Chuyện Đời Của Gia Gia

Chương 13



Hơn ba năm rời xa quê hương, cầm trong tay một tấm bằng loại Giỏi về ngành du lịch, cuối cùng tôi cũng bước chân vào con đường kiếm tiền, lăn lộn đấu tranh sinh tồn ở nơi thành phố hoa lệ mà tôi ghét nhất - Sài Gòn, nơi đất chật người đông, ồn ào náo nhiệt đến mệt mỏi.

Năm 2012, tôi là nhà quê lên thành phố. Những ngày đầu tiên vào Sài Gòn tôi sống chung với chị ba ở khu quận 8. Chị vì tôi vào đã nghỉ làm mấy ngày để tìm phòng trọ mới, chuyển đồ đạc, sẵn hết mọi thứ, tôi chỉ vào và ở trong chăn ấm nệm êm.

Chị ba tôi là một người cộc cằn và khó tính, nhưng là người sống hết mình vì gia đình. Cách đối xử của chị với em út không giống với những chị gái khác là dịu dàng và mềm mỏng, chị lúc nào cũng lớn tiếng và thiếu kiên nhẫn với tôi. Thật ra ngay từ bé, người tôi sợ nhất là chị ấy. Lúc nhỏ mỗi lần tôi làm gì khiến chị ấy khó chịu thường bị chị đánh bằng roi. Những chiếc roi tre quất vào mông nổi lằn dọc lằn ngang ngày đó khiến tôi trở nên sợ hãi tới bây giờ. Sau này lớn lên, không đến nỗi sợ những trận đòn của chị nữa, nhưng cái cách cằn nhằn nhăn nhó của chị cũng khiến tôi mệt mỏi khi phải làm trái lời. Khi vào thành phố ở chung với chị, mỗi ngày đều nghe chị dằn dò, ra đường phải thế nào, đi xe phải làm sao, khi người ta hỏi phải nói gì.. Bao nhiêu thứ tôi vừa lắng nghe, vừa chấp nhận làm cô em gái ngoan, không hề dám cãi, cứ như thế tôi núp dưới cái bóng to lớn của chị đi kiếm việc làm.

Ra đời kiếm tiền, lăn lộn trong thế giới xa lạ đầy mưu mô cám dỗ, lại nghe những cảnh báo của chị Ba, tôi thật sự cảm thấy sợ hãi.

Việc tôi cần làm đầu tiên là mua cho mình một cái bản đồ, dò từng con đường từng ngõ ngách, mọi thứ dường như rất khó khăn. Nhớ có một lần đi tìm công ty phỏng vấn, tôi đi nhầm vào đường một chiều, nhưng tôi chẳng biết gì, vẫn cứ vừa đi vừa ngó đường tìm kiếm mà không phát hiện ra những người khác đều đang ngược hướng với mình. Bỗng có một chiếc xe tải chạy gần như đâm sầm vào khiến tôi theo quán tính thắng gấp, cũng may tôi đi rất chậm nên chiếc xe chòng chành rồi đứng thẳng lại. Chú tài xế thấy chắc biết tôi dân nhà quê mới lên, thò đầu ra quát:

"Đây là đường một chiều. Bị mù hả? Muốn chết không?"

Tôi sững sờ nhìn xung quanh, thì ra đường một chiều nó như thế này đây. Lúc tôi sống ở Nha Trang, làm gì có cái thể loại này. Tất cả mọi thứ nới ấy, kể cả con người đều hiền hòa, tạo cho người ta cảm thấy thân thiện và ấm áp, cho nên khi vào Sài Gòn, mọi thứ thay đổi quá lớn, khiến tôi thấy lạc lõng.

Tôi đã nộp hồ sơ rất nhiều nơi nhưng suốt gần hai tuần, hồ sơ của tôi đều bị từ chối vì chưa có kinh nghiệm, hoặc tôi từ chối vì mức lương quá thấp. Trong suốt thời gian ấy, tâm lý ăn bám chị khiến tôi thấy mình trở nên buồn bực và thấp kém. Cuối cùng sau bao ngày vật vã, tôi đã được nhận vào làm lễ tân ở một KDL lớn tại Bình Dương.

Nhớ lại lần đầu tiên đi phỏng vấn, gặp một ông ông bặm trợn với cái tên nghe thật oách _ Tuấn Kiệt, người mà sau này tôi mới biết là sếp mình. Anh ta cười nhìn tôi nhưng tôi lại cảm giác bị soi từ đầu đến chân. Mới đầu bị soi thế tôi đã sợ, thế nhưng nghĩ lại bản thân cũng ăn mặc đúng chuẩn, mặt mũi cũng sáng sủa của cô gái hai mươi hai, tôi tự tin hẳn. Tôi mỉm cười lễ phép với anh ta:

"Chào anh, em tới phỏng vấn theo lịch hẹn ạ."

"Chào em. Mời ngồi"

Tôi nhẹ nhàng ngồi xuống và nhìn thẳng vào mắt anh ta. Với cái nhìn của tôi, anh ta bình thản cười:

"Đừng căng thẳng. Giới thiệu một chút về em nhé."

Giọng nói cũng y như vẻ bề ngoài, mặc dù đã cố ý nhẹ nhàng nhất có thể nhưng vẫn nghe ồm ồm và tạo cho người ta cảm giác e ngại khi tiếp xúc. Nhưng bình thường lá gan của tôi cũng vừa đủ lớn, tôi đã lấy lại bình tĩnh và tiếp tục giới thiệu bản thân. Trò chuyện vài câu, sau đó anh ta hỏi tôi nghĩ mình có trí nhớ tốt hay không, tôi đáp có. Anh ta tiếp tục đưa cho tôi một thử thách:



"Bây giờ anh đọc một số điện thoại, nếu em có thể đọc lại không sai một từ thì chúng ta kết thúc buổi phỏng vấn ở đây."

Anh ta đọc một dãy số điện thoại bao gồm có 11 số, tôi đã nhắc lại y nguyên. Anh ta cười hài lòng và báo kết thúc. Tôi bạo gan hỏi:

"Em xin hỏi một việc, anh thấy buổi phỏng vấn hôm nay thế nào?"

Anh ta ngạc nhiên vì nghĩ rằng tại sao con bé này dám hỏi như thế, một lát sau đó mới cười cười trả lời tôi:

"Em làm rất tốt, anh sẽ sắp xếp thời gian cho người gọi em đi làm, vì em đã được nhận."

Câu nói của anh ta khiến tôi vui mừng. Sau bao lâu xin việc và chờ đợi từ các nhà tuyển dụng, cuối cùng tôi cũng tìm được công việc phù hợp với ngành nghề và sở thích của tôi. Mặc dù mức lương thời điểm đó chỉ ba triệu/ tháng, bao ăn bao ở, công việc cũng không phải tốt nhất nhưng nó khiến bản thân tôi thoát khỏi hai từ "ăn bám", vậy là đủ rồi.

Văn phòng công ty nằm ở quận Bình Thạnh, mà KDL thì lại ở Bình Dương, công việc của tôi là lễ tân nên phải xuống đó làm. Mỗi lần đi tôi sẽ phải chạy xe máy từ quận 8 qua quận Bình Thạnh, để xe lại đó rồi theo xe công ty xuống KDL. Cứ cách 2-3 tuần tôi sẽ về lại thành phố một lần.

Bắt đầu công việc mới, nơi ở mới và con người mới, tất cả mọi thứ là khởi điểm của một quá trình. Tôi được đưa vào ở chung với hai cô chị gái lớn hơn mình hai tuổi, một người ở Quảng Nam, một người Thái Bình. Hai chị này cũng rất dễ thương, làm việc trước tôi mấy tháng rồi. Họ quan tâm, giúp đỡ tôi nhiều thứ trong công việc cũng như trong cuộc sống. Dần dần rồi tôi cũng quen. Tất cả những thứ xa lạ đều trở nên thân thuộc.

Vì KDL thuộc huyện xã nên các cô chú làm việc ở đây cũng là nông dân lao động chân tay, chỉ có các vị trí như tôi, kế toán hoặc quản lý mới là nhân viên đưa xuống từ thành phố. Mà nhóm nhân viên này ở chung với nhau trong một dãy nhà, tụ hội lại với cái tên là nhóm quậy.

Chính vì nhân sự đa số là nông dân nên cách họ sống cởi mở và thân thiện lắm. Tôi làm lễ tân tại quầy gần ngay gần cổng ra vào mỗi sáng chiều nên ngày nào tôi cũng nhận được đồ ăn thức uống từ các cô chú. Tôi tự nhận mình là một người rất lễ phép và chưa bao giờ phân biệt ai với ai, cho nên tôi được các cô chú quý mến, mọi người mỗi ngày đều cho tôi những lời khen tặng hoặc những món ăn nho nhỏ như trái cây, chè hay một ly nước ép. Chúng khiến tôi thấy mình vui vẻ hơn, năng suất một ngày làm việc cũng trở nên hiệu quả.

Thời gian làm việc với KDL này không dài, nhưng nó vẫn ghi nhớ vào kí ức của tôi nhiều kỉ niệm đẹp. Tôi nhớ mỗi lần công việc quá nhiều, trưa không thể về nhà ăn để cùng ăn cơm chung với mọi người, các cô ở bếp sẽ để cho tôi một phần hoặc nhờ người mang lên quầy cho tôi. Còn có khi những buổi chiều về trễ, cơm không còn, chúng tôi sẽ ra ruộng rau tự trồng của KDL ngắt những ngọn rau muống non hay những lá ngò tươi mới về nấu mì. Đôi khi, buổi tối chúng tôi rảnh rỗi không có việc để làm còn rủ nhau vào phòng karaoke của KDL, bật nhạc lên vừa nhậu bia vừa hát hò, tất nhiên sau trận nhậu, người say người xỉn, còn bị bảo vệ chửi cho một trận ra trò. Tuy vậy, nhưng chứng nào tật nấy, khi chán chúng tôi lại tiếp tục.

Địa phận KDL gần sông Bé của tỉnh Đồng Nai, đây là nơi có loại cá lăng nổi tiếng nhất. Chúng tôi thường hay rủ nhau câu cá rồi nấu lẩu, đương nhiên tất cả các vật dụng để làm thường là mượn từ nhà bếp hoặc của các cô chú có nhà ở đây mang vào, sau khi nấu ăn uống xong phải rửa sạch sẽ rồi mang trả. Nhưng cái thú vui thiên nhiên trong sạch ấy khiến chúng tôi vui quên trời quên đất, hầu như thỏa mái đến mức dù lương lậu bèo bọt, chế độ thấp kém thì nhiều người vẫn dây dưa không chịu bỏ việc quay về.

Thời gian làm đó, tất cả đều giống như ở trong một gia đình nhỏ, cảm giác rất ấm áp..

TruyenFull.com đổi tên miền thành TruyenFull.tv