Từ Dân Thành lại phát sốt, đây là lần thứ hai anh phát sốt trong năm nay.
Lần đầu tiên anh vượt qua được, nhưng lần này dường như nó còn tệ hơn lần đầu.
Anh nằm trên giường, không còn sức để trở mình.
Từ Dân Thành cảm thấy có thể lần này anh xong thật rồi. May mắn sống lâu như vậy, cũng đã đến lúc anh phải chết.
Anh nằm trên giường, nhắm mắt lại và chờ cái chết đến.
Sau một ngày rưỡi, cơn sốt biến mất một cách thần kỳ, cơ thể anh đã trở lại trạng thái bình thường.
Từ Dân Thành xuống giường rồi ra ngoài mua hai tô mì lớn, cho vào bụng hết một lần.
Sau khi ăn xong, Từ Dân Thành đến nhà thờ Chính toà trong huyện để hát với ca đoàn.
Nhà thờ Chính toà là nhà thờ chính của một giáo phận hay tổng giáo phận trong các Giáo hội Kitô giáo, nơi có Tòa Giám mục hoặc Tòa Tổng Giám mục cai quản Giáo phận đó.
Từ lúc nhiễm bệnh, dường như chỉ có nhà thờ này mới có thể sưởi ấm cho anh.
Từ Dân Thành ngồi trên băng ghế, nhắm mắt lại hát những câu thánh ca.
Năm nay Từ Dân Thành ba mươi lăm tuổi, cao một mét tám ba và có gương mặt hơn người nên ngồi trong nhà thờ rất dễ nhìn thấy anh.
Đôi khi sẽ có người hỏi anh số điện thoại, còn có người mời anh đi ăn cơm. Đối với những yêu cầu này, Từ Dân Thành đều từ chối hết.
Những người này không biết tình cảnh của anh, và nếu họ biết, hẳn là sẽ tránh xa.
**
Huyện S nằm trong một tỉnh đông dân ở vùng đồng bằng trung tâm.
Trong thập niên 90 của thế kỷ trước, xã hội Tây phương hỗn loạn, yêu đương đồng tính và lạm dụng ma túy gia tăng nên ngừng nhập khẩu chế phẩm máu*.
Trong nước đang rất thiếu thốn chế phẩm máu, để giảm bớt tình trạng thiếu hụt phẩm máu, huyện S cho ra đời và phát triển nền kinh tế huyết tương.
Trong những năm thuộc thập niên 80, 90, thù lao bán máu một lần bằng một tháng lương của người bình thường.
Lúc ấy, Từ Dân Thành mười sáu tuổi và vừa mới tốt nghiệp Trung học cơ sở.
Từ Dân Thành là một đứa trẻ nghịch ngợm nổi tiếng ở huyện, sau khi tốt nghiệp cấp hai anh liền bỏ học, đi theo một vài người bạn cùng tuổi lêu lổng trong xã hội.
Ngày nào cũng đắm mình trong quán net.
Sau đó, nghe mọi người nói bán máu có thể kiếm tiền nên Từ Dân Thành đã đi theo họ bán máu.
Bán được năm lần, anh kiếm được hơn ba trăm nhân dân tệ.
Anh đâu ngờ rằng phần đời còn lại của mình sẽ bị hủy hoại với số tiền ba trăm nhân dân tệ đó.
**
Xướng ca xong, Từ Dân Thành đi ra khỏi nhà thờ thì gặp đài truyền hình đến huyện S để phỏng vấn.
Anh đang định quay người cúi đầu rời đi thì có một cô gái nhỏ tầm hai mươi tuổi cầm cây bút ghi âm giơ đến trước mặt anh.
“Làm gì thế?” Từ Dân Thành nhìn cô.
“Tôi là phóng viên của Đài truyền hình tỉnh C, anh có thể dành chút thời gian cho tôi phỏng vấn được không?” Cô hỏi.
Từ Dân Thành nói: “Không thể.”
“Chú à, làm ơn đi, đây là lần đầu tiên cháu đi phỏng vấn đó.”
Cô như một đứa trẻ, đứng chắn trước mặt anh, bướng bỉnh cầu xin anh.
Từ Dân Thành rất bài xích máy quay.
Nhìn những chiếc máy quay sau lưng và cây bút ghi âm trên tay cô, anh bỗng cảm thấy cả người khó chịu.
“Tôi không có thời gian, cô tìm người khác đi.” Từ Dân Thành nói.
“Vậy cảm ơn chú.” Cô bé nói với vẻ đầy thất vọng.
Từ Dân Thành bỏ đi không ngoái đầu lại.
Chưa đi được vài bước, anh nghe thấy cô kéo một người khác nói lời tương tự.
Kỳ thật qua nhiều năm như vậy, Từ Dân Thành đã quen với cảnh này.
Hàng tháng sẽ có phóng viên, các đài truyền hình, báo chí và cổng thông tin đến huyện S.
Từ Dân Thành thường xuyên gặp những người khiêng máy quay và cầm theo bút ghi âm, mỗi lần gặp phải họ anh đều tránh đi.
Lần này thật không may, thế mà lại đụng phải.
Từ Dân Thành đi bộ đến Trạm phòng chống AIDS của huyện S. Gần đây, anh đang trông coi một người đàn ông trung niên đã hơn năm mươi tuổi.
Hiện giờ ông ấy nằm liệt trên giường không cử động được, cũng không có người thân nào quan tâm đến ông ấy.
Từ Dân Thành đi đến phòng bệnh nặng, ông ấy mỉm cười chào hỏi với anh.
Từ Dân Thành cũng cười với ông.
Ông ấy nói: “Sắp hết năm rồi.”
Từ Dân Thành gật đầu. “Vâng, lại một năm nữa đã trôi qua.”
Ông ấy lại nói: “Ôi! Ngày trước chú còn ngồi ăn sủi cảo với mẹ già, con trai chú, vợ chú đều ở đó… Bây giờ thì không còn gì nữa.”
Từ Dân Thành nhấp môi không nói gì.
**
Đây như là cú sốc rất lớn đối với một người mới.
Cô hơi chán nản.
May mắn thay, anh trai quay phim đi cùng an ủi cô mấy câu, không thì cô đã khóc nhè rồi.
Vất vả lắm mới phỏng vấn được một bác gái nhiệt tình, cuối cùng Thẩm Oánh cũng nhận được một chút khích lệ.
Bác gái kia có vẻ đã quen với việc nhìn thấy các phóng viên nên không hề rụt rè khi đối diện với ống kính.
Cuộc phỏng vấn kéo dài nửa giờ nhanh chóng kết thúc.
Sau khi ghi hình xong, bác gái đưa Thẩm Oánh và nhóm của cô đến nơi chăm sóc bệnh nhân AIDS thuộc trạm phòng chống dịch của huyện.
“Ở đây đều là người nhiễm bệnh lúc đó.”
Lúc nói câu này, giọng điệu của bác gái hơi thê lương.
Người bác gái này cũng là bệnh nhân AIDS đã mắc bệnh rất nhiều năm.
Nhiều năm như vậy đều sống dựa vào thuốc chữa bệnh được trợ cấp.
Thẩm Oánh được đưa đến phòng bệnh, cô cắm micro vào máy quay rồi chuẩn bị phỏng vấn từng bệnh nhân ở đây.
Lúc Từ Dân Thành nhìn thấy Thẩm Oánh, anh hơi bực bội.
Anh khá khó chịu với những phóng viên như vậy.
Những người như bọn họ, đứng trên đỉnh cao của đạo đức phán xét đủ thứ về những người như anh.
Thẩm Oánh ngồi xuống trước mặt một bệnh nhân rồi bắt đầu phỏng vấn anh ta.
Mọi người xung quanh thấy có phóng viên đến thì lập tức ngừng nói chuyện.
Mọi người đều nhìn Thẩm Oánh và người được cô phỏng vấn, bao gồm cả Từ Dân Thành.
**
“Một lần hiến máu được bao nhiêu tiền ạ?”
“Bốn mươi lăm tệ.”
“Vậy lúc nhiều tiền nhất là bao nhiêu?”
“Không có, chúng tôi là nông dân, bốn mươi lăm tệ có thể dùng cho vài tháng, bọn nhỏ lại phải đi học, lúc ấy là vì kiếm tiền nên mới bán.”
“Lúc đó chú có bao giờ nghĩ đến chuyện sẽ mắc phải căn bệnh này chưa?”
“Tôi chưa từng nghĩ tới, chưa từng nghĩ tới… Bây giờ có hối hận cũng đã muộn.”
Sau khi phỏng vấn xong một người, Thẩm Oánh đi tìm người tiếp theo.
Thật trùng hợp, người mà Thẩm Oánh đang tìm lần này vừa vặn lại là người được Từ Dân Thành trông nom.
Lúc cầm micro đi ngang qua, Thẩm Oánh nhìn thấy Từ Dân Thành.
Từ Dân Thành là người rất bắt mắt, vì vậy trong nháy mắt Thẩm Oánh đã nhận ra anh.
Người chú đã từ chối cho cô phỏng vấn lúc nãy.
Cô gái nhỏ hơn hai mươi vẫn có chút thù dai.
Tất nhiên cô sẽ không thích người mới vừa từ chối mình.
**
Người đàn ông trung niên mà Thẩm Oánh phỏng vấn họ Trương, ngoài năm mươi tuổi và được chẩn đoán mắc bệnh AIDS đã 5 năm.
“Tại sao lúc đó chú lại bán cái này ạ?”
“Ai, là vì tôi không có tiền. Lúc đó con trai tôi đậu vào cấp ba, tôi mừng quá nên làm vậy cho nó được đi học.”
“Vì cho con được đi học nên tiền này đến cũng nhanh mà đi cũng nhanh, đúng không ạ?”
“Đúng vậy, đúng vậy, xắn tay áo làm giàu là những gì người đứng rút máu nói lúc ấy.”
“Hồi đó mọi người rút máu thế nào?”
“Anh ta lấy một cái lọ, rút ra rồi lại cho vào.”
“Vậy cái lọ này có được khử sạch không ạ? Hay là nhiều người cùng sử dụng một cái?”
“Không rửa sạch, mỗi ngày rửa một lần là tốt lắm rồi. Rút xong người này là đến người kia, có khi mỗi ngày chỉ dùng một cây kim.”
“Đã bao giờ chú nghĩ đến việc mất vệ sinh chưa?”
“Lúc đó tôi không nghĩ đến điều đó. Vì chúng tôi chỉ là nông dân, mấy ai hiểu nhiều như vậy, chỉ biết có thể kiếm được tiền mà thôi.”
“Vậy chú —”
Thẩm Oánh đang định hỏi vấn đề tiếp theo thì bị một giọng nói sắc bén cắt ngang.
“Xong chưa?”
Thẩm Oánh ngạc nhiên nhìn người đàn ông cao lớn kia.
Từ Dân Thành đá rơi máy quay phim ở đối diện rồi quát: “Các người hỏi đủ chưa? Các người hỏi tới hỏi lui có giải quyết được gì không?”