Nhà Brandhaug. Nordberg.
Ngày 8 tháng Năm năm 2000.
Bernt Brandhaug gõ gõ con dao lên miệng ly pha lê, xô ghế về phía sau và dùng khăn ăn lau miệng trong khi nhẹ nhàng hắng giọng. Một nụ cười tươi hiện trên môi ông. Như thể ông vui sướng trước những vấn đề sắp đưa ra trong bài diễn văn gửi đến các vị khách: cảnh sát trưởng Storksen cùng chồng và Kurt Meirik cùng vợ.
“Hỡi các bạn bè và đồng nghiệp kính mến,”
Bằng khóe mắt ông có thể thấy vợ ông đang gượng cười với những người khác, như thể muốn nói: Xin lỗi vì chúng ta phải trải qua chuyện này, nhưng tôi hết cách rồi.
Tối nay Brandhaug đã nói về tình bạn và sự bình đẳng trong mối quan hệ giữa đồng nghiệp, về tầm quan trọng của lòng trung thành và tập trung năng lượng tích cực, như một thứ để phòng vệ trước phạm vi mà nền dân chủ luôn dành cho sự tầm thường, việc rũ bỏ trách nhiệm và thiếu khả năng ở cấp lãnh đạo. Dĩ nhiên ta không thể kỳ vọng những bà nội trợ, những người nông dân được bầu lên chỉ vì lý do chính trị, để tạo cảm giác xã hội có vẻ công bằng, hiểu được tính phức tạp trong các lĩnh vực trách nhiệm mình được giao phó quản lý.
“Nền dân chủ tự thân nó đã là phần thưởng.” Brandhaug nói, một câu phát biểu ông đã vay mượn rồi biến nó thành của mình. “Nhưng điều đó không có nghĩa nền dân chủ tự nhiên đến mà không có cái giá phải trả. Khi chúng ta biến một công nhân sản xuất thép lá thành bộ trưởng tài chính…”
Cứ chốc chốc ông lại kiểm cho chắc rằng cảnh sát trưởng đang lắng nghe, chêm vào câu nhận xét dí dỏm về quá trình dân chủ hóa trong nhiều thuộc địa cũ ở châu Phi, nơi chính ông đã từng làm đại sứ. Nhưng tối nay, bài diễn văn mà ông đã từng đọc vài lần trước các diễn đàn khác, không phải là nguồn cảm hứng cho ông. Tâm trí ông đang lang thang ở nơi mà nó đã ở trong vài tuần qua: với Rakel Fauke.
Cô đã trở thành nỗi ám ảnh đối với ông, đã có lần ông cân nhắc việc quên cô đi. Ông đã cố gắng đến quá mệt mỏi để có được cô.
Ông nghĩ về những việc làm thao túng gần đây của mình. Nếu không phải là Kurt Meirik đang làm sếp POT thì việc chẳng bao giờ thành công. Điều đầu tiên ông phải làm là cho gã Harry Hole này biến đi, tránh đường, ra khỏi thành phố này, đến một nơi nào đó mà Rakel hay bất kỳ ai khác cũng không thể liên hệ được.
Brandhaug gọi cho Kurt nói rằng nguồn tin của ông tại Dagbladet cho ông biết rằng có những lời đồn thổi đang lan trong giới báo chí về “điều gì đó” diễn ra trong chuyến thăm của tổng thống hồi mùa thu. Họ phải hành động ngay trước khi quá muộn, giấu Harry ở nơi nào đó báo chí không thể tìm ra được. Kurt không nghĩ thế sao?
Kurt hết ậm ừ rồi lại cười ha ha. Ít nhất cũng cho đến khi tất cả chuyện này qua đi, Brandhaug cứ khăng khăng. Nói thật, Brandhaug không tin rằng Meirik tin tưởng vào điều ông nói một phút nào. Không phải là ông lo lắng quá đáng. Vài ngày sau Kurt gọi cho ông nói rằng Harry Hole đã được cử ra tiền tuyến, đến một nơi khỉ ho cò gáy nào đó tận Thụy Điển. Brandhaug đúng là đã xoa tay hoan hỉ. Giờ thì chẳng còn gì có thể ngáng trở các kế hoạch ông đã đặt ra cho mình và Rakel nữa.
“Nền dân chủ của chúng ta như một cô con gái xinh xắn, tươi cười nhưng hơi ngây thơ. Chuyện các lực lượng vì cái thiện trong xã hội này liên kết với nhau chẳng có liên quan gì đến việc phát triển tầng lớp ưu tú hay những trò chơi quyền lực; chúng ta chỉ có thể đảm bảo duy nhất một vỉệc là cô con gái của chúng ta, Dân Chủ, sẽ không bị xâm phạm, và rằng chính quyền sẽ không bị bất kỳ thế lực không mong muốn nào tiếp quản. Do đó, lòng trung thành, cái phẩm chất gần như bị lãng quên này, giữa những người như chúng ta không chỉ là đáng mong muốn mà còn tuyệt đối quan trọng. Phải, đó là một bổn phận mà..!”
• • •
Họ chuyển chỗ ngồi sang những chiếc ghế bành sâu trong phòng khách. Brandhaug chuyền một vòng hộp xì gà Cuba - một món quà từ lãnh sự quán Na Uy tại Havana.
“Được vấn giữa những cặp đùi phụ nữ Cuba!” ông thì thầm vào tai chồng của Anne Storken và nháy mắt, nhưng anh ta có vẻ không hiểu ý. Anh ta tạo một ấn tượng khô khan, cứng nhắc, người chồng này của cô ta, tên anh ta là gì nhỉ? Một cái tên có hai chữ - Chúa ơi, ông quên rồi sao? Tor Erik đúng không nhỉ! Đúng rồi, Tor Erik.
“Uống thêm Cognac không, Tor Erik?”
Tor Erik nở nụ cười mỉm, cam chịu và lắc đầu. Có lẽ là kiểu người khổ hạnh đi bộ năm mươi cây số mỗi tuần, Brandhaug nghĩ. Mọi thứ ở anh ta đều mỏng - cơ thể, khuôn mặt, mái tóc. Ông đã bắt gặp ánh mắt hai vợ chồng trao nhau trong khi đọc bài diễn văn, như thể nhắc cho cô ta về một trò đùa riêng tư. Nó chẳng nhất thiết có liên quan đến bài diễn văn.
“Nhạy cảm đấy,” Brandhaug chua chát nói. “Cẩn tắc vô ưu, đúng không?”
Elsa xuất hiện bên cửa ra vào phòng khách.
“Bernt, anh có điện thoại.”
“Chúng ta đang có khách, Elsa.”
“Có người gọi đến từ Dagbladet.”
“Anh sẽ nghe trong văn phòng.”
Cô ta gọi từ phòng biên tập, một phụ nữ nào đó ông chẳng biết tên. Nghe giọng cô ta còn trẻ và ông cố gắng hình dung cô ta. Cuộc gọi là về vụ biểu tình tối hôm đó bên ngoài đại sứ quán Áo tại phố Thomas Heftyes, phản đối Jorg Haider và đảng Tự do cực hữu. Ông ta được bầu để giúp thành lập chính phủ. Cô ta chỉ muốn một vài nhận xét ngắn cho tờ báo buổi sáng.
“Ông có cho rằng đây sẽ là thời điểm thích hợp để xem xét lại các liên kết ngoại giao của Na Uy với Áo không, thưa ông Brandhaug?”
Ông nhắm mắt lại. Họ đang thả mồi câu, như thi thoảng họ vẫn có thói quen làm thế. Nhưng cả ông và họ đều biết rằng họ sẽ chẳng được xơ múi gì; ông quá thừa kinh nghiệm. Ông cảm thấy như mình đang say rượu; đầu ông nhẹ bẫng, đôi mắt nhảy múa sau mí mắt, nhưng không thành vấn đề.
“Đó là một phán quyết chính trị, các viên chức trong Văn phòng Đối ngoại không có quyền quyết định,” ông đáp.
Có một quãng ngừng. Ông thích giọng của cô ta. Cô ta có mái tóc vàng, ông có thể cảm nhận điều đó.
“Tôi tự hỏi với kinh nghiệm phong phú về hoạt động ngoại giao của mình, ông có thể dự đoán chính phủ Na Uy sẽ làm gì không?”
Ông biết mình nên trả lời như thế nào. Rất đơn giản.
Tôi không đưa ra dự đoán về những chuyện kiểu như vậy.
Không hơn, không kém. Ta không cần phải làm việc như ông đã làm trong thời gian rất dài mới cảm thấy rằng ta đã trả lời hết tất cả các câu hỏi hiện có. Nhìn chung các phóng viên trẻ luôn nghĩ mình là người đầu tiên hỏi ông đúng những câu họ hỏi, vì họ đã thức tới gần nửa đêm mới nghĩ ra. Và tất cả bọn họ đều bị ấn tượng, khi dường như ông dừng vài phút suy nghĩ trước khi trả lời một câu hỏi có lẽ ông đã trả lời hàng tá lần trước đó.
Tôi không đưa ra dự đoán về những chuyện kiểu như vậy.
Ông ngạc nhiên là mình vẫn chưa nói lời này với cô ta, mà có gì đó nơi giọng nói của cô ta, cái gì đó khiến ông cảm thấy sốt sắng hơn một chút. Kinh nghiệm phong phú của ông, cô ta đã nói vậy. Ông thấy muốn hỏi cô ta xem cô ta có ý muốn gọi riêng ông, Bernt Brandhaug không.
“Là một viên chức thâm niên lâu nhất trong Bộ Ngoại giao, tôi bảo đảm rằng các quan hệ ngoại giao bình thường của chúng tôi với Áo vẫn được duy trì!” ông nói. “Điều đó là rõ ràng - dĩ nhiên chúng tôi nhận thức được các nước khác trên thế giới đang phản ứng trước những gì đang diễn ra ở Áo hiện nay. Tuy nhiên, việc có các quan hệ ngoại giao với một quốc gia không có nghĩa chúng tôi thích những gì đang diễn ra tại đất nước đó.”
“Vâng, chúng ta đã có những mối liên kết ngoại giao với vài chế độ quân sự,” giọng ở đầu dây bên kia trả lời. “Vậy ông nghĩ vì sao lại có những phản ứng dữ dội đến thế với đúng chính phủ này?”
“Tôi cho rằng việc này phải dựa trên lịch sử nước Áo gần đây.” Lẽ ra ông nên dừng lại ở đó. Lẽ ra ông nên dừng lại. “Những liên kết với chủ nghĩa Quốc xã vẫn còn đó. Suy cho cùng, hầu hết các sử gia đều đồng ý rằng trong suốt Thế chiến II, Áo thực tế là một đồng minh với nước Đức của Hitler.”
“Chẳng phải Áo cũng bị xâm lược sao, như Na Uy?”
Ông kinh ngạc thấy mình chẳng biết ngày nay họ được học những gì ở trường về Thế chiến II. Rõ ràng là rất ít.
“Cô vừa nói tên cô là gì nhỉ?” ông hỏi. Có lẽ ông đã hơi quá chén. Cô ta nói tên mình cho ông
“À Natasja này, để tôi giúp cô một chút trước khi cô lại gọi người khác nhé. Cô đã nghe nói đến Anschluss chưa? Có nghĩa là Áo không bị xâm lược theo hiểu biết thông thường về từ này. Quân Đức hành quân đến Áo vào tháng Ba năm 1938. Hầu như không hề gặp phải kháng cự, tình hình này được giữ nguyên cho đến hết thời gian còn lại của cuộc chiến.”
“Vậy là giống Na Uy à?”
Brandhaug kinh hoàng. Cô ta nói câu đó một cách chắc nịch, chẳng có tí xấu hổ nào vì sự ngu dốt của mình.
“Không,” ông chậm rãi đáp, như thể đang nói chuyện với một con nhóc chậm hiểu. “Không giống Na Uy. Ở Na Uy chúng ta đã tự vệ, chúng ta đã có vua và chính phủ Na Uy tại London sẵn sàng và đợi chờ, phát đi những chương trình truyền thanh và… khích lệ, động viên nhân dân ở quê nhà.”
Ông có thể thấy cách ăn nói của mình hơi không thích hợp, bèn nói thêm, “Ở Na Uy, toàn dân đã đứng lên sát vai nhau chống lại những lực lượng chiếm đóng. Một số kẻ phản bội người Na Uy khoác lên người những bộ quân phục Lực lượng Vũ trang ss, chiến đấu cho quân Đức, nhưng chúng là cặn bã của xã hội, mà cô phải chấp nhận ở quốc gia nào cũng có. Nhưng ở Na Uy này sức mạnh của cái thiện phát huy, những cá nhân mạnh mẽ dẫn dắt phong trào Kháng chiến chính là nhân tố lát đường cho nền dân chủ. Những con người này trung thành với nhau và xét cho cùng chính họ đã cứu Na Uy. Nền dân chủ tự nó đã là một phần thưởng. Bỏ phần nói về đức vua của tôi đi nhé, Natasja.”
“Vậy ông nghĩ rằng tất cả những ai chiến đấu cùng quân Quốc xã đều là cặn bã hết à?”
Thực ra cô ta tìm kiếm điều gì? Brandhaug quyết định kết thúc cuộc đối thoại này.
“Tôi chỉ muốn nói rằng những kẻ phản bội trong cuộc chiến nên lấy làm hạnh phúc khi chúng được tha bổng bằng án tù nhẹ. Tôi đã từng làm đại sứ tại các quốc gia nơi từng tên đều bị xử bắn, và tôi cũng không chắc rằng việc đó có được xem là nên làm ở Na Uy không. Nhưng quay trở lại với lời nhận xét cô mong muốn, Natasja. Bộ Ngoại giao không có bình luận gì về vụ biểu tình hoặc về các thành viên mới của nghị viện Áo. Hôm nay tôi đang có khách ở đây, vậy nếu cô không phiền cho tôi xin phép, Natasja…”
Natasja xin lỗi, ông bèn cúp máy.
Trong phòng khách mọi người đang chuẩn bị ra về. “Đã xong rồi à?” ông nói với nụ cườl rộng ngoác, nhưng chỉ giới hạn sự không bằng lòng của mình đến chừng đó. Ông cũng mệt rồi.
Ông tiễn các vị khách ra đến cửa. Ông đặc biệt bắt chặt tay cảnh sát trưởng. Ông nói rằng cô đừng ngần ngại hỏi ông bất kỳ chuyện gì nếu ông giúp được. Tất cả đều đang diễn ra rất suôn sẻ qua các kênh công việc nhưng…
Điều cuối cùng ông nghĩ đến trước khi ngủ thiếp là Rakel. Và gã cảnh sát của cô ta mà ông đã gạt khỏi sân khấu. Ông đi vào giấc ngủ với một nụ cười, nhưng thức giấc với cơn đau đầu như búa bổ.