Phòng mạch bác sĩ Buer.
Ngày 22 tháng Mười hai năm 1999.
Lão già nhìn đồng hồ đeo tay. Lão đã ngồi trong phòng khách được mười lăm phút rồi. Lão chưa bao giờ phải chờ đợi trong ngày làm việc của Konrad Buer. Konrad không tiếp nhiều bệnh nhân hơn anh ta có thể tiếp theo lịch của mình.
Một người đàn ông đang ngồi ở đầu kia phòng. Da đen, gốc Phi. Gã đang lật xem một tờ tuần san. Lão già khẳng định rằng ngay cả ở khoảng cách này lão vẫn đọc được rõ từng chữ trên trang bìa. Điều gì đó về gia đình hoàng tộc. Có phải gã người Phi đang ngồi đọc tin đó không? Một bài viết về gia đình hoàng tộc Na Uy à? Ý đó thật là vô lý.
Gã người Phi lật trang. Gã có kiểu ria mép quặp xuống hai bên, giống hệt tên đưa tin mà lão già đã gặp đêm hôm qua. Đó là một cuộc gặp gỡ ngắn ngủi. Tay đưa tin đến cảng Container trong chiếc Volvo, có lẽ là xe thuê. Hắn chạy xe lại, hạ cửa kính xe xuống tạo tiếng kêu ro ro, và nói ra mật khẩu: Giọng nói thiên thần. Hàng ria của hắn cũng giống hệt thế này. Cộng thêm đôi mắt u buồn. Hắn nói ngay rằng mình không mang theo súng trong xe vì những lý do an toàn, nhưng họ sẽ đến một nơi hắn cất súng. Lão già ngần ngừ. Rồi lão nghĩ rằng nếu chúng đã muốn cướp của lão, hẳn chúng đã làm thế ở bến cảng Container. Thế nên lão vào xe và chẳng ngờ đâu họ lại đến khách sạn Radisson SAS, trên đường Holbergs Plass. Lão thấy Betty Andresen đằng sau quầy khi họ đi ngang qua quầy lễ tân, nhưng cô không nhìn về phía họ.
Tên đưa tin vừa đếm tiền trong va li vừa lẩm nhẩm những con số bằng tiếng Đức. Lão già bèn hỏi han hắn. Tên đưa tin nói rằng bố mẹ hắn là dân vùng nào đó ở Elsass. Nghe vậy lão già chợt nảy ra một ý, nói rằng mình đã từng đến đó, ở Sennheim.
Một cơn bốc đồng.
Sau đó lão đã đọc rất nhiều về khẩu súng trường Marklin trên Internet tại thư viện trường đại học, bản thân vũ khí đó đã là một sự tụt dốc. Trông nó giống một khẩu súng săn loại thường, có điều to hơn một chút. Tên đưa tin chỉ cho lão cách tháo lắp nó; hắn ta gọi lão là “ông Uriah.” Sau đó lão già cất khẩu súng đã tháo rời vào một túi khoác vai lớn rồi đi thang máy xuống quầy lễ tân. Lão đã thoáng tính chuyện đến nhờ Betty Andresen gọi taxi cho lão. Một cơn bốc đồng khác.
“Chào ông!”
Lão già ngước mắt lên. “Tôi nghĩ chúng tôi sẽ phải kiểm tra cả thính giác cho ông nữa đấy.”
Bác sĩ Buer đứng ở ngưỡng cửa cố nhoẻn cười vui vẻ. Anh ta dẫn lão vào phòng khám. Những bọng mắt của tay bác sĩ đã to hơn.
“Tôi gọi tên ông ba lần rồi!”
Mình quên tên mình rồi, lão già ngẫm nghĩ. Mình quên hết tên mình rồi.
Theo bàn tay bác sĩ dìu thì lão già suy ra mình có tin xấu.
“À, tôi đã có kết quả xét nghiệm các mẫu chúng tôi đã lấy!” anh ta nói, rất nhanh, trước khi ngồi xuống ghế. Để thông báo cái tin xấu này cho xong càng nhanh càng tốt. “Và tôi e rằng nó đã di căn.”
“Dĩ nhiên là nó di căn rồi,” lão già đáp. “Chẳng phải các tế bào ung thư toàn thế sao? Di căn ấy?”
“Ha ha. Vâng, đúng vậy.” Bác sĩ Buer phủi một vết bụi vô hình trên mặt bàn.
“Ung thư giống như chúng ta,” lão già nói. “Nó chỉ làm việc nó phải làm thôi.”
“Vâng!” bác sĩ Buer đáp. Trông anh ta có vẻ thoải mái gượng gạo, trong dáng ngồi xuôi xị trên ghế.
“Giống như anh thôi, bác sĩ. Anh chỉ làm những gì cần phải làm.”
“Ông nói đúng, rất đúng,” bác sĩ Buer mỉm cười, đeo kính lên. “Chúng tôi vẫn đang cân nhắc dùng hóa trị. Nó sẽ làm ông yếu đi, nhưng nó có thể kéo dài… à…”
“Mạng sống của tôi à?”
“Vâng.
“Tôi còn bao nhiêu thời gian nữa nếu không dùng hóa trị?”
Yết hầu của Buer chạy lên chạy xuống. “ít hơn chúng ta dự liệu ban đầu một chút.”
“Nghĩa là sao?”
“Nghĩa là ung thư đã di căn từ gan theo đường máu tới.”
“Vì Chúa, anh chỉ việc nói tôi còn bao lâu nữa?”
Bác sĩ Buer ngây ra.
“Anh ghét công việc này, đúng không?” ông già nói.
“Ông nói gì cơ?”
“Không có gì. Làm ơn, cho tôi một cái ngày.”
“Thật là không thể…”
Bác sĩ Buer giật thót trên ghế khi nắm đấm của lão già giáng xuống bàn mạnh đến nỗi ống nghe điện thoại văng khỏi giá. Anh ta há miệng định nói gì đó, nhưng rồi ngưng bặt khi trông thấy ngón trỏ run run của lão già. Rồi anh ta thở dài, bỏ kính xuống, bàn tay mệt mỏi vuốt mặt.
“Mùa hè năm nay. Tháng Sáu, có lẽ là sớm hơn. Chậm nhất là tháng Tám.”
“Tuyệt,” lão già đáp. “Vậy là đủ. Có đau đớn không?”
“Ông cứ đến bất cứ lúc nào. Ông sẽ được phát thuốc.”
“Liệu tôi còn khả năng hoạt động không?”
“Khó nói lắm. Còn phụ thuộc vào những cơn đau.”
“Tôi cần có thuốc để hoạt động được. Điều này quan trọng lắm. Anh có hiểu không?”
“Tất cả các loại thuốc giảm đau…”
“Tôi chịu đau đớn giỏi lắm. Đơn giản là tôi cần một thứ giúp tôi tỉnh táo để có thể suy nghĩ và hành động chính xác.”
Giáng sinh vui vẻ. Đó là điều cuối cùng bác sĩ Buer nói. Lão già đứng trên mấy bậc thềm. Ban đầu lão không hiểu tại sao thành phố lại đông người đến thế, nhưng khi lão được nhắc về một kỳ nghỉ lễ mang tính tôn giáo sắp đến thì lão trông thấy nỗi hốt hoảng trong mắt những người đang lướt nhanh dọc các vỉa hè tìm mua quà Giáng sinh vào phút chót. Vài người mua hàng đứng túm tụm quanh một ban nhạc pop đang chơi ở Egerstorget. Một người đàn ông mặc bộ đồng phục Cứu Tế quân cầm thùng lạc quyên đi quanh. Một thằng nghiện giậm chân xuống tuyết, đôi mắt hắn đảo liên hồi như những ngọn nến bằng mỡ bò stearin sắp tắt. Hai con bé tuổi teen, khoác tay nhau đi qua lão, má đỏ hồng, nóng lòng kể những chuyện về bọn con trai, và những kỳ vọng của chúng về cuộc sống mới sắp đến. Và những ngọn nến. Cửa sổ chết tiệt nào cũng có nến. Lão ngẩng mặt lên bầu trời Oslo; một vòm ánh sáng vàng ấm áp phản chiếu từ thành phố. Ôi lạy Chúa, lão mong mỏi nàng làm sao. Giáng sinh sang năm, lão nghĩ. Giáng sinh sang năm chúng ta sẽ kỷ niệm cùng nhau, em yêu nhé.