*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.
=Editor: Tiểu Ma Bạc Hà=
Nhà họ Diệp nổi tiếng lẫy lừng ở khu Phong Hoài thành phố C.
Nguyên nhân nổi tiếng bắt nguồn từ Diệp Khánh Chương. Là phó thị trưởng thành phố C, ông là nhân vật thường được nhắc tới trong mọi trường hợp. Ngài thị trưởng họ Diệp này đối xử với mọi người có chừng có mực, chẳng khom lưng nịnh nọt vị lãnh đạo lớn hơn mình ba cấp mà cũng không ỷ quyền hiếp người vì bác bán hàng rong đầu đường ăn mặc lấm lem… Với cách xử sự ‘biết tiến biết lùi’ ấy thì dù thành tích của ngài thị trưởng không mấy xuất sắc nhưng vẫn lấy được tiếng thơm trong thành phố.
Tiếc là trên đời có câu “trời hay mưa gió thất thường”, không ngờ sự “thất thường” ấy lại được dùng để gây mưa tạo gió cho nhà họ Diệp. Thị trưởng Diệp gặp phải tai nạn xe cộ vào năm thứ tư trong nhiệm kì, tử vong tại chỗ… Không kịp để lại lời nào cho vợ con.
Khi đó ai ai cũng bảo… E là nhà họ Diệp sắp sụp đổ rồi. Không có thân thích đùm bọc che chở, hai đứa con trai lại chưa lớn, trong nhà chỉ còn mỗi bà Diệp ngồi ở vị trí “bà chủ gia đình”. Mà xã hội ngày nay lại thờ ơ đến mức chỉ biết trông vào quan hệ nên câu “người đi trà lạnh” được dùng hết sức nhuần nhuyễn, ai rảnh đi nể mặt một người vợ mất chồng và hai đứa con mất cha…? Ngày xưa đi đổi cái bóng đèn cũng có người xếp hàng chờ đỡ ghế vậy mà bây giờ cần chuyển nhà lại chẳng có mống nào sẵn lòng giúp một tay.
Nhưng năm năm sau khi bà Diệp Tống Hàn Nhã phải nằm viện vì mổ viêm túi mật thì chiếc xe đón đưa bà lại là dòng Lotus trắng như tuyết… Chưa dừng lại ở đó, vài ngày sau lại đổi thành chiếc Rolls-Royce Phantom đen bóng lấp lánh, theo sau là một dàn xe sang trọng thong thả đón người từ bệnh viện về nhà.
Dù con trưởng nhà họ Diệp đã cố giải thích những chiếc xe nổi tiếng đó đều thuộc quyền sở hữu của công ty còn chiếc xe đen lấp lánh đó là xe riêng của ông chủ, lần này chỉ đến để thăm bà Diệp… Thì ánh mắt người ngoài nhìn nhà họ Diệp vẫn nóng rực như lửa.
Từ đó về sau cái mác “có tiền” đã được gắn cạnh cửa nhà họ Diệp, đến nỗi bà Diệp ra ngoài mua thức ăn cũng bị người ta giữ chặt bóp tiền quan sát cẩn thận sau đó hâm mộ truyền tai nhau: “Mau nhìn này… Đây chính là bóp của Louis Lewis gì đó… Không rõ là nhãn hiệu gì hả? Vậy thì chỉ cần biết nó quý giá mắc tiền là được…”
Không tới một năm sau đó, người của thành phố C đột nhiên phát hiện đĩa CD dán hình đứa con út nhà họ Diệp trong các cửa hàng băng đĩa. Bên ngoài đĩa nhạc chính là chàng trai trẻ trong chiếc áo khoác da thời thượng, tay ôm đàn ghita lửa đỏ hấp dẫn ánh mắt người qua đường. Cái vẻ nhắm mắt đánh đàn kia rất giống ngôi sao gì gì đó trên truyền hình.
Vì thế mọi người lại nhớ tới khi thị trưởng Diệp vẫn còn, đứa nhỏ này đã được học dương cầm rất nhiều năm, hơn nữa còn mời thầy giáo giỏi đến dạy riêng cho mỗi mình cậu, học phí một giờ lên đến vài trăm đồng. Nếu bạn may mắn làm hàng xóm nhà thị trưởng Diệp thì sẽ thường nghe được nhạc của Beethoven, Mozart, Bach, Schumacher vân vân… Không biết mấy người đó làm cái gì? Dù sao cũng là bậc thầy về dương cầm, nói bạn cũng chẳng hiểu…”
Dù đứa con nhỏ nhà họ Diệp đã đen mặt tuyên bố đĩa nhạc đó chỉ là món đồ chơi do anh già nhà mình đưa tiền nhờ người làm, không có người tinh mắt nào muốn mua. Hơn nữa cậu chàng họ Diệp còn bảo đảm chỉ cần bỏ tiền ra chắc chắn sẽ tìm được người làm được cái đĩa tốt hơn thế nữa… Nhưng ánh mắt những người xung quanh nhìn cậu vẫn mang theo sự ngưỡng mộ rõ mồn một.
Từ đó về sau, cái mác “có tài” lại được dán cạnh cửa nhà họ Diệp, cùng với hai chữ “có tiền” cứ thế tôn nhau lên. Đến nỗi bà Diệp dạy dỗ Diệp Gia Lâm vì trên tai cậu bỗng xỏ thêm hai cây đinh cũng có người bên cạnh kéo lại khuyên: “Đừng nói nó vậy… Đó là nghệ thuật mà, giống mấy người như Michael Jackson, Madonna, McDonald, Kant đó… Không biết mấy người đó là ai hả? Chỉ cần biết đó là mấy ngôi sao rất nổi tiếng là được…”
Vì thế tất cả mọi người lại bảo: Nhà họ Diệp này khó lường thật đấy, có hai đứa con giỏi giang thế này dù nó làm gì cũng đỡ phải lo! Đúng là mồ mã tổ tiên nhà người ta chọn tốt, khói xanh bay cao tận ba mét…
Ngày một tháng sáu, Diệp Gia Lâm được người thành phố C tung hô nhảy xuống khỏi chiếc taxi, vác đàn ghita hát nghêu ngao chạy vào nhà, dọc đường hai tiếng “mẹ ơi” được cậu gọi lên mấy lần quãng tám cùng với ít nhất ba giáng âm.
Mở cửa ra trông thấy đứa con nhỏ vẫn vui vẻ gây họa cho đời như cũ, bà Diệp thở phào sau đó lo lắng hỏi: “Gia Lâm, sao con lại về đây giờ này… Có phải lại gây chuyện gì ở bên ngoài không?”
Diệp Gia Lâm mất vui ôm tay mẹ mình làm nũng: “Mẹ~ Sao mẹ lại nói con vậy…? Ai chẳng biết con là đứa nghe lời nhất, ngoan nhất… Tốt nhất chứ!”
Mẹ Diệp hết cách với với đứa con dầu không thấm muối cũng chẳng vô này, đành phải xoay người vào nhà: “Rồi rồi rồi… Con là ngoan nhất…”
“Ngoan nhất.” Diệp Gia Lâm giơ gót chân chặn cửa, câu tiếp theo là: “Mẹ mau dọn đồ đi… Con dẫn mẹ đi trốn!”
Mẹ Diệp bị câu nói của cậu dọa sợ tới nỗi ngã trên sô pha phòng khách: “…Con con con, nhìn xem… Biết ngay với cái tính đó của con… Xảy ra chuyện gì rồi A Lâm? Đi hỏi xem anh con có giúp được không…” Dứt lời lại bắt đầu đau lòng: “Nếu cha con…” Nói đến đây thì vội vàng ngậm miệng, lén liếc nhìn vẻ mặt cậu.
Trông Diệp Gia Lâm có vẻ không nghe thấy nửa câu sau, nhón chân mò đến ngăn trên cùng của tủ trưng bày đặt trong phòng khách, lấy ra cái hộp nhỏ—- Trong đó có chiếc chìa khóa mở được két sắt, bên trong là hộ chiếu của mẫu thân đại nhân.
Cầm được hộ chiếu trong tay, tên nhóc đáng ghét đắc ý nhìn mẹ mình, lôi ra chồng thẻ ngân hàng trong túi áo và cả tập chi phiếu anh vừa cho: “Mẹ nói cái gì vậy…? Do gần đây con rất ngoan nên anh thưởng cho con chuyến du lịch Châu Âu đấy. Con nghĩ một mình mẹ ở nhà sẽ cô đơn, thương mẹ nên con mới nói với anh là ‘để em dẫn mẹ theo cùng’. Anh lại bảo ‘Gia Lâm ngoan thế này, anh thưởng cho em thêm tập chi phiếu này chơi nhé… Đừng ngại tiêu tiền, dẫn mẹ đi chơi cho thỏa thích!’ ”
Bà Diệp biết tính tình xấu xa của con mình, nghe được mấy lời khó tin đó lập tức tìm điện thoại di động: “Không được, mẹ phải đi hỏi anh con… Hay là con trộm thẻ của nó tiêu bừa rồi… Gia Lâm à, con muốn gì thì cứ nói với anh, anh sẽ chiều ý con mà…”
Diệp Gia Lâm đã được trao quyền nên không sợ mẹ đến tìm anh hỏi chuyện, bắt chéo chân ngồi trên sô pha cầm tóc mẹ mình bắt đầu thắt, trông lưu manh hết sức ngứa đòn.
Xác định đúng là con lớn định để mình ra nước ngoài chơi, mẹ Diệp đắn đo nhìn Diệp Gia Lâm: “Gia Lâm, hay là mẹ ở nhà vậy… Con cũng ở nhà đi, chúng ta ở nhà chơi vài ngày là được rồi.”
Diệp Gia Lâm không nghe—- Vất vả lắm đầu anh trai mới chập mạch thả cho mình đi cả thế giới, làm sao bỏ qua cơ hội tốt như vậy được…? Vì thế cậu lập tức chớp mắt nhìn mẹ mình: “Mẹ~~~ Mẹ mà không đi thì ai trông con đây?”
Mẹ Diệp bị kích thích tinh thần trách nhiệm, nghĩ tới cái tính hư hỏng của con mình, do dự hết nửa ngày mới chịu nói: “Vậy chúng ta… Đi sớm về sớm nha…”
Tên nhóc đáng ghét lập tức điên cuồng hôn lưng bàn tay mẹ mình sau đó khom lưng hành lễ: “Không thành vấn đề… Chờ chờ chờ đã, con muốn ăn cá Ô Giang mẹ làm trước rồi hẵng đi… Không thì tới lúc lên máy bay lại đau dạ dày!”
Diệp Gia Lâm ăn uống no đủ cảm thấy thỏa mãn kéo tay mẹ mình leo lên máy bay đến Hồng Kông sau đó chuyển cơ bay đến trạm thứ nhất trong hành trình, thủ đô Paris – Pháp. Trên lưng vẫn là hộp đàn ghita đeo mãi không rời.
Cũng may cậu còn chút lương tâm, trước khi ra cửa đã nhớ phải gọi cho anh mình nói: “Hoàn thành nhiệm vụ suông sẻ, sắp dẫn nữ vương đi đăng ký.” Rồi ném điện thoại lên sô pha nhanh tay khóa trái cửa chạy về vùng trời Châu Âu “màu mỡ”.
Mười ngày sau, Diệp Gia Lâm dẫn theo mẹ Diệp lăn đến Vatican, sau khi kêu “quác quác quác” trong giáo đường Saint Peter nổi tiếng thì bỗng nhớ đến người anh đang ở xa ngàn cây số: “Mẹ này, hay là chúng ta báo cho anh biết mình đang chơi ở đâu nhỉ?”
Mẹ Diệp giữ chiếc mũ rơm bị gió thổi phấp phới, cười hiền: “Được.”
Vì thế, Diệp Gia Lâm kéo mẹ mình băng đông băng tây cuối cùng tìm được một bưu điện… Lúc mở giấy viết thư định ghi nội dung thì thằng nhóc đó lại lười, cắn bút nghĩ nửa ngày lại kéo mẹ chạy tới trước giáo đường.
Khi đó, Vatican vừa đón chào một cơn mưa nhỏ, vũng nước vẫn còn loang lỗ chưa khô nơi ngã tư đường… Diệp Gia Lâm đập xuống, nhúng tay vào bùn sau đó “soạt” in dấu tay đen thùi lên giấy viết thư trắng như tuyết. Bản thân mình in xong vẫn chưa đã bèn lôi kéo mẹ Diệp in thêm. Hơn nữa còn nói rất hay: “Đây là bùn trước thánh đường Saint Peter… Nơi các tín đồ Cơ đốc Giáo thời trung cổ từng quỳ xuống hôn đấy… Tặng anh vật lưu niệm này sẽ rất đặc biệt và có nhiều ý nghĩa kỉ niệm…”
Mẹ Diệp bị chọc cười, không thể thay đổi được thằng nhóc giỏi bám người và thích chơi xấu khóc lóc om sòm này nên đành phải cười chấm ngón út xuống bùn dè dặt ấn lên giấy viết thư.
Một khi Diệp Gia Lâm đã đi chơi thì chỉ quan tâm tới việc chơi thỏa thích còn lại thì chẳng màng nên trong tay chẳng có kế hoạch gì, cứ thong thả vênh váo đi tới đâu tính tới đó.
Diệp Gia Lâm lượn một vòng đến Vienna, hoàn toàn đắm chìm trong thủ phủ của đại dương âm nhạc. Sau khi chơi liên tục mấy ngày liền, cậu bắt đầu bấm tay tính chi phí tiêu hao trên đường—- Đừng tưởng cậu ham chơi nên không có khái niệm về tiền tài, cậu không phải là một người tiêu xài hoang phí. Chỗ không nên xài tiền cậu sẽ không bao giờ tiêu bậy, nhưng chỗ cần xài… Cậu sẽ không nương tay.
“Mẹ.” Tính toán xong, Diệp Gia Lâm mang vẻ mặt đáng thương: “…Chúng ta hết tiền rồi nên hôm nay phải ngủ ngoài đường…”
Mẹ Diệp dở khóc dở cười xách đống túi to túi nhỏ con trai bắt mình mua, bà biết rất rõ bọn họ đã chi tiêu bao nhiêu, làm gì đến nỗi phải “ngủ ngoài đường”…? Vì thế bà an ủi con: “Gia Lâm con đừng có nói vớ vẩn nữa. Rõ ràng mấy hôm nay chúng ta…”
Diệp Gia Lâm vừa bịt miệng mẹ mình vừa lắc lư làm nũng nói: “Nói chung là hết tiền rồi… Mẹ, mẹ mau nói hết tiền đi~”
“Được được được… Hết tiền rồi, hết tiền rồi…” Mẹ Diệp nói theo cậu, không biết trong đầu đứa con trai khó hiểu của bà lại nảy ra ý tưởng tệ hại gì.
Diệp Gia Lâm hài lòng buông tay mẹ ra, anh hùng nói: “Nên để tối nay chúng ta có thể ngủ trên giường lớn, con sẽ bán mình… À không không, chỉ cần bán nghệ đổi tiền là được!”
Khi mặt trời dần khuất nơi chân trời, chàng “nhạc sĩ” vác cây đàn ghita trên lưng duỗi người hỏi người mẹ bên cạnh: “Mẹ ơi, con đàn có hay không?”
“Hay, rất hay…” Tiếng nói khe khẽ của mẹ Diệp trở nên mơ hồ trong tiếng cười sang sảng của con trai.
“Vậy mẹ có ghi lại không?”
“Có có… Con đã nhắc phải ghi lại cho anh hai nghe rất nhiều lần mà…”
“Vâng~ Mẹ giỏi quá… Yên tâm, không có anh ở đây con vẫn nuôi mẹ được mà, đúng không? Đi thôi đi thôi… Chúng ta đến Zum Schwarzen Kameel ăn bò cạp đông và thịt chiên thôi… Quẹt thẻ của anh hai… Sáng mai con lại đi hát rong…”
Vậy nên nếu có dịp đến Vienna bên bờ sông Danube vào đầu tháng bảy, có thể bạn sẽ bắt gặp chàng trai người Trung Quốc với gương mặt ưa nhìn trên đại lộ Ringstrasse, trong tay là cây ghita gảy lên những khúc nhạc mê đắm lòng người… Nếu có lòng bỏ thêm một tờ giấy bạc vào chiếc hộp đàn trước mặt kia, nói không chừng cậu ấy sẽ cười cong mắt đáp trả bạn một nụ hôn gió.
Và cách cậu ấy không xa, có một người phụ nữ tuổi tầm trung niên nhưng cốt cách lại không chê vào đâu được, tất cả mọi người sẽ không xa lạ gì với ý cười trên khóe môi bà ấy—- Vì đó chính là người được gọi là mẫu thân*.
~ Hết ngoại truyện ~
(*) Từ mẫu thân này có lẽ không ai xa lạ, nhưng được đặt trong tác phẩm hiện đại thì không hợp lắm nhưng mình vẫn để. Một là vì để “mẹ” trong câu này nghe có vẻ hơi hụt. Hai là do trước đó Diệp Gia Lâm có gọi bà Diệp là mẫu thân đại nhân, từ này mình cũng không tìm được từ thay thế nên giữ luôn, sang đến đoạn cuối lại vô tình thấy xuôi tai nên quyết định vậy, sau này lúc biên tập lại có nảy ra ý tưởng mới mình sẽ đổi sau.
(*) Thánh đường Saint Peter: Là một trong bốn nhà thờ lớn nhất Vatican. (Tham khảo wikipedia: http://bit.ly/2w2dph8)
(*) Đại lộ Ringstrasse: một đại lộ đã xây trên khu đất ngày xưa là tường thành thời trung cổ bảo vệ thành phố Vienna với rất nhiều công trình kiến trúc tiêu biểu mang phong cách kiến trúc cổ điển, gothic (man rợ, hỗn loạn, quái dị), Phục Hưng, Baroque (đặc trưng bởi “ánh sáng phóng đại, cảm xúc mãnh liệt, thoát khỏi sự kiềm chế, và thậm chí là một loại chủ nghĩa giật gân nghệ thuật”)