Trời đã sáng từ lâu, ánh nắng chiếu xiên khoai qua mành che lán khiến tôi chói mắt nhưng tôi vẫn kéo áo choàng lên kín đầu, luyến tiếc cảm giác ấm áp thêm chốc nữa. Lão già đã dậy từ sớm để duyệt quân, nằm trong này có thể nghe thấy tiếng chân người đi đi lại lại, nói cười rôm rả. Tôi đoán cả doanh trại chắc chỉ còn mỗi mình tôi còn nằm ườn biếng nhác đến bây giờ.
Nằm mãi cũng chán, tôi lăn mấy vòng rồi bước ra khỏi tấm thảm da hổ trải trên đống cỏ khô, thấy quần áo trên người đã chỉnh tề, uể oải vươn vai. Hôm nay trời có vẻ ấm hơn, chắc vì xuân sắp đến. Tôi đưa mắt nhìn quanh lán, trên cái bàn nhỏ được kê bằng mảnh gỗ và hai viên đá lớn, ngoài ngọn đèn dầu lạc đã cạn thì chỉ có một quyển binh thư và cây sáo ngọc của tôi được bọc kỹ trong một lớp vải. Tôi vui vẻ giở quyển binh thư ra đọc mấy trang rồi úp xuống bàn, đoạn giở cây sáo ra nhìn, không thấy thêm vết xước nào, bèn cầm theo nó bước ra ngoài.
Đã lâu rồi tâm trạng mới thư thái như sáng nay, tôi hăm hở đi một vòng chào hỏi mọi người trong doanh. Vừa bước đến con dốc dẫn xuống bờ suối, tôi gặp ngay một anh lính thấp người, để râu quai nón, đang vác một bó tre to, tôi liền lớn tiếng gọi:
- Chào anh! Sáng ra đã chăm chỉ quá!
Anh ta nhanh nhẹn đặt bó tre xuống, gập người đáp lại:
- Chúc vương phi buổi sáng tốt lành!
Tôi ngơ ngác trỏ mặt mình, hỏi lại:
- Vương phi?
- Thưa phải! Tôi nghe tiếng Hưng Ninh vương phi sắc nước hương trời, nhưng nghĩ thế nào cũng không tưởng được, người đã gả cho vương gia gần chục năm rồi mà dung nhan vẫn như thiếu nữ thế này. Vương quả là khéo chọn!
Nụ cười trên môi tôi cứng lại, bèn hỏi:
- Anh tên gì?
- Bẩm, ai cũng gọi tôi là Trương Phi!
- Trương Phi! - Tôi dịu dàng đáp. - Nghe anh khen tôi rất vui, nhưng anh đã lầm rồi!
- Anh ta lập tức chữa cháy:
- Phu nhân không phải vương phi, vậy chắc chắn là tiểu thiếp mà vương sủng ái đến mức đi đánh trận cũng phải mang theo! Chắc chắn không sai được!
- Hàm dưới của tôi vừa chạm đất, anh Voi Lớn đã nhanh nhẹn đến cặp cổ anh ta lôi ngược về sau, vừa đi vừa không quên phân trần:
- Gã này trước làm nông, vừa gia nhập quân Thánh Dực được mấy tháng, cái gì cũng không biết nên cô đừng chấp nhất!
Tôi nhìn hai người đàn ông to lớn lôi kéo nhau, thấy vừa thương vừa tức cười. Hai người đã xuống cuối con dốc, tôi hãy còn nghe anh lính mới kia léo nhéo:
- Không phải vương phi, không phải ái thiếp, vậy cô ấy là ai, tại sao... tại sao...?
Quay người trở về đường cũ, tôi thấy lão già đang đứng trên đỉnh dốc dặn dò Trần Cụ gì đó, có vẻ như không hề nghe thấy cuộc trò chuyện của tôi với Trương Phi. Tôi sải bước đến chỗ họ, Trần Cụ thấy tôi liền lễ phép gật đầu chào. Lão già hơi nhếch mép cười:
- Giữa lúc giặc giã, nằm trong lán dã chiến mà có thể ngủ say như chết đến giữa trưa, đúng là bản lĩnh hơn người!
- Ồ, phải đấy! – Tôi gõ gõ cây sáo trong tay. – Bản lĩnh lớn nhất của em là có thể tìm được một vị tướng rất oai phong dũng mãnh canh giấc ngủ cho em, dù trời sập cũng không cần chớp mắt!
Chưa kịp cười đắc thắng, tôi đã bị lão già ấn đầu xuống rồi xoa đến tóc rối bù như tổ chim. Trần Cụ đứng ngơ ngác nhìn chúng tôi đoạn cúi chào lão rồi quay lưng đi mất. Tôi nhìn theo bóng lưng hắn đến khi đã tít đằng xa mới chợt nhớ hôm qua mình vẫn chưa điều tra được thứ họ đang giấu giếm.
- Năm trước ta có dạy em làm pháo đá, còn nhớ không? – Lão già hỏi.
- Nhớ ạ. – Tôi gật đầu, đoạn híp mắt nhìn lão đầy thấu hiểu. – Trước khi đến đây em còn làm mấy cỗ cho quân ta ở Yên Bang. Chẳng hay tướng quân cần bao nhiêu cỗ, bắn xa bao nhiêu bộ?
- Một thôi, loại gọn nhẹ nhất có thể đặt trên thuyền chiến.
- Được ạ, em sẽ bảo binh sĩ làm ngay. – Tôi vụt chạy về phía bờ suối.
- Trước khi mặt trời lặn phải hoàn thành. – Giọng lão nghiêm túc lạ thường.
Tôi vừa đi vừa nghĩ, ở đây thêm mấy ngày nữa không biết lão sẽ còn bày ra những việc gì để giữ tôi bận rộn. Sáng nay mọi người đã chặt về rất nhiều cây to nên việc làm máy bắn pháo diễn ra rất nhanh. Mấy anh binh sĩ đều còn khá trẻ nên ai nấy cũng tinh nghịch, vừa làm vừa ca hát rất đỗi yêu đời. Người không biết nhìn vào còn tưởng đây là phường mộc ở một thái ấp nào đó thuở khói lửa chiến tranh chưa tràn đến.
- Nếu ở nhà tôi có một mỹ nhân như cô Nhã Phong, tôi nhất định sẽ giấu thật kỹ, không để ai nhìn thấy! – Anh lính đang mướt mồ hôi buộc lại mối dây vẫn dẻo miệng trêu đùa.
- Nhìn thấy thì đã làm sao? – Một anh lính khác chen vào. – Chúng ta đều là bọn phàm phu thô kệch, bác nghĩ vương gia cần lo lắng chắc?
- Tôi có một cô em vợ. – Anh lính hơi đứng tuổi nói với sang. – Năm trước nó đến Dưỡng Chân Trang thắp hương một lần, vô tình được diện kiến vương rồi thưa chuyện vài câu, từ đó về sau đám nào đến hỏi cũng bị khước từ. – Đoạn, anh cười lớn. – Sau trận này tôi sẽ nói với cô ấy, phải tỉnh mộng, tỉnh mộng thôi!
Tôi ngồi trên gốc cây, chống cằm theo dõi câu chuyện của họ mà bật cười rũ rượi. Anh lính có cô em vợ nọ nói tiếp:
- Người xứng đáng để đứng cạnh vương phải như cô đây, chẳng những đẹp người lại còn thông tuệ. Đến máy bắn pháo đá rắc rối thế này mà chúng ta làm theo cách của cô ấy chỉ một loáng là xong. Các anh thấy có đúng phỏng?
- Đúng thế! Đúng thế! – Mọi người tán đồng. – Quả là rồng phụng trong thiên hạ!
- Các bác quá lời rồi! – Tôi xua xua tay. – Tôi may mắn được vương gia của mọi người dạy bảo, gần đây còn được học hỏi từ một cao nhân... - Nhắc đến ông Đảm, lòng tôi lại không khỏi buồn phiền. – Tuy ông ấy tàn tật nhưng tài làm vũ khí thì không ai bì được!
- Tàn tật? Làm vũ khí rất tài? Cô đang nói đến cụ Lý Đảm phải không? – Người tên Trương Phi tôi gặp lúc sáng cũng vừa đi đến.
- Phải. – Tôi sững người, nhảy khỏi gốc cây. – Mọi người cũng biết ông ấy sao?
- Thưa. – Trương Phi thật thà đáp. – Mấy hôm trước bọn Thát vào thành thấy xác của bọn sứ giả trong ngục của ta, tức giận đập phá lung tung, còn treo cả xác một người trên bến sông để thị uy. Bọn tôi đi nghe ngóng nên thấy được, vội về bẩm lại. Cái xác cụt chân nhưng gương mặt rất có uy, mắt vẫn mở trừng trừng, cậu Trần Cụ nói bọn tôi mới biết tên ông ấy.
Tôi nghe như đất sụp dưới chân mình, cố giữ giọng nói khỏi run, tôi hỏi lại:
- Việc ấy xảy ra bao lâu rồi? Giờ xác ông ấy ở đâu?
- Thưa... - Trương Phi lắp bắp trước thái độ của tôi. – Cũng ba, bốn hôm rồi. Bọn tôi thấy anh hùng phải phơi thây như thế thì đau xót lắm, nhưng vương đã lệnh không được manh động mà hỏng việc, nên không ai dám cãi. Cái xác... chắc vẫn còn ở đó.
- Trương Phi! – Dã Tượng từ xa quát lại. – Ta đã bảo anh không được nói lung tung, sao mãi vẫn chứng nào tật nấy?
Anh lính nghĩ gì nói đó kia lầm bầm đáp những gì tôi nghe chẳng rõ, vì Dã Tượng đã đến chắn trước mặt, lo lắng bảo tôi:
- Cô Nhã Phong, tôi đã chuẩn bị cơm trưa cho cô, về ăn nhé! Cô Nhã Phong!
Tôi đứng như trời trồng, Dã Tượng gọi mấy lần mới sực tỉnh:
- Không phải vương gia không cho phép nổi lửa nấu cơm sao? – Tôi cười nhạt. – Cứ theo quân lệnh mà làm.
Tôi lững thững bước về lán như người mộng du, trong đầu không ngừng nhớ lại cảnh tượng ngày hôm ấy. Tôi đã đớn hèn bỏ ông Đảm mà chạy giữa lúc sinh tử, đã không thể để ông mồ yên mả đẹp, lại nhắm mắt làm ngơ thi thể ông bị bọn xâm lăng mang ra chà đạp. Người ra sắc lệnh ấy, mỉa mai thay, lại là lão già mà tôi yêu quý nhất, là người đã khiến tôi bất chấp tất cả rời khỏi Yên Bang buộc ông Đảm phải đồng hành rồi không bao giờ trở về được nữa.
- Cô Nhã Phong, vương gia có nỗi khổ của ngài ấy! – Dã Tượng bám tôi không rời nửa bước.
- Anh không biết đó thôi. – Tôi cười chua chát, chợt nhớ lại một đoạn đối thoại năm xưa giữa lão già và chúng tăng mà tôi vô tình nghe được. – Đối với Tuệ Trung Thiền sư mà nói, thân thể chỉ là máu thịt hôi tanh, dù có nhan sắc đẹp đẽ thế nào, khi hồn lìa khỏi xác thì tất cả đều trở về với cát bụi...
- Xin cô đừng nghĩ vương tuyệt tình đến thế! – Anh kéo tôi đến sau lán để không ai trông thấy.
- Anh Dã Tượng! – Tôi nhìn anh rất chân thành. – Ngày thường em nghe tiên sinh giảng Phật lý, tuy không hiểu thấu đáo nhưng những lời người nói em đều xem như khuôn vàng thước ngọc. Mãi đến cuộc chiến này, khi phải đối diện với sống chết, em mới biết em không thể nào buông bỏ nhẹ nhàng như người được. Ông Đảm vì em mà rơi vào nguy hiểm, vì cứu em mà chết, bảo em mặc kệ ông ấy bị treo nơi bến sông lạnh lẽo kia đến khi mục rữa thối nát, em không làm được! – Tôi đưa tay quệt nước mắt, cố ngăn tiếng nấc. – Em không làm được!
Dã Tượng nhìn tôi bối rối, không biết phải an ủi thế nào. Hồi lâu, anh khổ sở thưa:
- Tôi biết cô Nhã Phong trân trọng mạng sống của từng người, dẫu là sĩ tốt thấp hèn. Nhưng cô đã nghĩ được như thế, sao lại không hiểu cho vương gia? – Người anh cao lớn của tôi cũng xúc động mạnh. – Hưng Ninh vương là người thế nào? Thà vương bị trọng thương còn hơn thấy thuộc hạ phải đổ máu! Tôi theo vương chẳng bao lâu còn rõ việc này, sao cô là người thân thiết nhất với vương lại nỡ trách cứ?
Tôi giương mắt nhìn, đợi anh nói tiếp.
- Vết thương trên tay vương lẽ nào cô không nhìn thấy? Hôm đó trận Phù Lỗ ác liệt thế nào, vương vì không đành nhìn Phú Lương hầu tử nạn mà suýt nữa cũng đã không về được. Nếu không như thế, sao chúng tôi có thể liều chết chiến đấu với ngài? – Nói đến đây, mắt anh cũng hoe hoe đỏ. – Giá chỉ có một mình, tôi tin vương cũng sẽ không ngần ngại xông vào trại địch mang ông Đảm về an táng, nhưng lần này vương là chủ tướng, một quyết định của vương sẽ khiến bao nhiêu người đổ máu, bao nhiêu người vợ mất chồng, bao nhiêu đứa trẻ không cha... So với thảm cảnh đó, nỗi nhục nhìn ông Đảm bị bêu xác đã là gì?
Tôi đưa tay cắt ngang lời anh, tay còn lại ôm lấy ngực, tưởng như mình không thở được. Những điều này sao tôi có thể không hiểu? Quyết định này sao tôi có thể chẳng tán đồng?
Chỉ là, khi người ra lệnh là một lão già luôn dịu dàng bao bọc tôi bằng thứ tình thương và lòng bao dung vô hạn, tôi lại không có cách nào chấp nhận. Tôi thừa biết trong mắt người ngoài, lão vốn là một người khôn ngoan và tỉnh táo, nhưng khi phải đối mặt với con người khôn ngoan tỉnh táo ấy, tôi lại thấy xa lạ và sợ hãi.
Có tiếng giày giẫm lên cỏ sột soạt, tôi và Dã Tượng cùng quay đầu lại, lão già đã đến. Dã Tượng buồn bã nhìn lão một lúc rồi ôm quyền hành lễ:
- Vương gia, cô Nhã Phong đã biết chuyện. Dã Tượng không hoàn thành trách nhiệm, xin nhận phạt!
Lão khoát khoát tay ra hiệu anh rời đi. Đoạn, tôi và lão cứ đứng nhìn nhau mà chẳng nói gì. Trong đầu tôi hoàn toàn trống rỗng, hồi lâu, lão trầm giọng bảo:
- Ta không có gì để giải thích.
Tôi nhắm mắt, hít một hơi thật sâu rồi khẽ thở ra, đầu cúi thấp. Bàn tay lão đưa tới trước định vỗ vai tôi, bất giác tôi bước lùi thật nhanh. Bàn tay kia ngưng giữa khoảng không, khẽ nắm hờ rồi buông xuống. Lão đứng thêm một chốc rồi vào lán, lát sau cầm áo choàng và kiếm bước ra, lại đến trước mặt tôi, nói khẽ:
- Có thể sau đêm nay, căn cứ Cổ Mai này sẽ bị lộ. Em thu dọn sẵn hành lý, khi cần ta sẽ cho người đưa em đến chỗ hoàng thất đang lánh nạn. – Dừng một đỗi, lão tiếp. – Ở đó xa tiền tuyến, không cần phải chứng kiến cảnh máu chảy đầu rơi.
Tôi vẫn không dám ngẩng đầu lên, lão nói xong rồi đi mất. Hóa ra đêm nay quân Thánh Dực sẽ có hành động. Chẳng trách lão lại bảo tôi phải làm xong cỗ pháo đá trước hoàng hôn. Giờ chỉ mới đầu giờ Thân, trời hãy còn sáng, hẳn phải hơn một canh giờ nữa họ mới lên đường.
Tôi ngồi thừ trước lán, cảm thấy mọi việc xảy đến rất nực cười. Mới tối qua, chúng tôi còn thân thiết đến thế, tôi còn rúc trong lòng lão kể lể chuyện này sang chuyện nọ. Vậy mà bây giờ, mỗi người lại có một ý nghĩ riêng, cả việc nói với lão một câu "Tiên sinh cẩn trọng", tôi cũng không cách nào mở miệng. Đêm nay, lão phải đối mặt với bọn Thát mà tôi còn ở đây phiền trách lão vì một người đã không cách nào sống lại.
Tôi đã mang nỗi ray rứt giương mắt nhìn ông Đảm mất trút lên người lão, vô lý và bất công như vậy...!
Nghĩ lại mấy lời anh lính nói lúc nãy, cái gì mà rồng phụng xứng đôi, thật nực cười! Chỉ riêng việc ở cạnh lão thế này đã rất khó khăn rồi!
Tôi vào lán, bắt đầu thu dọn hành lý. Ngoan ngoãn đến một nơi an toàn, rời khỏi tầm mắt của lão để lão yên tâm đánh trận có lẽ là việc duy nhất tôi làm được bây giờ.
Dọn gần hết đồ đạc của mình vào đẫy, tôi bước đến lấy quyển binh thư đang đọc dở thì thấy một vật tròn tròn nho nhỏ nằm khuất phía dưới. Tôi tò mò cầm lên xem thử, hóa ra là hộp thuốc trị thương, trông hơi khác hộp hôm qua lão dùng để bôi vết thương cho tôi. Tôi đưa lên mũi, một mùi hăng rất đặc trưng xộc đến, chuyện xưa lập tức hiện về. Có lần lão đưa tôi lên núi hái thuốc thì tìm thấy một loại cây mọc nơi vách đá cheo leo. Lão bảo tôi ở yên một chỗ rồi tìm cách trèo ra hái, suýt chút nữa đã trượt chân. Tôi sợ phát khóc, lão quát lớn:
- Ở yên đấy! Ta không sao!
Loay hoay một hồi, lão cũng trở vào an toàn. Tôi đưa cây thuốc lên mũi ngửi thử, đoạn nhăn nhó vứt xuống đất. Lão cười hiền xoa đầu tôi, tôi ấm ức bảo:
- Sao tiên sinh lại vì thứ hôi thối này mà mạo hiểm như thế?
- Đây là thuốc quý, trị được vết thương rất sâu đấy! Binh sĩ ra trận nếu có loại thuốc này sẽ có thêm vài cơ hội sống.
Phải rồi, lão già của tôi vốn là một người nhân hậu nhường ấy nên tôi mới không dễ dàng chấp nhận việc hôm nay... Nhưng, phải dùng đến loại thuốc này, lẽ nào vết thương trên tay lão nghiêm trọng hơn tôi nghĩ?
Tim chợt hẫng đi một nhịp, nỗi bất an từ đó thi nhau kéo đến, mọi nghi ngại bỗng tan biến, tôi tỉnh táo lạ lùng. Đêm nay, lão định đánh thế nào? Quân số của doanh Thánh Dực ở Cổ Mai tuyệt đối không bì được với quân Thát đang đóng trong thành. Lão lại đang bị thương, giao chiến trực diện rất bất lợi. Cho là tập kích cũng không thể tránh khỏi hiểm nguy.
Là vương gia, là tướng quân hay thiền sư đắc đạo, coi trọng sinh tử hay xem mọi thứ tựa phù vân, lão vẫn chỉ là người. Hôm trước lão đã có thể bị thương, hôm nay lỡ như, lỡ như lão không về nữa...?
***
Lần thứ hai tôi ngắm hoàng hôn giữa rừng mơ, cảnh vật còn tráng lệ hơn hôm trước, có lẽ vì tôi nghĩ rất có thể đây là lần cuối cùng tôi được nhìn thấy cảnh đẹp này. Tôi đã vượt bao hiểm nguy đến đây tìm lão thì dù thế nào cũng sẽ không bỏ đi. Huống hồ, ngày rời khỏi Yên Bang, tôi đã thề sẽ không để lão phải một mình thêm lần nào nữa.
"Đời này chắc chẳng có ai muốn bảo vệ tên nhóc ấy hơn cháu." Ông Đảm từng nói với tôi như thế.
Lòng tôi vẫn chưa hết băn khoăn, chưa hết xa lạ và sợ hãi, nhưng tôi biết nếu không cùng lão chiến đấu, lỡ như lão có bất trắc gì tôi sẽ ân hận cả đời.
Gió bắt đầu thổi mạnh, tôi đưa tay kéo lại tấm áo choàng lão đã khoác cho mình ngay lúc tôi vừa đến đây, hương trầm hãy còn thoang thoảng. Thôi thì, ông ơi, cho là cõi niết bàn hay địa ngục, cháu cũng tình nguyện theo người là được!
Tôi ngồi trên lưng Cụ Nhỏ, đợi rất lâu ở cuối con dốc phía bắc Cổ Mai – đường độc dạo dẫn xuống Thăng Long – đến khi mặt trời xuống giữa tàn cây thì quân kỳ Thánh Dực hiện ra rực rỡ dưới bóng ác tà, nổi bần bật giữa màu hoa trắng. Lão già cưỡi ngựa dẫn đầu một đội quân đi đến. Nhìn thấy tôi, lão thoáng sững sờ. Trần Cụ đi ngay phía sau, thảng thốt hỏi:
- Cô Nhã Phong! Tôi tưởng cô vẫn còn ở doanh trại?
Tôi mỉm cười, khẽ lắc đầu, hướng mắt về phía lão.
Lão nhìn tôi như ngẫm nghĩ, đoạn nở một nụ cười ngạo nghễ rồi quay lại nhìn binh sĩ phía sau, tay giương cao kiếm, giọng nói vang vang:
- Vừa xuất phát đã gặp gió đông, trận này quân ta tất thắng!
- Tất thắng! Tất thắng!
Mọi người đồng thanh hô rất khẽ, rừng mơ nhè nhẹ rung lên như thầm thì hẹn khúc khải hoàn.
[1] Câu cuối trong Tứ sơn kệ của (Sinh – Lão – Bệnh – Tử) của Trần Thái Tông, viết về cái chết:
"Bãi đãng cuồng phong quát địa sinh
Ngư ông túy lí điếu chu hoành
Tứ thùy vân hiệp âm mai sắc
Nhất phái ba phiên cổ động thanh
Vũ cước trận thôi phiêu lịch lịch
Lôi xa luân chuyển nộ oanh oanh
Tạm thời trần liễm thiên biên tịnh
Nguyệt lạc trường giang dạ kỉ canh?"
Dịch thơ:
"Cào đất đùng đùng trận gió hanh,
Lão ngư say tít, chiếc thuyền chành.
Bốn bề mù mịt mây sầm bóng,
Một dãy lô xô sóng cuộn ghềnh.
Theo lớp hạt mưa bay phấp phới,
Dồn nhau tiếng sét nổ đì đoành.
Giây lâu tan bụi, bên trời tạnh,
Trăng lặn lòng sông, đêm mấy canh?"