Trời dần nóng lên và vẫn không có mưa, mực nước của con sông nhỏ giảm xuống rất nhiều, việc giặt quần áo cũng trở nên phiền toái. Đám phụ nhân không thể không đi xuống gần mép nước để giặt quần áo.
Ruộng lúa vốn chứa đầy nước nay đã bốc hơi một nửa, may mà Đào gia thôn sớm làm công tác chuẩn bị nên cũng không ảnh hưởng tới việc cấy mạ.
Đào Tam gia ăn cơm sáng xong nhìn mặt trời chói lọi thì lắc đầu. Ông ta cuốn cây thuốc lá màu nâu và oán giận trời mãi không có mưa.
“Aizzz! Ông trời thật là tàn nhẫn, một hạt mưa cũng không cho!” Ông ta cuốn thuốc lá xong thì đốt lửa hút.
“Cha, có cần thương lượng với tộc trưởng để mở cửa Yển Đường mấy ngày lấy nước không? Lúc này lúa mạch đang lên đòng, nếu thiếu nước sợ sẽ ảnh hưởng thu hoạch.” Trường Phú sốt ruột nói.
“Mở cửa mấy ngày là không được, ta nghĩ chỉ có thể mở một ngày. Hôm nay hạn thành như vậy, nước còn lại phải bảo toàn, hơn nữa lúa mạch lên đòng cũng không cần nhiều nước quá, một ngày hẳn cũng đủ rồi.” Đào Tam gia phun một hơi khói và thở dài: “Đợi thêm 10 ngày nữa là có thể cấy lúa, cấy xong lại phải thu hoạch lúa mạch, trồng khoai lang đỏ và bắp. Chúng ta vất vả một chút nhưng thu hoạch năm nay cũng coi như yên tâm.”
Trường Phú và Trường Quý đều gật đầu.
Nơi xa truyền đến tiếng gõ la, Đào Vĩnh Thịnh đi từng nhà thông báo ngày mai Yển Đường mở cửa, thôn dân phải nhanh chóng lấy nước cho ruộng lúa mạch của nhà mình.
Trường Phú nghe xong thì trong lòng cũng nhẹ nhàng thở ra và nghĩ thầm: Mặc kệ năm nay còn hạn tới khi nào, trước tiên giữ được lúa mạch mới là quan trọng.
Hai cô con dâu ra bờ sông giặt quần áo còn Lý thị cho heo ăn xong lại thả gà ra khỏi chuồng. Hiện tại rau trong vườn đã mọc cao, Lý thị cũng không có ý định nhốt gà mãi nữa mà ngày ngày đều thả ra cho tụi nó giúp bắt sâu và xới đất.
Lý thị ôm một bó cành cây từ phòng chất củi ra, đây là hoàng kinh tử nhà họ cố ý để lại. Nó là cây bụi, cành thẳng tắp, thích hợp làm giàn cho cây đậu đũa, đậu cô-ve và dưa chuột.
Lý thị dùng dao chém vát gốc của mấy nhánh cây để dễ cắm vào trong đất. Sau đó bà ta cõng một bó hoàng kinh tử đi về phía trước, Tam Bảo, Tứ Bảo, Nữu Nữu và Hoàng Hoàng lũn cũn theo sau. Mọi người đi đường thấy thế thì đều cười trêu vài câu, bọn nhỏ cũng lễ phép chào hỏi.
Ở ruộng rau nơi bờ sông đã thấy mầm đậu và dưa mọc thật dài. Lý thị rút ra một cây hoàng kinh tử cắm cạnh mầm đậu sau đó vòng dây đậu lên nhánh cây một cách cẩn thận.
Bà ta để bọn nhỏ đứng chờ cạnh bờ ruộng. Trong khi Nữu Nữu ngoan ngoãn gật đầu thì Tam Bảo và Tứ Bảo lại chạy vào trong ruộng muốn hỗ trợ nhưng xét tới tính phá hoại diện rộng của hai đứa thế là Lý thị lập tức ngăn cản ý định đang ngo ngoe, “Này, hoàng kinh tử này mà dùng để đánh mông thì nhất, thịt hoàng kinh tử ngon hơn thịt trúc nhiều.”
Tam Bảo và Tứ Bảo tức khắc thấy mông đau và ngoan ngoãn đứng cạnh ruộng nhìn.
Mảnh ruộng này không nhỏ, một bó hoàng kinh tử Lý thị vác tới chỉ đủ cắm cho mầm đậu cô-ve và đậu đũa. Trong lòng bà ta tính toán thấy số hoàng kinh tử trong phòng chứa củi cũng không đủ cho dưa chuột mầm nên sai Tam Bảo về báo cho Đào Tam gia chẻ trúc tới làm giá cho dưa chuột.
Tam Bảo tung ta tung tăng chạy về, một lát sau đã thấy Đào Tam gia khiêng mấy cây trúc tới. Tam Bảo cũng vác một ít gậy trúc. (Truyện này của trang Rừng Hổ Phách) Đào Tam gia thuần thục chôn cây trúc ở bốn góc sau đó dùng gậy trúc đan thành giàn cho dưa chuột.
Ruộng rau ở bờ sông đã xử lý xong, lúc này Đào Tam gia và Lý thị lại về nhà. Dây mướp hương, bí đao cũng đã mọc ra, hai người lại cùng nhau dựng giàn. Bí đỏ thì bò trên mặt đất là được, không cần bắc giàn.
Lưu thị cùng Trương thị giặt quần áo trở về không nhịn được vừa phơi quần áo vừa oán giận: “Nước sông hạ nhanh quá, nếu còn cứ thế này thì chúng ta cũng không còn chỗ mà giặt quần áo nữa.”
Trương thị nhíu mày nói: “Còn không phải thế à, thôn chúng ta có con sông nhỏ này còn đỡ, những thôn không có sông thì không biết thành bộ dạng gì rồi.”
Lưu thị nghĩ tới nhà mẹ đẻ của mình thì trong lòng chua xót nói: “Trong thôn nhà mẹ đẻ của ta không có sông, chẳng biết thế nào rồi.”
“Đại tẩu đừng lo lắng, nhà mẹ đẻ của tẩu ở xa nên chưa biết chừng lại có mưa thì sao!” Trương thị trấn an chị dâu mình.
Lưu thị ừ một tiếng và không nói gì, chỉ im lặng phơi quần áo. Nhà mẹ đẻ của Trương thị cách cũng xa, nhưng mấy ngày trước người nhà mang tin tới nói mọi người đều mạnh khỏe thế nên nàng ta cũng yên tâm.
Đại Hoa nằm trên cối xay phơi nắng, bụng nó đã hơi nhô lên, hiển nhiên là có mèo con. Lý thị cố ý dặn bọn nhỏ không được ôm nó lật đi lật lại, càng không được đuổi khiến nó phải nhảy lên nhảy xuống.
Đại Bảo và Nhị Bảo hiểu chuyện nên đỡ lo, Nữu Nữu là đứa nghe lời nhất, còn Tam Bảo với Tứ Bảo thì thần nghịch. Lý thị nhìn chằm chằm hai đứa và nói: “Hai cái thằng ranh nghịch ngợm này, nếu không nghe lời thì bà sẽ cho tụi mày bữa nào cũng ăn sa tế đó!”
Tam Bảo và Tứ Bảo nghe thế thì ngoan ngoãn gật đầu như đảo tỏi.
Bọn nhỏ bức thiết hy vọng Đại Hoa sớm sinh mèo con, cả đám ngày ngày dùng ánh mắt sáng quắc nhìn bụng nó. Đại Hoa bị nhìn thì cả người dựng hết cả lông, địa điểm phơi nắng chuyển từ cối xay lên nóc nhà. Từ đây bọn nhỏ chỉ có thể nhìn lên mà than thở.
Hôm nay Yển Đường xả nước thế là gần như cả thôn xuất động canh giữ ở ruộng lúa mạch nhà mình chờ nước.
Lần này không cần tưới tràn, các thôn dân chỉ cần dùng gáo múc nước từ con lạch và tưới cho ruộng là được. Cả nhà Đào Tam gia phối hợp ăn ý, ba lao động chính phụ trách gánh nước còn Lý thị và hai cô con dâu thì tưới nước cho lúa mạch.
Trên cánh đồng là tiếng cười nói, dù năm nay khô hạn nhưng lúa mạch vẫn ra bông, vẫn có cái để thu hoạch thế là đã vui rồi. Đào Tam gia lau mồ hôi, nhìn sóng lúa dập dờn thì trong lòng cực kỳ vui mừng.
Lạch vừa có nước là người lớn vội tưới ruộng còn đám nhỏ thì chơi nước mải miết.
Đám con trai cởi giày, xắn quần đi dọc theo dòng nước. Mấy đứa con gái không thể cởi giày xắn quần thế là chỉ có thể đứng bên cạnh giúp anh em nhà mình xách giày. Thỉnh thoảng có tên nhóc trượt chân thế là quần áo ướt đẫm nhưng chẳng đứa nào để bụng, cứ thế đứng dậy tiếp tục chơi nước.
Lạch nước không sâu, vừa vặn qua đầu gối. Tam Bảo và Tứ Bảo tay trong tay đi trong lạch, cảm nhận nước chảy quan chân lạnh băng, cỏ dại cũng theo dòng nước mà cọ tới ngưa ngứa. Thi thoảng hai đứa còn hắt nước vào nhau chơi, hoặc hắt nước về phía Nữu Nữu đang xách giày ở trên bờ. Nữu Nữu cầm giày cho hai thằng anh vừa chạy vừa cười thở hổn hển.
Hoàng Hoàng lúc này đã lớn một vòng, nó nhảy ào ào vào lạch nước bơi tung tăng. Nữu Nữu thì cầm giày của Tam Bảo và Tứ Bảo đi theo, thi thoảng hái chút hoa dại ném vào lạch nước rồi nhìn nó trôi theo dòng mà đi.
Nửa ngày trôi qua ruộng lúa mạch trong thôn đã được tưới hết. Đào Đại gia đi tuần tra một vòng thấy thế thì cắt thời gian xả nước từ một ngày xuống còn nửa ngày. Nước của Yển Đường phải dùng tiết kiệm mới tốt vì thế ông ấy lệnh cho người lấp kín miệng cống nối với Yển Đường.
Yển Đường vừa ngưng xả nước thì nước trong con lạch và mương máng cũng không chảy nữa. Trời hạn nên nước vô cùng quý giá, các thôn dân canh mương máng rồi múc nước còn thừa đi tưới những cây khác.
Người lớn bận việc xong thì về nhà, đám nhỏ chơi trong lạch nước cũng mang theo quần áo ướt dầm dề đi về. Đương nhiên cả đám không tránh được một trận no đòn, một là chơi nước vốn dĩ bị cấm, hơn nữa quần áo ướt dễ sinh bệnh. Hai tội cộng vào thế là từ thôn đông tới thôn tây vang lên tiếng khóc hết đợt này tới đợt khác.
Lúc này Tam Bảo và Tứ Bảo đang quỳ gối ở sân trước, quần áo ướt đã bị thay ra, Lý thị lại nấu hai bát nước canh gừng đậm đặc cho tụi nó uống. Hai cô con dâu thì bận làm cơm trưa nên giao việc đánh người cho nam nhân trong nhà.
Trường Phú dọn một băng ghế dài từ trong phòng ra giữa sân trước sau đó thong thả ung dung đến phòng chứa củi tìm một cây hoàng kinh tử. Hắn dùng dao tước hết cành con, chỉ còn lại một nhánh cây bằng ngón cái, thẳng tắp.
Tam Bảo và Tứ Bảo nhìn thấy cây hoàng kinh tử kia thì kinh hoàng gào lên: “Ông nội, mau tới! Ông nội mau cứu mạng!”
Ngày thường Đào Tam gia chính là cứu tinh của bọn nó nhưng hôm nay cứu tinh lại dọn một cái ghế ra sân nhàn nhã ngồi hút thuốc xem náo nhiệt. Tam Bảo và Tứ Bảo thấy thế thì méo miệng khóc và nhanh chóng nhận sai.
Trường Phú cũng không nói nhiều, trực tiếp trừng mắt nhìn Tam Bảo một cái ý bảo hắn ngoan ngoãn nằm lên ghế. Đáng thương Tam Bảo chần chừ mãi vẫn chưa đi tới chỗ cái ghế thế là bị cha hắn quất cho một roi vào chân. Hắn ăn đau vội nhảy vọt tới nằm lên ghế.
“Nằm ngay ngắn, mỗi đứa 10 roi!” Trường Phú tàn nhẫn nói.
Hoàng kinh tử này đánh đau hơn cả gậy trúc, hơn nữa lực cánh tay của Trường Phú lớn hơn Lưu thị nên một gậy đầu đánh xuống Tam Bảo đau chết lặng. May mắn Trường Phú liên tục đánh mười cái là xong, nếu cứ dây dưa không xong thì đúng là khổ sở.
Tam Bảo khóc kêu trượt từ băng ghế xuống và quỳ ở một bên nức nở.
Đến phiên Tứ Bảo, hắn ngoan ngoãn nằm lên ghế đợi bị đánh. Trường Phú làm bác, lúc đánh con mình thì có thể nhẫn tâm nhưng đánh cháu lại đau lòng. Vì thế hắn giơ cao gậy nhưng lực dùng không có bao nhiêu, chỉ đánh tượng trưng cho xong.
Tứ Bảo còn chưa thấy đau đã xong việc. Lúc này hắn vuốt mông ngoan ngoãn quỳ gối bên cạnh Tam Bảo.
Tam Bảo thấy Tứ Bảo không khóc thì nghĩ đánh đau thế mà Tứ Bảo còn nhịn được, chả bù cho hắn khóc đến lạc cả giọng thế là hắn thấy hổ thẹn sau đó cắn răng nhịn đau không nức nở nữa.