tôi quay lại tìm bọn Quang Khải và Trần Cụ, một dáng người rất quen đã đứng đó, chắc là đã lâu, từ lúc Quang Khải không cản ngăn tôi nữa. Người chậm rãi xuống ngựa, bước đến chỗ tôi. Khắp thân người lem luốc bụi khói, máu và mồ hôi, song nét mặt vẫn bình thản và nụ cười nhẹ vẫn nhàn nhã lạ kỳ.
Tôi chẳng kịp nghĩ gì, bước nhanh đến, kiễng chân ôm chầm lấy thân người cao lớn ấy. Người cũng vòng tay ôm chặt tôi. Bỗng tôi thấy bàn tay mình đặt sau lưng người ươn ướt, tim tôi nghẹn lại, tôi run rẩy nhìn tay mình qua vai người, toàn là máu. Người không phải là thần hay Phật, người vẫn là một thân máu thịt, sinh mạng có thể mất đi bất cứ lúc nào, sao tôi lại quên điều này được? Gương mặt của Trương Phi và sợi dây cung bị đứt lại ám ảnh trong đầu, tôi vội vã lùi ra sau, tìm nút thắt trên áo giáp của người nhưng ngón tay cứ run bần bật chẳng làm được gì, cổ họng cũng nghẹn ứ không thành tiếng.
- Tiên sinh bị thương rồi! Mau... để em xem... để em xem...
Tôi sụp xuống đất tìm một thanh gươm hoặc bất kỳ mảnh vụn sắc bén nào đó giữa những cái xác để cắt áo giáp ra thật nhanh, trị thương cho người nhưng đột nhiên giáo gươm biến đâu mất cả. Người kéo tôi đứng dậy, tôi muốn giật phăng áo giáp ra song sợ làm người đau thêm, lại tìm chỗ thắt dây, nhưng gỡ mãi mà nút thắt chết tiệt kia vẫn siết chặt, ngón tay tôi cứ xoắn cả vào nhau.
- Phong!
- Người đau lắm phải không... - Tôi bắt đầu loạn trí. - Em bị sao thế này? Sao mà em không cứu được ai thế này...
Bàn tay người bỗng nắm chặt lấy tay tôi, tay kia ôm trọn gáy tôi, kéo tôi sát vào người. Và, môi người chạm lên trán tôi, giữa đêm đông, nóng rẫy như một hòn than nhỏ. Hai tai tôi đã tê cứng vì rét giờ chợt nóng bừng lên, rồi hơi ấm ấy chậm chạp len lỏi vào lòng, khe khẽ cựa quậy.
- Ta đây! - Người nói. - Đừng sợ. Ta không sao.
Đối với tôi, giọng nói trầm trầm đó vẫn luôn có uy lực hơn bất cứ âm thanh gì trên cõi đời này. Tôi cụp mắt, cố giữ mình không òa lên khóc, đăm đắm nhìn xuống bàn tay to lớn đang nắm trọn tay tôi hệt như thuở còn thơ. Khăn quấn trên cổ tay bị thương của người đã loang lổ máu. Vết thương ấy mãi mà chẳng khép miệng vì bệnh nhân không ngoan ngoãn tĩnh dưỡng. Tôi chợt thấy đóa mộc lan thêu dở trên khăn, thận trọng cầm lên xem.
- Tĩnh Quốc vương băng bó cho tiên sinh sao? - Tôi hỏi.
- Ừ. - Lão già của tôi xác nhận.
Chầm chậm ngước lên, tôi nhìn thật gần, thật rõ gương mặt mà tôi từng ước ao được nhìn thấy suốt bao ngày, gương mặt đã luôn hiện lên trong đầu tôi, động viên tôi, an ủi tôi, bảo vệ cho tôi. Đôi mắt lão vẫn mang vẻ tĩnh lặng muôn thuở, song dường như hơi hoe đỏ, chắc vì khói bụi và nhiều đêm khó ngủ, nhìn thẳng tôi. Trong phút chốc, tôi chẳng biết phải nói gì, lại cúi đầu mân mê cánh tay bị thương của lão.
- Chắc người đau lắm phải không? - Giây lâu, tôi hỏi lại.
Lão gật đầu, rất khẽ. Lòng tôi như tan ra thành nước vì thương, vì xót. Tôi vòng tay qua cổ lão, ghì chặt lão, cả gan đưa tay vuốt lên phần tóc sau gáy lão, nói thật khẽ qua làn nước mắt:
- Chúng ta về nhà, nhé, tiên sinh?
- Ừ. - Lão đáp, tay nhè nhẹ vỗ lưng tôi.
Tôi biết nơi này vẫn là chiến trường, tôi biết xung quanh bọn tôi còn hàng nghìn binh sĩ, có cả quan gia, thái tử và tôn thất, song tôi mặc kệ. Trời thì vẫn còn tối, mọi người thì đang say trong chiến thắng. Càng lúc hơi ấm của lão càng gần, cho tôi biết lão vẫn sống, mình vẫn sống và quân ta đã thắng.
Có tiếng gà gáy từ đâu vẳng lại.
- Trời sáng rồi!
- Giặc chạy mất hút rồi! - Ai đó kêu lên.
- Chúng ta thắng rồi! Thắng rồi! - Mọi người đồng thanh hưởng ứng.
Tôi vùi mặt trong lòng lão, nhoẻn cười mà nước mắt cứ chảy mãi, chảy mãi. Tôi bắt đầu cảm nhận được niềm vui chiến thắng dù bao nhiêu mất mát đã xảy ra. Giặc mạnh như thế, chúng ta tưởng như đã thua như thế mà vẫn có được bình minh của hôm nay. Bao nhiêu người đã đổi mạng lấy giờ khắc này nên chúng tôi càng phải vui cả phần của họ mới phải. Nhìn lên bầu trời đang sáng dần lên, tôi thấy phía xa xa một vì sao chợt lóe, như vị đại anh hùng nào đó đang khen ngợi, "nhóc con, khá lắm".
- Quan gia vạn tuế! Quan gia vạn tuế!
- Đại Việt muôn năm!
- Về nhà thôi! Ăn Tết thôi!
- Phải nhanh tay nhanh chân lên! Còn mấy ngày nữa là giao thừa rồi!
Giáo gươm giờ lại va loảng xoảng vào nhau thay cho nhạc cụ hát mừng. Người bắt đầu kể chuyện vợ con ở quê nhà, người bàn nhau xem Tết phải nấu bao nhiêu mâm cỗ mới xứng với thắng lợi vẻ vang này. Có ai đó cất giọng rồi mọi người cùng đồng thanh hưởng ứng, một lần nữa hô vang bài sấm đã bao lần đuổi giặc ra khỏi biên thùy.
- "Nam quốc sơn hà, Nam đế cư..."
[1] Trích Chinh phụ ngâm khúc của Đặng Trần Côn, bản dịch thơ của Đoàn Thị Điểm.
[2] Ca dao.